Thứ Hai, Tháng Mười 21, 2024
Trang chủ Blog Trang 80

Âm nhạc lan tỏa thông điệp mùa Covid-19

0

(Tác giả: Thùy Trang)

Âm nhạc lan tỏa thông điệp mùa Covid-19

Không mới lạ nhưng những ca khúc lan tỏa thông điệp phòng chống dịch Covid-19 không chỉ ý nghĩa mà cực kỳ cần thiết lúc này.

Nhóm nhạc Chillies, đại diện Việt Nam tham gia dự án cộng đồng phòng chống dịch Covid-19 cùng “nữ hoàng ballad” Hàn Quốc và dàn nghệ sĩ Châu Á. Mới đây, những nghệ sĩ nổi bật từ 6 quốc gia châu Á là Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam đã cùng tham gia vào một dự án âm nhạc quốc tế mang tên “ME ME WE”. Đây là sản phẩm nhằm lan tỏa thông điệp tích cực về niềm hy vọng đến cộng đồng trong đợt dịch Covid-19.

Đặc biệt, bên cạnh dàn nghệ sĩ tên tuổi đại diện Hàn Quốc như Ailee, RAVI (VIXX), NewKidd,… thì Việt Nam còn có sự góp mặt của nhóm nhạc Chillies. Đây là niềm vinh dự không chỉ của người hâm mộ quê nhà mà còn của các thành viên của Chillies. Ca khúc “ME ME WE” được sản xuất bởi MZMC – producer từng làm việc với EXO, Red Velvet, SHINee và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác. MZMC được biết đến qua nhiều bản hit Kpop như “Ko Ko Bop”, “Tempo”, “Love shot” của EXO…

Vì những hạn chế trong việc đi lại trong mùa dịch, các nghệ sĩ đã thu âm và ghi hình tại studio trong nước. Với giai điệu tươi sáng cùng lời nhạc ý nghĩa, “ME ME WE” gửi gắm niềm hy vọng và yêu thương đến cộng đồng: “We’ll get through anything – We’re one big family” (Chúng ta sẽ vượt qua tất cả thôi – Bởi chúng ta là một gia đình).

Ca khúc ME ME WE với nhiều ca sĩ châu Á biểu diễn trong đó có đại diện Việt Nam là nhóm nhạc Chillies

Đây cũng là dự án được phát động từ chính quyền quận Gangnam – Hàn Quốc. Lợi nhuận thu được từ dự án sẽ được gửi đến các quỹ ứng phó Covid-19 tại các quốc gia. Trong thời điểm diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đây sẽ là “liều thuốc tinh thần” vô cùng có ý nghĩa mà các nghệ sĩ trên nhiều quốc gia châu Á muốn gửi gắm đến người hâm mộ như một “vitamin” đầy tích cực.

Trong khi đó, Khả Ngân cũng viết lại lời bản hit cách đây 10 năm của Wanbi Tuấn Anh và Ngô Kiến Huy để dành tặng cho y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Ca khúc với tên gọi “97 triệu”, được Khả Ngân giải thích, “97 triệu là dân số Việt Nam, và 97 cũng là năm sinh của cô nên cô quyết định sử dụng con số này làm tựa đề ca khúc. “97 triệu” mang thông điệp: Toàn bộ người dân Việt Nam đều vững tin vào ngày dịch bệnh chấm dứt, đồng lòng cùng các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống lại dịch bệnh, hướng tới một tương lai tươi sáng.

Ca khúc 97 triệu của Khả Ngân viết lời cảm ơn đội ngũ y bác sĩ

Giai điệu gốc của “97 Triệu” là ca khúc “Nhịp Tim” được nhạc sĩ Châu Nguyễn sáng tác cách đây 10 năm, từng được thể hiện thành công qua giọng hát của Wanbi Tuấn Anh và Ngô Kiến Huy.  Toàn bộ MV được sử dụng tông màu đen trắng và được dàn dựng vô cùng đơn giản: chỉ có Khả Ngân cầm micro hát cùng màn đệm đàn phụ hoạ của guitarist. Có thể thấy, “97 Triệu” cũng là một cách Khả Ngân khoe giọng hát ngày càng tiến bộ của mình một cách đầy tinh tế và khéo léo.

Một trong những bản nhạc đang được lan truyền rộng khắp trên thế giới mạng trong hành trình chống dịch Covid-19, nhận được sự yêu thích của khán giả yêu nhạc. Những lời lẽ tuyên truyền mọi người cần ý thức và trách nhiệm trong chống dịch Covid-19 là lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh. Ca khúc không chỉ ý nghĩa mà còn là tuyên ngôn mạnh mẽ gởi đến mọi người dân. Điều đó khiến ca khúc được viết lại lời từ ca khúc nổi tiếng “Tiếng đàn Ta Lư” đang lan tỏa rộng rãi.

Ca khúc chống dịch Covid-19 được viết lại từ ca khúc Tiếng đàn Ta Lư đang được lan truyền trên mạng

(Nguồn: https://nld.com.vn/)

Liên hoan Giai điệu Sơn ca 2020: Sân chơi bổ ích cho thiếu nhi

0
Liên hoan Giai điệu Sơn ca 2020: Sân chơi bổ ích cho thiếu nhi

(Tác giả: Nguyễn Hằng)

Là sân chơi trong sáng, lành mạnh, bổ ích dành cho thiếu nhi, Liên hoan cũng là nơi phát hiện, ươm mầm những tài năng âm nhạc và phản ánh phong trào ca hát của thiếu nhi cả nước.

Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức vòng chung khảo Liên hoan Giai điệu Sơn ca lần thứ V – năm 2020 với chủ đề “Giai điệu tuổi thần tiên” diễn ra tại Hà Nội.

Liên hoan Giai điệu Sơn ca lần thứ V được tổ chức đúng dịp chào mừng kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 75 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945 – 7/9/2020).

Liên hoan Giai điệu Sơn ca 2020: Sân chơi bổ ích cho thiếu nhi

Liên hoan Giai điệu Sơn ca là sân chơi âm nhạc thường niên dành cho các cháu thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam (Ảnh: Hà Phương).

Sau một năm phát động (tháng 6/2019 đến tháng 6/2020), đã có 24 đơn vị tham gia với 148 tiết mục đa dạng về thể loại, hình thức thể hiện, đông đảo nhất từ trước tới nay. Hội đồng Giám khảo gồm các nhạc sĩ, nghệ sĩ có uy tín đã lựa chọn 54 tiết mục tham gia tranh tài tại Vòng chung khảo.

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký biên tập VOV cho biết, Liên hoan Giai điệu Sơn ca là hoạt động âm nhạc thường niên của Đài Tiếng nói Việt Nam dành cho thiếu nhi, học sinh Việt Nam từ 7 đến 15 tuổi, đang sinh hoạt ở nhà thiếu nhi các cấp, các đơn vị, cơ quan, trường học trong cả nước.

Qua bốn kỳ tổ chức trước đây, liên hoan đã thu hút hàng nghìn thiếu nhi, số lượng mỗi năm một tăng, trở thành sân chơi trong sáng, lành mạnh và bổ ích dành cho các em, là nơi phát hiện những mầm non tài năng âm nhạc, phản ánh phong trào ca hát của thiếu nhi cả nước…

“Ca nhạc thiếu nhi là món ăn tinh thần không thể thiếu trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam ngay từ những ngày đầu thành lập, cho đến bây giờ vẫn được thính giả yêu thích. Nhiều năm qua, Đài tổ chức nhiều cuộc thi hát cho thiếu nhi, trong đó nổi bật là Cuộc thi Tiếng hát hoa phượng đỏ – điểm hẹn cho thiếu nhi yêu âm nhạc cả nước vào mỗi mùa hè. Chính phong trào đó chắp cánh cho nhiều tài năng âm nhạc Việt Nam.

Đây không chỉ là cuộc thi mà đã trở thành ngày hội của thiếu nhi, các em ra Hà Nội để có những ngày hè bổ ích. Dù còn nhiều khó khăn, BTC đã chuẩn bị cơ sở vật chất tốt nhất cho liên hoan. Chúng tôi mong muốn giới thiệu phong trào ca hát thiếu nhi để các em nhỏ có động lực, nuôi dưỡng, chắp cánh tài năng”, nhà báo Đồng Mạnh Hùng chia sẻ.

NSƯT, nhạc sĩ Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Nhà hát Đài TNVN (giữa) chia sẻ về điểm mới của liên hoan năm nay (Ảnh: Hà Phương).

Đánh giá về chất lượng các tiết mục tham gia, nhạc sĩ Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo cho biết, nhiều chương trình được dàn dựng công phu, chất lượng âm thanh tốt. Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Liên hoan năm nay là năm có số lượng các đơn vị tham dự đông nhất.

Hình thức trình bày các tiết mục dự thi đa dạng, bao gồm đơn ca, song ca, tốp ca, độc tấu, hoà tấu nhạc cụ… các tác phẩm âm nhạc dành cho thiếu nhi.

Theo chia sẻ của nhạc sĩ Doãn Nguyên, các cuộc thi trước vẫn có tình trạng các em hát ca khúc người lớn, nhưng năm nay BTC kiên quyết “loại” những tiết mục này. “Các em thiếu nhi chỉ thể hiện những bài hát đúng với lứa tuổi của mình chứ không được sử dụng ca khúc người lớn”, nhạc sĩ Doãn Nguyên khẳng định.

Nhạc sĩ Trần Nhật Dương, quyền Trưởng ban Ban Âm nhạc (VOV3) cũng cho rằng, tiêu chí của Liên hoan Giai điệu Sơn ca là luôn luôn khuyến khích các bạn nhỏ hát những tác phẩm đúng lứa tuổi của mình. Đó cũng là điểm khác biệt của cuộc thi với các sân chơi dành cho trẻ em khác…

Đêm công diễn, trao giải liên hoan đã diễn ra vào ngày 20/7 tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ, Hà Nội) và được tường thuật trực tiếp trên kênh Truyền hình chuyên biệt về văn hóa – du lịch Vietnam Journey và trên sóng phát thanh VOV3 Đài Tiếng nói Việt Nam.

(Nguồn: https://dantri.com.vn/)

Nếu Mozart sống lâu hơn

0

(Tác giả: Thanh Nhàn)

Nhà soạn nhạc thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart (1756–1791) qua đời năm 35 tuổi trong sự nghèo túng. Đây là một điều đáng tiếc bởi lẽ ra, nhà soạn nhạc Mozart có thể thừa hưởng được nhiều nhất bộ gene tuổi thọ truyền thống từ gia đình. Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc đã mong muốn hình dung ra trật tự của thế giới âm nhạc sẽ ra sao nếu như Mozart sống thọ như những người trong cây phả hệ của mình.

Cha của Mozart, ông Leopold Mozart, thọ đến 67 tuổi, một độ tuổi hiếm hoi ở châu Âu trong thời kỳ nạn dịch cúm có thể cướp đi bất kỳ sinh mệnh nào. Bà Anna Maria, người mẹ bất khuất của Mozart, dù qua đời do virus cúm khi đang hết lòng chăm sóc đứa con 22 tuổi của mình, thọ 58 tuổi. Chị gái của Mozart, Nannerl, người cũng có tài năng phi thường về âm nhạc như em trai, mất năm 1829 tại Salzburg ở độ tuổi 78, thậm chí sống lâu hơn ông chồng không chính thức người Áo của mình. Mozart qua đời năm 1791 do nhiễm cầu khuẩn chuỗi, thận không bài tiết được, phổi bị viêm vào giai đoạn cuối và bị ảnh hưởng từ nhiều chứng bệnh khác từ thời thơ ấu, khi gia đình đưa ông đi lưu diễn vòng quanh châu Âu, một bi kịch của một thiên tài âm nhạc.

Thật khó tưởng tượng ra lịch sử âm nhạc viết lại như thế nào nếu Mozart sống thọ như chị gái Nannerl của mình. Lẽ ra, ông có thể chết năm 1843, nghĩa là sống lâu hơn Ludwig van Beethoven tới 7 năm và hơn Franz Schubert 6 năm. Điều gì sẽ xảy ra? Có thể lúc đó chất thử nghiệm đầy mạo hiểm trong các bản giao hưởng của Beethoven sẽ mất sạch bong như Mozart vẫn từng làm trong thời kỳ của ông. Điều gì cũng có thể xảy ra và người ta cũng đã từng tưởng tượng ra viễn cảnh cuộc gặp gỡ giữa một Mozart héo hon vì tuổi già với một Chopin trẻ măng mới 19 tuổi, khi nhà soạn nhạc người Ba Lan tới Vienna lần đầu tiên trong chuyến đi ngắn ngày vào năm 1829. Có thể là Mozart già nua sẽ đóng vai trò khán giả trong buổi biểu diễn của Chopin, với chương trình là tác phẩm đầu tiên nhà soạn nhạc trẻ tuổi viết cho piano và dàn nhạc, khúc biến tấu “Là ci darem la mano” từ chính vở opera Don Giovanni của Mozart. Một lần nữa, sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Don Giovanni đối với nhà soạn nhạc trẻ như Chopin có thể sẽ không hoàn toàn giống như Mozart khi ông sống và viết các vở opera.

Nếu tăng thêm tuổi cho cuộc đời của Mozart thì có thể sẽ có thêm nhiều điều ngạc nhiên. Nếu có thêm nhiều thời gian để ngẫm nghĩ, có thể Mozart sẽ thay đổi quan điểm đầy chê bai của ông đối với âm nhạc tại Paris khi được nghe “Symphonie Fantastique” (bản giao hưởng Hoang tưởng) của Berlioz vào năm 1830, trong đợt công diễn đầu tiên. (Vào năm 1778, khi chán nản với đời sống âm nhạc Paris, Mozart đã viết thư gửi cha, trong đó có than thở: “Con sống giữa thế giới âm nhạc đầy sự thô lỗ, cục cằn.”)

Để đưa ra một kết luận có phần xác thực, các nhà nghiên cứu âm nhạc đã xem lại sự nghiệp của nhà soạn nhạc người Áo này, đặc biệt vào các tác phẩm cuối đời. Mozart được yêu mến ở khắp mọi nơi trên thế giới qua tất cả các tác phẩm của mình, nhưng có thể thấy rõ ràng là trong những tác phẩm viết vào giai đoạn cuối của ông có nhiều nét sáng tạo độc đáo vượt trội, thể hiện theo 2 hướng là opera và symphony. Đó là tất cả tiến trình của một sự chiêm nghiệm thuần túy. Bộ ba tác phẩm nổi tiếng Le Nozze di Figaro (Đám cưới Figaro), Don Giovanni và Così Fan Tutte (Đàn bà là như thế) được Mozart phổ nhạc trên phần lời của người cộng sự Lorenzo Da Ponte đã đưa Mozart vào vị trí bậc thầy trên sân khấu nhà hát. Bằng ba vở diễn này, Mozart đã truyền tải chất hài hước, hóm hỉnh vào thể loại opera, vốn từ lâu đã là thánh đường của sự phức hợp, sâu sắc và uy nghi. Mozart đã khéo léo cân bằng được chất hài hước với yếu tố bi thảm một cách tự nhiên đến kỳ lạ. Sự phi thường khó nắm bắt trong âm nhạc của Mozart đã đem lại cho các thế hệ khán giả những cảm xúc đa chiều qua các màn kịch. Nhà phê bình âm nhạc Virgil Thomson đã từng viết về Don Giovanni trên The New York Herald Tribune với bài viết “Chủ nghĩa cánh tả của Mozart”. Bình luận về quan điểm của Mozart, Thomson viết: “Sự cân bằng giữa mối đồng cảm và năng lực quan sát rõ ràng đến lạ thường. Don Giovanni là một trong những vở diễn hài hước nhất và bi thảm nhất. Ở trong đó gói ghém tất cả tình yêu, bài học về sự tiêu khiển đến đánh mất cả luân lý, phẩm hạnh”. Còn với hai vở opera cuối cùng Die Zauberflöte (Cây sáo thần) và La clemenza di Tito (Sự nhân từ của Tito) như một sự thỏa hiệp đầy ý nghĩa giữa xu hướng của các nhà soạn nhạc thế hệ Handel trước Mozart và thế hệ Verdi sau Mozart. Die Zauberflote là câu chuyện thần tiên về tình yêu và sự hài hước với nhân vật anh chàng bẫy chim Papageno còn vở opera cuối cùng La clemenza di Tito sáng tác năm 1791, vốn viết để chúc mừng lễ lên ngôi vua xứ Bohemia của Leopold II tại Prague, Mozart đã truyền tải quan điểm về tình yêu, sự nghi ngờ, lòng ghen tuông, âm mưu thù hận và cả sự cao thượng… Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu Mozart sống thêm một thập kỷ nữa, ông có thể tìm kiếm nhiều hơn chất bi kịch và đào sâu sự hài hước như đề tài của hai vở opera này.

Khí nhạc, một nhánh khác trong các tác phẩm cuối đời của Mozart, cũng được các nhà phê bình âm nhạc chú ý. Các tác phẩm khí nhạc của Mozart bao hàm sự đào sâu sáng tạo ngày càng tăng với yếu tố nhạc tố và kỹ thuật, đặt nền tảng cho sự phát triển. Sự phát triển của chủ nghĩa cổ điển thành Vienna đã cho phép một nhà soạn nhạc thành công từ việc sáng tạo ra nhạc tố chính, kết nối các phần nhỏ trong tác phẩm theo một chủ đề mang tính chủ đạo. Đó là hình thức sonata, được thể hiện rất rõ trong các bản giao hưởng của chủ nghĩa cổ điển. Haydn, một bậc thầy về kỹ thuật này, đã từng dạy Beethoven và chính Beethoven đã tiếp tục con đường sáng tạo của Haydn cho đến cuối cuộc đời mình. Mọi khán giả thường không có ý thức theo dõi sự phát triển của nhạc tố trong các tứ tấu đàn dây của Haydn hoặc giao hưởng của Beethoven. Dẫu vậy, sự lấp lánh chói sáng của hình thức sonata đã được Beethoven sử dụng đầy kiên định trong Giao hưởng “Eroica” với 4 chương nhạc, đã đến với người nghe, dù bằng tiềm thức, một cách nguyên vẹn và đầy đủ.

Mozart là một mắt xích quan trọng của kỷ nguyên Cổ điển. Con đường sáng tạo của ông không hề dễ dàng như nhiều người vẫn tưởng, dù cho ông được trời phú cho món quà của giai điệu, một khả năng thẩm âm tuyệt vời về sự hài hòa và sự làm chủ trong nghệ thuật đối âm. Và một cách tự nhiên, Mozart đã trở thành bậc thầy của sân khấu. Các bản concerto, tứ tấu đàn dây hoặc giao hưởng và những bản sonata của Mozart cũng đều được sáng tác một cách tự nhiên như các vở opera. Nhưng trên thực tế, Mozart đã phải lao động hết sức cực nhọc và vất vả để có được điều này. Trong lời đề tặng 6 tứ tấu đàn dây cho nhà soạn nhạc Haydn năm 1785, Mozart có viết “Đó là quả ngọt của quá trình lao động cực nhọc và kiên trì”. Người vợ của Mozart, Constanze, đã từng cảnh báo người chồng tài năng của mình là có thể sẽ phải chết vì làm việc quá vất vả, và thực tế thì bà đã có lý…

Đã có nhiều cuộc truy tìm nguyên nhân vì sao, trong mùa hè năm 1788, Mozart đã đồng thời viết lên 3 bản giao hưởng cuối cùng: số 39 giọng Mi giáng, số 40 giọng Son thứ và số 41 “Jupiter” giọng Đô trưởng. Qua các cuộc tranh luận của các học giả âm nhạc, có thể thấy Mozart không sáng tác theo lời yêu cầu nào, cũng không để cho buổi trình diễn nào. Vậy thì tại sao ông lại sáng tác 3 bản giao hưởng này? Cuối cùng, có một ước đoán có vẻ xuôi tai hơn cả là Mozart muốn kết thúc một cách hoàn hảo phần kỹ thuật trọng yếu của chủ nghĩa cổ điển. Với 3 tác phẩm này, phần công việc của Mozart với lịch sử âm nhạc như vậy đã được coi là trọn vẹn. Điều đó được thể hiện rõ đặc biệt bản số 41 “Jupiter”, tuy thật khó khăn để trình bày cặn kẽ vấn đề này bằng con chữ. Các nhà phê bình âm nhạc cho rằng, nếu không có “Jupiter” sẽ không thể có được những cách tân táo bạo về hình thức và nội dung tư tưởng trong các bản giao hưởng của Beethoven sau này.

Người ta có thể dễ dàng hình dung ra vị trí dẫn đầu như một bậc thầy sáng tạo của Mozart. Với sáng tạo của mình, Mozart đã đóng góp lớn vào tiến trình phát triển của chủ nghĩa Cổ điển. Nhưng dường như tất cả mới chỉ bắt đầu, bởi nếu cuộc đời Mozart kết thúc ở độ tuổi 50, có thể sự nghiệp sáng tác của ông sẽ có nhiều thay đổi lớn lao hơn. Vì thế, cái chết ở tuổi 35 của Mozart thực sự là một mất mát lớn với âm nhạc cổ điển.

(Nguồn: nhaccodien.info)

Có một dòng ca khúc lay động lòng người về đề tài thương binh, liệt sĩ

0

(Tác giả: Minh Tuấn)

Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay, dòng ca khúc truyền thống cách mạng vẫn có một sức sống bền bỉ và một chỗ đứng vững chắc trong lòng người yêu nhạc. Mỗi ca khúc như một trang lịch sử bằng âm thanh tái hiện lại một thời đau thương mà anh dũng của cả dân tộc. “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một trong những đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Nét đạo lý ấy đã được biểu hiện sinh động trong nền ca khúc cách mạng Việt Nam với một số lượng đáng kể các bài hát về đề tài thương binh, liệt sĩ, về những người con trung hiếu đã chịu nhiều mất mát, hy sinh để bảo vệ nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc.

Có một dòng ca khúc lay động lòng người về đề tài thương binh, liệt sĩ

Có một đặc điểm chung bao trùm trong những bài hát về mảng đề tài thương binh, liệt sĩ đó là: Nét giai điệu trầm lắng, tha thiết, mỗi ca từ đều toát lên thái độ thành kính, biết ơn, ngưỡng vọng. Đó không chỉ là nỗi niềm xúc động riêng của người nhạc sĩ mà còn là tiếng lòng đồng điệu của bao người. Dễ lý giải điều này bởi những hy sinh, thiệt thòi, mất mát của những người thương binh, liệt sĩ và những người thân của họ là vì sự bình yên của Tổ quốc, vì vận mệnh của cả dân tộc. Chính lý tưởng sống đẹp đẽ, đáng trân trọng ấy đã thổi vào âm nhạc không khí vừa bi tráng vừa lạc quan. Để rồi những thế hệ của ngày hôm nay có thể cảm nhận được phần nào những trang sử hào hùng của dân tộc được thấm bằng mồ hôi, máu xương và nước mắt của các thế hệ cha anh. Đồng thời ý thức được cái giá của cuộc sống bình yên, hạnh phúc mà mỗi người đang thụ hưởng.

Ra đời từ năm 1958, cách đây đã 56 năm nhưng ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn vẫn được đánh giá là một ca khúc hay, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người về hình ảnh người nữ anh hùng của lực lượng Công an nhân dân – chị Võ Thị Sáu. Không giáo huấn về sự hy sinh, không hô hào cứng nhắc, cũng không bi lụy trước cái chết, chị Võ Thị Sáu hiện lên qua những giai điệu sâu lắng và gần gũi. Bằng một loạt nốt luyến, tác giả đã sáng tạo nên những giai điệu thiết tha, sâu lắng, thể hiện nỗi xót thương, nghẹn ngào trước sự ra đi đầy kiêu hùng của người con gái đất đỏ: “Mùa hoa lê ki ma nở, ở quê ta miền đất đỏ, thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng…”. “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” được ví như ca khúc mặc niệm người nữ anh hùng bất khuất, can trường. Nhiều người có dịp ra viếng mộ chị Sáu, dưới bầu trời xanh Côn Đảo, trong vi vút gió hàng dương và lắng nghe giai điệu của ca khúc này, trong lòng ai cũng dâng lên một nỗi niềm xúc động rưng rưng.

Bài thơ “Thời hoa đỏ” được nhà thơ Nguyễn Đức Mậu viết ra vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau này, đã được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc và đổi tên thành “Màu hoa đỏ”. Nhạc sĩ Thuận Yến đã phổ nhiều bài thơ thành nhiều ca khúc hay, nhất là những bài thơ viết về chiến tranh và người lính. Với “Màu hoa đỏ”, ông đã phổ nên một giai điệu trữ tình lẫn bi tráng, tạo cảm xúc mạnh với người nghe: “Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo, có người lính mùa thu ấy, ra đi từ đó không về. Dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây che. Chiều biên cương trắng trời sương núi, mẹ già mỏi mắt nhìn theo… Việt Nam ơi! Việt Nam! Núi cao như tình mẹ bốn mùa tóc bạc nỗi thương con. Việt Nam ơi! Việt Nam! ngọn núi nơi anh ngã xuống rực cháy lên, màu hoa đỏ phía rừng xa, rực cháy lên, màu hoa đỏ phía hoàng hôn”. Ca từ đẹp, trong sáng, hình ảnh giản lược nhưng gợi lên nhiều xúc động: Mái tranh nghèo, người lính trẻ, người mẹ già, ngọn núi đá, màu hoa đỏ… Giai điệu không vương nét u uất, bi thiết, thê lương của một bản nhạc truy điệu mà buồn chậm rãi, làm nao lòng người nghe. Thoáng có chút bùi ngùi nhưng phần hồn của “Màu hoa đỏ” là niềm tin tất thắng vào ngày mai.

Cũng viết về đề tài những người liệt sĩ đã không tiếc thân mình ngã xuống cho nền độc lập của Tổ quốc, nhạc sĩ Tân Huyền đã rất thành công với ca khúc “Cỏ non thành cổ”. Để rồi mỗi dịp tháng 7 về, giai điệu mượt mà của bài hát lại làm cho lòng người xốn xang. Ngay từ khi mới ra đời, bài hát đã chinh phục người nghe bằng sự xúc động chân thành trong từng nét giai điệu, ca từ. Nhạc sĩ Tân Huyền sáng tác ca khúc này vào ngày đầu xuân năm 1990, khi đi thâm nhập thực tế để viết về đề tài nỗi đau trong chiến tranh cùng các nhạc sĩ: Thuận Yến, Huy Thục, Vũ Thanh…

Nói đến Quảng Trị là nói đến mảnh đất từng diễn ra những trận đánh ác liệt gắn liền với những vùng đất anh hùng như: Khe Sanh, Vĩnh Linh, địa đạo Vĩnh Mốc… đặc biệt, thành cổ Quảng Trị là địa danh lịch sử gắn liền với cuộc chiến đấu 81 ngày đêm máu lửa giữa ta và địch. Khi tác giả sáng tác bài hát này, thành cổ Quảng Trị chưa có tượng đài, bảo tàng như bây giờ, chỉ có một màu cỏ xanh non tơ phủ khắp xung quanh. Cũng chính vì vậy mà màu cỏ xanh mướt nơi đây đã là cái “tứ” để những giai điệu đầu tiên của ca khúc vang lên: “Cỏ non thành cổ, một màu xanh non tơ. Bình minh thành cổ, cỏ mềm theo gió đung đưa… Nào có ai ngờ, nơi đây một thời máu đổ. Người mẹ nào, người vợ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi đàn con không trở về…”.

Những ca từ giản dị, tha thiết, sâu lắng mà gợi nên trong lòng người những nỗi niềm suy tư, trăn trở: Có những sự hy sinh đã ươm mầm cho sự sống cũng như xương máu các chiến sĩ đã ngã xuống cho lớp cỏ non mọc lên xanh mướt và trong cuộc sống hối hả của ngày hôm nay, nhiều lúc chúng ta đã vô tình quên đi quá khứ hào hùng một thời, quá khứ hào hùng ấy đã được tô thắm bằng xương máu của bao lớp người. “Cỏ non thành cổ” thực sự là một ca khúc đặc sắc, tỏa sáng sự tri ân đối với những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, đặc biệt là những người vợ, người mẹ có chồng, con ngã xuống trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị.

Bước ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc, cũng có những người con trung hiếu trở về với cuộc sống đời thường khi đã gửi lại chiến trường một phần cơ thể. Họ sống bình dị, có ích ở giữa quê hương trong sự ngưỡng mộ, biết ơn của cộng đồng, làng xóm khi phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ luôn được phát huy. Đó cũng là nội dung được biểu hiện trong nhiều ca khúc được công chúng mến mộ. “Vết chân tròn trên cát” của nhạc sĩ Trần Tiến là một trong số đó. Năm 1981, trong một lần dạo quanh bờ biển Tiền Hải, thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, nhạc sĩ Trần Tiến đã bắt gặp những dấu nạng in hằn trên nền cát biển. Sau đó, ông đã dò hỏi dân làng xung quanh và biết được dấu nạng đó chính là của một anh thương binh bị thương tật ở chân đang đi đến trường dạy học cho các em nhỏ trong làng. Xúc động vì hình ảnh những dấu chân trên cát ngỡ như bình thường mà đầy sức ám ảnh ấy, tác giả đã sáng tác bài hát này. Hình ảnh người thương binh chống nạng, cứ mỗi bước đi là để lại một dấu chân tròn của đế nạng trên bãi cát có cái gì đó làm trĩu nặng lòng người. Nhưng rồi khi hát lên: …“Anh thương binh vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương. Bài hát có ngọn núi, quê anh xa vời. Bài hát có đồng lúa miên man câu hò…” thì còn đọng lại trong lòng người là một cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản xen lẫn niềm kính phục người thương binh giàu nghị lực.

Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều những ca khúc hay về đề tài thương binh, liệt sĩ được nhiều người yêu thích. Dẫu trực tiếp hay gián tiếp, dù đề cập đến những người đã ngã xuống hay còn sống trở về trên mình còn mang theo những vết thương, di chứng của chiến tranh, những ca khúc về những người con trung hiếu cống hiến cho dân tộc đều mang một âm hưởng lạc quan, ngợi ca, tha thiết. Vẻ đẹp lãng mạn và sự bi tráng trong những nhạc phẩm về mảng đề tài này không những vẽ nên những bức tranh bằng âm thanh về một quãng thời gian hào hùng của lịch sử dân tộc, mà qua đó, các nhạc sĩ còn gửi gắm những thông điệp nhắc nhở ý thức trách nhiệm của mỗi người, sống sao cho xứng đáng với những gian khổ, hy sinh của bao người vì sự thanh bình của cuộc sống hôm nay.

(Nguồn: https://bcdcnt.net/)

Đồng nghiệp tiếc thương sự ra đi của “phù thuỷ âm nhạc” Vũ Nhật Tân

0

(Tác giả: An Khánh)

Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân – tiên phong của âm nhạc đương đại, thể nghiệm Việt Nam đã qua đời tối 21/7 sau 3 năm chống chọi với ung thư đại tràng.

Tối 21/7, người thân cho biết nhạc sĩ Vũ Nhật Tân qua đời ở tuổi 50 tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.

Trước thông tin này, nhiều bạn bè, đồng nghiệp không khỏi tiếc thương bởi nhạc sĩ Vũ Nhật Tân ra đi khi vẫn còn đang dồi dào năng lượng sáng tạo, khát khao muốn cống hiến.

Đồng nghiệp tiếc thương sự ra đi của “phù thuỷ âm nhạc” Vũ Nhật Tân

“Phù thuỷ âm thanh” Vũ Nhật Tân ra đi ở tuổi 50

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ lại bức hình chụp cùng nhạc sĩ Vũ Nhật Tân trong một ngày khá đặc biệt (19/9/2019) khi hai anh em cùng làm khách mời một chương trình truyền hình.

“Hôm đó, nói về âm nhạc đương đại, anh vẫn đầy hào hứng và tràn đầy hy vọng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam sẽ có một khoa riêng dành cho thể loại âm nhạc vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam. Nếu điều đó thành hiện thực sẽ mở một trang mới cho âm nhạc này ở nước ta. Vậy mà không ngờ chưa đầy một năm, hôm nay anh đã dừng lại hết những ước mơ, và không biết bao giờ ước mơ ấy sẽ lại có bạn trẻ tài năng viết tiếp tại chính đất nước Việt Nam này? Vĩnh biệt anh, nhà soạn nhạc Vũ Nhật Tân!”, nhạc sĩ “Trách ông Nguyệt lão” chia sẻ.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ bức ảnh chụp chung với nhạc sĩ Vũ Nhật Tân (2019)
Cũng xót xa trước sự tài hoa nhưng vắn số của cố nhạc sĩ, nghệ sĩ Trần Ly Ly bày tỏ: “Anh ra đi thanh thản nhé! Người hiền lành – nhạc sĩ Vũ Nhật Tân”; Nhạc trưởng Lê Phi Phi viết: “RIP một nhạc sĩ của âm nhạc Việt Nam đương đại Vũ Nhật Tân”; Đạo diễn Phạm Hoàng Nam bày tỏ: “Ra đi thanh thản nhé! Tạm biệt một tài năng và cá tính nghệ sĩ hiếm có. Một chiến sĩ kiên cường. Luôn nhớ em Vũ Nhật Tân!”.

Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân sinh năm 1970 tại Hà Nội. Sinh thời, anh được thừa hưởng niềm đam mê nghệ thuật từ cha là PGS., TS. Vũ Nhật Thăng – một trong những nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống hàng đầu của Việt Nam.

Vũ Nhật Tân đến với âm nhạc từ khá sớm. Năm 1980, anh theo học piano tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Sau đó, anh rẽ hướng, theo học sáng tác và lý luận âm nhạc.

(Nguồn: http://giadinh.net.vn/)

Kỳ vọng lớp nghệ sĩ trẻ nhà nòi

0
Kỳ vọng lớp nghệ sĩ trẻ nhà nòi

(Tác giả: Thùy Trang)

Tài năng nghệ thuật cùng với sự nhanh nhạy trong tiệm cận với dòng chảy âm nhạc thế giới, những nghệ sĩ con nhà nòi thế hệ mới được kỳ vọng ghi dấu ấn trong đời sống nhạc Việt.

Sản phẩm âm nhạc “Got you”, đánh dấu sự bắt đầu dấn thân vào con đường ca hát chuyên nghiệp vừa ra mắt cách đây không lâu, Mỹ Anh (con gái của ca sĩ Mỹ Linh và nhạc sĩ Anh Quân, cháu nội của nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh và nghệ sĩ Thu Hiền) còn gây bất ngờ khi xuất hiện cùng nhạc sĩ Khắc Hưng, mạnh dạn tuyên bố sớm ra mắt sản phẩm âm nhạc mới có sự kết hợp giữa hai người. Việc Mỹ Anh kết hợp với nhạc sĩ được mệnh danh “hit maker” (người tạo khả năng ăn khách) Khắc Hưng trong những sản phẩm âm nhạc sắp tới khiến công chúng kỳ vọng cả hai sẽ làm nên chuyện.

Những tài năng tỏa sáng

“Mỹ Anh đang là một trong những gương mặt được trông chờ của V-pop trong tương lai” – nhạc sĩ Huy Tuấn nhận định. Điều này không hề quá lời khi cô gái tuổi teen này đang được rất nhiều người trong giới chú ý bởi tài năng của mình. Ca khúc “Got you” – bản R&B hoàn toàn bằng tiếng Anh với chất nhạc đang thịnh hành trên thế giới – nếu không nhìn tên, khán giả thậm chí có thể nhầm lẫn đang nghe nhạc của một nghệ sĩ indie Âu – Mỹ. Sau thành công của MV (video ca nhạc) chính thức này, Mỹ Anh tiếp tục cho ra mắt MV dance version và nhận được rất nhiều tình cảm phản hồi của khán giả.

Kỳ vọng lớp nghệ sĩ trẻ nhà nòi

Mỹ Anh (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Ngoài công đoạn mix/master do bố – nhạc sĩ Anh Quân – hỗ trợ, “Got you” do Mỹ Anh sáng tác và đảm nhận cả khâu sản xuất; ý tưởng, dàn dựng và biên tập. Ca sĩ Mỹ Linh cho biết cô hoàn toàn không cho con một đồng nào để thực hiện “Got you”, tất cả đều do Mỹ Anh “tự lực cánh sinh”.

MV hòa tấu saxophone “Còn tuổi nào cho em” của nghệ sĩ trẻ An Trần (tên thật là Trần Đàm An Phúc) – con gái nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn – được đánh giá là một sản phẩm lạ giữa thị trường MV ngập tràn hiện nay. Đây không chỉ là sản phẩm đánh dấu tuổi 14 mà còn là bước chuyển trên con đường trở thành nghệ sĩ thực thụ và chuyên nghiệp của An Trần. Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đã chọn thực hiện cho con một bản hòa âm smooth jazz nhẹ nhàng và tình cảm, qua đó, An Trần có thể biểu diễn theo một phong cách duyên dáng, đầy nữ tính nhưng cũng không thiếu cá tính.

An Trần (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Hiện nay, An Trần đang là đại sứ của Quỹ Học bổng Trịnh Công Sơn. Đặc biệt nữa, An Trần mới đây đã được hãng kèn saxophone danh tiếng P.Mauriat chọn làm gương mặt nghệ sĩ đại sứ cho hãng. Em còn được Trường Idyll Wild Arts Academy – một trong những trường trung học nghệ thuật tốt nhất của Mỹ – cấp học bổng du học cao nhất từ trước tới nay cho một học sinh nước ngoài.

Đăng Quang – con trai của ca sĩ Thanh Lam và nhạc sĩ Quốc Trung – không chỉ có gương mặt được cho là rất tài tử điện ảnh mà còn rất tài năng trong lĩnh vực âm nhạc. Là con nhà nòi về nghệ thuật (ông nội là NSND Trung Kiên) nên Đăng Quang cũng sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ khi còn nhỏ. Năm 2012, Đăng Quang tham gia cuộc thi âm nhạc quốc tế Val Tidone lần thứ 13 tại Picenza – Ý và giành giải nhất bảng B bộ môn piano dành cho lứa tuổi dưới 15. Năm 2013, Đăng Quang trở thành “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” của lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật; năm 2015, xuất sắc giành giải nhất bảng B cuộc thi piano quốc tế Hà Nội lần thứ ba. Năm 2017, Đăng Quang sang Canada du học chuyên ngành piano sau khi nhận được học bổng từ một trường âm nhạc của nước này. Nói về dự định tương lai, chàng trai tài năng từng chia sẻ mong muốn có thể tiếp tục được biểu diễn và giảng dạy piano.

Hồng Khanh (con gái NSƯT Chiều Xuân và nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, cháu nội nhạc sĩ Đỗ Nhuận) gây ấn tượng mạnh với công chúng ngay lần đầu xuất hiện tại chương trình “The Voice Kids” cách đây 7 năm. Sau chương trình đó, Hồng Khanh tập trung cho việc học. Bây giờ chính là lúc Hồng Khanh xuất hiện với nhiều ưu thế, không chỉ hát mà còn chơi giỏi nhiều loại nhạc cụ: piano, guitar, ukulele… Cô yêu thích nhiều thể loại nhạc, chủ yếu là nhạc Âu – Mỹ và K-pop.

Bảo Châu (con trai út của vợ chồng nhạc sĩ Quốc Dũng – ca sĩ Bảo Yến) gần đây cũng là cái tên đáng chú ý ở lĩnh vực phối khí khi được giới chuyên môn đánh giá cao như người cha nổi tiếng. Ước mơ của Bảo Châu là trở thành nhà soạn nhạc nổi tiếng trước năm 30 tuổi và có nhiều sản phẩm giá trị.

Nền tảng truyền thống gia đình

Tất cả những tài năng trẻ nói trên đều đã từng xuất hiện trước công chúng trong các sản phẩm của bố mẹ. Điều đó phần nào khẳng định niềm yêu thích nghệ thuật của họ đã được hình thành từ nhỏ, bắt nguồn từ nền tảng truyền thống làm nghệ thuật của gia đình. Nhưng hơn hết, những nghệ sĩ trẻ thế hệ mới này ý thức rất rõ việc tạo nên vệt màu tươi mới, đặc sắc mà họ cố tình vẽ ra để định hướng khán giả của mình. Họ được giới chuyên môn cũng như công chúng kỳ vọng trở thành những gương mặt mới cho đời sống âm nhạc Việt Nam bằng nền tảng truyền thống của gia đình cùng với việc được đào tạo bài bản từ những môi trường nghệ thuật rất tốt trên thế giới.

Anna Trương (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Anna Trương (con gái riêng của nhạc sĩ Anh Quân) không ít lần gây bất ngờ trong những chuyến về Việt Nam tham gia biểu diễn tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế Monsoon. Anna Trương học về sản xuất âm nhạc tại Mỹ và đã tốt nghiệp, trở thành kỹ sư âm thanh cho Igloo Music. Phòng thu nổi tiếng nước Mỹ này từng đoạt 24 giải Grammy.

Cô bày tỏ niềm hạnh phúc khi đảm nhận vai trò sản xuất âm nhạc và có cơ hội làm việc với nhiều đàn anh kinh nghiệm trong nghề. Nơi đây cũng là phòng thu thực hiện phần âm nhạc cho nhiều bộ phim nổi tiếng được công chiếu tại Việt Nam. Trong bức thư gửi bố cách đây ít ngày, Anna Trương bày tỏ rằng khi ở trong phòng thu và mix nhạc, cô mới được là chính mình, làm đến quên cả thời gian. Cô nhận ra khát khao của mình là trở thành nhà sản xuất âm nhạc, như chính công việc bố mình đang làm…

Thiện Thanh (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Thiện Thanh (con gái nhạc sĩ Quốc Trung với ca sĩ Thanh Lam) khiến khán giả yêu nhạc cực kỳ bất ngờ khi biểu diễn trong chương trình “Giai điệu tự hào” với giọng hát trong trẻo và đầy kỹ thuật. Thiện Thanh đã tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam nhưng cô cho biết sẽ không phát triển con đường âm nhạc theo cách trở thành ca sĩ phát hành album hay làm giọng ca “hot” trên mạng, cũng chưa bao giờ có ý nghĩ tham gia một số chương trình game show về âm nhạc để sớm nổi tiếng. Thiện Thanh khẳng định sẽ xây cho mình một sự nghiệp vững vàng theo cách riêng.

“Bóng con và bóng mẹ dắt nhau đi trên đường”

Tính ra, Mỹ Anh từng ra mắt album CD đầu tiên mang tên “Bài hát cho Bi”, gồm 8 ca khúc thiếu nhi bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, được xem là món quà cô bé tặng bạn đồng trang lứa. Về phía Mỹ Linh, dù biết con gái có năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ nhưng vợ chồng cô không muốn lăng-xê sớm. Thay vào đó, cô tạo điều kiện cho Mỹ Anh tham gia những chương trình vì cộng đồng cùng mình để con hiểu hơn và thêm yêu thương mọi người. “Con gái tôi rất kín đáo trong cuộc sống. Nó luôn sợ làm điều gì ảnh hưởng tới gia đình, bản thân vì không khéo léo. Nhìn vào Mỹ Anh ở tuổi 16 này, tôi thấy mình trong đó” – Mỹ Linh từng chia sẻ.

An Trần gây ấn tượng với công chúng ngay khi lần đầu xuất hiện trong live show của bố – nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn – vào năm 2013, lúc đó, bé được 9 tuổi và trở thành từ khóa tìm kiếm trên mạng.

Suốt 6 năm qua, An Trần đã song hành cùng cha trên nhiều sân khấu lớn nhỏ trong nước và quốc tế, biểu diễn cùng ban nhạc Saigon Big Band do nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn sáng lập, tham gia ghi âm cùng cha trong album “Thằng Cuội”, biểu diễn trong những chương trình tầm cỡ lớn, như chương trình biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam (2014), tham gia Liên hoan One jazz festival tại Thái Lan (2015), biểu diễn cùng nghệ sĩ jazz danh tiếng Nguyên Lê (2018). An Trần cũng là nghệ sĩ trẻ nhất biểu diễn trong chương trình đặc biệt chiêu đãi các đại biểu dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng (2017). Tháng 8-2019, An Trần là nghệ sĩ trẻ nhất được mời tham gia biểu diễn chương trình “We are ASEAN, We are one” nhân Hội nghị Cấp cao khối ASEAN tại Thái Lan… Cô bé đã làm được những điều tuyệt vời ấy khi chưa tới 14 tuổi.

(Nguồn: https://nld.com.vn/)

Giọng hát hay Hà Nội 2020: Tìm kiếm những giọng hát cá tính

0
Giọng hát hay Hà Nội 2020: Tìm kiếm những giọng hát cá tính

(Tác giả: PV)

Cuộc thi: “Giọng hát hay Hà Nội 2020” là một trong những hoạt động chính nhằm hướng tới kỷ niệm 66 năm ngày Giải phóng Thủ đô, cùng với đó là kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội.

Đây là một cuộc thi truyền thống, uy tín, chất lượng, là xuất phát của rất nhiều các ca sỹ đã thành danh của nền âm nhạc Việt Nam trong nhiều năm qua, như: ca sỹ Hồng Nhung (Giải nhất Giọng hát hay Hà Nội 1987), ca sỹ Mỹ Linh (Giải nhì Giọng hát hay Hà Nội 1993), ca sỹ Trọng Tấn (Giải nhất Giọng hát hay Hà Nội năm 1997), ca sỹ Tùng Dương (Giải nhất Giọng hát hay Hà Nội 2003), …

Năm 2014, cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội trở lại sau 10 năm vắng bóng với sự lên ngôi của ca sỹ Tiến Hưng, ngay sau đó, chàng ca sỹ có giọng hát rất đẹp này đã đăng quang Á quân cuộc thi Sao Mai 2015 dòng nhạc thính phòng danh giá.

Giọng hát hay Hà Nội 2020: Tìm kiếm những giọng hát cá tính

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh và Nhạc sĩ Giáng Son- Thành viên Ban tổ chức.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh- Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội chia sẻ: “Đây là cuộc thi tìm kiếm tài năng thực sự. Điều quan trọng là các ca sĩ trẻ cần tìm được sở trường của mình. Như dòng dân ca, các ca sĩ nên chọn những bài hát mang hơi thở của thời đại, chú trọng tiết tấu và hơi thở thời đại. Bài hát có thể cũ nhưng cách dàn dựng, phối khí phải mới. Ở dòng nhạc thính phòng thì cần chọn những tác phẩm đúng chất tính phong, kỹ thuật tốt. Còn nhạc nhẹ nhiều màu sắc nên phải tinh tế khi lựa chọn được những tác phẩm phù hợp giọng hát của mình, có tính thời đại và năng lực biểu diễn trên sân khấu cũng rất quan trọng, phải mãnh liệt, cháy sáng.  Năm nay có cả bolero- nhưng phải hát cho ra màu của bolero, mùi mẫn, tình cảm”.

Nhạc sĩ Giáng Son thành viên Ban giám khảo nhấn mạnh: “Cuộc thi nhằm tìm kiếm những giọng hát có cá tính, sáng tạo và mới mẻ. Chúng tôi không muốn tìm những bản sao của nguyên gốc nữa. Tôi hy vọng các bạn trẻ dũng cảm lựa chọn những ca khúc mới. Qua một số kỳ thi, tôi thấy có nhiều bạn giọng tốt nhưng không được tư vấn về chuyên môn nên rất đáng tiếc khi các bạn phải dừng chân sớm. Tôi muốn nhắn nhủ rằng, nếu các bạn đi thi, cần sự hỗ trợ thì chúng tôi luôn sẵn sàng  tư vấn giúp các bạn tìm ra những bài hát phù hợp với giọng của mình”.

Ca sĩ Cát Tiên dành giải quán quân dòng nhạc nhẹ 2018.

Cuộc thi được phát động từ tháng 7 năm 2020 và Ban tổ chức đang nhận được sự quan tâm nhiệt tình của đông đảo các thí sinh trên địa bàn Thủ đô. Vượt qua vòng thi sơ tuyển hết sức nghiêm túc và cam go, 60 thí sinh sẽ được chọn trở thành những đại diện xuất sắc, tài năng nhất để tham dự vòng thi Bán kết của cuộc thi. 10 thí sinh xuất sắc nhất của vòng bán kết sẽ được vào vòng chung kết. Top 10 thí sinh này sẽ tiếp tục được Hội đồng cố vấn hướng dẫn tập luyện, được đào tạo các kỹ thuật, kỹ năng trình diễn, giao tiếp.

Đêm chung kết dự kiến diễn ra vào 07/10/2020 tại Nhà Văn hóa – Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng của kênh H1, Đài PT-TH Hà Nội. Tổng giá trị giải thưởng lên đến 150 triệu đồng.

(Nguồn: http://cand.com.vn/)

Giới thiệu Tác phẩm mới tháng 7/2020

0
Giới thiệu Tác phẩm mới tháng 7/2020

Tác giả: Quỳnh Anh

Chương trình Giới thiệu Tác phẩm mới của Hội Âm nhạc Hà Nội được diễn ra vào ngày 15 hàng tháng đã trở thành hoạt động thực tế, khích lệ sự sáng tạo của các nhạc sĩ hội viên để luôn có những sản phẩm âm nhạc mới, mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Bên cạnh đó những ca khúc hay, có chất lượng về nội dung nghệ thuật cũng đã được thu thanh tại Đài TNVN và được vang lên trong chương trình Giới thiệu Tác phẩm mới trên Đài TNVN đồng thời lại thêm một lần nữa được giới thiệu tại Hội Âm nhạc Hà Nội – Ngôi nhà chung của các nhạc sĩ Thủ đô.

Ngày 15/7/2020 vừa qua, chương trình Giới thiệu Tác phẩm mới của Hội Âm nhạc Hà Nội với chủ đề “Tháng Bẩy và những cơn mưa”, chỉ đạo nghệ thuật: NS Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, Biên tập: NS Bá Môn, Kịch bản và MC: NS Nguyễn Tiến Mạnh đã được diễn ra sôi nổi với nhiều gam màu phong phú đa dạng.

 Mở đầu là phần trình tấu Piano của một nghệ sĩ trẻ đến từ Trung tâm phát triển tài năng trẻ do NS Võ Vang phụ trách, đó là Phạm Gia Kiên với 2 tác phẩm: Thứ nhất là Barcarola “Khúc chèo thuyền” trích trong Tổ khúc 4 mùa viết cho Piano của nhạc sĩ thiên tài người Nga: Pyotr Ilyich Tchaikovsky, và tác phẩm thứ 2 là Chương 3 bản Sonate No. 14 của NS Ludwig Van Beethoven.

Sau đó, với sự xuất hiện của NSUT Đức Chính, một nghệ sĩ biểu diễn tài năng của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, lần này đã xuất hiện với vai trò là nhạc sĩ sáng tác với tác phẩm “Việt Nam ơi, chân trời rộng mở”.

Tiếp theo là không gian của núi rừng, âm vang tiếng suối chảy, trong một sắc màu văn hóa của bà con các dân tộc thiểu số nơi vùng cao đã được tái hiện trong ca khúc “Bản vắng” – âm nhạc Lê Minh, thơ Mai Liễu.

Nhạc sĩ Mạnh Hồ thì mang lại một không gian đầy lãng mạn, trong đó là những áng mây chiều, những giọt mưa ngâu bất chợt, một cánh chim lẻ loi và tiếng đàn cầm….trong ca khúc “Chiều thu” phổ nhạc cho bài thơ cùng tên của tác giả Ngô Vi Kết. Mối lương duyên giữa thơ và nhạc còn được thể hiện trong bài hát “Chia tay đêm Hạ Long,” thơ Bùi Thanh Hà, âm nhạc Đức Giao…

Cứ thể những sắc màu âm nhạc với những âm hưởng của các miền quê hương được tái tạo trong dòng chảy bất tận của những ca khúc trong chương trình đã ghi dấu sức lao động sáng tạo nghệ thuật của các nhạc sĩ hội viên.

Với chủ đề là “Tháng Bẩy và những cơn mưa”, bên cạnh những bài hát với đề tài khác nhau thì còn có một khoảng không gian trầm lắng để các nhạc sĩ hướng tới Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7, như những nén tâm nhanh dâng lên hương hồn, anh linh các Liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc… Đó là ca khúc “Quảng Trị lắng hồn non nước” của tác giả Bàng Ái Thơ và “Gửi hồn sông núi” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Bằng, đã phác họa lại hình ảnh Thành cổ Quảng Trị trong những ngày hè đỏ lửa năm 1972…

Chương trình Giới thiệu Tác phẩm mới của Hội Âm nhạc Hà Nội với chủ đề “Tháng Bẩy và những cơn mưa” đã đánh dấu bước phát triển vững mạnh tiếp theo của Hội cũng như ghi nhận những thành quả sáng tạo nghệ thuật của các nhạc sĩ hội viên.

Sau đây là một số hình ảnh:

Nhạc sĩ Hà Hải – tác giả của những ca khúc thiếu nhi

0
Nhạc sĩ Hà Hải – tác giả của những ca khúc thiếu nhi

(Tác giả: Thảo Vy)

Là giáo viên dạy nhạc, lại gắn bó lâu năm với công tác Đội, nhạc sĩ Hà Hải thấu hiểu trẻ thơ và ông đã cho ra đời nhiều ca khúc mà hơn ba thập kỷ qua bao lớp thiếu nhi Việt Nam vẫn hát say sưa.

Những năm thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, có lẽ không một ai trải qua tuổi thơ của mình mà không từng nghe qua những câu từ du dương của những bài hát thiếu nhi quen thuộc: “Cá vàng bơi”, “Vì sao chim hay hót”. Cho đến tận bây giờ, khi các ca khúc dành cho thiếu nhi đã phong phú, đa dạng như “trăm hoa đua nở”, chúng ta vẫn được nghe những ca khúc này vang lên ở những không gian, môi trường dành cho thiếu nhi ở khắp mọi vùng miền đất nước. Người ta ví von rằng, mỗi khi nghe ca khúc của ông là một lần được cầm tấm vé trở về tuổi thơ đáng yêu thuở nào.

Như lời của nhạc sĩ Hà Hải chia sẻ nhiều năm trước, những năm tháng gắn bó với hoạt động phong trào Đoàn, Đội cùng các thế hệ thiếu nhi đã giúp ông hiểu được tâm hồn và những ước mơ trong sáng của trẻ thơ. Chính từ đây đã hình thành trong ông suy nghĩ và mong muốn sáng tác những bài hát nói lên được tình cảm của các em đối với gia đình, nhà trường, thầy cô và cuộc sống xung quanh.

Một số tác phẩm âm nhạc do Nhạc sĩ Nguyễn Hà Hải sáng tác. Ảnh: Trần Thanh Giang

 

Những tác phẩm dành cho lứa tuổi thiếu nhi của ông được in vào tuyển tập “Bài hát dành cho trẻ mầm non”. Ảnh: Trần Thanh Giang

Nhạc sĩ Hà Hải – tác giả của những ca khúc thiếu nhi

Các em thiếu nhi bên nhạc sĩ Hà Hải. Ảnh: Trần Thanh Giang

Nhạc sĩ Hà Hải tham dự đêm nhạc tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Tư liệu

“Nếu các em nhỏ yêu công việc dù là rất nhỏ như trồng một cái cây, nuôi một con vật, đồng thời giúp ông bà bố mẹ những công việc nhỏ trong gia đình và hát lên được điều đó. Đấy mới là phẩm chất của thiếu nhi Việt Nam”,  nhạc sĩ Hà Hải chia sẻ điều mà ông tâm niệm bấy lâu, hay đúng hơn, là triết lý sáng tác của ông. Nhờ đó, những ca khúc vừa ngắn gọn, dễ hiểu, dễ hát của ông đã thành “món quà vô giá”, góp phần xây đắp tâm hồn đẹp cho nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam.

Hà Hải đến với con đường sáng tác không hẳn là tình cờ. Năm 1971, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm, Hà Hải đã được phân công về dạy nhạc tại trường cấp 2 Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội), đồng thời làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong của trường. Trong thời gian này, Hà Hải thường tham gia các lớp tập huấn về các bài hát thiếu nhi để hướng dẫn cho học sinh của trường. Những ca khúc thiếu nhi của các nhạc sĩ nổi tiếng thời đó, như: Phạm Tuyên, Hoàng Vân, Huy Du, Phong Nhã, Mộng Lân, Hoàng Hà… đã hun đúc cho anh tình yêu âm nhạc và động lực sáng tác ca khúc cho thiếu nhi để phục vụ tốt hơn cho các hoạt động Đội.

Năm 1981, Hà Hải sáng tác thành công ca khúc “Hoa thơm dâng Bác”, chào mừng Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ I. Ca khúc này được chọn là một trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX do Báo Thiếu niên Tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức bình chọn năm 1999.

Từ năm 1984, ông đã viết tiếp các bài hát “Cá vàng bơi”, “Vì sao chim hay hót”, “Tiếng chào theo em”, những ca khúc thành công cho lứa tuổi thiếu nhi. Từng chia sẻ về một trong những ca khúc mà ông ấn tượng nhất, nhạc sĩ Hà Hải cho biết: “Đó có lẽ là bài hát Suối cá Bác Hồ. Bởi đây là bài hát tôi đã được chính nhạc sĩ Phong Nhã, Hoàng Hà, Mộng Lân góp ý để hoàn thiện lời, và sau đó bài hát được Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh và phát sóng đúng dịp kỷ niệm sinh nhật Bác, 19/5/1979”. Bài hát còn là kết quả hoàn hảo cho sự nối tiếp truyền thống của thế hệ các nhạc sĩ sáng tác ca khúc cho thiếu nhi Việt Nam.

Nhạc sĩ Hà Hải tham gia duyệt một chương trình biểu diễn tại cung Hữu nghị Việt – Xô. Ảnh: Trần Thanh Giang

Nhạc sĩ Hà Hải góp ý cho các tiết mục biểu diễn của câu lạc bộ nghệ thuật “Màu thời gian”. Ảnh: Trần Thanh Giang

Nghệ sĩ Quang Lê trao đổi cùng nghệ sĩ Hà Hải trong một lần về nước biểu diễn. Ảnh: Trần Thanh Giang

Nhạc sĩ Hà Hải tên thật là Nguyễn Quang Hải. Ông sinh năm 1951 tại Hà Nội. Nhạc sĩ đã có nhiều đóng góp trong sáng tác âm nhạc, đặc biệt là những ca khúc viết cho lứa tuổi thiếu nhi, đạt nhiều giải thưởng âm nhạc.

Bên cạnh mảng đề tài ca khúc viết cho thiếu nhi, nam nhạc sĩ còn sáng tác khí nhạc. Ông là tác giả của một số tác phẩm thính phòng như: “Nhớ rừng” viết cho flute và piano, “Lời ru của dòng sông” viết cho violon và piano.

“Trong quá trình công tác, nhạc sĩ Hà Hải hoạt động ở nhiều vai trò khác nhau trong âm nhạc. Bên cạnh sáng tác, ông còn là một giáo viên âm nhạc từng có nhiều năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục âm nhạc trong nhà trường phổ thông ở Hà Nội. Và cũng từ cơ duyên đó dẫn ông tới công việc là chuyên viên văn hoá – văn nghệ thuộc Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, gắn bó ở đây từ năm 1997 cho tới khi nghỉ hưu.

Ở vai trò chuyên viên văn hoá – nghệ thuật, nhạc sĩ Hà Hải tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật quan trọng của thành phố trong giai đoạn ông công tác. Nhạc sĩ cũng là một gương mặt thân quen – thân thiện trong Hội đồng nghệ thuật của Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội chuyên xét duyệt các chương trình nghệ thuật sẽ tổ chức biểu diễn trên địa bàn Hà Nội.

(Nguồn: tác giả Hà Tùng Long)

(Nguồn: https://vietnam.vnanet.vn/)

Dâng trào cảm xúc đêm nhạc Phó Đức Phương “Khúc hát phiêu ly”

0
Dâng trào cảm xúc đêm nhạc Phó Đức Phương “Khúc hát phiêu ly”

(Tác giả: Quỳnh Hương)

Diễn ra tối qua 10-7 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, “Khúc hát phiêu ly” món quà vô cùng ý nghĩa dành tặng nhạc sĩ Phó Đức Phương sớm vượt qua cơn bạo bệnh cũng như những người dân Thủ đô trót đem lòng yêu những sáng tác trong 50 năm qua của ông.

Khán giả một lần nữa đắm chìm trong những cung bậc cảm xúc của chất liệu âm nhạc dân gian quen thuộc trong những sáng tác của nhạc sĩ Phó Đức Phương, với dàn nghệ sĩ tên tuổi như Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương. Ngoài ra, đêm nhạc có sự tham gia của nghệ sĩ chèo Thu Huyền, cùng những gương mặt trẻ như nhóm M4U, ca sĩ Phương Anh…

Ca sĩ Tùng dương mở màn hoành tráng cho đêm nhạc “Khúc hát phiêu ly” – Ảnh: The Duong

Phải đến 20 ca khúc được ca sĩ Tùng Dương lựa chọn để vẽ nên bức tranh “Khúc hát phiêu ly”. Những ca khúc như “Một thoáng Tây Hồ”, “Huyền thoại hồ Núi Cốc”, “Khúc hát phiêu ly”, “Những cô gái quan họ”… vẫn luôn nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ khán giả.

Bên cạnh đó, đã có 2 trong chùm 6 ca khúc mới nhất của nhạc sĩ Phó Đức Phương được vang lên trong đêm nhạc là “Hội thề Mê Linh” và “Văn Giang – Một khúc sông Hồng”. Cả 2 sáng tác mới này đều nhận được sự hưởng ứng vô cùng tích cực. Những tràng pháo tay, những tiếng huýt gió như càng khẳng định sự yêu thích của khán giả đối với những sáng tác của ông.

“Khúc hát phiêu ly” có lẽ là một đêm nhạc đặc biệt. Một đêm nhạc không có MC mà chỉ có người dẫn chuyện dẫn dắt. Không ai khác chính là người bạn thân thiết với nhạc sĩ “Chảy đi sông ơi” nhạc sĩ Nguyễn Cường và nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến được lựa chọn để kể câu chuyện này – Ảnh: The Duong

Những khúc ca vang lên mênh mang cũng có mà hùng tráng cũng có kết hợp đầy ăn ý với các hiệu ứng từ ánh sáng, đạo cụ, hiệu ứng sương khói cùng các diễn viên múa uyển chuyển tạo nên những tiết mục hoàn hảo giàu cảm xúc về cả thính giác lẫn thị giác.

Tuy nhiên, điểm nhấn của đêm nhạc “Khúc hát phiêu ly” đến từ chính những người con đầy tài năng của nhạc sĩ “Chảy đi sông ơi”. Một bản hòa tấu sáng tác chỉ trong 3 tuần mà dâng trào cảm xúc. Những thanh âm từ 2 chiếc đàn dương cầm, dưới sự trình bày của người con gái Phó Vũ Thư và người con trai Phó Đức Hoàng như món quà gửi đến người cha của mình, nhạc sĩ Phó Đức Phương, mong ông sớm vượt qua trọng bệnh.

Càng gần cuối đêm nhạc, khán giả càng xúc động hơn với lời cảm ơn từ nhạc sĩ Phó Đức Phương được chia sẻ trực tiếp qua màn hình sân khấu. “Sự động viên của các bạn cũng làm cho tôi khỏe mạnh thêm và phấn chấn lên như được tiếp thêm năng lượng để tôi vượt qua được cơn bạo bệnh này. Và chắc chắn, rất chắc chắn tôi sẽ trở lại”- lời khẳng định từ nhạc sĩ. Đây cũng chính là điều mà những người tham gia đêm nhạc “Khúc hát phiêu ly” mong muốn sớm trở thành hiện thực.

Con gái nhạc sĩ Phó Đức Phương – chị Phó Khánh Chi, đồng thời là người xây dựng kịch bản cho “Khúc hát phiêu ly”, nghẹn ngào chia sẻ: “Ông có tâm sự rằng, giá như ông có thể ủn một ngón chân để có thể nghe được các ca sỹ của mình hát đúng câu hát của ông. Và tôi nghĩ rằng hôm nay gần như là ông sẽ hài lòng vì các nghệ sỹ hát quá hay. Các nghệ sỹ đã cháy hết mình mang tình yêu cũng như tất cả tình cảm của mình để trao đến nhạc sĩ Phó Đức Phương”.

Dâng trào cảm xúc đêm nhạc Phó Đức Phương “Khúc hát phiêu ly”

Con gái nhạc sĩ, chị Phó Khánh Chi thổ lộ nỗi đau đáu vẫn muốn tiếp tục cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà những sáng tác ghi lại những trang hào hùng của dân tộc, những bản hùng ca bi tráng vang lừng chiến công của các anh hùng dân tộc mà người cha của mình không nguôi nghĩ đến – Ảnh: The Duong.

Đêm nhạc với hơn 700 khán giả phủ kín các khán đài, không một ai ra về trước, tất cả đều nán lại đến tận những giây phút cuối cùng của đêm nhạc. Tuy vẫn còn những hạn chế do lối dẫn chưa thật sự ấn tượng, liền mạch đã tạo những khoảng trống khá dài, nhưng nhìn chung “Khúc hát phiêu ly” vẫn là một đêm diễn thành công, đọng lại nhiều cảm xúc cho những người đến thưởng thức.

Hy vọng trong tương lai không xa, những người yêu nhạc Phó Đức Phương sẽ có cơ hội thưởng thức không chỉ 4 tác phẩm còn lại mà là thật nhiều các sáng tác mới của ông. Chúc vị nhạc sĩ “Chảy đi sông ơi” sẽ luôn nhớ đến món quà “Khúc hát phiêu ly” này và mau sớm vượt qua cơn bạo bệnh để viết tiếp những dự định còn dang dở.

(Nguồn: https://nld.com.vn/)