Thứ Hai, Tháng Mười 21, 2024
Trang chủ Blog Trang 79

Hà Nội có cầu Long Biên – Bá Môn

0

Nhạc và lời: Bá Môn

Thể hiện: NSƯT Đăng Dương và hợp xướng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: ‘Xâm phạm bản quyền đang giết chết nhạc Việt’

0
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: ‘Xâm phạm bản quyền đang giết chết nhạc Việt’

(Tác giả: Lam Anh)

“Có những nhạc sĩ sống rất đạm bạc và nghèo khổ khi về già, dù họ là chủ nhân của cả một kho tàng âm nhạc. Tôi không muốn nói tên, nhưng đấy là sự chua xót cho nền văn hóa nghệ thuậtở một nước đang phát triển như Việt Nam” – nhạc sĩ Lê Minh Sơn mở lòng.

Anh có cuộc trò chuyện trước quyết định mở công ty bản quyền âm nhạc trực tuyến trong thời gian tới.

* Thời đại 4.0, ca sĩ không ra đĩa vì bận livestream, ra MV, còn nhạc sĩ cũng có cách quan tâm đến những đứa con tinh thần của mình theo cách thiết thực hơn. Chẳng hạn như anh là mở công ty bản quyền trực tuyến. Như thế mới là thức thời và đỡ thất thoát, đúng không?

– Việc tôi thành lập công ty chuyên về bản quyền âm nhạc trực tuyến xuất phát từ khát vọng chung của những người làm nghề sáng tạo, các nhạc sĩ. Với cá nhân, tôi muốn các tác phẩm âm nhạc phải được minh bạch khi sử dụng. Một đất nước thật sự văn minh và phát triển, đầu tiên là phải bảo vệ được chất xám, sự sáng tạo của con người.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: ‘Xâm phạm bản quyền đang giết chết nhạc Việt’

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn

Hiện nay, công nghệ phát trực tuyến hỗ trợ rất nhiều cho các ca sĩ, nhạc sĩ trong việc phát hành tác phẩm của mình tới công chúng. Nhưng việc phát trực tuyến trên nền tảng nội dung số, tôi cho là chỉ thuận lợi với những người trẻ tuổi.

Còn thực tế ở Việt Nam, có rất nhiều thế hệ nhạc sĩ rất tài năng, nhưng họ có tuổi rồi, họ không “rành” công nghệ. Và khi chúng ta đã có cả một nền âm nhạc cách mạng với những tác phẩm vô giá thì điều mà tôi trăn trở là làm thế nào để bảo vệ được các tác phẩm cho các nhạc sĩ gạo cội.

* Để quyết định thành lập công ty, anh chắc tốn không ít thời gian tìm hiểu luật bản quyền tại Việt Nam. Vậy theo anh, đâu là lý do khiến cho những vi phạm bản quyền ở Việt Nam diễn ra phổ biến như vậy?

– Về mặt luật pháp, Việt Nam đã ký tham gia Công ước Berne từ năm 2004, hành lang pháp lý trong nước về bản quyền cũng được ban hành khá đầy đủ. Nhưng việc thực thi thì rất yếu. Mỗi năm, cơ quan quản lý cũng có xử phạt hành chính một vài vụ, nhưng theo tôi không giải quyết được tận gốc vấn đề vi phạm bản quyền trên mạng.

Có thể nói, vi phạm bản quyền trên internet đang diễn ra rất nghiêm trọng. Nếu như chúng ta không có những công cụ kỹ thuật để kiểm soát nội dung trên mạng thì vi phạm bản quyền có thể giết chết ngành công nghiệp âm nhạc ở Việt Nam.

Tôi có thể dẫn chứng, năm 2019 doanh thu âm nhạc trực tuyến trên thế giới đạt trên 11 tỷ USD (chiếm tới hơn 56% doanh thu của ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu). Còn ở Việt Nam thì tôi chưa tìm được một số liệu báo cáo nào về tổng doanh thu của thị trường âm nhạc trực tuyến.

Âm nhạc ngày càng “bùng nổ” trên mạng thì cũng có rất nhiều cá nhân, tổ chức trục lợi khi phát hành hàng triệu bài hát trên các kênh nội dung số để thu tiền từ quảng cáo. Trong khi các nhạc sĩ – cha đẻ của các tác phẩm âm nhạc – lại không được người sử dụng xin phép cũng như chưa được hưởng một đồng doanh thu nào. Đây là điều mà các cơ quan quản lý nhà nước cần phải suy nghĩ để có biện pháp cho ngành công nghiệp không khói này phát triển.

* Anh có nghĩ mình đang sắp “nổ phát súng” cạnh tranh đầu tiên về hoạt động bản quyền âm nhạc tại Việt Nam?

– Tôi không cho rằng sẽ phải cạnh tranh với đơn vị khác. Vì trong lĩnh vực bản quyền âm nhạc trực tuyến hiện nay chưa có bất cứ một đơn vị nào có khả năng để cung cấp một hệ thống như chúng tôi đang triển khai.

Từ trước tới nay, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đang làm tốt chức năng quản lý việc sử dụng âm nhạc ở các quán karaoke, băng đĩa, biểu diễn tại sân khấu… Nhưng còn việc quản lý bản quyền trên mạng thì tôi chưa thấy thật sự có hiệu quả, đây là một khoảng trống mà công ty của tôi có trách nhiệm lấp đầy nó. Để các nhạc sĩ có thể sống được bằng nghề, sống được nhờ tác phẩm của mình.

* Với cơ chế như hiện nay, anh gặp những trở ngại nào để hiện thực hóa mong muốn của mình? Khi nào thì công ty sẽ chính thức ra mắt?

– Khởi đầu nào cũng đầy khó khăn nhưng muốn sống được bằng nghề và muốn làm một việc lớn hơn nữa thì cũng phải có những sự hy sinh nhất định. Khi bắt tay vào triển khai tôi đã nhận được sự ủng hộ rất nhiều người, của những người quản lý nghệ sĩ, các nhạc sĩ và của cơ quan quản lý nhà nước nữa.

Cách làm minh bạch của chúng tôi còn hỗ trợ việc nộp thuế cho ngân sách nhà nước. Mỗi năm, nhà nước có thể nhận đến hàng trăm tỷ đồng. Số tiền này đủ để xây được nhiều ngôi trường cho trẻ em vùng cao. Chúng tôi đang hoàn thiện lại hệ thống kỹ thuật của mình để sớm ra mắt trong thời gian tới.

* Anh từng chia sẻ là mình yêu thích công việc giảng dạy. Nhưng anh cũng đã nghỉ dạy ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội được một thời gian. Phải chăng vì anh cần toàn tâm toàn ý cho công việc mới này đến mức như vậy hay vì nghề giáo đã không còn khiến anh muốn để tâm?

– Sau tròn 20 năm biên chế nhà nước, tôi nghỉ dạy ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội 2 năm rồi. Tôi quyết định nghỉ để dành thời gian cho những dự án của riêng mình.

Mong muốn lớn nhất của tôi là hệ thống công nghệ kiểm soát, quản lý bản quyền sẽ ra mắt sớm nhất, để những người sáng tác âm nhạc có bầu trời riêng, mà mình ở đằng sau trợ giúp cho họ.

* Vậy còn chuyên môn chính, có vẻ như lâu rồi khán giả không được nghe sáng tác mới của anh? Cũng không thấy anh “gạt cần” ai trong giới ca sĩ để tiếp tục cuộc hành trình như Thanh Lam, Tùng Dương, Hoàng Quyên..?

– Tôi vẫn viết rất nhiều theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, cho các địa phương, nhưng đó hoàn toàn là sáng tác âm nhạc. Riêng đĩa CD do không bảo vệ được bản quyền trên thị trường, cũng như trên mạng Internet nên tôi và nhiều nghệ sĩ khác không tính chuyện ra CD nữa.

Có thể nói, việc không bảo vệ được bản quyền đã hủy diệt thị trường CD âm nhạc ở Việt Nam. Đây là điều rất đau xót vì nghệ sĩ không ra CD thì không hiểu họ sống bằng gì?

Trong khi ở nước ngoài nghệ sĩ họ sống bằng việc bán nhạc rất tốt. Đó là lý do thôi thúc chúng ta cần phải tôn trọng bản quyền và sớm có những công cụ có thể bảo vệ được bản quyền.

* Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Đặt niềm tin vào “công nghệ nội”

“Giải pháp công nghệ mà công ty tôi sử dụng là Sigma DRM (DRM – Digital Rights Management), một giải pháp công nghệ hoàn toàn do các kỹ sư của Việt Nam phát triển và được tổ chức bảo mật quốc tế kiểm tra, thử nghiệm và cấp chứng chỉ bảo mật quốc tế vào năm 2019.

Có thể khẳng định đây là giải pháp có thể bảo vệ toàn diện được tất cả những nội dung cần bảo vệ trên môi trường Internet như: phim, nhạc, sách điện tử, các file quan trọng cần bảo mật” (Phát biểu của nhạc sĩ Lê Minh Sơn).

(Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/)

“Hiện tượng”, chớ vội khen!

0
“Hiện tượng”, chớ vội khen!

(Tác giả: Thùy Trang)

Nhân tố sáng giá của đời sống âm nhạc Việt thời nay phải là những nghệ sĩ không chỉ hát hay mà còn biết sáng tạo âm nhạc, biết quyết định đường đi của mình bằng nỗ lực tự thân.

Pháo là cái tên tiêu điểm của truyền thông và trên các diễn đàn mạng xã hội sau khi cô nàng xuất hiện trong cuộc thi trên sóng truyền hình “King of rap”. Những lời khen mà dư luận đang dồn hết cho Pháo lúc này khiến chúng ta nhớ lại những quán quân, á quân từng được tung hô là “thần đồng”, “ngôi sao mới”, “tài năng âm nhạc”… trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc dành cho người lớn, cho trẻ con và các cuộc thi hóa thân bắt chước thần tượng, từng gây đình đám trên sóng truyền hình thời gian qua, nay gần như lặn mất tăm!

Ghi dấu ấn khi còn rất trẻ

Được mệnh danh là “công chúa underground”, Pháo tên thật là Nguyễn Diệu Huyền, sinh năm 2003, đang là học sinh THPT của Hà Nội. Trước khi tham gia “King of rap”, Pháo đã có thời gian hoạt động năng nổ trong thế giới underground có các ca khúc mang đậm chất dòng nhạc này. Trong đó, “2 phút hơn” giúp Pháo ghi dấu ấn với người nghe, nhanh chóng lên tốp đầu các bảng xếp hạng âm nhạc và thu hút hàng chục triệu lượt xem trên YouTube. Pháo còn kết hợp với nhiều DJ như Wach, Masew, CM1X ra những bản remix “2 phút hơn” đầy cuốn hút. Ấn tượng chung trong phong cách âm nhạc của Pháo là sự chắc chắn trong cách hát nhưng cũng có nét lém lỉnh. Khác với vẻ ngoài mong manh, Pháo dùng âm nhạc để nói thay những suy nghĩ của bản thân trong cuộc sống. Đó là lý do chất liệu nhạc của Pháo sử dụng dễ “chạm” vào số đông người nghe.

“Hiện tượng”, chớ vội khen!

Pháo trình diễn trong “King of rap”. (Ảnh do chương trình cung cấp)

Ngoài Pháo, Piggy (sinh năm 2012, tên thật Lê Nam Anh) cũng vừa trở thành hiện tượng trên mạng xã hội với ca khúc “Đi học thêm”. Nhiều người trong giới chuyên môn khẳng định Piggy là “thỏi nam châm” thu hút công chúng, khi bài hát được viết hợp với cậu bé 8 tuổi này. Với thế hệ nghệ sĩ sinh sau năm 2000, nền tảng mạng xã hội luôn là bệ phóng để giới thiệu tài năng của họ đến công chúng. Piggy cũng là một trong số đó. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ, những “ngôi sao” sinh ra từ truyền thông đa phương tiện chưa chắc đi được đường dài.

Những giọng ca “nhí” từng chiếm ngôi quán quân, á quân như Quang Anh, Hồ Văn Cường, Phương Mỹ Chi, Thiện Nhân… trong chương trình “Giọng hát Việt” ngày nào nay cũng đang độ tuổi mười tám đôi mươi nhưng đều chưa gặt hái được thành công gì như công chúng mong đợi. Còn rất nhiều cái tên “nhí” từng được khán giả quan tâm trước đây: Trịnh Hồng Minh, Ngọc Ánh, Kiều Minh Tâm, Nguyễn Phạm Bảo Trân, Lương Gia Khiêm, Jayden Trịnh Jesudhass, Cao Minh Thiên Tùng, Nguyễn Mai Thùy Anh… qua các cuộc thi “Giọng hát Việt nhí” và “Vietnam Idol kids”… dù đã có những sản phẩm âm nhạc riêng nhưng đều không mấy nổi bật.

Ngay những quán quân, á quân người lớn của “Vietnam Idol”, “Giọng hát Việt” chỉ vài người thành danh: Phương Vy, Uyên Linh, Văn Mai Hương, Hương Tràm, Vũ Cát Tường, Đức Phúc… và gặt hái ít nhiều thành công trên thị trường nhạc Việt. Còn lại vẫn loay hoay với chính con đường ca hát của mình, thậm chí “lặn không sủi tăm”.

“Đường dài mới biết ngựa hay”

Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho sự lụi tàn của các “thần tượng” một thời trên sóng truyền hình là yếu tố vươn lên tự thân của mỗi người không nhiều, thậm chí không đủ sức, sau khi bước ra các sân chơi mà ở đó họ được trang bị mọi thứ chuyên nghiệp và hoàn hảo để giúp họ tỏa sáng. Vả lại, trong thị trường âm nhạc ngày nay, ca sĩ cạnh tranh nhau bằng lượng view qua các sản phẩm MV (video ca nhạc) trên YouTube, ai có tiềm lực mạnh thì người đó có cơ hội.

Nhưng điều đáng nói là sự tâng bốc thái quá hay vô trách nhiệm của nhiều người, trong đó có truyền thông, ở những cuộc thi đã vô tình khiến họ ảo tưởng về thực tài của mình, cho đến khi họ đối diện với thế giới thật. Nhạc sĩ Quốc Bảo đúc kết: “Cuộc chơi kết thúc, mọi thứ thuộc về nó cũng sẽ kết thúc theo”.

Cuộc sống luôn khắc nghiệt, tài năng sinh ra trong sự khắc nghiệt ấy mới đủ độ chín và bền. Thỉnh thoảng khán giả nhận thấy sự “bật lên” của một vài giọng ca bước ra trong các cuộc thi trên sóng truyền hình trước đây như Hoài Lâm, Hiền Hồ, Bảo Anh, Vũ Cát Tường, Tố Ny… nhưng đa phần vẫn được xem là những giọng ca “thời trang”, còn nhiều tranh cãi về chất lượng. Những nhân tố sáng giá của đời sống âm nhạc Việt thời nay không chỉ hát hay mà còn biết sáng tạo âm nhạc, biết quyết định đường đi của mình bằng nỗ lực tự thân chứ không phụ thuộc vào kịch bản, tài đạo diễn của một chương trình truyền hình thực tế.

Khán giả cũng dần hiểu ra

Không quá lời khi nói các “sân chơi” tìm kiếm tài năng âm nhạc gần như bị xóa sổ trên sóng truyền hình bởi chương trình truyền hình hài và hẹn hò nổi lên, chiếm sóng. Điều đó cũng mặc định sẽ không còn các đợt ấp lò “thần đồng”, “ngôi sao” ca nhạc chỉ sau vài tháng trên sóng truyền hình. Khán giả cũng dần hiểu ra chẳng có “thần đồng”, “thiên tài”, “ngôi sao” nào thành hiện thực, chẳng qua là chiêu trò của các nhà sản xuất chương trình với sự “góp sức” của nhiều phương tiện truyền thông.

(Nguồn: https://nld.com.vn/)

Chương trình nghệ thuật “75 năm vinh quang CAND Việt Nam”

0
Chương trình nghệ thuật “75 năm vinh quang CAND Việt Nam”

(Tác giả: Hoa Nguyễn – Phong Sơn)

Tối 16/8, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặcbiệt “75 năm vinh quang CAND Việt Nam”.

Đây là chương trình do Bộ Công an chỉ đạo tổ chức nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND (19/8/1945 – 19/8/2020), 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 – 19/8/2020).

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, một số địa phương… đã đến dự chương trình.

Bộ trưởng Tô Lâm cùng các đại biểu dự chương trình.

Tham gia biểu diễn trong chương trình có các nghệ sĩ dàn hợp xướng lớn đến từ Nhà hát CAND, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương; các nghệ sĩ dàn nhạc giao hưởng lớn gồm Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Đoàn Nghi lễ CAND. Chỉ huy dàn nhạc là nhạc trưởng Honna Tetsuji.

Từ 19h30, tiền sảnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã tấp nập, rộn rã. Mỗi đoàn khách bước vào, những khúc nhạc rộn ràng lại vang lên thay lời chào mừng nồng nhiệt nhất của Ban tổ chức với các đại biểu, khán giả của chương trình.

Các đại biểu dự chương trình.

Thượng tá Trịnh Anh Thông, Phó Trưởng Đoàn Nghi lễ CAND cho biết, để phục vụ chương trình, từ nhiều tháng trước, Đoàn nghi lễ đã xây dựng, tập luyện hàng chục tiết mục ca ngợi Đảng, Bác Hồ, lực lượng CAND, người chiến sĩ Công an… Sự hào hứng của của khán giả khi đến với chương trình là sự động viên lớn đối với các nghệ sĩ, chiến sĩ của Đoàn.

Đúng 20h, trong ánh sáng rực rỡ, “Quốc ca Việt Nam” vang vọng khắp khán phòng rộng lớn qua phần trình diễn của dàn nhạc giao hưởng, do nhạc trưởng Honna Tetsuji chỉ huy. “Hành khúc CAND” đã trở nên rất quen thuộc với số đông nhưng tạo nhiều bất ngờ, ngạc nhiên cho người xem. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên, tác phẩm này được dàn nhạc giao hưởng lớn và dàn đại hợp xướng biểu diễn trên sân khấu hoành tráng với bản phối mới.

Lời chào mừng của MC thay lời chúc mừng toàn bộ cán bộ, chiến sĩ Công an nhưng cũng nhắc nhở vị trí, vai trò, những đóng góp to lớn của lực lượng CAND trong cả thời chiến lẫn thời bình. Ở đó, mỗi giai đoạn, mỗi chặng đường đầy thử thách cam go, đầy hy sinh mất mát nhưng cũng rất đỗi hào hùng của dân tộc, đất nước đều có sự đóng góp, cống hiến, sư hy sinh tận tụy của cán bộ, chiến sĩ Công an qua các thế hệ.

Chương trình nghệ thuật “75 năm vinh quang CAND Việt Nam”

Dàn đại hợp xướng, dàn nhạc giao hưởng lớn biểu diễn mở màn chương trình dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji.

Tại chương trình, hình ảnh người CAND Việt Nam luôn gắn liền với hình ảnh đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong suốt 3/4 thế kỷ đã qua được đặc tả qua rất nhiều tiết mục được dàn dựng công phu. Đó là “Ca ngợi Tổ quốc”- một sáng tác của nhạc sĩ Hồ Bắc, qua phần biểu diễn của dàn đại hợp xướng dưới sự lĩnh xướng của nghệ sĩ Minh Tới và dàn nhạc giao hưởng dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji.

Nhạc trưởng Honna Tetsuji 

Đó còn là những lời thơ của nhà thơ Tố Hữu từng thay tiếng lòng của triệu triệu người dân luôn hướng về Bác Hồ kính yêu; là bài hát “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” (sáng tác: nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ” qua phần biểu diễn của giọng ca đầy nội lực, tinh tế, sang trọng của NSƯT Lan Anh và dàn nhạc giao hưởng; “Người là niềm tin tất thắng” (sáng tác: nhạc sĩ Chu Minh) qua sự thể hiện của nghệ sỹ Kim Long và dàn hợp xướng lớn, dàn nhạc giao hưởng.

Bản giao hưởng “Chào mừng” như tiếng reo vui của toàn dân tộc đã vượt qua thử thách đi tới thắng lợi cuối cùng, do nhạc sĩ Trọng Bằng viết năm 1986, nhân kỷ niệm 10 năm ngày đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, được chuyển tải thành công trên sân khấu qua tiếng đàn bầu của NSƯT Bùi Lệ Chi cùng dàn nhạc giao hưởng.

NSƯT Đăng Dương tiếp tục khẳng định đẳng cấp của một giọng ca dòng nhạc thính phòng và truyền thống với  “Trường ca Sông Lô” – một sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao. Ca khúc “Người Hà Nội” (sáng tác: nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi); “Bài ca hy vọng” (sáng tác: nhạc sĩ Văn Ký) qua phần biểu diễn của nghệ sĩ Đào Tố Loan, Phạm Thu Hà và dàn nhạc giao hưởng mang đến nhiều cảm xúc, sự mới lạ cho khán giả.

NSƯT Đăng Dương biểu diễn cùng dàn đại hợp xướng, dàn nhạc giao hưởng lớn với sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji

Cũng trong chương trình, các nghệ sĩ đặc biệt tri ân các anh hùng liệt sĩ Công an đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, cuộc sống bình yên của nhân dân. Các ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” (sáng tác: nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn), “Người chiến sỹ ấy” (sáng tác: nhạc sĩ Hoàng Vân), “Miền xa thẳm” (sáng tác: Đức Trịnh) qua phần trình diễn của tam ca nam, NSƯT Minh Lương, NSƯT Kim Oanh và dàn nhạc giao hưởng là những nén tâm hương của Ban tổ chức, các nghệ sĩ tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, tri ân các cán bộ, chiến sĩ công an đã, đang thầm lặng cống hiến cho nhân dân, cho đất nước.

Thực tế, trong suốt chặng đường lịch sử 75 năm, CAND Việt Nam luôn được Đảng, Bác Hồ giáo dục, rèn luyện, lãnh đạo. Lòng biết ơn vô bờ của lực lượng CAND đối với Đảng, với Bác không chỉ được thể hiện bằng tình cảm mà còn bằng cả những quyết tâm, những nỗ lực, cống hiến, hy sinh lặng thầm trong công tác, trong từng ngày, từng giờ của các cán bộ, chiến sĩ. Những tình cảm, sự cống hiến, hy sinh ấy là niềm cảm hứng cho rất nhiều các tác phẩm văn học nghệ thuật qua các thời kỳ. Trong đó, bài thơ về những chú Công an đêm đông đi tuần trên đường phố của tác giả Trần Ngọc trong sách giáo khoa Tiếng Việt đã mang lại những cảm xúc khó quên với nhiều thế hệ học sinh. Những cảm xúc ấy tiếp tục lay động trái tim hàng ngàn khán giả xem chương trình khi vang lên trong khán phòng Trung tâm Hội nghị Quốc gia đêm 16-8: “Gió hun hút lạnh lùng/Trong đêm khuya phố vắng/Súng trong tay im lặng/Chú đi tuần đêm nay/Chú đi qua cổng trường/Các cháu miền Nam yêu mến/Nhìn ánh điện qua khe phòng lưu luyến/Các cháu ơi! Giấc ngủ có ngon không?”

Cũng trong chương trình, sự cống hiến, tận tụy, luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân của người CAND còn được các nghệ sĩ chuyển tải qua nhiều tiết mục được dàn dựng công phu. Trong đó có “Bài ca người cảnh sát Công an đường sắt” (sáng tác: nhạc sĩ Hoàng Vân), “Từ một ngã tư đường phố” (sáng tác: nhạc sĩ Phạm Tuyên), “Tổ quốc gọi tên mình” (sáng tác: nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn) do ca sỹ Trần Trang, NSƯT Minh Lương, NSƯT Kim Oanh, tốp ca nữ và dàn nhạc giao hưởng thể hiện.

NSƯT Bùi Lệ Chi biểu diễn đàn bầu cùng dàn nhạc giao hưởng lớn.

Với người yêu âm nhạc cổ điển thính phòng thì bản Rhapsody “Việt Nam” do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sáng tác, được dàn nhạc giao hưởng trình diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji là một bất ngờ thú vị. Bởi lẽ, Rhapsody là một thể tài âm nhạc giao hưởng có nguồn gốc từ loại hình diễn tấu thơ thời Hy Lạp cổ đại nhưng phù hợp trong chuyển tải âm thanh cuộc sống Việt Nam, vốn giàu chất êm ả, dịu dàng, với nhiều sắc thái riêng của văn hóa vùng miền. Rhapsody “Việt Nam” như bức tranh bằng âm nhạc, cho người xem cảm nhận được thiên nhiên, không gian lễ hội dân gian Việt Nam với những âm điệu trong vắt của núi rừng Tây Bắc, âm thanh rộn ràng lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên… Trong khi đó, giọng ca trẻ Lê Tuân cũng chinh phục người xem, tạo dấu ấn đẹp trong chương trình khi cùng với dàn hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng trình diễn ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” (sáng tác: nhạc sĩ Hoàng Hà).

Bộ trưởng Tô Lâm tặng hoa động viên các nghệ sĩ.

Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an tặng hoa động viên các nghệ sĩ.

Chương trình “75 năm vinh quang CAND Việt Nam” diễn ra trong gần 2 giờ đồng hồ nhưng dường như chưa bao giờ khán giả lại thấy thời gian trôi nhanh đến thế. Sự trở lại của NSƯT Đăng Dương và các ca sĩ cùng dàn hợp xướng, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam với ca khúc “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” (sáng tác: nhạc sĩ Chu Minh) khép lại đêm nhạc trong sự tiếc nuối của người xem. Những tràng pháo tay tưởng chừng dài bất tận trong thời khắc nhạc trưởng Honna Tetsuji và toàn thể nghệ sĩ đứng chào khán giả. Không gian sân khấu rực rỡ hơn bởi rất nhiều những đóa hoa tươi thắm từ các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an dành tặng các nghệ sĩ.

Hàng nghìn khán giả rạng rỡ rời Trung tâm Hội nghị Quốc gia trong đêm với sự xúc động, cảm xúc tự hào còn vương trên từng khuôn mặt, từng ánh mắt, nụ cười. Thành công ngoài sự mong đợi là chia sẻ chung của rất nhiều khán giả và cả Ban tổ chức. Chắc chắn, khi đến với đêm biểu diễn thứ 2 của chương trình vào tối ngày 17-8, khán giả đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia cũng sẽ có được những cảm xúc, ấn tượng đẹp, khó quên như thế.

Một số hình ảnh trong Chương trình nghệ thuật:

(Nguồn: http://cand.com.vn/)

Nhạc sĩ An Hiếu ra mắt MV hoạt hình ‘Tình yêu lính công an’

0
Nhạc sĩ An Hiếu ra mắt MV hoạt hình ‘Tình yêu lính công an’

(Tác giả: T.N. Ảnh và clip: NVCC)

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống CAND, nhạc sĩ An Hiếu cùng ekip của mình vừa giới thiệu đến công chúng MV hoạt hình mang tên Tình yêu lính công an. Đây được coi là món quà tinh thần rất ý nghĩa mà An Hiếu cùng ekip của mình dành tặng cho những người chiến sỹ công an nhân dịp đặc biệt này.

Tình yêu lính công an là một ca khúc pop với giai điệu nhẹ nhàng, ca từ gần gũi thể hiện sự hi sinh thầm lặng cũng như tình yêu của người chiến sĩ công an đối với công việc mang lại bình yên cho cuộc sống. Với chất trữ tình và lối viết hiện đại, Tình yêu lính công an vượt qua ranh giới một bài hát về “ngành nghề” trở thành một ca khúc nhạc nhẹ rất dễ nghe và có thể phổ biến trong đời sống giới trẻ.

Hình ảnh trong MV “Tình yêu lính công an”

Nhạc sĩ An Hiếu – tác giả ca khúc này chia sẻ: Tình yêu lính công an được ra đời năm 2015 trong một chuyến đi thực tế sáng tác. Có thể nói tôi đã thu được rất nhiều cảm xúc và chất liệu quý ở dịp này. Và vừa rồi bài hát đã tặng thưởng giải A trong đợt xét chọn ca khúc tiêu biểu về đề tài CAND nhân dịp kỉ niệm 75 ngày truyền thống CAND (19/8/1945- 19/8/2020). Tình yêu lính công an được thể hiện bởi Cát Tiên – Quán quân Giọng hát hay Hà Nội 2018 và Đinh Quang Đạt – top 3 cuộc thi Vietnam Idol 2016.

Có một điều đặc biệt ở sản phẩm âm nhạc này đó chính là MV được dựng thành phim hoạt hình khá ấn tượng. Đây là sản phẩm hoạt hình do nhóm MP Media thực hiện. Nhóm đã và đang đồng hành cùng nhạc sĩ An Hiếu không chỉ trong bài hát này mà còn cả seri phim hoạt hình những ca khúc thiếu nhi của cố nhạc sĩ An Thuyên.’

Trả lời câu hỏi tại sao lại chọn “hoạt hình” để làm MV này, nhạc sĩ An Hiếu cho biết thêm: Hình tượng công an hay bộ đội, giáo viên cũng khá quen thuộc nhưng đưa vào phim hoạt hình để viết lên câu chuyện thì trước giờ chưa có. Tuy nhiên, chính yếu tố này lại là điểm nhấn trong một câu chuyện hoạt hình được kể bằng ngôn ngữ âm nhạc. Do đó, tôi quyết định “đầu tư” để hoàn thiện sản phẩm này.

Nhạc sĩ An Hiếu ra mắt MV hoạt hình ‘Tình yêu lính công an’

MV “Tình yêu lính công an”:

(Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/)

Nhạc cổ điển – những mảnh ghép sắc màu

0

Tác giả: Huy Toàn

Đang mùa dịch mà được nhâm nhi đọc sách, nghe nhạc, khám phá thế giới của cái hay, cái đẹp, cái thánh thiện – đó là những gì cuốn “Nhạc cổ điển – những mảnh ghép sắc màu” có thể đem đến cho bạn và cả gia đình. Phải, tôi có thể tự tin nói rằng, cuốn sách phù hợp với mọi lứa tuổi, cho cả người sành nhạc và người không chuyên, miễn là bạn muốn trang bị cho mình thêm kiến thức.

Gần gũi “hơn mức bạn tưởng tượng”

Xưa nay nhiều người cho rằng nhạc cổ điển là khó, là xa vời, mình có nghe thì cũng như “đàn gẩy tai trâu”! Một số người lại nghĩ nhạc cổ điển được ca ngợi nhiều thế, tại sao mình lại chẳng hề hay biết gì! Cuốn sách Nhạc cổ điển – những mảnh ghép sắc màu của nhóm tác giả NA9 biên soạn, Lê Ngọc Anh chủ biên, chính là một sự đáp lại những người này và đáp ứng những người kia. Trong lời nhắn nhủ bạn đọc, các tác giả muốn trấn an rằng, “những giai điệu nhạc cổ điển gắn bó với cuộc sống thường ngày hơn mức bạn tưởng tượng!”, và khẳng định: “Mọi sắc màu phong phú của cuộc sống, bạn đều có thể tìm thấy trong các tác phẩm âm nhạc cổ điển”.

Cuốn sách giúp khám phá thế giới nhiều sắc màu của nhạc cổ điển một cách dễ dàng

Với tinh thần ấy, cuốn sách đem đến cho bạn đọc một hình thức tiếp cận rất dễ “vào”. Đó là thông qua chính các tác phẩm để bạn tự tìm hiểu và thuyết phục mình rằng, quả thật, nhạc cổ điển rất hay và gần gũi. Các bản nhạc ấy có thể coi là những mảnh ghép của một bức tranh có sức khơi gợi hơn là bao quát. Bởi vì, với hơn 150 trang in, tất cả những gì được nói đến ở đây chỉ là một phần rất nhỏ trong thế giới bao la của âm nhạc cổ điển mà người ta khó bao giờ có thể đi đến cùng.

Cuốn sách được chia thành 9 phần với các chủ đề khác nhau: Du ngoạn và phiêu lưu, Những lễ hội, Bốn mùa phù hợp, Chuyện loài vật, Niềm vui thơ ấu, Vũ điệu và hành khúc, Tình yêu xứ sở, Những cảnh quan ngoạn mục, và Những khúc khải hoàn. Mỗi phần được minh họa thông qua bốn tác phẩm cụ thể, như với phần 1 – Du ngoạn và phiêu lưu – là “Phiên chợ Ba Tư”, Tổ khúc giao hưởng Scheherazade, Giao hưởng “Đồng quê”, “Bài ca trên mặt nước”; với phần 5 – Niềm vui thơ ấu – là Hát ru, Góc trẻ thơ, Những khung cảnh ấu thơ, Peter và chó sói…

 Điều thú vị là chỉ với 36 tác phẩm, bạn đọc đã có thể làm quen với giao hưởng và sonate, tứ tấu và ngũ tấu, tổ khúc và hành khúc, lied và étude, rhapsody và concerto (những thuật ngữ mà bạn sẽ sớm quen thôi)… Đồng thời qua 36 tác phẩm đó, bạn cũng sẽ có dịp tìm hiểu về các nhà soạn nhạc hàng đầu thế giới, những tên tuổi lẫy lừng như Mozart, Haydn, Schubert (Áo), Beethoven, Brahms, Mendelssohn (Đức), Vivaldi, Paganini (Italy), Debussy, Ravel (Pháp), Tchaikovsky, Prokofiev (Nga), Liszt (Hungary), Smetana (Séc), Chopin (Ba Lan)… Đọc về họ, tìm hiểu rồi nghe các tác phẩm của họ, bạn sẽ thấy tất cả sao mà gần gũi, thân quen, thật khác xa những gì bạn vẫn nghĩ trước khi chịu trải lòng đến với họ. Bởi những gì được nói đến trong cuốn sách và gợi ý để bạn đi tiếp, thật giản dị, dễ hiểu và nhiều sức khơi gợi.

Cuộc du hành của tưởng tượng

Xin nêu vài thí dụ. Nhà soạn nhạc Chopin sáng tác bản Étude Nỗi buồn (được giới thiệu trong phần Tình yêu xứ sở) khi ông phải sống xa Tổ quốc Ba Lan. Ông rất thích tác phẩm này và tự cho rằng trong đời mình chẳng thể nào tìm thấy lần nữa “một giai điệu đẹp đến thế”. Một lần ở Paris, nơi Chopin sống lưu vong và dạy nhạc để mưu sinh, giữa lúc đang dạy bản Étude cho một học trò, ông đã bật khóc và thốt lên: “Ôi quê hương tôi!”. Nhà soạn nhạc người Đức Beethoven cũng có số phận thật bất hạnh. Ông sáng tác bản giao hưởng số 9, tác phẩm lớn nhất đời ông, khi đã bị điếc đặc. Bằng nghị lực phi thường, Beethoven đã hoàn thành tác phẩm, để rồi đích thân ông đứng ra chỉ huy dàn nhạc trong buổi công diễn. Bản giao hưởng kết thúc, khán giả đã bật dậy vỗ tay như vỡ rạp, mà nhà soạn vẫn tiếp tục vung đũa chỉ huy. Bởi ông có… nghe thấy gì đâu!

Những câu chuyện thật cảm động, nhưng dù sao cũng thuộc về lịch sử âm nhạc. Song điều này thì chắc chắn có liên quan trực tiếp đến nhiều người chúng ta. Chẳng hạn bạn mới thành hôn hoặc đi dự một đám cưới. Trong phút giây quan trọng nhất, khi đôi uyên ương tiến vào khán phòng, tiếng nhạc cất lên khiến ai nấy đều rạo rực. Bạn sẽ nghĩ sao nếu những giai điệu tuyệt vời ấy chính là nhạc cổ điển, thuộc một trong hai bản nhạc vẫn hay được cử hành trong hôn lễ hiện nay: Phiên bản khí nhạc Kìa cô dâu đến trong nhạc kịch của Wagner, hay Hành khúc đám cưới trong Giấc mộng đêm hè của Mendelssohn – cả hai cùng được giới thiệu trong cuốn sách này…

Như trên đã giới thiệu, các tác phẩm được tuyển chọn đều thuộc về những chủ đề cụ thể và hầu hết có tên. Cái tên, không nghi ngờ gì nữa, là hết sức quan trọng với mỗi tác phẩm âm nhạc. Như bản thân tiêu đề Phiên chợ Ba Tư đã gợi cho ta mọi ý niệm có thể có về một chợ phiên ở xứ sở “Nghìn lẻ một đêm”, với những đoàn hành hương, tiếng lục lạc của đàn lạc đà, một nàng công chúa đến chợ và cả vị quốc vương đáng kính… Nhưng cái tên, dù có cụ thể đến mấy, cũng vẫn chỉ là một sự gợi ý. Nhà soạn nhạc Nga Rimsky-Korsakov, tác giả bản Scheherazade nổi tiếng (cũng là về câu chuyện “Nghìn lẻ một đêm” với những chương như Biển và con tàu của thủy thủ Sinbad, Ngày hội ở Bagdad…) từng nói, những tiêu đề chương nhạc chỉ có ý “hướng dẫn qua loa cho sự  tưởng tượng của thính giả trên con đường du hành tưởng tượng”. Điều quan trọng, như nhà soạn nhạc Nga nói, chính là sự tưởng tượng của bạn. Tưởng tượng và nghe đi nghe lại, chúng tôi muốn nói thêm. Bạn cứ thử tìm nghe các bản nhạc cổ điển đi. Nghe đi rồi nghe lại. Sẽ đến một lúc bạn thấy nó thật hay, thật gần gũi, thân quen. Và rồi vẻ đẹp của âm nhạc sẽ chinh phục bạn, “bắt” bạn đọc thêm sách báo, tìm hiểu thêm qua các nguồn tài liệu khác, và hình thành nên thói quen nghe nhạc mỗi ngày.

Giờ thì xin nhường lời để bạn đến với cuốn sách nhập môn đầy hứa hẹn này…

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

GIỚI THIỆU NHÓM TÁC GIẢ:

Lê Ngọc Anh (Chủ biên)

Sinh năm 1976. Dịch giả tự do. Đồng sáng lập và biên tập website nhaccodien.vn. Biên soạn và biên dịch nhiều cuốn sách về nhạc cổ điển:

  •  Những khúc dạo đầu – thơ và nhạc thính phòng giao hưởng
  • Cùng các Bé nghe nhạc cổ điển
  • Đến với nhạc cổ điển
  • Cuộc đời Beethoven

Nguyễn Như Dũng (Đồng tác giả)

Sinh năm 1957. Năm 1975, học Đại học Xây dựng Kiev, đồng thời học biểu diễn guitar tại Trường Âm nhạc K.G. Stetsenko. Năm 1980, ông tốt nghiệp Trường K.G. Stetsenko, được Nhạc viện Tchaikovsky TP.Kiev nhận vào học thẳng nhưng Bộ Đại học Liên Xô không đồng ý vì ông đã tốt nghiệp đại học ở nước này. Sau đó về nước, giảng dạy tại Học viện Kỹ thuật Quân sự đến năm 1985 thì chuyển ngành về Nhạc viện Hà Nội dạy guitar. Là Trưởng bộ môn guitar đến năm 1994. Năm 1987, ông có hai đêm độc diễn rất thành công tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam với nhạc mục từ Baroque đến Hiện đại.

Trịnh Minh Cường (Đồng tác giả)

Sinh năm 1964 tại Hà Nội. Bắt đầu những bài học ký xướng âm đầu tiên với nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Năm 15 tuổi bắt đầu học guitar với nhạc sĩ Hứa Đông Hải. Sau đó tiếp tục học guitar với các nghệ sĩ guitar Vũ Bảo Lâm, Phùng Tuấn Vũ và Nguyễn Như Dũng. Năm 1990 thực hiện recital đầu tiên và được mời về giảng dạy ở bộ môn guitar Nhạc viện Hà nội, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Hiện nay chủ yếu dạy guitar, chuyển soạn và nghe nhạc cổ điển. Tham gia viết cuốn Nghệ thuật trình tấu guitar cổ điển ở Hà nội, 2012.

(Nguồn: http://daibieunhandan.vn/)

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

LỜI ĐẦU SÁCH

Bạn thân mến,

Với nhiều người, “nhạc cổ điển” có thể là một từ xa lạ, nhưng thực ra, những giai điệu nhạc cổ điển gắn bó với cuộc sống thường ngày của chúng ta hơn mức bạn tưởng tượng! Những chủ đề mà các nhà soạn nhạc thời xưa quan tâm cũng là những điều ngày nay chúng ta vẫn thích thú (một chuyến phiêu lưu thú vị, một giấc mơ đẹp đẽ, một truyện cổ tích lấp lánh), và thậm chí thiết tha, đau đáu (niềm vui khi tìm về với thiên nhiên trong trẻo; nỗi buồn khi xa rời quê hương xứ sở; khát vọng tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống; ước mơ vươn tới những gì cao đẹp nhất…)

Những tác phẩm cổ điển, đến nay, vẫn là thử thách để nhiều nghệ sĩ tài năng tiếp tục chinh phục, những tác phẩm hàng trăm năm tuổi ấy vẫn xuất hiện đầy tinh tế trong những bộ phim, vở kịch, các chương trình nghệ thuật hiện đại, mang đến điểm nhấn thú vị và đôi khi gửi gắm những thông điệp vô thời!

Một kho tàng đẹp đẽ và quý báu nhường ấy, với sức sống bền bỉ và sức hấp dẫn lớn đến thế, ta đâu thể bỏ qua. Với mong muốn đem lại những gợi ý để độc giả bước vào thế giới Nhạc cổ điển, Nhà xuất bản Kim Đồng cùng nhóm tác giả NA9 đã cùng nhau thực hiện cuốn sách Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu.

36 bài viết giới thiệu 36 tác phẩm âm nhạc cổ điển tương đối tiêu biểu, cũng là 36 miếng ghép đầu tiên chúng tôi gửi đến bạn về Nhạc cổ điển. Rải rác trong sách còn là những chú thích tỉ mỉ về thể loại tác phẩm, tốc độ chơi, các loại giọng hát… Bạn hãy tự mình nhặt từng mảnh ghép nhỏ, xây dựng những hiểu biết ban đầu nhưng cực kì quan trọng, làm nền tảng cho những khám phá tiếp sau về thế giới Nhạc cổ điển!

Mỗi nghệ sĩ đều có một cảm nhận, một cách “diễn giải” và thể hiện, mang đến một màu sắc độc đáo cho tác phẩm gốc. Chính bạn cũng sẽ cảm nhận theo cách của riêng mình, hòa trộn những nốt nhạc ấy với những hiểu biết, suy ngẫm của mình, để biến nó thành trải nghiệm riêng tư.

Chúng tôi không hứa hẹn với bạn một hành trình dễ dàng: đọc từng bài viết, tìm nghe bản nhạc, kết hợp với những cảm nhận của bản thân để thấu hiểu một tác phẩm là một quá trình đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn. Nhưng kết quả thì chắc chắn là vô cùng mãn nguyện, mượn lời của nhạc trưởng/ nghệ sĩ dương cầm bậc thầy Leonard Bernstein nói về Giao hưởng số 9 của Beethoven, thì: “Nỗi diệu kì ấy, không lời lẽ nào có thể diễn tả.”

Chúng tôi ước mong, và tin rằng bạn sẽ tìm thấy sự diệu kì ấy!

Nào, ta cùng bắt đầu!

Nhà xuất bản Kim Đồng

Cuộc thi sáng tác ca khúc về quê hương Quảng Ngãi lần thứ I – 2020: Tiếp tục nhận tác phẩm dự thi đến hết tháng 8/2020

0
Cuộc thi sáng tác ca khúc về quê hương Quảng Ngãi lần thứ I – 2020: Tiếp tục nhận tác phẩm dự thi đến hết tháng 8/2020

Cuộc thi sáng tác ca khúc về quê hương Quảng Ngãi lần thứ I – 2020: Tiếp tục nhận tác phẩm dự thi đến hết tháng 8/2020

Ngày 10/02, Ban Tổ chức Cuộc thi sáng tác ca khúc về quê hương Quảng Ngãi lần thứ I – 2020 do Tạp chí Vietnam Logistics Review phối hợp cùng Công ty TNHH TMDV Seven Stars tổ chức họp báo phát động và ban hành Thể lệ Cuộc thi sáng tác ca khúc về quê hương Quảng Ngãi, trong đó thời hạn nhận tác phẩm tham dự từ ngày 10/02/2020 đến hết ngày 30/07/2020. Sau hơn 5 tháng phát động, đến nay (30/7) Ban Tổ chức Cuộc thi sáng tác ca khúc về quê hương Quảng Ngãi lần thứ I – 2020 đã và đang nhận được sự quan tâm, tham gia nhiệt tình từ các nhạc sĩ và người yêu sáng tác âm nhạc trên khắp cả nước. Cuộc thi đã nhận được sự đăng ký tham gia của 200 tác giả thuộc 34 tỉnh/thành phố trong cả nước, với 287 tác phẩm dự thi.

Trước đó, ngày 14/07, Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi đã có buổi làm việc với Ban Tổ chức về công tác chấm giải và chuẩn bị lễ công bố trao giải cuộc thi. Tại buổi làm việc, Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi có ý kiến về việc nên tổ chức Lễ trao giải vào giữa tháng 11/2020 nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ mới 2020 – 2025.

Ngoài ra, hiện nay dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường. Quảng Ngãi đang là một trong các tỉnh thành có bệnh nhân nhiễm COVID-19. Do đó, Ban Tổ chức Cuộc thi sáng tác ca khúc về quê hương Quảng Ngãi thống nhất gia hạn thời gian nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 31/08/2020 (thay vì ngày 31/7 như đã thông báo trước đó). Đồng thời, Lễ công bố và trao giải dự kiến được tổ chức vào tháng 11/2020. Ban Tổ chức rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm và đón nhận của các nhạc sĩ và người yêu nhạc trong cả nước.

Cuộc thi sáng tác ca khúc về quê hương Quảng Ngãi lần thứ I – 2020 là sân chơi thú vị, nơi để những người yêu nhạc, các nhạc sĩ chuyên và không chuyên trên khắp cả nước thể hiện tình yêu với quê hương Quảng Ngãi thông qua các tác phẩm âm nhạc. Cuộc thi sẽ góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị về lịch sử – văn hóa của tỉnh Quảng Ngãi; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu quê hương, đất nước trong mỗi người con đất Việt…

(Nguồn: http://stckquangngai.com/)

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam

0

(Tác giả: Thanh Nhã)

Bế mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X

Sáng 7 tháng 8 năm 2020, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025) đã diễn ra phiên họp chính thức và Lễ bế mạc trọng thể.

Đến dự có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội các Hội Văn học nghệ thuật Trung ương và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; đồng chí Lê Mạnh Hùng – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội các Hội Văn học, Nghệ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam; nhà thơ Hữu Thỉnh – Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Đại hội các Hội Văn học, Nghệ thuật và Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam; đồng chí Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; đồng chí Nguyễn Minh Nhựt – Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Kiều Cao Chung – Phó Vụ trưởng Vụ V, Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Phạm Trung Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Phi Chính phủ, Bộ Nội vụ; Thiếu tướng Lê Xuân Sang – Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy – Phó cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị, Bộ Công An; các vị lãnh đạo đại diện cho các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương: Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; Hội Mỹ thuật Việt Nam; Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam; Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam; Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam; Hội Điện ảnh Việt Nam; Hội Nhà Văn Việt Nam; Cục Nghệ thuật Biểu diễn; Cục bản quyền tác giả Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch; Cục A03 Bộ Công An; Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương; Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội; Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ; Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh; Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Ninh; Hội Văn học Nghệ thuật TP Hải Phòng; Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định; Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương; Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam; Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương; Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội; Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam; Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội; Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long; Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam; Đoàn Nghi lễ Quân đội; Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng; Đoàn Văn công Quân khu I, Đoàn Văn công Quân khu II; Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không – Không quân; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam; Công ty Cổ phần đầu tư IMG; Bệnh viện Trung ương Quân đội 108…

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội; Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; Nhà lý luận phê bình Âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra; các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành nhiệm kỳ IX; gần 400 nhạc sĩ đại biểu từ các chi hội trong cả nước về dự Đại hội, cùng đông đảo các cơ quan báo chí đến dự và đưa tin cho Đại hội…

Đại hội rất phấn khởi nhận được sự quan tâm cùng những tình cảm của tất cả các cấp cơ quan, các cấp lãnh đạo, và bạn bè quốc tế. Đại hội vui mừng nhận được Thư chúc mừng của GS Rashid Kalimullin – Nghệ sĩ Nhân dân Liên bang Nga, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Liên bang Nga, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Tatastan; Thư chúc mừng của Tiến sĩ Izumi Miyoshi – Tổng thư ký Liên đoàn các nhà soạn nhạc châu Á (ACL); và nhiều lẵng hoa tươi thắm đến từ các cơ quan, đoàn thể, cá nhân, trong cả nước chúc mừng Đại hội…

Đại hội vinh dự được đồng chí Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu ý kiến chỉ đạo, thay mặt Đảng, Nhà nước biểu dương Hội Nhạc sĩ Việt Nam và toàn thể những người làm công tác âm nhạc; ca ngợi truyền thống vẻ vang, ý chí kiên cường, đấu tranh anh dũng của những chiến sĩ – nhạc sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa – tư tưởng – nghệ thuật, gìn giữ nền độc lập – tự do của Tổ quốc; đánh giá cao những kết quả mà giới nhạc sĩ Việt Nam đạt được, cổ vũ các thế hệ nhạc sĩ cùng với Hội Nhạc sĩ Việt Nam đoàn kết, quyết tâm, khơi dậy sáng tạo, nội lực, phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm âm nhạc có chất lượng cao hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của công chúng; chú trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống trong bối cảnh cơ chế thị trường, toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp lần thứ tư…, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong công cuộc đổi mới đất nước.

Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có bài phát biểu đầy cảm xúc, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc và thống nhất cao với toàn thể Đại hội. Ông khẳng định giới âm nhạc Việt Nam đã và đang góp phần vào việc đưa đất nước ta bước vào xã hội công nghiệp – một sự kiện chưa từng có trong lịch sử, với bề dày lịch sử hơn 60 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã góp phần cho dân tộc ta, cho đất nước ta đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IX làm được rất nhiều việc về đẩy mạnh sáng tác, lý luận phê bình, đào tạo tài năng trẻ, giao lưu hội nhập quốc tế… đó là những cố gắng toàn diện.

Tuy vậy, có một vấn đề chúng ta đã thấy từ lâu, nhưng giải quyết chưa xong và không mấy hiệu quả, mà nó đang phát triển ngoài mong muốn của chúng ta, đó là sự phát triển của âm nhạc thương mại – âm nhạc thị trường lôi cuốn không ít giới trẻ. Mối quan tâm đầu tiên của chúng ta là xây dựng dòng chủ lưu của âm nhạc Việt Nam; thứ hai chúng ta phải giải quyết vấn đề thương mại trong âm nhạc. Ông tin tưởng rằng giới nhạc sĩ Việt Nam chắc chắn sẽ góp phần xứng đáng đưa dân tộc ta tiến vào xã hội công nghiệp với mục đích xây dựng đất nước ta: Dân giàu – Nước mạnh – Dân chủ – Công bằng – Văn minh, và hy vọng với những thành công Hội Nhạc sĩ Việt Nam sẽ bước sang một trang mới phát triển tốt đẹp, xứng đáng với sự mong đợi của Đảng của nhân dân.

TS, nhạc sĩ lão thành Doãn Nho – Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, chia sẻ về quá trình học tập và trưởng thành của bản thân trong Lực lượng Vũ trang Nhân dân, những kinh nghiệm sáng tác âm nhạc. Đặc biệt là vận dụng chất liệu từ dân ca, nâng cao tính dân tộc và tính hiện đại trong tác phẩm. Đặc biệt, ông khẳng định nhiệm kỳ X Hội ta phải khẳng định để có tính bác học trong tác phẩm, thể hiện rõ nhất trong khí nhạc mà đỉnh cao là giao hưởng. Muốn vậy phải có lý thuyết Âm nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Trưởng Ban Bầu cử công bố kết quả bầu cử Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X tại Đại hội: Kết quả bầu được Ban Chấp hành mới gồm 21 Ủy viên, và ban Kiểm tra gồm 07 Ủy viên.

Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Hội, thông báo kết quả Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra nhiệm kỳ X:

Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra nhiệm kỳ X diễn ra chiều ngày 6 tháng 8 năm 2020. Chỉ đạo Hội nghị: Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Giám sát phiên bầu cử các chức danh: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra có: đồng chí Nguyễn Minh Nhựt – Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Bùi Thục Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, cùng các chuyên viên Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương.

Hội nghị đã bầu các chức danh như sau:

Chủ tịch Hội: PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân với số phiếu tín nhiệm 21/21 (100%), tái đắc cử chức danh Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025).

Các Phó Chủ tịch Hội:

  1. ThS. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh:  Số phiếu 21/21(100%).

2. NSND Phạm Ngọc Khôi: Số phiếu 21/21 (100%).

3. Nhà LLPB âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu: Số phiếu 21/21 (100%).

4. NSƯT Trần Vương Thạch:  Số phiếu 21/21 (100%).

Bầu thêm Ủy viên Ban Thường vụ:

1. Nhạc sĩ Trần Nhật Dương: Số phiếu 21/21 (100%).

2. Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan: Số phiếu 21/21 (100%).

(Ban Thường vụ gồm 7 nhạc sĩ trên).

Trưởng Ban Kiểm tra: Nhạc sĩ Trần Nhật Dương: Số phiếu 21/21 (100%).

Bế mạc Đại hội, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X, thay mặt Ban Chấp hành mới, phát biểu nhận nhiệm vụ trước Đại hội, trước sự chứng kiến của các đồng chí đại diện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí Lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành… Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X gồm 21 Ủy viên xin hứa với Đại hội, xin hứa với Đảng, Nhà nước, nguyện cố gắng hết mình vì sự nghiệp âm nhạc của Đất nước, phấn đấu có những tác phẩm, công trình có giá trị cao về nghệ thuật và tư tưởng để phục vụ nhân dân, phục vụ Đất nước, cùng nhau đoàn kết đi trên một con tàu để đưa nền âm nhạc Việt Nam đạt nhiều thành tích cao hơn nữa, tốt hơn nữa, xứng đáng với niềm tin, xứng đáng với sự kỳ vọng của đồng nghiệp, của bạn bè và của công chúng yêu nhạc cả nước.

Một số hình ảnh tại Đại hội:

Đoàn Chủ tịch

Đoàn Thư ký Đại hội

Ban Chấp hành mới nhiệm kỳ X ra mắt Đại hội

(Nguồn: http://hoinhacsi.vn/)

Hành khúc ngành Y – ca khúc cổ vũ những chiến binh áo trắng trên trận tuyến chống dịch

0

Tác giả ca khúc chính là nhà giáo Lê Thống Nhất – người đã có ca khúc “Đánh giặc Corona” từ những ngày đầu tiên Việt Nam “chống dịch như chống giặc”. Nếu như ca khúc “Đánh giặc Corona”, tác giả viết để truyền những thông điệp cụ thể về chống dịch cho mọi người cùng với tinh thần “quyết thắng đại dịch” thì “Hành khúc ngành Y” lại là tiếng hát của những thầy thuốc Việt Nam – lực lượng xung kích trong cuộc chiến.

Ca khúc được viết vào những ngày cuối cùng tháng 7 đã được nhạc sĩ Vũ Quốc Nam hoà âm và các ca sĩ Ngọc Hà, Tiến Lâm, Cảnh Tuấn, Hải Lê thể hiện ngay ngày đầu tiên của tháng 8.

Ngay đêm ngày 1/8/2020, tác giả đã làm video để chính thức gửi ca khúc tới cộng đồng qua mạng FB lúc 1h30′ ngày 2/8/2020.

Chỉ 2 ngày qua, video đã có hơn 100.000 lượt xem và hàng ngàn lượt chia sẻ trên mạng xã hội. Nhiều đơn vị y tế, một số ca sĩ đã liên hệ để thực hiện các bản thu mới.

Cộng đồng thông qua việc chia sẻ bài hát đã gửi những lời chúc tới các chiến binh áo trắng như muốn tăng thêm sức mạnh cho các thầy thuốc Việt Nam và tin tưởng cuộc chiến chống đại dịch sẽ giành được chiến thắng.

Nhà giáo Lê Thống Nhất tâm sự: “Mình muốn góp chút gì đó trong cuộc chiến chống dịch và ca khúc này đã ra đời trong tâm niệm đó. Mình muốn các chiến binh áo trắng hãy yên lòng trong trận chiến này vì cả nước đang sát vai cùng các bạn! Cảm ơn nhạc sĩ Vũ Quốc Nam cùng các ca sĩ Ngọc Hà, Tiến Lâm, Cảnh Tuấn, Hải Lê đã nhanh chóng phối hợp cùng tac giả để ca khúc được vang lên kịp thời. Cảm ơn tất cả các bạn đã chia sẻ ca khúc để gửi tới các thầy thuốc Việt Nam.”
Xin chúc mừng nhà giáo Lê Thống Nhất với một ca khúc ý nghĩa, kịp thời trong cuộc chiến mới chống SARS – COV – 2 và trân trọng giới thiệu với các bạn.
Các bạn có thể tải nhạc đệm tại đây hoặc liên hệ qua mail của tác giả: nhat@bigschool.vn