Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang chủLý LuậnVăn học nghệ thuật: Một năm nhìn lại

Văn học nghệ thuật: Một năm nhìn lại

23
Tác giả: Huyền Thương
Ngày 12/1, tại Bạc Liêu, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam long trọng tổ chức Hội nghị Ủy ban toàn quốc lần thứ 3 (khóa X) Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Văn học nghệ thuật: Một năm nhìn lại - 1

Tiết mục văn nghệ chào mừng. Ảnh: Huyền Thương

Hội nghị có sự tham dự của đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Phan Thanh Duy, tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu; đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương. Cùng các thành viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, đại diện các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố.

Hội nghị được tiến hành dưới dự chủ trì của PGS. TS, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; TS. Đoàn Thanh Nô, Phó Bí thư Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; NSND. Họa sĩ Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Văn học nghệ thuật Việt Nam Việt Nam; Nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Phó Chủ tịch Liên hiệp, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam; NSND Trần Quốc Chiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội; NSNA Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Văn học nghệ thuật: Một năm nhìn lại - 2

Các đại biểu chủ trì Hội nghị. Ảnh: Huyền Thương

Một năm đầy dấu ấn của văn học nghệ thuật

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, năm 2023 là năm Đảng đoàn thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như: tư vấn, phản biện xã hội, tham gia tổng kết Nghị quyết của Đảng, từ đó có những ý kiến, tổng kết, đóng góp thiết thực với các cơ quan quản lý trong tham mưu chủ trương của Đảng, xây dựng chính sách của Nhà nước cho văn hoá nói chung và hoạt động văn học nghệ thuật nói riêng.

Văn học nghệ thuật: Một năm nhìn lại - 3

PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Huyền Thương

Năm 2023 cũng là năm các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) chuyên ngành Trung ương và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (Liên hiệp) triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội được hơn nửa nhiệm kỳ với nhiều hoạt động sôi nổi, chủ động, sáng tạo, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt về hoạt động chuyên ngành, triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, rộng khắp trong cả nước.

Có thể kể đến một số hoạt động tiêu biểu ở các Hội chuyên ngành Trung ương như: Chương trình nghệ thuật Đàn Chim Việt kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhạc sĩ – Thi sĩ – Họa sĩ Văn Cao, Liên hoan âm nhạc toàn quốc tại An Giang và Hà Giang của Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Chuỗi hoạt động về Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21, Hội nghị nhà văn lão thành và các hội nghị về văn học ở các khu vực trong cả nước của Hội Nhà văn Việt Nam; Triển lãm mỹ thuật khu vực của Hội Mỹ thuật; Triển lãm ảnh nghệ thuật Tự hào một dải biên cương và Tổ quốc bên bờ sóng của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; Liên hoan sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ nhất nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật dù kê Khmer Nam Bộ cũng như các giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống khác của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam;…

Đặc biệt, công tác đối ngoại nhân cũng được các Hội kết nối lại, thực hiện ở hầu hết các Hội chuyên ngành Trung ương với những mối quan hệ lâu dài và cả thiết lập những mối quan hệ mới, hoạt động sôi nổi với những kết quả đáng khích lệ. Ban đối ngoại Trung ương đã tặng Bằng khen cho Hội Nhà văn Việt Nam  trên lĩnh vực Hoà bình, kết nối, hữu nghị; Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam trên lĩnh vực Thông tin, tuyên tuyền đối ngoại; Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trên lĩnh vực Đấu tranh, vận động bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Văn học nghệ thuật: Một năm nhìn lại - 4

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Huyền Thương

Bên cạnh những thuận lợi, những thành quả đã đạt được, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng chỉ ra một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng không ít đến hoạt động của các Hội từ Trung ương đến địa phương như: Nghị định mới thay thế Nghị định 45-NĐ/CP về hoạt động quản lý Hội chưa được thông qua; cơ chế cho việc sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ sáng tạo vẫn chưa được ban hành; tạp chí văn nghệ còn khó khăn về kinh phí hoạt động, cơ chế hoạt động và nhân sự lãnh đạo…

Và hơn hết là làm thế nào để tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay; góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa, văn nghệ của đất nước vẫn là một câu hỏi lớn đối với mỗi văn nghệ sĩ chúng ta?, PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trăn trở.

Để công tác văn học nghệ thuật đạt hiệu quả

TS. Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhận định, năm 2023, mặc dù vẫn có những khó khăn riêng theo đặc thù, nhưng nhìn chung, hoạt động văn học nghệ thuật ở các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố được nâng lên một bước rõ rệt.

Văn học nghệ thuật: Một năm nhìn lại - 5

TS. Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu. Ảnh: Huyền Thương

Khu vực 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì giao ban, hội thảo hàng tháng, phát huy tích cực, có hiệu quả chương trình liên kết bền chặt qua nhiều năm. Khu vực Đông Nam bộ bước đầu đã có sự giao lưu tích cực, triển khai nhiều hoạt động phối hợp có hiệu quả như tổ chức các cuộc thi, hội thảo. Khu vực miền Trung đã có sự liên kết chặt chẽ hơn trước, các cuộc giao ban báo chí của 6 tỉnh Bắc miền Trung được tổ chức đều đặn hàng chục năm nay góp phần cho việc đổi mới, nâng cao chất lượng báo chí văn học nghệ thuật.

Khu vực Đồng bằng Bắc bộ, khu vực Tây Bắc, Việt Bắc tổ chức nhiều cuộc hội thảo nhằm nâng cao nội dung tạp chí văn nghệ hoặc tìm những giải pháp để có hiệu quả trong sưu tầm văn hóa, văn học nghệ thuật dân tộc. Khu vực Tây Nguyên có sự tượng hỗ lẫn nhau trong tổ chức các hoạt động Hội.

Sự liên kết theo chuyên đề cũng được các Hội vùng kinh đô xưa như Phú Thọ, Hà Nội, Ninh Bình, Thừa Thiên – Huế duy trì và đổi mới về chủ đề cũng như cách thức thực hiện. Đã và bắt đầu hình thành giải các khu vực cho các loại hình văn học nghệ thuật để kịp thời khẳng định, động viên các tác giả có tác phẩm tốt đóng góp cho tỉnh nhà, cho khu vực, TS. Đoàn Thanh Nô cho hay.

Tham luận tại Hội nghị, Nghệ nhân Ưu tú đờn ca tài tử Đỗ Ngọc Ẩn – Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu cho rằng, để công tác liên kết vùng được diễn ra thực sự có hiệu quả, các Hội VHNT tỉnh, thành phố rất cần sự quan tâm, hướng dẫn nhiều hơn nữa từ phía các Hội VHNT Trung ương như về chuyên môn các chuyên ngành văn học nghệ thuật, hướng dẫn triển khai các cuộc thi, liên hoan và mong muốn nhận được sự thẩm định tác phẩm của các hội trung ương.

Văn học nghệ thuật: Một năm nhìn lại - 6

Nghệ nhân Ưu tú đờn ca tài tử Đỗ Ngọc Ẩn – Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu phát biểu. Ảnh: Huyền Thương

Khẳng định liên kết vùng có tác dụng lớn, không chỉ mang đến sự hội tụ, mà còn tạo nên sức mạnh, nhà văn Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương chia sẻ: Tôi nhớ đã từng đọc một câu ngạn ngữ: “Muốn đi nhanh hãy đi một mình. Còn muốn đi xa hãy đi cùng nhau”, trong sự phát triển của văn học nghệ thuật, nhu cầu sáng tạo là của đơn lẻ các cá nhân, đó chính là hành trình “đi một mình” trong sự sáng tạo để làm nên giá trị khu biệt, độc đáo trong sự nghiệp sáng tác của mỗi tác giả.

Nhưng để giá trị sáng tạo của từng tác giả lan xa, bay cao lại rất cần các hoạt động tổ chức quảng bá, giới thiệu, thậm chí là sự đồng cảm sẻ chia từ việc tìm đề tài, lấy tư liệu đến tạo cảm hứng. Quá trình đó tôi tạm gọi là “liên kết lại để đi xa”, đi một cách bền vững để lan tỏa thành tựu và cảm hứng của từng cá nhân tới mọi người. Nói nghe có vẻ khó hiểu vậy nhưng nôm na là sự đồng hành trong công tác tổ chức các hoạt động để văn học nghệ thuật lan tỏa, bay xa, thực sự đi vào đời sống.

Để phát huy được tính chủ động trong Liên kết vùng để tổ chức các hoạt động văn học nghệ thuật, nhà văn Trương Thị Thương Huyền nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân tố “thủ lĩnh”, người đứng đầu của các nhóm, vùng liên kết.

Văn học nghệ thuật: Một năm nhìn lại - 7

Nhà văn Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương phát biểu. Ảnh: Huyền Thương

Tham luận về vấn đề kinh phí hỗ trợ văn học nghệ thuật, KTS Nguyễn Trường Lưu, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Kinh phí hỗ trợ hoạt động văn học nghệ thuật trước hết không phải loại sách chính trị, nghị quyết, tuyên truyền đường lối của Đảng, Nhà nước,… được xuất bản để cán bộ, công nhân viên và người dân học tập (loại sách không bán).

Văn học nghệ thuật: Một năm nhìn lại - 8

KTS Nguyễn Trường Lưu, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP. Hồ Chí Minh phát biểu về kinh phí hỗ trợ văn học nghệ thuật. Ảnh: Huyền Thương

Để cho kinh phí hỗ trợ hoạt động văn học nghệ thuật có hiệu quả, theo KTS Nguyễn Trường Lưu chúng ta nên nhìn việc đầu tư cho văn học nghệ thuật theo nền “kinh tế thị trường” theo kiến nghị, đề xuất như: trong kinh phí hỗ trợ về văn học nghệ thuật chúng ta nên đầu tư bước 1 có thể gọi là đầu tư có rủi ro, kinh phí đầu tư này chỉ chiếm khoảng 25% – 30% trên toàn bộ kinh phí hỗ trợ đầu tư. Kinh phí này được sử dụng cho những tác phẩm có đề cương, có bản thảo, có đề án,… được đánh giá tốt. Sau đó tác giả tự bỏ kinh phí để thực hiện tác phẩm như in sách, vẽ tranh, dàn dựng chương trình biểu diễn,…

Nếu tác phẩm sau khi phổ biến được xã hội, công chúng, hội đồng nghệ thuật các chuyên ngành đánh giá cao về tính tư tưởng và nghệ thuật thì phần kinh phí còn lại từ 70% – 80% sẽ thưởng cho tác giả và các chương trình biểu diễn,… còn các tác phẩm không được xã hội, cộng đồng và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành đánh giá cao thì không được thưởng (Nhà nước không mất phần tiền đầu tư còn lại).

Văn học nghệ thuật: Một năm nhìn lại - 9

Hội nghị là dịp để nhìn lại công tác văn học nghệ thuật năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ảnh: Huyền Thương

Triển khai nhiệm vụ chủ yếu năm 2024

Tại Hội nghị, các đại biểu nhận định, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng của nhiệm kỳ, là năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương về Đại hội các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Đảng đoàn và Thường trực Đoàn Chủ tịch đề nghị các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, các Hội VHNT tỉnh, thành phố tập trung, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực văn hoá, văn học nghệ thuật; các ý kiến kết luận, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trọng tâm là tinh thần của Kết luận Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Đảng đoàn, Thường trực Đoàn Chủ tịch lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức thành viên tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sáng tác về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đi vào chiều sâu, có chất lượng.

Các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố lập kế hoạch học tập, quán triệt Nghị quyết 43- NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Tham gia thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 – 2035” về những lĩnh vực liên quan đến Văn học nghệ thuật.

Tiếp tục các hoạt động hướng tới tổng kết Văn học nghệ thuật 50 năm ngày đất nước thống nhất (1975 – 2025) với chủ đề “Bài ca thống nhất non sông”. Đổi mới và nâng cao chất lượng Trại sáng tác theo hướng tổ chức Trại sáng tác theo chuyên ngành liên vùng, tạo sự giao lưu, trao đổi giữa các văn nghệ sĩ trong khu vực; Tăng cường công tác thâm nhập thực tế cho tác giả dự Trại sáng tác.

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Huyền Thương

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc toàn giới văn học nghệ thuật đã có những chuyển động mới, với nhiều mặt tích cực, đáng được ghi nhận. Tinh thần, quyết tâm, khát vọng trong toàn giới văn học nghệ thuật đang dần được nâng cao, chúng tôi nhận thấy, các hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương đang nhìn nhau để thi đua, các hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố cũng đang nhìn nhau để phấn đấu. Đặc biệt, trong toàn ngành có sự truyền cảm hứng, niềm tin tưởng ở những phát biểu chỉ đạo của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Những kế hoạch, hoạt động được đề ra đang được Liên hiệp và các Hội thực hiện một cách rất hào hứng, thể hiện bằng việc mang những việc làm đó, gắn chặt vào chương trình công tác của mình”.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Huyền Thương

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ mong muốn, các chủ trương đó sẽ ngày càng được cụ thể hóa, được Liên hiệp, các Hội VHNT Trung ương và các Hội VHNT tỉnh, thành phố sẽ triển khai thực hiện tốt hơn, để trong thời gian tới, khi đất nước có nhiều hoạt động kỷ niệm quan trọng, văn học nghệ thuật sẽ góp phần tạo nên thành công cho những hoạt động này.

(Nguồn: https://arttimes.vn/)
BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN