Chủ Nhật, Tháng Chín 8, 2024
Trang chủ Blog Trang 3

Lịch sử nhạc Jazz – Phần 2: Thời kì Hậu Big Band

0
Lịch sử nhạc Jazz – Phần 2: Thời kì Hậu Big Band

Lịch sử nhạc Jazz – Phần 2: Thời kì Hậu Big Band

Bebop (1939-1950)

Credit: ilhabelainjazz.com
Credit: ilhabelainjazz.com

Bebop phát triển từ đầu những năm 1940, khi những nhạc sĩ trẻ chơi Big Bands truyền thống họp mặt lại trong những đêm diễn cùng nhau và khuyến khích thử nghiệm. Theo nhà sử học về jazz Ted Gioia, Bebop là một cuộc cách mạng trống lại “cái bẫy thịnh hành của nhạc Swing”. Trong Bebop, các riff đơn giản được thay thế bằng các riffs bất đối xứng, các đoạn solo ngẫu hứng được chú trọng, tempo được đẩy nhanh. Nhạc Bebop đem lại cảm giác như một cuộc rượt đuổi cuồng loạn, khác hẳn với loại nhạc nhún nhảy sinh động của thời kì trước.

Khởi xướng là tay saxophone Charlie Parker cùng tay Trumpet Dizzy Gillespie.

be bop revolution - jazzinthehills dot org
Credit: jazzinthehills.org

Nghệ sĩ tiêu biểu

  • Coleman Hawkins: Nghệ sĩ tenor saxophone, đặt nền móng cho Bebop vào năm 1939 với bản thu âm “Body and Soul”, dẫn dắt bộ sậu Thelonious Monk, Miles Davis và Max Roach, ghi âm tiết mục bebop đầu tiên vào năm 1944.
  • Charlie Parker: Nickname là “Bird”, chơi saxophone. Cùng với tay trumpet Dizzy Gillespie, họ đã tạo nên lịch sử của Bebop.
  • Dizzy Gillespie: bậc thầy trumpet, kết hợp chất nhạc Phi-Mỹ vào nhạc jazz. Dizzy thường được biết tới với hình ảnh phồng má thổi trumpet vì chuông của chiếc trumpet của ông vểnh lên trên đến 45 độ , theo như ông giải thích là để cho âm thanh truyền được thẳng đến tai mình. Kĩ thuật scat singing (dùng giọng hát để tạo ra những âm thanh phi ngôn ngữ, với giai điệu, tiết tấu và âm sắc vô cùng phong phú và phức tạp, có thể sánh với khả năng tạo âm của nhiều nhạc cụ khác) cũng đã trở thành một thương hiệu của Dizzy.
jazzinphoto.wordpress.com
jazzinphoto.wordpress.com
  • Thelonious Monk: Pianist, được xem là một trong những nhà soạn nhạc jazz vĩ đại nhất. Phong cách của ông đậm chất bebop – vuông vức và cộc lốc. Nhiều bài hát của ông trở thành chuẩn mực của jazz (“Round Midnight” and “Straight, No Chaser”)
  • Bud Powell: Bậc thầy piano, còn gọi là “Charlie Parker của Piano”. Cùng với Charlie Parker, Dizzy Gillespie, ông được ghi nhận công lao với sự phát triển và hưng thịnh của bebop.

Cool (1949-1955)

cool jazz 2

Khái niệm cool bắt nguồn từ một triết lí sống của người Mĩ Phi ở phía Tây, là lối sống tách mình khỏi sự nhiễu loạn của đám đông xung quanh, để tìm thấy sức mạnh nội tâm, một dạng kiểu đeo mặt nạ (play it cool). Trong nhiều thập kỉ, nhạc sĩ jazz Mĩ Phi, và sau đó là những nhà hoạt động activist thường đeo kính đen, ngay cả ở trong nhà và vào ban đêm. Trong truyền thống của người châu Phi, cool thể hiện ánh sáng trong sự vận động, sự tái sinh, sự hoà hợp và khoẻ mạnh về thể chất. Tới những năm 40-50 thì cool trở thành ngôn ngữ phổ thông của dân Mỹ nói chung (hip and cool).

Cool jazz là thể loại jazz nhẹ nhàng, thư giãn của vùng biển bờ Tây. Cool jazz có nhịp điệu chậm rãi, tập trung vào giai điệu và thể nghiệm với một chút yếu tố cổ điển với thang âm toàn cung (whole tone scale – thang âm sáu cung trong quãng 8). Đôi khi trong đội hình band cool jazz cũng có sự xuất hiện của nhạc cụ cổ điển.

Nghệ sĩ tiêu biểu:

  • Mile Davis: Một trong những tay trumpet có ảnh hưởng nhất trong thế kỉ 20, không những dẫn dắt nhạc Cool jazz mà còn có vai trò quan trọng trong sự phát triển của hard bop, modal, free và fusion jazz. Album Birth of the Cool đặt nền móng cho Cool jazz.
  • Dave Brubeck: Nghệ sĩ dương cầm, trưởng nhóm Dave Brubeck Quintet; được xem như một trong những jazz pianist xuất sắc nhất.
  • Gerry Mulligan: Saxophonist, chơi trong album Brith of the Cool của Miles Davis, có hơp tác với Chet Baker
  • Chet Baker: Tượng đài của Cool jazz, tay trumpet chơi trong band của Gerry Mulligan.
Cool jazz trio - Pamella Allegretto
Cool jazz trio – Pamella Allegretto

Tác phẩm nổi bật:

 Hard Bop (1951-1958)

John Coltrane
John Coltrane

Nếu Cool jazz đậm hơi hướm cổ điển và châu Âu thì Hard bop là sự trở lại của jazz với chất blues và châu Phi. Nghệ sĩ hard bop mang chất gospel (một loại nhạc ở miền nam nước Mỹ, được trình diễn bởi những đội ca nhà thờ, hát những bài ca vui sướng trong những buổi lễ kỷ niệm…)  và nhịp điệu của blues vào jazz.

Nghệ sỹ nổi bật:

  • Tứ Tấu Miles Davis: Band nhạc nổi tiếng với nhiều nghệ sĩ jazz kì cựu
  • Band Jazz Messengers của Art Blakey – Tay trống đã phát triển hard bop drumming, ảnh hưởng của ông vẫn còn sâu đậm với jazz tới ngày nay.
  • John Coltrane: Saxophonist, thành viên của Miles Davis Quintet
  • Sonny Rollins: Tenor saxophonist
  • Horace Silver: pianist có công cách tân hard bop.
  • Ngũ tấu Clifford Brown-Max Roach

Tác phẩm tiêu biểu:

Modal (Late 1950s)

modal jazz

Nếu Bebop và Cool được sáng tác dựa theo vòng hợp âm sẵn có thì modal jazz dựa theo mode, hoặc theo thang âm nhất định. Bebop và Cool có sự thay đổi đột ngột thì với modal, sự thay đổi mode diễn ra rất chậm chạp. Theo mode nhất định, nghệ sĩ chơi modal jazz sẽ dành thời gian để “chế biến” bảy nốt nhạc và chăm chút hơn cho phần ứng tấu sáng tạo.

Nghệ sĩ nổi bật:

  • Miles Davis
  • John Coltrane

Tác phẩm tiêu biểu:

Free Jazz (1959-1970)

Free jazz-Taylor Burke
Free jazz-Taylor Burke

Từ thời kì Big Band, các nghệ sĩ nhạc jazz đã vượt ra khỏi các rào cản âm nhạc, trong đó Free jazz là sự bất tuân của mọi giới hạn. Thay vì sáng tác dựa trên chuỗi hợp âm hoặc mode định trước, free jazz chỉ đơn giản dựa trên âm thanh. Các nghệ sĩ thường dùng Overblow (kĩ thuật nghiêng kèn, ém hơi) để tạo tiếng rít. Sự ứng tấu và sáng tạo được khuyến khích tối đa.

Ngoài ra, free jazz còn bất tuân theo luật lệ. Free Jazz là sự trở lại của phong cách ứng tấu tập thể New Orleans Jazz, trong đó nhiều thành viên thay phiên nhau đối ứng. Cái cũ được lột xác. Free Jazz ghi lại sự buông thả của xã hội Mỹ những năm 1960.

free jazz UK CD

Nghệ sĩ nổi bật:

  • Ornette Coleman. Chơi nhiều nhạc cụ, nhưng nổi tiếng nhất là saxophone. Được xem như cha đẻ của free jazz.
  • Cecil TaylorPianist nổi tiếng từ những âm thanh giàu năng lượng và các chơi ứng biến phức tạp. Cách chơi piano của ông nghe hệt như chơi nhạc cụ bộ gõ

Fusion (1969-1990)

fusion jazz 2

Sau gần ba thập kỉ cách tân, các nghệ sĩ jazz vào những năm 70 trở về với jazz truyền thống, dòng Fusion. Hoặc như Cary (pianist và nhà soạn nhạc) nói rằng “Fusion là con át chủ bài đã đưa jazz trở lại thời hoàng kim” (“Fusion was jazz’s last ditch effort to make jazz popular again.”)

Jazz fusion là sự hợp nhất của jazz với các thể loại âm nhạc phổ biến khác, nhất là rock và funk. Jazz fusion kết hợp sức mạnh, nhịp điệu và sự đơn giản của rock ‘n roll với sự ngẫu hứng trau chuốt của jazz. Ampli điện tử cũng như nhiều thiết bị điện tử khác từ rock và funk đã tạo nên hiệu ứng lạ cho jazz. Trong khi các nhà phê bình và nghệ sĩ jazz không nhìn nhận jazz fusion như dòng jazz chính thống, phong cách này vẫn mở lối đi riêng đến một cộng đồng nghe mới mẻ hơn.

Nghệ sĩ nổi bật:

  • Mile Davis: Liệu có thể loại nhạc jazz nào mà không có sự góp công lớn của Mile?
  • Weather Report: Một trong những ban nhạc jazz fusion sớm nhất và có ảnh hưởng nhất.
  • Herbie Hancock: Tay chơi piano trong dàn tứ tấu của Mile Davis, tiên phong trong sử dụng nhạc cụ điện tử trong jazz. Thể loại fusion của ông thường tập hợp funk với jazz. Ông là một trong những nghệ sĩ jazz còn sống có ảnh hưởng nhất đến các nghệ sĩ jazz hiện nay.
  • Chick Corea: Chơi keyboard, tiên phong trong nhạc jazz điện tử. Ông đem những yếu tố Latin vào phong cách jazz fusion.
  • Freddie Hubbard: Tay chơi kèn trumpet, kết hợp funk với jazz.

Tác phẩm tiêu biểu:

———————————–
Xem phần 1: https://www.phuongvu.me/lich-su-nhac-jazz-phan-1/

——————————————————

Cùng nhìn lại thời kì phát triển của jazz:
Jazz history
——————————————-
Tham khảo:

Tác giả: Phương Vũ

(Nguồn: https://phuongvu.me/)

Lý luận phê bình âm nhạc – thực trạng và giải pháp

0
Trong hàng chục thập kỷ qua, để có được sự phát triển lớn và mạnh của nền âm nhạc Việt Nam là có phần đóng góp không nhỏ cả tâm lực, tài năng của nhiều thế hệ những người làm công tác âm nhạc, trong đó có các nhạc sĩ, nghệ sĩ, những người làm công tác đào tạo và những người làm công tác nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc. Trong bốn nhà âm nhạc thì dường như người làm công tác nghiên cứu âm nhạc mà ta gọi là lý luận phê bình âm nhạc ít được biết đến, ít được quan tâm và hiểu một cách đúng nghĩa.

Với tư cách của một người được đào tạo và tốt nghiệp đại học chuyên ngành Lý luận phê bình âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), đồng thời tôi cũng đã tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên ngành báo chí. Từ hiểu biết của bản thân, tôi cũng mạo muội xin được chia sẻ những suy nghĩ của mình xung quanh vấn đề về lý luận phê bình âm nhạc.

 1. Đôi điều mạn đàm về lý luận phê bình âm nhạc

Có hay không một nhà lý luận phê bình âm nhạc? Phải hiểu thế nào cho đúng về nhà lý luận âm nhạc?

Có người đã hiểu chưa thật đầy đủ về nghề lý luận phê bình âm nhạc. Và bản thân tôi nghĩ rằng không phải cứ tốt nghiệp đại học chuyên ngành Lý luận là tự gắn mình với tên gọi “nhà lý luận phê bình âm nhạc”.

Đã là một nhà lý luận phê bình âm nhạc, ngoài bằng cấp, còn cần phải có một quá trình nghiên cứu, sưu tầm và tham gia viết dưới nhiều hình thức khác nhau. Và tuy nhiên để làm được điều đó cần phải có thời gian, sự tâm huyết và rất nhiều yếu tố khác nữa. Thực tế trong nhiều năm qua, tại các cuộc tổng kết hoạt động văn học nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng, nhiều người nhận định rằng: “Công tác nghiên cứu lý luận phê bình chưa có tiếng nói, thiếu vắng những cây phê bình sắc bén” và có cả những nhận xét: “Công tác lý luận phê bình yếu kém”. Riêng cá nhân tôi cho rằng việc đánh giá này chưa đầy đủ và chưa rõ ràng, bởi đã là công trình nghiên cứu thì không thể đặt bút là viết, mà cần phải có quá trình đi thu thập tư liệu, thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, chứng minh mới có một bản thảo tốt và từ bản thảo chuyển sang thành sách là cả một vấn đề. Vậy mà hàng năm chúng ta vẫn có những công trình lý luận lớn, nhỏ được công bố, nghĩa là công tác nghiên cứu lý luận phê bình không hề vắng bóng.

Chúng ta ai cũng biết, để quảng bá một ca khúc đã là một việc làm khó đối với đời sống của rất nhiều nhạc sĩ, thì đối với một công trình nghiên cứu còn khó hơn nhiều. Đó là một thực tế đau lòng khi làm nghề mà những đứa con tinh thần của mình đã không thể ra mắt đồng nghiệp, bạn đọc.

Như vậy, ở đây đã cho thấy đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng còn chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi của công tác nghiên cứu lý luận. Và vì thế, chỉ một số rất ít công trình được xuất bản, trong khi còn biết bao công trình nghiên cứu đang nằm trong ngăn tủ tại các tư gia.

Một khía cạnh khác của người làm công tác lý luận phê bình là: bên cạnh những công trình lý luận, thì họ còn góp sức trong việc sưu tầm, làm công tác khoa học tại các viện nghiên cứu, trong các tổ chức chính trị nghề nghiệp, nhưng vì tính chất công việc mà họ ít được công chúng biết tới, chỉ có người trong nghề, nói đúng hơn là những đồng nghiệp biết đến họ và công việc của họ mà thôi. Điều này được minh chứng bởi tất cả những di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận trong những năm qua đều có phần đóng góp tích cực của những nhà nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc, những người làm công tác âm nhạc chuyên nghiệp trong việc nghiên cứu, sưu tầm, lập hồ sơ và có những bản thuyết trình đầy sức thuyết phục để nhận được sự đồng thuận của các thành viên bỏ phiếu cho các di sản của Việt Nam trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Cùng với đó là số lượng lớn những người làm công tác lý luận trong môi trường sư phạm. Có thể họ không có nhiều công trình nghiên cứu nhưng họ lại đóng góp vào những đề tài khoa học, có sáng kiến, cải tiến trong việc biên soạn giáo trình giảng dạy, đào tạo ra nhiều thế hệ những nhà lý luận phê bình tương lai.

Một lực lượng cũng đáng kể nữa hiện đang công tác tại các cơ quan phát thanh và truyền hình. Họ đã và đang thực hiện các chương trình âm nhạc chuyên đề mang tính học thuật, không chỉ là định hướng thẩm mỹ cho người nghe, người xem mà còn hướng tới đối tượng là những người làm âm nhạc chuyên nghiệp.

Như vậy, đội ngũ những người làm công tác lý luận phê bình âm nhạc không phải là ít, họ trải đều trên các mặt trận. Tuy nhiên điều tôi trăn trở, suy nghĩ chính là lực lượng những người viết báo trong lĩnh vực âm nhạc.

 2. Báo chí và âm nhạc – nên hiểu thế nào cho đúng về nhà báo viết về âm nhạc hay nhà lý luận âm nhạc

Nếu là người làm nghề thì không phải giải thích về cụm từ này, nhưng thực tế của đời sống xã hội, người ta đã gộp hai nhà này làm một. Chính điều này đã có ảnh hưởng không nhỏ tới việc định hướng dư luận, định hướng về nhận thức, tư tưởng, thẩm mỹ đối với công chúng thưởng thức trong xã hội đầy biến động.

 Thực trạng cho thấy, tại nhiều tòa soạn báo, nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực truyền thông có rất nhiều người chuyên viên về văn học nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng nhưng lại không có chuyên môn, chứ chưa nói gì đến việc có được đào tạo để viết lý luận phê bình hay không? Thậm chí họ cũng chẳng được đào tạo báo chí, có khi viết báo chỉ là tay ngang, lâu dần thành quen và cứ bạt mạng viết, bạt mạng phán những gì mà bản thân họ thấy thích và cho là đúng (từ quan niệm và nhận thức của chính bản thân họ).

Điều đáng nói, lực lượng những người viết báo về âm nhạc lại là một lực lượng hùng hậu. Họ thỏa sức viết về âm nhạc, bàn luận về âm nhạc mà không hề nghĩ đến hậu quả để lại từ những bài báo thiếu tính lý luận, không có chút hiểu biết về học thuật, thậm chí không có cả nghề báo nhưng họ vẫn viết, vẫn làm vì công tác quản lý buông lỏng, lãnh đạo cơ quan chủ quản quan liêu, các tổ chức chính trị nghề nghiệp chưa hoặc có lên tiếng cũng không gay gắt do sợ động chạm khi có nhiều vấn đề được các nhà báo không chuyên nghiệp đưa ra mổ xẻ một cách lố bịch trên các diễn đàn báo chí, các trang mạng xã hội. Chính vì thế, mảng âm nhạc trên báo chí với một lực lượng nhà báo trẻ, hùng hậu (thậm chí chỉ là những sinh viên thực tập, những cộng tác viên) cứ tha hồ tung hoành với những chuyện giật gân, những scandal, đời tư ca sĩ, nghệ sĩ được bê cả lên mặt báo). Vậy cái tâm của nhà báo ở đâu? Và như thế có thể coi đó là phê bình âm nhạc được hay không? Như vậy, báo chí không những không làm tròn sứ mệnh của mình mà còn đang làm phức tạp, làm xấu thêm tình hình và làm lũng loạn thị trường, thổi bùng lên những tị hiềm, nhỏ nhen, ích kỷ của một bộ phận giới trẻ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, gây hiệu ứng không tốt tới đời sống xã hội.

Ranh giới giữa nhà báo viết về âm nhạc và nhà phê bình âm nhạc rất rõ ràng, nhưng có lẽ chỉ những người làm nghề chuyên nghiệp nhận biết rõ ràng điều này, còn thì vô hình trung họ đã quy chụp những cái gì viết về nhạc trên các phương tiện truyền thông đại chúng là phê bình âm nhạc và những nhà báo viết về âm nhạc là lý luận phê bình âm nhạc.

Những người làm lý luận phê bình đích thực không phải vì không được đào tạo báo chí nên ngại viết báo, nhưng hầu như họ mới chỉ dừng lại ở những bài nghiên cứu, hoặc những bài viết nặng về tính học thuật được đăng tải trên những tạp chí chuyên ngành, một số cơ quan phát thanh, truyền hình. Cá biệt có một số nhà lý luận phê bình cho rằng họ ở “một tầng lớp khác” và vì thế họ có nhiều việc để làm, để viết, họ không thừa thời gian dành cho những điều “mà họ cho là” vớ vẩn, vô bổ, thậm chí thiếu văn hóa trên báo chí. Trong khi đó, những người làm báo viết âm nhạc thì lại nhiều vô kể và số này hầu hết là không được đào tạo âm nhạc nhưng vẫn lao vào viết vì âm nhạc và giới văn nghệ sĩ là mảnh đất họ dễ kiếm sống. Họ chỉ cần có bài viết, có nhuận bút chứ không nghĩ đến việc mình làm gì, làm như thế nào mang lại ý nghĩa xã hội tích cực. Đáng tiếc thay, nhiều nhà báo lại nghĩ mình tài giỏi hơn người, dám viết vào những lĩnh vực nhạy cảm mà tôi cho rằng “điếc không sợ súng” đã khiến họ tha hồ tự tung, tự tác trên các diễn đàn và giở những chiêu, trò, thủ thuật báo chí làm lũng loạn thị trường âm nhạc, dẫn đến lệch chuẩn về nhận thức, thẩm mỹ của công chúng, nhất là lớp trẻ. Những bài báo chưa có, hoặc ít có bề dày về lý luận, về học thuật, không có cơ sở lý luận vững chắc trong phê bình, mà chỉ phê bình bằng cảm tính – chủ quan, nên khen, chê cũng cũng còn nhiều điều cần bàn, nhiều khi sử dụng ngôn từ đời thường thiếu văn hóa và tính nhân văn đang ngày càng phổ biến, tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là lý do khiến cho vì sao trên các phương tiện thông tin đại chúng, những vấn đề liên quan đến âm nhạc mang tính lý luận, thực tiễn gắn với đời sống xã hội ít được quan tâm đúng mức.

3. Thực trạng và giải pháp

Lĩnh vực âm nhạc trên báo chí cho thấy một thực tế báo động về công tác quản lý hết sức lỏng lẻo của các cơ quan chức năng đang góp phần để cho thị trường âm nhạc nói chung, báo chí viết về âm nhạc và cả thị trường băng đĩa không lành mạnh tràn lan. Nếu không có sự buông lỏng, không có sự bao che, liệu các nhà báo có tự tung tự tác trên các diễn đàn được như thế hay không? Các nhà mạng có thỏa sức đăng tải những video clip thiếu văn hóa như thế lên các trang mạng, chứ chưa nói gì đến tính nghệ thuật? Vì không có sự kiểm duyệt gắt gao, không có chế tài đủ mạnh nên họ ngày càng coi thường bạn đọc, coi thường dư luận xã hội, tha hồ tâng bốc, tôn vinh bất cứ ai họ muốn lăng xê cho dù người đó không có tài năng, thậm tệ hơn là có những “thành phần” nghĩ những thứ “rác rưởi” ấy coi đó là nghệ thuật, là văn hóa, là sự cống hiến… và đưa lên các phương tiện truyền thông mà chủ yếu là các trang mạng. Và cứ thế đĩa nhạc của họ ra đời và mặc nhiên họ mang danh là “nhạc sĩ”, bài viết của họ được đăng tải lâu dần họ tự đặt mình vào giới phê bình âm nhạc.

Các cơ quan xuất bản, báo chí, phát thanh, truyền hình là công cụ tuyên truyền, cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, ấy vậy mà, nhiều đơn vị, nhiều chương trình, công việc kiểm duyệt, thẩm định gần như thả nổi. Trong khi trình độ chuyên môn của một số cơ quan phát thanh, truyền hình còn rất hạn chế, nhất là ở các đài địa phương. Có những bài báo, chương trình kém chất lượng, thiếu định hướng và không có sự công tâm của người viết tại sao vẫn được đăng tải? Lỗi ở nhà báo một phần nhưng trách nhiệm cũng thuộc về những người quản lý tòa soạn. Đặc biệt hiện nay khi công nghệ thông tin bùng nổ, phương tiện kỹ thuật hiện đại đã kéo theo một trào lưu sáng tác mới nào là nhạc sàn, nhạc chế, nhạc chuông, nhạc chờ mà toàn những thứ được làm từ công nghệ, máy móc chứ không phải sản phẩm làm ra bằng trái tim, khối óc và bằng xúc cảm nghệ thuật. Nhiều khi khiến người nghe “sởn da gà” bởi thứ âm nhạc giật gân, lời lẽ thô tục, thiếu tính văn học.

 Đáng lẽ âm nhạc phải khiến con người ta thăng hoa khi cảm xúc được cộng hưởng, đằng này nghe nhạc mà nó khiến con người không thể xích lại gần nhau bởi chỉ toàn thấy gươm, đao, giáo, mác với những lời lẽ thô thiển, kệch cỡm …Vậy thử hỏi, vai trò của những người lãnh đạo văn hóa ở đâu??? Họ đã và đang làm gì để định hướng dư luận, để góp phần vào sự phát triển của đất nước, hay chỉ đưa ra những quy chế, quy định làm rối ren, trong khi chúng ta đang cải cách thủ tục hành chính. Chính sự quan liêu, buông lỏng quản lý nếu không muốn nói quá “là vô trách nhiệm” của một vài cá nhân ở những vị trí lãnh đạo quan trọng là một trong những nguyên nhân góp phần đẩy môi trường âm nhạc ngày một “ô nhiễm” thêm trầm trọng.

Vì thế tôi xin đề xuất mấy kiến nghị:

– Thứ nhất: Bộ Thông tin – Truyền thông cần có chế tài xử phạt rõ ràng, đủ mạnh và nghiêm minh. Cần xây dựng lộ trình và lập ban thanh tra để xử lý tình huống khi cần.

– Thứ hai: Cần xây dựng và có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu lý luận, không hạn chế số lượng, nhất là đối với các công trình nghiên cứu về văn hóa, âm nhạc dân gian. Vì điều này rất cần cho việc bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.

– Thứ ba: Cần xử phạt nghiêm, thậm chí cấm phát hành nếu tờ báo, trang báo điện tử nào vi phạm luật báo chí, xuất bản và quảng bá các sản phẩm văn hóa có ảnh hưởng không tốt tới việc định hướng tư tưởng, thẩm mỹ, nhận thức, lối sống của đại bộ phận công chúng trong xã hội.

– Thứ tư: Trong lĩnh vực đào tạo, cần có sự can thiệp, hoặc liên kết chặt chẽ giữa các trường để môn âm nhạc nói riêng, văn học nghệ thuật nó chung trở thành một chuyên ngành lựa chọn của các nhà báo tương lai. Vì chỉ khi họ được học, được tiếp cận một cách đầy đủ thì khi ra trường họ mới hiểu và có cái nhìn đúng.

– Thứ năm: Các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp cần đẩy mạnh các hoạt động của tiểu ban lý luận phê bình. Có sự liên kết của các khối lý luận phê bình ở các cơ quan đơn vị hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp để tạo nên sức mạnh tổng hợp.

Tôi cũng rất vui vì sự ra đời của Câu lạc bộ Âm nhạc và báo chí của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhưng vì là mới thành lập nên trong hoạt động cũng còn nhiều điểm còn cần bổ sung mở rộng phạm vi hoạt động, mở rộng đối tượng tham gia sinh hoạt câu lạc bộ nhưng cũng cần có chế tài và quy trách nhiệm và phạm vi hoạt động, tránh trường hợp mượn danh là Hội viên của Câu lạc bộ Âm nhạc và báo chí của Hội để lộng hành trên các diễn đàn.

Thay cho lời kết

Rất cần có những cuộc hội thảo, mặc dù, các hội thảo mới chỉ dừng lại ở việc nêu lên vấn đề và những thực trạng tồn tại cần được giải quyết. Vẫn biết không phải một sớm, một chiều là có thể giải quyết tận gốc vấn đề vì có nhiều nguyên nhân mà mấu chốt vấn đề chính là cơ chế. Từ cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, cơ cấu tổ chức v.v… đã có tác động đến tất cả mọi lĩnh vực, mọi vấn đề của xã hội chứ không chỉ riêng lĩnh vực âm nhạc. Và những cuộc Hội thảo chẳng khác nào “muối bỏ bể” nhưng có vẫn còn hơn không. Vì nếu không có hội thảo, những người hoạt động âm nhạc và báo chí như chúng tôi sẽ chẳng biết chia sẻ cùng ai…

Tác giả: Trần Lệ Chiến

(Nguồn: https://vienamnhac.vn/)

DANH SÁCH TÁC PHẨM MỚI THÁNG 7 NĂM 2024

0

Ban biên tập chương trình Giới thiệu Tác phẩm mới – Hội Âm nhạc Hà Nội (HAN)

Xin trân trọng thông báo tới các nhạc sĩ hội viên:

Trong tháng 07/2024, Ban biên tập chương trình Giới thiệu Tác phẩm mới – Hội Âm nhạc Hà Nội (HAN) đã nhận được các tác phẩm của các nhạc sĩ hội viên gửi về và lựa chọn ra 10 ca khúc có chất lượng.

Chương trình Giới thiệu Tác phẩm mới của Hội Âm nhạc Hà Nội với chủ đề: “HÁT VỀ THƯƠNG BINH LIỆT SỸ” sẽ được tổ chức vào 09h00 ngày 15/07/2024, tại Hội trường Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội số 19 – Hàng Buồm – Hà Nội.

  • Biên tập: Vũ Thiết – Tiến Mạnh
  • MC: Tiến Mạnh

Những bài hát gồm file Audio, Video và PDF đủ chất lượng sẽ được chuyển lên Kênh Youtube Hội Âm nhạc Hà Nội và trang Website: (https://hoiamnhachanoi.org/).

Kính mời các nhạc sĩ hội viên đến tham dự đầy đủ, đặc biệt là các nhạc sĩ có bài hát được giới thiệu trong chương trình.

Xin trân trọng cảm ơn!

T/M BCH

TPM THÁNG 07 2024 Final (2)

Pianist Nguyễn Việt Trung: Tôi thích những khoảng sáng và vẻ đẹp của âm thanh

0

Là Pianist trẻ mang 2 quốc tịch Việt Nam – Ba Lan, nổi tiếng thế giới, nhưng Nguyễn Việt Trung luôn cho tôi cảm giác gần gũi, chân tình – đó là lý do thôi thúc tôi phải gặp Trung bằng một cuộc hẹn phỏng vấn, điều này là một ngoại lệ với tôi ở thời điểm hiện tại.

Người nổi tiếng gần gũi, chân thành

Lên lịch, hẹn ngày giờ, phối hợp với kỹ thuật ghi hình cũng khiến tôi có cảm giác hồi hộp, chờ đợi như những ngày đầu tác nghiệp cách đây tròn 30 năm. Tôi mong chờ và tin cuộc gặp thú vị này sẽ giúp tôi và bạn đọc hiểu thêm về tiếng đàn vi diệu, quyến rũ của chàng trai trẻ ấy. Tôi vui vì cuộc trò chuyện diễn ra tự nhiên. Chúng tôi có thể cười phá lên và Trung cũng rất thoải mái khi nói ra những điều mình nghĩ và hành trình dấn thân phụng sự âm nhạc.

trung-.jpeg

 

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ cảm xúc chuyến trở về lần này, bởi với gia đình Trung, đây là cuộc đoàn tụ. Nguyễn Việt Trung tâm sự: “Mỗi lần trở về Hà Nội, trong tôi có những cảm xúc đặc biệt. Lần này, được đoàn tụ đông đủ cả đại gia đình sau 6 năm vì đại dịch Covid-19 và vì những lý do riêng. Chuyến trở về này thật sự vui. Tôi háo hức chờ đợi chuyến đi này, bởi, chị tôi và tôi hiện giờ sống ở Mỹ, còn ba mẹ và anh tôi sống ở Việt Nam nên cũng khá xa nhau, để sắp xếp được thời gian bên nhau 1 tuần quả thực không dễ dàng, nên chúng tôi rất happy khi có được kỳ nghỉ cùng nhau.

Hà Nội rất đẹp, nên lúc nào được trở về bên gia đình cũng đều tuyệt, nhưng có lẽ tôi có ấn tượng nhiều hơn khi được về vào dịp Tết. Tôi thích không khí Giáng sinh và năm mới. Phố cổ Hà Nội rất yên tĩnh và tôi có thể tập trung để chơi đàn. Hà Nội mùa xuân không khí rất dễ chịu, nó cho tôi nhiều cảm hứng trong âm nhạc”.

Sinh năm 1996 tại Hà Nội, nhưng Nguyễn Việt Trung theo gia đình sang Ba Lan sinh sống khi chưa đầy 1 tuổi. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Việt Trung đã được cộng đồng người Việt ở Ba Lan và báo giới mệnh danh là “thần đồng piano”, “cậu bé vàng piano”… sau thành công của những giải thưởng cấp Quốc gia ở Ba Lan: Giải Nhất – Cuộc thi Emmy Alberg tại thành phố Lodz, Ba Lan (9 tuổi); Giải Nhì – Cuộc thi dành cho các Pianist trẻ (không có giải Nhất) tại Zyrardow, Ba Lan (10 tuổi). Hành trình dấn thân cho âm nhạc đâu phải lúc nào cũng trải hoa hồng và bước ngoặt khiến Trung nhớ nhất là năm 12 tuổi, Nguyễn Việt Trung kể: “Năm nào tôi thi cũng đạt giải cao nhất nên tôi khá tự tin vảo bản thân. Tuy nhiên, tôi đã không có tên trong danh sách đạt giải cuộc thi Piano quốc tế mang tên Ludwik Stefanski và Halina Czerny Stefanska tại Plock, Ba Lan, như một cú shock đối với tôi. Tôi lao vào tập luyện và một năm sau đó, tôi đăng ký dự thi và giành Giải Nhất cuộc thi Emmy Alberg 2005 (Ba Lan)”. Quả thực lúc đó tôi không nghĩ gì nhiều chỉ tập trung cho âm nhạc, làm sao thể hiện tốt nhất tác phẩm. Tôi thấy biết ơn các thầy cô giáo và gia đình đã hỗ trợ tôi rất nhiều. Tôi thấy vui và ấm lòng khi khán giả yêu thương, gọi mình bằng nhiều danh xưng khác nhau, nhưng tôi luôn muốn tôi là Nguyễn Việt Trung, và điều đó thúc đẩy tôi phải luôn tự tin vượt lên chính mình để hoàn thiện bản thân, không để khán giả thất vọng” – Nguyễn Việt Trung bộc bạch.

365843964_18296417119189036_8664638499014363600_n.jpg

 

Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2006, Trung đoạt Giải “Nốt nhạc vàng” cho tay đàn trẻ thể hiện tác phẩm của Mozart xuất sắc (Ba Lan); Giải 4, cuộc thi quốc tế mang tên Frederik Chopin tại Antoni, Ba Lan; Giải Nhì cuộc thi quốc tế mang tên Ludwik Stefanski – Hanlina Czerny Stefanska tại Ba Lan (2008); Giải Nhì cuộc thi Chopin quốc tế dành cho tài năng trẻ (2010); Giải Nhất Fryderyk Chopin lần thứ 18 (2021). Nguyễn Việt Trung tâm sự: “Đi liền với những vinh dự là một áp lực rất lớn, đến giờ nghĩ lại tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi tôi được người dẫn chương trình xướng tên “Nguyễn Việt Trung đến từ Việt Nam – Ba Lan”, tôi thực sự rất xúc động và tự hào mình là người Việt Nam. Để có được những thành quả ấy, thuận lợi lớn nhất đối với tôi chính là sự ủng hộ của gia đình để có thể toàn tâm tập trung vào âm nhạc mà không bị ảnh hưởng bởi mọi thứ xung quanh. Tôi luôn nhận được sự chăm sóc vô điều kiện của ba mẹ và cả gia đình. Tất nhiên, bây giờ trưởng thành hơn thì mẹ cũng đỡ vất vả hơn. Lúc bé, đi học, đi diễn thì luôn có mẹ ở bên. Giờ tôi sang Mỹ, mẹ về Việt Nam với ba, nhưng ngày nào ba mẹ cũng gọi điện hỏi thăm để nghe xem giọng nói của tôi hôm nay thế nào, có khoẻ – có vui không ? hay có gặp trở ngại gì không? Đôi lúc tôi cũng thấy khó chịu một chút vì ngày nào cũng bị gọi điện, nhưng rồi tôi lại thấy mình may mắn vì tình cảm của ba mẹ. Điều đó cho tôi có cảm giác an toàn và không cô đơn trên con đường âm nhạc. Bởi, trên sân khấu người nghệ sĩ phải đối mặt với chính mình, phải làm chủ cây đàn, vượt qua chính mình để có thể toả sáng một cách tự tin. Với tôi, gia đình là điểm tựa tinh thần quan trọng của người nghệ sĩ”.

Mặc dù sống ở nước ngoài từ nhỏ, nhưng ở tuổi 28, Nguyễn Việt Trung chững chạc, nhìn xa, trông rộng. Trung cũng đã vinh dự có mặt ở nhiều sân khấu danh giá trên thế giới như ở Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Anh, Singapore, Đan Mạch, Nga, Hungary, Ba Lan, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Và mỗi chuyến lưu diễn ấy, Trung luôn tìm cho mình cơ hội để có thể biểu diễn tác phẩm Việt Nam. Trung cho rằng: “Suy nghĩ và hành động thuần Việt trong tôi có lẽ xuất phát từ gia đình. Bố mẹ tôi khá nghiêm khắc trong việc giáo dục nhưng cũng hết mực yêu thương con cái. Anh chị em tôi được bố mẹ rèn dạy rất kỹ nên chúng tôi đều biết tới 4 ngoại ngữ. Riêng bản thân tôi sang ba Lan từ khi 1 tuổi nên việc học tiếng Việt đối với tôi ở nước sở tại cũng trở thành một ngoại ngữ”.

phut-thang-hoa-cam-xuc.jpeg
Phút thăng hoa trên sân khấu của Nguyễn Việt Trung

 

Mang thắc mắc của tôi hỏi Trung, ngày nhỏ, với cường độ học tập như vậy, có khi nào Trung “hận” bố mẹ không? – Nguyễn Việt Trung không ngần ngại chia sẻ: “Quả thực khi 4-5 tuổi, có lúc cũng cảm thấy hận bố mẹ vì phải học nhiều quá, không được nghỉ thứ 7 – chủ nhật, vì hết học đàn lại học ngoại ngữ rồi nhiều thứ khác nữa. Cả hai bà giáo dạy đàn cũng rất nghiêm khắc nên tôi luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, đôi lúc chán nản và cũng có thái độ bất cần bởi có lúc ốm đau, mệt mỏi nhưng cũng không được nghỉ. Môi trường giáo dục ở Ba Lan rất nghiêm khắc, nghỉ một buổi nghĩa là mất đi cơ hội học tập của buổi hôm đó. Đã thế, tôi đi đâu, làm gì nhưng giao tiếp trong gia đình đều phải dùng tiếng Việt, nên đôi lúc cảm thấy bất tiện, nhưng rồi khi trưởng thành, tôi hiểu lý do tại sao ba mẹ tôi lại làm như thế. Nhờ thế mà giờ ngoài tiếng Anh, tiếng Ba Lan, tiếng Pháp, tôi nói thành thạo tiếng Việt dù thời gian ở Việt Nam rất ít. Tôi biết ơn ba mẹ, đặc biệt là mẹ đã đồng hành, truyền cho tôi cảm hứng âm nhạc và nhiều câu chuyện thú vị về Việt Nam. Mẹ mang thai ở Ba Lan nhưng về Hà Nội sinh ra tôi chỉ vì mong muốn tôi là một người Việt Nam chính hiệu. Tôi nghĩ là thế! nên tôi cũng dành nhiều thời gian và suy nghĩa của mình cho tương lai âm nhạc của Việt Nam, có lẽ bởi tôi đã thấm lời dạy của ba mẹ, nhắc nhở anh chị em chúng tôi phải luôn nhớ về cội nguồn. Ở tuổi này, tôi thương mẹ nhiều hơn vì chính mẹ đã phải hy sinh bản thân để lo cho tôi. Mẹ là người nghe tôi chơi đàn nhiều nhất và cũng là người hiểu tiếng đàn của tôi hơn cả”.

Mặc dù có tới hơn 20 năm sống ở Ba Lan, rồi qua Mỹ sinh sống và học tập, nhưng Nguyễn Việt Trung trưởng thành trong gia đình thuần Việt, thấm đẫm văn hóa và ngôn ngữ Việt, điều này đã có ảnh hưởng tới phong cách âm nhạc Trung – Một tâm hồn thuần Việt, sâu lắng, tình cảm, nhưng kỹ thuật thì điêu luyện. Ở Trung toát lên một phong thái đĩnh đạc nhưng cũng cho thấy sự phóng khoáng, trẻ trung trong tiếng đàn, cuốn hút người thưởng lãm bởi sự lịch lãm trong phong cách và vẻ đẹp âm thanh qua ngón đàn, cùng biểu cảm gương mặt, thậm chí có lúc là sự biểu đạt bằng cả hình thể, cuốn người nghe vào mạch cảm xúc âm nhạc tuôn chảy.

Âm nhạc của Rachmaninoff, Chopin với Nguyễn Việt Trung

368000879_10220019481517277_2779609731205594096_n.jpg

 

Tôi đã từng nghe rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới biểu diễn bản Rhapsody trên chủ đề của Paganini của Nhà soạn nhạc Rachmaninoff, song khi nghe Nguyễn Việt Trung biểu diễn tác phẩm này trực tiếp tại Nhà hát Hồ Gươm đã khiến tôi xúc động, cay khoé mắt.

Rachmaninoff được mệnh danh là “Bậc thầy giai điệu”, tác phẩm của ông là một thách thức kỹ thuật đối với các pianist, nhưng lại có sức lôi cuốn mãnh liệt và Trung đã chinh phục và làm chủ cây đàn, làm chủ cảm xúc để thể hiện xuất sắc kỹ thuật piano điêu luyện của mình. Nguyễn Việt Trung cho biết: “Tôi chuẩn bị tác phẩm Rhapsody trên chủ đề Paganini trong suốt ba năm và đã có ba lần biểu diễn trước đó. Áp lực lớn nhất chính là mong muốn tự vượt qua yêu cầu của bản thân, chứ không phải từ những yếu tố bên ngoài. Tôi hiểu rằng chỉ khi chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, tôi mới có thể trình diễn ở mức độ tốt nhất trên sân khấu. Bởi, để chơi Rhapsody trên chủ đề Paganini, kỹ thuật cần phải rất vững. Tuy nhiên, khi biểu diễn tác phẩm của “Bậc thầy giai điệu” trên sân khấu, bên cạnh kỹ thuật thì tâm lý cũng phải ổn định để truyền tải những giai điệu tuyệt vời đến với công chúng. Vì vậy khi biểu diễn, tôi tập trung bộc bạch trái tim mình một cách đơn thuần và trực diện hơn là chỉ tập trung vào kỹ thuật. Điều này là một thách thức thực sự”.

z5584027615795_010cf0ff77e70dd9f57d3940c1f663fc.jpg
Gia đình là điểm tựa tinh thần quan trọng của Nguyễn Việt Trung khi theo đuổi sự nghiệp âm nhạc

 

Điểm chung trong âm nhạc của Chopin và Rachmaninoff là tính trữ tình, chất thơ đậm đặc trong âm nhạc. Đó cũng là điểm mạnh của Nguyễn Việt Trung khi chơi các tác phẩm của 2 nhà soạn nhạc này. Tuy nhiên, mỗi nhạc sĩ Trung đều tìm cho mình một hướng tiếp cận và xử lý tác phẩm riêng. Trung cho biết: “ Với âm nhạc của Chopin thì tôi có nhiều thuận lợi hơn vì từ nhỏ đã tiếp xúc với âm nhạc của Chopin. Còn với âm nhạc của Rachmaninoff là khi tôi 17 tuổi nên tôi phải khám phá, tìm tòi từ việc nghe nhiều qua các phương tiện nghe nhìn lẫn xem live trực tiếp. Ban đầu khi chơi cũng có những khó khăn nhất định nhưng tôi nghĩ đó cũng là lẽ thường và phải mất đến 5-6 năm để có đủ tự tin biểu diễn trên sân khấu lớn. Trong suốt thời gian đó, tôi tập luyện rất nhiều để làm quen với kỹ thuật của đôi tay. Nếu chơi Chopin đòi hỏi sự uyển chuyển của cổ tay nhiều hơn, thì đối với tác phẩm của Rachmaninoff thường có những quãng xa, nhảy quãng, âm thanh phát ra phải vang, nhưng không được thô và cần đến cả lực của cánh tay chứ không chỉ cổ tay. Nếu không vững về kỹ thuật thì khi thể hiện những đoạn nhạc nội tâm, khó có thể biểu đạt được cảm xúc tận sâu trong trái tim mình và được truyền qua ngón đàn, mang thông điệp nhà soạn nhạc n gửi gắm tới khán giả. Khi làm chủ được kỹ thuật thì cũng là lúc mình được giải phóng suy nghĩ và chỉ thả hồn bay bỗng theo dòng cảm xúc tuôn chảy của âm nhạc. Muốn làm được điều đó thì Trung phải tập hàng ngày, hàng giờ, thậm chí có những đoạn kỹ thuật khó Trung phải tập dòng dã nhiều ngày liên tục. Lắng nghe âm thanh để hiểu và cảm nhận được màu của âm thanh, độ tương phản của sáng – tối và ở mỗi khoảng sáng khác nhau, tiếng đàn phải thể hiện được điều đó, rồi cả sự đậm đặc, trầm ở tầng sâu dưới lòng đất, âm sắc cũng sẽ khác với bóng tối đơn thuần. Trung thích ánh sáng trong âm nhạc, nó có tầng nấc, biên độ khác nhau, thứ ánh sáng mê hoặc ấy đã dẫn dắt tôi đi theo mạch chảy thanh âm của tác phẩm. Thậm chí phải tìm ra được nguyên lý của trạng thái cảm xúc trong từng đoạn nhạc để có thể diễn đạt cảm xúc một cách tinh tế rà cũng rất “sexy”. Một điểm tôi cũng rất thích trong tác phẩm của Chopin cũng như Rachmaninoff chính là tính chất ngẫu hứng trong âm nhạc. Sử dụng rất nhiều chất liệu swing, jazz làm cho âm thanh đẹp, bay bổng, sang trong, vang xa, vững chãi, nhưng cũng rất uyển chuyển và đầy chất thơ”.

Quả thực, tôi đã bị Trung mê hoặc ngay từ lần đầu tiên nghe em chơi đàn năm em 9 tuổi, lúc ấy, tôi đang là phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam -Chương trình phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc. Cũng đã 20 năm qua đi, được nghe Trung đàn trên sân khấu, và ngay lúc này khi nghe Trung vừa phân tích, cũng đồng thời được xem Trung thể hiện những cảm xúc ấy qua từng cung bậc âm yhanh càng thu hút tôi vào câu chuyện của Trung./.

Tác giả: Trần Lệ Chiến 

(Nguồn: https://nguoihanoi.vn/)

Đàn Ghi ta và sự biến chuyển trải qua thế kỷ

0
Đàn Ghi ta và sự biến chuyển trải qua thế kỷ

Đàn ghi ta, từ nhạc cổ điển đến lễ hội hiện đại là hình mẫu văn hóa quyến rũ. Từ nguyên thủy Ai Cập tới Tây Ban Nha, từ cổ điển cho đến điện tử, giáo dục và công nghệ hiện đại đã không ngừng làm mới nhạc cụ này.

The History of Guitar
Đàn Ghi ta và sự biến chuyển trải qua thế kỷ. (Ảnh minh họa)

Trong thế giới âm nhạc đa sắc màu, đàn ghi ta là một nhạc cụ không thể thiếu, với khả năng chuyển tải cảm xúc và kết nối con người một cách sâu sắc. Không chỉ là người bạn đồng hành của nhiều nghệ sĩ, ghi ta còn là chất xúc tác cho những phong trào văn hóa, từ những buổi hoà nhạc cổ điển cho đến những lễ hội âm nhạc hiện đại.

Ghi ta cổ điển – Guitar classi, nơi tất cả bắt đầu

Đàn guitar có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài. Cây đàn guitar đầu tiên có lẽ xuất hiện ở Ai Cập và Babylon từ 1000 năm trước công nguyên. Trải qua nhiều biến đổi, từ những cây đàn nguyên thủy đến thế kỷ 19, dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân bậc thầy Antoni de Torres Jurado (1817-1892) cây đàn guitar tìm được sự hoàn hảo của mình: đơn giản và thanh thoát. Cây đàn được phân chia tỷ lệ một cách chính xác đến mức sau này không ai có thể vượt qua và nhờ đó đàn của de Torres là đại diện hình mẫu cho đàn guitar cho đến tận bây giờ.

Dù thế cây đàn guitar vẫn âm thầm phát triển. Với cảm hứng nghệ thuật từ cuộc sống bình dân, họa sĩ Michelangelo Merisi da Caravaggio đã sáng lập ra một trường phái nghệ thuật pha trộn tĩnh vật và phồn thực mà tâm điểm của nó là tiếng đàn guitar phóng khoáng và những bước nhảy vui nhộn trên bàn tiệc của những cô nàng hầu gái và những anh chàng nông phu hồn hậu. Có thể nói trước đây cũng là tiền đề dần hình thành nên dòng nhạc flamenco vô cùng quyến rũ đặc trưng của Tây Ban Nha.

Những tên tuổi như Ferdinando Carulli (1770-1841), Fernando Sor (1778-1839), Mauro Giuliani (1781-1829), Matteo Carcassi (1792-1853) và đặc biệt là Francisco Tárrega (1852-1909) đã góp phần đưa tiếng đàn guitar trở lại đời sống âm nhạc hàn lâm. Những bản nhạc kinh điển không chỉ mô phạm mà còn tràn đầy tính biểu cảm và sự tinh tế. Với mong muốn cây guitar có một vị trí trong dàn nhạc giao hưởng, Tárrega đã không ngừng phát triển kỹ thuật chơi nhạc guitar, chuyển soạn các tác phẩm của Frederic Chopin, Robert Schumann, Johann Sebastian Bach cho guitar. Sau này, tiếp nối con đường của Francisco Tarrega, Andres Segovia (1893-1987) cùng với cây lục huyền cẩm lần lượt chinh phục tất cả các phòng hòa nhạc.

Ghi ta Acoustic – sự mềm mại trong âm nhạc đương đại

Đặc điểm của ghi ta acoustic và sự ảnh hưởng của nó đến thể loại nhạc folk, country.

Sự ra đời của đàn Guitar classic tạo nên bước đột phá để cải tiến nhạc cụ thì đàn Acoustic cũng là bước ngoặt mang đến sự mới mẻ của âm thanh.

Đàn Ghi ta và sự biến chuyển trải qua thế kỷ

Vào những năm giữa thế kỳ 19, nhận thấy dây đàn guitar classic làm từ chất liệu nilon dễ bung và âm thanh không được vang. Christian Frederick Martin – một nghệ sĩ người Mỹ gốc Đức đã thiết kế dây đàn bằng sắt. Về thiết kế đàn Guitar acoustic cũng không có quá nhiều khác biệt so với đàn Classic. Sự khác biệt lớn nhất chính là phần dây đàn được làm bằng kim loại mang lại âm thanh vang vọng, sôi động.

Cả 2 loại đàn Clasic và Acoustic đều có những đặc trưng riêng và phù hợp với sở thích âm nhạc của nhiều người khác nhau. Nếu đến Classic mang đến âm thanh mộc, du dương thì đàn Acoustic lại mang đến màu sắc âm thanh sôi động, vang vọng. Guitar acousic có thiết kế đa dạng, từ kiểu dáng cổ điển đến hiện đại, phù hợp với nhiều thể loại âm nhạc và phong cách cá nhân khác nhau. Chính vì vậy sự ra đời của Guitar acoustic mang đến sự mới mẻ và phong phú trong cách thể hiện âm nhạc từ pop, ballad, folk, blues cho đến country. Nhờ sự linh hoạt này, người chơi có thể thể hiện nhiều cảm xúc và phong cách âm nhạc khác nhau.

Ghi ta điện – khi âm nhạc phá vỡ mọi giới hạn

Sự ra đời của ghi ta điện và cách nó làm thay đổi bộ mặt âm nhạc rock.

Mặc dù có nhiều cải tiến công nghệ liên tục đối với dòng guitar acoustic, nhưng các nghệ sĩ chơi nhạc cảm thấy rằng đàn guitar acousic bình thường lại không đủ sôi động so với nhiều loại nhạc hiện đại, đặc biệt là nhạc rock.

Đầu thế kỷ 20 một kỹ sư điện có tên Adolph Rickenbacker, lúc này hiện là phú chủ tịch ở National Gutiar Corporation, cùng với ông Paul Barth và ông George Beauchamp đã giải quyết dứt điểm được vấn đề này bằng cách cho ra đợi chiếc đàn guitar điện đầu tiên trên thế giới.

Guitar điện về cấu tạo cơ bản thì vẫn khá giống guitar cổ điển. Điểm khác biệt chủ yếu nhất của guitar điện nằm ở phần thân của đàn. Guitar điện thường sẽ có thân đàn đặc và phẳng, vì do không có thân đàn rỗng, guitar điện khuếch âm bằng các bộ phận cảm ứng từ (pick-up) và nối với những cuộn cảm ứng của đàn quấn quanh các lõi (bobbin) được đặt chìm trong thân đàn.

Với thiết kế hiện đại, âm thanh sống động và lớn nhờ tác dụng của bộ khuếch đại âm thanh, đàn guitar điện đóng góp một vai trò to lớn trong sự phát triển của âm nhạc hiện đại. Đàn guitar điện được dùng để chơi solo những bài hát khá hay, mang đậm phong cách khác biệt của người chơi đàn. Đặc biệt, với các nhóm nhạc rock thì đàn guitar điện đóng vai trò tinh thần và là một thành viên không thể thiếu. Chính đàn guitar điện cũng giúp cho nhóm nhạc rock mạnh mẽ tỏa sức sáng tạo, sự cuốn hút cuồng nhiệt tới người nghe.

Ghi ta Bass – nền tảng âm nhạc không thể thiếu

Vai trò của ghi ta bass trong một ban nhạc và những bản nhạc thể hiện sức mạnh của ghi ta bass.

Guitar bass có nguồn gốc từ cây đàn đại hồ cầm, chịu trách nhiệm bè trầm, kết nối giữa trống và guitar lại với nhau tạo nên một hòa âm hoàn chỉnh. Guitar bass gồm có 4 dây (E, A, D, G) bằng kim loại. Đến năm 1967 thì cây Guitar bass 5 dây và 6 dây cũng ra đời, đến nay đã có loại 7 dây. Guitar bass điện cũng sử dụng đồ nghề giống như guitar điện.

Guitar bass có âm vực thấp hơn guitar điện, nhạc cụ này có hai vai trò quan trọng trong ban nhạc: phát ra nốt trầm để hỗ trợ giai điệu chính và cùng với trống nó giữ nhịp để giúp những nhạc cụ khác chơi đúng nhịp điệu chung của ban nhạc.

Công nghệ và ghi ta – tương lai của âm nhạc

Cách công nghệ số hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi cách chúng ta chơi và sản xuất âm nhạc với ghi ta.

Trong thời đại số hóa, công nghệ đã trở thành một khía cạnh quan trọng trong mọi ngành, và thế giới cũng không ngọai lệ. AI cho nhạc sĩ không chỉ là một khái niệm nữa, đó là một hiện thực mang lại nhiều lợi ích.

Công nghệ AI có thể tăng cường hiệu suất, mở ra những khả năng sáng tạo mới, và cho phép nghệ sĩ tập trung vào nghệ thuật của mình vì bị mắc kẹt trong các vấn đề kỹ thuật. AI có thể tái tạo lại bất kỳ âm thanh của các loại nhạc cụ nào, guitar cũng không ngoại lệ. Thông qua các mô hình học máy được gọi là thuật toán chuyển đổi tone, AI có thể biến đổi các âm thanh của nhạc cụ đơn giản hoặc các đoạn vocal thành một bản nhạc hoàn chỉnh. Bằng cách khai thác công nghệ AI một cách hiệu quả, nhạc sĩ có thể đẩy lùi ranh giới của sự sáng tạo và tạo ra nhạc phẩm nắm bắt xu hướng rất tốt đến khán giả.

Không chỉ trong lĩnh vực chơi và sản xuất âm nhạc. Việc học đàn guitar và sáng tác nhạc cũng có những thuận lợi đáng kể nếu áp dụng công nghệ và AI. Những ứng dụng học đàn guitar được sử dụng miễn phí, giúp người học có thể học mọi lúc, mọi nơi từ cơ bản đến nâng cao, các công cụ hỗ trợ chỉnh âm, đếm nhịp…. đang dần trở nên phổ biến và quan trọng không thể thiếu trong quá trình học guitar.

Đối với lĩnh vực sáng tác nhạc. Công nghệ số hóa và trí tuệ nhân tạo cũng có những đóng góp vô cùng to lớn. Chúng ta có thể dùng AI tạo ra những bản hòa âm hoàn chỉnh, chỉ từ những giai điệu đơn giản trong đầu. Hiện nay, nhạc sĩ cũng có thể dựa vào thuật toán AI để tạo ra những lời bát hát độc đáo và bắt tai cho các bài hát của họ. Các công cụ này phân tích lượng lớn dữ liệu từ những bài hát hiện có và sử dụng kỹ thuật học máy để tạo ra giai điệu và lời bài hát mới phù hợp với phong cách hoặc tâm trạng mong muốn, điều này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn kích thích sự sáng tạo bằng cách mang đến những ý tưởng mới mẻ mà nhạc sĩ có thể chưa nghĩ tới.

Trong không gian văn hóa đương đại, không thể phủ nhận rằng đàn ghi ta đã trở thành một biểu tượng âm nhạc vượt thời gian, từ những bản nhạc cổ điển cho đến nhịp điệu sôi động của thế giới hiện đại. Để hiểu rõ hơn về sự phát triển và thích ứng của đàn ghi ta với những thay đổi trong âm nhạc, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh Phạm Tiến, người sáng lập và điều hành hai trung tâm dạy đàn ghi ta D&T nổi tiếng tại Hà Nội.

Anh Phạm Tiến với kinh nghiệm lâu năm trong việc giảng dạy và truyền cảm hứng âm nhạc đã chia sẻ những quan điểm sâu sắc về việc học đàn ghi ta trong thời đại mới. Anh nhấn mạnh rằng, việc học đàn ghi ta không chỉ là việc nắm bắt kỹ thuật, mà còn là việc hiểu và cảm nhận âm nhạc, để từ đó có thể thể hiện trọn vẹn cảm xúc qua từng nốt nhạc.

“Âm nhạc là một hành trình không ngừng tìm tòi và sáng tạo”, anh Tiến nói. “Với sự phát triển của công nghệ, chúng ta có thêm nhiều công cụ để hỗ trợ việc học và sáng tác. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là tình yêu và niềm đam mê với âm nhạc”.

Anh Tiến cũng chia sẻ về việc áp dụng công nghệ trong giảng dạy, từ việc sử dụng các ứng dụng học đàn online đến việc tận dụng AI trong việc sáng tác và sản xuất âm nhạc. Những tiến bộ này không chỉ giúp học viên tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt hơn, mà còn mở ra những khả năng mới trong việc thể hiện và chia sẻ âm nhạc.

“Đàn ghi ta không chỉ là những dây đàn và những phím đàn, mà còn là cây cầu nối giữa quá khứ và tương lai, giữa truyền thống và hiện đại. Hãy để âm nhạc của bạn vang lên, và đừng ngần ngại khám phá những khả năng mới mẻ mà đàn ghi ta mang lại”, anh Phạm Tiến nhấn mạnh.

Với những chia sẻ từ anh Phạm Tiến, chúng ta có thể thấy rằng, dù thời gian có trôi qua, đàn ghi ta vẫn luôn giữ vững vị thế của mình trong lòng người yêu nhạc, và sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn cho những ai muốn chạm đến trái tim âm nhạc.

Ghi ta không chỉ là một nhạc cụ, mà còn là một biểu tượng văn hóa, một ngôn ngữ toàn cầu mà qua đó, chúng ta có thể chia sẻ và cảm nhận về cuộc sống. Dù là trong một buổi hoà nhạc cổ điển hay một lễ hội âm nhạc hiện đại, tiếng đàn ghi ta vẫn luôn vang lên, chạm đến trái tim của mỗi người nghe. Hãy cùng chúng tôi tiếp tục theo dõi và khám phá những diện mạo mới của đàn ghi ta trong tương lai, nơi mà âm nhạc không ngừng phát triển và làm giàu thêm tâm hồn chúng ta.

Chúng ta đã cùng nhau đi qua một hành trình đầy màu sắc của đàn ghi ta, từ những ngày đầu tiên cho đến những bước tiến vĩ đại trong thế giới âm nhạc hiện đại. Đàn ghi ta không chỉ là một nhạc cụ, mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho những ai yêu âm nhạc. Hãy để tiếng đàn ghi ta tiếp tục vang vọng, không chỉ trong các phòng hòa nhạc, quán cà phê, mà còn trong từng khoảnh khắc đời thường, khiến cuộc sống trở nên phong phú và đầy ý nghĩa hơn.

Tác giả: Kim Quyên

(Nguồn: https://laodongthudo.vn/)

5 “Nhạc Cụ” Chơi Nhạc Flamenco Tốt Nhất

0
5 “Nhạc Cụ” Chơi Nhạc Flamenco Tốt Nhất

Nhạc Flamenco là một thể loại âm nhạc truyền thống của Tây Ban Nha, đặc trưng bởi nhịp điệu cuồng nhiệt, đầy năng lượng và sự truyền cảm xúc mạnh mẽ.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá một số nhạc cụ được sử dụng trong nhạc flamenco, những nhạc cụ rất quan trọng để tạo ra âm thanh đặc biệt của Flamenco.

1. Guitar Flamenco (Tây Ban Nha)

Trong suốt nhiều năm, những nhạc công Flamenco đã dùng guitar cổ điển để đệm cho âm nhạc Flamenco. Với việc sử dụng dây nylon thay vì dây kim loại, âm thanh mà họ tạo ra tương hòa với các nhạc cụ Flamenco khác.

Tuy nhiên, với thời gian, những nhạc sĩ Flamenco bắt đầu tìm kiếm âm thanh đặc trưng hơn cho nhạc cụ của họ, dẫn đến sự phát minh của guitar Flamenco hay còn gọi là guitar Tây Ban Nha.

Flamenco có 6 dây giống như guitar cổ điển, tuy nhiên hình dáng thân đàn, thanh giằng và thùng đàn có một số khác biệt nhỏ.

Các vật liệu sử dụng trong việc chế tạo cũng đã thay đổi, thường là gỗ vân sam, gỗ tuyết tùng hoặc gỗ gụ.

Do sự thay đổi này về chất liệu và hình dạng, âm thanh mà Guitar Flamenco tạo ra trở nên nhẹ nhàng, sáng sủa và cao hơn so với guitar cổ điển thông thường.

Một điểm khác biệt quan trọng nữa là cách nhạc công chơi đàn. Trong khi những nghệ sĩ guitar thường sử dụng miếng gảy (pick), người chơi guitar Flamenco sử dụng kỹ thuật rasgueado, gảy đàn bằng ngón tay hoặc ngón cái để tăng cường tính linh hoạt và tốc độ khi chơi.

Thay vì dùng mặt phẳng của ngón tay, người chơi Flamenco gảy đàn bằng mặt ngoài của móng tay. Kết quả là âm thanh Flamenco dễ dàng nhận biết và đặc trưng.

2. Cajon

Cajon là một nhạc cụ gõ được giới thiệu với nhạc Flamenco vào những năm 1970 và đã trở thành một phần không thể thiếu trong âm nhạc Flamenco. Nó có hình dạng giống như một chiếc hộp, và nhạc công ngồi trên cajon trong khi đánh nhịp nhàng các mặt và mặt trên.

Cajon thường được làm bằng gỗ dày và có tính cộng hưởng. Các mặt của cajon, ngoại trừ mặt trước, thường được làm bằng gỗ dán để tạo ra âm thanh vang hơn. Mặt trước thường có một lỗ cắt phía sau để cho phép nhạc sĩ tiếp cận các nốt trầm. Họ có thể đánh vào khu vực xung quanh lỗ cắt bằng nắm đấm hoặc bằng gót bàn tay để tạo ra âm thanh trầm.

Mặt trên của cajon thường có một móc bên trong, gọi là “trống”, chạm vào các thanh ghi cao hơn. Khi nhạc công gõ vào mặt trên, các thanh ghi này tạo ra âm thanh sắc nét và cao độ. Người chơi cajon có thể tạo ra âm thanh này bằng cách gõ vào đỉnh bằng lòng bàn tay hoặc ngón tay của họ.

Người chơi cajon sử dụng đôi chân của mình để điều chỉnh nhạc cụ và tạo ra các cao độ mới khi cần thiết. Bằng cách thay đổi áp lực và vị trí đặt chân trên các mặt của cajon, họ có thể tạo ra âm thanh và hiệu ứng đặc biệt trong nhạc Flamenco.

3. Castanets (Palillos)

Một trong những điệu nhảy mượn được làm nổi bật là Seguidilla, tiền thân của điệu nhảy Sevillanas hiện đại hoặc điệu nhảy dân gian có nguồn gốc từ Seville. Loại vũ điệu này đặc trưng bởi sự sử dụng castanets, khi các ca sĩ hoặc vũ công nhấp castanet theo nhịp điệu âm nhạc khiêu vũ.

Giống như Cajon, castanets là một nhạc cụ gõ. Đôi khi còn được gọi là Palillos, chúng thuộc loại nhạc cụ nhịp cùng với các nhạc cụ như roi da. Người biểu diễn sử dụng castanets theo cặp. Mỗi cặp castanets được kết nối bằng một sợi dây, có thể là ngà voi, gỗ hoặc bất kỳ vật liệu gõ nào khác.

Nhạc công giữ castanets giữa các ngón tay của họ. Theo quy ước, cặp castanets bên trái tạo ra âm vực thấp hơn và giữ nhịp điệu ổn định. Ngược lại, cặp castanets bên phải tạo ra âm thanh cao hơn và nhịp điệu phức tạp hơn.

4. Palmas

Palmas, được gọi bằng tiếng Tây Ban Nha, đề cập đến việc vỗ tay. Dù không được coi là một nhạc cụ chính thức, nhưng việc vỗ tay đóng vai trò quan trọng trong âm nhạc Flamenco.

Flamenco là một thể loại âm nhạc với nhịp điệu sâu sắc, và việc sử dụng tiếng vỗ tay giúp làm nổi bật nhịp điệu này.

Tùy thuộc vào kỹ thuật vỗ tay, ca sĩ và vũ công có thể tạo điểm nhấn khác nhau trong phần ca hát.

Tiếng vỗ tay cũng có tác dụng tương tự như trống trong âm nhạc pop, đẩy bài hát điểm tới phía trước bằng cách cung cấp cho người biểu diễn, vũ công và nhạc sĩ một nhịp độ ổn định.

Hơn nữa, còn có nhiều cách để vỗ tay hơn việc chỉ đập hai tay vào nhau. Flamenco palmas có một số phong cách khác nhau, bao gồm:

• Fuertes

• sordas

Fuertes là cách vỗ tay mạnh mẽ và có sức mạnh. Chúng được sử dụng để tăng cường nhịp điệu hoặc mang đến sự cường điệu cho âm nhạc. Chúng có âm thanh mạnh mẽ, đều đặn và dễ dàng nghe thấy qua tiếng dậm chân và trong những đoạn Flamenco sôi động với nhịp độ nhanh.

Ngược lại, sordas là cách vỗ tay nhẹ nhàng. Ca sĩ thường sử dụng chúng để làm nền cho các buổi biểu diễn ca nhạc. Chúng cũng có thể tạo ra sự tương phản hài hòa cho các đoạn độc tấu guitar. Chúng tinh tế hơn Fuertes và làm nổi bật các cụm từ trong âm nhạc Flamenco.

Trong âm nhạc Flamenco, thường có nhiều nhạc sĩ và biểu diễn thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, mỗi người tuân theo một nhịp điệu riêng. Điều này đồng nghĩa với việc nghệ sĩ palmas phải đối mặt với áp lực lớn để cung cấp nhịp điệu chính xác và đảm bảo sự đồng bộ cho tất cả mọi người, ngay cả khi họ đang nhấn mạnh các nhịp điệu, nhịp và đồng phách khác nhau.

5. Vocals

Ngoài điệu nhảy và guitar, giọng hát, đôi khi được gọi là Cante, là một phần quan trọng của âm nhạc Flamenco.

Về phong cách và kỹ thuật, giọng hát trong âm nhạc Flamenco là sự kết hợp của nhiều ảnh hưởng đa dạng. Nó xuất phát từ việc hòa quyện các truyền thống âm nhạc, trong đó cante kết hợp:

– Ảnh hưởng từ đàn bầu Hồi giáo.

– Cấu trúc và quy mô Pizmonim và Do Thái.

– Sự ảnh hưởng của Kitô giáo Mozarabic.

– Kỹ thuật và nghệ thuật dân gian của người Romanis.

Những ảnh hưởng này có thể được nghe thấy trong âm nhạc Flamenco, từ sự biểu đạt âm điệu “than khóc” của truyền thống Do Thái đến hệ thống thang âm và nhịp điệu kéo dài của nó.

Âm nhạc hát Flamenco ban đầu bắt đầu như một cách cho người dân Andalucia thể hiện những mối quan tâm hàng ngày, như tình yêu và khó khăn. Với thời gian, nó lan rộng ra ngoài gia đình và lan tỏa đến các quán cà phê và sàn nhảy.

Từ đó, Flamenco đã phát triển thành âm nhạc mà chúng ta biết và công nhận ngày nay.

Tương tự như các thể loại âm nhạc khác, Flamenco có nhiều dạng cante. Cantes chicos là những giai điệu nhẹ nhàng, tươi sáng về tình yêu và niềm vui. Những điệu này có thể diễn ra nhanh chóng, và một trong những điệu quen thuộc nhất đối với những vũ công Flamenco mới làm quen là điệu tango.

Cantes grandes, trong khi đó, chậm hơn, có cấu trúc mở rộng và chủ đề xoay quanh cái chết và nỗi đau buồn. Seguidilla, solea và toná là các phong cách của cantes grandes.

Giọng hát còn có thể được phân loại dựa trên sự nổi bật của ca sĩ, vì trong một số bản nhạc Flamenco, giọng hát được đặt lên hàng đầu, trong khi trong số khác, nhạc cụ hoặc vũ công được làm nổi bật.

Kết luận

Nhạc Flamenco là một sự kết hợp của nhiều nền văn hóa, và bạn có thể nghe thấy sự ảnh hưởng của chúng trong âm nhạc Flamenco mà chúng ta biết và yêu thích ngày nay. Nó sử dụng nhiều loại nhạc cụ từ tay đến guitar để tạo ra màu sắc và phong cách đặc trưng cho giọng hát.

Kết quả là một âm thanh nhạc phong phú và phức tạp, tạo ra một trải nghiệm nghe tuyệt vời, nhưng còn tuyệt vời hơn nữa khi kết hợp với khiêu vũ.

Tác giả: Bảo Trung sưu tầm

LÀM MỚI NHỮNG CA KHÚC ĐÃ ĐI CÙNG NĂM THÁNG NHƯ THẾ NÀO?

0
LÀM MỚI NHỮNG CA KHÚC ĐÃ ĐI CÙNG NĂM THÁNG NHƯ THẾ NÀO?
Gần đây, trong đời sống âm nhạc khá ồn ào chuyện làm mới những ca khúc đã vượt thời gian, đi cùng năm tháng, sống với công chúng nhiều thế hệ. Khá nhiều ca khúc được “làm mới” thuộc dòng nhạc cách mạng (còn được gọi là nhạc đỏ). Đặc tính của những ca khúc này, là nội dung hướng tới cái cao cả, với tình yêu và tinh thần bảo vệ tổ quốc, cho nên rất hùng tráng. Đồng thời, xuất phát từ tình yêu chân thành và mạnh mẽ với cuộc sống, nhiều ca khúc ở dòng này lại giàu chất trữ tình, trong sáng, lạc quan. Nhìn chung, hùng tráng và trữ tình là hai đặc tính nổi bật của dòng nhạc cách mạng.
van-cao-1718905420.png
 

Việc những ca khúc đã có tuổi đời của nhiều thế hệ cộng lại vẫn được công chúng yêu mến, được các nhạc sĩ, ca sĩ trẻ dàn dựng, biểu diễn, là một tín hiệu đáng mừng. Trên thực tế, việc “làm mới” của nhiều ca sĩ, nhạc sĩ đã thành công và cũng nhiều trường hợp gặp phải sự phản ứng gay gắt của cộng đồng.

Gần đây nhất, ca sĩ Mỹ Linh đã thất bại thảm hại khi hát Quốc ca Việt Nam tại sự kiện đón tiếp Tổng thống Mỹ Ba Rack Obama ngày 24.5.2016. Mỹ Linh đã chuyển nhịp bài Quốc Ca từ 2/4 (phù hợp với hành khúc), sang nhịp ¾ (phù hợp với nhảy val) và hát theo tốc độ quá chậm. Cô ca sĩ và những nhạc sĩ phối khí, dàn dựng Quốc ca này có kiêu ngạo quá không, khi cho rằng phải chuyển như vậy mới hợp với nhạc cổ điển và mới hợp với không khí thời đại? Phần lớn ý kiến đánh giá Mỹ Linh đã phá nát tinh thần của Quốc ca Việt Nam ngay trong một sự kiện trọng đại. Lỗi không chỉ nằm ở chỗ cô tùy tiện biến tấu Quốc ca, mà còn là vì cô hát bị đuối hơi, sai nhịp, nên bài hát lại càng trở nên thiếu sức sống. Trên diễn đàn, một chiến sĩ quân đội không kìm nổi sự phẫn nộ: “Quốc ca của Tổ quốc tôi đây sao? Đây là ca sĩ được chọn để hát bài hát đại diện cho quốc thể đây sao? Giọng của ca sĩ khàn buồn, u ám, nặng trĩu. Còn đâu nữa những ca từ làm con tim của hàng triệu người dân Việt phải thổn thức bởi sự oai hùng, đầy sinh lực tin yêu Tổ quốc mình?”. Phát biểu với báo chí, NSƯT Bích Việt nhận xét: “Mỹ Linh đã hát Quốc ca như một nhạc khúc đưa hồn tử sĩ, chứ không phải một ca khúc tự hào dân tộc. Một nghệ sĩ khi có dịp thể hiện Quốc ca trong một sự kiện trọng đại như thế, phải biết tự tỏa sáng, phải hát bằng sự mãnh liệt của trái tim lẫn sự sáng của trí tuệ bằng tất cả lòng yêu Tổ quốc, yêu nhân dân. Là ca sĩ đã đạt giải Nhất giọng hát thính phòng do Bộ VHTTDL tổ chức năm 1987, tôi thấy Mỹ Linh hát Quốc ca theo phong cách thính phòng cổ điển kiểu “dở trăng dở đèn”. Bên cạnh đó, cần phải phê bình cả ê-kíp kiểm duyệt chương trình”. Cũng cần nói thêm rằng, do đã có quá nhiều thời gian dành cho nhạc nhẹ và những dòng nhạc giải trí khác, nay quay lại hát cổ điển, Mỹ Linh đã bị pha tạp, yếu giọng, non hơi, cho nên mới dẫn tới thảm họa như thế.

Sự thất bại của Mỹ Linh không phải là hiện tượng cá biệt. Trước Mỹ Linh, một số nghệ sĩ đã thất bại trong những chương trình đáng trân trọng, như “Giai điệu tự hào”. Bên cạnh việc dàn dựng và biểu diễn thành công nhiều ca khúc cách mạng, “Giai điệu tự hào” cũng để lại những hạt sạn không đáng có. Trong số đó, nổi lên hai trường hợp là ca khúc “Đi học” do ca sĩ Hải Bột trình diễn và ca khúc “Xa khơi” do ca sĩ Anh Thơ biểu diễn. Qua phần trình diễn “Xa Khơi”, Anh Thơ chỉ đem lại số điểm rất thấp: 67,02% số phiếu bình chọn của khán giả tại trường quay. Có thể thấy, điểm yếu của ê kíp cùng Anh Thơ dàn dựng ca khúc này là đã thêm đoạn xướng âm (các ca sĩ hay gọi là phiêu) vào gần cuối bài, làm loãng chủ đề âm nhạc, phá vỡ cấu trúc của tác phẩm. Mặt khác, cách hát rển rĩ, ủ ê của Anh Thơ trái hẳn với tính chất mạnh mẽ, tha thiết của ca khúc, biến hình tượng người phụ nữ “kề vai” với nam giới trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước thành người phụ nữ cô đơn hóa đá trông chồng! Còn bài “Đi học” do ca sĩ Hải Bột trình diễn, đã tự tiện chuyển nhịp từ 2/4 sang ¾ và hát sai một số nốt nhạc, gây phản cảm cho người nghe. Nhiều khán giả chê ca sĩ hát vừa sai lời vừa không thể hiện được hết những nốt luyến láy. Những khiếm khuyết đó của ca sĩ và nhạc sĩ phối khí đã làm hại tác phẩm!

Có thể thấy mấy nguyên nhân của việc “làm mới” ca khúc lại biến thành thảm họa, như sau:

Thứ nhất, nhạc sĩ và ca sĩ chưa hiểu thấu đáo tác phẩm cùng thời đại mà tác phẩm ra đời, quá tự tin nên dã can thiệp sâu vào bản thân tác phẩm chứ không thể hiện sự đổi mới của mình qua cách phối khí, dàn dựng và biểu diễn. Hoặc là nghệ sĩ chỉ chăm chú tới kĩ thuật nghề nghiệp mà không chú ý tới sự rung động của bản thân mình, hoặc là sự rung động của nghệ sĩ ở đây lệch hướng, khiến cho họ làm biến dạng tác phẩm.

Thứ hai, nhạc sĩ và ca sĩ đã đụng chạm vào cấu trúc của tác phẩm, phá vỡ nó, khiến nó mang dị tật, mất hình hài đẹp đẽ vốn có.

Không phải chỉ âm nhạc, mà trong các bộ môn nghệ thuật khác, có rất nhiều tác phẩm của Việt Nam và các nước trường tồn với thời gian, làm rung động con tim của nhiều thế hệ công chúng. Ví dụ như các tác phẩm điêu khắc, hội họa. Vậy, làm mới các tác phẩm đó thế nào đây? Lẽ nào vì sợ công chúng đương đại không hiểu nổi những tác phẩm xa xưa, mà phải thêm râu ria hoặc chặt bớt chân tay, thay đổi mầu sắc? Câu trả lời là cần tồn trọng tính nguyên bản của tác phẩm, còn có thể đổi mới ở cách trưng bày, dàn dựng…

Việc làm mới tác phẩm xưa không phải bây giờ mới có, cũng không phải chỉ các nghệ sĩ trẻ đương đại mới phát hiện ra và thực hành. Nó đã có từ lâu và khá phổ biến. Đáng khâm phục là nghệ sĩ của một số nước đã dàn dựng, trình diễn thành công nhiều tác phẩm của Việt Nam, nghe rất mới, hiện đại mà vẫn thấy nguyên hình tác phẩm. Có thể dẫn ra đây 2 trường hợp là “Diễm xưa” của Trịnh công Sơn, và “Chú ếch con” của Phan Nhân.

Khi dàn dựng, biểu diễn bài “Diễm xưa”, các nghệ sĩ Nhật Bản phải vượt qua hai thử thách: Thử thách thứ nhất là về sự khác biệt văn hóa. Thử thách thứ hai là về nhu cầu “làm mới” tác phẩm của thời đại trước cho phù hợp với không khí thời nay. Một bài hát của Việt Nam, có cách cảm, cách nghĩ, cách diễn Việt Nam, nay, làm sao công diễn mà thu hút được sự yêu mến của người Nhật? Trả lời câu hỏi, các nghệ sĩ Nhật Bản đã đưa về chỉ số chung – đó là chất nhân văn, mà dân tộc nào cũng có, đồng thời dàn dựng ca khúc này theo phong cách âm nhạc dân gian Nhật Bản với ca từ được dịch sang tiếng Nhật. Bởi vậy, “Diễm Xưa” đã trở nên gần gũi với người Nhật. Các nghệ sĩ Nhật Bản đã dùng cả dàn nhạc lớn cùng ca sĩ thể hiện “Diễm xưa”, tạo cho nó sự hoành tráng, bao la. Đáng chú ý nhất, là từng nốt nhạc – cả giai điệu và tiết tấu, đều được tôn trọng, không thay đổi dù một chút nhỏ. Nhờ thế, “Diễm xưa” được khoác bộ trang phục lộng lẫy mà vẫn không bị che mờ, giai điệu của ca khúc càng nổi bật lên. Khi nghe bản “Diễm xưa” có phần lời bằng tiếng Nhật do nữ ca sĩ thể loại enka (dân gian Nhật) nổi tiếng nhất nước Nhật là Tendo Yoshimi, thể hiện, hoặc do Tendo Yoshimi cùng Shimazu Aya song ca, người nghe rung động mạnh mẽ bởi chất trữ tình và nhân văn sâu sắc, nét nhạc phóng khoáng, mở ra những hi vọng cho tình yêu của con người. “Diễm xưa” đã được người Nhật tôn vinh là một trong 10 bài hay nhất mọi thời đại.

Cũng như vậy, sự thành công đã đến với ca khúc “Chú ếch con” do Phan Nhân sáng tác năm 1967- được dàn dựng, biểu diễn ở Ý với giọng đơn ca của cô bé người Việt Hương Trà cùng dàn hợp xướng thiếu nhi Quốc tế vào năm 2003, tại cuộc thi hát “Tiếng hát trẻ em quốc tế” nhằm gây quỹ từ thiện do trường Piccolo Coro ở Bologna (Ý) tổ chức. Điều dễ nhận thấy là cô bé Hương Trà 8 tuổi đã trình bày tự tin ca khúc “Chú ếch con” (Ma va la) với phiên bản tiếng Ý và tiếng Việt trong sự hòa đồng của dàn hợp xướng thiếu nhi với nguyên bản của ca khúc, trong sáng, rộn ràng, không bị thay đổi dù chỉ là một nốt luyến láy. Trong khi đó, ca khúc được làm sôi động thêm, vang ngân hơn nhờ phần phụ họa. Những người dàn dựng bài hát đã thêm những đoạn hát ở phần giữa hai lần hát hoặc ở những chỗ đối thoại với giọng đơn ca, sau phần kết của bài hát, khiến cho dung lượng nghệ thuật được mở rộng, không gian của đối tượng phản ánh trở nên bao la. Có thể hình dung rằng, giọng ca của Lê Nguyễn Hương Trà với ca khúc nguyên bản tập trung thể hiện nhân vật chính là chú ếch con, còn dàn hợp xướng phụ họa lại thể hiện một cánh đồng rộng bao la – khung cảnh sống của chú ếch, làm cho chú ếch càng nổi bật lên.

Ở trong nước, cũng không hiếm hiện tượng làm mới ca khúc rất thành công. Với “tuổi đời” 55, “Chiếc khăn piêu” của nhạc sĩ Doãn Nho đã bộc lộ sức trẻ của mình khi được ca sĩ Tùng Dương thể hiện với mọt sắc thới hoàn toàn mới mẻ, trẻ trung. Đúng như nhận xét của nhạc sĩ Doãn Nho, “Chiếc khăn piêu” đã được làm mới, có sức chinh phục mới là nhờ ca sĩ Tùng Dương cùng nhạc sĩ phối khí Nguyên Lê đã có rất nhiều sáng tạo. Sự sáng tạo này trước hết có được là do Tùng Dương cùng Nguyên Lê đã tìm hiểu kỹ ca khúc, tham khảo các phiên bản ca khúc do các nghệ sĩ bậc thầy từng trình diễn, tôn trọng tác giả, tôn trọng tính nguyên bản của tác phẩm, rồi thay đổi một chút kết cấu nhưng không phá vỡ cấu trúc, đã biến ca khúc từ một đoạn đơn thành hai đoạn đơn có tái hiện, tạo sức hấp dẫn mới. Hơn nữa, Tùng Dương đã thẩm thấu từ nốt nhạc tới tinh thần của bài hát, cho nên đã hát bằng sự say đắm cùng kĩ thuật điêu luyện của mình khiến người nghe bị mê hoặc.

Ca sĩ Đức Tuấn có niềm say mê đặc biệt với dòng nhạc trữ tình cách mạng. Anh đã cho ra mắt Album “Những bài ca không quên” gồm 15 ca khúc đã đi cùng năm tháng mà anh đã dày công tạo dựng trong một thời gian khá dài. Anh không cố hát theo các bậc tiền bối như Quốc Hương, Trung Kiên… mà dem tình cảm chân thật nhất đến với ca khúc, hát bằng cả tấm lòng, pha trộn phong cách nhạc nhẹ, nhạc phương Tây. Để tác phầm trở nên gần gũi hơn với lớp trẻ, anh không sử dụng kĩ thuật cộng minh được học trong Nhạc viện, mà hát thanh thản, nhẹ nhàng. Trên nền âm nhạc cổ điển, cách biểu diễn của Đức Tuấn pha trộn chất nhạc đương thời – Dance, Hiphop, Rock, dân gian đương đại cùng nhiều chất liệu âm thanh điện tử… khiến cho mầu sắc âm nhạc phong phú hơn, trẻ trung hơn, dễ được lớp người đương thời tiếp nhận. Đức Tuấn đặc biệt thành công với ca khúc “Lá xanh”, ca khúc duy nhất trong 15 ca khúc của Album được anh ghi dòng chữ REMIX (Làm mới). Để có ca khúc “Lá xanh” được làm mới thực sự, Đức Tuấn đã dày công lao động nghệ thuật. Tuy anh không nói ra, nhưng khi nghe anh hát ca khúc này, có thể hiểu rằng anh đã nghiên cứu rất kỹ tác phẩm và bối cảnh xã hội thời nó ra đời, đồng thời quan sát kỹ cuộc sống hôm nay. Anh đã tìm ra sợi dây kết nối giữa hai thế hệ, hai giai đoạn lịch sử, đó là tình yêu nước và trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc. Và anh làm mới theo sự dẫn dắt của dường dây đó. Anh hát nguyên bản “Lá xanh”, với phong thái sôi nổi, vui vẻ trong thể loại nhạc Electror Pop để làm giảm bớt tính trang trọng, hơi căng thẳng của không khí thời chiến. Đặc biệt, anh thêm vào ở phần nhạc dẫn, phần giữa hai lần hát và phần vĩ thanh của ca khúc những đoạn Hip hop, Rap rất sôi động, với nội dung tương đồng với ca từ của “Lá xanh” nhưng lại có không khí của thời đại mới: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên, Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam…”, “Biển Đông là của Việt Nam”. “Hội nhập và phát triển” tạo không khí sôi động, tươi trẻ, tràn đầy khí thế cách mạng mà không khuôn cứng, hô khẩu hiệu. Như thế, Đức Tuấn đã thành công ngay ở khâu ý tưởng làm mới ca khúc, làm mới theo xu hướng kết hợp nội dung xã hội xưa và nay, vận dụng các thủ pháp nghệ thuật trên cơ sở tôn trọng tính nguyên bản của tác phẩm, chứ không phải là “làm mới” theo lối kĩ thuật đơn thuần, mất phương hướng về nội dung. Riêng ca khúc “Lá xanh”, Đức Tuấn và nhạc sĩ phối khí đã mất gần một tháng với hơn một chục lần sửa chữa mới hoàn chỉnh để có được bản thu thanh đưa vào Album “Những bài ca không quên”. Làm kĩ như vậy nên khi thu âm chỉ mất 30 phút và khi công bố, đã làm rung động hàng triệu con tim!

Lá xanh – Đức Tuấn

Bài học ở đây là cần thận trọng khi làm mới tác phẩm âm nhạc bởi dòng nhạc hiện đại và cổ điển luôn luôn có ranh giới cần thiết của nó. Phải coi việc làm mới tác phẩm không chỉ đơn thuần là về kĩ thuật, mà là một hành vi văn hóa. Nghệ sĩ cần bồi đắp cho mình một vốn văn hóa nhất định để hiểu và xử lý hợp lý tác phẩm. Khi muốn thực hiện công việc này, trước hết, nghệ sĩ phải rung động với tác phẩm, tiếp đó nghệ sĩ cần nghiên cứu kỹ tác phẩm và hoàn cảnh ra đời của nó, đặt mình vào hoàn cảnh đó, kết hợp với nhận thức của thời đại mới, mà sáng tạo. Tuyệt đối tôn trọng tính nguyên bản của tác phẩm, bởi đây không những là yêu cầu của nghệ thuật, mà còn là yêu cầu của Luật pháp – bộ Luật về quyền sở hữu trí tuệ đã khẳng định điều này

Nghệ sĩ có thể sáng tạo bằng cách thêm vào phần dạo đầu hay dạo giữa, phần hát phụ họa, vĩ thanh… những nét nhạc tươi mới, những âm thanh hiện đại, nhưng không đối nghịch với tinh thần của tác phẩm gốc. Cũng có thể tăng giảm tốc độ, lên tông hoặc xuống tông cho phù hợp với khung cảnh lúc biểu diễn.

Thời nào cũng vậy, những sắc thái của con người đều tương đồng, có vui và buồn, có thương yêu và căm ghét, có mạnh mẽ và yếu đuối, có dũng cảm và hèn hạ, có hào hùng và bi thảm. Bởi vậy, con người của thời đại này có thể đồng cảm với những tác phẩm của thời đại khác, đặc biệt là đối với những tác phẩm đã đạt tới đỉnh cao. Bởi vậy, có những tác phẩm không cần làm mới mà vẫn luôn mới mẻ trong sự cảm nhận của công chúng mọi thời đại. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện chỉ rõ: “Remix (làm mới) có nguyên tắc của nó, người làm nhạc phải tuân thủ. Có những bài không thể remix được. Do bỏ qua hoặc vô tình bỏ qua vì vốn kiến thức về âm nhạc của người làm còn hạn chế sẽ tạo nên một mớ hỗn độn các sản phẩm nhạc remix, đến mức khán thính giả yêu nhạc không thể nghe được”.

 

Tác giả: Phạm Việt Long
(Nguồn: https://phamvietlong.vn/)

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ “AI” TRONG SÁNG TÁC ÂM NHẠC

0

Vào 09h00 sáng ngày 15/06/2024, tại Hội Âm nhạc Hà Nội, số 19 Hàng Buồm – Hà Nội đã diễn ra chương trình Tọa đàm với nội dung: “Ứng dụng AI trong sáng tác ca khúc”.

Tọa đàm bao gồm phần giới thiệu của nhạc sĩ Mai Kiên về ứng dụng công nghệ AI trong sáng tác ca khúc cùng với phần trao đổi của nhạc sĩ Tiến Mạnh tương tác với các nhạc sĩ hội viên về đề tài này.

Đây là hoạt động chuyên môn mang tính cập nhật, giới thiệu tới các nhạc sĩ về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ trong công việc sáng tác ca khúc hiện nay.

Tuy nhiên, tọa đàm cũng hứa hẹn một cuộc thảo luận sôi nổi về vấn đề này với những câu hỏi được đặt ra:

  • Bản quyền những ca khúc được sáng tạo bởi AI sẽ thuộc về ai?
  • AI có thể sao chép hình ảnh, giọng điệu, giọng hát, âm thanh và phong cách âm nhạc của nhạc sĩ, nghệ sĩ, vậy nó có ảnh hưởng gì đến quyền lợi cá nhân và bản quyền trong âm nhạc?
  • Trí tuệ nhân tạo AI có thực sự thay thế được trí tuệ sáng tạo của con người hay không?
  • (….)

Buổi tọa đàm đã diễn ra sôi nối. Với phần trao đổi sử dụng các phần mềm và các bước thực hiện để ứng dụng công nghệ AI như một công cụ hỗ trợ hiệu quả cho các nhạc sĩ để đưa ra những chất liệu cho một ca khúc. AI dựa trên những thông tin, yêu cầu của nhạc sĩ có thể tự viết ra phần lời, giai điệu, tự hòa âm, phối khí và ca sĩ hát thành phẩm.

Với sự trao đổi mang ý kiến khác nhau, ứng hộ, phản ứng,… nhưng nhìn chung chúng ta cũng thấy được việc cập nhật về công nghệ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ con người trong lao động, sáng tạo nói chung, đặc biệt là trong lĩnh vực sáng tao nghệ thuật mà trong đó có âm nhạc cũng là yếu tố cần thiết.

Tuy nhiên cũng phải khẳng định rõ rằng, trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người được. Bởi những cảm xúc âm nhạc do các thông số kỹ thuật hình thành và “người máy” hát hay chơi nhạc thì chắc chắn không thể có được cảm âm như của con người.

Để trao đổi thêm về việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng trí tuệ nhân tạo để sáng tác các tác phẩm nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, tôi xin giới thiệu thêm một số bài viết về đề tài này:

1. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực âm nhạc, tác giả Thành Luân, (nguồn: https://thanhnien.vn/) 
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng len lỏi trong cuộc sống của mỗi người. Điều này cũng đúng với lĩnh vực âm nhạc, từ sáng tác cho đến các công cụ nhận dạng bài hát và danh sách phát được cá nhân hóa cao…
Vai trò của hệ sinh thái âm nhạc tương tác

AI đã chứng minh tác động trong ngành công nghiệp âm nhạc trong nhiều năm, chẳng hạn tạo nhạc không có bản quyền, trộn nhạc, hệ thống đề xuất các dịch vụ phát nhạc trực tuyến dựa trên thuật toán AI, phân tích âm nhạc và các đặc điểm cụ thể để đưa ra các đề xuất được cá nhân hóa… Chưa bao giờ việc tạo và nghe những bản nhạc dễ chịu lại dễ dàng đến thế.

Amanotes sử dụng mô hình học tăng cường Adaptive AI

Amanotes

Trong thực tế, tác động của AI vào âm nhạc không phải là chủ đề quá mới khi một số công ty có tầm nhìn xa đã khai thác sức mạnh này từ khá sớm, và Amanotes là một ví dụ. Được thành lập bởi Võ Tuấn Bình và Nguyễn Tuấn Cường với khẩu hiệu “Everyone can music – Ai cũng có thể chơi nhạc”, nhiệm vụ của Amanotes là tập trung đặc biệt vào việc hoàn thiện hệ sinh thái âm nhạc tương tác, nơi người dùng được phép trải nghiệm tương tác với âm nhạc (interactive music experience) một cách chủ động thay vì tận hưởng thụ động.

Amanotes sử dụng Adaptive AI, nhờ vậy công ty có thể được sử dụng để phân tích hành vi và sở thích của người dùng, xác định xu hướng và đưa ra đề xuất cải tiến. Kết quả là các nền tảng phát nhạc sẽ có thể cải thiện hơn nữa chất lượng dịch vụ của họ và cung cấp cho người dùng trải nghiệm cá nhân hóa hơn.

Công ty mang đến nền tảng, dữ liệu người dùng, công nghệ về âm nhạc, thu hút người dùng, mối quan hệ với các đối tác, bản quyền để sản phẩm của họ đến với người dùng dễ dàng hơn.

Cơ hội và thách thức

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng AI máy học từ lâu đã thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp âm nhạc, giúp việc tạo và nghe những bản nhạc dễ chịu trở nên dễ dàng. Âm nhạc tương tác giúp giảm bớt các gánh nặng trong việc lựa chọn các bản nhạc của người nghe, cho phép họ tập trung hơn đối với các công việc hiện tại.

Có khá nhiều tiềm năng mà AI mang lại cho âm nhạc tương tác

Amanotes

Bên cạnh đó, âm nhạc AI hiện còn mới khi có ít đối thủ. Đây là “đại dương xanh” có nhiều tiềm năng để phát triển. Nhờ có trình độ chuyên môn cao trong âm nhạc hóa, Amanotes có cách tiếp cận để tạo ra dữ liệu lớn về bài hát chất lượng, phục vụ cho các máy học và AI.

Tuy nhiên, việc làm thế nào để đáp ứng được cho hệ thống có hàng triệu người dùng và giải quyết bài toán scale-up cho phù hợp chính là điều mà các ứng dụng AI như Amanotes cần phải giải quyết.

Vai trò con người và sứ mệnh “Everyone can music”

Bất kể những lợi ích từ AI, con người vẫn là chìa khóa để dẫn đến thành công tại các công ty công nghệ âm nhạc như Amanotes bởi các yếu tố khác nhau, bao gồm tư duy, tầm nhìn chiến lược, sự sáng tạo và ra quyết định. AI chỉ được xem là phương tiện để tăng trải nghiệm cho người dùng và tăng hiệu suất cho con người chứ không thể thay thế.

Con người vẫn là chìa khóa quyết định sự thành công tại Amanotes

Amanotes

AI có tỷ lệ sai sót nhất định cần được điều chỉnh và thẩm định bởi con người, vì vậy các công ty cần tập trung vào đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao, kinh nghiệm sâu rộng về công nghệ âm nhạc và được tạo điều kiện trải nghiệm âm nhạc thực tế để hiểu thị trường. Nhân viên tại Amanotes có tư duy đặc biệt và khác biệt về âm nhạc, đồng thời hiểu thị hiếu của người dùng, trở thành bước đệm chính để công ty phát triển sâu về trải nghiệm âm nhạc tương tác và tăng sự thú vị cho người dùng.

Nhờ có AI, niềm đam mê nâng cao trải nghiệm và sứ mệnh “Everyone can music” đang được Amanotes hiện thực hóa. Biết cách phối hợp nhịp nhàng và phân biệt rõ ràng vai trò của con người với AI sẽ là chìa khóa để công ty tiếp tục dẫn đầu thị trường, khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực âm nhạc tương tác.

2. Tác quyền tác phẩm âm nhạc của AI thuộc về ai?

Đây là bài viết đăng trên nguồn (https://www.uel.edu.vn/), cũng đưa ra một vấn đề nóng hổi về bản quyền âm nhạc, với nội dung như sau:

Hơn lúc nào hết, bối cảnh của đại dịch Covid-19 khiến người ta nghĩ nhiều về vai trò của công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI). Thưởng thức âm nhạc trong những ngày giãn cách gợi lại câu chuyện vẫn còn nhiều tranh cãi về tác quyền đối với các tác phẩm do AI viết hoặc tham gia viết.

AI sáng tác nhạc

Thế giới lâu nay đã biết đến những nghệ sĩ nói hay nghệ sĩ hát là người máy sử dụng công nghệ AI. Nhưng có lẽ, kết quả sáng tạo âm nhạc của AI được công bố trong những năm gần đây mới thật sự tạo ra những cảm xúc mạnh.

Hai năm trước, hãng công nghệ Huawei gây bất ngờ khi công bố kết quả hoàn thiện của AI đối với bản giao hưởng số 8 dang dở của Schubert.

Mới đây, đầu tháng 10, với bản giao hưởng mà nhà soạn nhạc lừng danh Beethoven đã bỏ dở từ hai trăm năm trước, AI trong một dự án được thực hiện hai năm của các nhà khoa học và âm nhạc người Đức đã cho ra kết quả đầy ấn tượng: bản giao hưởng số 10 hoàn chỉnh.

Không chịu thua kém với các AI “ngoại,” các “tay chơi” AI Việt cũng đã làm nức lòng người mộ điệu về một ứng dụng AI tương tự được giới thiệu vào đầu năm 2021.

Bằng chứng là, chỉ sau khoảng hai năm nghiên cứu, mô hình AI của chàng kỹ sư công nghệ thông tin (IT) 9x Nguyễn Hoàng Bảo Đại đã có thể thực hiện công việc như một nhạc sĩ thực thụ, nhưng với khối lượng kết quả khủng khiếp hơn nhiều. Chỉ với ba đến năm nốt nhạc được “mớm”, ứng dụng AI nội địa này có thể sản sinh ra mười giai điệu hoàn chỉnh (hình thành nên các ca khúc) trong vòng… 1 giây(1).

Điều khá ấn tượng là, sau khi gắn hợp âm và viết lời, ca khúc The AI love song được chàng kỹ sư yêu âm nhạc thể hiện tại chương trình Giải thưởng Công nghệ 2020 khiến không ít người dự khán trầm trồ, thậm chí còn tiên đoán có thể thành “hit” nếu tiếp tục hoàn thiện.

Bỏ qua những tranh cãi về năng lực thực sự cũng như khả năng thay thế của AI đối với hoạt động sáng tác âm nhạc trong tương lai, sự xuất hiện mô hình AI này cho thấy không phải quá sớm để những cuộc thảo luận về các khía cạnh pháp lý đối với hoạt động sáng tạo của AI xuất hiện ở Việt Nam.

AI có được đứng tên tác phẩm?

Cụ thể, có thể đặt ngay câu hỏi trực tiếp là, tác quyền đối với giai điệu của ca khúc được chàng kỹ sư IT giới thiệu thuộc về ai: thuộc về AI hay thuộc về người thiết lập AI?

Đương nhiên, về phần lời của ca khúc thì vẫn thuộc về con người, cụ thể là của chàng kỹ sư IT trong ca khúc trên, nếu AI vẫn chưa thể “thầu” luôn công việc này. Nhưng liệu rằng AI có thể đứng tên đồng tác giả đối với phần giai điệu như thường thấy ở một số tác phẩm âm nhạc mà người viết nhạc và lời là những người khác nhau; ví dụ như ca khúc phổ thơ…

Đương nhiên, kỹ sư IT thiết lập hệ thống AI đã được ghi nhận và bảo toàn quyền đối với sáng chế. Nhưng rõ ràng, khó thuyết phục nếu kỹ sư viết hệ thống AI tiếp tục đứng tên tác giả giai điệu không phải do mình viết ra.

Tuy nhiên, lập luận này không dễ được chấp nhận, và thực tế vẫn có ý kiến cho rằng, tác quyền đối với tác phẩm âm nhạc (hay các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học khác) thuộc về người sáng chế và sở hữu AI.

Nhưng ngược lại, cần phải phân định tường minh giữa quyền nhân thân và quyền tài sản trong tác quyền. Nếu quyền nhân thân tiêu biểu trong tác quyền chính là quyền đứng tên cho tác phẩm thì ý nghĩa quan trọng nhất của quyền tài sản chính là quyền được hưởng (được trả) thù lao tác quyền (điều 19 và 20 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005).

Chủ thể sáng tạo hoặc sở hữu AI vì vậy có thể trở thành chủ sở hữu quyền tác giả và được hưởng các quyền tài sản đối tác phẩm. Nhưng theo quy định của pháp luật thì chỉ có chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả mới có quyền nhân thân đối với tác phẩm, ngoài các quyền tài sản như các chủ sở hữu khác (điều 36 và 37 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005). Hay nói cách khác, nếu tác phẩm âm nhạc được ghi nhận thuộc tác quyền của AI thì AI sẽ có quyền đứng tên cho tác phẩm âm nhạc đó.

Đương nhiên, trong trường hợp tác phẩm âm nhạc có đồng tác giả thì các đồng tác giả đồng thời được hưởng quyền tác quyền, và có thể phân định rõ ràng đối với phần sáng tạo độc lập của mình, như trường hợp AI viết giai điệu và người khác viết lời trong ca khúc nói trên (điều 38 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005).

Như vậy, với cách tiếp cận đó của pháp luật, cơ hội có được quyền sở hữu tác phẩm của chủ thể sáng chế, sở hữu công nghệ AI vẫn tồn tại. Nhưng không vì vậy mà cơ hội được hưởng quyền tác giả thích đáng của AI lại có thể bị loại trừ.

Bất an và nút thắt cần gỡ

Nhưng thực ra, có nhiều lý do để các cuộc thảo luận đã và đang diễn ra còn cảm thấy bất an khi chính thức trao quyền và thừa nhận tư cách chủ thể hưởng quyền của AI. Đương nhiên, khi ghi nhận tác quyền cho AI thì cũng đồng nghĩa ghi nhận tư cách chủ thể pháp luật của đối tượng đặc biệt này. Khi đó, một số vấn đề pháp lý có thể nảy sinh, nhưng lại rất khó để “túm” AI tiếp tục.

Thứ nhất, pháp luật sẽ ứng xử như thế nào nếu các chủ thể AI thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí là hành vi phạm tội. Thực tế, không khó để thừa nhận độ chuẩn xác trong các quy trình hoạt động và sản phẩm đầu ra của robot thế hệ cũ lẫn AI nhưng điều này cũng không thể đảm bảo liệu rằng các tác phẩm của AI có bị dính cáo buộc “đạo nhạc”, thậm chí là đối với tác phẩm âm nhạc của hệ thống AI thuộc chủ sở hữu sáng chế khác hay không.

Rõ ràng, trong các tình huống như vậy, người ta dễ nghĩ đến người sở hữu, cung cấp hay vận hành hệ thống AI. Điển hình, bản dự thảo quy chế điều chỉnh hoạt động cung ứng và sử dụng AI mới đây của châu Âu cũng dựa theo cách tiếp cận này.

Thứ hai, ai sẽ chịu trách nhiệm nếu AI bị cáo buộc là xâm phạm quyền và lợi ích của bên thứ ba. Về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn, AI hình thành và hoạt động trên cơ sở hệ thống nhập liệu đầu vào và từ “sự nhận thức” đó tiến hành hoạt động sáng tạo của mình. Thực tế, chàng kỹ sư IT Bảo Đại cũng đã nhập khoảng ba mươi ngàn bài hát tiếng Việt để huấn luyện “đứa con” AI của mình.

Với tình huống một, vấn đề nảy sinh có thể xuất phát từ việc xác định tác phẩm âm nhạc của AI là tác phẩm độc lập hay chỉ là tác phẩm phái sinh. Ngoài ra, tình huống hai có thể xuất hiện nếu chủ thể có quyền của các ca khúc, giai điệu của các ca khúc được sử dụng để nhập liệu đòi tiền tác quyền.

Một lần nữa, chủ thể nắm giữ AI có thể bị gọi tên! Và chính vì các dự liệu này mà tiến trình thúc đẩy, tiến đến ghi nhận tác quyền tác phẩm cho AI có phần chững lại.

Nhưng phải chăng, những gút mắc này sẽ chẳng hề gì nếu pháp luật quyết tâm ghi nhận tác quyền cho AI và theo đó bổ sung một số điều chỉnh cho tương thích.

Khả năng thứ nhất là ghi nhận tư cách “giám hộ” của chủ sở hữu, vận hành AI đối với hệ thống AI đó. Khi đó, những vấn đề pháp lý nêu trên dễ dàng được phân định, phân khúc riêng biệt giữa AI và bên sở hữu, vận hành. Đương nhiên, tư cách “giám hộ” không làm mất đi quyền tác giả, cụ thể là quyền được đứng tên tác phẩm, của AI.

Khả năng thứ hai có thể được lựa chọn là bổ sung quy định riêng biệt khi ghi nhận tác quyền cho AI và ghi nhận rõ nội dung quyền và nghĩa vụ mà AI hay bên sở hữu, vận hành AI được hưởng hay phải chịu. Lúc đó, ngoài quyền được hưởng tác quyền của AI, các quyền và nghĩa vụ khác lẫn rủi ro pháp lý có thể phát sinh được dự liệu đầy đủ và người nắm giữ sáng chế AI có thể được triệu hồi để… chia sẻ.

Đó là ý kiến thảo luận của người viết. Chắc chắn, để có thể định hình khung pháp lý hoàn chỉnh về tác quyền đối với tác phẩm sáng tạo của AI, các cuộc thảo luận và phân tích cần phải tiếp tục. Điều quan trọng là, nếu việc ghi nhận tác quyền được khai thông thì các nội dung khác về quyền sở hữu trí tuệ của AI cũng có thể được giải quyết, chẳng hạn như quyền đối với sáng chế, nhãn hiệu… mà AI đã tạo ra.

3. Cách sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI)

Trong bài viết “Cách sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong sáng tác âm nhạc và Marketing” (Nguồn: https://chaylapfarmstay.com/), có nội dung như sau:

Trong xu thế social marketing hiện nay, âm nhạc đóng vai trò quan trọng như một tư liệu thiết yếu cho các video social, chẳng hạn như nhạc nền. Tuy nhiên, phần lớn các nền tảng cung cấp nhạc đòi hỏi phí cao, trong khi nhạc miễn phí ít khi đáp ứng được nhu cầu về chất lượng và sự độc đáo.

Bạn hoàn toàn có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra âm nhạc mà không cần lo lắng về bản quyền và chi phí. Công cụ này mang lại nhiều lợi ích quan trọng như bản quyền miễn phí, sự độc đáo của âm nhạc, quy trình tạo ra nhanh chóng và hiệu quả, tiết kiệm chi phí so với việc mua nhạc từ các nền tảng hoặc thuê nhạc sĩ. Ngoài ra, bạn có thể linh hoạt tùy chỉnh bản nhạc cho từng mục đích, nhu cầu sử dụng tuỳ theo nền tảng social marketing của mình.

Bên cạnh đó, nếu bạn hoặc nhân viên của mình có khả năng sáng tác và hát, việc kết hợp với AI không chỉ đơn giản hóa quy trình sáng tác mà còn mở rộng khả năng sáng tạo không giới hạn, tạo ra những sản phẩm âm nhạc chất lượng và mang tính cá nhân hóa cao. Đây sẽ là một công cụ marketing mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp tiếp cận khán giả mục tiêu một cách hiệu quả và ấn tượng hơn theo một cách mới mẻ, độc đáo.

Các công cụ AI mạnh mẽ hiện nay:

– Chat GPT hoặc Gemini để tìm ý tưởng, viết lời bài hát: Đây là 2 công cụ AI mạnh mẽ, hoàn toàn miễn phí.

– Chat GPT: Công cụ này giúp bạn tìm ý tưởng sáng tạo và viết lời bài hát. Bạn có thể nhập vào các từ khóa hoặc chủ đề bạn muốn viết và Chat GPT sẽ cung cấp các gợi ý và đoạn lời bài hát.

– Gemini: Đây là một công cụ AI khác có khả năng viết lời bài hát với độ chi tiết cao hơn và phong cách đa dạng.

Các công cụ AI như ChatGPT hỗ trợ rất nhiều trong việc sáng tác
Các công cụ AI như ChatGPT hỗ trợ rất nhiều trong việc sáng tác

– Suno AI: Công cụ này giúp tạo ra các bản nhạc và giọng hát dựa trên lời bài hát mà bạn cung cấp. Suno có thể biến lời bài hát thành nhạc với nhiều thể loại khác nhau như pop, rock, nhạc điện tử, v.v. Gói miễn phí giúp bạn thoải mái tạo các bản nhạc nhưng có giới hạn mục đích sử dụng. Gói đăng ký 8USD/tháng cho phép bạn tận dụng mạnh mẽ hơn sự sáng tạo và có thể sử dụng âm nhạc tạo ra cho mục đích thương mại.

Sử dụng Sumo AI để sáng tác bài hát mới
Sử dụng Sumo AI để sáng tác bài hát mới

Hướng dẫn các bước để tạo một bài hát theo nhu cầu với AI:

Bước 1: Tìm ý tưởng và chủ đề

Xác định mục tiêu:

– Xác định rõ mục tiêu marketing của doanh nghiệp. Ví dụ: Bạn muốn quảng bá một gói du lịch mùa hè mới, giới thiệu một địa điểm du lịch đặc biệt, hoặc thúc đẩy chiến dịch khuyến mãi kỳ nghỉ lễ.

– Mục tiêu cụ thể có thể là: Tăng số lượng đặt chỗ cho gói du lịch mùa hè, tăng nhận diện thương hiệu cho các tour du lịch độc đáo, hoặc thu hút khách hàng mới thông qua các chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Tìm ý tưởng:

– Sử dụng AI Chat GPT hoặc Gemini để brainstorm ý tưởng và xác định chủ đề cụ thể cho bài hát. Ví dụ: nhập từ khóa liên quan đến lĩnh vực du lịch để nhận được các gợi ý liên quan.

Ví dụ cụ thể:

– Mục tiêu: Quảng bá Chày Lập Farmstay.

– Từ khóa gợi ý: “điểm đến”, “trải nghiệm”, “khuyến mãi mùa hè”, “mới lạ”, “chuyến phiêu lưu mùa hè”.

Quá trình brainstorm với AI:

– Nhập vào Chat GPT: “Gợi ý cho tôi về các từ khoá để sáng tác một bài hát, nhằm quảng bá về Chày Lập Farmstay – Điểm đến với nhiều trải nghiệm mới lạ.”

– Gợi ý từ AI:

  • Lời bài hát có thể bao gồm các từ khoá: “Thiên nhiên (natural beauty), Trải nghiệm mới lạ (unique experiences), Khám phá (exploration), Thư giãn (relaxation), Bình yên (peaceful).”
  • Chủ đề: “Khám phá thiên nhiên”, “Trải nghiệm độc đáo”, “Gắn Kết Gia Đình và Bạn Bè”.
  • Điều chỉnh: Chọn chủ đề và lời bài hát phù hợp nhất với thông điệp marketing của bạn. Ví dụ: “Miêu tả cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của Chày Lập Farmstay, miêu tả khung cảnh thiên nhiên thư giãn, sảng khoái, Kể về những hoạt động thú vị mà du khách có thể tham gia, như chèo thuyền, làm nông. Tạo cảm giác hứng khởi và mời gọi du khách”.

Bằng cách sử dụng AI để tìm ý tưởng và xác định chủ đề cụ thể cho bài hát, bạn có thể dễ dàng tạo ra những bản nhạc phù hợp với mục tiêu marketing của mình, giúp thu hút sự chú ý và tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với khách hàng mục tiêu.

Tìm ý tưởng bài hát trên ChatGPT cho chủ đề cần quảng bá
Tìm ý tưởng bài hát trên ChatGPT cho chủ đề cần quảng bá

Bước 2: Dùng AI viết lời bài hát

Viết lời:

– Nhập chủ đề và ý tưởng vào AI:

  • Sử dụng công cụ như AI Chat GPT hoặc Gemini.
  • Ví dụ: Bạn muốn quảng bá gói du lịch mùa hè mới đến bãi biển nhiệt đới.
  • Cụ thể, bạn nhập câu lệnh vào AI như sau: “Viết cho tôi lyric một bài hát về chủ đề “Chày Lập Farmstay – Trải nghiệm mới lạ”. Có các từ khóa như: chèo thuyền kayak, thưởng ngoạn du thuyền, kết nối thiên nhiên, kết nối con người, thư giãn, khám phá, trải nghiệm mới lạ.”

Chỉnh sửa:

– Xem lại các gợi ý từ AI:

  • Đọc kỹ từng đoạn lời bài hát mà AI đã tạo ra.
  • Đảm bảo rằng lời bài hát phù hợp với thông điệp marketing của doanh nghiệp.

– Chỉnh sửa theo ý muốn:

  • Nếu cần, chỉnh sửa lời bài hát để tăng tính sáng tạo và phù hợp hơn với thông điệp.

– Ví dụ:

  • Bạn có thể thêm một số yếu tố đặc trưng của gói du lịch hoặc địa điểm cụ thể mà bạn muốn quảng bá.
  • Điều chỉnh ngôn ngữ và phong cách lời bài hát sao cho phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu.

Bằng cách này, bạn có thể tạo ra lời bài hát phù hợp với chiến dịch marketing của doanh nghiệp du lịch, nhấn mạnh các yếu tố độc đáo và hấp dẫn để thu hút khách hàng.

Nhờ AI viết lyric bài hát về Chày Lập Farmstay
Nhờ AI viết lyric bài hát về Chày Lập Farmstay

Bước 3: Dùng AI Suno tạo nhạc

Chọn thể loại và mood:

– Xác định thông điệp và cảm xúc bạn muốn truyền tải:

Ví dụ: Đối với gói du lịch mùa hè đến bãi biển nhiệt đới, bạn có thể muốn truyền tải cảm giác vui vẻ, thư giãn, và hứng khởi.

– Sử dụng AI Suno để chọn các yếu tố âm nhạc:

  • Thể loại nhạc (Genre): Chọn thể loại nhạc phù hợp với thông điệp của bạn. Ví dụ: pop, reggae, tropical house, hoặc bossa nova.
  • Mood (Tâm trạng): Chọn mood để thể hiện cảm xúc của bài hát. Ví dụ: vui vẻ, thư giãn, năng động, hoặc lãng mạn.
  • Tempo (Nhịp độ): Chọn nhịp độ phù hợp. Ví dụ: nhịp độ nhanh để tạo cảm giác hứng khởi, hoặc nhịp độ chậm hơn để tạo cảm giác thư giãn.

– Ví dụ cụ thể:

  • Thể loại: Tropical House.
  • Mood: Vui vẻ và thư giãn.
  • Tempo: 120 BPM (beats per minute).

– Tạo nhạc:

Đưa lời bài hát vào AI Suno:

  • Sử dụng lời bài hát đã tạo ở bước trước.

Nhập thông tin vào AI Suno:

  • Chọn các thông số âm nhạc: Tropical House, vui vẻ và thư giãn, 120 BPM.
  • Nhập lời bài hát: Copy và paste lời bài hát vào giao diện của AI Suno.
  • Yêu cầu tạo nhạc: Nhấn nút tạo nhạc và chờ AI Suno xử lý.

– Nghe thử và hiệu chỉnh:

  • Nghe thử các phiên bản: AI Suno có thể tạo ra nhiều phiên bản khác nhau của bài hát dựa trên các thông số bạn đã chọn. Nghe thử để chọn phiên bản phù hợp nhất.
  • Hiệu chỉnh (nếu cần thiết): Nếu không hài lòng với kết quả, bạn có thể điều chỉnh các thông số như thay đổi mood, tempo, hoặc thậm chí thay đổi một số từ trong lời bài hát để thử các phiên bản khác.
  • Xuất file âm thanh: Sau khi hài lòng với phiên bản nhạc cuối cùng, xuất file âm thanh dưới định dạng mong muốn (MP3, WAV, v.v.). Đảm bảo file âm thanh có chất lượng cao để sử dụng cho mục đích marketing.
Làm nhạc mới nhanh chóng bằng Sumo AI
Làm nhạc mới nhanh chóng bằng Sumo AI

Bước 4: Thu thêm phần đọc rap (nếu có)

– Thu âm phần đọc rap: Viết lời rap phù hợp với thông điệp của bài hát. Bạn có thể yêu cầu Chat GPT hoặc Gemini viết và điều chỉnh lại theo nhu cầu của mình.

– Chuẩn bị thiết bị thu âm:

  • Thiết bị thu âm đơn giản: Nếu bạn sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy ảnh có chức năng thu âm, hãy đảm bảo thiết bị ở nơi yên tĩnh và không có tạp âm.
  • Thiết bị thu âm chuyên nghiệp: Nếu bạn sử dụng mixer và micro, hãy kiểm tra kết nối và chất lượng âm thanh trước khi bắt đầu thu âm.
  • Phần mềm thu âm: Có thể sử dụng các phần mềm như Audacity, GarageBand, hoặc Adobe Audition để thu âm.

– Kết hợp phần đọc rap vào bản nhạc sử dụng phần mềm chỉnh sửa âm thanh:

  • Audacity: Miễn phí, dễ sử dụng và phù hợp cho các công việc chỉnh sửa âm thanh cơ bản.
  • GarageBand: Phần mềm của Apple, phù hợp cho người dùng Mac, dễ sử dụng và có nhiều tính năng mạnh mẽ.
  • Adobe Audition: Chuyên nghiệp, có nhiều tính năng mạnh mẽ cho chỉnh sửa âm thanh phức tạp.

– Chỉnh sửa và căn chỉnh:

  • Sắp xếp đoạn rap vào đúng vị trí trong bản nhạc. Đảm bảo phần rap phù hợp với nhịp điệu và cấu trúc của bài hát.
  • Căn chỉnh thời gian và âm lượng để đảm bảo đoạn rap hòa quyện tự nhiên với bản nhạc.

– Thêm hiệu ứng (nếu cần): Sử dụng các hiệu ứng như reverb, echo để tạo chiều sâu và chất lượng cho phần rap.

– Xuất file hoàn chỉnh:

  • Sau khi hài lòng với kết quả, xuất file âm thanh hoàn chỉnh.
  • Chọn định dạng phù hợp (MP3, WAV) và lưu file âm thanh, sẵn sàng sử dụng cho video social sắp tới của bạn rồi.

Bằng cách thêm phần rap vào bản nhạc, bạn có thể tạo ra một bài hát sôi động và đầy sức sống, giúp thu hút sự chú ý và tạo ấn tượng mạnh mẽ với khách hàng mục tiêu của bạn.

Thu âm thêm phần Rap để bài hát thêm màu sắc
Thu âm thêm phần Rap để bài hát thêm màu sắc

Bạn có thể nghe thử 1 bài hát kết hợp giữa AI viết lời, tạo nhạc và rap của Chày Lập Farmstay ở video sau đây: LINK VIDEO YOUTUBE

Nếu bạn đã đọc tất cả các bước hướng dẫn phía trên, thì 95% nội dung bài hướng dẫn này được tạo ra từ AI Chat GTP và AI Gemini trong vòng 30 phút theo yêu cầu của tác giả. Thật tuyệt vời phải không nào?

Với sức mạnh và sự hỗ trợ từ trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là các mô hình Deep Learning, doanh nghiệp có thể biến những ý tưởng sáng tạo thành những sản phẩm âm nhạc độc đáo, phục vụ hiệu quả cho các chiến dịch marketing từ thiết kế, vẽ, viết nhạc, thậm chí dựng video quảng cáo. AI không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn tạo ra sự khác biệt và thu hút đối với khán giả mục tiêu. Cần nhớ rằng, AI hoạt động càng hiệu quả khi người dùng biết cách tận dụng thông minh những công cụ mà nó cung cấp. Khi doanh nghiệp sử dụng AI một cách thông minh, họ không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ để đạt được những mục tiêu marketing quan trọng.

Deep Learning là “Người dùng càng thông minh thì AI càng thông minh”.

Trên đây là một số bài viết và thông tin về việc ứng dung công nghệ AI trong sáng tạo âm nhạc. Chắc chắn còn rất nhiều cách tiếp cận khác nhau. Đồng thời sản phẩm của AI cũng sẽ còn để lại nhiều tranh luận trí chiều các nhau từ phía những nhà hoạt động chuyên nghiệp và cả công chúng. Đây là một gợi mở để chúng ta có thêm góc tiếp cận trong việc sử dụng công nghệ hỗ trợ và biến AI trở thành trợ lý đắc lực cho con người trong mọi hoạt động.

Tác giả: Trần Luận sư tầm

Lịch sử nhạc jazz – Phần 1 : Từ Blues đến Swing và thời kì Big Band

0
Lịch sử nhạc jazz – Phần 1 : Từ Blues đến Swing và thời kì Big Band

Là một thể loại kén người nghe, jazz gắn liền với sự tinh tế và phức tạp. Nhịp điệu lắt léo của jazz vốn khó nắm bắt với cả những tay chơi nhạc kì cựu. Bài viết hi vọng đem đến cho bạn một cái nhìn sơ lược về thể loại âm nhạc có ảnh hưởng nhất thế kí 20.

Xem thêm: Phần 2- Thời kì hậu Big Band

Giới thiệu nhạc Jazz

Jazz là thể loại nhạc Mỹ đầu tiên có tầm ảnh hướng thế giới. Nhiều học giả nhất trí rằng những ảnh hưởng thời kì đầu của Jazz đến từ giai đoạn sau cuộc Nội chiến Hoa Kỳ và thời kì giải phóng, lúc mà những nô lệ cũ giờ đã được trả tự do để dịch chuyển, truyền bá di sản văn hóa châu Phi. Họ kiếm sống bằng cách biểu diễn tại các khách sạn, nhà hàng, câu lạc bộ, sàn nhảy và nhà thổ.

Jazz là sự kết hợp của:

  • Nhạc tế thần và bài ca lao động của những nô lệ trên đồng ruộng
  • Nhịp phách lỡ (syncopation) của ragtime
  • Những đoàn diễu binh và tiếng kèn brass
  • Chất nhạc thê thảm, sầu bi của nhạc blues

Ban nhạc “jass” đầu tiên là ban nhạc của nghệ sĩ trombone Tom Brown. Jass là dạng tiếng lóng thô bỉ của từ ‘jism’ dùng để chỉ mùi nước hoa nhài (jasmine) của các gái điếm đô thị. Cuối những năm 1910, ở New York, những kẻ nghịch ngợm thường hay bôi bỏ chữ J đi, nên ban nhạc hay bị trêu là Ass band (cái mông!), nên từ đó nhạc Jass mới được đổi thành nhạc Jazz.

Bộ ba: Fiddle, Banjo và Trống là những nhạc cụ cơ bản của Jazz. Đến những năm 1890, danh sách này bao gồm thêm Upright bass hoặc Cello, và kèn Cornet. Đến những năm đầu thế kỉ 20, đàn Fiddle biến mất, thay vào đó là kèn Trombone và Clarinet, đôi lúc đi với kèn Tuba “Brass bass”. Điều này được lí giải do các nhạc cụ cũ được bán rộng rãi ở các tiệm cầm đồ thời kì hậu Nội chiến.

Tương tự cây vĩ cầm. Nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển phương Tây dùng Fiddle như một cách gọi gắn liền với violin, “người bạn thân” của fiddle. Tuy nhiên ở Mĩ, thường Fiddle có nghĩa là violin được sử dụng trong nhạc truyền thống Ireland-Scotland-Pháp và hậu duệ của nhạc Mỹ như Appalachian, bluegrass, Cajun, etc.

Jazz ra đời khoảng năm 1895 ở New Orleans. Jazz bao gồm Rag time, âm nhạc của band diễu binh (brass marching bands), và blues. Jazz khác biệt ở phong cách ứng tấu của nhiều nhạc cụ cùng lúc. Jazz thoát ra khỏi truyền thống âm nhạc phương Tây, khi mà các nghệ sĩ đọc sheet và cố gắng tái tạo lại chính xác từng nốt nhạc. Ca khúc jazz thường mang tính chất tham khảo, để nghệ sĩ tự ứng tấu. Nhiều người không thể đọc được nốt nhạc nhưng vẫn có thể làm đám đông điên đảo với những giai điệu ngẫu hứng, niềm hân hoan mà họ đem lại.

Một bài nhạc rất kinh điển của brass band là “When the saints go marching in”.  Ở New Orleans, các đoàn diễu binh lớn thường xuất phát vào dịp đám tang hoặc lễ hội Mardi Gras.

Sơ lược các giai đoạn của nhạc Jazz

Jazz history

Nhạc Blues (cuối thế kỉ 19 tới nay)    

Blues Source: fistfuloftalent .com
Blues
Source: fistfuloftalent .com

Xuất phát từ thế kỉ 19 tại miền Nam, từ bài hát của những người nô lệ và sau đó là những người lĩnh canh khi họ lao động dưới ánh mặt trời gay gắt hoặc ca hát nhảy múa trong những buổi lễ cầu thần. Khi những người Mĩ-Phi học chơi nhạc cụ châu Âu, guitar trở nên phổ biến để cất lên tiếng lòng của họ và kéo theo đó là sự phát triển của phong cách blues. Vòng hợp âm của blues là vòng 12 ô nhịp, cùng với nốt Blue. Nốt blue là nốt được hát hoặc chơi ở cao độ thấp hơn thang âm trưởng, đem lại cho nốt nhạc cảm giác thống khổ, sầu đời.

Trong khi blues phát triển song song với nhạc jazz vào cuối thế kỉ 19, đầu 20, nghệ sĩ nhạc jazz mang rất nhiều hơi hướm nhạc blues vào trong jazz, nhất là vòng hợp âm kéo dài 12 ô nhịp. Khi jazz trở nên quá trừu tượng, các nghệ sĩ mượn đến nhạc blues.

Nghệ sĩ tiêu biểu:

  • W.C Handy: Được xem như cha đẻ của nhạc Blues, là người thúc đầu mainstreaming nhạc blue
  • Huddie “Lead Belly” Leadbetter: Sáng tác hàng tá nhạc blues bất hủ được cover. Người ta truyền tụng rằng ông đã bị bắn vào bụng bởi một cây sung ngắn và may mắn sống sót, từ đó có nickname là “Lead Belly”.
  • Bessie Smith: Ca sĩ có phong cách đã để lại dấu ấn sâu đậm cho thế hệ jazz vocalist về sau.

Tác phẩm nổi bật:

Ragtime (1895—1918)

Ragtime
Ragtime

Khởi nguồn từ pianists da đen chơi nhạc trong các hộp đêm và dance club, đây là một thể loại nhạc dành cho piano phát. Điểm nổi bật của ragtime là nhịp chỏi (syncope), nhấn ở phách 2 và/hoặc phách 4.

Giai đoạn 1905-1915 là giai đoạn sóng gió với nhiều nghệ sĩ da đen. Dù được đào tạo nhạc cổ điển, họ không tìm được việc, nên phải chuyển sang chơi ragtime, để có thể biểu diễn ở các quán bar, clubs rẻ tiền hoặc nhà thổ.

Nghệ sĩ tiêu biểu:

– Scott Joplin, ông hoàng nhạc Ragtime

Tác phẩm nổi bật:

New Orleans Jazz (Dixieland Jazz) (1900-1920)

new orleans jazz

New Orleans jazz khởi nguồn từ các ban nhạc diễu hành ở New Orleans. Nhạc cụ chủ lực của thế loại này là đàn cornet. Ban nhạc kết hợp giữa điệu ragtime (lúc này đã là một trào lưu) với kĩ thuật đẩy dây của nhạc blues.

Đàn cornet
Đàn cornet

Ban nhạc New Orleans jazz thường ít người, bao gồm dàn trước có đàn cornet/trumpet, clarinet, trombone, và dàn nhạc đệm bao gồm ít nhất 2 trong các nhạc cụ sau: banjo, bass dây, trống hoặc piano. Ứng tấu mang tính tập thể, có thể nghe rõ khi một nhạc cụ chủ đạo solo một câu ngẫu hứng, được các nhạc cụ khác “góp thêm” vào. Lúc này nghệ sĩ solo jazz chưa có cơ hội “nổi lên” ở vị trí trung tâm.

New Orleans Jazz thịnh hành là nhờ vào sự xuất hiện của máy hát đĩa than. Nhiều nghệ sĩ New Orleans Jazz rời new Orleans để mở shop bán máy hát đĩa ở Chicago và New York vào thời kì di cư ồ ạt.

Một địa danh gắn liền với giai đoạn này là Khu phố đèn đỏ nổi tiếng Storyville . Pianist Jelly Roll Morton là một trong những tượng đài nhạc jazz, khởi nghiệp bằng việc chơi nhạc ở các quán rượu và nhà thổ ở Storyville.

Nghệ sĩ tiêu biểu:

  • Byddy Bolden là người phát minh ra điệu nhạc Big Four, dựa trên nhịp nhạc hành quân. Ông đã đặt nền móng cho jazz hiện tại và tạo không gian cho ngẫu hứng cá nhân trong nhạc jazz.
Source: Wikipedia
Source: Wikipedia

Mô phỏng điệu Big Four chơi trên dàn trống:

  • Joe “King” Oliver: trưởng ban nhạc, chơi cornet; đi tiên phong kĩ thuật mutes (tắt tiếng) – ông đặt nón trước kèn trumpet để bịt âm thanh; là người dẫn dắt và thầy giáo dạy Louis Amstrong.
  • Jellly Roll Morton: Xuất thân sáng tác nhạc ragtime, ông là nhà soạn nhạc jazz đầu tiên. Ông đã nới lỏng nhịp lỡ ở ragtime để biến thể thành điệu “swing” trong nhạc jazz.
  • Dixiland Jazz Band: Band gồm toàn nghệ sĩ da trắng, là band nhạc đầu tiên thu âm jazz, giúp quảng bá jazz trong cộng đồng người Mĩ da trắng.

Tác phẩm nổi bật:

Swing và thời kì Big Band (1930-1945)

Cho tới những năm 30, nhạc jazz được hưởng ứng chủ yếu bởi một bộ phận văn hóa riêng biệt của Mĩ. Mối liên hệ mật thiết giữa nhạc jazz với cuộc sống nhọc nhằn và văn hóa Mĩ – Phi khiến nó trở nên khó “tiêu hóa” đổi với đa phần người Mĩ da trắng. Thời kì Big Band đã làm thay đổi điều này. Thời kì Đại Suy Thoái đã khiến cho nhiều band nhạc jazz mất việc, các nghệ sĩ nhạc jazz đầy rẫy và trở nên rẻ bèo. Vì thế, một vài đầu tàu của nhóm nhạc jazz đã gầy dựng nên những dàn nhạc lớn.

Nhạc jazz lúc này không còn nhiều nhịp lỡ nữa, mà chuyển sang thể loại thoải mái, mượt mà hơn, còn gọi là Swing. Swing có gốc là nhạc dance, nhiều phong cách dance được tạo cảm hứng bởi nhạc Swing như Lindy Hop và Jitterbug. Ngoài jazz, Big Bands còn chơi nhạc theo chuẩn Mĩ, đem tới cho họ chất jazz trong quá trình biểu diễn.

Sau thế chiến thứ hai, khi kinh tế tăng trưởng trở lại, duy trì những dàn nhạc lớn trở nên đắt đỏ, và Big Bands cùng với nhạc Swing cũng suy thoái từ đó.

Nghệ sĩ tiêu biểu:

  • Fletcher Henderson: Có công tạo ra công thức của nhạc Swing, lập nên một trong những band nhạc Big Bands đầu tiên. Cùng với Duke Ellington, ông được xem là một trong những nhà soạn nhạc jazz vĩ đại nhất mọi thời đại.
  • Benny Goodman: Ông hoàng nhạc Swing, một trong những nghệ sĩ kèn clarinet vĩ đại nhất mọi thời đại, là nghệ sĩ nhạc jazz đầu tiên chơi ở Carnegie Hall. Là người da trắng, Goodman góp phần phổ biến nhạc jazz cho người Mĩ da trắng. Ông là một trong những trưởng band nhạc đầu tiên dẫn dắt một dàn nhạc “hoành tráng”.
  • Count Basie: nghệ sĩ piano và trưởng ban nhạc, có phong cách chơi nhạc từ tốn hơn Ellington
  • Duke Ellington: Vẫn tiếp tục là một giọng ca đầy sức ảnh hưởng trong thời kì Big Band.
  • Cab Calloway: Trưởng band nhạc và ca sĩ, thường mặc zoot suit (loại đồ vest nam chiết eo cao, ống quần rộng, cổ tay áo bó, quần ống túm đi với áo khoác vạt dài và độn vai rộng) nổi tiếng với hình thức Jive talk và “hep hep, hi di hi di hos”. Cab Calloway và dàn nhạc của ông là một trong những big bands nổi tiếng nhất ở thời kì Swing.

zoot suit - museum dot state dot il dot us

Tác phẩm nổi bật:

Tác giả: Phương Vũ

(Nguồn: https://phuongvu.me/)

Bảo tồn âm nhạc truyền thống trong cộng đồng – những hướng đi cần lan tỏa

0
Bài 1: Mỗi cơ sở là một hạt nhân trong việc lưu giữ giá trị âm nhạc truyền thống

Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật âm nhạc truyền thống là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Song song với việc giữ gìn, phát triển tại các đơn vị, trường học nghệ thuật chính quy, các cơ sở văn hóa, thì việc bảo tồn âm nhạc truyền thống tại cộng đồng như: các câu lạc bộ, gia đình, hay sự truyền dạy của các nghệ nhân đã mang lại hiệu quả cao trong việc phát triển và gìn giữ những nét đặc sắc trong âm nhạc mà ông cha ta đã truyền lại.

Âm nhạc truyền thống Việt Nam hay nhạc dân gian, dân ca được ra đời từ rất sớm, được lưu truyền trong dân gian và gắn bó mật thiết với đời sống xã hội cũng như của nhân dân. Cùng với quá trình phát triển lịch sử của đất nước, người dân đã không ngừng sáng tạo nên nhiều nhạc cụ, nhạc khí và các thể loại ca nhạc để bộc lộ tâm tư, tình cảm, nhằm tiếp thêm sức mạnh về tinh thần trong quá trình lao động, sản xuất, cũng như trong cuộc sống.

Các nghệ sĩ giáo phường Đình Làng Việt tại Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018

Kho tàng âm nhạc truyền thống của Việt Nam rất phong phú, bởi nước ta có 54 dân tộc anh em, điều đó đồng nghĩa có 54 nền âm nhạc truyền thống khác nhau. Trong bài viết này xin được đề cập đến âm nhạc truyền thống của người Kinh, đa dạng và đặc sắc như: nhạc cung đình, Chèo, Hát xẩm, Đờn ca tài tử, dân ca, Ca trù, Quan họ… Nằm trong số đó, có các thể loại đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh  vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như Nhã nhạc  cung đình Huế; Dân ca quan họ Bắc Ninh; Ca trù; Hát Xoan Phú Thọ; Dân ca Ví, Dặm  Nghệ Tĩnh; Đờn ca tài tử Nam Bộ…

Điều đó cho thấy, âm nhạc truyền thống có mối quan hệ mật thiết trong đời sống của nhân dân, đồng thời là bộ phận quan trọng góp phần nâng cao giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Vì thế, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật trong đó có âm nhạc truyền thống. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa (11-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa: bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, của các dân tộc, các vùng, miền…”.

Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong Lễ hội truyền thống

Ngày 28-12-2021, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2214/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026. Chương trình đề ra mục tiêu phát triển phong trào có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực; tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, bảo đảm sự phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và bảo vệ Tổ quốc. Gắn kết và phát huy vai trò của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với phát triển văn hóa nông thôn; xây dựng nông thôn mới; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030.

Chương trình “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026, đã xác định: “Phát triển đa dạng các loại hình, câu lạc bộ về văn hóa, thể thao cơ sở; duy trì, phát triển và đổi mới nội dung các liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ, dân ca, dân vũ các dân tộc, phong trào thể dục, thể thao quần chúng, góp phần xây dựng cộng đồng nông thôn ổn định về chính trị, dân chủ, hòa thuận, nhân ái giàu bản sắc dân tộc, có môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn…”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của ngành VHTTDL: “Môi trường văn hóa cơ sở là động lực của sự phát triển… Trong môi trường văn hóa, đặc biệt là về văn hóa cơ sở, thì phải chú ý đến văn hóa nghệ thuật…”.

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với âm nhạc truyền thống được thể hiện rất rõ khi Nhà nước có chủ trương đúng đắn trong việc đầu tư, bồi dưỡng, đào tạo thế hệ trẻ tại hệ thống các trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước. Song song với đó, là việc khuyến khích các nghệ nhân tại cộng đồng truyền dạy âm nhạc dân tộc cho những người yêu thích cũng như các bạn trẻ, nhằm bảo tồn, phát triển các loại hình âm nhạc truyền thống tại các địa phương.

Với sự quyết tâm, chỉ đạo của cả hệ thống, đã có rất nhiều câu lạc bộ như ca trù, xẩm, dân ca, nhạc cụ dân tộc… tại cộng đồng, địa phương, tổ dân phố được mở ra, với sự đa dạng về hình thức hoạt động. Mỗi cơ sở, câu lạc bộ về âm nhạc truyền thống đã trở thành những hạt nhân trong việc lan tỏa văn hóa thông qua các hoạt động: sinh hoạt, giao lưu nghệ thuật, truyền dạy âm nhạc truyền thống của các nghệ nhân nhằm bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa của ông cha. Tiêu biểu như các câu lạc bộ: câu lạc bộ Quan họ làng Diềm tại tỉnh Bắc Ninh, câu lạc bộ hát Xoan và dân ca của Phú Thọ, chiếu Xẩm Hải Thành,… đến các câu lạc bộ do các bạn trẻ yêu thích nhạc cụ truyền thống: Trường Đại học FPT, Cầm ca,… Đây chỉ  là một số trong rất nhiều câu lạc bộ hoạt động khắp cả nước.

Với sự hoạt động ngày càng mạnh mẽ của các “hạt nhân” văn hóa tại các cơ sở địa phương, đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc trong thời kỳ hiện tại, cũng như trong tương lai.

Trong mấy năm nay, âm nhạc truyền thống đã được Đảng và Nhà nước chú trọng quan tâm. Điều đó cho thấy, loại hình nghệ thuật nào được nhà nước quan tâm thì sẽ rất phát triển, ví dụ như quan họ, đờn ca tài tử, bài chòi… Có sự quan tâm của Nhà nước thì hình thức nghệ thuật dân gian ấy tự sống lại. Tôi rất tán thành biện pháp của Nhà nước, tức là vừa Nhà nước, vừa nhân dân. Nhà nước thì hỗ trợ, nhân dân thì tự nguyện. Vì thế, thời gian qua, Nhà nước đã hỗ trợ các câu lạc bộ, hỗ trợ các buổi liên hoan, các buổi sinh hoạt, hướng đi đó rất đúng và chính xác.

(Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan)

 

Bài 2: Những điểm sáng cần nhân lên

Hiện nay, các câu lạc bộ của những người yêu âm nhạc dân tộc cũng như các nghệ nhân tại các địa bàn dân cư, địa phương ngày càng được mở rộng và đi vào hoạt động có tổ chức, bài bản. Đây là việc làm thiết thực trong việc đưa âm nhạc truyền thống của dân tộc lan tỏa trong cộng đồng, sống trong dân gian, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị các thể loại âm nhạc truyền thống.

Câu lạc bộ về âm nhạc truyền thống hiện nay ngày càng đông đảo về số lượng, được thành lập với nhiều loại hình: Ca trù, Quan họ, Nhã nhạc cung đình, Xẩm, Chèo, Tuồng, Đờn ca tài tử, Hát Xoan… Các câu lạc bộ hoạt động sôi nổi, rộng khắp tại các địa bàn dân cư, địa phương trong cả nước, từng bước đi vào đời sống hằng ngày của nhân dân, là một bộ phận quan trọng không thể tách rời trong các buổi lễ, hội, và các hoạt động xã hội. Dưới sự quản lý của các cơ quan nhà nước, các thành viên trong câu lạc bộ âm nhạc dân tộc đã sinh hoạt say mê, nhiệt tình, tự nguyện đóng góp vào hoạt động văn hóa cộng đồng tại các địa bàn dân cư của địa phương, tham gia các kỳ Liên hoan, Hội diễn… Thành viên trong các câu lạc bộ đa dạng, từ các nghệ nhân tuổi cao, đến các bậc trung niên, rồi các bạn trẻ, em nhỏ.

Tiết mục dự thi của Giáo phường Đình Làng Việt tại Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018

Có rất nhiều câu lạc bộ âm nhạc dân tộc đã hình thành từ khá lâu, kinh phí để duy trì sinh hoạt là do tự nguyện đóng góp. Từ khi có những chính sách đãi ngộ, hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, thì hoạt động của câu lạc bộ đã trở nên sôi động. Điển hình là tại Thủ đô Hà Nội được coi là trung tâm ca trù lớn nhất của cả nước. Ngay sau khi ca trù được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, thành phố đã có nhiều cố gắng trong việc hồi sinh cho loại hình nghệ thuật này. Sau hơn 11 năm được ghi danh, ca trù Hà Nội lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng. Thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động bảo vệ, tạo môi trường thực hành, tôn vinh nghệ nhân, tài năng ca trù, xây dựng chế độ đãi ngộ nhằm bảo tồn, phát huy môn âm nhạc dân tộc này.

Nói về sự phát triển của ca trù tại Hà Nội, NSƯT Lê Thị Bạch Vân – chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù Hà Nội từng chia sẻ: “Trong quá trình phục hồi của ca trù, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội đầu tiên của Việt Nam được thành lập tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám ngày 28-4-1991. Chính từ sự kiện này, một số nhà yêu nước, yêu nghệ thuật truyền thống ở nước ngoài đã chú ý đầu tư kinh phí phục hồi ca trù trong nước… Sau đó, với việc hàng loạt câu lạc bộ, giáo phường/ nhóm ca trù tự phát thành lập ở Hà Nội, nhất là sau khi ca trù được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, năm 2009. Cùng thời điểm đó, nhiều địa phương cũng thành lập các câu lạc bộ ca trù mang tính cộng đồng… Điều này, thực sự là một biến đổi tích cực, đưa ca trù đến với đông đảo công chúng. Như vậy, đáp ứng phần nào mong muốn phục hồi, giữ gìn và phát triển ca trù của đại bộ phận nhân dân trân quý nghệ thuật này… sau một thời gian dài chìm lấp; không chỉ tại Thủ đô Hà Nội mà còn tạo thành phong trào hoạt động sôi nổi tại nhiều địa phương”.

Lớp học hát quan họ cho các em học sinh vào dịp hè của câu lạc bộ Quan họ làng Diềm – Ảnh: NVCC

Hay trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, số lượng làng quan họ gốc và làng quan họ thực hành khá đông, nằm trong số đó có câu lạc bộ Quan họ làng Diềm (hay còn gọi là thôn Viêm Xá) thuộc địa phận xã Hòa Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã có thời gian hoạt động khá lâu. Chính thức đi vào hoạt động có tổ chức là vào tháng 8-1994 khi câu lạc bộ tiến hành bầu Ban chủ nhiệm với 7 thành viên. Câu lạc bộ được quy tụ đủ 5 bọn quan họ với trên 70 thành viên, người cao tuổi nhất là 90, thấp nhất là 18. Định hướng của câu lạc bộ chơi theo lề lối quan họ làng Diềm: Với tổng số hơn 200 câu hát cổ mẫu mực, điệu thức nhấn nhá, luyến láy, ca từ theo lối tự sự với cách dùng ngôn ngữ cổ dân gian. Sự cách điệu ngôn ngữ của quan họ làng Diềm bao hàm ý nghĩa trữ tình sâu sắc, tổng hòa của mọi mối quan hệ phu-thê, mẫu-tử, huynh-đệ… Không đặt lịch sinh hoạt đều đặn, và đặc thù của thể loại quan họ là hát có đôi, nên những lúc nông nhàn, các cặp sẽ tự sắp xếp cùng nhau tập luyện. Đồng thời, cứ đến dịp lễ hội hay có công việc của làng thì câu lạc bộ Viêm Xá sẽ tổ chức làm lễ thờ thánh hay hát giao lưu phục vụ nhân dân trong và ngoài làng.

Trong câu lạc bộ Quan họ Viêm Xá, có Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thềm và nghệ nhân Nguyễn Thị Sáng là hai trong số các thành viên hoạt động rất tích cực và nhiệt tình. Các nghệ nhân không chỉ truyền dạy miễn phí cho các em nhỏ trong làng, các học sinh tại trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh, mà còn đào tạo, bồi dưỡng cho các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh cũng như những người yêu thích làn điệu quan họ trong cả nước.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thềm và nghệ nhân Nguyễn Thị Sáng trong một làn điệu quan họ – Ảnh: NVCC

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thềm cho biết: “Trước đây, để câu lạc bộ hoạt động, các hội viên tự túc đóng góp, trong những năm gần đây kinh phí hoạt động đã được nhà nước hỗ trợ, được nhận từ tỉnh Bắc Ninh. Với sự hỗ trợ này, góp phần cho câu lạc bộ thêm trong các khoản chi phí may trang phục, phục vụ công việc của làng cũng như những hoạt động khác”.

Nghệ nhân ưu tú cũng chia sẻ: “Các em nhỏ ở làng rất yêu thích loại hình âm nhạc dân tộc này, nên vào mỗi dịp hè, thường có 4 đến 5 lớp được mở để dạy và mỗi lớp có vài chục em tham gia. Việc dạy học thường được truyền khẩu, truyền từ những người đi trước và có sức lan tỏa lớn. Hiện nay, không chỉ các con em trong làng Diềm mà còn có rất nhiều bạn trẻ ở các nơi khác về đây học tập các làn điệu quan họ”.

Khác với nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thềm, bà Nguyễn Thị Thứ – chủ nhiệm câu lạc bộ hát Xoan và dân ca Phú Thọ, khu 5 phường Vân Phú, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ chưa là nghệ nhân mà là một người yêu thích bộ môn hát Xoan – một loại hình dân ca nghi lễ, phong tục, còn gọi là hát cửa đình hay “Khúc môn đình”.

Là di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn cộng đồng, Hát Xoan nuôi dưỡng sự hiểu biết văn hóa, sự gắn kết cộng đồng và tôn trọng lẫn nhau. Hát Xoan gắn liền với việc thờ cúng Hùng Vương, một tín ngưỡng bắt nguồn từ việc thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt. Với ý nghĩa sâu sắc đó đồng thời yêu thích nghệ thuật hát Xoan, bà Nguyễn Thị Thứ đã đứng lên thành lập Câu lạc bộ hát Xoan và dân ca Phú Thọ, khu 5 phường Vân Phú, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Từ những ngày đầu tiên chỉ có 30 thành viên, đến nay câu lạc bộ đã có hơn 100 thành viên, với nhiều thế hệ, lứa tuổi. Những hoạt động chính của câu lạc bộ hát Xoan và dân ca Phú Thọ là tuyên truyền đến với mọi tầng lớp nhân dân biết về thể loại hát Xoan. Câu lạc bộ đã sinh hoạt được gần 20 năm, nhưng được tỉnh ra quyết định công nhận từ năm 2011, đồng thời cũng được tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí để hoạt động. Cùng với số tiền của Nhà nước, thì mỗi dịp vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, nhân dân cả nước về với Phú Thọ để thắp hương kính dâng Vua Hùng, lúc đó câu lạc bộ cũng đi biểu diễn, có được khoản thu và lấy số tiền đó để trang trải cho các hoạt động tại câu lạc bộ.

Những đào Xoan nhí của thành phố Việt Trì biểu diễn hát Xoan, góp phần gìn giữ và lan tỏa Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong cộng đồng – Ảnh: TTXVN

Nói về những đóng góp trong công tác bảo tồn của câu lạc bộ hát Xoan và dân ca Phú Thọ, bà Nguyễn Thị Thứ chia sẻ, “Là người con vùng đất Phú Thọ, đồng thời nhà tôi cũng có cửa đình thờ Vua Hùng nên tôi rất yêu thích hát Xoan. Tôi đã tìm đến nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch để học. Phải mất một khoảng thời gian dài tôi mới vào được giai điệu. Thông qua câu lạc bộ, các thành viên mong muốn người dân biết đến ý nghĩa, nét đẹp của Hát xoan, đồng thời kêu gọi mọi người tham gia và tạo nên sự gắn kết. Trong câu lạc bộ của chúng tôi, có rất đông thành viên trẻ. Các bạn vẫn đi làm việc, học tập, nhưng mỗi khi vào dịp lễ hội, lại trở về biểu diễn. Trong số đó, đã có những bạn có thể dạy cho các em nhỏ tiếp nối”.

Bà Nguyễn Thị Thứ cũng cho biết, câu lạc bộ sinh hoạt khá thường xuyên và có thời gian cố định. Cùng với việc học hỏi, giao lưu giữa các câu lạc bộ trong tỉnh thì câu lạc bộ của bà cũng đi biểu diễn tại nhiều địa phương khác và được tiếp đón nồng nhiệt. “Việc lan tỏa những giá trị của hát Xoan có ý nghĩa rất lớn và cần thiết đối với các thế hệ sau này, vì thế câu lạc bộ của chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, thu hút các bạn trẻ để bảo tồn và phát triển loại hình dân ca đặc sắc của dân tộc”.

Là một nghệ nhân còn khá trẻ, Bá Linh (Đào Bạch Linh) là học trò của nghệ nhân nhân dân Hà Thị Cầu, anh là chủ nhiệm Câu lạc bộ Xẩm Hà Thành hay còn gọi là chiếu xẩm Hà Thành tại quận Lê Chân, Hải Phòng. Năm 2008, từ một nhóm của những người yêu thích hát Xẩm, câu lạc bộ đã được tỉnh ban hành quyết định thành lập chính thức năm 2021. Các thành viên của câu lạc bộ Xẩm Hà Thành sinh hoạt tại khuôn viên của gia đình nghệ nhân Đào Bạch Linh theo định kỳ 1 tuần 2 buổi. Đồng thời, Xẩm Hà Thành là một trong những câu lạc bộ tích cực trong việc lan tỏa nghệ thuật hát Xẩm ra cộng đồng thông qua các buổi công diễn tại phố đi bộ.

Cũng như các câu lạc bộ âm nhạc dân tộc khác, Xẩm Hà Thành là nơi tụ hội của những người đam mê hát Xẩm, đồng thời bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị của thể loại nghệ thuật đặc sắc này. “Xẩm Hà Thành tại Hải Phòng là một trong những câu lạc bộ đi đầu trong phong trào giữ nề nếp trong việc tổ chức lễ giỗ tổ, tổ chức liên hoan, giao lưu âm nhạc. Năm 2019 và 2022, khi Nhà nước tổ chức Liên hoan hát Xẩm toàn quốc, thì CLB luôn tham dự và luôn giành Huy chương Vàng của liên hoan” – nghệ nhân Bá Linh cho hay.

Nghệ nhân Đào Bạch Linh (Bá Linh) – truyền nhân của Nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu

Không chỉ giao lưu, sinh hoạt tại câu lạc bộ, nghệ nhân Bá Linh cũng đứng ra tổ chức dạy hát Xẩm bằng hai hình thức: mở lớp cho mọi người đến học tại câu lạc bộ và đi đến với những nơi được mời dạy. Trên con đường truyền dạy đó, nghệ nhân Bá Linh đã giúp đỡ nhiều nhóm ở nhiều địa phương cách thức tổ chức, thành lập câu lạc bộ hát Xẩm.

“Đối với những nơi mời tôi đến dạy, họ chủ động và có mục đích rõ ràng, điều đó cho thấy họ là những người có tình yêu đối với hát Xẩm. Việc truyền dạy, hướng dẫn mọi người thành lập nhóm, hội, câu lạc bộ để sinh hoạt, nơi nào làm tốt và nghiêm túc tôi cảm thấy rất vui mừng. Điều đó cho thấy, phản ứng của xã hội đối với hát Xẩm mang hướng tích cực, mọi người đón nhận một cách nồng nhiệt, thích thú, say mê, và mọi người cũng nhận thấy rằng xẩm dễ nghe và gần gũi với cuộc sống”- nghệ nhân Bá Linh chia sẻ.

Câu lạc bộ Xẩm Hà Thành có khoảng hơn 30 thành viên, nhưng có mặt thường xuyên trong các hoạt động thì khoảng 20 người. Câu lạc bộ không nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước, nên để duy trì hoạt động thì mỗi thành viên đóng góp một khoản tiền nhỏ bé. Bá Linh cho rằng, bảo tồn, phát huy, giới thiệu loại hình âm nhạc đặc sắc với lối diễn xướng dân gian độc đáo được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng để Xẩm phát triển, không bị mai một, mất đi là trách nhiệm của mỗi nghệ nhân.

Với sự quan tâm của Nhà nước và cộng đồng, đến nay nhiều loại hình âm nhạc dân tộc đã ngày càng phát triển và được nhiều người yêu thích trong đó có cả giới trẻ. Điều đó cho thấy các giá trị tinh hoa của dân tộc sẽ ngày càng được phát huy, góp phần vào công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… phát huy sức mạnh văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

* Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đoàn Lâm: “Âm nhạc truyền thống thì nên bảo tồn trong dân gian, bởi vì nó được dân gian sáng tạo và lưu truyền rộng rãi trong nhân dân, từ cộng đồng đến từng cá nhân. Những tác giả vô danh chính là những người sáng tạo ra âm nhạc truyền thống ấy và chính họ là những người bảo tồn thông qua thể hiện, trình diễn, đồng thời họ giao lưu, truyền dạy cho nhiều người. Nghệ thuật truyền thống phải tồn tại trong cộng đồng mới phát triển được, thì mới có những sáng tạo mới”.

* Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan: “Tất cả các câu lạc bộ của những thể loại âm nhạc truyền thống đóng góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn. Chính các câu lạc bộ làng, xã, gia đình tại các thôn xóm, địa phương tạo ra nền tảng vững chắc trong việc bảo tồn nghệ thuật dân gian”.

 

Bài 3: Giới trẻ với sứ mệnh bảo tồn âm nhạc truyền thống

Nằm trong số các bạn trẻ say mê với âm nhạc truyền thống có bạn Ngô Văn Hảo sinh năm 1996 là người hoạt động tự do về hát xẩm. Hảo cũng là học trò của nghệ nhân Bá Linh (Đào Bạch Linh) – người sáng lập câu lạc bộ Xẩm Hà Thành tại Hải Phòng. Hảo biết đến Xẩm vào năm 2010, trong một lần vô tình nghe được bài xẩm Công cha nghĩa mẹ sinh thành của nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Ngô Văn Hảo với một tiết mục hát Xẩm

“Khi nghe bài xẩm, tôi thấy lời thơ rất ý nghĩa, lời hát trong xẩm của cụ đầy chất dân gian và mộc mạc. Lúc đó, tôi cảm thấy rất thích thú và đã đi tìm hiểu thể loại âm nhạc dân tộc này. Vừa nghe, vừa học hỏi, dần dần Xẩm đã đi sâu vào trái tim của tôi” – Ngô Văn Hảo chia sẻ.

Từ năm 2016 đến nay, Ngô Văn Hảo tích cực hỗ trợ các bạn sinh viên và những người yêu thích muốn tìm hiểu, học hỏi về hát Xẩm tại câu lạc bộ 48h (Hà Nội). Lớp Xẩm do Ngô Văn Hảo “đứng lớp” đã truyền dạy nhiều khóa học, cho những yêu mến nghệ thuật hát Xẩm, đồng thời giới thiệu môn nghệ thuật này trong các chương trình ở các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng nhiều chương trình văn nghệ học đường khác. Lớp học Xẩm của Ngô Văn Hảo với đa dạng độ tuổi từ các em nhỏ, thanh thiếu niên, sinh viên đến những người lớn tuổi không chỉ được “đắm chìm” trong không gian nghệ thuật của các làn điệu âm nhạc dân tộc mà còn được học hỏi miễn phí.

Nói về việc bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống của dân tộc, Nguyễn Văn Hảo cho biết: “Với Xẩm là sự yêu thích của tôi và thỏa niềm đam mê của bản thân. Đồng thời, tôi cũng mong muốn lưu giữ những gì mà các cụ đã đúc kết từ xa xưa để lan tỏa cho thế hệ trẻ hôm nay. Bởi vì, nếu ít người biết bộ môn nghệ thuật mà bị mai một, mất đi thì sẽ phụ công của những thế hệ đi trước. Để các bạn trẻ biết đến và yêu Xẩm, thì cần phải cho các bạn nghe, tiếp cận với nhiều hình thức, trong đó có việc đưa vào học đường, sau đó tìm hiểu. Vì thế, trong mỗi buổi học về Xẩm trong lớp của tôi thường có ba công đoạn: hát, đàn và những câu chuyện xung quanh về Xẩm…”.

Hay các bạn trẻ thuộc dự án Nhã Âm với mong muốn bảo tồn, phát huy và đưa âm nhạc truyền thống đến gần hơn với các bạn trẻ. Tháng 8-2022, dự án Nhã Âm đã tổ chức thành công đêm nhạc Ấn Cổ với sự trình diễn của các bạn trẻ với các tác phẩm có sự kết hợp giữa nhạc cụ truyền thống và âm nhạc hiện đại. Các tiết mục đã mang đến bầu không khí sôi động, trẻ trung, cuốn hút và được các bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt. Sự thành công của liveshow Ấn Cổ là sự khích lệ để Ban Tổ chức Nhã Âm tiếp tục trên con đường đưa âm nhạc truyền thống đến gần hơn với giới trẻ. Được biết, sắp tới dự án Nhã Âm sẽ có những sự kiện: dạy nhạc cụ truyền thống miễn phí cho các em học sinh; tổ chức một số buổi talkshow cho các bạn trẻ được gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu với các nghệ sĩ tên tuổi trong làng nghệ thuật truyền thống. Đồng thời, giúp các bạn trẻ thêm hiểu về tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị dân tộc; đăng tải các video âm nhạc, múa dân gian, mở bán những món đồ chơi hiện đại như UNO, mèo nổ có kết hợp chất truyền thống…

Tiết mục hòa tấu âm nhạc dân tộc của các bạn trẻ trong đêm nhạc Ấn Cổ

Chia sẻ về việc làm ý nghĩa trong thời gian tới, cô gái sinh năm 2005 – Trưởng ban Tổ chức dự án Nhã Âm – Trần Trâm Anh cho biết: “Là một người trẻ, em nhận thấy hiện nay, khi các loại hình âm nhạc hiện đại dần trở nên thịnh hành thì âm nhạc truyền thống dường như khó chiếm được vị trí trong lòng các bạn trẻ. Trong khi đó, âm nhạc truyền thống lại là “quốc hồn, quốc túy”, là đặc trưng riêng của dân tộc. Chính vì vậy, em thấy bản thân nói riêng và thế hệ trẻ nói chung cần có trách nhiệm tìm hiểu, lắng nghe để thêm yêu, thêm trân trọng giá trị của loại hình âm nhạc này. Ngoài ra, em nghĩ rằng việc tìm tòi và biết chơi thêm một loại nhạc cụ dân tộc cũng là một trong những cách để bảo vệ và lan tỏa tình yêu với âm nhạc truyền thống tới mọi người”.

Bùi Thị Ngọc Thoa là một trong gần 100 thành viên của câu lạc bộ Nhạc cụ truyền thống thuộc Trường Đại học FPT cơ sở TP Hồ Chí Minh – FPT Traditional Instruments (FTI). Đến với ngôi trường FPT, Ngọc Thoa đã không ngần ngại mà lựa chọn đàn tranh vì bị thuyết phục bởi “tiếng đàn tranh trong trẻo, bay bổng, khi chơi những bài nhạc cổ, nhạc dân ca lại da diết, thổn thức; nhưng khi kết hợp với các bài nhạc hiện đại lại đem đến những giai điệu hết sức thú vị. Khi được tiếp xúc nhiều với các loại nhạc cụ, em dần có niềm yêu thích với âm nhạc truyền thống. Em cảm thấy phấn khích trong việc tìm hiểu một loại nhạc cụ, hay việc học và chơi nó bằng cả trái tim…” – cô cho biết.

Bùi Thị Ngọc Thoa đã chọn đàn tranh là nhạc cụ mà cô yêu thích

Được học tập dưới mái trường nổi tiếng về đào tạo công nghệ hiện đại, nhưng cũng là nơi đưa âm nhạc truyền thống vào giảng dạy chính thức. Vì thế, Ngọc Thoa cũng thấu hiểu âm nhạc truyền thống là một nét riêng, nét đặc trưng của dân tộc Việt Nam, thế nhưng, bởi sự phát triển của công nghệ và sự giao thoa văn hóa giữa các nước mà âm nhạc truyền thống nước ta đang dần “biến sắc”. Với sự không ngừng du nhập âm nhạc hiện đại, làm thân thuộc hóa hình ảnh âm nhạc dân tộc nhưng lại đang dần đánh mất ý nghĩa, vẻ đẹp cơ bản của nó. Ngọc Thoa cho rằng: “Em nghĩ, việc bảo tồn các nét đẹp dân tộc trong âm nhạc là một điều hết sức cần thiết. Từ đó có thể lan truyền và phát triển tinh thần dân tộc cho các thế hệ sau và các bạn bè cường quốc năm châu. Bởi âm nhạc dân tộc chính là một trong những linh hồn của cha ông, là bản sắc của dân tộc và là niềm tự hào của người dân Việt Nam. Là thành viên của thế hệ trẻ, em nhận thấy giới trẻ chúng em nên chủ động tìm hiểu các kiến thức liên quan đến âm nhạc truyền thống để ít nhất có thể biết và phân biệt được các loại nhạc cụ dân tộc. Thêm vào đó, chúng em có thể tuyên truyền bằng cách sử dụng sáng tạo, tươi trẻ thực hiện các dự án, các sự kiện giúp bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, giúp những bạn trẻ khác được tiếp cận và truyền thêm niềm yêu thích nhạc cụ truyền thống”.

Bên cạnh việc bảo tồn những nét tinh hoa của âm nhạc truyền thống, nhiều ca sĩ trẻ hiện nay còn mang đến cho khán giả những “món ăn” tinh thần khi kết hợp âm nhạc hiện đại với âm nhạc truyền thống. Sau khi phối khí, hòa âm, những tiết tấu nhanh, mạnh mẽ, sôi động, trẻ trung hòa quyện với làn điệu dân tộc tạo nên phong cách mới cho tác phẩm âm nhạc, nhưng không làm mất đi nét đặc trưng của âm nhạc truyền thống Việt Nam, và đã thu hút sự nhiệt tình đón nhận của khán giả. Ví dụ như MV Bống Bống Bang Bang của Only C, với giai điệu vui nhộn “bắt tai” cùng ca từ đơn giản như kể lại câu chuyện cổ tích “Tấm Cám” quen thuộc; hay nữ ca sĩ Hoàng Thùy Linh từng “làm mưa làm gió” Vpop với ca khúc Để Mỵ nói cho mà nghe (Thịnh Kainz, Kata Trần, T-Bass). Ca khúc mang âm hưởng dân gian Tây Bắc, pha chút R&B, cùng nhạc rap, nhạc điện tử sôi động, cộng với phần MV khai thác các tác phẩm văn học Vợ chồng A Phủ. Cùng với giai điệu hiện đại, ca từ vừa mang yếu tố dân gian, vừa mang yếu tố văn học, ca khúc này của Hoàng Thùy Linh nhanh chóng chinh phục giới trẻ; Những ca khúc dân gian: Còn duyên (quan họ Bắc Ninh), Giận mà thương (dân ca Nghệ Tĩnh), Mười thương (dân ca Huế)… của ca sĩ Hồng Duyên được phối khí lại theo nhiều phong cách âm nhạc hiện đại như acoustic, jazz, semi-classic… được giới chuyên môn ví như một làn gió mới đầy tinh tế, trẻ trung bởi những bản phối hiện đại, từ đó tạo ra phiên bản mới cho những bài dân ca quen thuộc…

Ca sĩ Hà Myo đã thành công khi kết hợp giữa Xẩm với rap và nhạc EDM

Và gần đây nhất là các MV của ca sĩ trẻ Hà Myo (Nguyễn Thị Ngọc Hà) với sự kết hợp giữa Xẩm với rap và nhạc EDM. Nhạc rap và EDM có giai điệu trẻ trung, sôi động đã quá quen thuộc với giới trẻ được kết hợp với xẩm tạo thành bản nhạc độc đáo, vừa có chất xẩm dân gian vừa có chất rộn ràng của rap đường phố, vừa có sự cuồng nhiệt của dòng nhạc của EDM. Sau bốn MV Xẩm Hà Nội, Xẩm Xuân xanh, Xẩm Xuân chúc phúc, Xẩm Bốn mùa hoa Hà NộiHát Xẩm Công cha ngãi mẹ sinh thành… ca sĩ trẻ Hà Myo đã mang Xẩm đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.

Bảo tồn và phát huy những nét đặc sắc của âm nhạc truyền thống giờ đây đã được các bạn trẻ đón nhận và tiếp nối. Điều đó sẽ góp phần gìn giữ những giá trị tinh hoa của âm nhạc dân tộc nói riêng, văn hóa nói chung trong thời kỳ hội nhập quốc tế, không bị mai một, “hòa tan”, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

* TS Phạm Minh Hương – Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc: “Việc hiện nay các bạn trẻ yêu thích âm nhạc truyền thống là một xu hướng tốt. Việc yêu thích này như quan sát của tôi hiện có hai dạng, đó là có một bộ phận các bạn trẻ yêu thích, mong muốn được học tập, giữ gìn âm nhạc cổ xưa của cha ông, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều bạn trẻ tìm về với âm nhạc truyền thống chỉ là để đi tìm “cái lạ”, sự khác biệt so với các loại hình âm nhạc hiện đại phương Tây đang phổ biến, rồi tiếp cận, khai thác chất liệu từ mảnh đất âm nhạc truyền thống màu mỡ, đa dạng đó, đưa vào các sản phẩm âm nhạc của mình nhằm tạo sự mới lạ, gây chú ý và thu hút khán giả. Nhưng dù ở dạng nào thì đây cũng là những tín hiệu đáng mừng, góp phần tích cực cho việc bảo tồn các loại hình âm nhạc truyền thống. Chúng ta nên khuyến khích giới trẻ sử dụng, phát huy các chất liệu âm nhạc truyền thống nhưng vẫn phải giữ được những nhân tố cốt lõi, bản sắc của âm nhạc dân tộc”. 

Tác giả: Bích Ngọc

(Nguồn: http://www.vanhoanghethuat.vn/)