Chủ Nhật, Tháng Mười 20, 2024
Trang chủ Blog Trang 88

Nhạc sĩ Lê Mây

0
Nhạc sĩ Lê Mây

Nhạc sĩ Lê Mây (Lê Ngọc Mây) sinh ngày 16 tháng 6 năm 1942, quê ở Đoàn Đào, Phù Cừ, Hưng Yên, hiện nghỉ hưu ở Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Khoa Nhạc cụ dân tộc Trường Âm nhạc Việt Nam (1964), Lê Mây về công tác tại Đoàn Văn công Nghĩa Lộ (1964-1970), rồi chuyển công tác về Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam (1972-1990). Trong những năm làm công tác biểu diễn, ông càng có điều kiện đi sâu tìm hiểu, khai thác nghiên cứu, cải tiến nâng cao khả năng biểu hiện, diễn tấu của các nhạc cụ dân tộc.

Không chỉ vậy, ông còn viết nhiều ca khúc, tiêu biểu như: Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai (thơ Phùng Ngọc Hùng), Người là Hồ Chí Minh, Câu lý và người thương, Hà Nội linh thiêng hào hoa, Bắc Ninh – Kinh Bắc, Nguyễn Trãi – Côn Sơn, Xốn xang chiêng cồng Hòa Bình…

Ông được tặng Huy chương “Vì sự nghiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam”, hai Huy chương Vàng cho Ban nhạc gia đình Giang-Phương-Lan (1980-1985), Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và giải thưởng các cuộc thi ca khúc của các tỉnh Hưng Yên, Hòa Bình, Bắc Ninh…

Nhạc sĩ La Thăng

0
Nhạc sĩ La Thăng

Nhạc sĩ La Thăng (Nguyễn Văn Ngọ) sinh ngày 6 tháng 7 năm 1930, quê ở xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ Văn hóa.

Từ năm 1947, La Thăng đã tham gia Đoàn Thiếu nhi Nghệ thuật Trung ương, vừa biểu diễn, vừa huấn luyện và bắt đầu sáng tác âm nhạc. Bài Chiều Việt Bắc và Quanh lửa hồng ra đời vào thời kỳ này.

Năm 1950, dạy âm nhạc tại Trường Trung học Tân Trào, Tuyên Quang. Từ năm 1951-1954, công tác ở Tỉnh đoàn Thanh niên Hà Giang, sau đó chuyển về công tác ở Đoàn Ca Múa Trung ương. Từ năm 1961-1966, theo học và tốt nghiệp Đại học Sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội. Ông đã sáng tác nhiều cho các tốp ca nam, tốp ca nữ, hợp xướng, ca múa, hòa tấu nhạc cụ dân tộc.

Năm 1969, ông công tác ở Nhà xuất bản Âm nhạc, sau đó là Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa. Từ năm 1987, là Cục trưởng Cục Xuất bản. Ngoài các tác phẩm cho thanh nhạc như ca khúc, ca nhạc cảnh, hợp xướng, ông còn viết một số nhạc không lời:Sonate, Rondo, Variations, hợp xướng Phi nước đại, và một số nhạc cho phim, nhạc cho múa.

Ca khúc tiêu biểu: Bé đeo ba-lô, Hát mừng đời ta tươi đẹp,Cô gái hái chè, Hàm Luông dòng sông chiến thắng, Phi nước đại, Hát về Pắc Bó, v.v…

Đã xuất bản: tuyển tập Tự hào Tổ quốc ta (Nxb. Văn hóa, 1975), và mới đây in tập Ca khúc La Thăng kèm băng cassette (DIHAVINA và Hội Nhạc sĩ Việt Nam).

Ông được tặng: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam, Huy chương Chiến sĩ văn hóa và nhiều giải thưởng âm nhạc khác. Năm 2012, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật.

Nhạc sĩ Huy Trân

1
Nhạc sỹ Huy Trân tên thật là Trần Huy Trân, sinh ngày 9/6/1936 tại Nam Định.
Ông đã từng công tác tại Viện Âm nhạc (1960 – 1980) và Đài PTTH Hà Nội (1980 – 1996)
Tham gia các hội: Hội Nhạc sỹ VN, Hội Văn nghệ dân gian VN, Hội Âm nhạc Hà Nội
Phần thưởng: Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng 2, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Huy chương Chiến sỹ văn hóa, Huy chương Vì sự nghiệp truyền hình
Tiểu luận và sách nghiên cứu âm nhạc dân gian cổ truyền tiêu biểu: Đàn bầu VN, Các nhạc khí dân tộc Hà Nhì, Một số hình thức hòa tấu nhạc tài tử Nam Bộ, Nhìn qua kho tàng nhạc khí VN, công trình nghiên cứu Nhạc khí dân tộc VN biên soạn cùng với Lê Huy.
Sáng tác nhiều ca khúc cho thiếu nhi: Bầu trời này, mặt đất này (Lời thơ Diệp Minh Tuyền) giải A trong nước, giải quốc tế năm 1979, Xôn xao mùa xuân, Bài hát gửi anh chiến sỹ Trường Sa, Trồng cây ơn Bác, Hãy giữ cho em bầu trời xanh…

Quy chế tổ chức cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020

0
Quy chế tổ chức cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020

Quy chế tổ chức cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020

Thực hiện Quyết định số 121/QĐ-BVHTTDL ngày 09 tháng 01 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt kế hoạch công tác năm 2020 của Cục Nghệ thuật biểu diễn; Quyết định số 611/QĐ-BVHTTDL ngày 02 tháng 03 năm 2018 cua Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt “Đề án điều chỉnh tổ chức Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp trong 03 năm 2013 – 2020”, Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức “Cuộc thi Độc tấu và Hòa tẩu nhạc cụ dân tộc toàn quốc – 2020”.

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA

“Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc – 2020” là hoạt động nghề nghiệp nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Cuộc thi là dịp để các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các đơn vị nghệ thuật, các giảng viên, học sinh, sinh viên đang giảng dạy, học tập chuyên ngành nhạc cụ dân tộc tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật thể hiện khả năng cá nhân; giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật; bảo tồn, gìn giữ, phát huy những tinh hoa âm nhạc truyền thống Việt Nam, từ đó rút ra những bài học về công tác quản lý, đào tạo bồi dưỡng, phát triển tài năng và tìm ra những phương thức hoạt động góp phần thúc đẩy các loại hình âm nhạc truyền thống phát triển trong thời kỳ mới.

II. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM 

– Thời gian: Tổ chức trong 06 ngày, từ ngày 18 đên 23 tháng 9 năm 2020.

– Địa điểm: Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

III. ĐỐI TƯỢNG THAM DỰ

Các tổ chức, cá nhân nghệ sĩ đang giảng dạy, biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các đơn vị biểu diễn nghệ thuật công lập, ngoài công lập và các cơ sở đào tạo nghệ thuật trong toàn quốc.

IV. CÁC QUY ĐỊNH CỦA CUỘC THI

Các tổ chức, cá nhân nghệ sĩ tham gia Cuộc thi chấp hành đúng các quy định của pháp luật về quyền tác giả và về biêu diễn nghệ thuật hiện hành.

Tổ chức, cá nhân đăng ký tham dự Cuộc thi theo 04 Bảng.

Bảng 1: Hòa tấu dành cho các đơn vị kịch hát dân tộc

Gồm các tổ chức (dàn nhạc, nhóm nhạc) hoạt động trong loại hình sân khấu ca kịch dân tộc (Tuồng, Chèo, Cải lương, Đờn ca tài tử, Dân ca Kịch).

Nội dung thi: Các tác phẩm tham gia thi là bài bản cổ nhạc, làn điệu trong các loại hình sân khấu ca kịch dân tộc, nguyên bản hoặc được chỉnh lý, cải biên, phát triển và sáng tác mới nhưng vẫn giữ được những phong cách đặc trưng của loại hình nghệ thuật và phải được trình diễn trực tiếp bằng nhạc cụ dân tộc. Có thể sử dụng giọng ca cùng tham gia trình diễn nhưng không được giữ vai trò chính. Không sử dụng nhạc cụ điện tử, dàn nhạc đệm được thu thanh trước.

Bảng 1 dành cho hình thức hòa tấu, gồm 03 tác phẩm (thời lượng từ 3 đến 7 phút/01 tác phẩm) như sau:

– 01 tác phẩm cơ bản, làn điệu truyền thống;

– 02 tác phẩm cải biên, chỉnh lý, phát triển cơ bản, làn điệu truyền thống hoặc tác phẩm sáng tác và phối khí mới trên cơ sở phong cách đặc trưng của loại hình.

Có thể kết cấu thành chương trình hòa tấu. Thời lượng chương trình không dưới 15 phút.

Bảng 2: Hòa tấu dành cho các đơn vị Ca Múa Nhạc, Học viện Âm nhạc, Nhạc viện

Gồm các tổ chức (dàn nhạc, nhóm nhạc) hoạt động trong loại hình Ca nhạc dân tộc. (đơn vị biểu diễn Ca Múa Nhạc, Nhạc viện…).

Các tác phẩm trong chương trình là tác phẩm do các nhạc sĩ sáng tác dựa trên những làn điệu âm nhạc truyền thống Việt Nam được hòa âm, phối khí mới cho hòa tấu nhạc cụ dân tộc.

Các tác phẩm phải được trình diễn trực tiếp bằng nhạc cụ dân tộc. Được sử dụng nhạc cụ điện tử, vocal nhưng không tham gia với vai trò chính trong dàn nhạc. Không sử dụng dàn nhạc đệm được thu thanh trước.

Bảng 2 dành cho hình thức hòa tấu, gồm 03 tác phẩm (thời lượng từ 5 đến 7 phút/01 tác phẩm) như sau:

– 01 tác phẩm hòa tấu làn điệu dân ca truyền thống nguyên bản hoặc có thể được cải biên, phát triển;

– 01 tác phẩm sáng tác và phối khí mới của các nhạc sĩ Việt Nam trên cơ sở phong cách đặc trưng của các làn điệu dân ca các dân tộc Việt Nam;

– 01 tác phẩm nhạc nước ngoài (các nước trong khối ASEAN) được chuyển soạn, phối khí cho hòa tấu nhạc cụ dân tộc.

Có thể kết cấu thành chương trình hòa tấu. Thời lượng chương trình không dưới 15 phút.

Bảng 3: Độc tấu dành cho nghệ sĩ thuộc các đơn vị Ca Múa Nhạc, Học viện âm nhạc, Nhạc viện và các nghệ sĩ ngoài công lập

– Các loại nhạc cụ tham gia thi gồm: Bầu, Tranh, Sáo, Nhị, Nguyệt, Tam Thập Lục, Tỳ Bà, T’rưng, Bộ gõ và các nhạc cụ khác (ít phổ biến hoặc nhạc cụ chuyên biệt của văn hỏa các vùng miền);

– Ban Tổ chức sẽ tổ chức thi khi có ít nhất 07 thí sinh đăng ký thi trở lên/01 loại nhạc cụ. Nếu không đủ số lượng thí sinh, Ban Tổ chức sẽ gộp vào phần thi các nhạc cụ khác và xét giải thưởng chung;

– Mỗi thí sinh trình diễn 02 tác phẩm (thời lượng từ 04 – 07 phút/01 tác phẩm) thể hiện được tốt nhất kỹ thuật, kỹ xảo sử dụng nhạc cụ của cá nhân. Được phép sử dụng nhiều nhất 01 tác phẩm nước ngoài.

Bảng 4: Độc tấu dành cho nghệ sĩ thuộc các đơn vị kịch hát dân tộc

Các nghệ sĩ đăng ký theo 04 bộ nhạc cụ:

– Các nhạc cụ thuộc Bộ Hơi;

– Các nhạc cụ thuộc Bộ Gẩy;

– Các nhạc cụ thuộc Bộ Gõ;

– Các nhạc cụ thuộc Bộ Kéo;

Mỗi thí sinh trình diễn 02 tác phẩm (thời lượng từ 03 – 07 phút/01 tác phẩm) thể hiện được tốt nhất kỹ thuật, kỹ xảo sử dụng nhạc cụ của cá nhân. Tổ chức thi theo từng bộ nhạc cụ.

– Ban Tổ chức sẽ tổ chức thi khi có ít nhất 07 thí sinh đăng ký thi trở lên/01 bộ nhạc cụ. Nếu không đủ số lượng thí sinh, Ban Tổ chức sẽ gộp vào phần thi các nhạc cụ khác và xét giải thưởng chung.

V. HỘI ĐỒNG GIÁM KHẢO

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập Hội đồng Giám khảo gôm 07 thanh viên là các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, quản lý nghệ thuật có uy tín, tài năng và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển ngành nghệ thuật biêu diễn, đặc biệt là chuyên ngành biếu diễn nhạc cụ dân tộc.

VI. TIÊU CHÍ XÉT GIẢI THƯỞNG

Hội đồng Giám kháo xét giải thưởng theo những tiêu chí cụ thể sau:

Về kỹ thuật: Hội đồng Giám khảo đánh giá chất lượng biểu diễn của các thí sinh thông qua kỹ thuật, kỹ xảo của người nghệ sĩ sử dụng nhạc cụ một cách điêu luyện, thực hiện trọn vẹn và sáng tạo các tác phẩm âm nhạc viết cho độc tấu; sự phối hợp chặt chẽ, chính xác, hài hòa giữa các nhạc cụ, thực hiện trọn vẹn và sáng tạo các tác phẩm âm nhạc viết cho hòa tấu.

Về nghệ thuật: Hội đồng Giám kháo đánh giá thí sinh thông qua chất lượng nghệ thuật của tác phẩm được biểu diễn, thể hiện đúng phong cách của từng loại hình, tác giả, tác phẩm; bộc lộ rõ nét đặc trưng âm nhạc của từng vùng, miền; xử lý nội dung tác phẩm, làn điệu âm nhạc một cách sáng tạo, tinh tế; trình diễn lôi cuốn, hấp dẫn và chuyên nghiệp; hình thức thể hiện phong phú, đa dạng.

VII. GIẢI THƯỞNG

Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi gồm:

Bảng :01 Giải Nhất, 01 Giải Nhì, 02 Giải Ba và các Giải Khuyến khích cho các nhóm hòa tấu gắn với tên đơn vị.

Bảng 2: 01 Giải Nhất, 01 Giải Nhì, 02 Giải Ba và các Giải Khuyến khích cho các nhóm hòa tấu gắn với với tên đon vị.

Bảng 3: Nếu đủ số lượng thí sinh tham gia phần thi độc tấu cho mỗi loại nhạc cụ (07 thí sinh trở lên), Ban Tổ chức sẽ trao các giải thưởng:

– 01 Giải Nhất, 01 Giải Nhì, 01 Giải Ba và Giải Khuyến khích cho các thí sinh tham gia độc tấu Đàn Bầu;

– 01 Giải Nhất, 01 Giải Nhì, 01 Giải Ba và Giải Khuyến khích cho các thí sinh tham gia độc tẩu Đàn Tranh;

– 01 Giải Nhất, 01 Giải Nhì, 01 Giải Ba và Giải Khuyến khích cho các thí sinh tham gia độc tấu Sáo;

– 01 Giải Nhất, 01 Giải Nhì, 01 Giải Ba và Giải Khuyến khích cho các thí sinh tham gia độc tấu Nhị;

– 01 Giải Nhất, 01 Giải Nhì, 01 Giải Ba và Giải Khuyến khích cho các thí sinh tham gia độc tấu Đàn Nguyệt;

– 01 Giải Nhất, 01 Giải Nhì, 01 Giải Ba và Giải Khuyến khích cho các thí sinh tham gia độc tấu Đàn Trưng;

– 01 Giải Nhất, 01 Giải Nhì, 01 Giải Ba và Giải Khuyến khích cho các thí sinh tham gia độc tấu Tam Thập Lục;

– 01 Giải Nhất, 01 Giải Nhì, 01 Giải Ba và Giải Khuyến khích cho các thí sinh tham gia độc tấu Bộ Gõ;

– 01 Giải Nhất, 01 Giải Nhì, 01 Giải Ba và Giải Khuyến khích cho các thí sinh tham gia độc tấu Đàn Tỳ Bà;

– 01 Giải Nhất, 01 Giải Nhì, 01 Giải Ba và Giải Khuyến khích cho các thí sinh tham gia độc tấu các loại nhạc cụ khác.

Bảng 4: Nếu đủ số lượng thí sinh tham gia phần thi theo từng bộ môn (07 thí sinh trở lên), Ban Tổ chức sẽ trao các giải thưởng:

– 01 Giải Nhất, 01 Giải Nhì, 01 Giải Ba và Giải Khuyến khích cho Các thí sinh tham gia độc tấu nhạc cụ thuộc thuộc Bộ Hơi;

– 01 Giải Nhất, 01 Giải Nhì, 01 Giải Ba và Giải Khuyến khích cho Các thí sinh tham gia độc tấu nhạc cụ thuộc thuộc Bộ Gẩy;

– 01 Giải Nhất, 01 Giải Nhì, 01 Giải Ba và Giải Khuyến khích cho Các thí sinh tham gia độc tấu nhạc cụ thuộc thuộc Bộ Gõ;

– 01 Giải Nhất, 01 Giải Nhì, 01 Giải Ba và Giải Khuyến khích cho Các thí sinh tham gia độc tấu nhạc cụ thuộc thuộc Bộ Kéo;

Giải thưởng Cuộc thi gồm giấy chứng nhận giải thưởng kèm theo tiền thưởng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Căn cứ vào cơ cấu giải thưởng và kết quả đánh giá của Hội đồng Giám khảo, giải thưởng được lấy từ điểm số cao xuống thấp, số lượng giải thưởng không nhất thiết phải đảm bảo theo cơ cấu trên nếu chất lượng nghệ thuật của các tổ chức, cá nhân tham gia Cuộc thi không đạt tiêu chí trong Quy chế này.

Các trường hợp đặc biệt, Ban Tố chức sẽ báo cáo, xin ý kiến Ban Chỉ đạo quyết định.

VIII. KINH PHÍ

Kinh phí Cuộc thi được thực hiện theo quy định tại “Đề án tổ chức các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp giai đoạn 2013 – 2020” ban hành theo Quyết định số 611/QĐ-BVHTTDL ngày 02 tháng 03 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch.

– Ban Tổ chức lo kinh phí tổ chức, kinh phí giải thưởng, kinh phí tổ chức Hội thảo trong khuôn khổ Cuộc thi;

– Địa phương đăng cai tổ chức chịu trách nhiệm kinh phí địa điểm biểu diễn (bao gồm sân khấu, điện nước, máy lạnh, an ninh trật tự, y tế, phòng chảy chừa cháy…), trang trí khánh tiết trong và ngoài địa điểm diễn ra Cuộc thi; công tác tuyên truyền quảng cáo tại địa phương theo yêu cầu của Ban Tổ chức; tổ chức truyền hình trực tiếp đêm Khai mạc, Bế mạc trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình của địa phương;

– Đơn vị, cá nhân tham gia Cuộc thi lo kinh phí dàn dựng chương trình, tiết mục; kinh phí đi về, ăn ở tại địa điểm diễn ra Cuộc thi.

IX. TỔ CHỨC THỤC HIỆN

Quy chế Tổ chức được Ban Tổ chức đăng tải trên trang tin điện tử của Cục nghệ thuật biểu diễn và được gửi đến Sở Văn hóa, Thế thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố; Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân; Đài Tiếng nói Việt Nam; các đơn vị Nghệ thuật trong và ngoài công lập biểu diễn loại hình âm nhạc dân tộc; các cơ sở đào tạo chuyên ngành biểu diễn âm nhạc dân tộc toàn quốc để biết và tổ chức triển khai thực hiện.

Đăng ký tham gia Cuộc thi gửi về Cục Nghệ thuật biểu diễn trước ngày 15 tháng 8 năm 2020. Địa chỉ: 32 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Quy chế này thay thế cho Quy chế số 717 QC-NTBD ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Cục Nghệ thuật biểu diễn, có hiệu lực kể từ ngày được công bố. Việc sửa đổi, bổ sung chỉ thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của Ban Tổ chức và được phép của Ban Chỉ đạo. Cục Nghệ thuật biểu diễn đề nghị Lãnh đạo các đơn vị căn cứ quy chế Tổ chức, báo cáo các cơ quan chủ quản, chuẩn bị về mọi mặt, tạo điều kiện để các nghệ sĩ tham dự “Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc – 2020” đạt kết quả cao.

BAN TỔ CHỨC

(Nguồn: https://hoinhacsi.vn/)

 

Hình tượng Thiên nhiên trong Âm nhạc

0
Hình tượng Thiên nhiên trong Âm nhạc

Âm nhạc vốn là sự hợp nhất giữa thiên nhiên hoà cùng những cảm xúc tinh tế và trí tuệ của con người. Bằng những hình thức thể hiện khác nhau, những ngôn ngữ âm nhạc khác nhau, thiên nhiên đã trở thành nhân tố quan trọng trong những tác phẩm âm nhạc. Có thể nói, từ âm nhạc dân gian đến những tác phẩm âm nhạc kinh điển qua các thời kỳ: Trung cổ (1100 – 1400), Phục hưng (1400 – 1600), Baroque (1600 – 1750), Cổ điển (1750 – 1820), Lãng mạn (1820 – 1910), hay âm nhạc thế kỷ 20 đã có nhiều tác phẩm phác họa hình tượng thiên nhiên và cuộc sống con người. Đó là những tác phẩm có sức sống vượt thời gian, vượt không gian và tồn tại trong đời sống của nhân loại.

Hình tượng thiên nhiên được tái hiện trong các tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ thường mang tính khái quát. Vì vậy, khi nghe một tác phẩm không ai có thể đưa ra một cách cụ thể là những câu nhạc nào đang diễn tả một hình ảnh thiên nhiên cụ thể mà chỉ có thể bao quát chung toàn tác phẩm để thấy tinh thần của thiên nhiên trong đó. Nhìn chung, chỉ nhạc sĩ sáng tác mới có thể nói chính xác được những hình tượng thiên nhiên trong các tác phẩm của mình. Đôi khi cũng có những tác phẩm của các nhạc sĩ sau này được người khác đặt tên hoặc gắn nó với với một vẻ đẹp nào đó trong thiên nhiên.

Chủ đề “Hình tượng Thiên nhiên trong Âm nhạc” trong bài viết này xin giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu của một số nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới qua các thời kỳ: Âm nhạc tiền cổ điển (Baroque), âm nhạc Cổ điển, âm nhạc Lãng mạn, và âm nhạc thế kỷ 20.

1. Thiên nhiên trong âm nhạc thời kỳ Baroque

Thời kỳ âm nhạc Baroque, hay còn gọi là Tiền cổ điển (1600 – 1750) đã có nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng như: Johann Sebastian Bach của nước Đức (1685 – 1750), George Frideric Handel người Anh gốc Đức (1685 – 1759), Alessandro Scarlatti của nước Ý (1660 – 1725)… nổi bật là nhạc sĩ Аntoniо Vivaldi của nước Ý (1678 – 1741) đã có tác phẩm viết về thiên nhiên.

Trong các tác phẩm viết về thiên nhiên thì Tổ khúc âm nhạc là hình thức biểu hiện tốt nhất. Mỗi chương nhạc trong các tổ khúc đó còn được coi như một tác phẩm độc lập. Có thể kể đến bản Tổ khúc Concerto viết cho bộ dây “The Four Seasons” – Bốn mùa của nhạc sĩ kiêm nghệ sĩ đàn Violon của nước Ý, đó là Antonio Vivaldi (1678 -1741). Tác phẩm đã phác hoạ bức tranh toàn cảnh về các mùa trong một năm. Tác giả đã giới thiệu ý đồ của từng chương nhạc với phần giải thích ngắn. Trong nhiều tài liệu âm nhạc đã viết về chương I với tên gọi Mùa Xuân như sau: “Mùa xuân đến, chim muông vui mừng ca hát chào Xuân. Những con suối reo róc rách. Mây đen kéo đầy trời. Sấm sét cũng báo hiệu mùa xuân về. Và rồi chim non lại ca hát ngọt ngào. Trên bãi cỏ, chú bé chăn dê ngủ ngon dưới gốc sồi xào xạc lá xanh… Những nàng tiên nhảy múa với điệu nhạc đồng quê…”.

2. Thiên nhiên trong âm nhạc Cổ điển

Thời kỳ âm nhạc cổ điển vào khoảng năm 1750 – 1820. Trên thực tế đã có nhiều nhạc sĩ sáng tác những tác phẩm âm nhạc cổ điển trong đó có khắc họa những hình tượng từ thiên nhiên, đặc biệt là các nhạc sĩ thuộc Trường phái Âm nhạc cổ điển Viên.

Một trong những đại diện tiêu biểu của Trường phái Âm nhạc cổ điển Viên phải kể đến nhạc sĩ người Áo, đó là Franz Joseph Haydn (1732 -1809). Ông đã sáng tác nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, đặc biệt thành công với những tác phẩm giao hưởng. Với 104 bản giao hưởng, nhạc sĩ Haydn đã chuyển tải vào trong đó những suy nghĩ, khát vọng, tình cảm của nhạc sĩ và tái hiện cả cuộc sống thiên nhiên hay cuộc sống đời thường vào trong những giai điệu âm nhạc.

Đại diện nữa của Trường phái Âm nhạc cổ điển Viên phải kể đến thần đồng âm nhạc nước Áo: Wolfgang Amadeus Mozart (1756 – 1791). Hình tượng thiên nhiên khi mùa xuân đến đã được nhắc tới ở chương I mang tên “Mùa Xuân” trong tác phẩm “Symphony No.40” (Giao hưởng số 40) của W.A. Mozart mà ông viết xong vào ngày 25/7/ 1788. Tác phẩm trở thành đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông. Có lẽ với tính chất âm nhạc đầy cảm xúc nội tâm của con người trước thiên nhiên tươi đẹp đã khiến người nghe liên tưởng tới những hình ảnh phong phú khác nhau và đặt cho nó một tiêu đề nào đó. Trong cuốn sách “Mozart” của nhà thơ Bằng Việt đã có đoạn mô tả Chương I bản giao hưởng số 40 của Mozart như một cảm xúc về Mùa Xuân: “Âm nhạc mang tính kịch, không chỉ đơn thuần ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên mà nó còn gần với số phận con người trước bao điều bất công, trở lực trong cuộc đời. Giai điệu bi thương hết sức gần gũi với nỗi đau khổ của con người đang cần có sự đồng cảm sâu xa… Đồng thời bản nhạc vẫn có nét chìm trầm tĩnh, tuy dịu dàng nhưng rắn rỏi, không khuất phục, nó là mầm sống bền bỉ, lòng phản kháng dũng cảm còn ẩn náu đến cùng trong mọi nỗi đau và không cho phép con người tuyệt vọng, mà tin tưởng vào Mùa Xuân mới đang đến. Những giai điệu mang nỗi buồn man mác được giải thoát trong ánh nắng ám áp của Mùa Xuân và trong đó có niềm hy vọng, nó trải rộng dần theo những tia nắng dọi loang xuống cánh đồng, như những búp chồi xanh mọc lại trên thân cây trụi. Mùi hương đồng nội chất phác toả đến và xoa dịu đi bao nỗi buồn. Đó là quy luật vĩnh cửu và thiêng liêng của cuộc sống mỗi khi Xuân về!”.

Trường phái Âm nhạc cổ điển Viên còn có nhạc sĩ thiên tài nước Đức: Ludwig van Beethoven (1770 – 1827). Hình tượng con người với thiên nhiên đã được khắc hoạ rõ nét trong bản “Symphony No.6” – Giao hưởng số 6 còn có tên gọi: “Đồng Quê”. Trong giáo trình “Lịch sử âm nhạc Thế giới” của Nhạc Viện Hà Nội – nay là Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam có đoạn viết về tác phẩm này như sau: “Đây là sự truyền đạt những cảm xúc của Bethoven khi ông luôn sống gần gũi với thiên nhiên và cuộc sống thôn dã, điều này đã cho ông cảm xúc để vẽ nên bức tranh phong cảnh bằng âm thanh, với sự kết hợp hài hoà và cân đối của con người với thiên nhiên. Ở đây đã phản ánh rõ nét những tình cảm riêng tư thầm kín, sự thanh thản cao độ của tâm hồn được kết hợp với cuộc sống sôi nổi mãnh liệt. Ngoài tiếng chim hót dịu dàng (chim cu, hoàng anh, hoạ mi) và tiếng suối reo róch rách trong Chương II có tên gọi “Cảnh bên suối”, với những giai điệu gợi lên cảm giác yên tĩnh, nhẹ nhàng trong tiếng lao xao của cây rừng, tiếng suối reo, tiếng chim hót, và những ý thức về sự vĩnh cửu trong vũ trụ. Ta còn nghe thấy Chương III “Cuộc vui tập thể của dân làng” là những nét nhạc mộc mạc của các nhạc cụ dân gian, những điệu múa. Đặc biệt là Chương IV với tên gọi là “Giông tố” là sự khai thác tính năng các nhạc cụ trong Dàn nhạc giao hưởng để tạo nên những âm thanh trong cơn giông tố kéo đến làm tan cuộc vui. Ta có thể ghe thấy tiếng đàn Violon Cell và Contrabasse gầm rú, nhóm Violon miêu tả tiếng mưa rơi tí tách bằng những âm thanh ngắt quãng, tiếng sáo và trống định âm bắt chước ánh chớp và tiếng sấm vang rền – đây thực sự là bức tranh giông tố nổi bật với những nét nhạc thấm đượm tâm trạng hồi hộp của con người trước sức mạnh tự phát hùng vĩ của thiên nhiên… Cơn giông tố mạnh dần, nếu nhắm mắt lại người nghe sẽ thấy cảm giác lạnh run, chơi vơi trong cơn mưa với từng đợt gió mạnh. Sau cơn bão tố, tiếng sáo trong “Bài ca mục đồng” lại vang lên thanh bình…”.

3. Thiên nhiên trong âm nhạc Lãng mạn

Âm nhạc Lãng mạn xuất hiện khoảng năm 1820 đến năm 1910. Thời kỳ này tiếp tục có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng với những tác phẩm âm nhạc có tiêu đề rõ rệt, khai thác sâu sắc thế giới nội tâm con người trước cuộc sống và thiên nhiên. Những nhạc sĩ thời kỳ Lãng mạn như: Hector Berlioz, Johannes Brahms, Richard Wagner và Piotr Ilyich Tchaikovsky, Chopin , Wagner, Schubert, Dvorak, Berlioz, Bizet, Grieg, Liszt, Schuman…

Những người yêu âm nhạc chắc còn nhớ tới một tác phẩm viết về mùa Xuân của nhạc sĩ người Đức – Felix Mendelssohn, đó là tác phẩm: “Sping Song – bài ca mùa Xuân” là tiểu phẩm số 6 trong tập “Bài ca không lời” số 5, Op. 62 viết cho piano của Mendelssohn. Bằng những giai điệu âm nhạc dịu dàng, Mendelssohn đã mang đến cho người nghe cảm thấy mùa Xuân đang hiện hữu, trở mình tỉnh giấc như những cành cây non đang đâm chồi, nẩy lộc, đó là lúc thiêng liêng trong giây phút hồi sinh. Tác phẩm đã chứa đựng những lời ca về mùa Xuân, thể hiện tình yêu bao la với thiên nhiên và tình yêu đối với con người còn rộng lớn hơn nữa.

Một tác phẩm nổi tiếng nữa của Mendelssohn, đó là: “Giấc mộng đêm hè” viết nhạc nền cho vở kịch “A Midsummer Night”s” của William Shakespeare, trong Op. 61 của Mendelssohn được hoàn thành 16 năm sau khi ông viết bản Overture Giấc mộng đêm hè, Op. 21. Trong đó đã khai thác thế giới nội tâm sâu sắc của con người và cảm nhận của con người với cuộc sống thiên nhiên.

Cũng là những bức tranh về thiên nhiên trong các tác phẩm âm nhạc, bên cạnh đó còn nổi bật lên Tổ khúc “The seasons – Bốn mùa” – P.I. Tchaikopski (1840 – 1893). Đây là Tổ khúc viết cho đàn Piano gồm 12 khúc nhạc, mỗi khúc nhạc tượng trưng cho từng tháng trong năm, và được nẩy sinh từ ý thơ của các nhà thơ của Nga như: Puskin, Maicôp, Phiet, Côlxôp…

Trong tài liệu “giảng nhạc” của nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung đã giới thiệu về tác phẩm này: “Bốn mùa, Tchaikopski đã mô tả những cảnh thơ mộng của thiên nhiên nước Nga, và đồng thời diễn tả tâm trạng, tình cảm của ông. Hình ảnh những tháng của mùa Xuân được khắc hoạ rõ nét. Xuân về trên cánh đồng, những bông hoa hé nở trong khúc hát của chim sơn ca, những bông hoa tuyết cuối cùng rơi trên cành. Mặt trời chiếu sáng, thiên nhiên bừng thức dậy. Trên những cành cây xù xì đang chuẩn bị đâm chồi, chờ đợi những khoảng khắc, những giây phút thiêng liêng trong sự hồi sinh. Những tháng của mùa Hạ là những đêm trắng, những nhịp chèo thuyền. Mùa thu với những cơn gió mát và tiếng xe chở lúa chạy suốt đêm của mùa gặt, hay tiếng tù và vang lên khúc nhạc đi săn. Trong những tháng của mùa Đông là bài ca cuối cùng của mùa Thu, rồi đến không khí vui tươi của ngày lễ giáng sinh…”.

Với tôi đặc biệt ấn tượng khi nghe khúc nhạc về tháng 5 có tên gọi “Những đêm trắng” với đoạn thơ trích dẫn của A. Phêt:

“…Ôi đêm trắng! Một màu bạc trắng!
Ta cám ơn miền đất yêu thương
Từ thế giới giá băng lạnh lẽo
Đã bay về tháng Năm tinh sương…”

Trong cuốn “P.I. Trai-Cốp-Xki” do Nhà xuất bản Văn hóa in 1978 đã có đoạn viết như sau: “Đây là sức quyến rũ của những đêm trắng ở Prêtecpua. Đó là những màu bàng bạc của bầu trời, những chuyển động huyền bí trong đêm trắng luôn mang lại cho con người cảm giác man mác buồn, chờ đợi điều gì đó mơ hồ rồi lắng xuống vào những ước vọng trên bầu trời dần sáng của bình minh. Giai điệu âm nhạc mềm mại, đầy tư lự như nghe tiếng gió thổi”.

Những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp còn được tái hiện trong âm nhạc của nhạc sĩ người Áo: Johannes Brahms (1833 – 1897) với tác phẩm “The Blue Danube”. Khởi đầu của tác phẩm này vốn có lời ca do Josef viết và đặt tên là “On the beautiful blue Danube” nhưng sau khi nó được chuyển soạn cho dàn nhạc trình tấu thì đã được động đảo công chúng yêu mến. Như vậy, với những hình ảnh thơ mộng của một dòng sông trong xanh, quanh co uốn lượn như dải lụa, có ngàn hoa đua nở và tiếng chim hót đã đi vào tâm thức chúng ta một cách tự nhiên mỗi khi giai điệu của tác phẩm vang lên.

4. Thiên nhiên trong âm nhạc thế kỷ 20

Bước sang thế kỷ 20 (1900 – 2000) tiếp tục xuất hiện nhiều nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới. Trong số các nhạc sĩ Nga có tác phẩm viết về mùa Xuân chúng ta còn nhớ tới vở vũ kịch “The Rite of Spring – Mùa Xuân thần thánh” của nhạc sĩ vĩ đại Igor Stravinsky. Đây là bức tranh về nước Nga cổ, với cảnh sống đơn sơ, du mục xưa kia. Trong bài viết “Mùa xuân thần thánh” của tác giả Đỗ Vũ đăng trên trang Web: hoinhacsi.org đã có đoạn viết về tác phẩm này như sau: “Nổi lên trong những tác phẩm của các tác giả phương Tây viết về mùa xuân, người ta thường chú ý đến âm nhạc cho ballet Mùa xuân thần thánh (tên nguyên gốc tiếng Nga là Vesna Svyashchennaya, tiếng Anh dịch là The rite of Spring hoặc The coronation of Spring) của nhạc sĩ Nga nổi tiếng thế kỷ 20 – Igor Stravinsky, một tác phẩm được coi là khám phá lớn của âm nhạc thế kỷ 20. Một tác phẩm nhạc cho ballet thoạt đầu bị công chúng la ó nhưng ngày càng được tôn vinh, thán phục. Dần dần Mùa xuân thần thánh thường xuất hiện trên sân khấu hòa nhạc nhiều hơn trên sàn diễn các nhà hát Opera và ballet của thế giới”. Tác giả của nó, nhạc sĩ Stravinsky đã từng nói “Trong Mùa xuân thần thánh tôi muốn thể hiện sự hồi sinh rạng rỡ của thiên nhiên, được sống lại một cuộc đời mới, một sự hồi sinh trọn vẹn, tự phát, sự thai nghén hồi sinh của muôn loài”.

Trong âm nhạc thế kỷ 20 còn nổi bật với Trường phái Ấn tượng mà đại diện của nó là nhạc sĩ người Pháp Claude Debussy (1862 – 1918) và nhạc sĩ Maurice Ravel (1875 – 1937).

Nhắc đến tên tuổi nhạc sĩ Claude Debussy, công chúng yêu nhạc thường nhớ tới tác phẩm “La Mer – Biển cả”. Debussy gọi “La Mer” là “ba phác họa bằng giao hưởng”. Chương I của tác phẩm với nhan đề “Biển từ lúc rạng đông đến trưa” mô tả màn sương tan dần, biển mênh mông bát ngát. Biển hiền hoà đón tia nắng đầu tiên. Sóng biển long lanh phẳng lặng bắt đầu chuyển động…. Chương II: “Trò chơi của sóng”, Chương III: “Đối thoại giữa gió và biển”. Tác phẩm mang đậm tính chất hội hoạ. Debussy đã ghi lại vẻ đẹp và cuộc sống của biển cả, sự dịu hiền yên tĩnh, sự sôi nổi và mãnh liệt của nó. Biển như một cơ thể sống biết nói, cười, vui buồn và giận dữ, biết đau khổ và đấu tranh…(Trích trong cuốn “Lịch sử âm nhạc thế giới – Nhạc viện hà Nội).

Công chúng yêu nhạc chắc đã từng thưởng thức bản Serenade Rimpianto Op.6 của nhạc sĩ người Ý: E. Toselli (1883 – 1926), do nghệ sĩ André Rieu trình tấu đàn Violon, nghệ sĩ Thieu Heylijes đàn Piano cùng dàn nhạc. Với những giai điệu ngọt ngào, trữ tình do đàn Violon diễn tấu cùng màu sắc phối âm mềm mại và tinh tế của đàn Piano và dàn nhạc. Đặc biệt là tiếng chim hót điểm xuyết trong toàn tác phẩm càng làm tăng thêm tính lãng mạn với những âm thanh mang lại cảm giác như đang chìm đắm trong một khu rừng với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời…

Nói chung, trong những tác phẩm âm nhạc kinh điển, các nhạc sĩ đã thể hiện tình yêu thiên nhiên của mình bằng những nét nhạc mang tính khái quát cao, thể hiện tinh thần, trí tuệ sâu sắc, kích thích sự tưởng tượng phong phú khác nhau của mỗi người khi thưởng thức những tác phẩm đó. Tuy nhiên, cũng có những tác phẩm âm nhạc được nhạc sĩ khai thác các tính năng của nhạc cụ để mô phỏng đời sống, những âm thanh trong tự nhiên, thậm chí hiện nay đã có những tác phẩm sử dụng phần âm thanh điện tử hoặc thu âm trực tiếp từ thiên nhiên để làm nền cho tác phẩm. Vậy điều này có làm mất đi giá trị đích thực của âm nhạc. Đó là chủ đề mà chúng tôi sẽ giới thiệu với quý vị và các bạn vào dịp khác.

Tác giả: Quỳnh Anh

Sự liên kết giữa Yoga và âm nhạc

0
Sự liên kết giữa Yoga và âm nhạc

Bước đến Yoga không chỉ là luyện tập việc kết hợp âm nhạc còn làm tối ưu hiệu quả mà Yoga mang lại, hãy cùng tìm hiểu tại sao nhé.

Âm nhạc sợi dây liên kiết vô hình nhưng hữu ích trong tập luyện Yoga.

Không mấy người khi tập luyện Yoga đều phải trải qua nhưng giây phút tập trung cũng như mồ hôi nhễ nhại. Nhưng những cảm giác mệt mỏi này sẽ cải thiện rất nhiều qua âm nhạc, khi có sự kết hợp âm nhạc trong lúc tập luyện thì cảm giác được cải thiện hơn rất nhiều. Đó còn chính là sự thúc đẩy tạo năng lượng một cách hiệu quả nhất cho bản thân trong tập luyện.

Vai trò của âm nhạc

Sự liên kết giữa Yoga và âm nhạc
Chắc có lẻ cuộc sống sẽ hết sức tẻ nhạt như thế nào nếu mất đi nhửng bài nhạc, âm nhạc ta có thể nghe ở mọi lúc mọi nơi và mỗi khi âm thanh phát ra là mỗi lần ta cảm thấy sau trong tâm hồn cũng được dịu lắng. Với Yoga âm nhạc có thể biến cho không khí trong phòng tập sinh động hơn, có rất nhiều thể loại nhạc khác nhau với mỗi người lựa chọn để thưởng thức có thể là nhe nhàng thư giản hay cũng có thể là sôi động cho thêm tinh thần và động lực. Ngoài ra đây còn là một người bạn của chúng ta, qua âm nhạc ta như trải được nổi lòng trút bỏ mọi muộn phiền.

Sự kết hợp của âm nhạc trong tập luyện Yoga

Ắt hẳn âm nhạc không ai là không biết tuy nhiên việc kết hợp âm nhạc trong Yoga lại ít người trải nghiệm. Những kết quả tập luyện mà Yoga mang lại từ tinh thần đến thể chất sau những tư thế, động tác thì không thể bỏ qua âm nhạc. Cũng góp phần không nhỏ là một chất xúc tác vô cùng hữu ích, nó như một dòng suối chảy xuyên suốt khi tập luyện, sự tập trung cũng như tinh thần thoải mái giúp cơ thế thanh khiết hơn qua âm nhạc, chính vì điều này quả không sai khi nói việc kết hợp giữa Yoga và âm nhạc mang lại những lợi ích về sức khỏe.
Sự liên kết giữa Yoga và âm nhạc
Không riêng biệt gì nhạc Yoga ngày xưa mà ngay cả các thể loại như pop, rock, hip-hop, R & B cũng có thể trở thành gia vị nhạc Yoga hiện đại. Chính vì điều này ngay từ bây giờ hãy thừ và tay vào luyện tập kèm với đó là lựa chọn người bạn âm nhạc phù hợp với chính mình, để tối ưu hiệu quả trong luyện tập một cách tốt nhất.
(Nguồn: https://yogacuocsong.com/)

Nhạc sĩ Huy Thục

0

Tên khai sinh của ông là Lê Huy Thục, còn có bút danh khác là Lê Anh Chiến, sinh ngày 22 tháng 12 năm 1935, quê ở Chính Lý, Lý Nhân, Hà Nam, là Đại tá, nhạc sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nguyên Đoàn trưởng Đoàn Ca Múa Tổng cục chính trị, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa 3 và khóa 4. Đã nghỉ hưu.

Nhạc sĩ Huy Thục hoạt động cách mạng từ tháng 8- 1945, ông bắt đầu đi vào con đường âm nhạc từ năm 1950 bằng chơi đàn violon.

Từ năm 1954-1956, ông vào Đoàn Văn công Quân khu Hữu Ngạn. Sau đó ông theo học lớp Sáng tác âm nhạc đầu tiên tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Một thời gian sau, ông lại được cử đi tu nghiệp tại Nhạc viện Liszt ở Hungari.

Về nước, ông tham gia giảng dạy ở Trường Nghệ thuật Quân đội. Trong thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã lặn lội cùng chiến sĩ trên mặt trận Đường 9 – Nam Lào. Sau đó ông về làm lãnh đạo và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca Múa Tổng cục Chính trị.

Ông là một nhạc sĩ có khối lượng sáng tác lớn: trên 450 tác phẩm. Nhiều tác phẩm của ông đã để lại dấu ấn trong quần chúng. Các ca khúc: Kèn xuất trận (thơ Tô Đức Chiêu), Tiếng hát trên đường quê hương, Dòng suối La La, Tiếng đàn ta-lư, Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Tiến lên chiến sĩ đồng bào (phổ thơ Bác Hồ), Đợi (thơ Vũ Quần Phương), hợp xướng Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Tiến lên giành toàn thắng (Chương I), vũ kịch Ngọn lửa Nghệ Tĩnh (viết cùng Nguyễn Thành và Lương Ngọc Trác), v.v…

Về tác phẩm khí nhạc: độc tấu đàn bầu Vì miền Nam, độc tấu trống dân tộc Nhịp điều nước non. Ngoài ra, ông còn viết phần âm nhạc cho kịch nói, phim truyện, phim tài liệu, múa…

Đã xuất bản hai Tuyển tập ca khúc và Album Tiếng đàn ta-lư.

Nhạc sĩ Huy Thục đã được Nhà nước phong tặng: Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật đợt 1, Huân chương Độc lập hạng Ba và rất nhiều huân chương, huy chương cao quý khác. Vở vũ kịch Ngọn lửa Nghệ Tĩnh (phần âm nhạc viết chung với nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, Nguyễn Thành) được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Rất nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các ngành, các đoàn thể ở Trung ương, địa phương và của quốc tế.

Nhạc sĩ Hoàng Vân

0

Hoàng Vân (tên khai sinh là Lê Văn Ngọ, 24 tháng 7 năm 1930 – 4 tháng 2 năm 2018) là một nhạc sĩ Việt Nam, người được coi là có nhiều sáng tác nhất về các ngành nghề, các tỉnh thành và các bài hát của ông đều trở thành bài truyền thống. Ông nổi tiếng với hàng loạt ca khúc như ủa ông đều trở thành bài truyền thống của ngành, của tỉnh. Những ca khúc nổi tiếng lẫy lừng nhất của ông, tới ngày nay vẫn còn thường xuyên được diễn, là Bài ca xây dựng, Hò kéo pháo, Người chiến sĩ ấy, Quảng Bình quê ta ơi, Tôi là người thợ lò, Ca ngợi Tổ Quốc,… Ông còn có bút danh là Y-Na (tức Yêu Ngọc Anh – vợ của ông).

Ông sinh ngày 24 tháng 7 năm 1930 tại Hà Nội trong một gia đình Nho học ở phố Hàng Thùng, xứ Thăng Long, có cha và ông nội đều là nhà nho. Là con trai út, Hoàng Vân đã được tiếp nhận một nền giáo dục hướng thiện mỹ từ thuở ấu thơ với những buổi đàm đạo Thi Ca Họa Nhạc với cha mình, một người cha rất gần mà cũng rất xa. Nhà giáo Lê Vũ Bỉnh, cha ông, đã hơn 60 tuổi lúc ông ra đời. Hoàng Vân mồ côi từ sớm, ông mất mẹ lúc năm 13 tuổi và năm 1946, khi ông 16 tuổi thì cha cũng khuất núi, Hà nội hạ thổ kháng chiến và ông đi chiến khu đem tuổi trẻ và tài năng của mình cống hiến cho cuộc chiến tranh giành hoàn toàn độc lập cho đất Mẹ Việt Nam. Sự nghiệp âm nhạc của ông gắn liền với sự nghiệp chiến đấu cho một đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất, hòa bình, gắn liền với trang lịch sử hào hùng nhất của Tổ Quốc, “Đất anh hùng của thế kỷ hai mươi”.

Rời Hà nội ra đi năm 16 tuổi, ông gia nhập Đội thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Liên khu I) Hà Nội, rồi làm phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Sau đó, ông tham gia Đội Tuyên truyền võ trang Lao Hà, làm báo chí và công tác địch vận của trung đoàn, sư đoàn và sau đó phụ trách văn nghệ ở Sư đoàn 312… Hoàng Vân bắt đầu sáng tác từ năm 1951 với những ca khúc được phổ biến rộng rãi tại vùng Tây Bắc, Việt Bắc như Chiến thắng Tây Bắc, Chiến thắng Hoà Bình, Tin chiến thắng…

Năm 1953, ông sáng tác ca khúc nổi tiếng Hò kéo pháo.

Tận hưởng một nền giáo dục truyền thống từ nhỏ, sau ngày hòa bình lập lại năm 1954, ông được cử đi tu nghiệp tại Nhạc viện Bắc Kinh, Trung Quốc và đã tốt nghiệp xuất sắc năm 1960 với bản giao hưởng thơ Thành đồng Tổ quốc. Nhạc của ông, từ những ca khúc tưởng chừng như đơn giản nhất, đươc viết với cảm xúc của một nghệ sĩ tràn đầy nhiệt huyết và lòng yêu nước nhưng luôn luôn gắn với một bề dầy của kiến thức âm nhạc tích tụ được trong những năm dùi mài kinh sử. Vì vậy tác phẩm của ông thật giàu, thật đa dạng và tưởng chừng như không có giới hạn. 

Từ năm 1960, sau khi đi tu nghiệp về, sự nghiệp sáng tác của ông bắt đầu nở rộ với hàng loạt ca khúc, hợp xướng, hòa tấu. Ngoài ra ông còn viết nhạc cho phim, kịch nói, hợp xướng, đại hợp xướng, giao hưởng, nhạc thính phòng. Ngoài ra ông chỉ huy dàn nhạc đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam kiêm chỉ đạo nghệ thuật, đồng thời tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội cho đến khi ông về hưu đầu những năm 90. Nhiều trong số các học trò của ông đã thành danh như An Thuyên, Trương Ngọc Ninh, Văn Thành Nho, Phú Quang, Trương Tuyết Mai…

Từ năm 1963 đến năm 1989, ông là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, là trưởng ban sáng tác thanh nhạc và công tác tại Hội cho đến năm 1996. Năm 1975, ông đi thực tập một thời gian tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria.

Ông đã xuất bản các sách nhạc gồm Hai chị em (Nhà xuất bản Âm nhạc, 1973), 6 ca khúc Hoàng Vân (Nhà xuất bản Âm nhạc, 1980), Ca khúc Hoàng Vân (Nhà xuất bản Âm nhạc, 1986), Tuyển chọn ca khúc Hoàng Vân (Nhà xuất bản Âm nhạc và Hội nhạc sĩ Việt Nam) kèm theo băng cassette audio. Các sách được xuất bản tại nước ngoài là tổng phổ giao hưởng Thành đồng Tổ quốc (in tại Cộng hòa Dân chủ Đức và Bulgaria), Hành khúc con voi (Voi kéo gỗ) (Nhà xuất bản Âm nhạc Moskva, Liên Xô).

Ông là một trong mười bốn nhạc sĩ đầu tiên được nhận Giải thường Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, giải thưởng cao quý nhất dành cho một nhạc sĩ, vào năm 2000.

Hoàng Vân chơi piano giỏi, tài này được thể hiện trên phần đệm piano do chính tác giả soạn mà những ca khúc nổi nhất là Bài ca người giáo viên nhân dân (bản thu Mỹ Bình do Nguyễn Hữu Tuấn đệm piano), Mùa hoa phượng nở… Ngoài ra ông còn chơi guitare, organ. Những năm làm chỉ huy dàn nhạc tại Đài tiếng nói Việt nam, ông vừa vừa phối khí, vừa chỉ huy dàn nhạc, những năm này cho ông có đất dụng võ với dàn nhạc giao hưởng, nguồn gốc của nhiều tác phẩm cho khí nhạc mà bản nổi tiếng nhất là Voi kéo gỗ trên lâm trường cho fagotte (basson), tặng một người đồng nghiệp mà ông rất quý là Phúc Linh, học ở Nhạc viện quốc gia Hungary về.

Song song với hàng loạt bài hát tình ca, ngành ca, bài hát thiếu nhi, bài hát của các địa phương được đông đảo quần chúng hâm mộ hát và nghe từ hơn nửa thế kỷ nay, nhạc sĩ còn thử tài thành công trong nhiều lĩnh vực âm nhạc bác học như hợp xướng, đại hợp xướng, nhạc cho kịch, nhạc cho phim, nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng… Những tác phẩm này được lưu giữ như những tác phẩm kinh điển trong kho tàng âm nhạc bác học cận đại và hiện đại Việt Nam cuối thế kỷ hai mươi.

Người ta biết về Hoàng Vân chủ yếu như là một nhạc sĩ tài hoa, nhưng người nhạc sĩ thành Thăng long không chỉ tài hoa tuyệt tác về Cầm, mà cuộc đời ông còn điểm xuyết và hòa trộn với cả một giới nghệ sĩ mà Kỳ, Thi, Họa không bao giờ xa. Ngoài một số tác phẩm phổ thơ của các nhà thơ lớn Việt Nam cùng thời, ông là tác giả ca từ của phần lớn các sáng tác thanh nhạc của mình. Ca từ của ông lấp lánh, uyển chuyển, nhuần nhụy, giàu tính thơ, giàu triết lý, góp phần không nhỏ cho thành công của các tác phẩm âm nhạc của ông đối với quảng đại quần chúng. Ông cũng thỉnh thoảng làm thơ mà không phổ nhạc.

Ông giỏi tiếng Pháp, tiếng Hoa, đọc giỏi tiếng Anh, tiếng Bungari. Hai năm cuối đời sau trận ốm mùa hè năm 2015 cho đến trước khi ra đi, ông ít viết nhạc. Để giữ cho bút pháp và tinh thần, ông đọc và chép lại những tiểu thuyết cổ điển trong nguyên bản ngôn ngữ. Sau khi hoàn thành việc chép ba bi kịch của Shakespeare bằng tiếng Anh, ông sang đến các tiểu thuyết kinh điển của Pháp: Les misérables (Những người khốn khổ) của Victor Hugo, Le Noir et le Rouge (Đỏ và đen) của Gustave Flaubert. Cuốn cuối cùng ông chép cho đến ngày mất còn dang dở tên là Je suis compositeur (Tôi là nhạc sĩ) của Arthur Honneger, do con gái tặng khi ông ốm vào năm 2015.

Ông yêu thích vẽ, rất hay phác thảo chân dung và chân dung tự họa. Các bài hát, lúc ông có ghi ngày sáng tác, đều được trình bày khúc triết, mạch lạc, chúng tôi vẫn nhớ ông viết ngày, tháng, năm trong vòng hình quả lê chia làm ba múi như chữ ký cho họ Lê của mình. Chúng tôi còn giữ được một vài chân dung ông vẽ bằng bút, nhưng không còn giữ được những bản ông vẽ trên vải. Ông thú sưu tầm đồ cổ và mỹ thuật, có hiểu biết sâu rộng và cơ bản về cổ vật và say mê đọc sách.

Thú chơi thanh tao nhất mà ông yêu thích sau này là thư pháp, tặng chữ bạn bè và người hâm mộ. Những hiểu biết sâu rộng về nhân, nghĩa, chí, tín kết hợp với cảm xúc và tình cảm cho người được tặng chữ được thể hiện một cách sâu sắc nhất trên một chữ đơn giản vẽ như trong một phút xuất thần.

Website này sẽ dành một khoảng không gian cho thơ, họa, thư pháp và bút tích của cố nhạc sĩ, đồng hành cùng các tác phẩm âm nhạc của ông để lại trong đó có rất nhiều tác phẩm chưa bao giờ được công bố nằm trong sổ sách chép tay của ông để lại cho chúng ta.

Hoàng Vân vẫn tự hào là ít có người sống trong phố cổ Hà Nội từ lúc sinh ra đến năm ra đi, ông là Công dân danh dự của Thủ đô Hà nội. Hai người con của ông là nhạc trưởng Lê Phi Phi và Tiến sĩ-Nhà nghiên cứu âm nhạc Lê Y Linh.

Ông qua đời vào sáng ngày 4 tháng 2 năm 2018 trong giấc ngủ, năm ông 88 tuổi. 

NSND TRẦN HIẾU: TIẾNG CƯỜI TRONG OPERA

0

NSND TRẦN HIẾU: TIẾNG CƯỜI TRONG OPERA

Nhạc sĩ Cao Khắc Thùy

0
Nhạc sĩ Cao Khắc Thùy

Nhạc sĩ Cao Khắc Thùy sinh ngày 10 tháng 10 năm 1939, quê ở Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nguyên là Chánh Văn phòng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, và Chánh Văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Hiện đã nghỉ hưu Ông công tác ở Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Phú Thọ từ năm 1955. Ông đã từng làm diễn viên, sau là phụ trách Đoàn Văn công của tỉnh. Từ tháng 10 năm 1974 đến tháng 10 năm 1985, ông là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Văn học – nghệ thuật Vĩnh Phú. Sau khi theo học lớp Đại học Sáng tác ở Nhạc viện Hà Nội (1965-1968), ông được cử đi tu nghiệp ở Viện Hàn lâm Âm nhạc Liszt ở Hungari (1978-1980). Từ năm 1991, ông chuyển về công tác ở Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam và sau đó là Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Các tác phẩm tiêu biểu: nhạc cảnh Trẩy hội mùa xuân, Trên đồi chè, Dưới bóng cây thiên tuế …; ca khúc đáng chú ý: một số bài hát được phổ biến rộng rãi như Người đẹp Thái Nguyên, Thành phố và em, Hát trên vùng đất cổ, Theo em về Bắc Cạn…; đã xuất bản tập Tiếng hát Sông Thao (1978), Tuyển chọn ca khúc Cao Khắc Thùy (Nxb. Âm nhạc, 1997), Album Khúc hát khi xa (DIHAVINA,1997). Tình người đất Tổ (2003) . Ngoài ra ông còn viết nhạc cho một số vở chèo, nhạc múa, khí nhạc: romance, biến tấu, v.v… Ông cũng là tác giả của công trình nghiên cứu Hát Xoan – Hát Ghẹo -Dấu ấn một chặng đường được Giải A của Hội Văn học Nghệ thuật Phú Thọ (2011) và Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng năm.

Nhạc sĩ Cao Khắc Thùy đã được Nhà nước tặng: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương “ Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam ”, Huy chương “ Vì sự nghiệp Múa Việt Nam ”; nhiều Huy chương Vàng và các giải thưởng cao quý của các ngành, các địa phương khen tặng.