Thứ Ba, Tháng Mười 22, 2024
Trang chủ Blog Trang 73

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM MỚI THÁNG 11/2020

0

Tác giả: Quỳnh Anh

Vào sáng ngày 15/11/2010 tại Hội trường Hội Âm nhạc Hà Nội, số 19 Hàng Buồm – Hà Nội đã diễn ra chương trình Giới thiệu Tác phẩm mới tháng 11/2020.

Chương trình với chủ đề “Lãng đãng thu hà Nội”. Chỉ đạo nghệ thuật: NS Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, Biên tập: NS Bá Môn, Kịch bản và MC: NS Nguyễn Tiến Mạnh, Kỹ thuật: Đình Hậu & NS Minh Đức

Đến tham dự chương trình có NS Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, NS Bá Môn – PCT, NS Nguyễn Quang Vinh – PCT, NS Hồ Trọng Tuấn – PCT, NS Cát Vận – PCT Hội đồng nghệ thuật cùng đông đảo các nhạc sĩ là hội viên của Hội Âm nhạc Hà Nội.

Mặc dù trời mưa to và thời tiết se lạnh, nhưng Hội trường vẫn đông kín chỗ ngồi và dường như mái nhà chung của các nhạc sĩ Thủ đô Hà Nội trở nên ấm áp hơn bởi những giai điệu âm nhạc được vang lên.

Chương trình Giới thiệu Tác phẩm mới của Hội Âm nhạc Hà Nội là hoạt động cố định vào ngày 15 hàng tháng và đã trở thành điểm hẹn của các nhạc sĩ hội viên. Đây là dịp để các nhạc sĩ có thể giới thiệu thành quả lao động nghệ thuật của mình cũng như chia sẻ về chuyên môn sáng tác và những tâm tư trong cuộc sống đời thường.

Sau đây là một số hình ảnh của chương trình.

Góc nhìn mới về Hà Nội qua đôi mắt một rapper Anh

0
Góc nhìn mới về Hà Nội qua đôi mắt một rapper Anh

(Tác giả: Trung Hiếu)

Rapper người Anh, Ian Paynton, tác giả của hai bản rap Ôi Giời ơi và Find me in the mountains vừa phát hành video mới với tựa đề The Charming Beast. Bản rap mô tả những trải nghiệm của anh sau gần một thập kỷ sống tại thủ đô xinh đẹp của Việt Nam với tư cách là một cư dân nước ngoài.

Góc nhìn mới về Hà Nội qua đôi mắt một rapper Anh

Rapper người Anh, Ian Paynton

Video âm nhạc The Charming Beast có sự tham gia của hai đạo diễn người Pháp, Vincent Baumont và Charly Zach. Theo rapper đến từ xứ xở sương mù, bản rap miêu tả “mối quan hệ” của anh với thành phố Hà Nội từ những ngày đầu tiên anh tới đây, với tư cách là một du khách vào năm 2005. Đối với Ian, “mối tình” với Hà Nội là một tình yêu thuần khiết, đầy sự phấn khích, nhưng cũng không thiếu những bối rối.

Bên cạnh nguồn cảm hứng là chân dung của những cư dân, những nghệ sĩ và nhạc sĩ của Hà Nội, Ian cũng chia sẻ về câu chuyện đằng sau tựa đề của bản rap: “Hà Nội là một thành phố mà ta không thể đoán trước, đầy quyến rũ, lãng mạn nhưng lại hỗn loạn, kỳ quặc và không thiếu những mâu thuẫn. Có thể nói, thành phố này là một “con quái vật quyến rũ” mà tôi không thể không ở lại và khiêu vũ với nó, mặc dù đôi khi việc này rất khó khăn”. Ian chia sẻ thêm: “Tôi nghĩ rằng rất nhiều người, bao gồm cả người ngoại quốc tại Việt Nam và người Việt Nam có thể liên tưởng đến trải nghiệm của tôi với Hà Nội… đó là ý định của tôi khi phản ánh chân dung của những người cũng đang “khiêu vũ” với con quái vật quyến rũ này”.

Với những cảnh quay chân thực trên góc phố cổ quen thuộc, trên chiếc thuyền nổi giữa sông Hồng, những góc nhìn từ trên cao của những tòa nhà vô chủ, Ian và nhóm sản xuất đã thể hiện một khía cạnh khác của Hà Nội, một khía cạnh mà họ tin rằng những ai thực sự hiểu thành phố này đều có thể liên tưởng tới; không gian vũ trụ, sự rung cảm mạnh mẽ đối với thành phố chứ không chỉ dừng lại ở những đoá hoa mùa thu, xích lô hay áo dài…

Bản rap đầu tiên Ối giời ơi của Ian Paynton ra mắt năm 2012 đã trở thành một bản hit với hàng triệu lượt xem trên Youtube. Năm 2019, Ian hợp tác với beatboxer Việt Nam TuanSS và cho ra mắt video thứ hai , được quay ở Hà Giang. Sản phẩm mới nhất The Charming Beast do M.Shermbeatz sản xuất, là bản rap thứ ba của Ian bao gồm bốn bài hát rap về Hà Nội và sẽ sớm được phát trực tuyến trên nền tảng Spotify.

Cả ba video hiện đang được phát trên trên kênh YouTube của Ian. Bản rap thứ tư Em yêu anh dự kiến phát hành vào năm sau, sẽ là một mảnh ghép hoàn hảo cho dự án âm nhạc mà Ian thực hiện trong thời gian rảnh rỗi bên cạnh công việc chính là nhà sáng lập của một công ty quảng cáo nội dung.

(Nguồn: http://vanhoaonline.com.vn/)

Thể lệ cuộc thi sáng tác ca khúc về phụ nữ Vĩnh Phúc

0
Thể lệ cuộc thi sáng tác ca khúc về phụ nữ Vĩnh Phúc

Thể lệ cuộc thi sáng tác ca khúc về phụ nữ Vĩnh Phúc

I. CHỦ ĐỀ SÁNG TÁC

Vai trò, đóng góp của người phụ nữ Vĩnh Phúc trong quá trình phát triển của quê hương, đất nước.

II. ĐỐI TƯỢNG, SỐ LƯỢNG, THỜI GIAN

1. Đối tượng

Các nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trên cả nước

2. Số lượng

Mỗi tác giả gửi 01 ca khúc tham gia dự thi

3. Thời gian

– Thời gian dự thi và gửi tác phẩm: từ tháng 10/2020 đến hết tháng 02/2021

– Thời gian chấm tác phẩm dự thi: Tháng 02/2020

– Tổng kết và trao giải cuộc thi: Dịp 08/3/2021

III. NỘI DUNG

1. Yêu cầu đối với tác phẩm dự thi

– Lời ca bằng tiếng Việt, trong sáng, dễ nhớ, dễ thuộc mang tính cộng đồng cao; ca từ và nội dung không vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc, nằm trong khuôn khổ cho phép của pháp luật và bám sát chủ đề sáng tác

– Giai điệu đẹp và sáng tạo.

– Tác phẩm dự thi được thể hiện bằng bản ký âm (ghi rõ tác giả phần lời và phần nhạc) được đánh máy hoặc viết tay rõ ràng trên khổ giấy A4, font chữ Times New Roman, cỡ chữ 14, kèm theo đĩa CD hoặc USB thu âm tác phẩm (nếu có).

2. Thời gian

– Thời gian dự thi và gửi tác phẩm: bắt đầu từ tháng 10/2020 đến hết tháng 01/2021 (theo dấu bưu điện hoặc ngày chuyển email).

– Tổng kết và trao giải cuộc thi: Dịp 08/3/2021

3. Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi

– Ban Tuyên giáo – Chính sách luật pháp, Hội LHPN tỉnh Vĩnh Phúc (Số 8, đường Trường Chinh, phường Đống Đa, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc)

(Ngoài bìa tác phẩm dự thi ghi rõ tham gia Cuộc thi sáng tác ca khúc về phụ nữ Vĩnh Phúc)

– Hoặc qua địa chỉ email: bantuyengiaopnvp@gmail.com

IV. CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG

– 01 giải Nhất: trị giá 15 triệu đồng

– 02 giải Nhì: trị giá 10 triệu đồng

– 03 giải Ba: mỗi giải trị giá 08 triệu đồng

– 03 giải Khuyến khích: mỗi giải trị giá 05 triệu đồng

– Các tác phẩm tham gia đều được nhận 01 phần quà từ Ban Tổ chức

V. CÁC QUY ĐỊNH KHÁC

1. Quy định chung

– Tác phẩm dự thi ghi rõ tên tác giả, nghệ danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, số điện thoại liên lạc.

– Tác phẩm dự thi là những sáng tác mới, chưa được công bố dưới bất kỳ hình thức nào, bất kỳ ở đâu, không có tranh chấp về bản quyền. Nếu phát hiện tác phẩm được giải mà vi phạm các quy định trên, Ban Tổ chức sẽ thu hồi giải thưởng.

– Tác phẩm dự thi không được vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc.

– Tác phẩm không được giải sẽ không trả về cho tác giả.

– Ban Tổ chức Cuộc thi không chịu trách nhiệm với sản phẩm trong quá trình vận chuyển khi chưa nhận được sản phẩm dự thi.

– Kết quả chấm chọn giải thưởng của Ban Giám khảo là kết quả chung cuộc.

– Ban Tổ chức cuộc thi (Hội LHPN tỉnh Vĩnh Phúc) có quyền lưu giữ các tác phẩm dự thi và đĩa CD/USB thu âm, không trả lại cho tác giả; có quyền sử dụng các tác phẩm đạt giải cho mục đích tuyên truyền, giới thiệu trong các hoạt động của Hội.

– Các thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, tổ thư ký không được tiết lộ thông tin về kết quả cuộc thi trước khi những kết quả này được công bố tại Hội nghị tổng kết và trao thưởng Cuộc thi.

– Thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, tổ thư ký không được tham gia dự thi.

2. Quy định đối với thí sinh dự thi

– Thí sinh không được phép phát ngôn sai sự thật, đăng tải các thông tin không chính xác về cuộc thi. Nếu thí sinh có phát ngôn hay đăng thông tin sai, làm ảnh hưởng đến uy tín của cuộc thi thì sẽ bị Ban Tổ chức loại khỏi cuộc thi. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật;

– Thí sinh chịu trách nghiệm về bản quyền tác phẩm, trong trường hợp phát sinh tranh chấp hay khiếu kiện liên quan đến cuộc thi, Ban Tổ chức sẽ trực tiếp giải quyết, quyết định của Ban Tổ chức sẽ là quyết định cuối cùng;

– Thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của thông tin. Nếu cung cấp thông tin không đúng sự thật cho Ban Tổ chức, thí sinh sẽ bị loại hoặc tước giải thưởng ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc thi, kể cả sau khi đã trao giải.

VI. KHIẾU NẠI VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI

Nếu phát hiện tác phẩm dự thi đạt giải thưởng chính thức có vi phạm tranh chấp về bản quyền thì có quyền thông báo đến Ban Tổ chức. Thông báo này phải được lập bằng văn bản có chữ ký của người khiếu nại, ghi rõ họ tên, địa chỉ kèm theo photo Chứng minh thư nhân dân/Thẻ căn cước công dân của người khiếu nại gửi cho Ban Tổ chức Cuộc thi. Việc gửi thư khiếu nại phải được thực hiện trong vòng 01 tháng kể từ ngày công bố, trao giải. Quá 01 tháng sẽ không được xem xét giải quyết.

Các thí sinh dự thi nếu không nhất trí với kết quả chấm chọn của Ban Giám khảo thì có quyền khiếu nại lên Ban Tổ chức cuộc thi bằng văn bản. Chỉ có Ban Tổ chức cuộc thi mới có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của các thí sinh (nếu có) và giải quyết. Quyết định của Ban Tổ chức cuộc thi là quyết định cuối cùng.

(Nguồn: https://vinhphuc.gov.vn/)

(Kế hoạch số 102/KH-BTV ngày 12/10/2020 của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc)

Thẩm định tác phẩm mới tháng 11/2020

0
Tác giả: Quỳnh Anh
Hội đồng Nghệ thuật Hội Âm nhạc Hà Nội đã tổ chức cuộc họp vào sáng ngày 29/10/2020 để thẩm định những tác phẩm mới của các hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội, chuẩn bị cho chương trình Giới thiệu Tác phẩm mới sẽ được diễn ra vào ngày 15/11/2020 tại Ngôi nhà chung của các nhạc sĩ Thủ đô, số 19 Hàng Buồm.
Đến tham dự gồm có: NS Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, NS Lân Cường – PCT Thường trực, NS – Bá Môn – PCT Hội, Vũ Thiết, Tiến Mạnh – Tổng BT website: hoiamnhachanoi.org và bà Tố Hoa – thư ký hội đồng nghệ thuật. Với không khí làm việc nghiêm túc, sôi nổi, Hội đồng Nghệ thuật đã lựa chọn ra những bài hát có chất lượng về nội dung và nghệ thuật để giới thiệu vào ngày 15/11/2020 tại Hội trường Hội Âm nhạc Hà Nội, số 19 Hàng Buồm, Hà Nội.
Hẹn gặp lại các nhạc sĩ hội viên vào 9h00 ngày 15/11/2020.

DANH SÁCH TP THÁNG 11/20

STT  TÁC PHẨM  SÁNG TÁC  BIỂU DIỄN  GHI CHÚ
1 Hà Nội âm vang lời nước non Quách Thái Kỳ Việt Hoàn – Thu Lan & tốp ca
2 Thương nhớ một khoảng trời Thùy Dương Thùy Dương Biểu diễn
3 Đợi chờ Nhạc Khánh Vũ

Thơ Văn Khanh

Trần Trang
4 Bình Minh Hồ Nhật Minh Tôn Thất Sơn
5 Thức dậy một miền xuân Ng. Văn Thành Hồng Nhung
6 Tình xuân Điện Biên Vũ Minh Vỹ Ngọc Ký – Giàng Hoa
7 Giao cảm mùa thu Nhạc Thái Hà

Thơ Trần Cương

Đỗ Hà
8 Đảng chắp cánh lời ru Đỗ Hoàng Linh Quỳnh Thi
9 Đường hầm tối đen Lê Mây Mai Trang
10 Đêm trăng rơi Đỗ Hồng Quân
11 Người lái đò Đậu Hoài  Thanh Huyền Trang MV
12 Tình ca lính biên phòng Bùi Hoàng Uyên Minh Quốc Chiều
13 Chiều nghiêng phố biển Hoàng Trọng Tuấn Khanh
14 Sớm thu Hà Nội Trịnh Ngọc Tân
15 Có lẽ nào lại thế Lân Cường

Thơ Đoàn Thị Lam Luyến

Tố Loan
16 Hà Nội khi xa Quốc Hùng Tam ca nam

 

Sau đây là một số hình ảnh.

TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NHIỆM KỲ XII (2016-2020)

0
TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NHIỆM KỲ XII (2016-2020)

Vào sáng ngày 8/11/2020, BCH Hội Âm nhạc Hà Nội đã tổ chức cuộc họp Tổng kết hoạt động nhiệm kỳ XII (2016 – 2020) và công tác chuẩn bị cho Đại hội nhiệm kỳ mới, cũng như đề ra phương hướng hoạt động nhiệm kỳ XIII (2021 – 2025).

Đến tham dự chương trình gồm có các nhạc sĩ trong BCH Hội Âm nhạc Hà Nội dưới sự chỉ đạo của NS Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội.

Trong bản tổng kết do NS Bá Môn – Phó Chủ tịch Hội trình bày đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về những hoạt động của Hội Âm nhạc Hà Nội nhiệm kỳ qua. Đặc biệt, những điểm nhấn thành công trong các hoat động đó bao gồm: Hoạt động sáng tác, biểu diễn và công tác hội viên. Bên cạnh đó những hoạt động khác cũng đã được chú trọng như lĩnh vực lý luận và phê bình âm nhạc, đào tạo âm nhạc, kết nghĩa giao lưu và công tác kiểm tra.

Điểm đặc biệt nữa là trong nhiệm kỳ XII Hội Âm nhạc Hà Nội đã đẩy mạnh công tác truyền thông với sự ra đời của trang Website: hoiamnhachanoi.org. Cùng với phần cộng tác của một số cơ quan báo chí như Truyền hình Nhân dân, Đài TNVN, Báo Hà Nội mới… đã góp phần quảng bá được những hoạt động nói chung và các tác phẩm âm nhạc của các hội viên đến với đông đảo công chúng yêu nhạc.

Bên cạnh những thành tựu đã làm được, BCH Hội còn thẳng thắn rút kinh nghiệm những mặt hạn chế vẫn còn tồn tại và đưa ra những giải pháp trong nhiệm kỳ XIII (2021 – 2025).

Chương trình Đại hội đại biểu Hội Âm nhạc Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 16 + 17/12/2020.

Các hoạt động và công tác chuẩn bị sẽ được cập nhật trong các bản tin tiếp theo.

Sau đây là một số hình ảnh:

Nữ danh ca Ngọc Cẩm qua đời, thọ 91 tuổi

0
Nữ danh ca Ngọc Cẩm qua đời, thọ 91 tuổi

Ca sĩ Hồng Hạnh cho biết mẹ của cô – nữ danh ca Ngọc Cẩm – đã từ trần trưa 2-11 tại nhà riêng ở TP HCM vì tuổi cao sức yếu.

Nữ danh ca Ngọc Cẩm (tên thật Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, SN 1930, quê Phú Vang – Huế) là vợ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết (1928-2002). Vợ chồng nghệ sĩ này đã tạo thành một cặp song ca tỏa sáng bằng tài năng nghệ thuật và được ngưỡng mộ bởi lòng chung thủy trong tình yêu.

Nữ danh ca Ngọc Cẩm qua đời, thọ 91 tuổi

Nữ danh ca Ngọc Cẩm và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết – Ảnh: Gia đình nghệ sĩ cung cấp

Nữ danh ca Ngọc Cẩm gắn bó với con đường ca hát từ rất sớm. Từ khi gặp nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, cả hai đã tạo thành đôi song ca bền bỉ và nổi tiếng khi mới bước vào ngưỡng tuổi hai mươi. Nhà báo Cát Vũ từng viết: “Chất giọng ấm áp, nồng nàn của Nguyễn Hữu Thiết như một thứ chân mây dìu dặt nâng thanh âm trong vắt, thoảng nhẹ như gió của Ngọc Cẩm lên tầng cao của cảm xúc mà nhạc phẩm “Trăng rụng xuống cầu” là một ví dụ”.

Nữ danh ca Ngọc Cẩm – nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết đã được khán thính giả yêu mến qua các sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ như: “Gạo trắng trăng thanh”, “Trăng rụng xuống cầu”, “Múc ánh trăng vàng”, “Duyên quê”… Nhiều bài hát đã gắn liền với tên tuổi của ông bà: “Bến duyên lành”, “Đường về hai thôn”, “Tình lúa duyên trăng”, “Trăng về thôn dã”…

(Video: Youtube)

(Nguồn: https://nld.com.vn/)

TỔNG KẾT ĐỢT 1 ĐOÀN NHẠC SĨ HỘI ÂM NHẠC HÀ NỘI THAM GIA TẠI NHÀ SÁNG TÁC ĐẠI LẠI

0

Bài phát biểu

TỔNG KẾT ĐỢT 1 ĐOÀN NHẠC SĨ HỘI ÂM NHẠC HÀ NỘI THAM GIA TẠI

NHÀ SÁNG TÁC ĐẠI LẠI

Sáng  29/10 cơn gió mùa đông bắc thổi thốc lên từ hồ Đại Lải, ùa vào Nhà sáng tác, nơi anh em trong Đoàn chúng tôi, đang ngồi hội họp, sau 1 tuần lao động nghệ thuật. Đây là một sáng kiến của anh em trong Đoàn mà thường trước đây các Đoàn khác chưa làm được: nghe tác phẩm của nhau và trao đổi góp ý trước ngày tổng kết trại để làm cho đứa con tinh thần của mình hoàn chỉnh hơn. Ngoài trời thì lạnh, nhưng lòng chúng tôi lại ấm lên vì 1 tuần bổ ích, được gần nhau, có dịp hiểu nhau hơn, được học hỏi ở đồng nghiệp và điều quan trọng nhất là kỷ niệm những ngày cuối tháng mười này sẽ còn đọng lại mãi trong lòng anh em chúng tối.

20 tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ Hà Nội đợt I khá phong phú về đề tài: Đại Lải, Vĩnh Phúc, về quê hương, về Hà Nội, về tình yêu, về cuộc đời… Thể loại không chỉ có ca khúc bình thường, mà còn có cả romance (ca khúc nghệ thuật), ca khúc có phần đêm piano, và 1 bản hòa tấu cho piano, cello và plute. Trước hết phải nói về đề tài tại chính mảnh đất này – Vĩnh Phúc.

NS Vũ Hùng lên Đại Lải đúng hôm trời lất phất mưa. Và cũng thật không ngờ ngay ngày đầu ấy ảnh đã ghi lại nhanh cảm xúc của mình qua ca khúc Đại Lải bình minh mưa. Lời ca của anh óng mượt, đẫm chất thơ.

          “…Mưa Đại Lải cho em nép vào anh,

                   Tìm hơi ấm dưới hàng thông kỷ niệm.

                             Bình minh mưa Đại Lải câu thơ

                                 Mắt em gầu sòng, múc nước hồ lai láng,

                                        Làm câu thơ lưu luyến phím đàn…”

 28 tháng 10, tôi giục anh nộp bài, anh cứ nói sắp xong… À hóa ra chẳng những hoàn thành ca khúc, anh còn cặn cụi viết luôn cả phần đệm với violin, sáo flute và đàn piano cho tác phẩm của mình.

Vũ Hùng còn hoàn thành tác phẩm thứ hai hòa tấu piano, cello, flute với tiêu đề Tháp rùa in bóng – một đề tài mà hình như chưa nhạc sĩ nào dùng khí nhạc để thể hiện như anh.

NS Quách Thái Kỳ – một trong 3 nhạc sĩ nhiều tuổi nhất của Đoàn, nhưng sao nghe nhạc của anh thấy vẫn trẻ trung, qua nét nhạc ta thấy yêu Đại Lải nhiều hơn. Anh và nhà thơ Thúy Tình đã thành công qua nhạc phẩm Chiều Đại Lải. Tôi có cảm tưởng, khi ai nghe bài hát này cũng phải dứt bỏ công việc để cố lên thăm Đại Lải một lần.

NS trẻ Đinh Văn Bình, thì dựa ngay vào thơ của Đài Trang, để có ca khúc Vĩnh Phúc quê mình. Dựa vào lời thơ để viết nhạc là chuyện làm không dễ, khiến cho người nghe thấy lời hát và thơ quện vào nhau. Trong nhạc có thơ, trong thơ có nhạc. Thật ngạc nhiên khi NS Đinh Văn Bình đã làm được điều đó.

Cũng viết về đề tài Vĩnh Phúc, còn có Vĩnh Phúc quê hương tôi của NS Lê Minh Tuân. Anh vốn người Vĩnh Phúc, nên chẳng trách anh quá hiểu về mảnh đất này. “…Vĩnh Phúc ơi! Quê hương ơi!  Nơi khơi nguồn Việt cổ Phùng Nguyên, ấy là nơi ngàn đời lưu lại, để ngày nay sử sách ghi danh, nơi đất thiêng Đồng Đậu tỏa sáng, dân tộc ta rạng rỡ hào hùng…” Âm nhạc của Lê Minh Tuân nghe da diết, sâu lắng, khiến ai là người Vĩnh Phúc cũng thấy tự hào về mảnh đất quê hương mình…

Viết về quê hương, NS Thái Hà đã sử dụng những nét dân ca Nghệ Tĩnh, để buộc chúng ta phải hồi tưởng về sông Lam, khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc nhưng giọng hò xứ nghệ lanh lảnh cất lên: “Hỡi núi cùng sông, răng hữu tình như rứa. Bát ngát màu xanh, xanh tận đến chân trời. Nghe tiếng ai ca: Ơi Thanh Chương quê Mẹ nặng ân tình…”Đó là một đoạn lời ca trong ca khúc “Tình quê” của NS Thái Hà.

Tôi ngước mắt nhìn anh em, ồ hóa ra họ cũng như tôi –  chợt nghĩ tới đồng bào trong đó, giờ đây đang ngày đêm, vật lộn với những cơn bão khủng khiếp mà họ phải trải qua hết đợt này đến đợt khác.

Cũng đề tài về quê hương, nhưng nhạc sĩ Khánh Vũ đã sử dụng những âm điệu của dân ca Mường, những nốt láy đơn, láy kép để làm bật lên chủ đề ca ngợi quê hương mình qua 2 ca khúc của anh: “Khúc ca trên xứ Lạng” “Hát về quê em Yên Thủy”

 NS Đức Giao gửi lại Trại 2 ca khúc, 1 của người lớn và 1 của trẻ em. “Hoan hô chú cún” là ca khúc giành cho trẻ em, nhưng tối muốn nói sâu hơn về ca khúc “Đường lên Sơn Tây” của anh, cũng lại là đề tài ca ngợi quê hương. Lời thơ của Tô Hà, mà theo tôi có câu nghe có vẻ khá trúc trắc như: “ngựa hý bờm dựng, rêu phong thành ưỡn ngực..” nhưng, sao tài tình thế, NS Đức Giao đã xử lý âm nhạc rất khéo, rất “ngon lành”, để người nghe thấy thuận tai. Đó là cái tài của người nhạc sĩ.

Tiếng gọi dòng Lô” là tên ca khúc của NS Phi Cẩm Thúy. Lời của ca khúc lại chính là bài thơ của chị:

“Em đến quê anh chiều đông sang,

Một buổi chiều đông khép nắng vàng

Trung du heo hắt mù sương lạnh,

Mà lòng vẫn ngỡ mùa xuân sang..”

Có lẽ thơ hay, nên đã chắp cánh cho âm nhạc của Phi Cẩm Thúy. Âm nhạc man mác, đều đều, như tả cảnh quá nên thơ của dòng sông Lô và 2 triền sông..

NS Văn Cung có 1 tác phẩm viết về quê hương đó là ca khúc: “Cây đa làng tôi”. Nhưng tôi muốn nói về tác phẩm thứ hai của anh gửi trại sáng tác.  Một mảnh đất tiêu biểu, mà người dân Việt Nam luôn hướng về, đó là Thủ đô Hà Nội thân yêu của chúng ta. Viết về Hà Nội thật khó, vì đã có hàng trăm ca khúc viết về trái tim của Tổ quốc. NS Văn Cung đã phỏng thơ của Phi Tuyết Ba, để cho ra đời tác phẩm “Khi xa Hà Nội”. Cám ơn “ngài” đại tá quân đội, đã có một sáng tác mới, mắc thêm vào chùm ca khúc viết về Hà Nội. Một ca khúc tròn trịa, hoành tráng, nhưngdễ hát, đi vào lòng người, khi ta tạm xa Hà Nội. Tôi cũng nghĩ như NS Cát Vận đã nhận xét: “… Đây là 1 trong những  tác phẩm hay nhất của Văn Cung”.

 Cũng đề tài Hà Nội còn có ca khúc Đêm mơ anh Hà Nội của tác giả Kim Phụng. “…..Hà Nội là anh, Hà Nội là em,  ta đan vào nhau, xanh biếc cuộc đời…”. Thật quá hay, một lời tâm tình, thủ thỉ bằng nhạc, bằng thơ, để rồi dù có xa nhau, đôi lứa vẫn thấy gần nhau.

Đề tài về tình người, tình yêu, không bao giờ cạn trong bất kỳ trường hợp nào, muốn tránh cũng không được, khiến người ta lại khao khát hơn…

NS Cát Vận – Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, đã gửi cho chúng tôi tác phẩm “Khúc tự sự” có cả phần đệm piano, lời thơ của Nguyễn Thùy Dương. Viết ca khúc, mà lại là ca khúc buồn thật không dễ. Những với tay nghề lão luyện của ông – NS Cát Vận đã truyền nỗi đau của bà mẹ trẻ mất con vào tận đáy lòng chúng ta, những người nghe thật xúc động, bàng hoàng khi cảm nhận được điều đó. Chính điều này là thành công của người sáng tác…

Nhạc sĩ nữ trẻ nhất đoàn Bùi Việt Hà, đã chộp lấy ý thơ của nhạc sĩ Cát Vận, khi biết ông viết bài thơ về mình, ngay tại nhà sáng tác Đại Lải: Ngẫu hững si giáng em để hoàn thành ca khúc của cô.

“ …Đô la anh không có, cũng may em chẳng màng,

Chỉ còn là nốt si, anh mang theo ước vọng

Đêm nay với cây đàn, xin một lần thăng hoa,

Này phút ngẫu hứng, si giáng em ơi yêu kiều

Si âm, si dương anh phiêu theo đôi bàn tay…”

Thơ đã lạ, lại hay vào ngay tay Việt Hà – cô nhạc sĩ trẻ đã từng nổi danh với các ca khúc của mình như “Chiếc gương vỡ”, “À ra là thế”  hay “Đời”.

Rõ ràng Việt Hà đã chắp cánh cho thơ của NS Cát Vận bay lên bằng tiết tấu swing, giai điệu, sôi nổi, bốc lửa, thỉnh thoảng lại đệm bằng vài nốt sol thăng.

Một ca khúc khác mà tôi nghe thoáng qua đã thấy yêu, và muốn nghe lại lần hai. Đó là ca khúc Trăng khát của NS Đặng Tài Tuệ. Anh ôm cây đàn ghi ta, vừa đàn, vừa hát, say sưa như quên cả chúng tôi – những người nghe đang ngỡ ngàng trước nhạc phẩm của anh. Anh không khát bia, khát rượu mà là khát tình. Anh hình tượng hóa mặt trăng để nói về tình yêu, một tình yêu nồng cháy nhưng chân thật:

“…Khát trăng uống ngầu mắt em

 Khát trăng uống giọt môi em

Cho con tim quằn quại

Hòa tan biến trong ai…”

Nhà thơ, nhà báo Trần Miêu, để lại cho nhà sáng tác 2 ca khúc “Chạm vào cổ xưa” và “Tiếng đàn nghiêng”. 2 nhạc phẩm đều do anh phổ thơ của Đoàn Mạnh Phương và Hằng Chi. Tiếng đàn nghiêng là ca khúc viết về tình yêu, còn Chạm vào cổ xưa thì tác giả đã sử dụng âm nhạc tự sự, dùng chuyện xưa để nói cái nay, nhưng cứ mờ mờ, ảo ảo, khiến người nghe như bị mê hoặc bởi âm nhạc và lời ca.

Đã từ lâu tôi muốn viết một bản romance về tình yêu, cho giọng nữ cao. Nhưng nghĩ mãi mà không ra lời. Thật may khi gặp nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, chị tặng tôi cả một tập thơ tình. Và tôi – NS Lân Cường đã chọn bài thơ “Có lẽ nào lại thế?” để phổ. Sáng tác xong đưa thu thanh và cho bạn bè nghe, ai cũng khen hay. Tôi nghĩ mình được ¼ trong đó vì bài thơ quá hay, người đệm piano là NS Phạm Ngọc Khôi thì không thể chê vào đâu được và cuối cùng người thể hiện là Ca sĩ Đào Tố Loan, chị đoạt Giải nhất Sao mai 2011, giải nhất opera tại Nauy, và giải nhất opera Đông Nam Á tại Singapore.

Thưa các bác, các anh chị em.

Đó là nói về phần sáng tác : công việc chính của anh em tham gia trong Đoàn. Nhưng đến Nhà sáng tác, không phải chỉ để viết, mà còn để học thêm, biết thêm về âm nhạc, đó là chủ trương đúng đắn của Lãnh đạo Hội Âm nhạc Hà Nội.. Chính bởi vậy, sáng 27/10, chúng tôi đã giành cả buổi để nghe NS Cát Vận trình bày về chuyên đề: “Những vấn đề về sáng tác ca khúc hiện nay” xoay quanh 3 mục chủ yếu:

1/Các khuynh hướng âm nhạc

2/ Những tồn tại của các khuynh hướng.

3/ Đánh gia thực chất về sáng tác của hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội

Đây là một buổi tọa đàm thật bổ ích và rất thành công, mà nguyên nhân đầu tiên là sự uyên thâm về lịch sử âm nhạc của người thuyết trình.

Cứ mỗi buổi chiều, từng tốp nhỏ dăm ba nhạc sĩ lại chụm đầu vào nhau để trao đổi những câu chuyện xoay quanh chủ đề âm nhạc như: phổ thơ thế nào cho hay? Khúc thức âm nhạc ra sao? Viết hưpj xướng và ca khúc khác nhau ở chỗ nàog? Lại cũng có khi họ hứng lên, hát cho nhau nghe, một đoạn ca khúc vừa thoáng vụt qua…

Một hoạt động khác cũng rất kịp thời của Đoàn chúng tôi là ngay trong ngày lễ tang của nhạc sĩ Văn Ký – cây đại thụ của nền âm nhạc VN, không về Hà Nội được để tiễn đưa ông vào sáng 26/10, chúng tôi đã quây quần quanh máy tính để xem nhưng thứơc phim về ông mà NS Lân Cường đã may mắn quay được vào ngày 21/8/2020, những hình ảnh, lời nói cuối cùng ông để lại cho đời . NS Văn Ký đã tâm sự về cuộc đời bước vào nghệ thuật của mình và sự ra đời của những ca khúc để đời của ông như: “Tây Nguyên bất khuất”, “Bài ca hy vọng”, “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”, “Nha Trang mùa thu lại về”, “Trời Hà Nội xanh”, “Hồ Chí Minh – Thành phố mặt trời”….

Đến với Đại Lải, một khu du lịch khá nổi tiếng mà không đi du thuyền sang thăm Đảo Ngọc thì chưa gọi là đi Đại Lại. Thế là chúng tôi đã đã quyết định một chuyến đi du thuyền quanh hồ Đại Lải.

Sáng 27 chúng tôi lại tự thuê xe tắc xi để đến thăm khu nghỉ dưỡng Thắng địa Thanh Cao của Thầy Nhân – một kỹ sư tốt nghiệp đại học Bách khoa , chuyên ngành điện, nhưng đã rũ bụi trần để theo con đường của nhà Phật. Thắng địa ở cách Nhà Sáng tác khoảng 10km. Phong cảnh đẹp, người trụ trì lại quá uyên thâm, đã để lại trong lòng các nhạc sĩ những ấn tượng không quên về địa danh này.

Một tuần trôi qua thật nhanh. NS Bùi Việt Hà nói với tôi: “ Thầy ơi! Chán thế, mai lại phải chia tay đoàn rồi…”. Sự lưu luyến ấy đâu phải chỉ của cô nhạc sĩ trẻ Việt Hà, mà còn là tâm tư của cả Đoàn chúng tôi. Thật bùi ngùi, khi mọi người đều thấy sao thời gian trôi đi nhanh thế. Giờ phút chia tay này, trước hết chúng tôi xin cảm ơn Lãnh đạo Hội Âm nhạc Hà Nội đã tổ chức được đoàn đi cho anh em chúng tôi. Cũng xin chân thành cám ơn, Ban Giám đốc và anh chị em ở Nhà sáng tác Đại Lại đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho việc sáng tạo âm nhạc của Đoàn. Các anh chị em phục vụ đảm bảo cơm ngon, canh ngọt, vệ sinh sạch sẽ từng phòng cho anh em chúng tôi.

 Nhưng vì coi các anh chị như những người thân, nên cũng xin mạo muội có một góp ý nho nhỏ là đề nghị Nhà sáng tác nên mua sẵn một số khăn mặt, khăn tắm, thuốc đánh răng, bàn chải, dầu gội đầu …. để nếu nhạc sĩ nào lên trại quên mang theo thì có  thể mua ngay tại Nhà sáng tác.

Xin gửi lại Nhà sáng tác 20 tác phẩm âm nhạc của 15 thành viên trong Đoàn. Một lần nữa Xin cám ơn tất cả và hẹn gặp lại các anh chị em vào mùa đông năm sau…

                                                                PGS.TS.Nhạc sĩ Lân Cường

                             Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội,

                           Trưởng Đoàn đi sáng tác đợt I tại NST Đại Lải

(23-29/10/2020)

Cuộc vận động sáng tác ca khúc về đất Tổ Hùng Vương

0

(Nguồn: http://svhttdl.phutho.gov.vn/)

Nhạc sĩ Hồng Đăng: Yêu Hà Nội theo cách riêng của mình

0
Nhạc sĩ Hồng Đăng: Yêu Hà Nội theo cách riêng của mình

(Tác giả: Đức Huy)

Trong chùm 5 tác phẩm được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật của nhạc sĩ Hồng Đăng có 2 ca khúc viết về Hà Nội. Nếu như với Hoa sữa ông đã “định vị” trong lòng người Hà Nội một loài hoa tượng trưng cho tình yêu trong sáng, đẹp đẽ, ngọt ngào thì Kỷ niệm thành phố tuổi thơ thể hiện tinh thần lạc quan, hào sảng của thế hệ sinh viên Hà thành “xếp bút nghiên lên đường ra trận”.

Nhạc sĩ Hồng Đăng: Yêu Hà Nội theo cách riêng của mình

1. Tôi đến thăm nhạc sĩ Hồng Đăng vào những ngày cuối thu, khi trên đường phố Thủ đô ngạt ngào mùi hoa sữa. Căn nhà nhỏ trên phố Hồng Hà 2 tháng nay nhộn nhịp hẳn lên bởi vợ của ông vừa mở một quán cà phê ngay tại tầng 1 của ngôi nhà. Tên quán là Cà phê Thúy (vợ ông tên là Lê Anh Thúy) gây thắc mắc cho nhiều người vì ai cũng hỏi vui, sao không đặt là “Hoa sữa”, tên một bài hát rất nổi tiếng của nhạc sĩ.

Lý giải về điều này, vợ ông cho biết: “Nhạc sĩ Hồng Đăng vốn dĩ chỉ biết làm âm nhạc. Ông không biết nấu ăn, không biết pha cà phê, vì thế tên quán dứt khoát phải là tên vợ”. Việc mở quán cà phê với vợ chồng ông còn có một lý do khác, đó là gần đây sức khỏe của ông có phần giảm sút, việc đi lại khó khăn hơn. Vốn là người thích giao du nên vợ chồng ông muốn đây sẽ là nơi gặp gỡ bạn bè.

Có lẽ đã từ rất lâu rồi, khi nhắc đến mùa thu Hà Nội thì không thể thiếu hương hoa sữa, đặc biệt câu hát “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm” trong ca khúc Hoa sữa của nhạc sĩ Hồng Đăng đã trở thành quen thuộc với nhiều thế hệ người nghe. Còn với riêng nhạc sĩ Hồng Đăng thì Hoa sữa còn như chiếc “đồng hồ báo thức” khi ông bước vào cái tuổi “nhớ nhớ quên quên”. Vợ nhạc sĩ kể: “Mấy hôm trước nhà báo Nguyễn Mạnh Hà và ca sĩ Vũ Thắng Lợi đến thăm, lúc ấy ông vẫn đang ngủ. Chào hỏi chán chê ông vẫn ngơ ngác dường như chưa biết ai với ai, ca sĩ Vũ Thắng Lợi bèn ngồi vào đàn và hát bài Hoa sữa. Được nửa bài thì nhạc sĩ ngồi dậy, tươi tỉnh mời mọi người ngồi”…

Nhiều người đến thăm nhạc sĩ Hồng Đăng đều có chung nhận xét ông là người may mắn vì có được người vợ giỏi quán xuyến công việc gia đình để ông yên tâm sáng tác. Nhạc sĩ Hồng Đăng từng không giấu nổi niềm hạnh phúc khi chia sẻ: “Được sinh ra trong đời là đã hạnh phúc rồi. Với người nghệ sĩ, có được tác phẩm mà công chúng yêu thích là niềm hạnh phúc lớn. Chúng ta ngồi với nhau ở đây là hạnh phúc nhỏ mà có thật. Còn vợ con, là hạnh phúc khổng lồ”.

2. Nhạc sĩ Hồng Đăng (tên thật là Phan Hồng Đăng) sinh năm 1936 trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông nội ông là một nhà nho yêu nước, bác ruột là nhà chí sĩ cách mạng nổi tiếng Phan Đăng Lưu, cha của ông là nhà báo Phan Đăng Tài (bút danh Phan Hồng Sơn) – người thông thạo 7 ngoại ngữ và từng giữ chức Trưởng phòng Tư liệu – Thư viện của Báo Nhân Dân.

Hồng Đăng sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc. Từ năm 9 – 10 tuổi ông đã mày mò đọc sách về âm nhạc bằng tiếng Pháp. Khi học được khoảng 20 bài, ông bắt đầu dạy lại cho các bạn có cùng sở thích. Năm 12 tuổi, ông sáng tác ca khúc đầu tay Đời học sinh và được nhiều bạn bè cùng trang lứa yêu thích. Năm 1956, khi Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) mở khóa học đầu tiên do thầy Tạ Phước làm hiệu trưởng, ông là một trong những học viên khóa đầu tiên chuyên ngành Sáng tác. Đó là khóa học có những tác giả lớn của nền âm nhạc nước nhà, như Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Ngô Huỳnh, Huy Thục, Vĩnh Cát, Tô Ngọc Thanh, Hồng Thao…

Ra trường, ông được giữ lại làm giảng viên, và cũng trong khoảng thời gian này ông viết cuốn sách Các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng. Ngày ấy, cuốn sách là tài liệu quý cho các học viên khi giáo trình về kỹ thuật hòa thanh, phối khí còn khá sơ sài. Nhờ nắm chắc về kỹ thuật mà các sáng tác của ông đều có cấu trúc âm nhạc rất chặt chẽ, và đó cũng là bí quyết giúp ông thành công trong thể loại nhạc phim.

Với gia tài là hơn 70 ca khúc được sử dụng trong các bộ phim, ông chính là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam. Theo ông, viết nhạc phim là công việc rất khó, đòi hỏi người viết phải “chắc tay”, phải đọc thật kỹ kịch bản để nắm được phần “hồn” rồi tìm “nét nhạc” phù hợp. “Viết nhạc phim phải theo yêu cầu về thời gian của đạo diễn. Có những khung thời gian lắt nhắt mà lại viết cho cả dàn nhạc nên người viết không giỏi khí nhạc, chắc về hòa thanh, phối khí thì không thể làm được”, nhạc sĩ Hồng Đăng quả quyết.

Trong cuốn hồi ký của nhạc sĩ Phú Quang, tác giả của Em ơi Hà Nội phố tâm sự rằng ông có hai người thầy dạy sáng tác nhạc, đó là nhạc sĩ Hoàng Vân và nhạc sĩ Hồng Đăng. Phú Quang vốn là người học kèn cor, tuy nhiên, vì say mê sáng tác nên ông thường thập thò ngoài cửa nghe lỏm nhạc sĩ Hồng Đăng giảng bài cho lớp sáng tác. Nhạc sĩ Hồng Đăng sau đó đã “mời” nhạc sĩ tương lai Phú Quang vào học chính thức tại lớp học của mình.

3. Sinh sống ở Thủ đô đã hơn nửa thế kỷ nên với nhạc sĩ Hồng Đăng, mảnh đất này là nơi nặng tình, nặng nghĩa. Với trách nhiệm của một người nhạc sĩ, ông đã sáng tác nhiều ca khúc để ca ngợi về mảnh đất, con người và văn hóa nơi đây. Đặc biệt, ông đã có 4 ca khúc về 4 mùa đặc trưng của Hà Nội. Với mùa thu ông có bài Hoa sữa, mùa hè là Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, mùa xuân là bài Mưa bụi và mùa đông là Ký ức đêm. Trong Ký ức đêm, ông chắt lọc cảm xúc, suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời của người nhạc sĩ.

Thời gian đã trôi đi không thể trở lại, ký ức đã trôi vào dĩ vãng, tác giả chỉ biết “Đâu đó rất xa rất xa/ Tiếng anh gọi không thể nào vọng tới/ Có ai hát nghe xa vời vợi/ Có một thời hình như ta đã thương nhau rồi đấy thôi…”. Với Mưa bụi, ông lại đặc tả hình ảnh đậm chất Hà Nội với những chợ hoa đặc trưng mà ở đó khi tiết xuân sang có những thiếu nữ trong bộ áo dài thướt tha duyên dáng dạo phố…

Đặc biệt, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ được nhạc sĩ Hồng Đăng sáng tác vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước, khi ông chứng kiến sinh viên Thủ đô lên đường ra trận. Trong cái hào khí hừng hực cùng khung cảnh mùa hè với tiếng ve râm ran khắp phố, trong ông dâng trào cảm xúc và cứ thế “Tiếng ve đu cành sấu/ Tiếng ve náu cành me/ Tiếng ve vẫy tuổi thơ/ Tiếng ve chào mùa hè…” ra đời.

Riêng bài Hoa sữa, tác phẩm trở thành nhạc phim Hà Nội mùa chim làm tổ (đạo diễn Đức Hoàn) ra đời theo gợi ý từ một người bạn “ở Hà Nội có một loại hoa cứ đến mùa thu lại thơm” khi “đơn đặt hàng” của đạo diễn Đức Hoàn chuẩn bị đến ngày phải nộp. Cảm xúc chợt đến, ông đã sáng tác rất nhanh và cho ra đời bài hát thành công về một mối tình đẹp của đôi nam nữ Hà Nội khi vừa tốt nghiệp đại học phải xa nhau lên vùng cao công tác.

Đã hơn 40 năm trôi qua. Hoa sữa, với ông, giờ không chỉ là kỷ niệm cá nhân về thời trai trẻ nồng nàn yêu đương nữa, mà đó còn là một cách nhớ thương của người nhạc sĩ xứ Nghệ với mảnh đất nghìn năm văn hiến – nơi đã làm nên tên tuổi của ông hôm nay.

Nhạc sĩ Hồng Đăng từng là Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IV và V, Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc. Ông còn là hội viên các hội: Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, Hội Điện ảnh Việt Nam. Năm 2001, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với các ca khúc: Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ và hợp xướng Lửa rực cháy…

 

(Nguồn: http://nhipsonghanoi.vn/)

Về Bình quân luật của Johann Sebastian Bach

0
Về Bình quân luật của Johann Sebastian Bach

Về Bình quân luật của Johann Sebastian Bach Từ “bach” trong tiếng Đức có nghĩa là “dòng suối nhỏ” . Và khi nhận định về sự vĩ đại của nhà soạn nhạc thiên tài Johann Sebastian Bach (1685 – 1750), Beethoven đã chơi chữ thật tuyệt vời: “Bach không phải là dòng suối nhỏ. Ông là một đại dương.”

Quả vậy, bạn hẳn sẽ phải choáng ngợp nếu nhìn vào danh mục tác phẩm của J. S. Bach do nhà âm nhạc học Wolfgang Schmieder lập ra. Ở đó có một lượng đồ sộ các tác phẩm từ âm nhạc tôn giáo đến âm nhạc thế tục, từ nhạc viết cho đàn ống, hợp xướng hay cho các nhạc cụ khác… Trong ký hiệu từng tác phẩm, số được đánh sau tiền tố BWV, viết tắt của “Bach-Werke-Verzeichnis” (Danh mục tác phẩm của Bach).

Đây là một danh mục được sắp xếp theo thể loại chứ không theo thời gian sáng tác với phần lớn là những tác phẩm âm nhạc phức điệu (viết cho nhiều bè giai điệu). Và trong hầu hết các thể loại thời bấy giờ, J. S. Bach đều có những kiệt tác với tầm vóc lớn lao.

Đó là những tác phẩm được viết ra theo một cách thức sáng tác bậc thầy, dựa trên nền tảng kĩ thuật đối vị cực kỳ chặt chẽ và chuẩn xác nhưng vẫn tự do về màu sắc hòa âm, tiết tấu và đường nét giai điệu. Chúng tựa như những báu vật mà những người cùng thời với Bach đã không thể nhận thức hết giá trị, một phần vì sự lên ngôi của âm nhạc chủ điệu thời đó đã khiến âm nhạc phức điệu thoái trào.

Bộ Well-Tempered Clavier (Bình quân luật) gồm 2 tập viết cho đàn phím solo là một trong những báu vật trí tuệ vĩ đại trong đại dương tác phẩm của J. S. Bach nói riêng và của thế giới nói chung. Mỗi tập gồm 24 cặp Prelude và Fugue ở tất các các điệu thức trưởng và thứ trong thang âm. Cặp thứ nhất ở giọng Đô trưởng, cặp thứ hai ở giọng Đô thứ, cặp thứ ba ở giọng Đô thăng trưởng, cặp thứ tư ở giọng Đô thăng thứ, cặp thứ năm ở giọng Rê trưởng và cứ thế tiếp diễn …

Bình quân luật tập I, BWV 846 – 869, được hoàn thành năm 1722 trong thời kỳ J. S. Bach được bổ nhiệm làm giám đốc âm nhạc ở Köthen dưới sự bảo trợ của hoàng thân trẻ Leopold. J. S. Bach soạn bộ tác phẩm này “để sử dụng tiện lợi đối với nhạc công trẻ khao khát học tập và đặc biệt là để tiêu khiển đối với những người đã luyện thành thạo.”

Bình quân luật tập II, BWV 870 – 893, được J. S. Bach soạn sau đó 22 năm trong thời kỳ ông ở Leipzig. Ông hoàn thành tập này năm 1744 và chỉ đặt tiêu đề là 24 Prelude và Fugue. Tuy nhiên về sau người con rể của ông là Johann Christov Altnikol đã đặt tên cho nó là Bình quân luật tập II.

Bản Predude số 1 giọng Đô trưởng trong Bình quân luật tập I là một chuỗi đơn giản những hợp âm rải nhằm mục đích luyện cách sử dụng ngón cái cho đúng cách. Vì vào đầu thế kỉ 18, người ta thường không sử dụng ngón cái khi chơi đàn phím. Nhà soạn nhạc Pháp Charles Gounod ( 1818 – 1893) đã sử dụng nó đề làm nền cho giai điệu Ave Maria nổi tiếng của mình. Chính vì thế với phần đông thính giả, Predude số 1 giọng Đô trưởng là khúc nhạc quen thuộc nhất trong Bình quân luật.

Hai tập Bình quân luật của J. S. Bach đều được lưu hành rộng rãi qua những bản chép tay một thời gian khá lâu trước khi có các bản in từ các nhà xuất bản. Cùng với sự nổi lên của chủ nghĩa Cổ điển vào những năm 1770, Bình quân luật nói riêng và âm nhạc của J. S. Bach nói chung bắt đầu gây ảnh hưởng lớn đến tiến trình lịch sử âm nhạc.

Mozart và Beethoven là những người đầu tiên trân trọng tài năng của J. S. Bach. Và từ đó đến tận ngày nay, hình ảnh của J. S. Bach đã hiện diện trong nhiều thế hệ nhạc sĩ, trường phái, ngay cả ở những người tiên phong nhất. Vì thế có thể khẳng định không chút đắn đo: “Bach không phải là dòng suối nhỏ. Ông là một suối nguồn vĩ đại.”

Prelude & Fuga I

(Nguồn: tuanvietnam, vnmusic.com.vn – Ngọc Anh: Bình quân luật – báu vật từ suối nguồn vĩ đại)

Nghe Bình quân Luật: Tập I Tập II