Thứ Bảy, Tháng Mười 12, 2024
Trang chủLý LuậnĐào tạo đàn tranh tại Học viện Âm nhạc Huế - Một...

Đào tạo đàn tranh tại Học viện Âm nhạc Huế – Một số đề xuất nâng cao nhận thức thẩm mỹ âm nhạc truyền thống

13

Cây đàn tranh được xem là mạch máu kết nối các bộ phận, tạo nên một cơ thể âm nhạc truyền thống hoàn chỉnh, lột tả được tiếng nói, tâm tư tình cảm, tinh thần thẩm mỹ của người Việt thông qua tiếng vuốt nhấn luyến đầy tinh tế. Qua quá trình giảng dạy đàn tranh tại Học viện Âm nhạc Huế, chúng tôi nhận thấy, có một số vấn đề liên quan đến nghệ thuật biểu diễn đàn tranh thông qua nhận thức thẩm mỹ âm nhạc truyền thống cần được Nhà nước quan tâm hơn, đưa ra các cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức thẩm mỹ âm nhạc truyền thống trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.

 

Biểu diễn đàn tranh – Nguồn: tác giả

Cùng với sự nghiệp giáo dục, văn hóa, xã hội cũng đ­ ược Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, bởi văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển xã hội. Học viện Âm nhạc Huế là 1 trong 3 học viện đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trên cả nước, thuộc Bộ VHTTDL. Trong hơn 60 năm qua, Nhà trư­ ờng đã đào tạo đ­ ược nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhạc sĩ, giảng viên, giáo viên, diễn viên cho các cơ sở văn hóa, đoàn nghệ thuật, trường nghệ thuật chuyên nghiệp, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Trong sự nghiệp đổi mới giáo dục, để thực hiện nhiệm vụ của Đảng và Nhà n­ ước, Học viện Âm nhạc Huế ngày càng phải quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp đào tạo nhân lực, cung cấp nhân tài cho đất nước, hoàn thiện hệ thống chư­ ơng trình, giáo trình các môn học…

Cùng nhiều chuyên ngành khác, đàn tranh là một trong những chuyên ngành giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp đào tạo của Khoa Âm nhạc Di sản – Truyền thống, cũng nh­ ư của Trư­ ờng, đã tham gia nhiều ch­ ương trình biểu diễn độc tấu và hòa tấu trong và ngoài nước. Từ những ngày thành lập cho đến nay, bộ môn Đàn tranh đã đào tạo đ­ ược nhiều thế hệ nghệ sĩ, giảng viên và nhạc công có chất l­ ượng cao.

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng đã chỉ ra vai trò cấp bách trong công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc. Nước ta đang trong thời kỳ mở cửa, hội nhập với bè bạn 5 châu, chúng ta phải nỗ lực nhằm xây dựng một nền văn hóa dân tộc nói chung, âm nhạc truyền thống nói riêng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Với mục đích đó, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao nhận thức thẩm mỹ âm nhạc truyền thống trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.

1. Đào tạo đàn tranh tại Học viện Âm nhạc Huế

Hiện tại, đội ngũ giảng viên đàn tranh của Học viện Âm nhạc Huế gồm 4 giảng viên cơ hữu, trong đó 2 tiến sĩ tốt nghiệp trong nước và nước ngoài, 2 thạc sĩ tốt nghiệp trong nước. So với đội ngũ giảng viên cơ hữu này, số lượng gần 30 học sinh, sinh viên như hiện nay là chưa nhiều. Đa số học sinh, sinh viên đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, dựa vào chính sách của Nhà nước như miễn, giảm học phí. Số ít trong đó là con em, cháu của một số nghệ nhân làm trong nghề. Phần đông đầu vào từ bậc trung cấp ngắn hạn 4 năm và dài hạn 6 năm, chiếm tỷ lệ cao hơn đại học. Cụ thể, năm học 2023-2024, bộ môn đàn tranh tuyển được 11 em hệ trung cấp (chiếm 100%), không có đại học (0%). Hiện nay, các em được bố mẹ định hướng vào trường với mục đích rèn luyện kỹ năng hơn là theo con đường chuyên nghiệp, đa số chọn học đến lớp 12 sẽ rẽ sang hướng khác, tìm một chuyên ngành tại các trường đại học khác.

NSUT Hải Phượng xem đàn tranh là cuộc sống thứ 2 của mình

Bộ môn đàn tranh cùng Khoa Âm nhạc Di sản – Truyền thống đã tham gia biểu diễn nhiều chương trình lớn trong và ngoài n­ ước; các lễ hội dân gian, truyền thống, các ngày lễ lớn của dân tộc, biểu diễn ở các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, tham gia các cuộc thi toàn quốc… Một số giảng viên đàn tranh cùng với tốp nhạc dân tộc trong trường đã tham gia biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới như: Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp… và tham gia các cuộc thi chuyên nghiệp toàn quốc đạt kết quả cao.

Với những thành tựu đạt được và những vấn đề khó khăn trong tuyển sinh hiện nay, khi mà sức nóng của các ngành học và trường học quá lớn, việc ảnh hưởng chất lượng và số lượng tuyển sinh là một trong những vấn đề nhức nhối tại Học viện Âm nhạc Huế. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức và thẩm mỹ âm nhạc truyền thống trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng hiện nay thực sự cần thiết, nhằm giải quyết nhiều vấn đề cấp bách trong thời điểm hiện nay của Nhà trường nói chung và bộ môn Đàn tranh nói riêng.

2. Nâng cao nhận thức thẩm mỹ âm nhạc truyền thống thông qua cây đàn tranh trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng

Mặc dù cây đàn tranh được du nhập từ nước ngoài, nhưng qua quá trình phát triển lâu dài tại Việt Nam nó được đánh giá là một trong những nhạc cụ truyền thống có tầm quan trọng trong các dàn nhạc truyền thống và hiện đại hiện nay. Cây đàn tranh với những ưu thế v­ ượt trội, tính năng động, khả năng thích ứng cao đã đáp ứng đư­ ợc nhu cầu thẩm mỹ của thời đại và ngày càng trở nên gắn bó với ngư­ ời dân Việt Nam. Đàn tranh xuất hiện ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, từ thành phố đến đồng bằng, từ các trung tâm văn hóa tỉnh, đoàn nghệ thuật không chuyên, ban nhạc dân gian trong các lễ hội đến đoàn nghệ thuật Trung ương và địa phư­ ơng. Nếu như trư­ ớc đây, đàn tranh chỉ xuất hiện trong các nhóm nhạc/ ban nhạc, dàn nhạc cung đình với vai trò hòa tấu hoặc đệm cho hát, thì vài thập niên trở lại đây, cùng với việc cải tiến và đ­ ược đào tạo một cách chính quy trong các học viện âm nhạc, nhạc viện và các trường âm nhạc chuyên nghiệp, đàn tranh đã trở thành một nhạc cụ độc tấu trên sân khấu âm nhạc chuyên nghiệp. Với âm sắc đẹp, âm thanh trong trẻo, thánh thót, khả năng diễn tấu tinh tế, đàn tranh có thể thể hiện được nhiều thể loại âm nhạc khác nhau cũng như­ có nhiều hình thức biểu diễn đa dạng, phong phú, thể hiện cụ thể qua các cuộc thi hòa tấu, độc tấu chuyên nghiệp, hoặc các tụ điểm âm nhạc chuyên và không chuyên trên khắp cả nước.

Hiện nay, khi xã hội ngày càng phát triển cùng với nhiều loại hình văn hóa ngoại lai xâm nhập vào Việt Nam, có nhiều biến động đang tác động vào đời sống của mỗi cá nhân. Chúng ta cần nhìn lại sức ảnh hưởng trực tiếp từ các trường giảng dạy âm nhạc chuyên và không chuyên, các trung tâm, lò luyện… cho đến biểu diễn tại các tụ điểm.

Các địa điểm giảng dạy chuyên và không chuyên

Các trường chuyên nghiệp: Học viện Âm nhạc Huế là một trong những môi trường giảng dạy chuyên nghiệp, chủ chốt về âm nhạc truyền thống. Cần tạo sân chơi thể hiện tài năng thông qua các cuộc thi thố, biểu diễn cho các em học sinh, sinh viên khi đang ngồi trên ghế nhà trường, tạo điều kiện hình thành phong cách biểu diễn, bản lĩnh sân khấu và có cơ hội cọ sát chuyên môn cùng với các trường trong địa bàn và cả nước. Cụ thể, tại Khoa Âm nhạc Di sản – Truyền thống, Học viện Âm nhạc Huế trong đợt hè vừa qua đã có những hoạt động đáng chú ý như dàn dựng chương trình biểu diễn phù hợp với từng lứa tuổi, sở thích của các em khi đến nói chuyện và biểu diễn tại các trường phổ thông cấp 1, 2. Đồng thời, kết hợp với những trò chơi và câu đố đơn giản tạo được cảm giác thân thiện, gần gũi, nhằm lan tỏa giá trị âm nhạc truyền thống nói chung và cây đàn tranh nói riêng đến với cộng đồng nhỏ tuổi, với mong muốn nhen nhóm tình yêu âm nhạc truyền thống đến với các em, thay đổi nhận thức trong hình thành và phát triển niềm đam mê của các em sau này. Bên cạnh đó, Nhà trường đã tham gia một số cuộc thi dành cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp, tham gia biểu diễn các buổi giao lưu, hợp tác trong và ngoài nước đạt kết quả ngoài mong đợi.

Với những bề nổi này, chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách thực tế hơn, cần nhân rộng và phát huy nhiều hơn nữa với những thế mạnh hiện có, nhằm đảm bảo chất lượng hiệu quả trong công tác tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực. Trước mắt phải có nhiều hơn nữa các hoạt động thu hút nhằm quảng bá tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng, các buổi biểu diễn gần gũi với công chúng, thực tế với nhu cầu thẩm mỹ, trình độ cảm thụ âm nhạc của đại đa số khán giả hiện nay.

Việc đầu tư nâng cao nguồn nhân lực hiện có của Nhà trường là việc làm thiết thực, tạo điều kiện cho các giảng viên nâng cao tay nghề thường xuyên, nhằm đáp ứng với nhu cầu của xã hội, đi đúng hướng và đảm bảo chất lượng kết hợp giữa yếu tố bác học và nhu cầu thẩm mỹ âm nhạc của công chúng. Không nên quá áp đặt theo chương trình dạy học của Bộ, nên kết hợp và linh động với nhu cầu của người học tại địa phương, để sau khi ra trường có thể phát huy các thế mạnh, đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra đáp ứng nhu cầu cho xã hội.

Đồng thời, việc quy định chi trả tiền giờ cho các giảng viên, nghệ sĩ, nghệ nhân cần chú trọng hơn, nhằm đảm bảo được đời sống tinh thần và vật chất, để họ an tâm với sứ mệnh truyền dạy, lan tỏa, truyền cảm hứng đến toàn xã hội.

Các địa điểm giảng dạy không chuyên: Tại thành phố Huế hiện nay có 2 câu lạc bộ đang góp sức lan tỏa mạnh mẽ tình yêu cây đàn tranh đến với công chúng, góp phần xây dựng nền tảng, tạo nguồn tuyển sinh cho các trường âm nhạc chuyên nghiệp trong tỉnh, đó là: Câu lạc bộ Dương Tranh thuộc Nhà thiếu nhi Huế và Câu lạc bộ Duyên Tranh thuộc Câu lạc bộ Ca Huế Phú Xuân. Nơi đây được hội tụ bởi thành phần đa dạng từ học sinh, sinh viên, giảng viên, hưu trí và những người đam mê với nhiều lứa tuổi khác nhau. Để phát triển được câu lạc bộ một cách vững chắc, chủ nhiệm câu lạc bộ cần phải là người thật sự tâm huyết, luôn cập nhật những bài bản thịnh hành phù hợp với thị hiếu người học, thường xuyên tạo điều kiện biểu diễn cho các học viên được trao đổi kỹ năng và phong cách biểu diễn, lôi cuốn người học ngày càng đam mê. Mặc dù phải bỏ nhiều công sức và tâm huyết, nhưng học phí thu được rất ít, thậm chí dạy miễn phí cho nhiều đối tượng nhằm thu hút nhiều người theo học.

Chính vì vậy, Nhà nước cần quan tâm hơn đến chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với công tác giảng dạy không chuyên tại các câu lạc bộ đàn tranh trong và ngoài Nhà trường. Bởi, đây là lực lượng người học quan trọng, là đội ngũ nòng cốt chiếm tỷ lệ cao trong việc đăng ký tuyển sinh đầu vào tại các trường âm nhạc trên địa bàn và tạo nguồn nhân lực nhí về bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống. Bởi từ những hoạt động không chuyên này, chúng ta cũng cần uốn nắn, tạo điều kiện cho các em được tham gia nhiều sân chơi, thể hiện năng lực qua nhiều góc độ.

Các cấp lãnh đạo cần có những chính sách cụ thể như hỗ trợ tinh thần, kinh phí, sân chơi, tạo điều kiện cho các em được tham gia biểu diễn, tổ chức nhiều cuộc thi không chuyên lành mạnh nhằm lan tỏa giá trị âm nhạc truyền thống nói chung và đàn tranh nói riêng.

Một số tụ điểm biểu diễn

Huế là điểm đến thú vị cho nhiều du khách, khi đến đây mọi người không những được thăm thú nhiều cảnh đẹp từ các lăng tẩm, đền đài và những kiến trúc cố đô được lưu giữ cẩn thận của người dân xứ Huế, thưởng thức ẩm thực tại một số nhà hàng khách sạn và đi thuyền thưởng ngoạn nhìn ngắm sông Hương lắng nghe âm nhạc truyền thống. Mỗi buổi biểu diễn như thế, không thể thiếu vắng cây đàn tranh, bởi sự duyên dáng trong hình thức cây đàn, lẫn tiếng đàn tranh thanh tao, sang trọng.

Đứng giữa sự cạnh tranh về những giá trị vốn có của nghệ thuật đàn tranh, môi trường du lịch cũng đang gặp phải những thách thức như nhu cầu đội ngũ biểu diễn cần trẻ hóa, lấy hình thức bên ngoài làm thước đo nên chất lượng khó đảm bảo. Bởi, trong một số chương trình biểu diễn chỉ cần có nhạc công trẻ, đẹp là đủ, có thể chỉ cần chơi những bài bản nhỏ, tay đàn non nớt, kỹ thuật chưa đủ để trình diễn các bài bản, tác phẩm lớn. Điều này gây nên sự phản cảm cho khán giả có “gu”, làm ảnh hưởng cách nhìn lệch hướng về cây đàn tranh đối với công chúng. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức và thẩm mỹ âm nhạc truyền thống thông qua cây đàn tranh trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng là rất cần thiết.

Thiết nghĩ, lãnh đạo các cấp liên quan cần quan tâm theo dõi, hỗ trợ sân chơi, cung cấp địa điểm hoạt động, nhân rộng mô hình, nhằm tạo điều kiện quảng bá tuyên truyền đến đông đảo người dân, nhằm lưu giữ giá trị âm nhạc truyền thống nói chung và cây đàn tranh nói riêng.

Nâng cao nhận thức và thẩm mỹ âm nhạc truyền thống

Xã hội ngày càng phát triển, thẩm mỹ thưởng thức âm nhạc so với trước cũng bị thay đổi nhiều. Ngày xưa, khi nghe âm nhạc thính phòng, nghe nhạc cụ truyền thống, người ta thường ngồi trong những gian phòng ấm áp, không gian yên lắng, không bị quấy nhiễu bởi sự phát triển các thiết bị công nghệ nên tiếng đàn được diễn tả sâu lắng, biểu đạt chủ yếu vào phần luyến láy, nói lên cõi lòng, thổ lộ tâm tư tình cảm trong từng tác phẩm, bài bản…

Ngày nay, nhu cầu của nhịp sống hiện đại ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý, cách nhìn và lối thưởng ngoạn. Cuộc sống trở nên vội vàng, các thiết bị công nghệ thông minh có phần ảnh hưởng, làm cho con người trở nên vội vã hơn, với nhiều áp lực/ gánh nặng lo toan trong cuộc sống, song hành cùng những thú vui ngày càng có nhiều lựa chọn. Phải chăng những yếu tố này ít nhiều làm khán giả giảm bớt sự nhẫn nại để lắng nghe một buổi hòa tấu, độc tấu âm nhạc dân tộc truyền thống, mà trở nên “dễ tính” hơn khi muốn nghe những tác phẩm có tiết tấu vui nhộn, mang tính phổ biến, nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình.

Minh chứng là, đa số các cuộc biểu diễn âm nhạc truyền thống dù mở cửa không bán vé vẫn được rất ít khán giả quan tâm. Điều này bắt nguồn từ việc “thẩm mỹ” âm nhạc của mỗi cá nhân cũng đang bị ảnh hưởng bởi những thể loại âm nhạc ngoại lai, với tiết tấu nhanh, sôi động, hình thức trình diễn bắt mắt, trang phục gợi cảm, phù hợp với thế giới hiện đại. Chính vì vậy, để nâng cao nhận thức và thẩm mỹ âm nhạc, cần thay đổi, làm mới và sáng tạo phong cách trình diễn, tạo sức hút với trang phục biểu diễn, các tác phẩm mới ngày càng hướng đến thị hiếu của khán giả, phát triển từ những bài bản cổ, lấy chất liệu của những bài bản dân ca nổi tiếng được nhiều người biết đến để phát triển, chuyển soạn…

Đề xuất một số giải pháp

Lan tỏa học đường bằng cách đến trực tiếp các trường học giới thiệu, nói chuyện chuyên đề về âm nhạc truyền thống nói chung và cây đàn tranh nói riêng nhằm khơi gợi, đánh thức tình yêu âm nhạc truyền thống qua từng tiếng đàn, lời nhạc.

Quy tụ những nhà giáo, nghệ sĩ, nghệ nhân… làm công tác giảng dạy, bảo tồn, lan tỏa giá trị âm nhạc truyền thống đặt tâm huyết xây dựng nền âm nhạc truyền thống ngày một phát triển mạnh mẽ hơn. Muốn làm được điều này việc quan trọng nhất là cần phải thành lập Hội Âm nhạc Di sản – Truyền thống Việt Nam.

Thường xuyên tổ chức các cuộc thi và biểu diễn âm nhạc truyền thống nói chung và đàn tranh nói riêng với nhiều sân chơi có quy mô nhỏ, vừa, rộng lớn tại các trường học chuyên và không chuyên, các xóm làng, quận huyện, phường xã, tỉnh thành… Đưa Âm nhạc Di sản – Truyền thống đến gần hơn với toàn thể nhân dân.

Làm được những điều trên rất cần sự chung tay, tạo điều kiện từ các ban, ngành liên quan cung cấp địa điểm trình diễn, giảng dạy… hỗ trợ về các mặt thủ tục cần thiết.

Với những chính sách hỗ trợ được ban hành qua nhiều văn bản, vẫn cần quan tâm hơn nữa về việc thiết lập hệ thống chính sách hỗ trợ cho những con người đang làm nhiệm vụ lan tỏa giá trị âm nhạc truyền thống, góp phần nâng cao chất lượng đời sống để tạo niềm tin, động lực cống hiến hết mình cho nền âm nhạc di sản – truyền thống nước nhà.

Đẩy mạnh mảng tuyên truyền, truyền thông tin báo chí. Tuyên dương, ghi nhận về những việc làm của những người đã, đang công tác về âm nhạc di sản – truyền thống một cách rộng rãi hơn.

Chính sách hỗ trợ việc làm và chế độ ưu đãi dành cho đội ngũ giảng dạy, bảo tồn, lan tỏa âm nhạc di sản – truyền thống vẫn chưa được coi trọng, vì vậy cần có sự quan tâm đúng mức cho đội ngũ này.

Cần được mở rộng và thường xuyên hơn việc trao đổi, giao lưu học thuật trong và ngoài nước, nhằm phát hiện nhân tài và có kế hoạch bồi dưỡng kịp thời, tiếp nối con đường bảo tồn và phát huy nền âm nhạc di sản – truyền thống nước nhà ngày càng đi xa hơn, quảng bá rộng rãi đến bạn bè khắp năm châu.

Số lượng tác phẩm viết cho đàn tranh và âm nhạc truyền thống nói chung còn khiêm tốn, cần thường xuyên tổ chức các cuộc thi, kêu gọi các nhạc sĩ sáng tác nhiều tác phẩm có chất lượng cho các nhạc cụ truyền thống.

3. Kết luận

Đàn tranh là một trong những nhạc cụ được nhiều người quan tâm, đồng thời có nhiều công trình nghiên cứu khoa học so với các nhạc cụ truyền thống được đưa vào giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Huế. Mặc dù được du nhập từ bên ngoài, nhưng đến nay đàn tranh lại là nhạc cụ quan trọng, hiện diện và góp phần hình thành phong cách của nhiều thể loại âm nhạc truyền thống khác nhau trong lịch sử âm nhạc dân tộc và là nhạc cụ chủ đạo của dàn nhạc dân tộc đương đại, tham gia vào hầu hết các dàn nhạc thuộc các nghệ thuật trình diễn kịch hát truyền thống như chèo, tuồng, cải lương, ca kịch bài chòi, ca kịch Huế, kịch hát dân ca, ví giặm…

Cây đàn tranh hiện diện trong nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, người theo học đàn tranh thường đứng top đầu tại các trường chuyên nghiệp hoặc các trung tâm, câu lạc bộ… dạy đàn trên cả nước. Tuy vậy, việc phát huy quảng bá, tuyên truyền, nâng cao thẩm mỹ âm nhạc về nghệ thuật biểu diễn đàn tranh hầu như chưa được tập trung, chưa xứng tầm cũng như chưa đóng góp vào sự phát triển đàn tranh tại Học viện Âm nhạc Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.

Có thể thấy, chính sách, cơ chế nếu được xây dựng từ phía Nhà nước sẽ tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động biểu diễn âm nhạc dân tộc nói chung và đàn tranh nói riêng. Những giải pháp chính sách, cơ chế sẽ là tiền đề cho sự xây dựng, phát triển, nâng cao nhận thức và thẩm mỹ âm nhạc truyền thống trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.

_________________

Tài liệu tham khảo

1. Trần Thị Vân Anh, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Đời – những tác phẩm viết cho đàn tranh, Luận văn thạc sĩ, Nhạc viện TP.HCM, 2006.

2. Dương Thị Lan Hương, Đàn ca Huế Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Nhạc viện Thượng Hải, Trung Quốc, 2017.

3. Dương Thị Lan Hương, Giáo trình giảng dạy đàn tranh bậc đại học, 2020.

4. Hoàng Hương, Những sáng tạo nghệ thuật trong các tác phẩm mới viết cho đàn tranh Việt Nam, Luận văn thạc sĩ, Nhạc viện TP.HCM, 2002.

5. Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Giảng dạy các bài bản âm nhạc truyền thống Huế cho đàn tranh cho các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, Luận văn thạc sĩ, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, 2010.

6. Mai Lai, Khai thác kỹ năng diễn tấu tác phẩm mới cho đàn tranh và ứng dụng cho giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Luận văn thạc sĩ, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, 2008.

7. Phạm Trà My, Biên soạn giáo trình và giảng dạy đàn tranh bậc trung học dài hạn tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Luận văn thạc sĩ, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, 2006.

8. Nguyễn Thị Thanh Phương, Tìm hiểu một số tác phẩm viết cho đàn tranh độc tấu, Khóa luận tốt nghiệp đại học, chuyên ngành Lý luận âm nhạc, Nhạc viện Hà Nội, 1997.

9. Hải Phượng, Thử bàn về phương pháp giảng dạy đàn tranh trong trường chuyên nghiệp, Luận văn thạc sĩ, Nhạc viện TP.HCM, 2004.

10. Nguyễn Thanh Thủy, Bảo tồn – kế thừa nghệ thuật biểu diễn cổ truyền trong dạy và học đàn tranh, Luận văn thạc sĩ, Nhạc viện Hà Nội, 2002.

11. Võ Mai Phương Thùy, Đàn tranh thế hệ mới ở Việt Nam, Luận văn thạc sĩ, Nhạc viện TP.HCM, 2006.

12. Ngô Bích Vượng, Cây đàn tranh với bài bản tài tử – cải lương, Luận văn thạc sĩ Nghệ thuật học, Nhạc viện Hà Nội, 1999.

13. Vũ Thị Kim Yến, Những thành tựu phát triển của đàn tranh qua các thời kỳ tại Nhạc viện TP.HCM, Luận văn thạc sĩ, Nhạc viện TP.HCM, 2006.

TS DƯƠNG THỊ LAN HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 554, tháng 12-2023

Tác giả: TS DƯƠNG THỊ LAN HƯƠNG

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN