Thứ Năm, Tháng Mười Một 21, 2024
Trang chủLý LuậnĐỊNH HƯỚNG, PHÁT TRIỂN ÂM NHẠC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN ĐẦU...

ĐỊNH HƯỚNG, PHÁT TRIỂN ÂM NHẠC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN ĐẦU THẾ KỶ XXI

13
  1. Những yếu tố chủ đạo

Nhìn lại thế kỷ XX, âm nhạc Việt Nam trải qua 3 giai đoạn gắn bó lịch sử đất nước: trước năm 1954; 1954- 1975; từ 1975 đến nay. Trong phần cuối công trình Lược sử âm nhạc Việt Nam, PGS.TS.Thụy Loan đã khẳng định những thành tựu âm nhạc Việt Nam đạt được sau 1975: Nhiều năm gần đây, không những các tác giả chuyên viết ca kịch truyền thống, mà cả những nhạc sĩ chuyên viết nhạc mới cũng đang lao mình tìm hiểu, mạnh dạn tiến hành thể nghiệm ([1]).

Biến đổi cơ bản, sâu sắc là tiếp nhận âm nhạc phương Tây (sáng tác, biểu diễn, lý luận, đào tạo) tạo diện mạo mới cho âm nhạc Việt Nam. Nếu như nửa đầu thế kỷ XX (từ 1954 trở về trước), âm nhạc Việt tiếp cận, học tập, sau đó (1954- 1975) là chặng đường tìm kiếm giá trị âm nhạc Việt, cùng gắn bó, phát triển qua cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước. Nhiều nhạc sĩ, nhà lý luận, nghệ sĩ biểu diễn trưởng thành nhanh chóng, để lại dấu ấn đậm nét đến ngày nay. Sau 1975, từ sự phát triển quy mô, đào tạo bài bản, âm nhạc Việt Nam chủ động xây dựng bản sắc, diện mạo riêng. Cùng âm nhạc mới, âm nhạc cổ truyền, dân gian từng bước khẳng định qua các vở Chèo, Tuồng, Cải lương, Nhã nhạc cung đình được công chúng đón nhận.

Như vậy, âm nhạc Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XXI đang đứng trước cơ hội, thách thức khi đất nước đang hòa nhập nhanh vào ASEAN, Bắc Á (Nhật, Hàn), hướng đến các nước Âu, Mỹ có nền âm nhạc phát triển. Để giải quyết, cần sự chung tay, đồng tâm người làm âm nhạc chuyên nghiệp, đại chúng khắp cả nước. Ngoài hội Nhạc sĩ Việt Nam, 3 hội âm nhạc: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung nhiều nhạc sĩ tiêu biểu, cùng nhau hợp lực, thống nhất nội dung hoạt động, tìm giải pháp, phương hướng, xây dựng hội phát triển trong giai đoạn tới. Để sáng tỏ yếu tố chủ đạo cần nhận diện đặc điểm hoạt động từ 1975 đến nay.

  1. Đặc điểm chung

Hà Nội, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh là ba trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa cả nước, nơi dòng chảy văn hóa- nghệ thuật tụ hội. Trong đó, âm nhạc là thành tố đặc trưng nổi bật trong đời sống sinh hoạt tinh thần người dân. Những tác phẩm (âm nhạc) được công chúng biết đến thường xuyên biểu diễn tại 3 trung tâm. Như vậy, trải dài từ Bắc vào Nam: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh là nhân tố quan trọng góp phần hình thành hệ thức giá trị xã hội, từ giao hưởng, thính phòng đến ca khúc phổ thông. Dưới góc độ phổ quát, 3 hội âm nhạc là nơi phổ biến nghệ thuật âm nhạc, xuất phát từ một số lý do sau:

– Hiểu biết, trình độ âm nhạc người dân Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh đa dạng, công chúng thuộc, yêu thích nhiều ca khúc khắp các miền đất nước. Ví dụ, các nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có sức hút, hấp dẫn các tầng lớp xã hội. Nhiều ca khúc sáng tác về Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh được dân chúng tự hào, đón nhận.

– Ba trung tâm là nơi tập trung những cơ quan truyền thông, kênh đại chúng chính thức các sự kiện, hiện tượng văn hóa- nghệ thuật. Đây là điều kiện thuận lợi để tác phẩm âm nhạc nhanh chóng hòa nhập xã hội.

– Những người hoạt động sáng tác, lý luận âm nhạc đông đảo nhất cả nước. Các tổ chức xã hội nghề nghiệp: hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội Âm nhạc có trụ sở chính thức ở Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh, ngoài ra nhiều đoàn ca múa, nhà hát được tái đầu tư xây dựng quy mô, nơi anh chị em nghệ sĩ xây dựng các chương trình biểu diễn.

– Toàn bộ 3 trung tâm Hà Nội, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh có số lượng tạp chí, ấn phẩm văn hóa nghệ thuật đông đảo. Thường xuyên đăng tải các công trình, bài viết âm nhạc đương đại, dân gian, truyền thống Việt Nam, nước ngoài.

– Cả 3 trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa nghệ thuật có cơ sở đào tạo âm nhạc hàn lâm, chuyên nghiệp. Cụ thể, Hà Nội có Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân Đội, trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, CĐ Nghệ thuật Hà Nội…Tại Huế có học viện Âm nhạc Huế, thành phố Hồ Chí Minh: Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh.

Trình bày vắn tắt, sơ lược trên để thấy vai trò, tầm quan trọng trong sáng tác, lý luận, biểu diễn, đào tạo âm nhạc có ảnh hưởng, tác động đến đời sống văn hóa tinh thần nhân dân. Đồng thời, cần biện pháp, suy nghĩ của đội ngũ hoạt động âm nhạc với xây dựng kế hoạch trung hạn, dài hạn cho tương lai, thúc đẩy sự nghiệp âm nhạc phát triển giai đoạn đầu thế kỷ XXI. Vai trò quản lý, xây dựng, quy hoạch ngành âm nhạc tại Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh cần sự đóng góp tất cả nhạc sĩ sáng tác, lý luận, biểu diễn, đào tạo. Không chỉ làm công việc chuyên môn hàng ngày, mà tham gia thực hiện nhiệm vụ chiến lược để âm nhạc xứng đáng là loại hình nghệ thuật đặc trưng, nổi bật trong đời sống xã hội, được nhân dân đón nhận, góp phần xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc.

  1. Điều kiện, hiện tượng hiện nay

3.1. Điều kiện

– Đội ngũ âm nhạc được trẻ hóa, nhiều nhạc sĩ được đào tạo chính quy, bài bản về sáng tác, lý luận, biểu diễn, có nhiệt tâm, muốn khẳng định, tìm đường phát triển tài năng cá nhân, đặc biệt trong sáng tác, biểu diễn.

– Nhiều tác phẩm khí nhạc được công chúng quan tâm, các lĩnh vực nghệ thuật khác: điện ảnh, sân khấu, múa luôn kết hợp chặt chẽ với nhạc sĩ sáng tác âm nhạc như điều kiện tiên quyết không thể thiếu, do đó thị trường âm nhạc mở rộng cơ hội giúp nhạc sĩ thể hiện khả năng.

– Các đoàn ca múa địa phương có mối quan hệ hợp tác với nhạc sĩ ở Hà Nội, đặt hàng sáng tác, phối khí, đạo diễn chương trình nhằm nâng cao chất lượng, đổi mới phong cách nghệ thuật phù hợp điều kiện thực tế đang diễn ra tại các vùng, miền.

– Những sự kiện văn hóa có sự đóng góp chủ lực của nhạc sĩ, ca sĩ, yếu tố tạo nên hấp dẫn, thu hút sự chú ý của công luận.

– Định tính, định lượng ngành âm nhạc nói chung, sáng tác, biểu diễn nói riêng có những chuyển biến, tìm tòi, đáp ứng đòi hỏi khắt khe nghệ thuật, không chỉ công chúng mà là ý thức người làm nghề âm nhạc.

Những yếu tố tích cực trên giúp cho bức tranh âm nhạc 3 trung tâm Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh sống động, nhiều màu sắc, nhưng cũng trở nên tương đối tự do trong sáng tạo, đặc biệt phần ca từ trong một số ca khúc (ít hình tượng văn học, nhiều ngẫu hứng trong lời ca).

3.2. Hiện tượng cần lưu ý

Những biến đổi đa dạng cuộc sống trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần định hướng từ các nhà quản lý âm nhạc, tính tự nguyện, tự giác người đang sống bằng nghề âm nhạc. Những hiện tượng, tạm gọi là lệch chuẩn trong sáng tác, biểu diễn gây phản cảm xã hội như:

– Sao chép ý tưởng, vay mượn nhạc nước ngoài vào sáng tác (bằng giai điệu, chuyển dịch lời ca, phối khí…) đang áp dụng với mức độ tinh vi, dưới nhiều dạng khác nhau.

Thị hiếu tầm thường, thỏa mãn bản năng kết hợp ca khúc hóa âm nhạc, khai thác khía cạnh tâm tư, tình cảm, làm mờ dần vai trò âm nhạc chuyên nghiệp (nhạc giao hưởng ít tính cạnh tranh ngoài thị trường, phải sử dụng đến nguồn tài trợ trong, ngoài nước. Hoặc nhóm nhạc thính phòng không thường xuyên biểu diễn). Thực trạng diễn ra: ca sĩ hát nhạc nhẹ đắt , còn ca sĩ hát thính phòng tự tìm hướng hòa nhập xã hội. Điều đó gây nên hiệu ứng: âm nhạc chuyên nghiệp chuyển thành loại dịch vụ phục vụ sinh hoạt trong đời sống.

– Các bài báo phê bình, đánh giá chất lượng âm nhạc ít nhận sự quan tâm của xã hội. Do đó chức năng thẩm mỹ chưa được người dân đón nhận với tư cách là chủ thể. Chưa tính số lượng công trình âm nhạc học, hoặc có đề cập đến âm nhạc ít thông tin trao đổi chung trong giới âm nhạc.

– Nhiều nhà lý luận âm nhạc ít viết bài, hoặc viết nhỏ giọt chuyên khảo, bài báo tình hình âm nhạc Việt Nam. Do đó trên trang website, báo hàng ngày hiện nay, mục âm nhạc do nhiều phóng viên (ngoài lĩnh vực âm nhạc) khai thác, viết về những chuyện của các sao (ca sĩ là chủ yếu), về tình yêu, hôn nhân, sì căng đan, ít giá trị khoa học, chủ yếu phục vụ bạn đọc tuổi teen, một bộ phận thanh niên hiếu kỳ.

– Một số nhạc sĩ sáng tác, ca sĩ trẻ có thành công bước đầu đã ngộ nhận thái quá bản thân, nhận thức chưa đầy đủ giá trị đạt được của nhiều thế hệ nhạc sĩ đi trước. Ở đây, muốn nhấn mạnh sự điều chỉnh lại cho lớp trẻ về tính kế thừa giữa thế hệ nhạc sĩ, đây là vấn đề đạo đức, lối sống gắn liền truyền thống dân tộc. Sự khiêm nhường nhiều thế hệ nhạc sĩ cha ông cần được nhạc sĩ trẻ tiếp thu, học tập, đó là đạo lý của người Việt Nam.

  1. Phương hướng, giải pháp

Với tinh thần trách nhiệm và mong muốn âm nhạc ở Hà Nội, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh ngày càng chất lượng, đạt giá trị nghệ thuật với đời sống văn hóa hiện nay. Người viết xin nêu mấy phương hướng sau:

– Xây dựng chiến lược quy hoạch đội ngũ người làm âm nhạc (ở Hà Nội, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh) dù có (hoặc không) là thành viên hội Âm nhạc. Xin được trao đổi kỹ hơn cụm từ quy hoạch, nghĩa là cần làm một số công việc:

+ Thống kê, phân loại số lượng nhạc sĩ sáng tác, lý luận, biểu diễn, đào tạo đã và đang tham gia hoạt động âm nhạc từ trước đến năm 2024. Mặc dù công việc phức tạp, nhiều khó khăn nhưng cần thực hiện, bởi đem lại hiệu quả, giá trị cao với xã hội, đất nước.

+ Lập biểu đồ, bản đồ âm nhạc vùng, miền tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh qua đặc điểm cư trú, phương thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật (vùng lõi trung tâm, vùng đệm, vùng ngoài mở rộng). Ví dụ, ở đâu có hát cửa đình, hát ca trù, hò đưa linh, hát Bả trạo, Tuồng, Chèo, Cải Lương. Làm rõ quá trình hình thành, phát triển thể hát dân ca, cách diễn xướng, lối diễn tấu nhạc khí trong dân gian.

+ Thành lập những nhạc sĩ có tâm huyết, tập trung xây dựng Atlat âm nhạc với tiêu chí đặc trưng, thành công, quá trình lịch sử hoạt động của các nhạc sĩ từ những năm đầu thế kỷ XX trở lại đây.

+ Tìm hướng xuất bản tác phẩm, công trình lý luận, bài viết của nhạc sĩ trong 3 hội âm nhạc: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh. Quy tập trong các Tổng tập nhạc sĩ theo định kỳ từng năm, 5 năm một lần.

+ Nghệ thuật âm nhạc dân gian, cổ truyền Hà Nội, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh có bề dày lịch sử văn hiến, cần nghiên cứu, sưu tầm, tham gia của nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc học, có sự đầu tư thích đáng của nhà nước, xã hội. Nếu công trình này hoàn thành, là bộ biên niên sử âm nhạc của các hội âm nhạc mang tầm vóc quốc gia. Hiện nay, chỉ thấy một vài công trình chưa toàn diện về âm nhạc dân gian, cổ truyền do cá nhân tự nghiên cứu.

+ Phát triển hơn nữa Quỹ trao giải thưởng cho các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn đương đại, và Quỹ thành tựu trao cho cá nhân có thành tích, tương tự như các lĩnh vực văn hóa khác đang thực hiện. Khuyến khích sáng tác, biểu diễn khí nhạc, yếu tố cơ bản để âm nhạc Việt Nam hòa nhập khu vực ASEAN và quốc tế.

– Nâng cao chất lượng sáng tác, biểu diễn, lý luận âm nhạc nhằm tạo nên tác phẩm, công trình khoa học có giá trị, ảnh hưởng sâu rộng đến công chúng. Vai trò này cần sự tham gia của các nhà phê bình, lý luận âm nhạc chuyên nghiệp chứ không phải chỉ các nhà báo viết chung chung, đưa ra nhận xét chủ quan, thiếu xác đáng, chuyên sâu.

– Giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật cho người Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh, không để hiện tượng lệch chuẩn, tầm thường hóa âm nhạc (nhiều người trẻ tuổi đang hiểu âm nhạc qua ca khúc, nghe ca khúc, coi đây là hiểu biết âm nhạc). Tất nhiên, không phủ định âm nhạc được công chúng tiếp nhận qua lời ca, đối tượng thưởng thức âm nhạc thích xem, nghe ca khúc (đặc biệt ca khúc nhạc nhẹ hoặc dân gian đương đại). Cần giải pháp đồng bộ, có mục đích để mọi người hiểu tác phẩm khí nhạc nổi tiếng thế giới, Việt Nam. Mở rộng hình thức câu lạc bộ âm nhạc với chuyên đề khác nhau, thu hút sự quan tâm, chú ý từng đối tượng công chúng, tầng lớp xã hội.

– Đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực âm nhạc bằng nhiều hình thức hợp tác, liên kết giữa sáng tác, biểu diễn với kinh tế thị trường. Gây nguồn quỹ tài trợ, đáp ứng kinh phí hoạt động, tổ chức sản xuất chương trình âm nhạc. Tạo cầu nối giữa nhạc sĩ với công chúng qua công ty tổ chức sự kiện giúp người dân gần gũi, trao đổi trực tiếp với các hội âm nhạc, không qua gián tiếp như xem trên truyền hình hoặc bài viết.

– Với xu hướng khoa học công nghệ 4.0, các hội âm nhạc: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cho nhạc sĩ, nhà nghiên cứu lý luận, nghệ sĩ biểu diễn, GV trong cơ sở đào tạo âm nhạc hàn lâm, chuyên nghiệp (và bán chuyên) học tập, sử dụng thành thạo các phần mềm chép nhạc như: Encore, Finale, Musescore, Siberius. Từ đó hình thành đội ngũ nhạc sĩ music Producer/nhà sản xuất âm nhạc nhằm bắt kịp tốc độ phát triển âm nhạc số đang phổ biến trên thế giới.

Tóm lại: âm nhạc là loại hình nghệ thuật phổ biến nhất ở Việt Nam (so với múa, kịch). Điều này là niềm tự hào, trách nhiệm to lớn của những người hoạt động âm nhạc. Thông qua chủ đề hội thảo: Văn học nghệ thuật Hà Nội- Huế- thành phố Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975- 30/4/2025): những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển, người viết bài mong muốn góp vài ý kiến để các nhà quản lý, tổ chức âm nhạc Hà Nội, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh lắng nghe thấu hiểu thực trạng theo hướng tích cực. Từ năm 1975 đến nay, giới âm nhạc Việt Nam đã làm nhiều việc, nhưng những thách thức, đòi hỏi xã hội đang đặt ra, cần sự chung tay, góp sức của tất cả nhạc sĩ, nhà nghiên cứu lý luận, cơ sở đào tạo âm nhạc trong giai đoạn đầu thế kỷ XXI. Người viết bài này không bàn vĩ mô, chỉ đề cập đến tiểu tiết cần thực hiện ở 3 trung tâm văn hóa nghệ thuật: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh. Tuy vậy, phải khẳng định, âm nhạc mang tầm vóc, vị trí đặc biệt so với nhiều loại hình nghệ thuật ở Việt Nam, do đó định hướng âm nhạc góp phần thúc đẩy nhận thức con người phát triển thẩm mỹ theo hướng văn minh, tiên tiến trong tình hình mới với định hướng: hiệu quả, chất lượng, sát thực tế xã hội.

Để kết thúc bài viết, tác giả trích dẫn Lời nói đầu của nhóm tác giả công trình Âm nhạc mới Việt Nam tiến trình và thành tựu: Những người làm công tác âm nhạc có quyền tự hào về thành tựu đã đóng góp cho tổ quốc, cho dân tộc là những tác phẩm, công trình nghiên cứu khoa học, chương trình biểu diễn nghệ thuật thuộc nhiều hình thức, thể loại âm nhạc khác nhau, cùng nhiều cơ sở đào tạo từ thấp đến cao trong cả nước ([2]).

Đó không chỉ là nguyện ước của người viết, mà là tiếng nói tâm huyết chung của các nhạc sĩ Việt Nam đầu thế kỷ XXI.

[1] PGS.TS.Nguyễn Thụy Loan,(1993), Lược sử âm nhạc Việt Nam, Nxb Âm nhạc, tr.116

[2] PGS.Tú Ngọc (chủ biên),(2000), Âm nhạc mới Việt Nam tiến trình và thành tựu, Nxb Viện Âm nhạc, tr.5

Tác giả: PGS.TS.Nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN