Thứ Ba, Tháng Mười 22, 2024
Trang chủ Blog Trang 72

Tùng Dương: Con người trưởng thành hơn, âm nhạc theo đó cũng ‘tiến hoá’ hơn

0

(Tác giả: Thảo Nhi. Ảnh: Lê Lai. Clip: Hoà Nguyễn)

Album “Human” của ca sĩ Tùng Dương được thực hiện và ra đời trong thời điểm đặc biệt: mùa dịch Covid-19, càng thêm ý nghĩa về những gì mà con người chúng ta phải đối mặt trong một kỷ nguyên ngày càng khó đoán định.

Theo chia sẻ của ca sĩ Tùng Dương, Human có thể coi là album ”nguyên bản” thứ 5 của anh. Album tiếp nối Chạy trốn, Những ô màu khối lập phương, Liti, Độc đạo… Sở dĩ, gọi đây là “nguyên bản” bởi đây là những album ra đời từ một ý tưởng thống nhất, với các bài hát được sáng tác và lựa chọn riêng cho các dự án này.

Bên cạnh đó Tùng Dương còn có loạt album dạng tuyển tập với các ca khúc nổi tiếng như “Tùng Dương hát tình ca 1-2”, “Tùng Dương hát Nguyễn Cường”…

Album Human khởi nguồn từ một số ca khúc rất khác biệt trong một số album trước của Tùng Dương. Khi nghe Tùng Dương hát các bài như Nỗi khát hay Nhức nhối (album Những ô màu khối lập phương) và Trời cho (Li ti) cùng với bài hit đình đám Chiếc khăn piêu, thì nhiều khán giả yêu thích Tùng Dương đã nghĩ về một album rock. Vấn đề là cần tìm được những bài hát “xứng tầm” và đủ thoả mãn những ý tưởng luôn dồi dào của Tùng Dương.

Thế rồi, bắt đầu từ những bài hát của nữ nhạc sĩ Sa Huỳnh, một bài hát của nhạc sĩ Duy Hùng (chồng của Sa Huỳnh) gửi cho Tùng Dương ban đầu chỉ để tham khảo, Tùng Dương đặc biệt quan tâm và giúp anh củng cố ý tưởng về âm nhạc cho album mới của mình, gợi mở cho Tùng Dương khai thác thể loại âm nhạc mà anh vô cùng say mê là industrial rock bằng các ca khúc tiếng Việt, điều mà trước đây chưa từng có trong rock Việt.

Tiếp đó, Tùng Dương có may mắn gặp được những cộng sự mới, có thêm được những bài hát mới từ những cây viết cũng còn rất mới. Thật bất ngờ, những tác phẩm ấy lại “khớp” với tư tưởng của Tùng Dương ngày hôm nay – tư tưởng mà Tùng Dương có được không chỉ từ trong âm nhạc mà cả lĩnh hội từ những bậc thầy trong cuộc sống.

Con người trưởng thành hơn, minh triết hơn, âm nhạc cũng phải theo đó mà “tiến hoá” hơn. Với Tùng Dương, quá trình thực hiện album Human tóm lại trong suy nghĩ đó.

Tùng Dương vốn say mê là industrial rock

Tùng Dương bảo với một nghệ sĩ thực sự, động lực cho cuộc sống là sáng tạo ra những giá trị riêng biệt. Bản thân anh luôn cần được tiếp cận những tác phẩm mang đến cho mình cảm hứng, thôi thúc mình sáng tạo, vượt qua những đơn giản thường nhật.

Nếu khán giả theo dõi Tùng Dương sau dự án “khủng” là album Độc Đạo, thực hiện cùng nhạc sĩ Nguyên Lê có thể thấy Tùng Dương đã nhiều lần úp mở về một album anh đang thực hiện, với nhiều tên gọi khác nhau thay đổi theo thời gian. Quá trình ấp ủ cho album mới thực sự tiêu tốn rất nhiều sức lực của Tùng Dương khi anh liên tục có những ý tưởng mới bởi thế nên đôi khi một ý tưởng ban đầu có thể trở thành lỗi thời ngay cả khi chưa chính thức bắt tay vào thực hiện.

Nam ca sĩ luôn đau đáu với những ý tưởng sáng tạo không ngừng

Human là một album có ý tưởng, với nội dung ca khúc có tính thống nhất rất cao, về hành trình của con người trên thế gian này. Từ khi sinh ra, rồi trải qua bao kiếp nạn trong đời, trong huy hoàng cũng có mà tận cùng khổ đau cũng nhiều, chứng kiến những xác thân mục rã trở về cát bụi và cả sự ra đời của kỷ nguyên máy móc đe doạ thống trị loài người… để rồi như một vòng tròn đời người, ta lại chờ ngày được tái sinh trong một hình hài mới.
Tên album Human – Con Người, mang ý nghĩa như vậy!

Người nghe có thể nghe trọn vẹn album từ đầu tới cuối để cảm nhận được tư tưởng này của các nhạc sĩ và Tùng Dương, nhưng vẫn có thể nghe từng bài hát để cảm nhận những lát cắt cuộc đời của mỗi người được đem ra soi xét, mổ xẻ như thế nào qua từng ca từ với đầy tính triết lý.

Clip Tùng Dương chia sẻ về album mới:

Tùng Dương chia sẻ: Điều thú vị là những bài hát nặng ký như thế, lại được viết bởi những nhạc sĩ nằm trong thế hệ mới và trẻ hiện nay. Một thí dụ để chúng ta có một cái nhìn khác về người trẻ hôm nay. Không phải lúc nào họ cũng chạy theo trend, theo xu hướng, theo sự ăn khách nhất thời. Họ cũng có những suy tư sâu sắc, những chiêm nghiệm từ sự biến đổi không ngừng của cuộc sống hiện đại.

Việc thực hiện một album nhạc rock thuần tuý thì không có gì khó với điều kiện sản xuất âm nhạc ở Việt Nam. Đã có rất nhiều đĩa nhạc rock được thực hiện trong hàng chục năm qua, cũng có những album rock có thể coi là kinh điển của nhạc Việt, điều đó cũng khiến Tùng Dương có nhiều băn khoăn khi tìm những cộng sự cho album mới của mình.
Album đầy chất trẻ, không chỉ người sáng tác là những người trẻ, mà ê-kíp sản xuất âm nhạc cũng là những người trẻ nổi bật hiện nay, như nhạc sĩ phối khí Hữu Vượng, chỉ huy dàn nhạc Lưu Quang Minh. Album còn có sự tham gia của tay trống gạo cội của Pháp – Stephane Galland.

Tùng Dương: Con người trưởng thành hơn, âm nhạc theo đó cũng ‘tiến hoá’ hơn

Tùng Dương và con trai

Gần chạm mốc ở tuổi 40, Tùng Dương tự thấy bản thân chín chắn, hiểu mình, hiểu người hơn rất nhiều so với thuở đôi mươi phơi phới.

“Tôi hiểu về được và mất trong đời, áp lực bon chen hơn thua và ăn thua với nghề không quan trọng nữa. Tôi thật sự bình thản, trầm lắng, không bột phát bản năng như thời trẻ. Nhìn nhận cuộc đời và sự sáng tạo nghệ thuật của tôi phát triển theo chiều sâu nhiều hơn. Tôi không lo lắng lắm về số tuổi, nhưng quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe, đến kỷ luật sống và những sản phẩm kỹ lưỡng đọng lại những giá trị trong tâm khảm những khán giả khó tính, đã và đang tiếp tục tin yêu giọng hát và các sản phẩm âm nhạc của tôi“ – Tùng Dương nói thêm.

Album Human của Tùng Dương được thực hiện và ra đời trong thời điểm đặc biệt: mùa dịch Covid-19, càng thêm ý nghĩa về những gì mà con người chúng ta phải đối mặt trong một kỷ nguyên ngày càng khó đoán định.

Human của ca sĩ Tùng Dương sẽ được ra mắt vào tháng 10 trước khi “Tùng Dương Concert” của anh sẽ được tổ chức vào 2 đêm 28-29/11 tại Cung Văn hoá Hữu Nghị Việt Xô Hà Nội.

(Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/)

Anh thợ cạo thành Seville: Xuất sắc cả lời và nhạc

0
Anh thợ cạo thành Seville: Xuất sắc cả lời và nhạc

Năm 1816, Rossini đã sáng tác vở opera hài “Anh thợ cạo thành Seville” (Il Barbiere di Siviglia). Đây là tác phẩm xuất sắc nhất, khẳng định ông là bậc thầy opera của thế giới.

Trong cuốn sách Lịch sử Nghệ thuật Thanh nhạc phương Tây, tác giả Hồ Mộ La kể, năm 1782, nhà soạn nhạc Italia Paisiello đã từng sáng tác đề tài này, cũng với cái tên này và sau khi công diễn, được cả châu Âu hoan nghênh nhiệt liệt. Nhưng khi Rossini quyết định sáng tác lại đề tài này, dư luận đã phản đối, chỉ trích nhạc sĩ táo tợn, ngông cuồng và dự báo Rossini sẽ thất bại. Bản thân Paisiello là nhạc sĩ đạo cao đức trọng, tuy không tỏ thái độ nhưng vẫn ngấm ngầm xúi giục mọi người gây khó khăn. Ngày 20/3/1816, “Anh thợ cạo thành Seville” của Rossini công diễn lần đầu tại nhà hát Argentino tại Rome.

Anh thợ cạo thành Seville: Xuất sắc cả lời và nhạc

Do sự quấy phá nghiêm trọng của phe phản đối, thêm vào đó là một số sai sót trong diễn xuất, cuộc công diễn đã thất bại. Rossini thản nhiên về nhà, sửa đổi những sai sót trong buổi diễn đó. Đêm hôm sau, biểu diễn lại, khán giả đã hoan nghênh nhiệt liệt. Sau mấy buổi diễn tiếp, người xem xúc động phát rồ, cầm đuốc hộ tống nhạc sĩ về tận nhà. Khi tác giả còn sống, vở “Anh thợ cạo thành Seville” đã được công diễn trên 500 buổi. Cho tới ngày nay là 2 thế kỷ, vở opera hài này của Rossini vẫn là một trong những vở opera được biểu diễn nhiều nhất.

“Anh thợ cạo thành Seville” là vở opera hài 2 màn. Phần lời là của Cesare Sterbini. Chủ đề của vở opera này được lấy từ hài kịch của Beaumarchais sáng tác năm 1775. Thực ra, tác phẩm của Rossini được trình diễn lần đầu với cái tên hoàn toàn khác là “Almaviva, sự phòng ngừa vô ích” (Almaviva, o sia L’inutile precauzione) để khỏi trùng tên với vở opera của Paisiello. Năm 1818, nó vượt qua biên giới nước Ý lần đầu và xuất hiện tại Luân Đôn, Anh. Năm 1819, tác phẩm đến với sân khấu opera của thành phố New York, Mỹ.

Câu chuyện diễn ra trong thế kỷ XVIII ở Seville (Tây Ban Nha).

Các vai chính:

Bá tước Almaviva, tenor

Figaro, anh thợ cạo, baritone

Bartolo, bác sĩ, người giám hộ của Rosina, bass hoặc baritone

Rosina, học trò của ông, mezzo soprano hoặc soprano

Basilio, Thầy dạy nhạc của Rosina, bass

Bertha, quản gia của nhà bác sĩ Bartolo, mezzo soprano

Fiorello, người hầu của bác sĩ Bartolo, bass

Notarius, người lính, nhạc công, không hát.

Màn 1

Cảnh 1

Trên đường phố Seville, các nhạc công tụ tập đệm đàn cho bá tước trẻ Almaviva hát serenade (khúc nhạc chiều) cho người mình yêu là Rosina. Nhưng tất cả nỗ lực của họ không mang lại kết quả. Các nhạc công đã không thể mời Rosina bước ra. Cô bị bác sĩ già Bartolo “chăm sóc” kỹ. Sau đó, chúng ta nghe thấy đằng sau hậu trường giọng hát baritone vui tươi. Anh ta là Figaro, thợ hớt tóc đang ngâm nga một mình cho mọi người biết rằng anh là người cần thiết cho tất cả mọi người trong thành phố này. Bá tước có trong tay một khoản tiền, muốn thu hút Figaro đến giúp mình sắp xếp cuộc gặp với Rosina và họ bắt đầu phát triển một kế hoạch hành động. Nhưng các cuộc thảo luận đã bị gián đoạn vì bác sĩ già Bartolo đi ra, lầm bầm rằng ông định ngày hôm nay sẽ cưới Rosina. Bá tước và Figaro nghe thấy điều đó.

Bây giờ hai kẻ âm mưu quyết định hành động nhanh chóng. Lợi dụng lúc Bartolo vắng mặt, Almaviva một lần nữa bắt đầu hát một serenade, và lần này anh thể hiện bài hát với tên là Lindor (giai điệu này của Vincenzo Bellini). Rosina đáp lại, xuất hiện từ ban công nhưng đột nhiên nhanh chóng bỏ đi vì nghe thấy bước chân trong căn hộ của mình. Figaro tháo vát ngay lập tức đề ra những việc cần làm: Almaviva ngụy trang thành một người lính, nom như say rượu đi vào nhà và nói rằng trung đoàn của anh ta đã đóng quân trong thành phố, và anh ta sẽ sống ở đây. Bá tước thích ý tưởng này và cảnh 1 kết thúc với một bản song ca vui vẻ. Bá tước thì thể hiện niềm vui qua những triển vọng cho sự thành công của sự hợp tác với Figaro còn anh thợ cạo thì thích sự thành công của dự án vì nó mang lại thu nhập cho anh ta.

Cảnh 2

Bây giờ, các sự kiện diễn ra nhanh chóng và dữ dội ngay trong ngôi nhà của bác sĩ Bartolo. Rosina hát aria nổi tiếng “Una voce poco fa” (“Trong sự im lặng nửa đêm”). Rosina lần đầu tiên thú nhận tình yêu của mình với Lindor, người đã hát bản serenade, sau đó thề luôn luôn thuộc về anh, bất chấp sự phản đối của người giám hộ, người mà cô sẽ có thể đối phó. Cô tiếp tục nói về việc cô sẽ là một người vợ phục tùng tuyệt vời nếu chồng không tranh luận với cô. Nếu không, cô sẽ là một con quỷ. Sau aria, Rosina có cuộc trò chuyện ngắn nhưng thân mật với Figaro và bác sĩ Bartolo.

Tiếp theo là một aria lớn, có tên gọi là “La calunnia” (“Lời vu khống”). Don Basilio, thày dạy nhạc của Rosina nói với người bạn cũ của ông là bác sĩ Bartolo rằng bá tước Almaviva đang ở trong thị trấn và rằng bá tước là người tình bí mật của Rosina. Bartolo hỏi làm thế nào mà Basilio lại để mất uy tín thế. Basilio nói đã nghe thấy ai đó nói về chuyện này. Tiếp theo là một cuộc đối thoại dài giữa Figaro và Rosina, trong đó Figaro đã nói với cô gái rằng người đàn ông trẻ tuổi mang lòng yêu cô tên là Lindor, và sẽ là tốt nếu Rosina viết cho anh ta một lá thư.

Rosina thực sự đã viết một lá thư, và cô trao nó cho Figaro và nhờ ông đưa cho Lindor. Sau đó là một cuộc đối thoại ngắn, trong đó Rosina cố gắng “gửi nhầm” cho người giám hộ, nói với ông ta tất cả những điều vô nghĩa và dối trá. Ông ta đã thấy tất cả và hiểu. Chịu đựng cơn giận dữ bởi sự sỉ nhục đến nhân phẩm, bác sĩ Bartolo hát aria lớn thứ ba là “A un dottor della mia sorte” (To a doctor of my fate). Với một chuyên gia như ông, không thể làm như vậy, và ông đã quyết định giam Rosina trong phòng của cô.

Ngay sau đó, Almaviva cải trang thành một người lính kỵ binh, tạo dáng như một kẻ say rượu đến và nói rằng anh được bố trí ở trong nhà của bác sĩ Bartolo. Những phản đối của bác sĩ không có tác dụng, người lính rõ ràng say rượu và sẽ không thể có bằng chứng của sự chay tịnh từ vị bác sĩ. Anh ta bị đe dọa bởi thanh kiếm của mình, anh ta la hét và chửi bới. Nhưng, với tất cả những gì ông giám hộ có thể làm là bí mật cho Rosina biết rằng anh ta là Lindor. Tất cả mọi thứ biến thành một chấn động khủng khiếp, khi những người khác cùng tham gia như người giúp việc Berta, thợ hớt tóc Figaro, thày dạy nhạc Basilio. Bị thu hút bởi tiếng ồn, đám bảo vệ trong thành phố tiến tới tuần tra ngôi nhà. “Người lính” tưởng như bị bắt, nhưng viên sĩ quan chỉ huy đã nhận ra tên thật của “người lính” này. Màn 1 kết thúc với một điệp khúc chín giọng rực rỡ, trong đó mỗi người đều công nhận toàn bộ màn 1 là điên rồ.

Màn 2

Cảnh 1

Với khởi đầu của màn 2, sự nhầm lẫn chung thậm chí càng tăng. Bá tước Almaviva xuất hiện trong nhà của bác sĩ Bartolo dưới một hình hài mới: thày dạy nhạc mặc một chiếc váy màu đen và đội một chiếc mũ giáo sư thế kỷ XVII. Anh nói rằng anh đến thay cho Don Basilio bị bệnh và khẳng định sẽ dạy cho Rosina một bài nhạc. Vài giây sau, Figaro xuất hiện với túi đồ nghề hớt tóc. Figaro khẳng định, anh đến để hớt tóc cho bác sĩ. Và trong khi khuôn mặt của bác sĩ còn được phủ bọt xà phòng, đôi uyên ương đã sắp xếp để trốn thoát khỏi đây đêm nay.

Nhưng, Don Basilio xuất hiện. Tất nhiên, ông không bị bệnh. Nhưng, một ngũ tấu quyến rũ cất lên, thuyết phục ông ta rằng ông ta bị sốt, và ông đã lặng lẽ nhận tiền từ bá tước để về nhà “điều trị”. Tất cả những hành động khác thường khiến bác sĩ nghi ngờ và ở phần cuối của một hòa tấu tuyệt vời, ông đã đuổi hết mọi người ra khỏi nhà. Sau đó, người quản gia Bertha hát một bài hát ngắn về sự ngu dốt của tất cả người già, những người ở trong độ tuổi già nua của mình mà chưa kết hôn.

Cảnh 2

Tại thời điểm này, dàn nhạc miêu tả các cơn bão bên ngoài cửa sổ và chỉ ra rằng có một thời gian đã trôi qua. Bên ngoài cửa sổ bị mở toang, người đầu tiên là Figaro bước vào, theo sau là bá tước mặc một chiếc áo choàng. Họ đã sẵn sàng để chạy trốn. Nhưng trước tiên, họ phải thuyết phục Rosina rằng ý định của họ là cao quý bởi vì cho đến bây giờ cô ấy vẫn không biết rằng Lindor và Almaviva – là một người. Chẳng bao lâu, tất cả họ sẵn sàng để hát và chạy thoát khi họ đột nhiên phát hiện ra rằng không có cầu thang. Sau đó, họ hiểu ra rằng bác sĩ Bartolo đã cắt bỏ nó khi ông đi sắp xếp mọi việc trong đám cưới của mình với Rosina.

Khi Basilio và một công chứng viên được Bartolo điều đến, bá tước đã hối lộ họ để đăng ký kết hôn cho mình và Rosina. Bá tước hứa cung cấp cho Basilio một chiếc vòng; nếu không thì là hai viên đạn từ khẩu súng lục. Buổi lễ vội vàng gần như đã kết thúc thì bác sĩ Bartolo trở về, đi kèm với các sĩ quan và binh sĩ. Và bây giờ mọi thứ lại đâu vào đấy. Thậm chí bác sĩ đã đồng tình với kết quả này, khi bá tước đảm bảo với ông ta rằng không cần có của hồi môn của Rosina và ông ta có thể cứ giữ lấy nó. Vở opera buffa kết thúc như nó nên kết thúc với thể loại Comedy.

Nghe với:

LP: Rossini: The Barber Of Seville. Maria-Meneghini Callas (Rosina) và các ngôi sao khác; Philharmonia Orchestra And Chorus; Direction Of Alceo Galliera (LP của Angel Records).

(Nguồn: https://nguoiyeunhac.vn/)

Hành trình du ca của Trần Tiến

0
Hành trình du ca của Trần Tiến

(Tác giả: Minh Khuê)

Phim tài liệu “Màu cỏ úa” khắc họa chân dung nhạc sĩ Trần Tiến vừa ra mắt khán giả sau 5 năm nỗ lực của nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Thúy Lan.

“Màu cỏ úa” có thời lượng 80 phút, khắc họa nhạc sĩ Trần Tiến qua giọng kể của ông, của người thân, bạn bè và những ca khúc đậm chất tự sự đan xen các đoạn phim tư liệu cũ được lồng ghép khéo léo. Tất cả vẽ ra trước mắt khán giả một Trần Tiến lãng tử, say mê ca hát từ thời trẻ cho đến Trần Tiến trung niên vẫn mải mê bước du ca và một Trần Tiến khi sang tuổi thất thập. Một điểm chung là dù ở bất kỳ độ tuổi nào, sự thay đổi hoàn cảnh sống ra sao, Trần Tiến vẫn là một “gã du ca” hiếm có của làng nhạc Việt, có sức thu hút rất riêng ở mỗi nơi ông xuất hiện.

Hành trình du ca của Trần Tiến

Nhạc sĩ Trần Tiến trong phim tài liệu “Màu cỏ úa”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Trong “Màu cỏ úa”, nhạc sĩ Trần Tiến tự sự về chiến tranh, về Hà Nội và về biển qua hành trình đến nhiều tỉnh thành như Hà Nam, Hà Nội, Quảng Bình, Lâm Đồng… những nơi in dấu chân du ca của nhạc sĩ. Đạo diễn Nguyễn Thúy Lan nhấn mạnh vào ba yếu tố trên vì theo cô, ba yếu tố này dường như là những điều đậm đặc nhất, cũng chính là những yếu tố “tạo nên” con người Trần Tiến và âm nhạc của ông. Phim tài liệu mang đến sự hoài niệm khi nghe nhạc sĩ kể chuyện bằng âm nhạc, những ca khúc đại chúng mà chỉ cần vài nốt nhạc mọi người cũng sẽ biết và hát theo như: “Mặt trời bé con”, “Điệp khúc tình yêu”, “Tạm biệt chim én”… Chúng thường vang lên mộc mạc ở vỉa hè, những buổi lửa trại, ở quán ăn hay bất kỳ nơi nào trên đường phố.

Xem phim, khán giả còn cảm nhận được tình cảm, sức ảnh hưởng lớn mà Trần Tiến truyền tải cho người thân, bạn bè, đồng đội cùng những người trẻ say mê âm nhạc. Qua lời của nữ ca sĩ Trần Thu Hà – cháu gái của ông, khán giả càng hiểu rõ chân dung âm nhạc của Trần Tiến, một người nhạy cảm đến mức sợi tóc rơi cũng có thể tạo nên một ca khúc thì cớ gì tình yêu, mùa thu, dòng sông… lại không phải trở thành câu chuyện trong hàng loạt ca khúc khác của ông.

“Màu cỏ úa” không có quá nhiều kỹ thuật thuộc về điện ảnh bởi nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Thúy Lan chưa từng học qua trường lớp điện ảnh chính quy. Cô cùng những người bạn của mình thực hiện bộ phim với hơn 15 đợt quay trong suốt 5 năm bằng tất cả sự ngưỡng mộ nhạc sĩ Trần Tiến. Với tông màu đen trắng, những thước phim được thực hiện bằng nhiều loại máy quay khác nhau, đúng nghĩa “cây nhà lá vườn”. Tuy nhiên, nhờ vào sự mộc mạc, chân thật và hiểu được nhạc của Trần Tiến từ chính sự yêu mến của mình, Thúy Lan tạo ra tác phẩm dễ thương, chạm được cảm xúc người xem, giúp khán giả hiểu hơn về “gã du ca” của làng nhạc Việt.

(Nguồn: https://nld.com.vn/)

Hòa nhạc Dân gian trên Jazz / Dân gian trên dây

0

Hòa nhạc Dân gian trên Jazz / Dân gian trên dây

20:00 – 21:45, Thứ bảy, 19/12/2020
Phòng Hòa nhạc lớn – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
77 Hào Nam, Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội

Dân gian trên Jazz / Dân gian trên dây là chương trình hòa nhạc quy mô, táo bạo và độc đáo với sự kết hợp lần đầu tiên giữa nhạc truyền thống, nhạc jazz, dàn dây và dàn kèn đồng của giao hưởng, với sự tham gia trình diễn của hơn 40 nghệ sĩ tài năng.

Dân gian trên Jazz / Dân gian trên Dây là một sự tìm tòi để bắc nhịp cầu vừa quen vừa lạ cho những đối thoại Đông – Tây, trong đó nhạc jazz đóng vai trò kết nối giữa nhạc truyền thống và các thanh âm giao hưởng.

Trong số hơn 40 nghệ sĩ tham gia chương trình hòa nhạc có những tên tuổi gạo cội của nghệ thuật truyền thống như NSƯT Nguyễn Ngọc Khánh (kèn bóp – Tuồng) và NSƯT Nguyễn Văn Quý (trống chiến – Tuồng), NSƯT Nguyễn Minh Chí (trống – Chèo), NSND Đào Văn Trung (guitar – Cải lương), cùng các nghệ sĩ tài năng được biết đến trong nước và quốc tế như nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh (sáo pí); các nghệ sĩ nhạc jazz giàu kinh nghiệm và dàn nhạc mang hơi hướng giao hưởng dưới sự chỉ huy của nghệ sĩ cello tài năng Phan Đỗ Phúc.

Buổi hòa nhạc giới thiệu các tác phẩm được sáng tác mới thể hiện mong muốn chuyển tải được vẻ đẹp tinh túy, trữ tình uyển chuyển của các giai điệu Tuồng, Chèo, Cải lương và miền núi Tây Bắc, đồng thời dẫn dụ người nghe du hành vào không gian âm nhạc rộng mở hơn, phong phú hơn và đương đại hơn với cấu trúc mang tính ngẫu hứng của nhạc jazz kết hợp với khả năng biểu đạt phong phú và rộng lớn của dàn dây và dàn kèn đồng trong giao hưởng.

Dân gian trên Jazz / Dân gian trên Dây mời gọi khán giả đến với hành trình cảm xúc hỉ nộ ái ố, được dẫn dắt bởi nét bi ai, trầm lắng trong Hò chiến 7 (Tuồng), nét sôi nổi, vui tươi trong điệu Cách cú (Chèo), chất trữ tình da diết trong Nam Xuân (Cải lương), chất trong trẻo, nguyên sơ trong âm hưởng miền núi Tây Bắc.

Đảm nhiệm vai trò giám đốc âm nhạc của chương trình là nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc, “cây” saxophone hàng đầu Việt Nam, người luôn nghiên cứu và tìm kiếm các khả năng kết hợp khác nhau của Jazz với âm nhạc dân gian hay nhạc cụ truyền thống. Dân gian trên Jazz / Dân gian trên Dây là một mốc phát triển mới, đồng thời là một thử thách chuyên môn của anh cũng như các nghệ sĩ tham gia chương trình, cho dù là tuổi đời đã cao hay còn trẻ. Buổi hòa nhạc đánh dấu một chặng đường của nhóm nghệ sĩ trên con đường âm nhạc của họ, cho thấy nỗ lực tìm kiếm những khả năng mới để mở rộng và nối dài không gian của âm nhạc truyền thống bản địa. Và đây là dịp không thể phù hợp hơn nữa để những nghệ sĩ chia sẻ câu chuyện của họ với đông đảo khán giả.

Thông qua 6 tác phẩm với những chủ đề, câu chuyện, màu sắc cùng những hình thái cảm xúc khác nhau, khán giả sẽ cảm nhận được sự kết nối mạnh mẽ của nhiều khía cạnh trong âm nhạc, của truyền thống và hiện đại, của sự tự do và chuẩn mực; và hy vọng, là cả sự kết nối của âm nhạc với chính những gì sâu thẳm trong bản thân mỗi người.

(Nguồn: https://hanoigrapevine.com/)

Hòa nhạc thính phòng Romance, Impromtu – “Đôi cánh diệu kỳ”

0

Gồm các tác phẩm thuộc 2 thể loại Romance và Impromtu, dựa trên lời thơ của nhiều tác giả. Nhạc: Doãn Nho.

Hòa nhạc thính phòng Romance, Impromtu – “Đôi cánh diệu kỳ”

19h45 ngày 28/11/2020, Phòng Hòa nhạc nhỏ – 77 Hào Nam – Đống Đa – Hà Nội

Lời giới thiệu

Romance thuộc thanh nhạc, Impromtu thuộc khí nhạc, nhưng cả hai đều bắt nguồn từ thơ.

Nếu dựạ vào những bài thơ Việt Nam để viết ra những tác phẩm thuộc hai thể loại trên, chúng ta sẽ dễ dàng mang được bản sắc dân tộc, không chỉ ở Romance mà cả ở Impromtu – thể loại thuộc lĩnh vực nhạc không lời. Đây chính là một cách đi ngắn nhất giúp ta bước đầu sáng tạo nên ngôn ngữ nhạc không lời mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng truyền cảm, bởi xuất phát từ cách cảm, cách nghĩ của con người Việt Nam ẩn chứa trong lời thơ.

Buổi hòa nhạc này là một thể nghiệm, một gợi ý nhỏ nhằm đóng góp một phần nào vào quá trình tìm tòi sáng tạo của giới nhạc chúng ta.

Hy vọng với hai thể loại nhạc thuộc dạng thính phòng được trình bày đêm nay sẽ khích lệ chúng ta bay cao bay xa đúng như tên gọi của buổi hòa nhạc:

“Romance, Impromtu – Đôi cánh diệu kỳ”

BAN TỔ CHỨC

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

PHẦN I: Romance

1. “Lời khẩn cầu của gió” 

Nhạc và lời: Doãn Nho

Biểu diễn: NSND Quốc Hưng

2. “ Vợ lính”

Thơ: Dương Thúy Mỹ – Nhạc: Doãn Nho

Biểu diễn: Ca sĩ Phúc Tiệp

3. “ Hoa Lộc Vừng Hồ Gươm”

Thơ: Hiền Mặc Chất – Nhạc: Doãn Nho

Biểu diễn: Ca sĩ: Phương Uyên

4. “Có hai người”

Thơ: Khang Vại (Dân tộc Lự) – Dịch: Cầm Giang

Nhạc: Doãn Nho

Biểu diễn: Ca sĩ Lê Xuân Hảo

5. “Lời thề quyết tử”

Thơ: Vũ Tâm – Nhạc: Doãn Nho

Biểu diễn: Ca sĩ Phúc Tiệp

* Piano: NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó GS.TS Nguyễn Huy Phương

PHẦN II: Impromtu

– Bản Impromtu số 1 được viết từ cảm xúc khi đọc tập thơ “Tị nạn chiều” của nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thái

Biểu diễn: Nghệ sĩ Mai Anh Vũ

– Bản Impromtu số 2 được viết từ cảm xúc khi đọc lời thơ mang tính tuyên ngôn của Hoàng đế Quang Trung: “Đánh cho chúng biết nước Nam có chủ”

Biểu diễn: Nghệ sĩ Mai Anh Vũ

– Bản Impromtu số 3 được viết từ cảm xúc khi đọc bài thơ “Vịnh quả mít” của nhà thơ Hồ Xuân Hương

Biểu diễn: Nghệ sĩ Mai Anh Vũ

– Bản Impromtu số 4 được viết từ cảm xúc khi đọc bài thơ “Qua đèo ngang” của Bà Huyện Thanh Quan

Biểu diễn: NSƯT Trần Ngọc Bích

– Bản Impromtu số 5 được viết từ cảm xúc khi đọc bài thơ “Những giọt mưa đồng hành” của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha.

Biểu diễn: NSƯT Trần Ngọc Bích

* Giới thiệu và dẫn chương trình: Nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu

* Đạo diễn nghệ thuật: NS, NSƯT Doãn Nguyên

(Nguồn: http://hoinhacsi.vn/)

Cuộc vận động sáng tác ca khúc “Hát về biển đảo xanh Tổ quốc”

0

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM mở cuộc vận động sáng tác ca khúc với chủ đề “Hát về biển đảo xanh Tổ Quốc”.

Chương trình này đã nhận được sự đồng thuận ủng hộ và hợp tác tổ chức của chương trình Duyên dáng Việt Nam (gồm báo điện tử Duyên dáng Việt Nam và chương trình biểu diễn nghệ thuật Duyên Dáng Việt Nam), ông Nguyễn Quang Vinh – Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, ông Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch Hội đồng trường trường Đại học Văn Lang.

Cuộc vận động sáng tác “Hát về biển đảo xanh Tổ Quốc” sẽ nhận bài dự thi đợt 1 đến hết ngày 06/12/2020. Đêm trao giải và biểu diễn báo cáo dự kiến sẽ tổ chức tại Nhà hát Trịnh Công Sơn của Đại học Văn Lang.

Được biết, trong chuyến Caravan TP.HCM – Vũng Tàu vào ngày 24-25/7/2020 vừa qua, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM và Hiệp hội Nhựa Việt Nam đã công bố triển khai chương trình “Vì biển đảo xanh Tổ quốc”, diễn ra trong 3 năm 2020-2023.

Chương trình này được thực hiện với mục đích cùng chung tay bảo vệ môi trường biển, huấn luyện người dân và các chiến sĩ hải đảo các biện pháp cùng nhau giữ gìn biển xanh. Đồng thời, chương trình cũng kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng nhằm chăm lo cho bộ đội đang bảo vệ thềm lục địa của Tổ Quốc, hỗ trợ cải thiện điều kiện sống của các chiến sĩ hải đảo và nhà giàn DK; nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc giữ gìn môi trường biển, đảo; tuyên truyền công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường; đồng thời, tôn vinh những giá trị của đa dạng sinh học, đại dương với sự sống nhân loại.

Nhằm đưa các giá trị này lan tỏa nhanh thông qua các hình thức nghệ thuật, chương trình Hát về biển đảo xanh tổ quốc mong muốn tìm kiếm những ca khúc mới mang tính nghệ thuật cao, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, con người vùng biển, đảo và nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, dễ thuộc, dễ hát để công chúng có thể biểu diễn dưới nhiều hình thức đơn ca, song ca, tốp ca…

Cuộc vận động sáng tác ca khúc với chủ đề “Hát về biển đảo xanh Tổ Quốc”  khuyến khích các bài hát ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, nói lên vị trí, vai trò của biển và hải đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đánh giá tiềm năng, thế mạnh của biển và hải đảo Việt Nam và vấn đề khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển và hải đảo; thực trạng môi trường biển hiện nay và công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường biển, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Thể lệ dự thi chương trình được quy định như sau:

– Bài hát dự thi có đề tài theo như thông báo “Hát về biển đảo xanh Tổ quốc”. Bao gồm các thể loại: đơn ca, song ca, tốp ca. Độ dài không quá 4 phút 30 giây (bao gồm lặp lại, không tính nhạc mở đầu).

– Các tác phẩm tham gia Cuộc vận động phải là ca khúc chưa được trao giải thưởng tại các cuộc thi cấp quốc gia, không có sự tranh chấp về bản quyền tác phẩm, quyền tác giả.

– Mỗi tác giả tham gia Cuộc vận động được gửi tối đa 05 tác phẩm dự thi.

– Tác phẩm gửi dự thi bao gồm: bài hát được thu sẵn demo có giọng hát (lưu trữ dạng mp4) và văn bản ca khúc (bản ký âm có lời bài hát) được đánh máy hoặc viết tay.

Lưu ý: Trong trường hợp tác giả không thực hiện được bản demo lưu trữ dưới dạng mp4 thì tác giả cần gửi về BTC bản audio (lưu trữ dạng mp3) được thu sẵn kèm hình ảnh của chính tác giả và văn bản ca khúc (bản ký âm có lời bài hát) được đánh máy hoặc viết tay để BTC hỗ trợ thực hiện bản demo theo yêu cầu của chương trình.

– Tác phẩm dự thi gửi về Ban tổ chức ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, điện thoại, tên bài hát qua địa chỉ email: vibiendaoxanhtoquoc@gmail.com.

– BTC không chịu trách nhiệm về các ca khúc tham dự không đúng thời hạn và những thất lạc trong quá trình tác giả gửi ca khúc tham dự về BTC.

– Các tác phẩm dự thi gửi về sẽ được BTC đăng trên trang Fanpage của chương trình “Vì biển đảo xanh Tổ Quốc”.

– BTC được quyền sử dụng các ca khúc dự thi và đoạt giải đoạt giải cho mục đích tuyên truyền, đối ngoại, in ấn các tài liệu quảng bá tiếp thị vì mục đích thương mại trong và sau cuộc thi phục vụ chương trình Vì biển đảo xanh Tổ quốc.

– Tác giả chịu trách nhiệm về tính chính xác các thông tin trong bài viết và bản quyền bài viết.

– Những tác phẩm gửi dự thi sớm sẽ là lợi thế BGK cộng điểm xét quý, giải chung cuộc.

Dự kiến, BTC sẽ tổ chức Đêm nhạc báo cáo đợt 1 vào cuối tháng 12/2020.

(Nguồn: https://thegioimoitruong.vn/)

Bồi hồi nghe lại liên khúc về thầy cô, mái trường nhân ngày 20-11

0
Bồi hồi nghe lại liên khúc về thầy cô, mái trường nhân ngày 20-11

(Tác giả: Tiến Vũ)

Những bài hát về thầy cô, mái trường gắn bó với bao thế hệ học sinh được các bạn trẻ nhóm hợp xướng Saigon Choir khoác lên chiếc áo mới lạ, hấp dẫn trong MV ‘Thầy cô cho em mùa xuân’.

Bồi hồi nghe lại liên khúc về thầy cô, mái trường nhân ngày 20-11

Quá trình thực hiện MV này kéo dài hơn hai tháng và gặp nhiều khó khăn – Ảnh: SGC

Thầy cô cho em mùa xuân là sản phẩm âm nhạc được các bạn trẻ nhóm hợp xướng Saigon Choir thực hiện để gửi tặng các thầy cô giáo nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11.

Trong MV, Saigon Choir thể hiện bảy bài hát theo hình thức liên khúc, trong đó các bài đều chỉ chọn hát những đoạn có lời ca phù hợp theo tiến trình câu chuyện và thông điệp mà nhóm muốn truyền tải đến khán giả.

Những giai điệu gắn bó với bao thế hệ học sinh đưa người nghe trở về miền ký ức với phấn trắng, bảng đen năm nào như Cô và mẹ, Tháng năm học trò, Mái trường mến yêu, Bài học đầu tiên, Bụi phấn, Nhớ ơn thầy cô hay Thầy cô cho em mùa xuân.

MV Thầy cô cho em mùa xuân – Nguồn: Facebook Saigon Choir

“Nhóm làm mới những ca khúc đã nổi tiếng từ rất nhiều năm bằng cách thổi vào đó hơi thở hiện đại của phần hòa âm hòa khí và cách dựng bè khéo léo sao cho vừa thể hiện được cái hay của các thể loại hát tập thể như hợp xướng acapella, tốp ca, đồng ca, vừa giữ được tính chất trong sáng, nhẹ nhàng mà khán giả đã quen thuộc mỗi khi nghe những giai điệu ấy.

Qua đó, chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới quý thầy cô, những người quan trọng trong cuộc đời mỗi người mà nếu không có họ thì sẽ không có chúng ta của ngày hôm nay” – thạc sĩ Huỳnh Quang Thái, người chỉ huy nhóm hợp xướng, chia sẻ về MV.

Tên MV Thầy cô cho em mùa xuân đã nói lên thông điệp mà nhóm muốn truyền tải rằng thầy cô là những người đã mang đến cho chúng ta mùa xuân với những hạt giống khởi đầu cho cuộc sống – Ảnh: SGC

Kết hợp âm nhạc là phần hình ảnh như những thước phim tua chậm đưa người xem quay trở lại những năm tháng cắp sách tới trường, làm sống dậy những ký ức tươi đẹp của thời học sinh đầy hồn nhiên, thơ mộng.

“Khi trưởng thành con người ta mới thấu hiểu và trân quý những phút giây được cắp sách tới trường. Cảm ơn nhóm đã cho tôi những phút giây hoài niệm với cảm xúc khó tả, có buồn, có vui, có háo hức và cũng có cả nuối tiếc”, một khán giả để lại bình luận khi xem MV.

Saigon Choir được sáng lập từ năm 2016 bởi thạc sĩ – giảng viên thanh nhạc Huỳnh Quang Thái, hiện đang hoạt động dưới sự bảo trợ của Nhạc viện TP.HCM.

Saigon Choir được các chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc đánh giá là dàn hợp xướng hàng đầu Việt Nam hiện nay.

Nhóm đã đoạt giải vàng tại Hội thi hợp xướng quốc tế lần thứ 5 do Interkultur (Đức) tổ chức tại Hội An năm 2017. Tính đến nay, Saigon Choir đã tổ chức thành công bốn buổi hòa nhạc riêng và tham gia biểu diễn cùng nhiều dàn hợp xướng đến từ các nước Mỹ, Ba Lan, Đức.

(Nguồn: https://tuoitre.vn/)

Thương sao điệu lý quê nhà!

0
Thương sao điệu lý quê nhà!

(Tác giả: Gia Tuệ)

Thương sao điệu lý quê nhà!

Dân ca Nam bộ là dòng âm nhạc dân gian đã từng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam bộ, khởi nguồn từ thuở cha ông ta mở mang bờ cõi vào vùng sông nước miền Tây. Dân ca Nam bộ rất phong phú về thể loại: Hò, lý, hát đồng dao, nói thơ, nói vè, hát đưa em, hát huê tình, hát ru…, tất cả tạo nên một kho tàng văn hóa với giá trị nghệ thuật độc đáo; trong đó, lý là thể loại rất thịnh hành trong sinh hoạt đời sống tinh thần của nhân dân lao động ở Tiền Giang.

Nét đẹp của những điệu lý

Lúc nhỏ, hẳn nhiều người được nghe mẹ hoặc bà hát ru với những câu hò, điệu lý đã ăn sâu vào tiềm thức. Ví như, điệu lý “Đố ai kiếm được cái vảy con cá trê vàng, cái gan con tép bạc, mấy ngàn anh cũng mua. (…) Chẳng thương cái cổ em có hột xoàn, thương em áo vá giẻ, vá quàng tứ thân…” .

Hay lý áo vá quàng: “Áo vá vai, ai không biết / Áo vá quàng, chí quyết vợ anh”. Lý áo vá quàng là 1 trong 21 bài lý đã được lưu truyền rộng rãi bằng phương thức truyền miệng trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt văn hóa, lễ hội của người dân Nam bộ.

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, do Hoàng Phê chủ biên, ghi nhận từ “vá quàng” như sau: “Vá quàng” (phương ngữ) là “áo dài kiểu cũ, đã vá thay vai và một phần ống tay bằng vải khác”. Theo lý giải của ông bà ta, do người xưa thường muốn tạo kiểu mới cho chiếc áo nên các mẹ, các chị thường may ráp vải khác vào áo hoặc vì túng thiếu không đủ tiền mua một tấm vải lớn nên đắp mảnh vải khác vào vai thể hiện cuộc sống tần tảo, khó khăn nhưng vẫn tìm mọi cách để cải thiện cuộc sống, vươn lên và lạc quan trong lao động.

Theo Báo cáo nghiên cứu khoa học về một số loại hình văn hóa phi vật thể tại Tiền Giang, do nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Ngọc Minh chủ nhiệm: Lý là điệu hát thoát thai từ ca dao, chinh phục đông đảo quần chúng do đề tài và nội dung phong phú, phản ánh mọi khía cạnh sinh hoạt hằng ngày ở nông thôn Việt Nam, ca ngợi cuộc sống và khát vọng hạnh phúc của con người.

Lý vùng Tiền Giang khá phong phú, với hàng chục điệu lý, nhưng phổ biến có thể kể đến các điệu lý sau: Lý cây ổi, lý cây khế, lý trái mướp, lý đương nệm, lý con sáo, lý quy phụng, lý hò khoan, lý áo vá quàng, lý trăng soi…; có thể bất cứ loại trái cây, hoa, quả hay vật dụng nào hoặc hoạt động nào đều có thể đặt tên cho lý, như: Lý qua cầu, lý bánh bò…

Về nghệ thuật hát lý: Lý có nhạc tính hơn hò, do lý thoát thai từ ca dao. Ca từ chính là những câu ca dao, phong dao, được đệm lót thêm một số nhóm từ, cụm từ, tuy là hư từ, sáo rỗng vô nghĩa nhưng lại rất cần, nhằm ngâm nga, đưa đẩy hỗ trợ làn hơi.

Có thể hiểu, hát lý là vừa kể vừa hát và hát theo điệu ca ngâm; mà ca ngâm thì muôn màu muôn vẻ, thành ra hát lý có rất nhiều điệu. Mỗi bài lý là một điệu, nên người ta có thể sáng tác rất nhiều bài với nhiều điệu lý khác nhau…

Thật vậy, từ xa xưa, ông cha ta đã có câu tổng kết: Nam lý, Bắc thơ, Huế hò. Theo Trương Vĩnh Ký, thì người trong Nam hát lý hay hơn cả. Lý có nguồn gốc từ lối hát giao duyên, hình thức hát giao duyên đã trở thành cốt cách của hát ghẹo, hát đúm, hát trống quân, hát quan họ… Do vậy, có thể lý đã tách khỏi lối hát truyền thống, theo bước chân của những người di dân từ thế kỷ XVI vào châu Ô, châu Lý, để sau đó đâm chồi nảy lộc, khai sinh ra nhiều làn điệu khác nhau ở Nam bộ từ sau thế kỷ XVII.

Gìn giữ bản sắc văn hóa

Có thể nói, lý là những khúc hát bình dị, nội dung phản ánh nhiều khía cạnh, hiện tượng của đời sống, mọi trạng thái tình cảm và ước mơ của quần chúng nhân dân. Ở Tiền Giang có các điệu lý khá phổ biến như: Lý trái mướp, lý đương đệm, lý con sáo, lý hò khoan, lý áo vá quàng, lý trăng soi… Những điệu lý này trong nhiều năm qua được sử dụng nhiều trên sân khấu biểu diễn.

Theo Đề tài nghiên cứu nói trên của ông Nguyễn Ngọc Minh, bên cạnh những tương đồng với lý của các địa phương khác, lý vùng Tiền Giang có những tiểu dị, tuy không nhiều, nhưng đã nói lên sự sáng tạo nghệ thuật diễn xướng độc đáo của cư dân vùng Tiền Giang trong những thế kỷ trước, đặc biệt là thế kỷ XIX, XX.

Ngày nay, ở Tiền Giang các điệu lý vẫn còn được nhiều người yêu thích và thường được trình diễn ở các hội thi, hội diễn liên hoan, vừa phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa tuyên truyền để thế hệ trẻ ý thức và giữ gìn.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Mỹ Nương, chia sẻ: “Những làn điệu mượt mà, sâu lắng của các bài lý, câu hò hay bài vọng cổ đã gắn liền với vùng sông nước miền Tây nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Do đó, đoàn viên, thanh niên hát dân ca, vọng cổ không chỉ thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, mà còn chung tay gìn giữ những nét đẹp đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn phát triển chung của đất nước hiện nay, việc xây dựng các phong trào văn hóa – văn nghệ luôn là một trong những hoạt động thiết thực, bổ ích để giúp đoàn viên, thanh niên phát huy những kỹ năng sinh hoạt tập thể, qua đó mở rộng mặt trận tập hợp, đoàn kết thanh niên trên các lĩnh vực; đồng thời, góp phần bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc như: Làn điệu dân ca, điệu lý, câu hò hay những bài vọng cổ đã đi vào lòng người mộ điệu…”.

(Nguồn: https://vanhien.vn/)

Tùng Dương “rock thử nghiệm” với Hà Trần, Bùi Lan Hương và Ngọt

0

(Tác giả: Thanh Thanh)

Liveshow “Con người” của Tùng Dương sẽ là sự kết hợp của âm nhạc tôn vinh và thử nghiệm, mang tới một làn gió mới cho chính sự nghiệp của nam ca sĩ.

Album “Human” – bước chuyển mình mới mẻ về âm nhạc và tư duy

Sau thời gian dài ấp ủ thực hiện một album với concept nguyên bản, Tùng Dương đã đến giai đoạn cuối trong quá trình cho ra mắt album “Human”. Với Tùng Dương, đây là một album đặc biệt, đánh dấu bước chuyển mình mới mẻ cả về âm nhạc cũng như về tư duy, tính triết lý, chiêm nghiệm cuộc đời.

Ở album này, Tùng Dương mang đến biên độ rộng lớn và mạnh mẽ của rock thập niên 70, cụ thể là progressive rock, kết tụ tinh tuý từ những dòng nhạc rock kinh điển (classic rock) với nhạc cổ điển, áp dụng những kỹ thuật chơi nhạc cụ, kỹ năng thể hiện giọng hát, cùng những hiệu ứng âm thanh mới mẻ để tạo ra một không gian âm nhạc hoành tráng, lộng lẫy.

Ca sĩ Tùng Dương. (Ảnh: Hòa Nguyễn)

Sau những thử nghiệm với dân gian đương đại trong “Chạy trốn”, new age với “Những ô màu khối lập phương”, nhạc điện tử với “Li ti” và world music trong “Độc đạo”, sự “dấn thân” vào rock của Tùng Dương không phải là điều quá mới mẻ, khiến khán giả phải ngỡ ngàng. Bởi, dù hát thể loại gì, trong Tùng Dương luôn có một tinh thần rất rock – rất máu lửa, nhiệt huyết nhưng có những nốt lắng nhất định. Tuy nhiên, ở album này, điều khiến sự thử nghiệm của Tùng Dương mang tính mạo hiểm hơn lại chính là đề tài “Con người”.

Đây là một đề tài rất rộng lớn với nhiều tầng sâu đa nghĩa, tính triết lý, nhân văn với muôn nghìn sắc thái biểu hiện. Liệu trong một album, Tùng Dương có lột tả được hết hình ảnh “con người”?

Nói về album, Tùng Dương chia sẻ: “Ở tuổi gần 40, tôi tự thấy bản thân chín chắn, hiểu mình, hiểu người hơn rất nhiều so với thuở đôi mươi. Cuộc đời và sự sáng tạo nghệ thuật của tôi phát triển theo chiều sâu nhiều hơn. Đó là lý do để tôi trở về tìm hiểu, đào sâu hơn về chính mình. “Human” là hành trình của con người trên thế gian, từ khi sinh ra rồi trải qua bao kiếp nạn trong đời, là những lát cắt cuộc đời được đem ra soi xét, mổ xẻ qua từng ca từ với những câu chuyện riêng biệt”.

Tùng Dương “rock thử nghiệm” với Hà Trần, Bùi Lan Hương và Ngọt

Một điều nữa khiến Tùng Dương chọn con người làm chủ thể cho album mới, đó là vì cả nhân loại đã trải qua một năm 2020 với những biến động không ngừng, thiên tai và dịch bệnh làm chúng ta cảm thấy quý giá tình người hơn bao giờ hết.

“Giữa những thử thách khắc nghiệt như lúc này, khi mà những đợt giãn cách, phong toả làm thay đổi cách chúng ta sống và làm việc bao năm qua, thì cũng là lúc chúng ta có thời gian suy nghĩ, chiêm nghiệm về ý nghĩa cuộc sống. Con người dù là sinh vật ưu tú nhất của quá trình tiến hoá cũng có lúc trở nên thật nhỏ bé, bất lực trước thiên nhiên, dịch bệnh. Nhưng không vì thế mà mỗi người buông xuôi. Chính tình người, chính những tình cảm thiêng liêng mà chỉ con người mới có, sẽ cứu rỗi chúng ta’’ – Tùng Dương chia sẻ.

Album “Human” cũng là tiền đề để Tùng Dương thực hiện liveshow “Con người” diễn ra vào ngày 28, 29/11 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô – Hà Nội.

Liveshow của sự tôn vinh và thử nghiệm

Với liveshow “Con người”, Tùng Dương xây dựng theo ý tưởng tôn vinh những tình cảm đẹp đẽ mà mỗi người chúng ta dành cho nhau, đặc biệt tôn vinh ý nghĩa lớn lao nhất mà chúng ta sinh ra để sống – đó là được làm một con người chân chính, sống để cống hiến, để sáng tạo, để lại những dấu ấn cho một kiếp người.

Bởi vậy, phần 1 sẽ dành để Tùng Dương thể hiện sự tri ân với những nhạc sĩ đã làm nên một phần quan trọng của lịch sử nhạc Việt đương đại, cùng những nhạc sĩ đã góp phần để cái tên Tùng Dương toả sáng như hiện nay.

Khán giả sẽ được nghe lại một số những bài hát tiêu biểu của các nhạc sĩ trong nhóm “Bộ tứ sông Hồng” (Phó Đức Phương, Trần Tiến, Dương Thụ, Nguyễn Cường) chưa được trình diễn trong liveshow lần trước cùng những bài hát của Lê Minh Sơn, Đỗ Bảo, Nguyễn Vĩnh Tiến… – những nhạc sĩ mà âm nhạc của họ có sự gắn bó đặc biệt với sự nghiệp của Tùng Dương, mà hơn cả là sự đồng điệu trong tâm hồn và tư duy âm nhạc mang tính đột phá.

Sang đến phần 2, Tùng Dương sẽ có một bước thử nghiệm rock cùng với khách mời là Bủi Lan Hương và ban nhạc Ngọt. Đây có lẽ là điều đáng mong chờ nhất của liveshow lần này, bởi ít ai có thể hình dung sự kết hợp của Tùng Dương – âm nhạc đầy năng lượng, dữ dội với các nghệ sĩ indie mà âm nhạc thiên về sự giản dị, ngẫu hứng gần gũi với khán giả trẻ.

Ngoài ra, Tùng Dương cũng tiết lộ, một gương mặt “không thể thiếu” trong liveshow lần này chính là Hà Trần. Giữa anh và nữ ca sĩ có sự đồng điệu về âm nhạc, đều là những cá tính dị biệt, sáng tạo không mệt mỏi.

Ở phần cuối chương trình, Tùng Dương sẽ lần đầu trình diễn những tác phẩm trong album “Human”. Khán giả sẽ được xem Tùng Dương “rock” trong giai đoạn sung sức nhất của sáng tạo như thế nào.

Dù được chia thành 3 phần, nhưng chương trình sẽ có sự đan xen giữa các phần để làm nên một không gian âm nhạc độc đáo, đưa khán giả qua những trải nghiệm thú vị liên tiếp với những thăng hoa bất ngờ. Tùng Dương hứa hẹn, sẽ có một số tiết mục đặc biệt cho thấy biên độ âm nhạc trải rộng qua nhiều thể loại, với những sự kết hợp đủ mang lại sự bùng nổ về cảm xúc cho cả nghệ sĩ trình diễn và khán giả./.

(Nguồn: https://vov.vn/)