Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 7, 2024
Trang chủNhân vậtNghệ SĩNgười đệm piano hay nhất

Người đệm piano hay nhất

Người nghệ sỹ đó được giới ca sỹ, nhạc sỹ và đồng nghiệp cho là đệm piano hay nhất. Tất nhiên, đó là nói từ trước đến nay, còn từ nay về sau thì không thể, bởi hy vọng sẽ có những người làm việc này hay hơn, như là “con hơn cha, nhà có phúc” vậy. Ông là Hoàng Mãnh – nghệ sỹ đàn piano gần như cả đời làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN). 

Nói đến các nghệ sỹ piano nổi tiếng nhất của Việt Nam, không thể không nhắc đến Hoàng Mãnh bên cạnh những tên tuổi như Thái Thị Liên, Đặng Thái Sơn (con trai Thái Thị Liên), Tôn Nữ Y Lan, Tôn nữ Nguyệt Minh, Hoàng My, Tôn Thất Triêm, Nguyễn Hữu Tuấn…

Độc tấu piano thì tất cả những nghệ sỹ trên đều rất giỏi, không thể nói Hoàng Mãnh là người chơi giỏi nhất. Nhưng riêng về đệm cho hát thì nói ông đứng đầu bảng sẽ không sai, ai cũng thừa nhận, ngay cả những nghệ sỹ piano khác. Nhưng con người tài năng được nhiều công chúng ngưỡng mộ và bè bạn trân trọng này lại hiếm khi xuất hiện trên báo chí.

Dễ hiểu vì ông là người kín đáo, không thích ồn ào, chỉ thầm lặng làm việc. Hàng ngày, ông cũng ít nói, có vẻ sống nội tâm, thuộc “típ” người hướng nội. Nhưng khi đã trò chuyện với ai thì cởi mở, chân thành, luôn gây cho người tiếp xúc cảm giác dễ chịu, thân tình.

Nghệ sĩ Hoàng Mãnh (đầu tiên bên trái) sau một buổi biểu diễn ở nước ngoài.

Tôi từng có một số năm tháng làm phóng viên nghệ thuật ở một tờ báo. Vốn dĩ hâm mộ Hoàng Mãnh từ lâu, biết tin ông đã trở về TP Hồ Chí Minh – quê hương ông, trong một lần vào đây công tác, tôi đã tìm kiếm ông bằng được với ý định sẽ viết một bài báo nói về cuộc đời hoạt động âm nhạc của ông. Nhìn thấy tôi, ông nhận ra ngay, xướng luôn tên tôi và nhắc lại cái lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi vô cùng bái phục trí nhớ có thể nói là “siêu” của ông.

Chả là lần đầu tiên ấy vào năm 1966. Lúc này tôi đang là sinh viên khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp, sơ tán ở huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Một lần tôi về Hà Nội, đến Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, tìm nhạc sỹ Lê Lôi khi đó là Trưởng ban biên tập để gửi ca khúc mới sáng tác. Nhưng không gặp mà chỉ thấy một người bé nhỏ, có gương mặt đẹp như con gái đang ngồi đánh piano trong phòng. Tôi ngờ ngợ đoán hình như là Hoàng Mãnh (vì hồi học phổ thông, tôi có nhiều dịp xem ông độc tấu piano tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội).

Tôi cất lời chào, nói lý do đến đài. Ông hồ hởi tiếp tôi và cho biết tất cả các nhạc sỹ phòng biên tập đều đi sơ tán hết. Ông cũng vừa mới về. Sau khi biết tôi có ý gửi sáng tác, ông nói sẽ chuyển giúp đến tận tay nhạc sỹ Lê Lôi. Ông cũng giở bản nhạc của tôi và dạo trên đàn. Những âm thanh vang lên rất huyền diệu.

Dạo đi dạo lại một lúc, ông nói với tôi: “Bài của em khá đấy. Nhưng nếu được phép, anh xin góp đôi chỗ, được không?”. Tất nhiên là tôi rất vui và lấy làm hân hạnh được ông để tâm. Ông sửa cho tôi mấy chỗ về âm nhạc. Bài hát hay lên rất nhiều sau khi ông đã sửa. Sau đó, Lê Lôi đã chấp nhận. Và đó là bài đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của tôi được Đài sử dụng.

Ngày đó, ngay cả những nhạc sỹ đã nổi tiếng mà có bài thu, phát trên đài thì vô cùng sung sướng vì chưa có tivi và các phương tiện phổ biến tác phẩm khác. Đài phát thanh là nơi duy nhất quảng bá âm nhạc đến với công chúng. Bài đầu được chấp nhận, tôi rất đỗi vui sướng, từ đó hào hứng sáng tác tiếp. Vậy là nhờ Hoàng Mãnh, tôi đã chính thức đi vào con đường sáng tác nhạc mặc dù học ở trường Văn ra. Nhưng lần gặp lại nhau ở Sài Gòn, ông không nhắc đến việc này (mà với tôi là không thể quên). Tôi chủ động nhắc lại kỷ niệm trên thì ông mới nhắc lại cái bài hát lần đó của tôi và còn nhớ rất rõ đã sửa cho tôi như thế nào (từ nốt nào của tôi, ông đổi thành nốt nào).

Tôi nói ông có trí nhớ “siêu” là như thế. Bài hát chẳng có gì đặc biệt của một tác giả còn trẻ, chưa ai biết đến mà khiến ông nhớ sau bao năm thì quả là không dễ bắt gặp.

Lần đó, tôi và Hoàng Mãnh đã nói chuyện rất vui, gợi lại rất nhiều kỷ niệm hồi ông còn ở đài ngoài Hà Nội. Nhưng khi tôi ngỏ ý tìm hiểu thêm về ông để viết bài thì ông lắc đầu: “Anh có gì đâu mà chú viết. Chỉ là người đánh đàn piano, mà chủ yếu là đệm cho các ca sỹ hát chứ cũng không biểu diễn được nhiều tác phẩm độc lập”.

Mặc dù tôi gần như là nằng nặc muốn được đáp ứng, ông cũng vẫn một mực từ chối khiến tôi đành… bất lực! Thảo nào mà tôi chẳng thấy ông lên báo, đài bao giờ mặc dù rất nổi tiếng. Hóa ra ông nổi tiếng bởi tài năng tự thân, “hữu xạ tự nhiên hương” chứ không bởi bất cứ sự đánh bóng nào thêm cho tên tuổi như không ít người làm nghệ thuật khác.

Nghệ sĩ Hoàng Mãnh một lần biểu diễn ở Liên Xô cũ.

Công chúng nào hôm nay đã có tuổi, từng nghe ca nhạc trên Đài Tiếng nói Việt Nam suốt những năm từ hòa bình lập lại (1954) đến ngày đất nước ta được hòa bình, thống nhất (30/4/1975), đặc biệt là những năm tháng chống Mỹ sẽ thấy hầu hết những bài hát hay nhất ở trên đài đều chỉ do một cây đàn piano đệm cho ca sỹ hát bởi không có điều kiện tổ chức đệm bằng dàn nhạc vì cồng kềnh và tốn kém, nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh. Và người đệm piano đó chủ yếu là Hoàng Mãnh. Ông có lối đệm khiến người hát rất hào hứng.

Có thể nói ông đã nuôi, nâng cảm xúc thêm cho ca sỹ. Rất nhiều bài chỉ một cây piano của ông đệm còn hiệu quả hơn cũng bài đó do ca sỹ đó hát sau này thu lại với dàn nhạc đệm. Nếu phối khí không giỏi, thiếu sáng tạo thì dàn nhạc tới mấy chục nhạc cụ đệm cho hát vẫn không hay bằng một piano của ông. NSND Quý Dương lúc còn sống đã nói về Hoàng Mãnh: “Mình bước vào phòng thu thanh mà hát với cây đàn do Hoàng Mãnh đệm thì bao giờ hát cũng rất “bốc”, cầm chắc thành công. Anh ấy luôn đệm đàn với tư duy của người sáng tác chứ không chỉ một người đánh đàn”.

Còn NSƯT Quang Phác thì cho biết sở dĩ ông hát thành công bài “Hò biển” được công chúng mến mộ chính là nhờ Hoàng Mãnh đệm đàn. Nghe những âm thanh piano đầu tiên vang lên ở phần nhạc dạo đầu tiên (prélute), ông đã “sởn gai ốc”, cảm thấy như được hút vào bài hát, như được… lên đồng với âm nhạc. Trong phòng thu, ông nhắm tịt mắt lại để hát với sự hình dung về biển qua tiếng đàn của Hoàng Mãnh.

Một đặc điểm của Hoàng Mãnh là có phần đệm viết sẵn của nhạc sỹ sáng tác thì ông tôn trọng đánh theo. Nhưng nếu không có thì ông sáng tạo ngay lúc đệm mà không cần viết sẵn ra giấy. Ông tư duy chẳng khác gì người sáng tác giỏi với việc ấn định công năng hòa thanh chính xác cùng những phần dạo đầu, gian tấu, vĩ thanh hết sức sáng tạo. Chính điều này đã khiến không ít nhạc sỹ đã không tự viết phần đệm mà phó thác tất cả cho Hoàng Mãnh mặc dù họ cũng thành thạo việc phối khí. Nhiều nhạc sỹ nói: “Cứ để cậu ấy đệm theo hứng, sẽ hay hơn mình soạn sẵn phần đệm”.

Đặc điểm tiếng đàn đệm của Hoàng Mãnh là rất phong phú về màu sắc, phong cách. Ông đệm cho kiểu bài hát gì cùng rất hiệu quả từ sục sôi chiến đấu, hừng hực khí thế như các ca khúc: “Không cho chúng nó thoát” (Hoàng Vân), “Phải giết lũ giặc Mỹ” (Trọng Loan)… đến lãng mạn, trữ tình như rất nhiều bài đơn ca. Phải đến hàng nghìn bài hát còn lưu giữ trong kho băng Đài Tiếng nói Việt Nam, trong đó có những bài giá trị nhất do các ca sỹ nổi tiếng nhất thể hiện có giá trị vĩnh hằng đã do Hoàng Mãnh đệm đàn.

Ông có tên khai sinh là Võ Đức Quý, sinh tại Sài Gòn vào năm 1933, con trai nhạc sỹ Võ Đức Thu nổi tiếng một thời. Hoàng Mãnh sớm giác ngộ cách mạng, hoạt động văn nghệ phục vụ cách mạng từ lúc còn tuổi thiếu niên với cây đàn áccoócđêông đệm cho Quốc Hương hát tại rất nhiều nơi ở Nam Bộ thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 và trong kháng chiến chống Pháp.

Hòa bình lập lại, ông tập kết ra Bắc rồi làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông có dịp học khóa đại học piano đầu tiên ở Trường Âm nhạc Việt Nam với người thầy là NSND Thái Thị Liên. Học xong, lại trở về Đài. Sau 30/4/1975, ông về quê là TP Hồ Chí Minh tiếp tục làm việc đến lúc nghỉ hưu.

Ông mất năm 2015, hưởng thọ 83 tuổi. Năm 1984, ông được phong danh hiệu NSƯT đợt đầu tiên. Ông đã mất nhưng tiếng đàn của ông vẫn còn luôn vang trên làn sóng, sống mãi trong tâm khảm nhiều thế hệ công chúng.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN