Thứ Ba, Tháng Mười 22, 2024
Trang chủ Blog Trang 70

Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính: “Ẩn sĩ” dưới chân núi Phật Tích

0
Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính: “Ẩn sĩ” dưới chân núi Phật Tích

(Tác giả: Ngô Khiêm)

Chẳng phải quê hương nhưng khi rời cương vị Chánh Văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Ngô Quốc Tính lại tìm về mua đất, xây nhà dưới chân núi Phật Tích (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Trên vùng quê còn lưu giữ nhiều nét văn hóa vùng đất Kinh Bắc xưa, ông sống gần như tách bạch với phố thị ồn ào, náo nhiệt bên ngoài và ông cũng “đoạn tuyệt” với mạng xã hội (Facebook, Zalo) để chuyên tâm vào công việc sáng tác.

Khơi nguồn cảm xúc

20 năm trước khi nhạc sĩ Ngô Quốc Tính bán căn nhà ở khu vực Mai Dịch (Hà Nội) để dồn hết vốn liếng mua hơn 2.000 mét vuông đất ở Phật Tích, không ít người biết chuyện đã ra sức ngăn cản. Bởi đang sống giữa phố thị phồn hoa, đi đâu và làm gì cũng tiện thì việc về vùng đất “khỉ ho cò gáy” mà chẳng phải quê hương cũng không người thân thích, thoạt nghe thì thấy đây là quyết định có phần không hợp lý cho lắm. Thế nhưng, tính ông đã quyết là làm, khó ai mà ngăn cản được.

Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính: “Ẩn sĩ” dưới chân núi Phật Tích

Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính say sưa trên phím đàn.

Quyết định có phần “khác người” ấy chắc chắn làm cho người ta tò mò và điều đó đã thôi thúc tôi tìm về gặp ông trong một ngày Hà Nội trở gió. Vượt qua cây cầu Thanh Trì men theo Quốc lộ 1A, tôi tìm về chân núi Phật Tích, nơi nhạc sĩ Ngô Quốc Tính đang “ở ẩn”.

Một không gian rộng lớn, bạt ngàn một màu xanh hiện ra trước mắt tôi. Đó là khu đất vuông vắn với căn nhà được thiết kế theo kiến trúc của người Kinh Bắc xưa cùng mảnh vườn rộng rãi trồng đủ các loại cây ăn quả và rau xanh. Chính những công việc bình dị như câu cá, tỉa cành, tưới cây lại là nguồn cảm hứng để lóe ra trong đầu một giai điệu hay, một lời ca đẹp mà không phải lúc nào cũng có thể nghĩ ra được.

Đứng giữa mảnh vườn quê lộng gió, ríu rít tiếng chim, ông quả quyết: “Hà Nam là nơi cha sinh, mẹ đẻ nhưng mảnh đất này đã cho tôi “bầu sữa mẹ” mát lành, bổ dưỡng, khơi nguồn những mạch cảm xúc lai láng, bất tận”.

Nhiều bạn bè giỏi xem tướng số tử vi thường “phán” rằng: Ông về Bắc Ninh là rất hợp với mệnh Mộc của mình, bởi đây là hướng Đông Bắc – hướng của mưa, của gió sẽ là môi trường lý tưởng để Mộc (cây) đâm chồi, nảy lộc.

Chia sẻ với tôi thông tin này, ông bảo quả thực ông không tin vào tâm linh lắm nhưng lại tin rằng quyết định về đây sống là đúng đắn. Bởi ông yêu vùng quê này – miền đất với bề dày văn hiến, lịch sử, nơi đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt cổ.

Ông ấn tượng với cách ăn mặc, nói năng và cách quan hệ bạn bè của người dân nơi đây và tất nhiên sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến “đặc sản” dân ca quan họ. Hồi bé, ông đã rất mê nghe hát quan họ thậm chí có lần đi xem một bộ phim chiếu rạp khi giai điệu của “Ngồi tựa mạn thuyền” vang lên giữa thành phố Venice (Ý), ông đã bật khóc.

Cho những “trái ngọt”

Dẫn tôi ra vườn, chỉ tay lên những trái bưởi Diễn căng tròn, mịn màng, ông ví von những sáng tác của mình gần đây cũng như những “trái ngọt” này. Nghe ông liệt kê những tác phẩm của mình, tôi mới ngẫm đúng là “Gừng càng già càng cay”.

Tuổi càng cao thì sức khỏe càng giảm sút và tất nhiên sức làm việc sẽ càng hạn chế, đó là quy luật muôn đời. Vậy nhưng Ngô Quốc Tính lại không như vậy. Ông sáng tác nhiều hơn, đặc biệt không chỉ sáng tác ca khúc ông còn không ngại dấn thân với những tác phẩm lớn đòi hỏi khắt khe về học thuật.

Đó có thể kể đến các hợp xướng “Phật Tích” giành Giải Nhì thể loại thanh xướng kịch – hợp xướng, Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2010; “Nhớ lời di chúc theo chân Bác” giành Giải B – Giải thưởng sáng tác quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018…

Sau sự thành công của các vở kịch hát, như: “Tôi chưa chết được”, “Chuyện đúc người”, “Hri xanh”, “Cung đàn Liêu-Hạc”, ông đã viết vở kịch hát không nhạc đệm “Nàng Nhũ Hương” về Thủy tổ quan họ (hiện đền thờ Vua Bà tại làng Diềm, thành phố Bắc Ninh) như một “món quà”, sự tri ân dành cho mảnh đất Kinh Bắc nặng nghĩa, nặng tình với mình.

Viết “Nàng Nhũ Hương” nhưng sáng tạo bằng cách không dùng nhạc đệm, ông lý giải thì là mình đã học các cụ bởi trong quan họ cổ không có nhạc đệm, đòi hỏi người hát phải có giọng thật “vang, rền, nền, nẩy”, tức là hát phải tròn vành rõ chữ, giọng hát bộc lộ toàn bộ cái hay, cái dở (nếu có).

Để viết được tác phẩm này, đòi hỏi người viết phải thực sự tinh tế, nhạy cảm, làm sao để người nghệ sĩ biểu diễn có đất để “phô” được chất giọng của mình. Trong vở kịch hát này, ông đã tiếp thu, khai thác nhuần nhuyễn âm chất của dân ca quan họ và xây dựng nên một chủ đề âm nhạc của riêng mình.

Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính và nhà văn Nguyễn Huy Thắng bên phần mộ của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Ca khúc “Dòng trăng lúng liếng” nằm trong vở kịch hát “Nàng Nhũ Hương” đã góp mặt là một trong bảy tác phẩm của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật năm 2012. Đây chính là cảnh đặt tên cho nàng Nhũ Hương, một người con gái đẹp, tuổi trăng tròn lẻ, không ai biết cha mẹ, họ hàng thân thích.

Tương truyền khi nàng thích hát thì ngực tỏa hương thơm còn nếu hát trong cưỡng ép thì có mùi ngược lại. Ngày ngày nàng dạy người dân cấy lúa, trồng dâu, tối đến lại truyền dạy những bài hát quan họ, điều đặc biệt nàng đi đến đâu đều có đám mây vàng che chở. Trong đêm huyền ảo trên sông Cầu, liền anh liền chị đặt tên cho nàng cái tên nàng Nhũ Hương.

Bán đất để làm nhạc

Dẫu biết rằng, giới nhạc sĩ đã yêu nhạc thì yêu đến đắm say, cuồng nhiệt nhưng bán đất để làm nhạc kịch như nhạc sĩ Ngô Quốc Tính thì quả thật hiếm hoi.

“Hoa lửa”, vở nhạc kịch thứ 2 (sau “Huyền diệu biển”) được ông viết trong gần 2 năm và đã được Hội Âm nhạc Hà Nội trao giải đặc biệt trong đợt vận động sáng tác âm nhạc về Hà Nội nhân kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô. Đây là tác phẩm ông viết dựa trên tiểu thuyết “Lũy Hoa” được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết năm 1960.

Với sự giúp đỡ tài liệu của nhà văn Nguyễn Huy Thắng, con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, ông đã viết tiếp thành vở nhạc kịch đồ sộ khắc họa đậm nét về vùng “lũy thép” Hà Nội sau những năm Pháp phản bội Hiệp định Sơ bộ năm 1946, tái chiếm Thủ đô và một số địa phương khác.

Khi viết tác phẩm này, ông chỉ lấy một số chi tiết trong tiểu thuyết “Lũy hoa” và sự sáng tạo của ông là đã xây dựng một kịch bản khác. Nhân vật chính không theo tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mà ông đã xây dựng người chiến sĩ cách mạng Bích Đào ở làng đào Nhật Tân và cô có tình yêu đẹp với anh chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô.

Xúc động trước sức làm việc của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính, nhà văn Nguyễn Huy Thắng bày tỏ: “Sự sáng tạo của nhạc sĩ là không chỉ sử dụng chất liệu cũng như nhiều câu chữ, lời thoại từ các trang viết của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mà điều ý nghĩa hơn là ông đã truyền được cảm hứng và đặc biệt là niềm đam mê viết về Hà Nội của người cha”.

Gần đây, tác phẩm đã được thu âm và đưa lên YouTube qua phần trình tấu của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Dàn hợp xướng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Tất nhiên để tác phẩm đến với đông đảo công chúng, nhạc sĩ Ngô Quốc Tính và các cộng sự cần nhiều việc phải làm, phải lo, nhất là vấn đề kinh phí. Bởi, để dàn dựng một tác phẩm lớn, có chất lượng như “Hoa lửa” cần sự tham gia biểu diễn của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân cùng một hệ thống kỹ thuật hiện đại.

Tuy nhiên, nhắc đến vấn đề này ông lại vô cùng lạc quan, bởi với ông quan trọng là để khán giả biết đến và yêu thích thể loại mới như nhạc kịch còn mọi thứ khác phải được đặt sang một bên.

(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn/)

Nhạc sĩ Đinh Phương Anh kể chuyện tình yêu bằng âm nhạc

0

(Tác giả: Ngân An)

Cùng với ca sĩ trẻ Đỗ Trọng Nghĩa làm mới ca khúc “Nơi ấy tình yêu”, nhạc sĩ Đinh Phương Anh coi đây là một “phép thử” để chị nhận định rõ hơn về gu âm nhạc của giới trẻ hiện nay để có sự điều chỉnh phù hợp.

Đinh Phương Anh là thành viên nữ hiếm hoi của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhiều ca khúc của chị giành giải thưởng cao trong các cuộc thi sáng tác âm nhạc. Trong những “đứa con” của mình, Đinh Phương Anh tâm huyết nhất với ca khúc Nơi ấy tình yêu. Ca khúc này đã được rất nhiều giọng hát thể hiện thành công, trong đó phải kể đến ca sĩ Minh Đức với giọng bass trầm rất hiếm.

Nhạc sĩ Đinh Phương Anh kể chuyện tình yêu bằng âm nhạc

Nhạc sĩ Đinh Phương Anh.

Chia sẻ về Nơi ấy tình yêu, nhạc sĩ Đinh Phương Anh cho biết: “Tôi viết ca khúc này vào năm 2014, khi ngồi trong một quán cà phê nhỏ ở phố Vạn Bảo, gặp một đôi trẻ ngồi bên nhau. Cô gái rất xinh xắn và dịu dàng, còn chàng trai thì có ánh mắt say đắm nhưng lại vững chãi và che chở. Hình ảnh đó như một bức tranh tuyệt đẹp, khiến cảm xúc dâng đầy trong chị. Tôi muốn khắc họa khoảnh khắc đó, không gian đó bằng những nốt nhạc…”.

Nơi ấy tình yêu có giai điệu ngọt ngào, trong sáng và ca từ giản dị, mộc mạc: Nơi anh gặp em, có khoảng trời bình yên. Nơi anh gặp em, có nụ cười hồn nhiên. Nơi anh gặp em, là tình yêu đong đầy nỗi nhớ, e ấp mong chờ trong cả giấc mơ… Ca khúc nhanh chóng được nhiều người yêu thích, khiến cái tên Đinh Phương Anh gần hơn với công chúng.

Cũng từ bài hát Nơi ấy tình yêu, nhạc sĩ Đinh Phương Anh có cơ duyên hợp tác với giọng ca trẻ Đỗ Trọng Nghĩa. “Ca sĩ Đỗ Trọng Nghĩa có chất giọng ấm, tình cảm, tha thiết và nồng nàn, dễ chạm vào trái tim khán giả”, nhạc sĩ Đinh Phương Anh đánh giá. Chính vì thế, chị quyết định bắt tay với ca sĩ trẻ để làm mới ca khúc.

“Tôi muốn tìm nhân tố mới và trẻ hóa tác phẩm. Có thể coi đây như là một “phép thử” để tôi nhận định rõ hơn về gu âm nhạc của giới trẻ hiện nay, để xem xét liệu ca khúc trữ tình như thế này liệu có phù hợp với người trẻ đương đại. Từ đó, tôi sẽ học hỏi, điều chỉnh cho phù hợp với hơi thở cuộc sống hiện đại cho những ca khúc tiếp theo”, nhạc sĩ Đinh Phương Anh chia sẻ.

Không chỉ có Nơi ấy tình yêu, Đinh Phương Anh còn có rất nhiều bản tình ca ngọt ngào, say đắm như Hà Nội bên khung cửa mùa thu, Hà Nội trong nỗi nhớ… Hiện nhạc sĩ Đinh Phương Anh đang dạy nhạc ở trung tâm nghệ thuật do chị thành lập và dạy hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào thứ 5 hàng tuần. Bên cạnh đó, chị còn là một chuyên gia tâm lý, chuyên tư vấn, hỗ trợ cho phái đẹp về những vấn đề về tình yêu và hôn nhân.

“Nơi ấy tình yêu” – Đỗ Trọng Nghĩa:

(Nguồn: https://vietnamnet.vn/)

”Livespace Vietnam” – sân chơi mới cho các nghệ sĩ, nhóm nhạc trẻ

0

(Tác giả: Thụy Du)

Chương trình “Livespace Vietnam” do Viện Pháp tại Việt Nam khởi xướng, phối hợp với Lễ hội Âm nhạc quốc tế “Gió mùa” – Monsoon Music Festival, nền tảng âm nhạc trực tuyến Believe và Báo Thể thao & Văn hóa tổ chức, đã chính thức khởi động từ ngày 12-1.

”Livespace Vietnam” – sân chơi mới cho các nghệ sĩ, nhóm nhạc trẻ

Ban tổ chức thông tin về chương trình Livespace Vietnam.

Trong cuộc họp báo công bố chương trình, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam Thierry Vergon cho biết, chương trình được tổ chức nhằm tạo sân chơi cho các nghệ sĩ, nhóm nhạc có tiềm năng của Việt Nam phát triển và khẳng định tài năng.

Chương trình sẽ tuyển chọn các nghệ sĩ, nhóm nhạc trẻ của Việt Nam, đào tạo chuyên môn biểu diễn, sáng tác, kỹ thuật âm nhạc, đồng thời, tổ chức cho họ biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp, hỗ trợ họ thu âm, phát hành, quảng bá trên các nền tảng công nghệ…

Hiện, vòng tuyển chọn đã được thông tin trên trang Facebook Livespace Vietnam để các nghệ sĩ, nhóm nhạc đăng ký. Vòng tuyển chọn sẽ khép lại vào ngày 28-2-2021.

Điểm nhấn của chương trình là đêm nhạc diễn ra hai tháng một lần để người yêu nhạc Thủ đô được thưởng thức, khám phá những tác phẩm mới của các nghệ sĩ. Đêm nhạc đầu tiên đã diễn ra lúc 20h ngày 16-1 tại Viện Pháp (24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) với sự góp mặt của 3 nhóm nhạc trẻ tài năng Limebócx, Những Đứa Trẻ và Chú Cá Lơ. Với nhiều phong cách, từ rock, electro đến âm nhạc truyền thống Việt Nam, đêm nhạc hứa hẹn mang đến một không gian rực rỡ sắc màu. Phần trình diễn của họ sẽ là căn cứ để hội đồng thẩm định đánh giá trong cuộc bầu chọn những nghệ sĩ, ban nhạc trẻ xuất sắc vào tháng 10-2021.

Ban tổ chức kỳ vọng sau chương trình tại Việt Nam, mô hình Livespace sẽ được triển khai tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, qua đó tạo sân chơi cho các nghệ sĩ, nhóm nhạc trẻ đoạt giải của từng quốc gia giao lưu, chia sẻ đam mê âm nhạc.

(Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/)

Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên qua đời

0
Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên qua đời

(Tác giả: Thu Huế)

Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên mất tại nhà riêng ở Hà Nội sáng 27/1, thọ 82 tuổi. Một tháng trước, nghệ sĩ Trung Kiên bị tai biến mạch máu não. Tang lễ ông dự kiến diễn ra cuối tuần này.

Nhạc sĩ Quốc Trung viết trên Facebook lời từ biệt: “Cảm ơn bố đã mang con đến cuộc đời này. Cảm ơn bố đã dành cho con và hai cháu Thiện Thanh và Đăng Quang một tình yêu vô bờ bến. Nguyện vọng vun đắp hạnh phúc cho Xiu (biệt danh của Thiện Thanh) của bố đã được thực hiện để bố yên tâm lên một hành trình mới. Bố đã có cuộc đời đẹp mà con tự hào được là một phần trong đó. Sau này, ở một nơi nào đó, con ước được gặp lại bố để gọi bố yêu quý của con một lần nữa”.

Dù không theo dòng nhạc cổ điển như nghệ sĩ Trung Kiên, nhạc sĩ Quốc Trung thừa hưởng tình yêu âm nhạc từ bố. Sau khi Quốc Trung và Thanh Lam chia tay, nghệ sĩ Trung Kiên và vợ ông – bà Thu Hà – nuôi dạy hai cháu. Bà Thu Hà dạy đàn piano cho Đăng Quang trong khi ông Trung Kiên dạy Thiện Thanh thanh nhạc.

Nghe tin buồn, Trần Hiếu cho biết lần cuối ông gặp Trung Kiên là khi chấm thi kết thúc học kỳ một cho sinh viên nhạc viện cách đây ba tháng. Khi ấy, nghệ sĩ vẫn khỏe mạnh, hào hứng bàn luận về đề thi, chất lượng học tập của sinh viên. Tháng trước, nghe tin bạn bị tai biến mạch máu não, Trần Hiếu định qua thăm nhưng lại bị tai nạn, chưa kịp tới.

Trần Hiếu và Trung Kiên gắn bó với nhau từ thời đi hát trong phong trào thanh niên Hà Nội. Hai người hợp tính, yêu âm nhạc nên có thể trò chuyện cả ngày không dứt. Trần Hiếu có chất giọng nam trầm, còn Trung Kiên giọng ca tenor (nam cao), mỗi khi hát chung, cả hai bổ trợ, bè phối nhịp nhàng. “Tam ca 3C tức ba cụ mà giờ hai cụ Quý Dương, Trung Kiên đều đi rồi. Cả một đời ông ấy tận hiến cho âm nhạc cũng coi như không còn gì tiếc nuối. Hy vọng kiếp sau, ba chúng tôi sẽ gặp lại và cùng hát với nhau”, nghệ sĩ Trần Hiếu nói.

Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên qua đời

Nghệ sĩ Trung Kiên miệt mài giảng dạy, nghiên cứu âm nhạc cho đến những năm cuối đời. Ảnh: Đài Tiếng nói Việt Nam.

NSND Trung Kiên sinh năm 1939 tại Kiến Xương, Thái Bình, là con trai của nhà cách mạng Nguyễn Danh Đới. Ngày nhỏ, ông tham gia vào dàn đồng ca như Tuổi xanh, Rạng đông của Sở Văn hóa và Thành đoàn Hà Nội. Học hết lớp 10, ông thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Năm 1962, khi đang là sinh viên năm ba, ông được cử đi học ở Liên Xô. Sau khi về nước, ông gia nhập đoàn văn công, đi khắp các chiến trường biểu diễn cho bộ đội, thanh niên xung phong.

Tháng 4/1975, ông làm việc tại Đài tiếng nói Việt Nam, cùng nghệ sĩ Quý Dương thu âm các bài hát mừng chiến thắng. Ca khúc Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà) được ông thu trong đêm 30/4, thu chỉ một lần. Trong một bài phỏng vấn, NSND Trung Kiên cho biết cảm xúc khi ấy rất mãnh liệt. “Sau này, dù có hát đi hát lại nhiều lần Đất nước trọn niềm vui, tôi cũng không bao giờ tìm lại được cảm xúc ở thời khắc đặc biệt ấy. Với tôi, khi cất cao khúc khải hoàn ca của đất nước là cảm xúc òa vỡ sau rất nhiều năm dồn nén, ngóng trông”.

Nghệ sĩ Trung Kiên hát “Đất nước trọn niềm vui” của Hoàng Hà. Video: Nhạc cách mạng tiền chiến.

Ngoài Đất nước trọn niềm vui, nghệ sĩ Trung Kiên còn nổi tiếng với các nhạc phẩm Chào sông Mã anh hùng (Xuân Giao), Quảng Bình quê ta ơi (Hoàng Vân), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường), Bài ca Trường Sơn (Trần Chung), Người chiến sĩ ấy (Hoàng Vân), Tình ca (Hoàng Việt)… Ông còn là thế hệ giảng viên thanh nhạc đầu tiên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng là học trò của ông như: NSND Lê Dung, Phương Nga, Bích Thủy, Đăng Dương…

NSND Trung Kiên hát “Hà Nội, niềm tin và hy vọng” của nhạc sĩ Phan Nhân. Video: Youtube.

Năm 1992, ông được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, phụ trách văn hóa nghệ thuật. Nghệ sĩ đương chức trong 10 năm liên tục cho đến khi về hưu năm 2011. Sau đó, ông tiếp tục giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, cố vấn cho Trung tâm âm nhạc Serenade và viết sách.

Ông trải qua hai cuộc hôn nhân. Vợ đầu là Thanh Nga – ca sĩ, giảng viên Nhạc viện Hà Nội. Cả hai có một con trai là nhạc sĩ Quốc Trung. Sau khi bà Nga qua đời vì ung thư, ông kết hôn với nghệ sĩ piano, nhà giáo Trần Bạch Thu Hà. Bà là con gái nghệ sĩ piano Thái Thị Liên, và là chị gái nghệ sĩ Đặng Thái Sơn.

(Nguồn: https://vnexpress.net/)

Âm nhạc dành cho thiếu nhi: Cần có những sáng tác mới

0
Tác giả: Bảo Thoa

Trong thị trường âm nhạc sôi động hiện nay, âm nhạc cho thiếu nhi vẫn là một mảng “nghèo nàn” trong sáng tác. Tình trạng thiếu nhi hát nhạc người lớn, hát bolero không còn xa lạ gì với khán giả. Mặc dù nhu cầu âm nhạc của các em rất đa dạng nhưng dường như lại đang bị “thiếu thốn” trầm trọng những tác phẩm mới.

Âm nhạc cho thiếu nhi và học sinh tuy chỉ là một phần nhỏ trong nền âm nhạc Việt Nam nhưng đối tượng công chúng lại vô cùng rộng lớn có tới hàng chục triệu người, với các lứa tuổi khác nhau từ nhi đồng, mẫu giáo đến trung học phổ thông mà ta thường gọi là lứa tuổi hồng.

Nhà giáo dục học nổi tiếng Vasyl Olexanderivych Sukhomlynsky (Nga) đã từng nói: “Trẻ em thiếu truyện cổ tích và âm nhạc, chúng sẽ chỉ là những bông hoa khô héo”. Thật vậy! nhu cầu âm nhạc đối với trẻ em là một nhu cầu tự thân.

Kể từ sau Cách mạng Tháng Tám, nước ta đã rất chú trọng đến sinh hoạt âm nhạc của trẻ em trong hoạt động đội thiếu niên, nhà văn hóa thiếu nhi, các trường học, trên đài phát thanh, truyền hình và đặt biệt từ khi âm nhạc được chính thức đưa vào giáo dục phổ thông từ lớp 1 đến lớp 9 từ năm 2002 thành một môn học bắt buộc, thực sự là một cải thiện đáng kể trong nền giáo dục nước nhà.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hóa của cả nước, 10 năm sau Đại lễ 1.000 năm Thăng Long đã có những bước tiến mới trong văn học nghệ thuật nói chung, trong đó có các hoạt động về âm nhạc thiếu nhi cũng có đóng góp phần rất nhỏ, nhưng đáng ghi nhận.

Sinh hoạt âm nhạc của trẻ em trong hoạt động đội thiếu niên, nhà văn hóa thiếu nhi, các trường học luôn được chú trọng. (Ảnh minh họa: Trịnh Huyền)

Sự kiện đặc biệt nhất phải kể đến là năm 2017 đã có một chương trình biểu diễn hết sức hoành tráng của các em thiếu nhi tại Nhà hát Lớn thành phố với chủ đề “Thiếu nhi Hà Nội vì hòa bình”, gồm các sáng tác chọn lọc của các nhạc sĩ quan tâm đến âm nhạc thiếu nhi, là những tác giả đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn hóa nghệ thuật như các nhạc sĩ Hoàng Lân và một số nhạc sĩ khác… Đó là lần đầu tiên tại Hà Nội có một đêm biểu diễn quy mô vài trăm diễn viên nhỏ tuổi được dàn dựng công phu, chất lượng cao đầy ấn tượng tốt đẹp.

Hoạt động thứ hai là các đợt thi sáng tác ca khúc cho học sinh của Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội. Qua 5 đợt thi liên tục, 2 năm một lần, đã gặt hái hàng trăm bài hát học sinh với chất lượng của hầu hết là những người sáng tác không chuyên, các thầy cô giáo và có cả một số là học sinh mới tập sáng tác tham gia. Công việc này đã tạo nên một luồng gió mới trong các nhà trường Thủ đô, động viên phong trào ca nhạc hết sức sôi nổi, góp phần xây dựng môi trường lành mạnh của học đường những năm qua.

Hội Âm nhạc Hà Nội cũng thường xuyên dành giới thiệu những tác phẩm âm nhạc thiếu nhi có chất lượng trong các sinh hoạt hàng tháng, đặt biệt nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/2020 đã có một chường trình biểu diễn trên Truyền hình Nhân dân với toàn bộ tác phẩm âm nhạc thiếu nhi là của hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội rất thành công.

Đồng thời cũng đã tổ chức 3 cuộc hội thảo về sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi và vấn đề giáo dục âm nhạc ở trường phổ thông. Các cuộc hội thảo thu thập được rất nhiều ý kiến của các nhạc sĩ, các nhà lý luận âm nhạc, các nhà sư phạm và của các thầy cô giáo, có tác dụng mạnh mẽ tới việc xây dựng chương trình và sách giáo khoa trong đổi mới lần này.

Theo nhạc sĩ Hoàng Lân, bên cạnh những chương trình âm nhạc thiếu nhi nổi bật trên, cũng cần chỉ ra một số vấn đề thực trạng sáng tác, chất lượng bài hát và tình hình nở rộ tràn lan những ca khúc dễ dãi, thậm chí là yếu kém nhưng vẫn được thu âm, phát hành thiếu sự kiểm duyệt.

“Tình trạng này nếu không kịp thời có những giải pháp uốn nắn, chắc chắn sẽ dẫn đến việc hạ thấp trình độ thẩm mỹ âm nhạc của một bộ phận công chúng mà đặc biệt là lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Có những bài gọi là sáng tác mới nhưng nó dập khuôn, hời hợt, vô cảm, không để lại ấn tượng gì. Tất nhiên những tác phẩm như vậy sẽ lặng lẽ trôi đi và chìm vào quên lãng. Đó cũng là quy luật tự nhiên và vô tư, không thể áp đặt”, nhạc sĩ Hoàng Lân khẳng định.

Cũng theo nhạc sĩ Hoàng Lân, các đơn vị nghệ thuật và quản lý nghệ thuật nên thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tác để khích lệ người viết, bởi mỗi cuộc thi đều có thể lựa chọn một số bài tốt trong số hàng trăm bài. Nên tổ chức anh em nhạc sĩ đi đến các trường học để tìm hiểu những nét mới trong giáo dục. Việc quảng bá các tác phẩm cũng cần có nhiều hình thức, giải pháp hữu hiệu, bởi tác phẩm âm nhạc khác với các loại hình nghệ thuật khác là nó phải được vang lên mới đến được với công chúng và nên trao giải thường niên để động viên những nhạc sĩ sáng tác cho thiếu nhi có nhiều tác phẩm hay.

(Nguồn: https://laodongthudo.vn/)

Chương trình Tác phẩm mới tháng 1/2021

0

Tác giả: Quỳnh Anh

Vào sáng ngày 15/01/2021, tại Hội trường 19 Hàng Buồn, Hà Nội đã diễn ra chương trình Giới thiệu Tác phẩm mới của Hội Âm nhạc Hà Nội.

Chương trình với chủ đề “Khúc giao mùa”, chỉ đạo nghệ thuật: NS Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, Biên tập: NS Bá Môn, Kịch bản và MC: NS Nguyễn Tiến Mạnh, Kỹ thuật: Văn Hậu – NS Minh Đức.

Đến tham dự chương trình gồm có: NS Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, NS – Bá Môn – PCT Hội, NS Cát Vận – PCT Hội đồng nghệ thuật, đặc biệt là sự hiện diện của đông đảo các nhạc sĩ là Hội viên của Hội Âm nhạc Hà Nội.

Hội Âm nhạc Hà Nội đã bước sang một hành trình mới, hứa hẹn nhiều hoạt động âm nhạc sôi nổi, và chương trình Tác phẩm mới số đầu tiên của năm 2021 đã được khởi động.

Đồng hành cùng chương trình còn có một số phóng viên của các cơ quan báo chí như Đài TNVN, Kênh THND…và chương trình đã được Livestream trên trang Facebook: Hội Âm nhạc Hà Nội.

Với sự đa dạng phong phú về thể loại và đề tài mà các nhạc sĩ đã gửi vào trong những tác phẩm âm nhạc, đã mang đến một không gian ấm áp, gần gũi, thân thiện, đóng góp vào sự phát triển chung trong các hoạt động của Hội Âm nhạc Hà Nội trên chặng đường tiếp theo.

Sau đây là một số hình ảnh:

Mật mã Âm nhạc 52: Âm Dương trong Âm nhạc

0

Âm Dương trong Âm nhạc

Diễn giả: Nguyễn Tiến Mạnh

 

 

Nâng tầm, phát huy sức mạnh đặc biệt của các loại hình văn học, nghệ thuật

0

(Tác giả: An Nhi)

Ngày 14-1, Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa X (nhiệm kỳ 2020-2025) diễn ra trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của 261 đại biểu đại diện cho hơn 40.000 văn nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành văn học, nghệ thuật trên cả nước.

Quang cảnh Đại hội.

Dự đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thúy Anh…

Tổng kết nhiệm kỳ 2016-2020, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa IX (2016-2020) nhấn mạnh, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tập hợp hơn 40.000 văn nghệ sĩ cả nước, nhiều thế hệ; tổ chức nhiều hình thức cho văn nghệ sĩ học tập, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xây dựng cộng đồng trách nhiệm, tạo được nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật giá trị, đóng góp vào đời sống. Liên hiệp cũng đã làm tốt vai trò tham mưu cho Ban Bí thư về các vấn đề liên quan đến phát triển văn học, nghệ thuật; đẩy mạnh công tác lý luận, phê bình; bồi dưỡng tài năng trẻ; quảng bá tác phẩm; giao lưu hợp tác quốc tế… góp phần xây dựng nền văn học, nghệ thuật đổi mới, đa dạng, giàu tiềm năng với xu hướng chuyên nghiệp hóa ngày càng cao, tính dân tộc ngày càng đi vào chiều sâu.

Trong nhiệm kỳ mới, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phấn đấu xây dựng vững mạnh toàn diện, tập hợp, đoàn kết rộng rãi đội ngũ sáng tạo nhất trí về chính trị và tư tưởng, giàu tài năng, tâm huyết. Liên hiệp sẽ tạo điều kiện để văn nghệ sĩ sáng tác, đổi mới hỗ trợ sáng tạo đi vào chiều sâu; nâng cao chất lượng, giá trị các giải thưởng; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đưa tác phẩm chất lượng giới thiệu với công chúng…

Nâng tầm, phát huy sức mạnh đặc biệt của các loại hình văn học, nghệ thuật

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Đại hội.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng, biểu dương và cảm ơn những cống hiến to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trong 5 năm qua. Hầu hết các ngành, lĩnh vực văn học, nghệ thuật đều có những tác phẩm chất lượng tốt, có giá trị, tiếp tục khơi thông mạnh mẽ dòng chảy chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với dân tộc, phản ánh chân thực cuộc sống, phần nào đáp ứng được nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân.

Với vai trò là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam trong tình hình mới, Chủ tịch Quốc hội nhận định, giai đoạn tới, văn học, nghệ thuật cần nâng tầm, đổi mới mạnh mẽ, phát huy sức mạnh đặc biệt của các loại hình văn học, nghệ thuật, cũng như tiềm năng sáng tạo to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ, cống hiến thêm nhiều tác phẩm hay, có giá trị cao về tư tưởng, giáo dục, nghệ thuật, ghi lại chân thực dấu ấn về giai đoạn phát triển quan trọng của đất nước.

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật; vừa bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, vừa đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, phương thức hoạt động. “Liên hiệp phải thực sự trở thành tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp vững mạnh, đoàn kết, thống nhất, dân chủ, là mái nhà chung của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước; tổ chức Hội phải là nơi để mỗi văn nghệ sĩ gửi gắm tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm, đóng góp tài năng và sức lao động của mình, để tăng thêm cảm hứng và xung lực sáng tạo”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Liên hiệp phải xác định việc phát hiện, tập hợp, bồi dưỡng, giúp đỡ các tài năng trẻ làm khâu đột phá; hoạt động giao lưu, quảng bá các giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài và tiếp thu tinh hoa văn học, nghệ thuật thế giới vào Việt Nam là một trọng tâm ưu tiên trong nhiệm kỳ mới.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật, đồng thời mong muốn và luôn lắng nghe, tiếp thu những phản biện, đóng góp xác đáng của đội ngũ văn nghệ sĩ đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, Liên hiệp cần thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, ý kiến phản biện, đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ; xác lập các diễn đàn, cơ chế hiệu quả để kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình đất nước, cùng những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước, của các cấp ủy, chính quyền địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị: Đội ngũ cán bộ quản lý văn học, nghệ thuật cũng cần ý thức rõ trách nhiệm và tình cảm, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, về tính chất đặc thù của lĩnh vực này, nâng cao năng lực, trình độ, tích cực hỗ trợ hoạt động sáng tạo và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị đến với công chúng.

Đại hội đã thông qua kết quả hiệp thương danh sách Ủy viên Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa X (nhiệm kỳ 2020-2025) gồm 78 người; danh sách Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa X gồm 27 người…

(Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/)

Thẩm định tác phẩm mới tháng 01/2021

0

Tác giả: Quỳnh Anh

Hội đồng Nghệ thuật Hội Âm nhạc Hà Nội đã tổ chức cuộc họp vào sáng ngày 02/01/2021 để thẩm định những tác phẩm mới của các hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội, chuẩn bị cho chương trình Giới thiệu Tác phẩm mới sẽ được diễn ra vào ngày 15/01/2021 tại Ngôi nhà chung của các nhạc sĩ Thủ đô, số 19 Hàng Buồm.

Đến tham dự gồm có: NS Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, NS – Bá Môn – PCT Hội, NS Hoàng Lân, NS Cát Vận – chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, NS Tiến Mạnh – Tổng BT website: hoiamnhachanoi.org và bà Tố Hoa – thư ký hội đồng nghệ thuật.

Với không khí làm việc nghiêm túc, sôi nổi, Hội đồng Nghệ thuật đã lựa chọn ra những bài hát có chất lượng về nội dung và nghệ thuật để giới thiệu vào ngày 15/01/2021 tại Hội trường Hội Âm nhạc Hà Nội, số 19 Hàng Buồm, Hà Nội.

Hẹn gặp lại các nhạc sĩ hội viên vào 9h00 ngày 15/01/2021.

 TÁC PHẨM THÁNG 01/2021

STT  TÁC PHẨM SÁNG TÁC BIỂU DIỄN GHI CHÚ
01 Tổ quốc và ngọn lửa Hoàng Sâm HX Đài TNVN CD
02 Gọi trăng Hồ Trọng Tuấn Sèn Hoàng  Mỹ Lam WB
03 Thế trận lòng dân Trịnh Đức Cường Song ca Nam Nữ CD
04  Cầm tay mùa đông Ngọc Khuê

Thơ Kim Dung

Thu Thủy CD
05 Trần Phú! Tên Anh còn mãi trên lá cờ Trần Hoàng Tiến Lương Ngọc Quỳnh WB
06 Thanh xuân để lại Nhạc Phạm Hoàng Huy

Lời Tuệ Minh

Bích Ngọc WB
07 Ơn người Thầy thuốc Đông y Nhạc Trần Miêu

Thơ Hồng Siêm

Minh Thúy WB
08 Cảm xúc đêm Hà Nội Hoàng Chí Bình Hồng Hải Anh WB
09 Mẹ cô Tấm thảo hiền Bá Môn Hồng Nhung WB
10 Mùa xuân ơi Quang Hiển Đức Tuyên WB
11 Cánh lính đường hầm Trương Ngọc Ninh Tốp ca Lữ đoàn 28 Công binh PKKQ WB

 

Sau đây là một số hình ảnh:

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo – Tiếng đờn ngân mãi

0
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo – Tiếng đờn ngân mãi

(Tác giả: Lê Minh Hoan)

Dường như danh xưng “Nhạc sư” chưa đủ để nói lên nhân cách và những gì mà Nghệ nhân “Bách tuế” đã lặng lẽ hiến dâng cho cuộc đời.

Sẽ thật là hạnh phúc cho cuộc đời mỗi người trong chúng ta khi chỉ cần được một lần tiếp xúc với ai đó có sức hút vì bản thân người đó toát lên sự uyên thâm, mẫn tuệ, tinh anh. Những người một lần được tiếp xúc với Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, người con ưu tú của làng Mỹ Trà, Cao Lãnh, Đồng Tháp, con người tài hoa mà khiêm nhường, đáng kính mà đôn hậu ấy, sẽ có được cảm nhận dường như mình dần được trưởng thành hơn!

Ngưỡng mộ một nhân cách lớn!

Dường như danh xưng “Nhạc sư” chưa đủ để nói lên nhân cách và những gì mà Nghệ nhân “Bách tuế” đã lặng lẽ hiến dâng cho cuộc đời. Bằng tài hoa trong âm nhạc và tinh tế trong cuộc sống, bằng niềm đam mê và khát vọng, bằng tấm lòng nặng nợ và trắc ẩn với quê hương xứ sở, Nhạc sư đã và đang làm lan toả tinh hoa, cốt cách dân tộc ra khắp bốn phương trời. Nhưng hơn nhiều lần thế nữa, người nghệ nhân thanh cao còn đem đến cho cuộc đời những “bài học làm người”. Đó mới chính là điều trân quý nhất, vĩnh hằng nhất! Chính nhân sinh quan phong phú, thế giới quan rộng mở đã kết tinh một cách nhuần nhuyễn thành những bài học cho mỗi người mang đầy tính triết lý trong cuộc sống, trong công việc. Và từ những triết lý đó, mỗi người hậu thế sẽ biết đam mê hơn, cháy bỏng hơn, để cống hiến, để cho đi mà không hề đòi hỏi được nhận lại,… Những lời tự sự, những vần thơ, những dòng facebook đâu chỉ là câu chuyện về âm thanh, âm nhạc, mà còn ẩn chứa những lẽ sống mà ai từng nghe, từng đọc đều cảm nhận và khâm phục một con người không bao giờ nhận mình già dù đã trải qua hơn một thế kỷ đời người.

Đối với người Nhạc sư ấy, sinh lực không đến từ đôi bàn tay tài hoa búng gẩy những phím đàn, mà phát toả từ trong sâu thẳm trái tim của mình khiến người nghe như được đong đầy cảm xúc. Những buổi nói chuyện với học sinh, sinh viên, những tâm tình với lớp trẻ luôn để lại nhiều cảm xúc, để rồi người Đồng Tháp biết tự hào hơn về một trong những “biểu tượng sống” của mảnh đất Sen hồng. Và, mỗi người sẽ có niềm tin hơn trong cuộc đời mỗi khi được tiếp xúc, hàn huyên với một “cây cao bóng cả” mà thật gần gũi như người ông, người cha của mình!

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan

Trong bộn bề cuộc sống, có những sợi dây ràng buộc giữa “danh” và “lợi”, giữa “giàu” và “nghèo”, giữa “lợi ích riêng” và “giá trị chung”, mỗi người có lúc không tránh khỏi “so đo hơn thiệt”. Hãy gặp Nhạc sư để tự mình “cởi bỏ” những sợi dây vô hình đó! Những ai cho rằng mình đã “đầy ắp kiến thức rồi” thì hãy lắng đọng lại với dòng suy tư: “Điều tôi biết chỉ là hạt cát, điều tôi chưa biết mới là đại dương”! Những ai bon chen để được “ăn trên – ngồi trước”, “bề trên – phận dưới” hãy nghe lời tự sự: “Tôi tự ví mình như người cộng tác với người đương thời, nơi nương tựa của hậu thế, sẵn sàng chia sẻ những gì đã học, đã biết cho tất cả mọi người, bất phân già trẻ, màu da”! Ngưỡng mộ thay một nhân cách lớn!!!

Ra đi là để trở về

Những đổi thay theo năm tháng không làm vơi đi nỗi đau đáu nhớ về quê cha đất tổ của người con Cao Lãnh tài hoa, sâu đậm nghĩa tình. Nét mộc mạc hồn quê, nét dung dị hồn người, vẫn luôn ẩn chứa trong một người “bách niên giai lão”. Trên hành trình xuyên thế kỷ như những nốt nhạc có lúc thăng lúc trầm, nhưng Nhạc sư vẫn luôn nhớ rằng mình đang mang trong người dòng máu Việt, khí chất Đồng Tháp, cốt cách hào sảng của người miền Tây sông nước.

Trên hành trình dài trong cuộc đời, mỗi người có những chuyến đi đáng nhớ, là bước ngoặc lớn lên và trưởng thành. Có khi ra đi một thời gian ngắn để học hành, mưu sinh và tìm kiếm cái tôi của mình. Có khi ra đi một thời gian rất dài để định vị mình trong một thế giới bao la. Có khi đi không quay trở về, mà cũng có khi “ra đi là để trở về” – về với nguồn cội, về nơi nuôi dưỡng và lan toả “hạt giống tâm hồn”. Chuyện “ra đi” và “trở về” quê nhà của Nhạc sư Vĩnh Bảo là cả một câu chuyện ân tình, nặng nợ với mảnh đất Cao Lãnh thân thương này.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo – Tiếng đờn ngân mãi

Ông Tô Đình Tuân – Tổng Biên tập chương trình “Mai Vàng nhân ái” đến thăm nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo nhân dịp mừng thọ ông 103 tuổi

Có những người trở về trong sự ồn ào rồi nhạt nhoà dần. Chuyến trở về của Nhạc sư Vĩnh Bảo thì không như vậy! Người Thầy đáng kính trở về một cách tĩnh lặng trong tiếng gáy thánh thót của con gà Cao Lãnh, với âm vang trầm bổng của điệu hò Đồng Tháp, với khúc nhặt khoan của làn điệu tài tử Nam Bộ. Người Nhạc sư tài hoa trở về nhẹ nhàng như làn gió thổi làm tươi mát tâm hồn những người chung quanh, như đốm lửa sưởi ấm tâm hồn những ai còn nguội lạnh với cuộc đời. Cứ như vậy, hình ảnh, nhân cách của một “cây đại thụ” đáng kính lan toả dần trong xóm trong làng, trong con cháu và trở thành một trong những biểu tượng, như đoá Sen hồng ngày đêm toả ngát trên mảnh đất này. Con người dù gần trăm năm ở xứ người vẫn đậm chất hào sảng nhưng dung dị, uyên thâm nhưng khiêm nhường, dí dỏm nhưng chân tình!.

Làm rạng danh mảnh đất Sen hồng

Đồng Tháp đang dày công tạo dựng và làm lan toả hình ảnh địa phương. Đó là đoá sen dưới đồng trên phố; là con gà Cao Lãnh “chân xanh, mắt ếch”, là mênh mông mùa nước nổi, là xanh ngát những vườn cây, là bạt ngàn Tràm Chim, là rực rỡ làng hoa,… Tất cả điều đó sẽ là không đủ một khi lãng quên những bậc “tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ” – những người mở đất và giữ đất, những người làm rạng danh mảnh đất Sen hồng thân yêu này. Nhạc sư Vĩnh Bảo là một trong những người như vậy, một người đã kết tinh tài hoa thành giá trị! Và, giá trị đó mãi sẽ là hình ảnh vươn xa của Đồng Tháp thân yêu. Vậy thì, mỗi người hôm nay đang ở ngay trên mảnh đất này sao không trân quý những giá trị do những bậc tiền bối tạo lập và truyền lại? Sao không vượt qua cái tôi để sống tốt hơn, yêu thương nhau hơn, cùng nhau gìn giữ và phát huy những báu vật tiền nhân trao cho, để rồi tiếp tục trao lại cho thế hệ mai sau.

Cuộc sống sẽ ngày càng tốt đẹp hơn nếu mỗi người cảm thấy mình phải chịu ơn đối với người khác, với cuộc đời. Chính vì lẽ đó, tôi và người Đồng Tháp đang chịu ơn Nhạc sư như chính Người đã chịu ơn mảnh đất Cao Lãnh cho mình một “chốn đi về”. Có lẽ, một lời cảm ơn đến với người làm cho “tiếng đờn ngân mãi” và lan toả những “giai điệu cuộc đời” vẫn luôn là chưa đủ!

…”Bán tự vi sư”! Xin được làm người học trò của Thầy, một nhân cách lớn! “Tiếng đờn còn ngân mãi” một tình yêu thuỷ chung, sâu sắc đối với quê hương, con người Đồng Tháp – đất Sen hồng!

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo qua đời, thọ 104 tuổi

Theo cô Thu Anh, ái nữ của Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, sau ba đợt nhập viện điều trị các căn bệnh nền, do tuổi cao sức yếu, Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã trút hơi thở cuối cùng lúc 18 giờ 50 ngày 7-1 tại nhà riêng ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; thọ 104 tuổi.

Tang lễ Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được tiến hành tại CLB Hưu trí tỉnh Đồng Tháp (đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Cao Lãnh). Theo nguyện vọng của gia đình, Nhạc sư sẽ được hỏa táng tại Nghĩa trang Quảng Khánh, TP Cao Lãnh và đưa hũ tro cốt về thờ tại nhà riêng.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh ngày 19-8-1918 tại Mỹ Trà, Đồng Tháp. Ông được xem là “báu vật sống” của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Cách đây không lâu, nhân kỷ niệm ngày mừng thọ 103 tuổi của Nhạc sư, chương trình “Mai Vàng nhân ái” đã đến thăm ông, được ông đệm đờn bản “Dạ cổ hoài lang” tặng cho đoàn. Đó là kỷ niệm khó quên đối với Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo với chương trình “Mai Vàng nhân ái”. T.Hiệp

(Nguồn: https://nld.com.vn/)