Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang chủLý LuậnMùa Xuân - Mùa của lễ hội

Mùa Xuân – Mùa của lễ hội

26
Tác giả: XUÂN TRƯỜNG

Ảnh minh họa: Xuân Trường

Mồng một chơi cửa, chơi nhà

Mồng hai chơi xóm, mồng ba chơi đình…

Câu ca dao trên không biết có tự bao giờ, nhưng nó đã cung cấp cho chúng ta một thông tin khá lý thú về phong tục Tết của người Việt Nam mấy ngàn năm nay. Tết, đặc biệt là Tết Nguyên đán, xưa cũng như nay, không chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình, mà đã mở rộng thành một sinh hoạt mang tính cộng đồng cao của làng xóm, phố phường. Ngày đầu năm, sau lễ cúng Tổ tiên, chúc thọ ông bà, cha mẹ, mừng tuổi cháu con trong gia đình, gia tộc, người ta thường kéo nhau đi thăm hỏi, đi chúc tết bà con chòm xóm, láng giềng…Tục lệ ấy là một nét đẹp trong văn hóa tết, văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp của dân tộc ta. Mồng một, mồng hai Tết chủ yếu là làm những công việc mang tính chất lễ nghi và thấm đượm sắc thái tình cảm ấy. Từ mùng ba Tết trở đi, những ngày nghỉ Tết còn lại được giành để lại du Xuân, chơi Xuân…

Tháng Giêng là tháng ăn chơi

Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà…

Nói “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” là nói cho vui, cho sang trọng vậy thôi, chứ thực ra, thuở xưa, người dân quanh năm “chân lấm tay bùn”, “đầu tắt mặt tối”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, ngày đầu năm, tháng đầu Xuân có “ăn chơi” chủ yếu cũng tập trung vào việc mở và tham gia các hội đình, hội đền, hội chùa… mà thôi.

“Xuân Thu nhị kỳ”, gần như làng quê nào cũng có lễ, có hội, hội lớn, hội to thu hút hàng chục vạn người từ tứ phương đổ về cũng có, mà hội bé, hội nhỏ bó hẹp trong phạm vi một làng, một xóm cũng không thiếu. Xem lịch biểu hội hè Việt Nam, chúng ta thấy, mùa Xuân chính là mùa tập trung nhiều lễ hội nhất.

Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu

Mồng chín đâu đâu cũng về hội Gióng.

-Nhớ ngày mồng bảy tháng ba / Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy.

-Ai về Phú Thọ cùng ta / Nhớ về giỗ Tổ tháng ba, mồng mười.

-Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy / Vui thì vui vậy, không tầy rã La.

Những câu tục ngữ, ca dao trên cho ta biết tên và thời gian diễn ra một số lễ hội ở vùng Bắc bộ. Riêng trên đất Thừa Thiên Huế, thì từ tháng 1-3 âm lịch đã có 33 lễ hội. Đây là một số lễ hội tiêu biểu được người trong huyện, ngoài tỉnh mến tiếng như: Hội đu tiên ở Phước Yên, xã Quảng Thọ- Quảng Điền từ 1-7/1; Hội Vật làng Sình (Phú Mậu-TP Huế), làng Thủ Lể ở Quảng Điền ngày 10/1; Lễ Hội Cầu Ngư xã Hải Dương, phường Thuận An ở TP Huế, ngày 12/1; Hội tế Tổ nghề rèn Hiền Lương ở Phong Điền ngày 18/2; Hội tế Tổ nghề điêu khắc Mỹ Xuyên ở Phong Điền ngày 5/1. Mùa Xuân và cả mùa Thu là mùa của thời tiết trong lành. Nắng ấm, trời trong. Cây cối đâm chồi nảy lộc, khai hoa. Công việc cấy cày, gặt hái cũng đã cơ bản làm xong. Nông dân, ngư dân, thợ thủ công… các làng quê có dăm bữa, nửa tháng không quá bận rộn tất bật với ruộng nương, đồng áng, với sông biển, đầm phá… đây chính là thời gian để họ được nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức lực, di dưỡng tinh thần sau những tháng ngày lao động khó nhọc. Tết Nguyên đán và hội Xuân được mở ra ở các làng quê, phố phường chính là đã đáp ứng đuợc nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân.

Lễ hội gò Đống Đa – Ảnh: Phạm Công Thắng

Thời nào cũng vậy, người đi lễ đình, lễ chùa, trước hết là để bày tỏ lòng biết ơn Tổ tiên, biết ơn những người có công với dân, với nước, biết ơn các vị Thánh đã phù hộ, độ trì cho cháu con có cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc. Nhiều nghi lễ trang trọng, thành kính được thực hiện nơi đình chùa,am miếu vừa để tạ ơn, vừa để khấn cầu trời đất, Thần, Phật giúp cho con người giải toả và thăng hoa tâm linh. Người đi lễ để cầu phúc, cầu tài, cầu điều tốt lành cho gia đình, cho bản thân, cho quê hương, đất nươc.

Đi lễ, đi hội không chỉ có vậy. Lễ hội còn là dịp để mọi người vui chơi, ca hát, được thi tài, đấu trí, được thử sức, được bày tỏ tâm tình với nhau. Đấu vật, đấu võ , chọi gà, chọi trâu, đua ghe, ném vòng, leo cột mỡ, bắn nỏ, đánh đu, đánh cờ người, cờ thẻ, thi nấu cơm, làm bánh, hát xoan, hát ghẹo, bài chòi… không một hoạt động thể thao, văn nghệ, không một trò chơi nào là không thú vị, không mang tính sáng tạo, tính quần chúng, không thu hút đông đảo người tham gia. Phần lớn các hoạt động này, thực ra đều có cội nguồn từ sinh hoạt, từ công việc lao động, sản xuất của người bình dân sau luỹ tre làng, nhưng khi được đưa vào lễ hội , thì nó được nghệ thuật hoá, sân khấu hoá. Cái dân dã, đời thường hoà vào cái thiêng liêng, thành kính trong một lễ hội đã có một sức thu hút rất lớn đối với cư dân các vùng quê, từ đồng bằng đến chốn rừng xanh, núi biết. Những lễ hội lớn như: Hội Đền Hùng, Hội Chùa Hương, Hội núi Bà Đen, Hội Bà Chúa Xứ, Hội Điện Hòn Chén… diễn ra trong nhiều ngày, với hàng chục ngàn người tham gia đã minh chứng sức thu hút rất diệu kỳ, rất lớn của lễ hội. Đến với lễ hội, người các làng quê, phố phường còn có dịp gặp gỡ, trò chuyện thân tình với nhau; Trai gái có cơ hội để tìm đến nhau mà kết mối duyên lành, nên vợ nên chồng. Tình non nước, nghĩa đồng bào được vun đắp, được thắt chặt thêm một phần cũng là nhờ vậy.

Lễ hội hôm qua và hôm nay, bao giờ cũng có sức mạnh riêng, giá trị riên của nó. Tết đến, Xuân về, được du Xuân, chơi Xuân cũng là một phần hạnh phúc của con người.

Ảnh minh họa: Xuân Trường

(Nguồn: Tạp chí VHNT số 558, tháng 1-2024)

Trong bài viết: “Những lễ hội mùa Xuân nổi tiếng ở Việt Nam khiến hàng triệu người háo hức ngay sau Tết Nguyên đán” đăng trên báo (https://suckhoedoisong.vn/) cũng đưa ra những Lễ hội đặc sắc sau đây:

Lễ hội mùa xuân nổi tiếng ở miền Bắc

Lễ hội chùa Hương

Lễ hội Chùa Hương hay trẩy hội Chùa Hương là lễ hội lớn nhất và kéo dài nhất ở Việt Nam. Lễ hội chùa Hương được tổ chức tại khu thắng cảnh Hương Sơn nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Lễ hội Chùa Hương kéo dài từ ngày mùng 6 Tết cho tới hết tháng 3 Âm lịch. Đây là một lễ hội lớn được tổ chức hằng năm, thu hút số lượng đông đảo các Phật tử trên cả nước tham gia hành hương.

Lễ hội gò Đống Đa

Lễ hội gò Đống Đa hay còn gọi là lễ hội chiến thắng là một trong những lễ hội lớn diễn ra tại quận Đống Đa, Hà Nội. Lễ hội được diễn ra vào ngày mùng 5 Tết.

Lễ hội gò Đống Đa được tổ chức để tưởng nhớ đến những chiến công chống giặc ngoại xâm cứu nước của vua Quang Trung. Lễ hội mang những nghi lễ truyền thống, cờ hoa rực rỡ cùng tiếng trống chiêng thôi thúc chiến đấu, làm sống dậy những trang sử vẻ vang của dân tộc.

Lễ hội Khai ấn đền Trần

Lễ khai ấn đền Trần diễn ra giữa đêm 14 và mở đầu cho ngày 15 tháng Giêng, tại Khu di tích đền Trần, phường Lộc Vương, TP Nam Định. Đây là lễ hội mùa xuân nổi tiếng Việt Nam để tri ân công đức của các vị vua Trần. Hội sẽ được bắt đầu với lễ khai ấn, diễn ra vào giờ Tý và ấn được phát tại 3 nhà: nhà trưng bày đền Trùng Hoa, nhà Giải Vũ và một điểm trong khu vực vườn cây thuộc đền Trần.

Lễ hội mùa xuân đền Trần những năm gần đây thu hút rất nhiều du khách thập phương với mong muốn một năm mới phát tài, thành đạt.

Lễ hội Yên Tử

Yên Tử không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi tín ngưỡng tâm linh của rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Yên Tử chính là nơi bắt nguồn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và cũng là trung tâm Phật Giáo Việt Nam.

Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) sẽ bắt đầu từ ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm và kéo dài đến tận tháng 3 Âm lịch. Du khách có thể tới Yên Tử để tham quan ngôi chùa bằng đồng ấn tượng nằm trên đỉnh núi, du xuân vãn cảnh, thưởng ngoạn tiết trời xuân. Nơi đây du khách cầu bình an, may mắn cho cả năm thuận buồm xuôi gió.

Yên Tử được xem như một điểm hấp dẫn du lịch tôn giáo, lịch sự, văn hóa và sinh thái. Bất kỳ ai đến với lễ hội Yên Tử, nhất là đến được chùa Ðồng đều cảm thấy choáng ngợp bởi sự kỳ vĩ của thiên nhiên. Những giá trị tinh thần, văn hoá của tổ tiên; sự dâng hiến tinh khiết, trong hoa lá…

Lễ hội chợ Viềng

Phiên chợ Viềng tại Nam Định nổi tiếng trong các lễ hội mùa xuân tại Việt Nam. Đi chợ Viềng người dân mong muốn “mua may bán rủi”. Dù không mang nhiều tính thương mại nhưng lại có ý nghĩa tâm linh sâu sắc, cầu may theo quan niệm truyền thống.

Lễ hội diễn ra vào đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng Âm lịch. Lễ hội thu hút rất đông người dân, khách du lịch tới tham gia. Các mặt hàng tại chợ Viềng hết sức đa dạng, từ đồ ăn cho tới các vật dụng thôn quê quen thuộc như: thúng, đơm, giỏ, đó, đòn gánh, cuốc xẻng… mỗi du khách có thể lựa chọn mua một thứ đồ yêu thích để lấy “may”.

Lễ hội Đền Hùng – Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ hội Đền Hùng là một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất cả nước nhằm tưởng nhớ công ơn của các vị vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Lễ hội được tổ chức trong vòng 6 ngày từ mùng 5 đến ngày 10 tháng 3 Âm lịch.

