Thứ Ba, Tháng Mười 22, 2024
Trang chủ Blog Trang 69

Hiền Nguyễn Soprano ‘jazz hoá’ thính phòng trong live concert ‘Yêu’

0

(Tác giả: Lam Anh)

Live concert “Yêu” đánh dấu 15 năm theo đuổi âm nhạc của Hiền Nguyễn Soprano sẽ diễn ra vào 20h ngày 7/3 tại sân khấu Viện Pháp tại Hà Nội (số 24 Tràng Tiền).

Kể từ năm 2018, sau khi trình làng MV Lavie en rose, chào “sân” làng nhạc Việt cho đến Thank God It’s Friday (2020), Hiền Nguyễn Soprano cho thấy việc sở hữu một giọng hát cao, sáng, sang trọng và theo đuổi con đường “pop hóa nhạc cổ điển” (Classical crossover) của cô là rất phù hợp.

Với live concert Yêu, cô sẽ tiếp tục thử thách chính mình khi thực hiện một đêm nhạc hát live từ đầu đến cuối – với những tác phẩm là tuyển tập những bài hát kinh điển của thế giới và trữ tình Việt Nam.

Không chỉ vậy, Hiền Nguyễn còn đem đến những trải nghiệm cho người nghe khi lựa chọn nới rộng phong cách hát cổ điển của mình từ “pop hoá” sang tinh thần jazz band.

Với sự kết hợp cùng nhóm Oplus, nhạc sĩ Tuấn Nam và NamjazzNight, một không gian âm nhạc ngẫu hứng, mang tinh thần Bắc Âu cũng sẽ xuất hiện trong live concert này.

Hiền Nguyễn Soprano ‘jazz hoá’ thính phòng trong live concert ‘Yêu’

Hiền Nguyễn Soprano tại buổi ra mắt concert

Hiền Nguyễn Soprano chia sẻ mong muốn làm thế nào từ âm nhạc đến hình ảnh phải mới mẻ và có sức lan toả tình yêu tới mọi người.

“Trở về từ Ý, tôi nhận thấy nhạc cổ điển vẫn “kén” khán giả trong nước. Từ đó, tôi có một ý chí muốn thay đổi, đa dạng phong cách hát cổ điển để tìm được lối đi riêng, một lớp khán giả mới.

Trong chương trình lần này, với sự cộng hưởng của NamjazzNight, Oplus tôi rất hồi hộp nhưng cũng rất hào hứng khi được hậu thuẫn bởi nhiều chất nam tính, phóng khoáng, văn minh.

Tôi tin rằng sự tổng hoà các yếu tố này sẽ giúp tôi giữ được sự lãng mạn và cả bất ngờ, thú vị với khán giả” – nữ ca sĩ bày tỏ.

Quyết định làm live concert vào thời điểm này, nữ ca sĩ còn mong muốn như một cách lan toả niềm cảm hứng tích cực, một món quà tinh thần ý nghĩa trong mùa dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra khá phức tạp tại Việt Nam. Điều đó cũng cho thấy độ liều cùng nỗ lực làm nghề của Hiền Nguyễn Soprano.

Trong năm 2021, Hiền Nguyễn cũng sẽ sớm ra mắt một concept album mang chân dung của một nữ nghệ sỹ biểu diễn cá tính và gợi cảm, có khả năng hát đa dạng phong cách cổ điển.

(Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/)

Thú vị về ca từ trong “Xuân và tuổi trẻ”

0
Thú vị về ca từ trong “Xuân và tuổi trẻ”

(Tác giả: Lê Minh Quốc)

Ca khúc “Xuân và tuổi trẻ” là một phối hợp tuyệt đẹp giữa thơ Thế Lữ và nhạc La Hối, hòa quyện nhau để trở thành giai điệu âm vang, giàu cảm xúc, làm rạo rực lòng người, luôn đem lại cảm giác tươi mới, khỏe khoắn và lúc nào cất lên tiếng hát, ta cũng phơi phới niềm yêu đời.

Trước hết, vẫn là ca từ được viết bởi Thế Lữ – một trong những kiện tướng tiên phong đã làm nên thắng thế của Thơ mới trong cuộc “so tài” với thơ cũ từ những năm 1930 của thế kỷ XX. Nói thêm điều này, để thấy sự lựa chọn từng chữ, từng câu cực kỳ chỉn chu từ một nhà thơ chân tài.

Mở đầu, “Ngày thắm tươi bên đời Xuân mới”. Sao lại là “đời”? Thông thường ta chỉ nói ngày Xuân, mùa Xuân vì ai cũng biết trong một năm thì Xuân có mùa, có tháng tức là nó chỉ diễn ra trong khoảng thời gian nhất định. Vậy sử dụng từ đời/đời Xuân, e rằng có gì đó không hợp lý chăng? “Đời: Khoảng thời gian tính từ lúc sinh ra đến lúc chết của một sinh vật” (Đại từ điển tiếng Việt, 1999). Hiểu theo nghĩa này, ta thấy đây là một diễn đạt mới mẻ nhằm thoát ra ngoài cách nói đã quen thuộc khiến ca từ mới hẳn lên mà vẫn biểu cảm, rõ nghĩa, qua đó, ta thấy sự uyển chuyển, tinh tế của tiếng Việt.

Thú vị về ca từ trong “Xuân và tuổi trẻ”

Văn bản ca khúc “Xuân và tuổi trẻ”

Ấn tượng nữa còn là câu “Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời”. Từ “tít” rất đắt khi nói về mức xa thăm thẳm, hút tầm mắt, nhìn không thấy rõ nữa mà khó có từ nào “cạnh tranh” nổi. Trước đó, Tản Đà đã sử dụng “Cái hạc bay lên vút tận trời” đã cực hay, thế nhưng ở đây, Thế Lữ không lặp lại mà chọn cách nói khác.

Trở lại với câu mở đầu, “Ngày thắm tươi bên đời Xuân mới”, giải thích như vừa nêu trên đúng nhưng vẫn chưa đủ. Vẫn còn có thêm một cách hiểu khác nữa, theo tôi, mới thật sự độc đáo, đó là từ “Xuân” trong “đời Xuân mới” còn đóng vai trò tính từ nữa, chứ không chỉ là danh từ nhằm chỉ sắc thái của “đời”.

Rằng, cuộc đời này từ nay đã Xuân là hiểu theo nghĩa tính từ mà “Đại từ điển tiếng Việt” giải thích: “Thuộc về tuổi trẻ; thuộc về tình yêu”. Tương tự, cách đặt từ “đời” này cũng nằm trong trường hợp của chuỗi từ mà Khái Hưng và Nhất Linh đã chọn cho tiểu thuyết “Đời mưa gió”. Hiểu như thế mới thấy hết chủ đích cách mạng và yêu nước của tác giả, bởi ca khúc này ra đời giữa lúc cả nước đang chuyển mình, lột xác để hướng tới ngày mai tốt đẹp hơn. Sự dự báo và tin tưởng ấy đã trở thành hiện thực bởi sau một năm đã dẫn tới Cách mạng Tháng Tám (1945). Ý nghĩa của “đời Xuân mới” chính là đó, vì thế, “Xuân và tuổi trẻ” đã vượt ra ngoài mục đích chỉ nhằm “phục vụ” cho mùa Xuân.

(Nguồn: https://nld.com.vn/)

ARISE’21 – Ta sẽ hồi sinh: Kết nối trực diện những trái tim

0
ARISE’21 – Ta sẽ hồi sinh: Kết nối trực diện những trái tim

(Tác giả: Ngân Anh)

Ra mắt đúng dịp đầu năm mới với dàn nghệ sĩ tên tuổi nhiều thế hệ, đến từ nhiều dòng nhạc nhưng cùng chung thông điệp tích cực về những nỗ lực chiến thắng đại dịch Covid-19, nội dung đầy cảm xúc của MV âm nhạc Arise’21 – Ta sẽ hồi sinh đã gây ấn tượng mạnh đối với công chúng trong những ngày qua.

ARISE’21 – Ta sẽ hồi sinh: Kết nối trực diện những trái tim

Các nghệ sĩ đều bày tỏ niềm vinh dự và hào hứng khi tham gia MV đặc biệt này

Lay động trái tim, truyền lửa nghị lực, MV Ta sẽ hồi sinh đã mang đến niềm tin về sự hồi sinh ngoạn mục của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung trong năm 2021, với đầy những biến động và thử thách.

Khi âm nhạc truyền lửa

Đêm giao thừa, ngay khi Táo Quân 2021 kết thúc trên sóng truyền hình cũng là lúc bữa tiệc âm nhạc Arise’21 – Vút tiếng ca hy vọng cho năm mới hồi sinh được livestream trên các nền tảng mạng xã hội. Chương trình nhanh chóng thu hút hàng triệu lượt xem, với điểm nhấn là màn ra mắt MV Arise’21 – Ta sẽ hồi sinh, quy tụ hơn 20 nghệ sĩ hàng đầu của âm nhạc Việt Nam như Mỹ Linh, Hà Trần, Hồ Ngọc Hà, Uyên Linh, Ban nhạc Bức Tường với vocal – ca sĩ Phạm Anh Khoa, Nguyên Hà, Hoàng Dũng, Hồ Hoài Anh, Lưu Hương Giang, OSAD, Mỹ Anh cùng các thành viên dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời…

Các nghệ sĩ đều bày tỏ niềm vinh dự và hào hứng khi tham gia MV đặc biệt này. Được biết, dù gặp phải không ít khó khăn vì thời gian thực hiện quá ngắn, nhưng cuối cùng, MV chuyển tải thông điệp quan trọng đã được hoàn thành. Niềm tin và khát khao lan tỏa những điều tốt đẹp chính là điểm gặp gỡ tư duy của các nghệ sĩ tham gia. Không đứng cùng nhau, nhưng khi âm nhạc cất lên đã tạo nên nguồn cảm hứng bất tận, trở thành sợi dây kết nối những tâm hồn đồng điệu. Mỗi nghệ sĩ xuất hiện trong tác phẩm đều nhận thấy thông điệp “Ta đã hồi sinh” vô cùng ý nghĩa khi được chuyển tải trong thời điểm này nên đã dồn hết tâm huyết và tài năng cho MV. Từ những “diva” của âm nhạc Việt đến các giọng ca trẻ, tất cả đều mong muốn ca khúc cất lên sẽ truyền lửa và chạm tới trái tim người nghe.

Tuy nhiên, những nghệ sĩ trong MV chỉ là những “người kể chuyện”. “Nhân vật chính” của MV đặc biệt này là những điểm sáng đáng tự hào của người dân Việt Nam trong chặng đường đối phó với dịch bệnh và thiên tai đầy khó khăn của năm 2020. Ở đó, công chúng gặp lại GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, tổng chỉ huy nghiên cứu nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus mới, giúp xét nghiệm nhanh các trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 tại Việt Nam; “Cha đẻ” ATM gạo Hoàng Tuấn Anh; Kỹ sư Đoàn Khắc Trung và cộng sự, những người đã hoàn thành thần tốc các dự án bệnh viện dã chiến do Tập đoàn Sun Group tài trợ và thi công tại Đà Nẵng, Hải Dương; hay các tập thể y, bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai và Đà Nẵng, tập thể cán bộ nhân viên Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn… Họ là những người con Việt Nam đã và đang ngày đêm thầm lặng, bền bỉ đóng góp công sức, tạo nên những “diệu kỳ Việt Nam” trong một năm 2020 đầy khó khăn, thách thức.

Ta sẽ hồi sinh!

Những hình ảnh tư liệu đắt giá, lồng ghép với giọng ca truyền cảm của các nghệ sĩ cùng giai điệu và ca từ đầy cảm xúc đã tạo nên một MV lay động triệu triệu con tim. Ngay sau khi ra mắt đã có hàng trăm lượt chia sẻ và những bình luận tích cực, hưởng ứng tinh thần và thông điệp mà MV muốn chuyển tải.

Bài hát gốc của Ta đã hồi sinh có tựa Rinascerò, Rinascerai – Tôi sẽ hồi sinh, Chúng ta sẽ hồi sinh – ca khúc bằng tiếng Ý của nhạc sĩ Roby Facchinetti (phần lời của Stefano D’Orazio) từng gây bão trên YouTube từ cuối tháng 3.2020, sau đó, ca sĩ Đức Tuấn phát hành MV với phần lời được chuyển ngữ bởi nhạc sĩ Hà Quang Minh. Việc “chuyển đổi” từ MV của ca sĩ Đức Tuấn thành một Arise’21 – Ta sẽ hồi sinh giàu cảm xúc từ ý tưởng đầu tiên đến thời điểm MV chính thức ra mắt chỉ vỏn vẹn trong 7 ngày. Nhạc sĩ Đoàn Minh Vũ với vai trò Giám đốc âm nhạc đã rất thành công trong việc kết hợp những giọng ca có cá tính độc nhất tại Việt Nam, từ nhiều thế hệ khác nhau trong cùng một bài hát. Đạo diễn Phạm Hoàng Nam và ê kíp thì chỉ trong 3 ngày quay, dựng đã hoàn thành một video với “concept” độc đáo, ấn tượng.

“Khi nhận lời, tôi chưa đọc kịch bản MV. Tuy nhiên, ngay khi được biết về chủ đề “Ta sẽ hồi sinh”, một sản phẩm âm nhạc truyền cảm hứng tới cộng đồng, giúp mọi người có thể vượt qua khó khăn trong thời điểm dịch căng thẳng, tôi thấy MV ý nghĩa và nhận lời tham gia ngay”, ca sĩ Hà Trần chia sẻ.

Quá trình quay MV được thực hiện rất khác biệt. Mỗi nghệ sĩ tự quay phần biểu diễn của mình, ngay cả những câu hát chung hay với những ban nhạc như Bức Tường, các thành viên cũng xuất hiện độc lập. Việc ghi hình như vậy vừa để đảm bảo an toàn chống dịch cho cả ê kíp, nhưng cũng đồng thời thể hiện ý đồ nghệ thuật của MV, như một chút gợi nhắc đến các gia đình bị chia cắt do dịch bệnh, từ đó hướng tới thông điệp: Tình yêu thương là thứ có thể vượt qua cả giới hạn không gian hay những cái chạm thông thường để kết nối thẳng tới trái tim một cách trực diện và nhanh chóng nhất.

(Nguồn: http://www.baovanhoa.vn/)

Phim âm nhạc Việt: Đi mãi chưa thành đường!

0
Phim âm nhạc Việt: Đi mãi chưa thành đường!

(Tác giả: Minh Khuê)

Dù có nhiệt huyết cùng nỗ lực tạo ra tác phẩm chỉn chu phục vụ khán giả nhưng đa phần phim khai thác đề tài âm nhạc Việt đều chưa tạo được dấu ấn với khán giả lẫn bứt phá doanh thu.

Phim “Sài Gòn trong cơn mưa” là tác phẩm đầu tay của đạo diễn trẻ Lê Minh Hoàng ra mắt từ ngày 6-11-2020 nhưng theo thống kê của trang Box Office Việt Nam, chỉ thu về hơn 2 tỉ đồng.

Ảm đạm doanh thu

Đây không phải lần đầu phim thể loại tình cảm lãng mạn, khai thác đề tài âm nhạc Việt doanh thu không cao mà trước đó cũng đã có những phim cùng đề tài rơi vào tình trạng tương tự.

“Sài Gòn trong cơn mưa” là tác phẩm kể lại câu chuyện về nhân vật Vũ (Avin Lu đóng) – một nhạc sĩ của Bồng Bềnh Band, từ Hà Nội vào TP HCM chỉ mới vài tháng. Trong một lần trú mưa, Vũ gặp gỡ Mây (Hồ Thu Anh đóng) và cảm mến cô.

Sau một vài biến cố, cả hai sống chung nhà và bắt đầu mối tình lãng mạn. Vũ theo đuổi dòng nhạc indie (độc lập) ít phổ biến còn Mây mong muốn trở thành nhà thiết kế để mở cửa hàng quần áo mưu sinh. Cả hai đều có ước mơ riêng nhưng hiện thực cuộc sống khắc nghiệt khiến họ dần xa nhau.

Phim tạo được cảm xúc bồi hồi cho người xem khi mô tả một Sài Gòn gần gũi qua những cơn mưa bất chợt. Tuy nhiên, cảm xúc này không được đẩy lên đến mức cao nhất bởi phần kịch bản chưa tới, các nút thắt mở qua loa, chưa tạo cao trào.

Tâm lý nhân vật chuyển biến quá nhanh theo tình tiết phim khiến mọi thứ trở nên nhạt nhòa, không có điểm nhấn và người xem chưa thấy thuyết phục. Đặc biệt, âm nhạc trong phim, chủ đề chính kết nối cả câu chuyện lại chưa tạo sự thỏa mãn cho người xem.

Phim “Anh thầy ngôi sao” của đạo diễn Đức Thịnh chỉn chu và tâm huyết, có được ca khúc tạo chú ý nhưng cũng chưa đủ sức thắng doanh thu khi chỉ đạt gần 24 tỉ đồng (theo thống kê từ Box Office Việt Nam).

Phim “Mùa viết tình ca” của đạo diễn Thắng Vũ không phải phim độc lập nhưng cũng khai thác đề tài âm nhạc lồng ghép trong câu chuyện tình lãng mạn, tình yêu tuổi trẻ, khát vọng thành danh của người trẻ. Phim không có ca khúc gây chú ý nên cũng không thắng doanh thu như kỳ vọng.

Kể từ phim âm nhạc Việt đầu tiên thành công trên màn ảnh rộng là “Những nụ hôn rực rỡ” do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn năm 2010, đến nay điện ảnh Việt vẫn chưa thấy có phim nào cùng chủ đề thắng doanh thu.

Phim âm nhạc Việt: Đi mãi chưa thành đường!

Cảnh trong phim “Sài Gòn trong cơn mưa”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Cần sự bứt phá

Phim âm nhạc không mới lạ với điện ảnh thế giới và khán giả thế giới cũng từng vô cùng yêu thích các phim như: “Mamma Mia!”, “La La Land”… Nhiều phim tiểu sử kể về các ngôi sao một thời của làng nhạc thế giới cũng thắng doanh thu không kém. Nhưng tại thị trường phim Việt, số lượng phim khai thác chủ đề âm nhạc và thắng doanh thu lại ít ỏi. Theo đạo diễn và biên kịch Key Nguyễn, lý do cho thực trạng này là vì sự đứt gãy nối kết giữa nhà sản xuất điện ảnh và nhà sản xuất âm nhạc.

Ở nước ngoài, các nhà sản xuất điện ảnh thường được đặt hàng làm về chủ đề âm nhạc dạng tiểu sử âm nhạc hoặc chính nhà sản xuất âm nhạc giỏi chủ động đặt hàng, đầu tư sản xuất phim âm nhạc. Trong khi đó, ở nước ta ngược lại, nhà sản xuất phim thường yêu thích và chủ động chọn đề tài về âm nhạc rồi đặt hàng các nhạc sĩ sáng tác các ca khúc trong phim.

Cách làm này khó tạo được sự kết nối về chất nhạc cùng câu chuyện được kể để thuyết phục khán giả do các ca khúc phải chạy theo một câu chuyện và thiếu đời sống riêng. Một nhà sản xuất âm nhạc sở hữu nhiều ca khúc đình đám và muốn kể một câu chuyện dựa trên các ca khúc hoặc về cuộc đời họ, tìm đặt hàng một nhà làm phim thì cơ hội thắng sẽ nhiều hơn.

“Thêm vào đó, những phim ca nhạc Việt thuộc dòng độc lập không có nhiều kinh phí, ê-kíp đều là người trẻ làm phim đầu tay với dàn diễn viên mới. Tất cả đều chưa phải là những yếu tố để tạo được sự bứt phá về chất lượng lẫn doanh thu.

Những người trong giới nhìn nhận về mặt chất liệu thì nhạc Việt không thiếu nhưng khai thác thế nào để phim âm nhạc có sức hút khán giả thì không dễ. Nó đòi hỏi nhà sản xuất không trông chờ vào vận may mà cần sự cộng hưởng nhiều phía để cùng tạo ra một tác phẩm có sức hút nhất định với khán giả.

(Nguồn: https://nld.com.vn/)

THÔNG BÁO: Tạm hoãn Đại Hội đại biểu của Hội Âm nhạc Hà Nội

0
THÔNG BÁO: Tạm hoãn Đại Hội đại biểu của Hội Âm nhạc Hà Nội

THÔNG BÁO

Hội Âm nhạc Hà Nội xin trân trọng thông báo tới toàn thể các nhạc sĩ hội viên: Do tình hình dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến phức tạp và thực hiện chỉ thị của Lãnh đạo Thành phố Hà Nội, Đại Hội đại biểu của Hội Âm nhạc Hà Nội sẽ tạm hoãn.

BCH sẽ cập nhật thông tin mới nhất tới toàn thể các nhạc sĩ hội viên.

Chúc các nhạc sĩ sức khỏe, bình an, hạnh phúc, có thêm nhiều tác phẩm âm nhạc mới.

Trân trọng cảm ơn!

BCH Hội Âm nhạc Hà Nội.

THÔNG BÁO: Tạm hoãn Đại Hội đại biểu của Hội Âm nhạc Hà Nội

Năm Sửu, kể chuyện văn nghệ sĩ… tuổi Sửu

0

(Tác giả: Việt Văn – Thu Hằng)

Trong 12 con giáp, có lẽ tuổi Sửu là tuổi “mang tiếng” cực khổ, vất vả hơn cả. Tuy nhiên, những người cầm tinh tuổi Sửu thường được mọi người kính trọng, nể phục bởi đức tính hy sinh, chân thành và mộc mạc. Còn nghệ sĩ tuổi Sửu có gì đặc biệt?

Nhạc sĩ Phú Quang và những tình ca về Hà Nội

Nhạc sĩ Phú Quang hội tụ đầy đủ những phẩm chất nổi trội của người tuổi Sửu: Cần cù, mạnh mẽ, thực tế…

Nhắc đến ông, người yêu nhạc cả nước chẳng thể nào quên được những bài tình ca về Hà Nội, như: “Em ơi Hà Nội phố”, “Im lặng đêm Hà Nội”, “Hà Nội ngày trở về”, “Chiều phủ Tây Hồ”, “Hà Nội và em khi thu chớm đông sang”… Trong gia tài hơn 600 bài hát của ông, phần nhiều là những bài hát về Hà Nội. Kể cả một số bài hát không có một chữ nào nhắc đến Hà Nội, khi giai điệu vang lên, người yêu nhạc đều cảm nhận đó là một ca khúc viết về Hà Nội và chỉ Hà Nội mà thôi.

Năm Sửu, kể chuyện văn nghệ sĩ… tuổi Sửu

Âm nhạc của Phú Quang có sức lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng giúp người nghe mở rộng những chiều kích khác của tâm hồn, cảm nhận cuộc sống vi diệu hơn. Và dĩ nhiên, giúp người nghe thêm quý, thêm yêu Hà Nội.

Là con út trong gia đình 7 đời sống ở Hà Nội, nhạc sĩ Phú Quang đã trải qua những năm tháng tuổi thơ nơi căn nhà nhỏ ở phố Khâm Thiên (quận Đống Đa). Nhạc sĩ Phú Quang bộc bạch: “Tôi yêu Hà Nội vì đó là một phần máu thịt cuộc đời tôi, làm nên cốt cách và âm nhạc của tôi. Hằng năm, tôi đều tổ chức những đêm nhạc về Hà Nội như một lời tri ân sâu sắc đến thành phố đã nuôi dưỡng, bao dung và lúc nào cũng dang rộng vòng tay đón tôi trở về. Hà Nội hôm nay dù có xô bồ, tấp nập hơn nhưng tình yêu của tôi thì vẫn không đổi, bởi vì tình yêu thì không thể toan tính, không thể sắp đặt mà chỉ có thể cống hiến hết mình”.

Có người bảo ông “ham kiếm tiền”, nhạc sĩ Phú Quang chỉ cười xòa và nói rằng, vì mình tuổi trâu (Kỷ Sửu – 1949) nên suốt đời phải “kéo cày”. Ông có thể làm từ A tới Z, tất cả các công đoạn, truyền bá những gì mà mình đã sáng tác: Tự phối âm, phối khí, tự tổ chức thu băng, thu đĩa, tự tổ chức chương trình độc diễn…

Tình cảm của nhạc sĩ dành cho Hà Nội chân thật, nồng nàn và đầy trách nhiệm. Xuân mới lại về, chúc cho người nghệ sĩ tài hoa sớm bình phục, để có thể thực hiện được trọn vẹn những dự định chưa bao giờ vơi cạn của mình.

Đạo diễn Trần Lực – người khát khao sáng tạo

Từ Trần Lực – diễn viên đến Trần Lực – đạo diễn, rồi trở thành ông chủ LucTeam, và rồi lại bất ngờ trở lại màn bạc với một vai diễn mới, Trần Lực luôn khát khao sáng tạo trong hành trình đi tìm kiếm gương mặt của chính mình.

Trước đây, trong ký ức của nhiều người, diễn viên Trần Lực thường gắn liền với những vai bộ đội, thương binh phục viên về làng, những nhân vật tốt bụng, nhưng cuộc sống khổ cực và đầy ý chí vươn lên. Từ “Mẹ chồng tôi”, “Hoa ban đỏ”, “Anh chỉ có mình em”… đến dấu mốc lớn trong đời anh là vai diễn lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” (2003). Không dừng lại ở vị trí diễn viên, Trần Lực lại chuyển sang làm đạo diễn và cái duyên hài hước của anh được bộc lộ qua nhiều phim, như: “Chuyện nhà Mộc”, “Tết này ai đến xông nhà”…

Bất ngờ Trần Lực lại thành lập LucTeam, đoàn kịch tư nhân đầu tiên của sân khấu phía Bắc. “Sân khấu LucTeam ra đời với ngôn ngữ ước lệ – biểu hiện, mang đậm ngôn ngữ của sân khấu truyền thống, nói cách khác là từ tuồng, chèo mà ra cả. Đó là sự ước lệ về không gian, ước lệ về thời gian. Điều đặc biệt, đây là sân khấu kịch, nhưng ước lệ trong nghệ thuật biểu diễn khác hẳn những sân khấu kịch khác ở Việt Nam bây giờ”, Trần Lực từng chia sẻ với truyền thông như vậy và cũng bảo rằng chính bố anh – Nghệ sĩ nhân dân Trần Bảng, một trong những ông “trùm” chèo đã ủng hộ, khích lệ và định hướng.

Sang năm mới Tân Sửu, ở tuổi 60, Nghệ sĩ ưu tú Trần Lực (sinh năm Tân Sửu – 1961) sẽ tái xuất màn ảnh rộng sau 10 năm, với vai diễn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bộ phim “Em và Trịnh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Anh đang trong quá trình giảm cân, tập nói giọng Huế, học hát, học cách nhả chữ, nhả âm… để khắc họa một Trịnh Công Sơn gần với hình dung của nhiều người nhất, mà vẫn có sự sáng tạo riêng của Trần Lực.

Họa sĩ Phạm Bình Chương – gã si tình Hà Nội

Phạm Bình Chương là một họa sĩ tài năng. Anh được biết đến như một gã si tình đắm say Hà Nội.

Sinh năm Quý Sửu – 1973 và lớn lên ở phố Hàng Gà (quận Hoàn Kiếm), họa sĩ Phạm Bình Chương có ký ức bền bỉ về Hà Nội. Đến nay, anh đã có 5 cuộc triển lãm với hơn 200 bức tranh phong cảnh Hà Nội theo phong cách hiện thực. Anh vẽ như là để lưu giữ “hồn cốt” những con phố, những giá trị di sản kiến trúc, văn hóa còn lại, khi Hà Nội đang thay đổi từng ngày. Họa sĩ Phạm Bình Chương vẽ những góc phố của Hà Nội, với một cảm xúc chân thành và sự chân thành đó tạo sự đồng cảm cho người xem.

Phạm Bình Chương cho biết, phần lớn các tác phẩm của anh được lấy cảm hứng từ phố cổ Hà Nội thời hiện đại, theo cách nhìn của những con người hiện đại, Hà Nội sống động của hôm nay. Không thể kể hết những lần anh lang thang dạo phố để cảm nhận những góc phố Hà Nội thân quen, rực màu nắng non của những ngày đầu hạ, lớp lớp ngói nâu náu mình dưới những vòm cây xanh mướt; một chút xôn xao đời sống đâu đó…

“Nghệ sĩ cầm tinh con trâu thường là vất vả, làm việc không biết mệt, thành công chỉ đến sau khi trải qua bao gian khổ và nỗ lực. Lúc tôi mới lên 5, dãy nhà cấp 4 của khu tập thể Trường Đại học Văn hóa – nơi gia đình tôi ở có 10 hộ sinh sống, với một mái hiên chung. Cứ 5h sáng là tôi dậy, dùng phấn vẽ xuống cái hiên đó, dài cỡ 30m, vẽ kín xong mới thôi. Ai hỏi cũng nói là tuổi Sửu nên phải dậy sớm đi cày. Bây giờ tôi cũng trở lại lịch hồi đó: Sáng vẽ từ 5h đến 8h, chiều từ 14h đến 16h…”, Phạm Bình Chương chia sẻ.

Miệt mài theo đuổi đề tài Hà Nội, không phải Hà Nội xưa, mà một Hà Nội của hôm nay, đang phải đối diện với nhiều mất mát không thể níu giữ, họa sĩ Phạm Bình Chương như đang chạy đua với thời gian. Phạm Bình Chương bộc bạch: “Nếu ngày xưa, sự thay đổi của Hà Nội phải 10-20 năm mới nhìn thấy, thì nay tốc độ đó nhanh hơn nhiều. Chỉ cần một năm, thậm chí một tháng thôi, quay lại “chốn cũ” đã thấy có cái mới thay thế. Bởi thế, ngày Tết chính là thời khắc vàng của phố cổ, là khoảnh khắc Hà Nội khoe vẻ đẹp thật sự của nó: Sự tĩnh lặng, thâm trầm…”.

Là thủ lĩnh nhóm họa sĩ hiện thực, họa sĩ Phạm Bình Chương trong năm Tân Sửu 2021 có kế hoạch triển lãm cùng nhóm, trưng bày các tác phẩm mới nhất. Chúc họa sĩ Phạm Bình Chương luôn tràn đầy năng lượng để tìm kiếm, khám phá những ngôn ngữ thể hiện mới trong chủ đề phố Hà Nội thân yêu.

(Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/)

0

Songs from a Secret Garden

Nhạc sĩ Hồ Bắc qua đời

0
Nhạc sĩ Hồ Bắc qua đời

(Tác giả: Hiểu Nhân)

Nhạc sĩ Hồ Bắc – tác giả “Làng tôi”, “Bên kia sông Đuống” – qua đời sáng 8/2 tại nhà riêng, thọ 92 tuổi.

Anh Hồ Nam – con trai thứ hai của nhạc sĩ – cho biết ông mất vì bệnh tuổi già. Những năm cuối đời, ông sống cùng anh tại chung cư ở Mỹ Đình. Sau cơn đột quỵ ba năm trước, ông phải ngồi xe lăn, mọi sinh hoạt do con lo liệu. Nhạc sĩ có năm người con, vợ ông qua đời cách đây ba năm.

Tùng Dương thể hiện ca khúc “Bên kia sông Đuống” (nhạc Hồ Bắc, thơ Hoàng Cầm) trong chương trình “Điều còn mãi” (2013). Video: VTV.

Lễ viếng nhạc sĩ diễn ra vào 16h45 ngày 9/2 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Linh cữu ông sau đó được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ.

Trong ấn tượng của đồng nghiệp, nhạc sĩ Hồ Bắc là người hiền lành, khiêm nhường. Sinh thời, nhạc sĩ Huy Du từng nhận xét âm nhạc Hồ Bắc giống con người của ông, nhẹ nhàng và sâu lắng: “Nét nhạc rất riêng, sâu lắng, thấm sâu vào hồn người, trong đó có khá nhiều ca khúc đã đi cùng năm tháng bởi nó được cất cánh từ chính hiện thực sôi động của cuộc sống”. Cố nhà văn Phạm Toàn gọi ông là “người đàn ông hiền hòa”.

Tùng Dương nhớ Hồ Bắc là người say mê, nhiệt huyết với âm nhạc. Năm 2013, anh được nhạc sĩ Dương Thụ giao cho thể hiện ca khúc Bên kia sông Đuống trong chương trình Điều còn mãi. Anh đến nhà để thăm và nghe ông chia sẻ về tác phẩm, lấy tư liệu để thể hiện. “Khi gặp mặt, ông say mê phân tích về tác phẩm: vừa có sự hào sảng nhưng rất đỗi da diết. Qua từng lời nói, ánh mắt, tôi cảm nhận ông trân trọng và kỳ vọng nhiều vào tôi. Bởi vậy, bài hát quả là một thử thách với tôi. May mắn, khi đó, tôi hoàn thành tốt”.

Nhạc sĩ Hồ Bắc qua đời

Nhạc sĩ Hồ Bắc (Nguồn: internet).

Nhạc sĩ Hồ Bắc sinh năm 1930 tại Tiên Sơn, Bắc Ninh. Từ năm 15 tuổi, ông phụ trách thiếu nhi tuyên truyền cách mạng. Sau đó, ông vào bộ đội, là cán bộ âm nhạc của văn công Sư đoàn 316, Tổng cục Hậu cần. Nhạc sĩ không được học trường lớp chính quy. Các sáng tác của ông chủ yếu về đề tài cách mạng, quê hương như: Làng tôi (1949), Bên kia sông Đuống (phổ thơ Hoàng Cầm – 1950), Gặt nhanh tay (1952), Giữ mãi tuổi xuân (1954), Bến cảng quê hương tôi (1970)…

Từ năm 1956-1990, ông làm việc tại Đài tiếng nói Việt Nam. Thời gian này, ông sáng tác hợp xướng Ca ngợi Tổ quốc, Dáng đứng Việt Nam, Tổ quốc yêu thương… Ngoài ra, ông tham gia giảng dạy, viết nhạc cho phim truyện, tài liệu và hoạt hình, biên dịch gần 500 ca khúc nước ngoài…

Ông từng là ủy viên Hội Văn nghệ Hà Nội, phó tổng thư ký Hội Văn nghệ Phát thanh Truyền hình. Năm 1997, ông được trao Huân chương Lao động hạng nhất. Năm 2001, ông được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các ca khúc Làng tôi, Giữ mãi tuổi xuân, Ca ngợi Tổ quốc (hợp xướng), Sài Gòn quật khởi và Bến cảng quê hương tôi.

(Nguồn: https://vnexpress.net/)

Hợp xướng Ca ngợi Tổ quốc

Chơi nhạc trực tuyến: Hướng đi của tương lai

0
Chơi nhạc trực tuyến: Hướng đi của tương lai

(Tác giả: Minh Anh)

Như một phép thử bản lĩnh nghệ sĩ, khi hình thức biểu diễn truyền thống “đóng băng” trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, các show diễn trực tuyến thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số theo kiểu “nhà hát internet”, “nhà hát truyền hình” đã được nhiều nghệ sĩ quan tâm, sáng tạo.

Chơi nhạc trực tuyến: Hướng đi của tương lai

Âm nhạc đã vượt qua những rào cản về không gian (ảnh ITN)

Với mong muốn dòng chảy âm nhạc không bị đứt gãy, họ đã tận dụng công nghệ để tổ chức các chương trình nghệ thuật và được đông đảo công chúng đón nhận.

Hàng triệu khán giả theo dõi từ xa

Từ năm 2019, với format tiêu chuẩn âm thanh và chất lượng nghệ thuật như ở nhà hát, chuỗi chương trình Music Home đã được ứng dụng công nghệ truyền hình tương tác, tính năng tùy chọn góc nhìn và khán giả có thể chủ động lựa chọn góc máy quay khi xem chương trình trực tiếp, trải nghiệm không gian âm nhạc giống như tham dự buổi biểu diễn trực tiếp. Và sự sáng tạo này cũng đặc biệt phù hợp khi bắt buộc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh. Nhờ lợi thế công nghệ, khán giả không cần ra khỏi nhà hoặc phải bỏ chi phí tiền triệu mua vé vẫn có thể thưởng thức trọn vẹn một buổi hòa nhạc đỉnh cao. Bởi phù hợp với xu thế thời đại, các chương trình như vậy đã thu hút hàng vạn lượt khán giả theo dõi. Hướng đi này cho thấy nỗ lực của các nghệ sĩ Việt trong việc tiếp cận và hòa nhập với các xu hướng mới của đời sống âm nhạc thế giới, cũng như góp phần lấp đầy những thiếu hụt của thị trường tổ chức và biểu diễn hiện nay.

Hòa nhạc Giai điệu Tổ quốc lần đầu tiên biểu diễn không có khán giả đến xem trực tiếp, tuy nhiên, các nghệ sĩ đã thực sự thăng hoa trong mỗi tiết mục, chuyển tải nhiều cung bậc cảm xúc qua màn hình tivi. Dù không đến rạp nhưng khán giả vẫn được thưởng thức một đêm nghệ thuật chất lượng về âm thanh và mãn nhãn về hình ảnh. Tiếp đó, các hình thức livestream âm nhạc cũng phát triển rầm rộ. Điển hình như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng Công ty cổ phần RSVP tổ chức liveshow âm nhạc trực tuyến Kiên cường Việt Nam – Stay Strong Vietnam trên kênh YouTube “RSVP Vietnam” và kênh của các đối tác. Chương trình với những ca khúc và phần trình diễn đặc biệt dành tặng khán giả qua hình thức livestream biểu diễn tại nhà của các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng như: Thanh Lam, Đông Nhi, Thảo Trang, Hồ Trung Dũng, Trọng Hiếu, ISAAC… Nhiều nghệ sĩ như Hồng Nhung, Cẩm Vân, Đức Phúc… cũng có những buổi livestream để hát cho khán giả nghe. Riêng ca sĩ Đức Tuấn thì tổ chức buổi livestream như một liveshow mini tưởng niệm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Từ nhà riêng của nghệ sĩ, âm nhạc đã lan tỏa đến hàng nghìn người theo dõi trực tiếp với cảm xúc dâng trào, giọng hát của ca sĩ cũng gần hơn đối với người thưởng thức.

Không chỉ đơn thuần là một buổi biểu diễn âm nhạc trực tuyến, mà một chuỗi chương trình âm nhạc kế tiếp nhau đã được tổ chức với 24 hour music marathon online. Nghệ sĩ piano Trang Trịnh chia sẻ: “Trong thời điểm cả nước thực hiện ở nhà, giãn cách xã hội hoặc một số người đang phải cách ly để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chúng ta có thể dùng âm nhạc để kết nối với nhau. Thông qua mạng xã hội, chương trình truyền hình, mọi người có thể chia sẻ nhiều hơn, mang lại được niềm vui và sự thư giãn khi ở nhà”. Cùng với nghệ sĩ Việt Nam, 24 hour music marathon online còn có sự tham gia của nghệ sĩ nhiều nước biểu diễn trực tuyến toàn cầu trong vòng 24 giờ. Theo đó, đúng 20 giờ (tại mỗi nước) các nghệ sĩ sẽ phát trực tiếp hình ảnh chơi nhạc, hát hoặc biểu diễn tác phẩm của mình lên trang mạng xã hội chương trình. Mục đích sự kiện này hướng tới là phủ kín 24 giờ trên trái đất bằng âm nhạc để khuyến khích người dân ở nhà không ra ngoài. Và cứ thế các giai điệu âm nhạc được chia sẻ tiếp nối nhau theo dòng thời gian…

Hướng đi của tương lai

Đại dịch Covid-19 đã khiến các nghệ sĩ phải “đi đường vòng” để đến với khán giả và nhiều người đã chọn cách tham gia các buổi hòa nhạc trực tuyến trên mạng. Tuy nhiên, để tạo ra lợi nhuận lại là một rào cản đối với các dịch vụ livestream. Nếu các buổi livestream của các nghệ sĩ khác hoàn toàn phi lợi nhuận, thì ca sĩ Tuấn Hưng đã làm một liveshow có tính phí. Chương trình mang tên Gửi ngàn yêu thương của anh đã thu về số tiền hơn 100 triệu đồng để dành tặng cho đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

Hiện nay, đã có rất nhiều nghệ sĩ nước ngoài thu được lợi nhuận từ các dịch vụ trực tuyến. Các nhóm nhạc nổi tiếng của Hàn Quốc như SuperM và BTS đã tổ chức các concert trực tuyến thông qua dịch vụ livestream. Qua đó, cho thấy, dịch vụ livestream có khả năng mở rộng thị trường cho ngành giải trí. Không chỉ là lựa chọn tối ưu cho khán giả yêu nhạc tại thời điểm dịch bệnh, thưởng thức âm nhạc online được nhận định sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, tiếp cận đông đảo khán giả hơn, vượt qua những rào cản về không gian. Ngoài ra, việc thực hiện những chương trình âm nhạc online sẽ có khả năng tương tác, kết nối với khán giả tốt hơn, bởi người hâm mộ có thể để lại những bình luận, góp ý cho Ban tổ chức hay trò chuyện với nghệ sĩ mình yêu thích.

Thời điểm này có lẽ sẽ là một bước ngoặt cho ứng dụng công nghệ 4.0 vào biểu diễn nghệ thuật. Dù còn nhiều hạn chế và chưa thể thay thế hoàn toàn biểu diễn trực tiếp, nhưng liveshow online vẫn là xu thế thời đại. Và thị trường âm nhạc Việt Nam đã nhanh chóng nhập cuộc, các liveshow trực tuyến đang được nhiều nhà sản xuất nhắm tới. Thực tế, người Việt cũng dần quen trả tiền để nghe nhạc trên mạng nên với những chương trình được đầu tư chỉn chu, chất lượng nghệ thuật tốt, thì dù có tính phí cũng chắc chắn thu hút được sự quan tâm của khán giả.

Theo ca sĩ Trọng Tấn, lâu nay các nghệ sĩ chỉ biểu diễn trực tiếp tại các sân khấu có khán giả tham dự. Nhưng giờ đây, với các chương trình được quay trực tiếp trên nền tảng công nghệ, nghệ sĩ đã có thể đến gần hơn với hàng triệu khán giả cùng lúc mà không cần phải tập trung đông người. Khán giả ngồi ở nhà vẫn có thể thưởng thức, thậm chí tương tác với chương trình và đây có thể sẽ là một hướng đi của tương lai. Nhìn theo hướng tích cực, dịch Covid-19 đã mang tới cơ hội tạo giá trị mới cho ngành âm nhạc. Tuy nhiên, để có thể mở rộng cánh cửa số hóa, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa những người làm nghệ thuật với các ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin để thúc đẩy dịch vụ livestream và đảm bảo về chất lượng nghệ thuật.

(Nguồn: http://baovanhoa.vn/)