Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang chủLý LuậnHình tượng mùa xuân trong Âm nhạc cổ điển

Hình tượng mùa xuân trong Âm nhạc cổ điển

11
Tác giả: Nguyễn Tiến Mạnh

Trong Kinh dịch có câu khẩu quyết:

“Thiên nhất sinh Thủy

Địa lục thành Chi

Âm dương giao hòa

Nhật Nguyệt Quang Minh”…

Theo Tam Nguyên Cửu Vận thì năm Giáp Thìn 2024 nằm trong Hạ Nguyên, là năm đầu tiên của Vận 9 – Cửu Tử Hỏa tinh và sẽ kéo dài đến năm 2043. Tân xuân Nguyên đán Càn Khôn hợp đức, Thiên Địa giao hòa, lý đoan du thỉ, vạn vật giai đắc hữu sanh. Sự sống của thiên nhiên có ảnh hưởng đến đời sống con người về cả thể chất và tinh thần, là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tạo Văn học Nghệ thuật. Trời Đất có âm – dương, âm nhạc có Trưởng – thứ. Từ góc nhìn theo triết lý Phương Đông quán chiếu vào tư duy sáng tạo nghệ thuật đỉnh cao trong âm nhạc kinh điển Phương Tây, đã trở thành duyên khởi cho ý tưởng chủ đề: “Hình tượng mùa xuân trong Âm nhạc cổ điển”.

Bài viết này xin giới thiệu sơ lược một số tác phẩm tiêu biểu của các nhà soạn nhạc kinh điển Phương Tây.

  1. Mùa xuân trong âm nhạc thời kỳ Baroque

Thời kỳ âm nhạc Baroque, hay còn gọi là Tiền cổ điển (1600 – 1750) đã có nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng như: Johann Sebastian Bach của nước Đức, George Frideric Handel người Anh gốc Đức, Alessandro Scarlatti của nước Ý… Âm nhạc thời kỳ này phần lớn phác họa hình ảnh thiên nhiên, thường có tiết tấu vừa phải, nhịp độ (tempo) khoảng 60 nhịp trên 1 phút, rất gần với sóng não alpha, điều hòa nhịp tim, huyết áp của con người, tăng cường thư giãn. Chúng ta có thể nhắc tới nhạc sĩ kiêm nghệ sĩ đàn Violon, đó là Аntoniо Vivaldi của nước Ý với những tác phẩm viết về thiên nhiên, trong đó có Tổ khúc Concerto viết cho bộ dây “The Four Seasons –  Bốn mùa”. Tác phẩm đã phác họa bức tranh toàn cảnh về các mùa trong một năm và trong mỗi chương nhạc đều có phần giải thích ngắn. Chương I với tên gọi “Mùa Xuân” cùng lời tựa như sau: “Mùa xuân đến, chim muông vui mừng ca hát chào Xuân. Những con suối reo róc rách. Mây đen kéo đầy trời. Sấm sét cũng báo hiệu mùa xuân về… Và rồi chim non lại ca hát ngọt ngào. Trên bãi cỏ, chú bé chăn dê ngủ ngon dưới gốc sồi xào xạc lá xanh… Những nàng tiên nhảy múa với điệu nhạc đồng quê…”.

Vì sao mùa xuân trong “The Four Seasons” lại có “mây đen” và có “sấm sét”?. Thực ra, đây là hiện tượng bình thường của thiên nhiên. Mặt trời mọc ở Phương Đông bắt đầu cho ngày mới. Lập xuân sự sống bừng nở, sinh sôi. Theo thuyết Ngũ hành trong Kinh Dịch thì cung Chấn là hành Mộc dương nằm ở chính Đông, biểu tượng cho Mùa xuân. Trong Bát quái thì “Chấn vi lôi”, có nghĩa quẻ Chấn là sự rung động, cũng là tiếng sấm vang trời. Theo vòng Trường sinh thì cung Chấn là Đế vượng của hành Mộc. Như vậy, chúng ta đã thấy sự tương đồng trong văn hóa và triết học giữa phương Đông và phương Tây, đặc biệt là qua góc nhìn của sáng tạo nghệ thuật.

Hình tượng mùa xuân được khắc họa trong âm nhạc vừa cụ thể lại vừa khái quát. Lúc thì miên man ánh nắng đầu mùa, khi lại có những hạt mưa phùn bay bay trong không gian se lạnh. Âm nhạc có sự kết nối kỳ diệu. Mỗi người sẽ có sự cảm nhận theo trải nghiệm thực tế và tâm trạng tinh thần của riêng mình. Vẫn cùng là tác phẩm “The Four Seasons” của Vivaldi, khi thưởng thức thì công chúng của nước Ý sẽ thấy được phong cảnh thiên nhiên thơ mộng của đất nước mình và những hình ảnh mà Vivaldi đã chú thích. Nhưng người Việt Nam khi nghe tác phẩm này trong tiết trời mùa xuân ở giữa lòng Hà Nội thì có thể sẽ thấy lấp lánh những giai điệu âm nhạc là hình ảnh của Tháp Rùa với Đền Ngọc Sơn ngả bóng Hồ Gươm, hình ảnh Hồ Tây sương bay, hay những nét cổ kính linh thiêng của ngôi Chùa Trấn Quốc, những sắc hoa đào hé nở trên cành cây xù xì… Hoặc khi nghe tác phẩm này tại vùng đất Tây Bắc, chúng ta lại thấy hiện lên những cung đường mùa xuân khi đất trời thay áo mới, không gian rộng mở, những làn sương mong manh như tà áo thượt tha của nàng tiên nữ, hoa đào, hoa mận, hoa lê trải dài, ngút ngàn núi rừng…

  1. Mùa xuân trong âm nhạc Cổ điển

Thời kỳ âm nhạc cổ điển vào khoảng năm (1750 – 1820), nổi bật là Trường phái Âm nhạc cổ điển Viên, trong đó có nhạc sĩ người Áo: Wolfgang Amadeus Mozart. Hình tượng của thiên nhiên đã được nhắc tới ở chương I mang tên “Mùa Xuân” trong tác phẩm “Symphony No.40” (Giao hưởng số 40) mà ông viết xong vào năm 1788. Đây là tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông. Trong cuốn sách “Mozart” của nhà thơ Bằng Việt đã có đoạn mô tả Chương I bản giao hưởng số 40 của Mozart về mùa xuân: “Âm nhạc mang tính kịch, không chỉ đơn thuần ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên mà nó còn gần với số phận con người trước bao điều bất công, trở lực trong cuộc đời. Giai điệu bi thương hết sức gần gũi với nỗi đau khổ của con người đang cần có sự đồng cảm sâu xa… Đồng thời bản nhạc vẫn có nét chìm trầm tĩnh, tuy dịu dàng nhưng rắn rỏi, không khuất phục, nó là mầm sống bền bỉ, lòng phản kháng dũng cảm còn ẩn náu đến cùng trong mọi nỗi đau và không cho phép con người tuyệt vọng, mà tin tưởng vào Mùa Xuân mới đang đến. Những giai điệu mang nỗi buồn man mác được giải thoát trong ánh nắng ám áp của Mùa Xuân và trong đó có niềm hy vọng, nó trải rộng dần theo những tia nắng dọi loang xuống cánh đồng, như những búp chồi xanh mọc lại trên thân cây trụi. Mùi hương đồng nội chất phác toả đến và xoa dịu đi bao nỗi buồn. Đó là quy luật vĩnh cửu và thiêng liêng của cuộc sống mỗi khi Xuân về!”.

Trong thời kỳ âm nhạc Cổ điển còn rất nhiều tác phẩm của các nhà soạn nhạc có phác họa hình ảnh của thiên nhiên. Chúng ta có thể nhớ tới một tác phẩm quen thuộc của nhạc sĩ thiên tài người Đức: Ludwig van Beethoven, đó là bản “Sonata số 5” viết cho violin, sau này tác phẩm còn được gọi là “Spring Sonata – Bản tình ca mùa xuân”.

  1. Mùa xuân trong âm nhạc Lãng mạn

Thời kỳ của Âm nhạc Lãng mạn là khoảng năm (1820 – 1910) với những nhạc sĩ tiêu biểu như: Hector Berlioz, Johannes Brahms, Richard Wagner và Piotr Ilyich Tchaikovsky, Chopin , Wagner, Schubert, Dvorak, Berlioz, Bizet, Grieg, Liszt, Schuman…

Thời kỳ này, hình ảnh thiên nhiên được đưa vào âm nhạc khá sinh động. Có thể kể tới nhạc sĩ Robert Schumann với Giao hưởng số 1 cung Si giáng trưởng với tên gọi “Mùa xuân”. Ngoài ra chúng ta phải nhắc tới nhạc sĩ người Na Uy đó là Edvard Grieg. Âm nhạc của ông mang đậm vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước Na Uy, khi thì ảm đạm, khi thì tráng lệ. Ông thường đặt cây đàn Piano và chơi nhạc giữa núi rừng, giữa thiên nhiên cây cỏ, muông thú, để cảm nhận ánh nắng, hơi thở của những dòng sông băng… Ông đã vẽ tranh bằng những nốt nhạc về con người và cảnh vật, đặc biệt là hình tượng của xuân trong tuyển tập viết cho đàn Piano “To the Spring”.

Công chúng yêu âm nhạc đã biết tới tác phẩm: “Sping Song – Bài ca mùa Xuân” của nhạc sĩ người Đức – Felix Mendelssohn. Đây là tiểu phẩm số 6 trong tập “Bài ca không lời” số 5, Op. 62 viết cho piano. Bằng những giai điệu âm nhạc dịu dàng, Mendelssohn đã mang đến cho người nghe cảm nhận mùa Xuân đang hiện hữu, trở mình tỉnh giấc với những cành cây non đang đâm chồi, nẩy lộc, đó là lúc thiêng liêng trong giây phút hồi sinh. Tác phẩm đã chứa đựng những lời ca về mùa Xuân, thể hiện tình yêu bao la với thiên nhiên và tình yêu đối với con người còn rộng lớn hơn nữa.

Cũng là những bức tranh về thiên nhiên bằng âm nhạc, bên cạnh đó còn nổi bật lên Tổ khúc “The seasons – Bốn mùa” của nhạc sĩ người Nga: P.I. Tchaikopski. Đây là Tổ khúc viết cho đàn Piano gồm 12 khúc nhạc, mỗi khúc nhạc tượng trưng cho từng tháng trong năm, và được nẩy sinh từ ý thơ của các nhà thơ nước Nga như: Puskin, Maicôp, Phiet, Côlxôp…

Trong tài liệu “Giảng nhạc” của nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung đã giới thiệu về tác phẩm này: “Bốn mùa, Tchaikopski đã mô tả những cảnh thơ mộng của thiên nhiên nước Nga, và đồng thời diễn tả tâm trạng, tình cảm của ông. Hình ảnh những tháng của mùa Xuân được khắc hoạ rõ nét. Xuân về trên cánh đồng, những bông hoa hé nở trong khúc hát của chim sơn ca, những bông hoa tuyết cuối cùng rơi trên cành. Mặt trời chiếu sáng, thiên nhiên bừng thức dậy. Trên những cành cây xù xì đang chuẩn bị đâm chồi, chờ đợi những khoảng khắc, những giây phút thiêng liêng trong sự hồi sinh…”.

  1. Mùa xuân trong âm nhạc thế kỷ 20

Âm nhạc thế kỷ 20 khoảng năm (1900 – 2000) tiếp tục xuất hiện nhiều nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới có nhiều tác phẩm phác họa hình tượng thiên nhiên. Chúng ta nhớ tới một nhạc sĩ nổi tiếng của nước Nga với vở vũ kịch “The Rite of Spring – Mùa Xuân thần thánh”, đó chính là nhạc sĩ Igor Stravinsky. Tác phẩm của ông như một bức tranh về nước Nga cổ, với cảnh sống đơn sơ, du mục xưa kia. Với bút pháp táo bạo, ông đã sử dụng những âm thanh nghịch cùng với phần giai điệu chính nghe mượt mà như những câu hát dân ca. Chủ đề của tác phẩm được khai thác từ tuyển tập các bài hát dân ca Lithuanian do Juskiewicz sưu tầm. Nhạc sĩ Stravinsky đã từng nói: “Trong Mùa xuân thần thánh tôi muốn thể hiện sự hồi sinh rạng rỡ của thiên nhiên, được sống lại một cuộc đời mới, một sự hồi sinh trọn vẹn, tự phát, sự thai nghén hồi sinh của muôn loài“…

Qua một số tác phẩm âm nhạc kinh điển của Phương Tây được quán chiếu bằng lăng kính triết học Phương Đông, chúng ta đã thấy rõ hình tượng của thiên nhiên và cảm nhận được những thanh âm của mùa xuân đang tràn ngập trên khắp mọi nẻo đường. Từ những rừng cây mơn man búp chồi non, những vườn hoa đua nhau khoe sắc thắm. Xuân về trong thiên nhiên và xuân về trong lòng người đã tạo nên một bản hòa âm miên viễn, một trường thanh âm bất tận về cuộc sống, chắp cánh cho tình yêu thương rộng lớn dành cho muôn loài. Những khoảnh khắc khi đất trời giao hòa, vận khí chuyển sang chu kỳ mới. Trong vòng Trường sinh thì mùa xuân là Đế vượng của hành Mộc nằm ở cung Chấn – không chỉ là cây cối mà Mộc ở đây còn có nghĩa là “Nhân”, tức là biểu tượng cho con người. Đó cũng là khúc giao mùa của vạn vật khi hội tụ đầy đủ nhân duyên, chờ đợi đến đúng thời khắc để nảy nở, vươn mình thức tỉnh và phát triển. Thiên có ngũ khí, địa có ngũ hành, con người sinh ra trong thiên địa, cũng có ngũ tạng. Tạng nghĩa là tàng, ngũ tạng tàng trữ tinh khí của thiên địa, để tạo thành hình thể con người. Tất cả được quy lý thành Ngũ Cung, còn gọi là Ngũ Âm, đó là: Cung – Thương – Giốc – Chủy – Vũ…

Con người luôn sống hài hòa với thiên nhiên và tái hiện trong những tác phẩm Văn học Nghệ thuật. Trời đất cảm nhau thì vạn vật hóa sinh, con người cảm nhau thì vạn sự thái bình. Đây chính là duyên khởi để các tác phẩm âm nhạc viết trong tiết khí của mùa xuân và phác họa hình tượng mùa xuân luôn có nhiều cảm xúc chân thật.

Lập Xuân Giáp Thìn – Hà Nội 04/02/2024

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN