(Tác giả: Minh Châu)
Câu chuyện nghe nhạc bằng phương tiện gì đang là đề tài được tranh luận khá sôi nổi, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến cho thị trường nghe nhạc trực tuyến bùng nổ. Tuy nhiên, xu hướng chơi đĩa than đang âm thầm nóng lên từng ngày. Lối nghe nhạc hiện đại liệu có giết chết được thú chơi tao nhã ngày xưa?
Không thể phủ nhận lợi ích và tính năng kho nhạc trực tuyến của hàng loạt nhà cung cấp tên tuổi như Apple Music, Spotify… Người dùng có thể truy cập hàng triệu bài hát trong vài giây, tất nhiên với khoản phí cố định hàng tháng cho nhà cung cấp.
Trong thời đại dịch, xu thế nghe nhạc trực tuyến càng như diều gặp gió khi hầu hết các nước đều cách ly xã hội, mọi người tìm đến thú vui này để giải trí. Chỉ tính riêng ở Mỹ đã có 872,6 tỷ lượt nghe nhạc trực tuyến, tăng 17% so với năm trước. Và xu hướng này không chỉ diễn ra tại Mỹ mà trên phạm vi toàn cầu. Theo số thống kê của MRC – đơn vị nghiên cứu, quy đổi số lượt nghe sang mức tiêu thụ album – nhu cầu nghe nhạc trực tuyến đã tăng tới 22,6% trong năm 2020.
Sự tiện lợi và đa dạng trong kho nhạc trực tuyến khiến lượng tải nhạc và bán các album nhạc giảm hẳn. Tuy nhiên, trong lúc lượng tiêu thụ CD giảm, đĩa than lại có mức độ hấp thụ cao kỷ lục.
Đĩa than thường dành cho khán giả kỹ tính và hoài cổ
Tại Mỹ, lượng đĩa than tiêu thụ lên đến 27,5 triệu bản, tăng hơn 46,2% so với năm 2019. Tại Anh, doanh số đĩa than cũng tăng hơn 10%, đẩy doanh số phá mốc 100 triệu bảng (khoảng 136 triệu USD). Dù các cửa hàng âm nhạc phải đóng cửa vì đại dịch, doanh số bán đĩa than trên các kênh Amazon hay các hãng bán lẻ vẫn tăng trưởng tốt. Xu hướng nghe đĩa than thực chất đã bén rễ từ vài năm trước. Tuy nhiên, từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, tiêu thụ đĩa than được tiếp thêm động lực nhờ phân khúc khán giả sành sỏi.
Đa phần người nghe hoài cổ, cầu kỳ và đòi hỏi mức độ tinh tế về âm thanh hơn là sự đơn giản, tiện lợi của kho nhạc trực tuyến. Thú vị hơn nữa, băng cassette giờ cũng được ưa chuộng trở lại, nhưng thị phần thì thua kém hơn so với đĩa than.
Doanh số các album nhạc trên băng cassette đạt mốc 1 triệu bảng tại Anh, tăng hơn 85% so với năm trước. So với băng cassette và đĩa than, đĩa CD lại chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ tới hơn 30% tại Anh. Theo con số chưa chính thức, doanh số bán CD tại Anh có thể chỉ đạt 150 triệu bảng, mức thấp nhất kể từ năm 1987.
Có thể nói, thị trường âm nhạc đang sôi động với 2 xu thế bùng nổ. Trong khi nhạc trực tuyến hoàn toàn áp đảo xu thế nghe nhạc thì làn sóng nghe đĩa than vẫn trụ vững và tăng trưởng đều.
Một bên thuộc về lớp thính giả hiện đại, trẻ trung; bên còn lại dành cho khán giả kỹ tính và hoài cổ. So với nghe nhạc trực tuyến, chơi đĩa than khá tốn kém. Chất lượng âm thanh của đĩa than vượt trội về độ trung thực. Độ rè, âm thanh có phần thô mộc hơn là nhạc số trơn tru. Khó có thể nói xu thế nào sẽ thắng thế trong 5 năm tới, nhưng rõ ràng, các nhà sản xuất âm nhạc đang là những người đau đầu nhất.
Dù sao, âm nhạc thực thụ sẽ không bao giờ chết. Giờ đây, các ca khúc bất hủ vẫn được tìm kiếm tích cực trên kho nhạc trực tuyến, hay đĩa than theo phong cách hợp gu khán giả nhất.
(Nguồn: https://www.sggp.org.vn/)