Hàn Ngọc Bích

    0
    969
    Hàn Ngọc Bích

    Hội viên CN sáng tác

    Hàn Ngọc Bích
    Hội viên CN Sáng tác

    24 hẻm 15, Ngách 26 Ngõ Thái Thịnh 2, Đống Đa, Hà Nội

    Ông sinh ngày 18 tháng 11 năm 1940, quê ở Hà Nội. Từng công tác tại Vụ Giáo dục Phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

    Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1962 và làm giáo viên ở Hà Tây. Năm 1973, về Bộ Giáo dục và Đào tạo, là Uỷ viên Thư ký Hội đồng Âm nhạc của Bộ. Ông sáng tác nhiều ca khúc cho thiếu nhi, và góp phần soạn thảo nhiều sách hướng dẫn và giảng dạy môn hát nhạc cho học sinh tiểu học như Sách giáo viên hát nhạc (soạn chung với Nguyễn Minh Toàn)… Ca khúc của ông được sử dụng nhiều trên sách báo, đài phát thanh và truyền hình, băng âm thanh và băng video. Những bài hát đáng chú ý: Rửa mặt như mèo, Em đố mẹ em (cùng Văn Dung), Đưa cơm cho mẹ đi cày, Tiếng chim trong vườn Bác, Em bay trong đêm pháo hoa, Tháng ba học trò, Xinh xinh hạt nắng, Hoa bí vàng (ca cảnh). Ông đã được nhiều giải thưởng về sáng tác ca khúc cho thi (Trích “Nhạc sĩ Việt Nam hiện đại” – Hội Nhạc sĩ Việt Nam

    Ngày Tết của thiếu nhi, càng thêm nhớ người nhạc sĩ tài hoa. Ông vừa từ biệt thế giới này để đến an nhiên ở một cõi khác. Một người nghệ sĩ cả đời sống thầm lặng giản dị, ít tuyên ngôn về nghệ thuật, ít xuất hiện nơi đám đông ồn ào, nhưng có đến 4 tác phẩm được nằm trong danh sách 50 bài hát hay nhất của thế kỷ 20 gồm các ca khúc: “Tiếng chim trong vườn Bác”, “Em bay trong đêm pháo hoa”, “Tre ngà bên lăng Bác”, và “Đưa cơm cho mẹ đi cày”. Những bài hát của ông đã gắn với nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam bởi giai điệu âm nhạc đẹp và tính giáo dục, tính thẩm mỹ cao.

    Hàn Ngọc Bích suốt đời mình chỉ viết cho thiếu nhi. Chọn một đề tài nhỏ, một ngách nhỏ trong đời sống nghệ thuật bao la, ông chuyên tâm ân cần với công việc của mình dâng cho đời những quả thơm mật ngọt tinh túy nhất. Vào đời là một nhà giáo, Hàn Ngọc Bích rất yêu nghề của mình. Ông thích những buổi đến trường, đứng trước các học trò nơi bục giảng, nói với các em về cuộc đời, truyền dạy các em những tri thức, hiểu biết.

    Cơ duyên đến với âm nhạc của ông là trong một lần tình cờ gặp người bạn nhạc sĩ Hoàng Long. Khi ấy, Hoàng Long đã có ca khúc viết cho thiếu nhi được mọi người biết đến. Hàn Ngọc Bích chia sẻ với bạn, ông thích âm nhạc và thích được viết cho các em. Nhạc sĩ Hoàng Long gửi cho Hàn Ngọc Bích những cuốn sách về âm nhạc để ông đọc và tự học nhạc.

    Người thầy đầu tiên dẫn dắt nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích đến với âm nhạc chính là nhạc sĩ Mộng Lân. Nhờ có những người tâm huyết chí tình ấy, Hàn Ngọc Bích đã thực sự bước vào con đường sáng tác. Ca khúc đầu tiên của ông có tên “Cây bàng trước ngõ” với lời ca giản dị giàu tính nhân văn. Cũng với ca khúc này, ông viết thêm hai ca khúc khác là “Rửa mặt như mèo”, “Sáo sậu là cậu sáo đen” và ca cảnh “Hoa bí vàng” gửi tham dự cuộc vận động sáng tác ca khúc cho trẻ em của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Ngay từ những ca khúc đầu tiên này, ông đã đạt giải thưởng. Đó là niềm khích lệ, cổ vũ tinh thần rất lớn để ông hăng say gắn bó với đề tài thiếu nhi

    Thời chiến tranh, bài hát “Đưa cơm cho mẹ đi cày” của nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích là một ca khúc được yêu thích bậc nhất. Một bài hát vô cùng đẹp về giai điệu, tiết tấu, lời ca thì chứa chan tình cảm gia đình, của người con nhỏ dành cho cha mẹ. Nó còn là câu chuyện lịch sử của một thời kỳ đất nước gian nan giặc giã, những em bé cũng phải tham gia lao động sản xuất cùng mẹ để củng cố hậu phương cho người cha ra trận yên lòng. Vì cấu trúc âm nhạc hoàn hảo, vì tình cảm xúc động chứa trong từng lời ca, mà bài hát “Đưa cơm cho mẹ đi cày” vượt qua giới hạn bài hát của một thời. Nó vẫn luôn là ca khúc được các em nhỏ biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật, chọn để biểu diễn khi tham gia các cuộc thi tuyển chọn giọng hát thiếu nhi.

    Nhạc sĩ Trí Minh từng mang bài hát “Đưa cơm cho mẹ đi cày” tham gia chương trình deezay quốc tế với một bản mix mới và khán giả quốc tế rất yêu thích. Một ca khúc khác của Hàn Ngọc Bích “Em bay trong đêm pháo hoa” cũng mang một dấu ấn đặc biệt. Ca khúc viết về ngày hai miền Nam Bắc hoàn toàn thống nhất: 30/4/1975. Ông kể lại kỷ niệm sáng tác bài hát này trong một chương trình nghệ thuật: “Tối 15/5/1975, vợ chồng tôi bế con trai đầu lòng mới một tuổi nô nức đi xem bắn pháo hoa cùng nhân dân Thủ đô.

    Hôm đó đông vui lắm. Đó là đêm cả dân tộc ăn mừng chiến thắng. Tôi công kênh con trai trên vai để nhìn pháo hoa đang bùng nở rạng rỡ. “Hoa lưng trời và hoa trong ánh mắt”, đó chính là hoa trong những giọt nước mừng vui hân hoan của hàng triệu người. Mỗi lần chùm pháo hoa bay lên bùng nổ trên bầu trời trong tiếng reo vang trời của mọi người, cậu con trai trên vai tôi lại nhún lên như muốn bay lên. Đêm ấy về, tôi che ngọn đèn trên bàn làm việc để ghi lại những nốt nhạc đang đầy ắp xúc động lên trang giấy chép nhạc. Và bài hát ra đời, lập tức được khán giả đón nhận, đặc biệt là các em thiếu nhi”.

    Nhiều ca khúc của Hàn Ngọc Bích đã trở nên thuộc nằm lòng trong các em thiếu nhi, nuôi dưỡng tâm hồn các em khôn lớn. Những bài hát có nội dung trong sáng, ngây thơ, rất phù hợp với tâm lý của trẻ nhỏ. Viết cho thiếu nhi, nói như nhà thơ Định Hải, là phải có khả năng biến hóa, phải hiểu tâm lý trẻ em, phải viết như là mình đang là trẻ em thật.

    Trẻ em rất nhạy cảm, khi mình viết theo tư duy của người lớn, các em sẽ không thấy mình trong đó, không yêu sáng tác đó. Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích có một quan sát tỉ mỉ với đời sống. Đôi mắt nhìn của ông luôn giữ được vẻ thơ ngây, trong trẻo, và thổi nó lên những khuông nhạc. Qua mỗi sáng tác của mình, ông dạy trẻ em tình yêu đối với thiên nhiên, với những con vật gần gũi xung quanh, với cha mẹ, thầy cô, mái trường.

    Kinh nghiệm của ông khi viết cho trẻ nhỏ là viết càng giản dị càng hay. Trẻ nhỏ thường dễ tiếp nhận những câu ngắn, dễ hiểu, có vần điệu, gần gũi với văn hóa dân gian hay lối nói bình thường hàng ngày. Có lẽ với lợi thế là một người làm ngành giáo dục, nên nhạc sĩ luôn hiểu tâm lý của trẻ em. Cộng với tình yêu dành cho trẻ nhỏ và niềm đam mê không bờ bến với âm nhạc, nên ông đã viết những ca khúc cho trẻ em mà có thể nói là luôn có một sức sống rất lâu bền trong đời sống.

    Sinh thời, khi ngồi trò chuyện cùng nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích, ông thường bày tỏ, ông không định viết để trở thành một nghệ sĩ. Ông viết đơn giản vì tình yêu của ông dành cho trẻ em. Ông cũng không muốn phát ngôn nhiều về công việc sáng tác. Nghề chính ông chọn vẫn là nghề dạy học. Viết là một góc khác của đời sống, rất quan trọng đấy nhưng âm thầm.

    Một số người khuyên nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích nên mở rộng đề tài, thì ông sẽ nổi tiếng hơn, âm nhạc sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn. Ông chỉ cười đáp lễ. Ông không có tham vọng gì, chỉ muốn suốt đời chung thủy với đề tài thiếu nhi, viết những gì trong trẻo nhất cho các em hát. Ông cũng không thích người khác gọi mình là một nhạc sĩ. Tác phong của ông lúc nào cũng giống một nhà giáo hơn. Từ ăn mặc đến phát ngôn, ở ông không có sự phóng khoáng như ta thường hình dung ở một người nghệ sĩ.

    Từng có nhà báo hỏi ông, viết ca khúc cho thiếu nhi có dễ không, ông trả lời: “Ai bảo dễ thì rất dễ, vì ca khúc cho thiếu nhi thường ngắn, ít chữ, 16 nhịp là thành một bài hát. Thậm chí lời ca có thể bằng dăm ba câu ca dao là xong. Nhưng nó có chiều được lòng người, có văn hóa cho thiếu nhi, có gửi gắm được điều gì đó như là sự giáo dục cho các em thiếu nhi hay không mới là điều quan trọng”.

    Vâng, điều quan trọng nhất của một bài hát cho thiếu nhi, là được các em hát mãi. Có bao nghệ sĩ nổi tiếng viết cho người lớn nhưng khi hạ bút viết cho trẻ em lại chào thua. Để nói rằng không có đề tài nào là dễ. Thậm chí viết cho trẻ em là rất khó, bởi người viết phải có khả năng hồn nhiên lại một lần nữa như con trẻ. Phải tư duy bằng tư duy trẻ nhỏ thì mới được các em chấp nhận.

    Bây giờ có người hỏi, ca khúc “Đưa cơm cho mẹ đi cày”, phần lời ca là viết về câu chuyện của một em bé ở vùng nông thôn trong chiến tranh, giúp mẹ việc đồng áng. Giờ các em lớn lên ở thành phố, các em không biết ruộng đồng, các em có hát bài hát này không. Nhưng rõ ràng bài hát vẫn luôn được vang lên. Chứng tỏ trong giai điệu và trong tình cảm mà bài hát gửi gắm mang tính nhân văn đậm đặc, sâu sắc, để trẻ em hôm nay dù không biết chiến tranh, vẫn luôn cảm nhận và xúc động về tình yêu của em bé với cha mẹ trong bài hát.

    Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích từng dùng hình ảnh “múa trên chiếc chiếu con” để nói về công việc sáng tác ca khúc cho thiếu nhi. Múa trên sân khấu mênh mông thì cũng là khó đấy, nhưng ít nhất thì anh có khoảnh đất rộng hơn mà thể hiện các kỹ năng của mình. Còn múa trên chiếc chiếu con thì anh phải tự nhận thức mình, tự bày chiêu trò như thế nào cho hợp lý, và quan trọng là để khán giả vẫn thích thú.

    Cả đời mình, người nhạc sĩ hiền hậu chỉ “múa trên chiếc chiếu con” thôi, không mong trở thành một nghệ sĩ lớn. Vậy mà hàng chục ca khúc nằm lòng trẻ em nhiều thế hệ trôi qua, trong đó có những ca khúc quan trọng mà khi nói về âm nhạc cho thiếu nhi của âm nhạc Việt Nam thì không thể không nhắc đến.

    Có thể nói, trong lĩnh vực viết cho thiếu nhi, Hàn Ngọc Bích là một nhạc sĩ để lại nhiều dấu ấn. Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi, xin một lần nữa được bày tỏ lòng cảm phục biết ơn ông, vì những yêu thương ông đã dành cho trẻ nhỏ.