Thứ Bảy, Tháng Mười Hai 7, 2024
Trang chủLý LuậnÀ ơi – “Mảnh hóa thạch” trong ký ức văn hóa

À ơi – “Mảnh hóa thạch” trong ký ức văn hóa

10

Tác giả: Lê Hải Đăng

Dì tôi từ Việt Nam trở về Trung Quốc năm 15 tuổi. Sau bao năm xa cách, tôi có dịp sang thăm dì vào thời gian mà con gái dì cũng bước sang tuổi 15. Tiếng Việt của dì đã hoàn toàn thay đổi, giọng lơ lớ giống như nhiều người Hoa ở hải ngoại. Dì trò chuyện với cháu chủ yếu bằng tiếng Quảng Đông, như nói với con gái. Thỉnh thoảng dì gọi con gái “Mấy ơi”, nghĩa là “em ơi”. Đây là một từ ghép gồm: “Mấy”, tiếng Hoa và “ơi”, tiếng Việt. Nó như hai mảnh ghép của một ký ức văn hóa, dì tự sáng tạo ra gọi con.

Tôi cứ nghĩ vu vơ về cách xưng hô đặc biệt ấy. Ở tiếng Việt, “ơi” là một thán từ người ta dùng để gọi nhau, có thể ghép với đại từ nhân xưng, như: ông ơi, bà ơi, mẹ ơi, anh ơi… hoặc ghép với danh từ riêng, như: Thảo ơi, Phương ơi, Huyền ơi… Đặc biệt, nếu gọi ai đó chỉ có tên, thậm chí bổ sung thêm tiếng đệm, như Phương Anh, Thảo Nhi… mà thiếu âm “ơi” nghe cứ cảm thấy hụt hẫng, thiếu sót, nhất là thiếu hẳn tính biểu cảm. Điều này có lẽ xuất phát bởi những nguyên do sâu xa hơn.

“Ơi” là một mảnh ghép trong tiếng hát ru đầu đời. Người mẹ, người bà, người chị vẫn hát ru bằng câu “à ơi” mở đầu. Nó giống như một chỉ báo quan trọng nhằm xác định đặc trưng thể loại. À ơi là câu hát đưa hơi dùng dỗ dành trẻ ngủ. Chúng không hoàn toàn biến mất trong ký ức văn hóa mà hòa lẫn vào kho tàng ngôn ngữ, trở thành tài sản vô giá. Trong chiều hướng tiếng hát ru tắt lịm trên môi người mẹ, thất lạc trong ký ức người con, câu hát đưa hơi “à ơi” đã kịp lưu giữ âm thanh vào kho tàng ngôn ngữ. Ngày xưa, mẹ hát ru con bằng tiếng ru “à ơi”. Lớn lên, chúng ta cũng gọi nhau bằng âm thanh bắt nguồn từ lời ru của mẹ. Những đứa trẻ lớn lên qua lời mẹ ru hẳn nhớ rằng, mẹ không chỉ sinh ra, nuôi nấng phần xác, mà còn di dưỡng phần hồn. Mẹ chính là cô giáo đầu tiên dạy chúng ta tiếng nói, tiếng hát, trong đó có bài học làm người. Người Do Thái thật minh triết khi quan niệm một người Do Thái sinh ra bởi một bà mẹ Do Thái. Người cha Do Thái thường ra ngoài làm công việc mưu sinh, người mẹ ở nhà nuôi dạy con cái. Nhờ công lao dạy dỗ, đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đầu đời mà làm định hình “căn cước văn hóa” ở mỗi cá nhân. Chế độ mẫu quyền hay phụ quyền có thể nâng cao hay hạ thấp quyền của người phụ nữ, nhưng vai trò của người mẹ đối với con vẫn không hề thay đổi.

Khi dạy tiếng Việt cho người Trung Quốc, tôi thường gặp câu hỏi thắc mắc về tiếng “ơi”. Tại sao người Việt gọi ai đó cứ phải thêm “ơi” vào sau đại từ nhân xưng hay danh từ riêng. Để giải thích hiện tượng này, tôi liên hệ “ơi” ở tiếng Việt với “a” ở tiếng Hoa. Người Trung Quốc ngoài thói quen sử dụng họ hoặc tên kết hợp với tiếng đệm theo trào lưu mới thì truyền thống gọi tên đi kèm với nguyên âm A đặt phía trước rất phổ biến, như: A Biển, A Dũng, A Hoa… Tiếng Hoa khác tiếng Việt về mặt cấu trúc, nên A trong tiếng Hoa nằm trước danh từ riêng, còn ơi trong tiếng Việt nằm sau danh từ riêng hoặc đại từ nhân xưng, nhưng, cả hai đều giống nhau về công năng. Quan trọng hơn, a, ơi hay à ơi chính là tiếng hát đưa hơi mở đầu bài hát ru. Phải chăng, đây là dấu vết quan trọng ẩn chứa hàm ý sâu xa trong ngôn ngữ tiếng Việt xưa!

Trong quá trình nghiên cứu dân ca, những người làm nghiên cứu thường xuyên tiếp xúc loại từ dùng đưa hơi, như: à ơi, ầu ơ, ví dầu; tiếng đệm, như: chừ, tình bằng, mấy, tang tình… Chúng bị liệt vào hư từ, không chuyên chở nội dung, ý nghĩa cụ thể. Song, tiếng đưa hơi có thực là hư từ hay không vẫn chưa thể khẳng định. Ngày nay, chúng ta khó thể biết chắc người xưa đã sử dụng tiếng nói này với thông điệp gì? Dừng lại ở vỏ âm thanh thôi, cả à và ơi đều gắn bó thân thương. Khi đi xa mới thấy tiếng nói ấy linh thiêng đến nhường nào. Thuở nhỏ, mẹ ru ta ngủ, nín khóc bằng tiếng à ơi. Sau này lớn lên, phiêu bạt nơi chân trời góc biển, bất chợt nghe thấy tiếng hát à ơi lại khiến ta bật khóc. Đó là một trải nghiệm nhớ đời đối với những ai lớn lên qua lời mẹ ru. Theo các nhà tâm lý học, trẻ mồ côi đích thực không chỉ có nhóm sinh ra thiếu vắng cha mẹ mà còn có cả trường hợp lớn lên thiếu lời mẹ ru. Lời ru ấy sau bao năm nhanh chóng biến mất, thậm chí đi vào lãng quên. Nhưng, âm thanh, tiếng vọng của nó vẫn lay lắt trong tàng thức bất tử của con người qua tiếng gọi nhau.

 Nhà thơ Lưu Quang Vũ đã dùng âm thanh, hình ảnh sống động gợi lại cả bầu trời ký ức tuổi thơ trong bài thơ “Tiếng Việt” với những câu:

“Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm

Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về

Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm

Nghe sột soạt gió thổi giữa cau tre…”

Lưu Quang Vũ đã khéo khắc họa khung cảnh êm đềm buổi chiều hoàng hôn chầm chậm trôi vào ký ức mà bao người vẫn thường neo đậu để tìm về tiếng mẹ gọi, những tiếng con ơi, Thảo ơi, Hương ơi… cùng tiếng à ơi từ lời mẹ ru hòa lẫn vào tâm hồn thơ dại. Nó khắc sâu vào tâm trí con người khiến cho mỗi khi nghe lại lòng dạ bồi hồi, thổn thức. Sau khi mẹ hóa thân thành bà tiếp tục ru cháu bằng câu ca à ơi cho ta ôn lại kỷ niệm một thời. Tất cả vẹn nguyên – một trời ký ức mênh mang.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN