Thứ Bảy, Tháng Mười 12, 2024
Trang chủNhân vậtNhạc sĩNhững ca khúc gắn liền với tên tuổi nhạc sĩ Vũ Đức...

Những ca khúc gắn liền với tên tuổi nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển

8

Tác giả: Thạch Anh

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển để lại hơn 300 bài hát, trong đó có những ca khúc nổi tiếng như Thu, hát cho người, Điệu buồn phương Nam, Đêm gành hào nhớ điệu hoài lang…

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển để lại nhiều ca khúc ấn tượng cho nền âm nhạc Việt (ẢNH: TL)

Thông tin nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển qua đời hôm 6.5 khiến nhiều người yêu mến dòng nhạc quê hương không khỏi tiếc nuối. Trong cuộc đời của mình, nam nhạc sĩ hoạt động ở nhiều lĩnh vực, để lại hơn 2.000 bài báo, 50 quyển sách. Trong vai trò một người nhạc sĩ, Vũ Đức Sao Biển sáng tác hơn 300 bản tình ca, trong đó đáng chú ý là những ca khúc mang giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng gợi nhớ quê hương như Điệu buồn phương Nam, Đêm gành hào nghe điệu hoài lang, Đau xót lý chim quyên, Trở lại Bạc Liêu…

Thu, hát cho người

Nhắc đến Vũ Đức Sao Biển, người ta nhớ ngay đến Thu, hát cho người. Ca khúc sáng tác năm 1968 mà theo lời nhạc sĩ là lúc ông trong trạng thái “lên đồng”. Khi ấy nam nhạc sĩ ngồi một mình trong chiều thu vàng ruộm với ngàn hoa sim tím đẹp mênh mông và viết nên bản nhạc này. “Theo tôi, Thu, hát cho người có sức sống bền bỉ vì nó là một bài tình ca đẹp về giai điệu, giàu tính tư tưởng và tính nghệ thuật về ca từ. Nó ra đời ở năm đôi mươi khi người ta còn rất trẻ, nỗi si tình cũng mới tinh khôi. Âm nhạc là một trong bảy nghệ thuật nên ca từ của ca khúc phải đẹp, nếu không đẹp thì không phải là âm nhạc ca khúc. Tôi thích viết ca từ đẹp”, nam nhạc sĩ từng chia sẻ.

Sự ra đi của nhạc sĩ Điệu buồn phương Nam khiến nhiều người yêu dòng nhạc quê hương không khỏi tiếc nuối (ẢNH: TL)

Điệu buồn phương Nam

Điệu buồn phương Nam là một trong những ca khúc nổi tiếng khi nhắc đến nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Bài hát ra đời năm 1994 với giai điệu buồn, khiến nhiều người thổn thức nhớ về quê hương với nhiều hình ảnh quen thuộc như cung đàn, con sáo… Trong sáng tác này, nam nhạc sĩ vận dụng ngũ cung nhằm tạo cảm giác gần gũi cho người nghe. Điệu buồn phương Nam từng được nhiều ca sĩ như Hương Lan, Thùy Trang thể hiện khá thành công.

Đau xót lý chim quyên

Vũ Đức Sao Biển sáng tác Đau xót lý chim quyên năm 1994 với giai điệu đậm chất dân ca Nam bộ. Trong đó, câu ca dao “Chim quyên ăn trái nhãn lồng/Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi” được ông lồng ghép khéo léo, giúp ca khúc gần gũi hơn với người dân Nam Bộ. Bài hát được ca sĩ Hương Lan thể hiện thành công.

Vũ Đức Sao Biển sáng tác nhiều ca khúc về Nam bộ với ca từ quen thuộc, gần gũi với người dân (ẢNH: TL)

Đêm gành hào nhớ điệu hoài lang

Bài hát Đêm gành hào nhớ điệu hoài lang tiếp tục là một thành công của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển khi theo đuổi dòng nhạc quê hương. Ca khúc được viết dựa trên câu chuyện có thật, khi nam nhạc sĩ có dịp trở về thăm lại Bạc Liêu, nơi ông từng sinh sống thời gian dài. Theo lời kể của nam nhạc sĩ, trong một đêm trăng sáng, ông ngồi trên sông và có nghe tiếng radio vọng lại bản Dạ cổ hoài lang nên lấy ý tưởng sáng tác. Bài hát mang giai điệu buồn nhưng gần gũi, ca từ đơn giản và có sự lồng ghép khéo léo ca khúc Dạ cổ hoài lang.

Mẹ Cửu Long

Ca khúc Mẹ Cửu Long được ông hoàn thành chỉ sau một đêm với những cảm xúc dạt dào. Bài hát được ông viết dựa trên câu chuyện có thật mà ông nghe được từ chuyến đi miền Tây vào năm 2001. “Khi tôi ghé miền Tây tình cờ nghe được câu chuyện về người mẹ hi sinh lao xuống dòng nước cứu con mình trong mùa nước nổi. Hình tượng người mẹ, người phụ nữ Nam bộ lúc đó để lại dấu ấn sâu đậm trong cảm xúc của tôi nên khi đêm đến tôi viết ngay ca khúc Mẹ Cửu Long này”, ông kể. Bài hát này được Phi Nhung thể hiện thành công và nhận được sự yêu mến của khán giả.

Trở lại Bạc Liêu

Theo lời của ca sĩ Thùy Trang, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từng có thời gian dài sinh sống tại Bạc Liêu. Vì vậy trong các sáng tác mà ông viết về Nam bộ thì Bạc Liêu là vùng đất được nam nhạc sĩ nhắc đến nhiều nhất. Bài hát Trở lại Bạc Liêu bày tỏ tình cảm của tác giả dành cho vùng đất nơi đây trong dịp trở lại thăm.

(Nguồn: https://thanhnien.vn/)

 

 

 

 

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN