Thứ Ba, Tháng Mười 22, 2024
Trang chủ Blog Trang 68

CHƯƠNG TRÌNH GIỚI THIỆU TÁC PHẨM MỚI THÁNG 3/2021

0
THÔNG BÁO: Tạm hoãn Đại Hội đại biểu của Hội Âm nhạc Hà Nội

THÔNG BÁO: Tạm hoãn Đại Hội đại biểu của Hội Âm nhạc Hà Nội

BCH Hội Âm nhạc Hà Nội xin trân trọng thông báo tới toàn thể các nhạc sĩ hội viên:

Theo thông tin mới nhất vào cuối ngày 9/3/2021, Hội Âm nhạc Hà Nội đã được Lãnh đạo Thành phố Hà Nội thông qua và chương trình Giới thiệu Tác phẩm mới vào ngày 15/3/2021 VẪN SẼ ĐƯỢC TIẾP TỤC KHỞI ĐỘNG.

Đây sẽ là chương trình đầu tiên sau Tết Nguyên Đán năm Tân Sửu 2021 dành cho các nhạc sĩ hội viên.

Xin trân trọng kính mời các nhạc sĩ có tác phẩm đã được lựa chọn cho chương trình và các nhạc sĩ hội viên đến tham dự đầy đủ: Chương trình Giới thiệu tác phẩm mới của Hội Âm nhạc Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 15/3/2021 tại Hội trường số 19 Hàng Buồn – Hà Nội.

BCH rất mong được sự ủng hộ của các nhạc sĩ.

Trân trọng cảm ơn!

T/M: BCH

                            DANH SÁCH TÁC PHẨM THÁNG 3/2021 

STT            NỘI DUNG TP       SÁNG TÁC     BIỂU DIỄN   G.CHÚ
1 Bốn mùa yêu thương Trần Hùng Hoàng Tùng – Hồng  Nhung Wb
2 Mừng đón xuân sang Phạm Văn Giang Minh Quang – Hải Yến Wb
3 Lời ru cho cháu Nguyễn Thắng

Thơ P.Minh Tâm

Hồng Liên Wb
4 Đừng đi… Nguyễn Hằng Giang Mai Trang Wb
5 Sa Pa huyễn thoại Hoàng Giai Hồng Thái – Hồng Nhung CD
6 Tân tứ quý Bùi Việt Hà Bùi Việt Hà WB
7  Hướng về miền Trung  bão lũ Văn Đình Công Nguyễn Hằng CD
8 Nhớ lễ Hội chùa Thầy Lê Thống Nhất

Thơ Quang Nguyên

Quỳnh Anh Wb
9 Có lẽ nào lại thế Lân Cường

Thơ Đàm Thị Lam Luyến

Đào Tố Hoa Wb
10 Lời hẹn Tràng An Vũ Thiết

Thơ Lâm Bảo Hoàng

Liên Hương Wb

Khám phá cây violin tre độc nhất vô nhị của Việt Nam

0
Khám phá cây violin tre độc nhất vô nhị của Việt Nam

(Tác giả: Thùy Trang, ảnh: NSCC)

Là giảng viên về hưu, thầy giáo âm nhạc Nguyễn Trường nổi tiếng với biệt tài chế tạo nhạc cụ từ tre nứa, trong đó có chiếc violon tre độc đáo.

Khám phá cây violin tre độc nhất vô nhị của Việt Nam

Cây violin bằng tre độc đáo chỉ có ở Việt Nam.

Thầy Trường tên thật là Nguyễn Trường (64 tuổi), cựu giảng viên âm nhạc Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đăk Lăk.

Thầy Trường có đam mê với việc chế tạo nhạc cụ từ tre, nứa, bầu khô… Bộ sưu tập nhạc cụ tre nứa của thầy Trường gồm hàng chục nhạc cụ khác nhau như: sáo vỗ, tù và tre… Đặc biệt là cây violin tre nổi tiếng, làm nên tên tuổi của thầy. Có cùng cách chơi như đàn violon nguyên bản nhưng cây violin tre của thầy Trường sở hữu nét đặc trưng hơn ở phần âm thanh.

Giảng viên âm nhạc với niềm đam mê chế tác nhạc cụ bằng tre nứa hay cả bầu khô

Những giai điệu phát ra từ cây đàn violin tre vừa gần gũi vừa mới lạ, mang chút mộc mạc pha lẫn chút hiện đại, thanh âm sống động pha lẫn chút nhẹ nhàng.

Thầy tâm sự cây violin tre là một trong những sản phẩm tâm huyết nhất của thầy trong công cuộc thổi hơi thở mới vào trong những nhạc cụ dân tộc. Ông chia sẻ: “Điểm thú vị trong nhạc cụ tre nứa là ai cũng có thể học được và ai cũng có thể sử dụng trong một thời gian ngắn”.

Ông dành đời mình cho giảng dạy và chế tác nhạc cụ

(Nguồn: https://nld.com.vn/)

Phụ nữ chỉ là một phần tư của thế giới

0
Female diverse faces of different ethnicity seamless pattern. Women empowerment movement pattern International womens day graphic in vector.

(Tác giả: Hiền Trang)

Phụ nữ là một nửa thế giới? Điều đó có thể đúng ở đâu, nhưng hình như không đúng trong âm nhạc.

“Bạn có thể tìm thấy mọi thứ trong âm nhạc của phái nữ.”

Phụ nữ chỉ là một phần tư của thế giới

(Nguồn: internet)

Trong âm nhạc, có lẽ phụ nữ chỉ là một phần tư thế giới – chỉ khoảng 21% nghệ sĩ sở hữu các bản hit trong 8 năm qua là phụ nữ, theo một nghiên cứu năm 2020.

Thậm chí, họ chỉ là 12,5% thế giới – vì tính theo đầu nhạc sĩ thì phụ nữ chỉ chiếm 12,5%. Còn về vai trò sản xuất, cứ 37 nhà sản xuất nam mới có 1 nhà sản xuất nữ, và nếu tính theo cách này thì phụ nữ chỉ là 2,6% tí xíu của thế giới.

Bước sang 2021, dù nhận thức về vai trò giới đã tiến bộ đáng kể, nhưng sẽ là viển vông nếu kỳ vọng có một bước nhảy ngoạn mục khiến sự hiện diện của phụ nữ ngang bằng với nam giới. Dẫu vậy, sự thua thiệt về lượng không đồng nghĩa với sự kém cạnh về chất. Và bạn tin không, bạn có thể tìm thấy mọi thứ trong âm nhạc của phái nữ.

1. Nếu bạn tìm kiếm sự giải trí, hãy thử xem Selfish Love của Selena Gomez mới phát hành vào ngày thứ sáu vừa qua. Xem, chứ không phải nghe, bởi cũng chẳng có gì mấy để nghe ở đó, nhưng MV của nó thì tuyệt vời.

Trong vai một cô thợ cắt tóc kiểu femme fatale, Gomez làm đầu cho những chàng trai ghé tới cửa tiệm đầy vẻ phù thủy của mình. Hình ảnh cô thợ cắt tóc mơn trớn nắm đầu những gã trai, trong khi họ im thin thít nằm trên ghế, không chỉ hấp dẫn như một Sweetney Todd phiên bản nữ mà còn truyền tải thông điệp nữ quyền theo cách không thể dí dỏm hơn.

Nếu bạn tìm kiếm cái gì đó để nghe và một chút mộng mơ, hãy tìm đến Stacey Kent, với đĩa đơn Landslide mới nhất. Điều kỳ diệu nhất ở Stacey Kent là sau gần ba chục năm trong nghề, bà vẫn có thể hát về những nỗi buồn tình yêu với ca từ sáng trong: “Nếu anh thấy ảnh phản chiếu của em trên ngọn đồi tuyết phủ, chà, là đất lở đã mang em xuống”.

Cả giọng hát ở tuổi 50 của bà cũng ửng hồng, phẳng lặng, tựa một mặt gương nơi ta có thể soi bóng hồn mình.

Còn với những ai tìm kiếm cái gì đó vừa để giải trí, vừa để lắng nghe, một thứ âm nhạc đa năng có thể khiến bạn lắc lư khi vui và thở dài khi buồn, không thể bỏ qua album Women in music Pt.III của nhóm nhạc ba chị em nhà HAIM, vốn nằm trong danh sách đề cử hạng mục Album của năm của Grammy 2021.

Ấy là một phiên bản mở rộng của album vừa ra mắt với Taylor Swift cùng góp mặt trong một vai cameo (khách mời) nho nhỏ. Những giai điệu của album ngời sáng như một bãi biển mùa hè sống động, song những giai điệu lại là “mái nhà” cho phần ca từ tràn ngập “50 sắc thái” của nỗi cô đơn và sự tự giày vò.

2. Kể cả nếu bạn đang muốn tìm kiếm một người dẫn đường về mặt tinh thần, cũng đừng ngần ngại đi tìm một người phụ nữ như danh ca – nhạc sĩ huyền thoại Dolly Parton, hình mẫu thành công của một nghệ sĩ nữ trong âm nhạc.

Bà thậm chí còn đủ kiêu hãnh để từ chối không cho Elvis Presley thu âm ca khúc của mình. Nói cho cùng, số lượng nhạc sĩ nữ có thể ít ỏi nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều hơn rất nhiều số lượng nhạc sĩ dám từ chối Elvis.

Dolly Parton vừa nhận giải thường Người tạo hit của Billboard cho những cống hiến suốt đời ở lĩnh vực sáng tác và cũng vừa có lần đề cử thứ 51 tại Grammy với bản song ca There was Jesus cùng Zach Williams.

Ừ thì bản nhạc bừng thức trong tình yêu tôn giáo rộng lượng ấy là một sáng tác của riêng Zach Williams, nhưng phần hòa ca của Dolly Parton, đặc biệt là phần bùng nổ ở cuối bài khi tiếng hát bà vút lên, có gì đó thật linh thiêng. Và khi bà khép lại ca khúc bằng mấy tiếng “There was Jesus” (Jesus ở đó), tiếng thủ thỉ của bà ngân nga như một lời kinh vậy.

3. Và phụ nữ có thể không phải một nửa thế giới. Nhưng vấn đề không nằm ở họ, vấn đề nằm ở thế giới, một thế giới vẫn đang bị lỗi.

(Nguồn: https://tuoitre.vn/)

NSUT Kèn Trumpet Hà Đình Cường

0

Giới thiệu tính năng Kèn Trumpet

NSUT Kèn Trumpet Hà Đình Cường

KB, MC, BT: Nguyễn Tiến Mạnh

 

Thẩm định Tác phẩm mới tháng 3/2021

0

Tác giả: Quỳnh Anh

Vào sáng ngày 02/03/2021 tại Hội Âm nhạc Hà Nội, số 19 Hàng Buồm – Hà Nội, Hội đồng Nghệ thuật của Hội Âm nhạc Hà Nội đã họp thẩm định tác phẩm mới của các nhạc sĩ hội viên.

Đây là hoạt động đầu tiên của Hội Âm nhạc Hà Nội trong năm 2021.

Đến tham dự hội đồng có NS Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, NS Cát Vận – chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, NS Lân Cường – PCT thường trực, NS Bá Môn – PCT, NS Hoàng Lân, NS Vũ Thiết, NS Nguyễn Tiến Mạnh – Tổng BT website: hoiamnhachanoi.org và bà Tố Hoa – thư ký hội đồng.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, hiệu quả, Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn ra những ca khúc tiêu biểu và dự định sẽ giới thiệu vào chương trình tác phẩm mới vào ngày 15/3/2021.

Sau đây là một số hình ảnh:

 

Hòa nhạc “Hy vọng” mở màn mùa diễn 2021

0
Hòa nhạc “Hy vọng” mở màn mùa diễn 2021

(Tác giả: Yên Nga)

Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ tổ chức chương trình hòa nhạc chủ đề “Hy vọng” – gala mở màn mùa diễn 2021 vào 20h ngày 12-3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Hòa nhạc “Hy vọng” mở màn mùa diễn 2021

Chương trình sẽ đem đến những tác phẩm, trích đoạn tác phẩm của các nhà soạn nhạc Việt Nam và quốc tế thể hiện tinh thần đoàn kết, sự lạc quan, niềm tin và hy vọng vượt qua thách thức của dịch Covid-19, ổn định đời sống và phát triển. Đó là bản giao hưởng “Hy vọng” (Đỗ Hồng Quân), “Song my mother taught me” (Dvorak), “Intermezzo” trong vở opera “Cavalleria Rusticana” (Mascagni), “Parigi o cara” trong vở opera “La Traviata” (Verdi), “Nessun Dorma” trong vở opera “Turandot” (Puccini), “Enigma Variations” (Elgar). Chương trình do nhạc trưởng Honna Tetsuji chỉ huy, với sự tham gia của các nghệ sĩ Bùi Thị Trang (soprano), Thế Tùng Lâm (tenor) và các nghệ sĩ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Trong mùa diễn năm 2021, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ tập trung thực hiện các chương trình hòa nhạc trực tiếp tại sân khấu và trực tuyến qua kênh Youtube, Facebook với nhiều thể loại. Cách làm này sẽ được duy trì cả trong những năm sau nhằm giới thiệu các tác phẩm âm nhạc chất lượng của các nhà soạn nhạc nổi tiếng quốc tế và Việt Nam đến công chúng. Từ đó, giúp công chúng hiểu rõ hơn về nhạc giao hưởng.

(Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/)

Ca khúc ‘Smile’ của Charlie Chaplin: Nụ cười trên gương mặt buồn khổ

0
Ca khúc ‘Smile’ của Charlie Chaplin: Nụ cười trên gương mặt buồn khổ

(Tác giả: Thư Vĩ tổng hợp)

Nhắc tới Charlie Chaplin, điều đầu tiên nhiều người nghĩ tới hẳn là hình ảnh hài hước về “vua hề Sác-lô” . Bản thân Chaplin lại nói: “Tôi có rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Nhưng môi tôi là không biết điều đó. Chúng luôn cười”. Thế nhưng, nụ cười nhiều khi chính là cách để giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống.

Trong cảnh cuối cùng của bộ phim câm cuối cùng Chaplin làm – Modern Times (1936), khi nhân vật lang thang bị đời vùi dập mà ông hóa thân hăm hở bước tới cuộc sống mới cùng người yêu, khi họ cùng đứng lên từ bãi cỏ, khi ông chỉ vào khóe miệng mình để nói cô cùng cười, nhạc Smile đã vang lên thay cho lời kết.

Chàng “thư ký âm nhạc”

Thiên tài Charlie Chaplin không chỉ viết, đạo diễn và đóng vai chính trong phim của ông, ông còn sáng tác cả phần nhạc. Với những bộ phim câm, không có lời thoại, thì âm nhạc chính là tiếng nói của nhân vật, nó đóng một vai trò rất lớn.

Là một “con quái vật” trên phim trường – như Marlon Brando nhận xét – cầu toàn tới khắc nghiệt, không lạ khi Chaplin muốn kiêm nhiệm luôn cả vị trí người soạn nhạc phim. Tuy nhiên, trên thực tế, đúng là Chaplin đã viết Smile, nhưng chỉ gián tiếp. Mặc dù Chaplin được ghi nhận là tác giả hoàn toàn của ca khúc, ông vẫn phải dựa vào một “thư ký âm nhạc” để chuyển ý tưởng của ông thành nhạc phổ. Nhà soạn nhạc David Raksin, người tự thân viết hàng trăm ca khúc khác, trong đó có nhiều bản đình đám như Laura, là người giữ vai trò này trong Modern Times.

Nhưng chặng đường gian nan để ra đời ca khúc kinh điển Smile mà mọi người biết tới hiện nay vẫn chưa dừng lại ở đó. Cả Chaplin lẫn Raksin đều không hề có ý định biến bản nhạc này thành ca khúc. Chuyện chỉ xảy ra vào năm 1954, khoảng 8 năm sau Modern Times, khi bộ phim được công chiếu. Phần lời ca khúc là sáng tạo tuyệt vời của nhạc sĩ John Turner và Geoffrey Parsons, những người đã chuyển thể giai điệu du dương chủ đề của bộ phim, thay đổi đôi chút, để thành ca khúc Smile.

Ca khúc ‘Smile’ của Charlie Chaplin: Nụ cười trên gương mặt buồn khổ

Charlie Chaplin trong vai người lang thang ở “Modern Times”

Nhưng mỗi khi thảo luận về ca khúc thuộc hàng nổi tiếng nhất nước Mỹ này, mọi người thường chỉ nhắc tới một mình tên Chaplin. Phải chăng vì danh tiếng của ông quá lớn? Hay cần phải tô vẽ thêm vinh quang cho một huyền thoại?

Có lẽ là không, nếu nhìn lại toàn bộ vai trò phủ bóng của Chaplin trên ca khúc này.

Chàng “thư ký âm nhạc” Raksin – về sau được mệnh danh là “ông tổ của những nhà soạn nhạc phim” – sau khi nghỉ hưu, đã lui về dạy học và dành nhiều năm viết cuốn tự truyện khổng lồ của mình, The Bad And The Beautiful: My Life In A Golden Age Of Film Music. Trong một lần gặp phóng viên Paul Zollo của American Songwriter, Raksin vô cùng thích thú và hài lòng khi thấy có người yêu mến và ngưỡng mộ Chaplin nồng nhiệt như vậy. Chính trong lần này, ông đã chia sẻ những chi tiết chưa từng tiết lộ về mối giao hảo giữa ông và Chaplin cũng như quá trình thai nghén Smile.

Raksin, ban đầu cũng giống như tất cả những người từng là “thư ký âm nhạc” của Chaplin: Sớm bị sa thải trước khi hoàn thành công việc. Nhưng sản phẩm của ông may mắn được cứu, không phải bởi bất kỳ ai mà bởi chính nhà soạn nhạc phim huyền thoại Alfred Newman, chú của Randy Newman. Từ đây, nảy nở mối quan hệ đặc biệt giữa Raksin và Chaplin, đồng thời hé lộ một phần con người thật của người đàn ông luôn cười trên màn ảnh.

Hiện thân của ca khúc

“Ca khúc Smile xuất phát từ bộ phim Modern Times của Chaplin. Ông ấy vẫn được ghi nhận là tác giả viết nhạc nhưng thật ra chúng tôi đã viết cùng nhau. Chuyện xảy ra khi Harms Music mời tôi hợp tác làm nhạc với Charlie trong phim mới của ông. Lần đầu tôi gặp ông là ở xưởng phim của ông tại La Brea & Sunset. Từng có một ngôi nhà ngay cạnh đó. Em trai Sydney của Charlie sống tại đó. Hồi đó, đây là một nơi tuyệt đẹp của thị trấn.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Chaplin là: Ông là người nhỏ con ăn vận cực kỳ đẹp. Một bộ vest tuyệt đẹp cùng đôi giày có mũi như ghệt. Bảnh bao vô cùng! Tôi chưa bao giờ thấy ông giống như ông trong những bức ảnh, tức kẻ lang thang cơ nhỡ. Thoạt đầu, ông dường như là người khác hẳn so với một kẻ lang thang, nhưng rồi sau đó, anh sẽ lại thấy điều đó ở ông. Tôi ngồi đó với ông trong phim trường. Ông ở đó, nhưng ông cũng đồng thời là nhân vật trên màn ảnh.

Chàng trai trẻ David Raksin trong bức ảnh chụp cùng Charlie Chaplin và Alfred Newman

Ngoài đời, ông đôi khi cũng vui đùa, nhưng không nhiều. Chúng tôi làm việc ở phim trường. Chúng tôi lao vào việc ngay khi mới gặp. Lúc bắt đầu, ông ấy vẫn còn đang chỉnh sửa phim. Ông cho tôi xem phim trước. Tôi thấy nó tuyệt vời.

Ông có chút khái niệm về âm nhạc. Ông chơi chúng. Đôi khi, ông chơi vài hợp âm nhỏ 3 ngón, đôi khi chỉ chơi giai điệu. Chúng tôi thảo luận về nó. Tôi sẽ ghi chú và đôi khi ra đề xuất, nói với ông tôi nghĩ gì.

Sau khoảng một tuần rưỡi, ông sa thải tôi. Ông không thích một đứa trẻ kiểu 23 tuổi dạy bảo một người đàn ông vĩ đại ở Hollywood phải làm gì. Ông hoàn toàn chuyên quyền và không quen nghe ai nói: Này, đợi chút, Charlie. Chúng ta có thể làm tốt hơn thế.

Nhưng Alfred Newman đã xem phác thảo những giai điệu nhỏ tôi làm với Charlie và nói lại với ông: Ông điên rồi mới sa thải chàng trai này. Thế là, họ yêu cầu tôi trở lại nhưng tôi nói tôi không thể trở lại khi chẳng hiểu gì về Charlie. Tôi nói tôi phải được nói chuyện riêng với Charlie. Bởi điều tôi phải nói với ông, nếu tôi nói trước mặt cả nhân viên thì có thể gây ảnh hưởng tới vị thế của ông.

Thế là chúng tôi được gặp riêng và tôi nói với Charlie: Này, nếu ông cần một thư ký âm nhạc thì đó không phải tôi. Ông không cần một con rối chạy việc. Ông đã thừa mứa người như vậy rồi. Không ai dám nói không với ông, hay thay đổi bất kỳ điều gì ông làm. Nhưng nếu ông cần ai đó dám mạo hiểm mọi lúc để đảm bảo bản nhạc đúng như nó nên vậy thì tôi sẵn sàng làm. Và ông ấy thích vậy.

Chúng tôi cùng làm việc bên dương cầm. Ông sẽ chơi dương cầm bằng 2 ngón. Ông có những ý tưởng đẹp nhưng không biết cách mở rộng hay diễn giải chúng và đó là việc tôi phải làm. Ông biết rất nhiều nhạc. Ông có nhiều bản thu nhưng không phải nhạc sĩ. Ông không có khái niệm về khóa nhạc hay bất cứ gì. Ông không chọn C trưởng hay gì cả. Ông chỉ chơi “ding ding ding”, kiểu vậy, rồi tôi phải tự tìm ra.

Ông sẽ chơi gì đó và tôi nói: Ý ông là vậy à? Rồi chúng tôi sẽ nói nó cần ra sao tiếp theo. Ông học cách chấp nhận những gợi ý của tôi và rất biết ơn. Chúng tôi nói về dàn nhạc. Ông ấy như con chim ác là. Ông học mọi thứ, ông hiểu về dàn nhạc và có ý tưởng khá hay về hòa âm phối khí”.

Chính Chaplin là người đã chơi những nốt mở đầu Smile rồi cùng Raksin, họ sinh ra những biến thể phía sau. Họ đã cùng nhau viết nhưng Raksin thừa nhận ông không thấy phiền khi không được ghi nhận là tác giả. Vai trò của ông có thể là người cải biên. Và khi là người cải biên, đôi khi cũng phải sáng tác thêm. Nhưng người giữ vai trò chủ đạo, tinh thần của bản nhạc, tất nhiên vẫn là Chaplin.

Ngay cả phần lời của Smile cũng vậy, dù Chaplin hoàn toàn không tham dự vào quá trình viết lời. Sẽ rất dễ hiểu khi đọc phần lời này: “Cười lên dù trái tim bạn đang đau/ Cười lên ngay cả khi tan vỡ/…Nếu bạn cười trong sợ hãi và buồn đau/ Có thể vào ngày mai, bạn sẽ thấy mặt trời chiếu sáng mình”. Turner và Parsons đã viết lời này dựa trên hình ảnh và tinh thần đáng quý của Chaplin – ở cả nhân vật trong phim lẫn người thực ngoài đời: Một người thường cười trên khuôn mặt buồn khổ.

“Smile” và các huyền thoại âm nhạc

Nằm trong hàng kinh điển của lịch sử âm nhạc, ca khúc Smile đầu tiên được ghi âm bởi Nat “King” Cole năm 1954 và trở thành hit đầu tiên của huyền thoại này. Judy Garland cũng có màn biểu diễn Smile tuyệt vời trên The Ed Sullivan năm 1963, tạo tiếng vang vọng xuyên qua những tăm tối năm đó và về sau.

Michael Jackson thường nói đây là ca khúc yêu thích của ông và từng ghi âm trong phiên bản dàn nhạc, phúc âm tuyệt đẹp. Các anh em trai ông cũng chọn chính Smile để biểu diễn trong tang lễ của ông như tiếng ai điếu cuối cùng.

Gần đây nhất phải kể tới phiên bản của Jimmy Durante – nổi tiếng bởi cái mũi hơn là âm nhạc – năm 1959, được dùng trong bom tấn năm 2019 Joker, do Joaquin Phoenix thủ vai chính.

Khi buồn, nên thả mình theo nỗi buồn hay cười lên? Đó là câu hỏi tới nay vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng đã có nhiều trường hợp – đặc biệt ở các nhà khắc kỷ và thiền sư – nụ cười đã được chứng minh là tiên dược để vượt qua mọi khốn khó cuộc đời.

(Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/)

VOV3 phát động sáng tác ca khúc với chủ đề “Hát lên Việt Nam – Let’s sing Vietnam”

0

VOV3 phát động sáng tác ca khúc với chủ đề “Hát lên Việt Nam – Let’s sing Vietnam”

Chào mừng thành công Đại hội Đại biểu Toàn Quốc lần thứ 13 của Đảng CSVN và kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước. Ban Âm nhạc (VOV3) phát động cuộc vận động sáng tác ca khúc với chủ đề “Hát lên Việt Nam – Let’s sing Vietnam”.

Cuộc vận động sáng tác ca khúc với chủ đề “Hát lên Việt Nam – Let’s sing Vietnam” với đề tài: Ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam; ngợi ca sức trẻ, thành tựu trong công cuộc dựng xây, bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc thi với các hình thức: Chính ca: các tác phẩm âm nhạc cho đơn ca, song ca, tốp ca, hợp xướng và hợp xướng không nhạc đệm. Những thể loại âm nhạc thịnh hành: pop, rock, dance, rap, indi.v.v…

Đây là cuộc vận động rộng rãi nhất, toàn diện nhất cho các tác giả chuyên và không chuyên nghiệp trong nước cũng như người Việt Nam ở nước ngoài, và cả những tác giả nước ngoài muốn chia sẻ tình yêu đối với Việt Nam. Các tác phẩm đoạt giải sẽ được dàn dựng, thu thanh và giới thiệu trên sóng phát thanh, truyền hình và các nền tảng số của Đài TNVN.

Ngoài ra, Ban tổ chức sẽ cập nhật và quảng bá file âm thanh, clip các tác phẩm có chất lượng tốt, giới thiệu trên sóng cũng như các nền tảng số của Đài TNVN theo từng chặng của cuộc thi, lấy ý kiến đóng góp của khán, thính giả Đài TNVN.

Hệ thống giải thưởng: 1 giải đặc biệt trị giá 100.000.000; 1 giải nhất trị giá 50.000.000; 2 giải nhì, mỗi giải trị giá 25.000.000; 3 giải ba, mỗi giải trị giá 15.000.000; 8 giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 5.000.000.

Lễ công bố và trao giải dự kiến sẽ được tổ chức vào dịp 19/08 và Quốc khánh 02/09/2021.

Các tác phẩm gửi về dự thi phải kèm demo âm thanh hoặc clip demo (tự thu hoặc dàn dựng) và nhạc bản. Ghi rõ địa chỉ, họ tên, số điện thoại liên hệ.

Thời gian nhận tác phẩm: Từ ngày 03/02/2021 đến 31/06/2021.

Địa chỉ nhận bài thi: Ban Âm nhạc VOV3, Đài TNVN, Tầng 6, Trung tâm Phát thanh Quốc gia, 58 Quán Sứ, Hà Nội. Hoặc gửi qua hòm thư điện tử: vov3@vov.vn.

Mọi chi tiết xin liên hệ số điện thoại: 024.39.39.36.44./.

(Nguồn: https://vov.vn/)

Nghệ sĩ và những nỗ lực sáng tạo trong một năm biến động

0
Nghệ sĩ và những nỗ lực sáng tạo trong một năm biến động

(Tác giả: V.Hà thực hiện)

2020 – một năm đầy biến động của Việt Nam và thế giới. Đại dịch COVID-19 đã có những tác động không nhỏ đến đời sống, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Nhưng đối với những người nghệ sĩ, có lẽ, đó cũng là khoảng lặng để họ suy ngẫm và sáng tạo để thực hiện sứ mệnh của mình, kết nối con người, xoa dịu những nỗi đau và mang đến những giá trị sống tích cực cho xã hội.

Họ, những nghệ sĩ đã vượt qua những khó khăn của năm 2020 cống hiến cho đời những giai điệu đẹp bằng âm nhạc. Hơn lúc nào hết, âm nhạc đã thực hiện được vai trò kết nối, chữa lành và xoa dịu những vết thương…

Nghệ sĩ Piano, nhà giáo dục âm nhạc Trang Trịnh

Trang Trịnh nhận danh hiệu Thành viên của Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh khi mới 32 tuổi – danh hiệu chỉ dành cho những nghệ sĩ có đóng góp đáng chú ý cho nền âm nhạc chuyên nghiệp, từ một trong những cái nôi nghệ thuật được kính trọng nhất thế giới. Sau hàng loạt các dự án biểu diễn sáng tạo gây chú ý tại Việt Nam từ 2011, Trang Trịnh thu hút khán giả, đặc biệt là giới trẻ tới với âm nhạc cổ điển. Chị tiên phong đưa ra khái niệm “hoà nhạc giám tuyển” và liên tục nhắc tới hai vai trò song hành của mình: nghệ sĩ biểu diễn và nhà giáo dục âm nhạc.

Ngay từ đầu, chị đã định hướng một con đường khác biệt với sự nghiệp của một nghệ sĩ cổ điển truyền thống. Được coi là một trong những cá tính sáng tạo độc đáo nhất, Trang Trịnh biến hoá ở nhiều vai trò khác nhau, từ việc biểu diễn quốc tế, sáng tác âm nhạc, đồng tác giả của sách giáo khoa âm nhạc tiểu học (từ 2020), đến sáng lập và điều hành Dàn hợp xướng và giao hưởng Kỳ Diệu, tổ chức các lớp học nhạc miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2018, chị là người sáng lập và điều hành doanh nghiệp xã hội Wonder, với các sản phẩm và dịch vụ hướng tới trao quyền thưởng ngoạn nghệ thuật cho mọi người. Chị chứng tỏ tài năng đa chiều của mình như một nghệ sĩ, tác giả, giảng viên, người suy nghĩ và vận động cho thay đổi tích cực của xã hội. Và gần đây nhất, Trang Trịnh trở thành Equity Initiative Fellow, với mối quan tâm đặc biệt về sức mạnh của âm nhạc đối với sức khoẻ tinh thần.

Trong những ngày thế giới và Việt Nam căng thẳng vì đại dịch COVID-19, nghệ sĩ piano Trang Trịnh đã thực hiện dự án “Âm nhạc 24h” với hy vọng, âm nhạc sẽ là sợi dây kết nối, chữa lành vết thương cho mỗi con người trong những giai đoạn khó khăn của cuộc sống. Những bản nhạc cổ điển của các nghệ sĩ từ nhiều nước trên thế giới vang lên như một bản hòa âm về hòa bình, tình yêu và khát vọng an lành cho mỗi con người trên trái đất. Trang Trịnh luôn tin vào những giá trị mà âm nhạc có thể mang lại cho cuộc sống.

Chị chia sẻ: “Một số kẻ, như tôi, sống trong những cơn mơ không dứt của âm nhạc. Như thể dạo chơi từ vùng đất này đến vùng đất khác, trong những cơn mơ của Mozart, Debussy, Chopin. Những người xa lạ đã trở nên thân quen qua những cơn mơ không lời, mạnh mẽ và vô thức của họ. Ở đó, trong cái cơ duyên hiếm gặp là tôi sẽ có cơ hội để chơi nhạc và “trò chuyện” với khán giả, hay với các học trò, có thể tôi cũng sẽ bộc lộ bản thể riêng tư của mình. Bởi mỗi một lần được chơi nhạc, lại là một lần được mơ. Không cần che đậy, trong suốt, dũng cảm. Dĩ nhiên, không phải cứ là Beethoven thì mọi tác phẩm đều thành thật và vĩ đại. Không phải cứ là nghệ sĩ thì sẽ mơ, sẽ trong sáng và hết mình trong mỗi lần thổ lộ. Nhưng mà tôi hướng về phía ấy, như hoa hướng về mặt trời”.

Trang Trịnh cũng là người khởi xướng dự án “Hà Nội reo vang”. Chị nói: “Nếu kí ức tuổi thơ được gói gọn trong một chiếc hộp, thì từng phút giây cần được trân quý để khi lớn lên ngắm nhìn lại, các em sẽ mỉm cười với những kí ức sống động về 2020. Kể cả quãng thời gian COVID-19 “giông bão” cũng không tắt đi “nắng vàng” tích cực lạc quan của các em nhỏ và thành phố này. Vì khi các em nhỏ hạnh phúc, thế giới sẽ thay đổi và hạnh phúc”. Chị, trong hành trình của một nghệ sĩ, đang cống hiến và không ngừng tạo ra những giá trị tinh thần đóng góp cho xã hội. “Tôi không theo đuổi sự hoàn hảo. Đích đến nghệ thuật của tôi là sự phản tỉnh và biến đổi thực sự”, chị chia sẻ.

Tùng Dương và giấc mơ mang tên “Con người”

Có thể nói, 2020 là một năm dấu ấn của ca sĩ Tùng Dương, khi anh thực hiện dự án “Human – Con người”. Câu chuyện của Dương hôm nay không đơn thuần chỉ là âm nhạc mà đó là hành trình đi vào bên trong, tìm kiếm nguồn năng lượng từ chính bản thể của mình. Giải Âm nhạc Cống hiến 2020 đã xướng tên Tùng Dương với 3 hạng mục “Album của năm”, “Chương trình của năm” và “Ca sĩ của năm”- một ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực của anh trong năm 2020 đầy biến động.

Dương luôn là vậy, bùng cháy và hết mình cho âm nhạc. Nhưng âm nhạc của Dương không xa rời đời sống mà thấm đẫm hơi thở cuộc sống, những suy ngẫm về số phận con người. Có lẽ, anh là một trong số ít ca sĩ luôn có concept riêng cho mỗi dự án của mình. Ở một góc nào đó, Tùng Dương đã chạm tới vẻ đẹp của trí tuệ trong âm nhạc.

Tùng Dương chia sẻ: “Tôi chọn chủ đề “Human – Con người”, bởi hơn lúc nào hết, trong một năm quá đặc biệt như năm 2020 này, khi dịch bệnh làm cho cuộc sống của chúng ta đảo lộn, khi những thiên tai liên tiếp diễn ra, đó là lúc chúng ta cảm thấy quý giá tình người”.

Anh cho rằng, dịch bệnh đã làm thay đổi quan niệm của chúng ta về cuộc sống, trước những biến động, con người thật bé nhỏ, không khỏi cảm thấy bất lực khi đối mặt với thiên tai, dịch bệnh. Nhưng không vì thế mà mỗi người chúng ta buông xuôi. Chính tình người, những tình cảm thiêng liêng của con người sẽ cứu rỗi chúng ta.

Nghe “Human”, mỗi chúng ta sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực từ những giá trị mà âm nhạc của Tùng Dương mang lại. Ở đó, có những trăn trở về số phận con người trước những đổi thay của đời sống, trước thiên tai, dịch bệnh, trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ, trí tuệ nhân tạo… Nhưng âm nhạc của Dương không nhấn chìm chúng ta trong những bộn bề tuyệt vọng mà vẫn lấp lánh vẻ đẹp của ánh sáng, của niềm tin vào hai chữ “Con người”. Tùng Dương – Bùi Karoon và nhạc sĩ Sa Huỳnh – sự hòa điệu của họ đã tạo nên một bản hòa khúc mới về ánh sáng và niềm tin.

Nhạc sĩ Quốc Trung từng chia sẻ với tôi nỗi lo lắng vì sự thiếu vắng những người trẻ, tiếng nói của những người trẻ trong đời sống âm nhạc thì sự kết nối của bộ ba Tùng Dương, Sa Huỳnh và Bùi Karoon là một dấu ấn. Những bài hát mang đậm triết lý về nhân sinh, về con người, về nỗi sợ trước sự xâm nhập của máy tính, của trí tuệ nhân tạo, con người sẽ đi về đâu khiến chúng ta ám ảnh.

Tùng Dương đã đứng trên đỉnh cao của danh vọng nhưng cái khát vọng chinh phục những miền không gian mới luôn thôi thúc anh sáng tạo. Dương không ngủ quên trong tháp ngà của chính mình mà đi sâu vào đời sống, vào bản thể để tìm kiếm những nguồn năng lượng mới. Với niềm tin, âm nhạc sẽ chạm đến trái tim và cứu rỗi con người, anh luôn mong muốn mang âm nhạc đến đúng thời điểm. Anh cho rằng, ngay trong những biến cố, khổ đau, bạn có thể chia sẻ với đồng loại thức ăn, quần áo, nhưng với người nghệ sĩ, còn gì đẹp hơn và ý nghĩa hơn khi họ cất tiếng hát của mình qua nghệ thuật để an ủi, chữa lành những vết thương và nương náu cho tâm hồn con người đi qua những khó khăn của đời sống. Dương là lửa và ngọn lửa nghệ sĩ trong Dương sẽ tiếp tục bùng cháy để cống hiến cho khán giả những giấc mơ đẹp nhất về cuộc đời.

Hành trình của Khánh Linh

Nếu Tùng Dương là lửa luôn sẵn sàng bùng cháy và thiêu đốt mọi người thì Khánh Linh là nước, một nguồn nước ngầm mát lành, trong suốt, lặng lẽ chảy. Khánh Linh chưa bao giờ ồn ào, chị cống hiến cho âm nhạc theo cách của mình. Những album của Linh trong nhiều năm qua cho thấy sự thay đổi trong tư duy âm nhạc và tinh thần sống của chị. Linh chọn con đường khó, không chiều theo tai nghe của số đông để khai phá những vỉa quặng mới trong âm nhạc. Chị đã thoát ra khỏi cái lồng chật hẹp của chim họa mi để bay lên và thăng hoa.

“Khánh Linh Journey” là một hành trình ra đi để trở về của Khánh Linh cùng với âm nhạc Võ Thiện Thanh ra đời trong năm 2020, một dự án khá ấn tượng với âm nhạc mới mẻ, khai phá một vùng đất mới trong thế giới tâm hồn tự do, khoáng đạt và ưa xê dịch của Khánh Linh.

Chị nói rằng, chị đã hóa thân qua kiếp “ngài”, thăng hoa trong tình yêu và âm nhạc. Một Khánh Linh đằm thắm, sâu sắc đầy suy tưởng về đời sống, về con người và sự dịch chuyển.

“Hãy khám phá hành trình của Linh, bạn sẽ gặp hành trình của chính mình”. Đó chính là slogan của Linh, một thông điệp tích cực đưa con người trở về với thiên nhiên, với tự do và sự khoáng đạt của tâm hồn. Âm nhạc của Võ Thiện Thanh mang đầy chất suy tư trước những vấn đề của đời sống, cái chết, sự bất an, những tiếng nói có tác động đến lương tri con người. Nhưng tiếng hát bay như gió của Khánh Linh đã chuyển tải thứ âm nhạc trĩu nặng tâm tư ấy một cách nhẹ nhõm, bình an.

Trong một năm đầy biến động như 2020, con người đối diện với dịch bệnh, thiên tai và cái chết, có lẽ, đó cũng là lúc chúng ta nhận ra, cần yêu thương nhau nhiều hơn, sống hòa thuận với thiên nhiên hơn là phá hủy, tàn phá thiên nhiên. Khánh Linh nói, chị muốn mang âm nhạc của mình để thức tỉnh lương tri con người, khi cái ác, sự vô cảm đang ngự trị. Hành trình của Khánh Linh và nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đi qua cánh đồng, bay trên những ngọn đồi và chạm đến những tâm hồn, thức tỉnh trong mỗi con người tình yêu, lòng nhân ái.

Chị nói: “Hành trình từ những gì thuộc về quá khứ – hiện tại, những mâu thuẫn để thúc đẩy phát triển. Con người sẽ thực sự là mình khi được về với thiên nhiên. Đây là hành trình trải nghiệm của Linh, của anh Thanh, những suy tư về đời sống, một bước tiến khác biệt trong sự nghiệp của cả hai anh em. Chúng tôi hoàn toàn để cảm xúc dẫn lối. Các bài hát như những khúc phim ngắn, có nội dung và tư tưởng. Như một vòng tròn xuất phát điểm muốn khám phá, bung đôi cánh vượt mọi giới hạn, đến bến đỗ cuối luôn giữ cái cốt cách của người Á Đông – không quên nguồn cội dù có hiện đại đến đâu”.

Còn nhạc sĩ Võ Thiện Thanh chia sẻ: “Dù biết với người nghệ sĩ, sự thôi thúc đi tìm cái đẹp là bản năng, không vì mục đích gì cả. Giống như hoa là phải nở, dù có ai ngắm hay không. Nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình không đơn độc trên hành trình đi tìm cái đẹp”.

Khá lâu rồi, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh mới quay trở lại trong đời sống âm nhạc, và Khánh Linh, một ca sĩ thế hệ hậu sinh đã chạm được sợi dây kết nối của họ. Âm nhạc đi vào miền tâm tưởng. Âm nhạc ở đây không chỉ xoa dịu hay mang đến niềm vui mà cao hơn thế, nó còn có giá trị thức tỉnh lương tri, hướng con người tới ánh sáng của cái đẹp. Trong ánh sáng của vẻ đẹp, khi người nghệ sĩ đi qua cánh đồng và tự do thênh thang giữa những ngọn đồi phủ kín màu xanh ấy, tôi tìm thấy mình, cũng như bạn, sẽ tìm thấy mình trong đó, trú ngụ và bình an.

Tôi tin, Linh sẽ đi xa hơn trong hành trình của mình để cống hiến cho âm nhạc những giai điệu đẹp.

“Hoa lửa” Hồng Vy

Tôi muốn dành một bài cuối trong chuyên đề này để viết về chị, NSƯT Hồng Vy, một người đàn bà hát đã vượt qua những đau đớn của bệnh tật, của những nỗi phiền muộn để cất tiếng hát. “Live Concert Vy” diễn ra những ngày cuối năm tại Hà Nội, là cuộc gặp gỡ của những người bạn cùng theo đuổi giấc mơ âm nhạc thính phòng của Việt Nam. Một đêm nhạc thăng hoa của cảm xúc, tình yêu và nước mắt.

Ở đó, khán giả không chỉ được thưởng thức những bản tình ca đi cùng năm tháng mà còn cảm nhận sâu sắc hơn sự tận hiến của người nghệ sĩ. Vy sẽ hát đến khi nào không thể hát. Dù thời gian qua chị đã phải trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến cố của cuộc đời, dù đang phải chiến đấu với bệnh nan y nhưng trong chị vẫn luôn cháy bỏng ngọn lửa đam mê với âm nhạc, vẫn luôn lạc quan, yêu đời, dũng cảm đối mặt với tất cả những thử thách của cuộc sống.

Những ai yêu thích dòng nhạc hàn lâm, thính phòng, là fans của Nhà hát Giao hưởng, Nhạc – Vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh chắc không xa lạ với NSƯT Hồng Vy, một giọng soprano đẹp hiếm có, luôn là một trong những tên tuổi được công chúng chờ đợi trong các chương trình của nhà hát.

Xuất thân từ Nhà hát Quân đội, bắt đầu được khán giả biết đến từ cuộc thi Sao Mai 2001, sau đó Vy chuyển công tác sang Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam rồi Nhà hát Giao hưởng, Nhạc – Vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh, dù ở bất cứ môi trường làm việc nào Hồng Vy vẫn luôn thể hiện một sự nghiêm túc, thậm chí là “khó tính” trong chuyên môn, sự khó tính đó có thể thấy rất rõ trong “Live Concert VY”.

Dù chương trình của cô phần lớn được sự hỗ trợ từ bạn bè, đồng nghiệp nhưng đã quy tụ được rất nhiều tên tuổi trong giới âm nhạc từ Bắc chí Nam, từ các giọng hát đã từng là bạn đồng môn của Vy như: nghệ sĩ Trọng Tấn, NSƯT Đăng Dương, NSƯT Thúy Nội, Lương Huy… đến các nghệ sĩ của thành phố Hồ Chí Minh như: Đào Mác, Phạm Trang, Duyên Huyền, Trần Nhật Minh, Lê Ha My, Hồ Nga… và nhiều tên tuổi khác góp phần làm nên chất lượng của chương trình như violist Trịnh Minh Hiền, Tùng John (đạo diễn sân khấu), Lưu Quang Minh (giám đốc âm nhạc), Tăng Ngân Hà (giám đốc sản xuất)…

Một concert chất lượng và đẹp đã mang đến cho khán giả những thông điệp về tình yêu thương, niềm hy vọng để Hồng Vy đủ nghị lực, niềm tin tiếp tục chiến đấu và sẽ chiến thắng trong mọi thử thách của cuộc đời như lời ca khúc “Bài ca hy vọng” (Văn Ký) mở màn chương trình: “Mùa đông và mây mù sẽ… tan”. Chị không đơn độc trong tình yêu của mình dù dòng nhạc chị theo đuổi kén người nghe và nhiều năm qua, cái tên NSƯT Hồng Vy vẫn lặng lẽ trong đời sống âm nhạc.

Tôi từng có nhiều dịp trò chuyện với chị khi chị ra Hà Nội thực hiện các concert nhỏ với mong muốn mang âm nhạc thính phòng, những giai điệu đẹp của âm nhạc Việt Nam đến gần hơn với công chúng. Bên ngoài cái vẻ mong manh, mình hạc sương mai của Vy là một tâm hồn và khát vọng sống mạnh mẽ, đầy nội lực.

Nghệ sĩ và những nỗ lực sáng tạo trong một năm biến động

Ai đó nói, âm nhạc cũng chính là cuộc đời, với Hồng Vy – người yêu âm nhạc từ trong từng hơi thở, thì âm nhạc chính là lẽ sống của chị. Trong những giai đoạn khó khăn của đời sống, âm nhạc chính là cứu cánh của chị, giúp chị vượt qua bệnh tật hiểm nghèo và những biến cố riêng. Nghe chị hát, tôi nhớ đến hình ảnh con tằm rút ruột nhả tơ, cống hiến cho đời những gì đẹp đẽ, tinh túy nhất.

“Concert Vy” có thể không gây được tiếng vang một cách ồn ã như các show của nhiều nghệ sĩ giải trí, nhưng Vy đã chiếm trọn trái tim của những người yêu âm nhạc thính phòng. Đó chính là một đốm sáng của niềm tin, của tình yêu người nghệ sĩ được thắp lên, trong suốt và thánh thiện trong thời buổi các giá trị đang đảo chiều.

Lạ là, chính sau concert đầu tiên trong cuộc đời Vy đã hát bằng 200% của sức khỏe ấy, các chỉ số về căn bệnh hiểm nghèo của Vy được cải thiện. Tình yêu âm nhạc có phép màu chăng? Có thể lắm chứ, khi người nghệ sĩ ấy đã tận hiến, đã hy sinh và đã hát bằng cả trái tim mình.

(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn/)

Những sớm mai Việt Nam: 20 năm nhớ Trịnh Công Sơn

0
Những sớm mai Việt Nam: 20 năm nhớ Trịnh Công Sơn

(Tác giả: Tiến Vũ)

Trong năm 2021, nhiều hoạt động nghệ thuật tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ diễn ra tại nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước. Các chương trình năm nay không chỉ có những đêm nhạc mà còn nhiều hoạt động thú vị khác.

Những sớm mai Việt Nam: 20 năm nhớ Trịnh Công Sơn

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – Tranh của Lê Sa Long

Đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết 7 chương trình biểu diễn tưởng nhớ cố nhạc sĩ trong năm 2021 sẽ diễn ra tại Hà Nội, TP.HCM, Huế, Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Đà Lạt với chủ đề chung là “Những sớm mai Việt Nam”.

Trong bối cảnh đất nước và thế giới đang đối đầu với COVID-19 và Việt Nam đã bước đầu thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, các đêm nhạc Trịnh sẽ chọn những bài hát có chủ đề về những khó khăn trong cuộc sống, có tính triết lý, thiền…

Phần hình ảnh được trình chiếu tại các đêm nhạc sẽ thể hiện rõ sự hy sinh của tập thể y bác sĩ, quân đội và cán bộ khi đối phó với các cơn bão lụt miền Trung và dịch bệnh COVID-19.

Tranh Trịnh Công Sơn vẽ Dao Ánh – Ảnh: Trịnh Công Sơn Foundation

Bên cạnh những giọng ca hát nhạc Trịnh nổi danh như Tùng Dương, Thanh Lam, Quang Dũng, Đức Tuấn, Tấn Sơn… các nghệ sĩ tham gia chuỗi đêm nhạc Trịnh Công Sơn năm nay cũng được trẻ hóa với sự góp mặt của Lân Nhã, Bùi Lan Hương, Hà Lê, An Trần, Tuấn Mạnh, Hoàng Trang… và một số rapper trẻ khác.

Đặc biệt, sự kết hợp giữa nhạc Trịnh và rap hy vọng sẽ mang tới làn gió mới với công chúng. Một trong những điểm nhấn khác của các chương trình tưởng nhớ năm 2021 sẽ là các tiết mục ngâm thơ từ nhạc Trịnh.

Ngoài ra, triển lãm tranh Trịnh Công Sơn cũng sẽ trưng bày các tác phẩm tranh do nhạc sĩ vẽ lúc sinh thời dự kiến được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Gia đình nhạc sĩ cho biết hai quyển sách Tôi ơi đừng tuyệt vọng, Thư tình gửi một người đã được Đặng Hoàng Lan – một nữ bác sĩ yêu mến nhạc Trịnh ở Kiên Giang – đã dịch sang tiếng Anh.

Cùng với đó là tuyển tập tranh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẽ và sách tìm hiểu về những triết lý trong nhạc Trịnh cùng các ca khúc da vàng của TS Triết học Thái Kim Lan dự kiến ra mắt trong năm 2021, cũng nằm trong chuỗi hoạt động tưởng nhớ nhạc sĩ.

Tượng Trịnh Công Sơn ở thành phố Quy Nhơn, Bình Định – Ảnh: Tấn Sơn

Tại Huế, quê hương thân yêu và là cái nôi trữ tình cho tâm hồn nhạc sĩ, dự kiến sẽ xây dựng công trình tượng Trịnh Công Sơn tại công viên Trịnh Công Sơn.

Sự kiện ra mắt phim Em và Trịnh cuối năm 2021, do Phan Gia Nhật Linh làm đạo diễn cũng là một trong những hoạt động tưởng nhớ nhạc sĩ được nhiều khán giả chờ đợi.

Tuy nhiên, gia đình nhạc sĩ cũng cho biết kế hoạch tổ chức phụ thuộc khá nhiều vào tình hình dịch COVID–19 và quyết định của chính quyền ở các thời điểm cụ thể diễn ra các hoạt động.

(Nguồn: https://vanhocsaigon.com/)