Đến lễ hội, du khách sẽ được chứng kiến màn rước kiệu vua và lễ dâng hương. Ngoài ra còn rất nhiều hoạt động văn hóa và trò chơi dân gian hấp dẫn như: Hát xoan, đấu vật, kéo co, bơi…

Những lễ hội mùa xuân nổi tiếng ở Việt Nam hãy một lần trải nghiệm sau Tết Nguyên đán - Ảnh 2.

Lễ hội Chùa Hương là lễ hội lớn nhất và kéo dài nhất ở Việt Nam. Ảnh: TL

Lễ hội mùa xuân miền Trung

Lễ hội Đền vua Mai

Lễ hội Đền vua Mai diễn ra từ ngày mùng 3 đến mùng 5 Tết. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ đến vua Mai Hắc Đế, tên thật là Mai Thúc Loan. Vị vua này được sinh ra và lớn lên lại xã Đông Liệt (nay đã được đổi tên thành xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).

Lễ hội vật làng Sình

Lễ hội vật truyền thống làng Sình mang đậm những nét văn hóa đặc sắc của cố đô Huế. Lễ hội diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm.

Lễ hội mang đến những trải nghiệm tuyệt vời, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, sự tự tin, lòng dũng cảm đối với thế hệ thanh niên.

Lễ hội Cầu Ngư

Lễ hội Cầu Ngư còn có tên gọi khác là Lễ hội Cá Ông. Lễ hội được xem là một trong những lễ hội văn hóa đặc trưng của các ngư dân làng chài ven biển Nam Trung Bộ.

Tham dự lễ hội, du khách có thể để ngắm nhìn những bộ trang phục truyền thống cùng phong tục thờ cúng Cá Ông theo truyền thuyết dân gian. Lễ hội sẽ được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm với mong muốn cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang.

Lễ hội mùa xuân ở miền Nam

Lễ hội núi Bà Đen

Lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh) là một trong những lễ hội lớn nhất miền Nam. Lễ hội bắt đầu diễn ra từ mùng 4 Tết và kéo dài suốt tháng Giêng. Tuy nhiên, bắt đầu từ chiều 30 Tết cho đến hết tháng Giêng Âm lịch du khách thập phương đã đổ về đây dâng hương, cầu bình an, may mắn cho bản thân, gia đình. Ngoài ra, du khách có thể ngắm phong cảnh hùng vĩ, tận hưởng không khí nơi đền chùa thiêng liêng.

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu (hội chùa Bà – Bình Dương) bắt đầu từ ngày 13 tháng Giêng và diễn ra trong 3 ngày. Lễ hội mang đậm nét văn hóa độc đáo của vùng Đông Nam Bộ.

Ở lễ hội chùa Bà Thiên Hậu, người dân thường bày bàn cúng trước cửa vào đêm 13 tháng Giêng để chuẩn bị rước Bà vào sáng hôm sau. Dân chúng khắp nơi đổ về thắp hương và cầu mong phúc lộc, bình an.

Lễ hội đền Đức Thánh Trần

Lễ hội đền Đức Thánh Trần là một trong những lễ hội tâm linh lớn nhất của TP Hồ Chí Minh. Lễ hội được diễn ra từ ngày mùng 8 đến ngày 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm.

Lễ hội diễn ra nhằm tri ân công đức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đồng thời là dịp để giáo dục truyền thống, lịch sử cho thế hệ thanh niên kế cận tiếp bước.

Những lễ hội mùa xuân nổi tiếng ở Việt Nam hãy một lần trải nghiệm sau Tết Nguyên đán - Ảnh 3.

Lễ hội mùa xuân ở Việt Nam là một trong những nét đẹp văn hóa và tâm linh đậm đà bản sắc dân tộc. Ảnh: TL

(Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN