Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang chủLý Luận'Gót hồng' - khúc hát giai nhân

‘Gót hồng’ – khúc hát giai nhân

9

(Tác giả: Hà Thu)

Khi sáng tác bài “Gót hồng”, nhạc sĩ Bảo Phúc nhớ hình ảnh mẹ gánh hai thùng bánh, đi xiêu vẹo trong mưa.

Gót hồng ra đời năm 1992 nhưng đến năm 1998 mới phổ biến khi được ca sĩ Lam Trường trình diễn trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam. Lam Trường nhớ lại năm ấy, khi anh hát “Kìa đêm nay, bao nhiêu gã si tình thành đá ngây dại vì dáng em”, pháo hoa bùng lên rực rỡ trước dàn người đẹp. Khán giả trong nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP HCM) liên tục vỗ tay, huýt sáo cổ vũ.

“Đó là giây phút tuyệt vời mà tôi không bao giờ quên. Mọi thứ lúc ấy quá đẹp, từ cảm xúc tới ca từ. Giữa một rừng giai nhân, tôi thấy bay bổng” Lam Trường nói. Từ đó, Gót hồng trở thành ca khúc gắn với sự nghiệp của anh. Suốt hơn 20 năm, khi biểu diễn ở bất cứ sân khấu nào ở trong hay ngoài nước, anh đều được yêu cầu hát bài này.

Trên nền giai điệu nhẹ nhàng, bài hát là lời của một gã si tình dành cho người con gái mình si mê. Trong mắt anh, cô gái hiện lên uyển chuyển, dịu dàng. Thế nhưng sinh thời, nhạc sĩ Bảo Phúc chia sẻ ông lấy cảm hứng sáng tác ca khúc từ mẹ.

Cố nhạc sĩ từng kể một lần, khi đạp xe đi học, ông gặp mẹ xách hai thúng bánh bột lọc, đội nón đi bộ trong mưa. Hình ảnh mẹ xiêu vẹo trên đường đi khiến chàng thiếu niên khi ấy bật khóc. Nhiều năm sau, trong một lần cảm tác nét đẹp phụ nữ, anh nhớ tới những bước chân liêu xiêu của mẹ. Anh đặt hình ảnh ấy vào khung cảnh thơ mộng, khiến mọi thứ trở nên hư ảo.

“Ngỡ ngàng
Thời gian như lắng đọng
Và khắp nhân gian
Đang chìm trong mộng
Gót hồng
Nhẹ nhàng xoay theo điệu múa
Cùng dáng em
Cùng bước chân thần tiên”

Trong tâm tưởng của kẻ “đứng xa mà ngắm gót chân”, từng chuyển động của người phụ nữ hiện lên tinh tế, yêu kiều, như một điệu múa thần tiên. Giọng ca của Lam Trường vừa có nét nam tính, vừa ẩn chứa tình cảm dịu dàng như một lời tỏ tình.

“Gót hồng
Dịu dàng xoay giữa khung trời
Để sắc hương
Xô nghiêng dòng đời
Gót hồng
Nhẹ nhàng xoay theo lời hát
Cùng bước em
Rực cháy lên rạng ngời”

Trong quan niệm dân gian, phụ nữ đẹp thường bị dòng đời xô đẩy, chịu nhiều truân chuyên. Thế nhưng Bảo Phúc đã lật ngược cách nghĩ đó khi vẽ lên hình ảnh “sắc hương xô nghiêng dòng đời”. Người phụ nữ trong ca khúc e ấp, yêu kiều nhưng vẫn toát lên nét mạnh mẽ, tự tin.

“Kìa đêm nay
Bao nhiêu gã si tình
Thành đá ngây dại vì dáng em
Và đêm nay
Một đêm sắc hương nghê thường
Cùng bước em
Rực cháy lên rạng rỡ”

Gót hồng không chỉ ngợi ca vẻ đẹp ngoại hình mà còn khắc họa tâm hồn tinh khiết, thơ ngây, sự tự tin của phụ nữ Việt. Ca khúc từng được Kasim Hoàng Vũ, Hà Anh Tuấn, Bằng Cường thể hiện. Tuy nhiên, phiên bản gốc do “anh hai” Lam Trường thể hiện đi vào lòng người nghe. Giọng ca đặc biệt cùng phong cách trình diễn lịch lãm của anh để lại ấn tượng sâu đậm.

Với Lam Trường, Gót hồng cũng là một kỷ niệm đẹp, một nhạc phẩm anh trân trọng trong sự nghiệp. Dù trình diễn bài hát hàng nghìn lần, anh không sợ cũ kỹ bởi luôn thể hiện nét mới mẻ qua bản phối khí, cách trình diễn. “Trong âm nhạc có những thứ không bao giờ lỗi thời, không sợ nó cũ đi. Gót hồng là một nhạc phẩm như thế”, anh nói.

(Nguồn: https://vnexpress.net/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN