Thứ Hai, Tháng Mười Một 25, 2024
Trang chủLý LuậnVở chèo “Nữ sĩ Hồ Xuân Hương”: Mới mẻ, hấp dẫn

Vở chèo “Nữ sĩ Hồ Xuân Hương”: Mới mẻ, hấp dẫn

10

Trong khuôn khổ các chương trình sân khấu truyền hình trực tiếp của Đài Phát thanh Truyền hình Hải Phòng, người yêu sân khấu lại thích thú khi được thưởng thức tác phẩm về nữ thi sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam, Bà chúa thơ Nôm – Hồ Xuân Hương.

Những kiệt tác của bà để lại không chỉ được tôn vinh trong nước mà có tầm ảnh hưởng thế giới. Đến nay đã có hơn 10 quốc gia dịch và giới thiệu thơ của Hồ Xuân Hương. Bà được UNESCO vinh danh là “Danh nhân văn hóa” nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất (1822 – 2022). Vì tầm ảnh hưởng, sự yêu mến của bao thế hệ người Việt, danh nhân Hồ Xuân Hương đã được lên sân khấu khá nhiều. Với chèo là hai vở nổi tiếng Hồ Xuân Hương (tác giả: Thùy Linh và Bùi Đức Hạnh, đạo diễn: Bùi Đắc Sừ) vào năm 1988 và được phục dựng năm 2023, cùng vở Hồ Xuân Hương với tình (tác giả: Hoài Giao, đạo diễn: Hoàng Mai). Rồi các thể loại khác như Cải lương, Kịch cũng đều có tác phẩm về bà. Những thành tựu đã có là áp lực để đạo diễn và dàn diễn viên của Đoàn Chèo Hải Phòng thêm quyết tâm, tận sức.

Theo NSND Thúy Mùi, khi nhận lời dàn dựng vở diễn này, bà có rất nhiều suy nghĩ vì thời điểm này, không thể diễn lại chèo Hồ Xuân Hương như đã từng có ở các thập niên trước. Cần có sự nhận thức lại một số hiểu biết đã ăn sâu vào tâm trí nhiều thế hệ khán giả chèo về các nhân vật quanh Hồ Xuân Hương, đặc biệt là với ông Tổng Cóc, người chồng đầu tiên của bà. Câu chuyện về bà giờ đã gắn với những hiểu biết kỹ lưỡng hơn, nhất là qua công trình nghiên cứu của nhà báo, nhà văn Nghiêm Thị Hằng giải mã 9 bí ẩn về bà với những cứ liệu khoa học.

Sự thật cần phải được lên tiếng. Với kịch bản mới, đạo diễn đã cố gắng để xây dựng hình ảnh về bà một tài năng, nhan sắc, nhân cách lớn nhưng lại bất hạnh khi sinh bất phùng thời, bà sinh vào thời kỳ thân phận phụ nữ không được ghi nhận tài năng. Chỉ vì ghen ghét, vì coi thường phụ nữ làm thơ, mà xã hội đó chỉ thấy cái trần tục trong thơ bà mà không thấy được nét tinh tế, tài hoa của bà qua thơ.

Đồng thời, đạo diễn cũng mong muốn khán giả hiện đại hiểu thêm, hiểu đúng về những người có quan hệ trực tiếp đến bà, những người gián tiếp hoặc trực tiếp ảnh hưởng tới tính cách, xây dựng hồn thơ cho bà. Mở đầu là những cuộc gặp gỡ của Hồ Xuân Hương với các sĩ tử tài không tới mà lại có thái độ “mục thị vô nhân”. Những đáo để, trào lộng được nàng thơ đáp trả khiến người xem cười thỏa mãn. Rồi cuộc gặp với Chiêu Hổ cùng Phúc Hiển nhưng lại bị thoáng lướt đi để trọng tâm vào lời xin cưới của Tổng Cóc.

Tổng Cóc của vở diễn này không còn là vai công tử phản diện, mà được trả lại hình ảnh một nhân vật văn võ toàn tài. Sau khi thử tài ông, nữ sĩ họ Hồ đã đồng ý theo ông về dinh. Tuy nhiên, phận gái lấy chồng chung là điều bà ghét cay, ghét đắng. Dù được xây vọng nguyệt riêng, nhưng bà không thể vui vẻ được. Tổng Cóc thấu hiểu. Ông đau lòng khi Hồ Xuân Hương bị dư luận và hai bà vợ của mình chà đạp, nên nén nước mắt, chấp nhận tiếng ác, thả cho bà về với khoảng trời thơ ca thanh cao mà bà vốn thuộc về.

Trở lại kinh thành, cha đã mất, người hầu đồng thời cũng là người bạn tâm giao lại gặp nạn phải bán mình vào lầu xanh, gặp lại Phúc Hiển, bà mở lòng làm vợ ông, trước hết là để giúp người em gặp nạn, đồng thời cũng cảm mến tấm lòng của ông. Thời gian làm vợ ông Phủ Vĩnh Tường cũng là quãng đời đẹp nhất của bà. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, vì quá thanh liêm khiến quan lại ở địa phương không thể kiếm chác mà ông bị vu oan, kết án xử trảm. Đau lòng vì oan án của chồng, nữ sĩ Hồ đã chạy vạy khắp nơi nhưng kết quả không thể cứu nổi chồng. Màn kết không bi kịch mà tràn đầy tinh thần tự tin vào tương lai sẽ khác đi, tốt hơn lên.

Hình tượng trung tâm vẫn là nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Hồ Xuân Hương trước hết là một thi sĩ có tư chất thông minh, sắc sảo lại cũng là một giai nhân tuyệt mỹ và là người có tâm hồn đa cảm. Tài năng xuất sắc, có phần ngạo nghễ, mạnh mẽ, thông minh, dí dỏm trào lộng, bà vẫn giữ được tâm hồn trắc ẩn, nhân hậu và tràn đầy yêu thương như tâm tính của những người phụ nữ Việt Nam. Tên thật của bà là Hồ Phi Mai, nên bà từng được tôn xưng là “Phi Mai đệ nhất đất kinh thành”. Với chừng 150 bài thơ được sáng tác ở từng thời điểm khác nhau trong cuộc đời bà, vở diễn đã lựa chọn để đem tới những bài thơ Nôm, thơ đối đáp hợp lý nhất, “ăn” nhất với hoàn cảnh kịch. Các làn điệu chèo cũng tỏ rõ sức hấp dẫn, khi cùng bài thơ Bánh trôi mà ở màn khai từ là giọng chèo trẻ trung phơi phới, đầy vẻ tưng tửng, tung tẩy, kết vở lại đem tới cảm giác già dặn, trải nghiệm những đa đoan ai oán…

Huy động dàn diễn viên tới gần 50 người trong nhiều vai quần chúng, với những hiểu biết sâu sắc về chèo, NSND Thúy Mùi đã tạo dựng được những cảnh diễn rất đẹp, giàu chất thơ. Sân khấu lộng lẫy cùng những màn hình công nghệ, nhưng lại khá giản lược cảnh trí để tạo đất cho diễn viên trổ tài ngâm vịnh ca hát, động tác minh họa. Cảnh ít mà nhiều ngữ nghĩa, đạo diễn và họa sĩ gặp nhau ở sự tiết chế này. Các khung hình chuyển động, khi ở với Tổng Cóc là hai dấu ngoặc ngược chiều, khi ở với ông Phủ Vĩnh Tường lại hợp với nhau thành khuôn hình tròn vẹn. Đặc biệt là hai cảnh cuối, bàn tay xử lý của đạo diễn kết hợp với đèn chiếu, với công nghệ cao đã tạo ra những cảnh diễn rất ngoạn mục.

Còn phải kể tới sự hết mình và nhiệt tâm, kính nghề của dàn diễn viên nơi đây. Từ các vai phụ tới vai chính, tất cả đều cố gắng với hơn 100% sức lực để trong thời gian ngắn nhất, đáp ứng được yêu cầu của đạo diễn. Mải mê với vở, bỏ mọi show mời gọi vì đang dịp Tết đến gần, họ thực sự khiến người ta cảm phục. Vai nữ chính vẫn được trao cho Thùy Dương, cô đào tài sắc của đơn vị. Đây là một vai rất khó, giàu đất diễn nhưng chưa có vai mẫu, lại phải vượt qua hình ảnh một Hồ Xuân Hương được NSND Vân Quyền thể hiện rất tốt nên Dương bị áp lực không nhỏ. Kính nghề, em tâm sự luôn cố gắng sống với nhân vật, giữ gìn để thể hiện được tốt nhất vai diễn. Học thoại ở mọi lúc mọi nơi vì có những đoạn thoại rất khó thuộc với những câu thơ Nôm khá khó hiểu, dồn hết tâm trí và cố gắng chắt lọc nhất cho nhân vật, cuối cùng thành quả cũng tới với Dương khi thể hiện một Hồ Xuân Hương đậm chất thi nhân, rất đặc sắc với tính cách đầy khí phách ở những hoàn cảnh éo le nhất. Dương xử lý khá tốt để cân bằng sao cho không quá bi lụy, đánh mất cốt cách cứng cỏi mạnh mẽ của bà mà không lên gân cương cứng, vẫn rất mượt mà trong tâm hồn đầy chất nhân văn. Cô đào tài sắc vẹn toàn này với chất giọng đẹp, mượt mà, truyền cảm, khả năng diễn xuất tốt, Thùy Dương đã nhận được sự tán thưởng của khán giả và khiến đạo diễn cùng cả ê-kíp rất ưng ý (kịch bản: Nguyễn Đức Minh; đạo diễn: NSND Trịnh Thúy Mùi; âm nhạc: NSƯT Đào Tuấn Hải; hoạ sĩ: NSND Đạt Tăng; biên đạo múa: NSƯT Hoài Anh; dạy hát truyền thống: NSND Minh Thu).

Để có được những đêm truyền hình trực tiếp, nổi bật lên như một địa phương có nền sân khấu rất mạnh, phải kể tới cố gắng lớn của Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Trần Thị Hoàng Mai. Như ý kiến của NSND Thúy Mùi, Hải Phòng có một chiến lược  quý giá đối với nghệ thuật, trong khi các chương trình truyền hình của cả nước đang rất hiếm những tác phẩm sân khấu, thì Hải Phòng lại đưa đến “món ăn” thỏa mãn sự mong muốn của khán giả cả nước. Thời gian qua, các chương trình sân khấu ngày càng hay hơn, khán giả yêu nghệ thuật sân khấu mong đợi các chương trình sân khấu truyền hình Hải Phòng vào mỗi cuối tháng. Đây có thể coi là chiến lược 3 trong 1 của Hải Phòng, ngoài việc đáp ứng nhu cầu của khán giả, Hải Phòng đang xây dựng thương hiệu nghệ thuật Hải Phòng ngày càng lớn mạnh, và là mũi nhọn của Hải Phòng trong văn học nghệ thuật.

Hy vọng dự án này của Hải Phòng ngày một phát triển, có thêm thật nhiều vở diễn hay, dày thêm thành tích cho địa phương nói riêng và sân khấu cả nước nói chung, để sân khấu  trở lại đúng với vị thế xứng đáng của mình .

Vở chèo được thực hiện bởi êkip gồm Tác giả kịch bản Nguyễn Đức Minh, Đạo diễn NSND Trịnh Thúy Mùi, Âm nhạc NSƯT Đào Tuấn Hải, Hoạ sĩ NSND Đạt Tăng, Biên đạo múa NSƯT Hoài Anh, dạy hát truyền thống NSND Minh Thu, chịu trách nhiệm chương trình Trưởng Đoàn Chèo Hải Phòng Nguyễn Văn Vận… qua phần thể hiện của tập thể nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Chèo Hải Phòng và một số đoàn nghệ thuật thành phố.

 

“Bà chúa thơ Nôm” – Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, với tư chất thông minh, sắc sảo lại cũng là một giai nhân tuyệt mỹ, bà được tôn xưng là “Phi Mai đệ nhất đất kinh thành”. Với trên 150 bài thơ có giá trị nghệ thuật cao, được dịch ra 12 ngôn ngữ trên thế giới. Hồ Xuân Hương được giới nghiên cứu đánh giá là một hiện tượng văn hoá đặc biệt. Bà là Danh nhân văn hóa thế giới duy nhất là nữ của Việt Nam được Unesco vinh danh.

 

Vở chèo “Xuân Hương nữ sĩ” sẽ phần nào tái hiện lại cuộc đời của bà, một nữ sĩ xuất chúng vào hàng bậc nhất nhưng đa đoan, đồng thời tái hiện lại những áng thơ hay nhất và những mối tình đẹp nhưng đầy trắc trở của bà.

Nguồn: http://www.vanhoanghethuat.vn/ 

Tác giả: CAO NGỌC

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN