Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
Trang chủLý LuậnCÁC NHẠC SĨ HỘI ÂM NHẠC HÀ NỘI (ĐOÀN  II) DỰ...

CÁC NHẠC SĨ HỘI ÂM NHẠC HÀ NỘI (ĐOÀN  II) DỰ TRẠI SÁNG TÁC TẠI VŨNG TÀU

18

Biên tập: Quỳnh Anh

Chiều Vũng Tàu – những cơn mưa trái mùa làm ướt đẫm mặt đường Thùy Vân. Nhưng trên tầng 4 và 5 Nhà sáng tác Vũng Tàu, tiếng đàn ghi ta của Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Tài vẫn hòa cùng giọng hát của các nhạc sĩ: Vũ Thiết, Đỗ Anh Quân, Trịnh Ngọc Tân, Hoàng Trọng, Nguyễn Quý Lăng, Linh Dũng và các nhạc sĩ khác của Hội Âm nhạc Hà Nội…

Ngay trong buổi khai mạc đầu tiên 26 / 5, người lãnh đạo Đoàn đã có chủ trương không phải chỉ là buổi thông báo ý nghĩa, nội dung, yêu cầu và phổ biến nội quy của Nhà sáng tác Vũng tàu, mà một mục đích quan trọng nữa là để các nhạc sĩ hiểu về nhau hơn, biết về con đường đến với âm nhạc của từng người. Lần lượt 14 nhạc sĩ của đợt 1 đã có thời gian cởi mở lòng mình với bè bạn. Phó Giám đốc Nhà sáng tác Vũng Tàu: Quỳnh Châu tới dự cũng hoan nghênh sáng kiến này của chúng tôi…

Sáng 28/5, Hội Âm nhạc Hà Nội thuê ô tô 16 chỗ và cả Đoàn đã đi thăm quan một số danh lam thắng cảnh của Vũng Tầu:

  • Đức Mẹ Bãi Dâu
  • Chúa dang tay
  • Thích Ca phật đài
  • Chùa Tầu Bình Giã

Dạo quanh thành phố Vũng Tàu mới thấy yêu thành phố này hơn: khí hậu ôn hòa, phố xá bình yên, con người đôn hậu…

Tối 29/5 các nhạc sĩ tập trung về hội trường để thưởng thức các tác phẩm mà mỗi nhạc sĩ trong đoàn đã sáng tác hoặc cũ, hoặc mới nhưng tâm đắc nhất. Lại cũng một sáng kiến nữa mà những trại lần trước chưa làm được. Chúng tồi ngồi quây quần bên nhau nghe qua đĩa CD, qua điện thoại di động hay nghe chính tác giả trình bày

1/ NS. Nguyễn Quý Lăng có bản romance Căn nhà xưa, phổ thơ Hoàng Trúc

2/ NS Nguyễn Đăng Tài có Biển hoàng hôn

3/ NS Vũ Hùng có ca khúc thiếu nhi Bác Hồ cho ta cái chữ

4/ NS Linh Dũng cũng lại với một ca khúc thiếu nhi: Dưới bóng phượng hồng

5/ NS Nguyễn Nha Cao với 1 ca khúc chống dịch COVID Thành phố của ta ơi. Lời thơ Nguyễn Thị Mai

6/ NS Hoàng Trọng có 2 ca khúc: Chiều nghiêng phố biển viết về biển Nha Trang và Hát dưới mái trường quê hương.

7/ NS Nguyễn Thái Hà với ca khúc Tình quê đượm màu sắc dân ca Nghệ Tĩnh

8/ Nhạc sĩ Đỗ Anh Quân ở cái tuổi Thất thập cổ lai hy nhưng lại cho cả trại nghe một ca khúc tình yêu Ở lại với Em

9/ Ủy viên BCH Hội Âm nhạc Hà Nội NS Trần Thanh Tùng cho cả đoàn nghe 2 ca khúc Nước mắt thôi tràn miNhớ Sơn Tây

10/ Tác giả ca khúc nổi tiếng Nghe câu quan họ trên Cao nguyên NS Vũ Thiết – Ủy viên BCH Hội Âm nhạc Hà Nội với tác phẩm Ngơ ngác . Lời thơ Nguyễn Thị Hương.

11/ NS Trịnh Ngọc Tân với ca khúc Hội Gióng Phù Đổng

12/ Và kết thúc buổi “Nghe ca khúc của nhau” là 2 ca khúc của NS Lân Cường Có một Sài Gòn trong tôi, phỏng thơ Hoàng Vân Yến viết về Sài Gòn trong những ngày COVID và Sau lời tuyên thệ, phỏng thơ Lê Cảnh Nhạc – một ca khúc hiếm hoi khi dám mạnh dạn phê phán các đảng viên không giữ trọn lời thề trước Đảng.

14 ca khúc mỗi bài một vẻ, một phong cách, tập trung vào 5 nhóm đề tài, nhưng nhìn chung là những ca khúc hay của những tác giả thực sự tâm huyết thả hồn mình vào âm nhạc.

Sáng 31 tháng 5, các nhạc sĩ đã tổ chức buổi trao đổi học thuât:  “Một số kinh nghiệm về phổ thơ và khúc thức trong sáng tác ca khúc”. Trại cũng rất vui mừng được đón Nhạc sĩ Trần Tiến, đến dự và trao đổi về những kinh nghiệm sáng tác của mình.

Gần như cả buổi chúng tôi đã được nghe Nhạc sĩ Trần Tiến bộc bạch một cách chân thực cuộc đời và hoàn cảnh ra đời những sáng tác của Anh. Cả Đoàn thực sự xúc động khi biết chuyện Anh đã vượt lên chính mình bằng nghị lực, bằng niềm tin để thoát khỏi căn bệnh ung thư vòm họng hiểm nghèo. Trong 400 tác phẩm của Nhạc sĩ Trần Tiến thì có tới 360 ca khúc anh viết thuê. Nhưng Anh nói: “Chính vì viết thuê mà tôi phải cố gắng viết hay nhất, để tác phẩm của mình sống mãi với thời gian”.    Những câu chuyện kể của anh về ca khúc mình đã viết như: Bằng lòng đi Em, Sao em nỡ vội lấy chồng, Vết chân tròn trên cát, Mẹ tôi, Tôn hoa sen, Mặt trời bé con, Giai điệu Tổ quốc, Những đứa con mặt trời… thực ra lại là những bài học kinh nghiệm cho anh em chúng tôi trong cái nghiệp sáng tác.

Khi nhắc tới những ca khúc viết về Hà Nội, Nhạc sĩ Trần Tiến đã bật khóc, khiến tôi và nhiều anh em trong đoàn cũng ứa nước mắt, vì suy nghĩ của anh chân thật quá, thẫm đẫm tính nhân văn.

Tối 31 tháng 5, cả đoàn lại được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu mời đến tham dự Chương trình ca nhạc Tác giả – Tác phẩm mang tên “Phiêu Du Một Mình” của nhà thơ Hoàng Quý. Cũng không ngờ nhà thơ ấy lại tổ chức được một đêm nhạc với 12 ca khúc của anh như: Mùa thu mới qua, Chiều mưa phố, Gửi sông Hồng, Nghe mưa, Trung du....Hội Âm nhạc Hà Nội đã gửi tặng Nhạc sĩ Hoàng Quý một lẵng hoa tươi thắm để chúc mừng đêm nhạc thành công.

Trong 8 ngày ở Trại sáng tác Vũng Tàu, 14 nhạc sĩ của Hội Âm nhạc Hà Nội đã để lại cho Nhà sáng tác 22 ca khúc, 1 bản hợp xướng không dàn nhạc đệm (A cappella) và 1 bản hòa tấu nhạc cụ. Các tác phẩm trên có thể quy tập lại trong một số nhóm đề tài như sau:

  1. Tình yêu biển và tình yêu Hà Nội

Đến với Vũng Tàu, Nhà sáng tác lại nằm ngay trên phố Thùy Vân đã để lại cho Nhạc sĩ Vũ Hùng những cảm xúc  dạt dào, với tình yêu khao khát và anh đã viết nên ca khúc Chiều Thùy Vân.

“…Đời tôi chót thêm một lần vụng dại

Tình lai láng hương nồng em để lại.

Rồi làn mây Thùy Vân mãi xa , mãi xa…”

Nhạc sĩ Vũ Hùng cũng lại viết được một ca khúc nữa về biển – “Biển tôi yêu”. Không có tình yêu với biển chắc không thể có những lời ca da diết như vậy:

“…Biển xanh cho tôi nhịp  điệu ru của sóng

Biển xanh cho tôi bao khát vọng tràn ánh nắng

Ôi! Biển dạt dào tình yêu của tôi

Biển đời người nỗi lòng của tôi…”

Lang thang trên thành phố này, dọc bờ biển để nghe sóng vỗ rì rầm, Nhạc sĩ Đỗ Anh Quân đã khéo léo đưa các địa danh của Vũng Tầu vào ca khúc của mình, không thiên cưỡng mà nghe thân quen, không ồn ào mà thấy thương, thấy nhớ qua ca khúc Vũng Tàu Thành phố tình yêu.

“…Những tên phố, tên đường vừa quen, vừa lạ

Như những con tàu về bến lại đi xa

Vũng Tàu ơi! Đây hàng Dương Bạch Dinh Long Hải,

Đây Núi Nghinh Phong, đồng Cừu, suối Nghệ

Để lại trong tôi biết bao kỷ niệm…”

 Là nhạc sĩ của Thủ đô, nên dù có đi xa tác giả Quý Lăng vẫn nhớ về Hà Nội. Anh đã mượn lời thơ của Hải Anh để hoàn thành ca khúc: “Khúc vĩ thanh Hà Nội” – Một Hà Nội trong mùa đại dịch. Phỏng lời thơ thì dễ nhưng phổ thơ, với những câu, từ gần như nguyên vẹn thì không phải nhạc sĩ nào cũng làm được. Hay nói cách khác: làm được nhưng không hay, nhạc chạy theo thơ. Với tay nghề già dặn Nhạc sĩ Quý Lăng đã để thơ và nhạc của anh quện vào nhau, để ta được nghe Khúc vĩ thanh Hà Nội như một lời tự sự, sâu lắng.

Cũng nói về Hà Nội, nhưng Nhạc sĩ Vũ Hùng đã sử dụng rất khéo léo, âm hưởng của ca trù để đưa vào bản A cappella của mình “Tây Hồ… Trăng mơ” .Chúng ta đã nghe nhiều ca khúc có âm hưởng ca trù. Nhưng, để đưa vào hợp xướng không nhạc đệm, sử dụng từ “tung tung…tục cách” thay cho tiếng phách, tiếng trống chầu, thì hình như chưa có nhạc sĩ nào thể hiện được. “… Lóng lánh đài sen vờn say ánh trăng. Nụ hôn trong gió, chim sâm cầm giật mình bay bay mãi tan biến vào trăng…”

  1. Tình yêu quê hương, đất nước

Nhiều ca khúc của một số nhạc sĩ trẻ khi nghe xong, không đọng lại trong ta một hình ảnh nào, vì lời ca quá chung chung. Nhưng ngược lại ở những nhạc sĩ, có thể gọi là bậc đàn anh trong sáng tác, khi nghe lời ca của họ đến đâu là hiện lên trong ta hình ảnh đến đó. Tôi muốn nói đến Nhạc sĩ Vũ Thiết, lần này anh trình làng ca khúc “Hồng Lý – Thái Bình của tôi ơi!”. Nhạc sĩ đã vẽ lên cho ta bức tranh về quê hương anh, về đất Hồng Lý cả một thời oanh liệt. “…Làng tôi mỗi khi chiều về ngân nga tiếng sáo, diều, hoa cải ngát hương… bãi dâu xanh vờn rì rào nghe sông hát… một thời khó khăn cơ cực, dáng mẹ hong gầy tần tảo nuôi con….về một thời liệt oanh trai gái lên đường xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, nhiều người không trở về. Để hôm nay làng tôi khoe sắc thắm, chiều bên sông ngân nga điệu chèo ai hát, Ơi! Hồng Lý…” Đúng là đầy ắp hình ảnh thân quen của một làng quê ven sông Hồng…

Tình yêu quê hương, đất nước không phải là một tình yêu cao xa mà chính là yêu ngay nơi mình sinh ra. Nhạc sĩ Thái Hà đã hoàn thành ca khúc “Đại Định làng quê mình”. Khá nhiều danh từ riêng trong ca khúc này như:  Đại Định, Đại Đồng, Đại Tôn, Văn Thánh, Đại Toát… Nhưng tác giả rất khéo léo dùng láy bằng cờ kép để tên riêng trở thành dễ hát, mà lại thấm đậm chất dân ca. …“Đây đình làng Văn Thánh. Đây nhà thờ Đại Tôn, đón bằng Di tích về. Đại Định, Đại Đồng đắc địa con cháu quê mình thành đạt khắp muôn nơi…

Chính nhờ tình yêu quê hương, đất nước mà người lính sẵn sàng xa gia đình, xa người yêu để đêm ngày nắm chắc tay súng bảo vệ biển trời của Tổ quốc. Nhạc sĩ trẻ Linh Dũng, đã vẽ nên bức tranh bằng âm nhạc qua nhạc phẩm “Tâm tình đêm gác”

“…Đêm nay canh gác giữ yên cho quê hương,

Nỗi niềm gửi trong gió đến người thương

Xa nhau anh nhớ những năm tháng bên Em…

Tay anh chắc súng, mắt xuyên trong đêm thâu…

Chân trời đang rạng sáng,

Một ngày mới đang lên…”

Nhạc sĩ Hoàng Trọng đã phỏng thơ của Ngọc Quỳnh để cho ra đời ca khúc “Nhớ xưa một cõi tiên rồng” . Đây là ca khúc duy nhất tại Trại sáng tác đợt 2, mà tác giả tìm đề tài lịch sử để khai thác.  Ca khúc có cao độ trung bình, dễ hát. Chắc chắn sẽ được nhiều địa phương sử dụng trong ngày giỗ tổ Hùng Vương.

Tháng ba trời xanh trung du

Mùa xuân rừng xanh hoa nở

Dân tộc nhớ ngày Quốc giỗ

Cùng về đất Tổ Hùng Vương…

Văn Lang có núi, có sông

Dân Việt có tông, có tổ

Suốt bốn ngàn năm lịch sử…

Nhiều người sống ở phố Nam Đồng, nhưng chắc cũng không hiểu lịch sử nơi mình đang sống, ngay giữa Thủ đô Hà Nội. Có lẽ vì vậy mà Nhạc sĩ Đức Diên muôn ghi lại lịch sử nơi đây bằng ca khúc “Nam Đồng ngày hội lớn”

  1. Tình yêu đôi lứa

Tình yêu đôi lứa vẫn là đề tài muôn thủa của các Đoàn đi sáng tác. Trong đợt 2, Đoàn chúng ta có 6 ca khúc về đề tài này.

Nhạc sĩ Trịnh Ngọc Tân, chẳng biết có gặp cô nào ở Vũng Tầu hay không, mà sao âm nhạc của anh nghe sâu lắng thế? Câu hỏi buông lửng của Anh thật khó trả lời…, nhưng lại hồn nhiên một cách đáng yêu… “Ai là bãi Trước? Ai là bãi Sau? …Biển vẫn một màu xanh, tình yêu vẫn câu chuyện buồn…Chẳng có lẽ tình yêu là thế, cứ mãi là xa cách Vũng Tàu ơi? (Trích lời ca khúc Chuyện tình ở Vũng Tàu của Nhạc sĩ Trịnh Ngọc Tân)

Duyên phận là bài thơ của Đào Phong Loan đã được tác giả nhạc ca khúc nổi tiếng Đừng ví em là biển Trần Thanh Tùng phổ nhạc. Phổ thơ là khó, nhưng phổ cho thơ tình lại càng khó hơn. Nhạc sĩ Trần Thanh Tùng đã vượt qua được cái ngưỡng đó để đưa đến cho đời một ca khúc trữ tình…

“…Ngoài hiên lá rụng la đà

Người yêu dấu, bỗng hóa là người dưng.

Yêu thì yêu đến vô cùng

Xa thì xa đến quá chừng là xa…”

Ánh mắt  – Nụ cười” là ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Nha Cao. Chỉ đọc đề của ca khúc cũng đủ nói lên tình yêu khác giới. “ Một ánh mắt, một nụ cười, ta trao nhau trong lần gặp ấy…ta trao nhau bồi hồi con tim…Hạnh phúc ta bên nhau cuộc tình đẹp như ước mơ…”

Nhưng tình yêu ấy trở nên mông lung, xa vời khi “Tôi đi lang thang tìm em...vấn vương nỗi nhớ đầy vơi, lối xưa xa mờ chỉ còn ánh mắt hoang vu” trong ca khúc Ngày xa của Nhạc sĩ Hoàng Trọng, lời thơ Khúc Quốc Ân.

Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến – “nữ hoàng” về thơ tình yêu đã viết : “ Người ta bảo rằng trái tim không có mắt, Dễ tin yêu nhau tránh sao khỏi lọc lừa.. Ôi! Canh bạc tình sao khát những bàn thuaHãy xin đành lòng quên trái đắng tình yêu” Nhạc sĩ Lân Cường đã viết ca khúc phỏng theo bài thơ trên “Nếu biết trước

Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Tài đã phỏng bài thơ của tác giả Hoàng Đặng Trà Mi, để cho ra đời ca khúc trữ tình Lời xuân.

“…Có phải mình xa nhau để mùa xuân hờn giận,

Con đường tình lận đận, giữa khung trời lẻ loi.

… Lòng em ước nguyện cầu yêu mãi không đổi thay

Say trong khúc giao mùa, xuân hát lời tình yêu…”

  1. Ca khúc thiếu nhi

Một thực trạng hiện nay của nền âm nhạc nước nhà là rất hiếm ca khúc hay viết về đề tài cho các em nhỏ. Lần này Đoàn của chúng ta thêm được 4 ca khúc về đề tài thiếu nhi.

Nhạc sĩ Linh Dũng có “Con chuồn chuồn”. Nhạc sĩ đã làm hẳn một bài thơ về đặc tính sinh học của chuồn chuồn: bay thấp, bay cao để giúp cho bà con nông dân tránh mưa. Thật là một ý tưởng độc đáo:

Chuồn chuồn bay thấp thì mưa,

Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm.

Thóc đang phơi nắng ngoài sân

Chuồn chuồn bay thấp cất dần kẻo mưa

Nhìn con mình chơi trên bờ biển nhà thơ Vũ Luận đã có bài thơ Trò chơi trẻ con:

“Hết trò ú tim, lại chơi bốc cát,

Chẳng có gì khác , trò chơi trẻ con

Bỗng dưng bố vui, nhìn đàn con trẻ

Cách nhau thế hệ vẫn trò chơi xưa”

Nhạc sĩ Nguyễn Nha Cao đã thành công khi phổ nhạc cho bài thơ này.

Nhạc sĩ Dương Trọng Thành  với “Mùa hè em yêu”.

“Mùa hè ơi! Đưa cánh diều tuổi thơ em bay cao

Giữa bầu trời xanh tràn đầy bao khát khao

Em yêu biết mấy mùa hè đang đến

Vui chơi trong nắng hè, mùa hè em yêu”

Ca khúc cuối cùng trong mảng đề tài này là bài “Yêu sao Hà Nội của em”. mà tác giả là Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Tài.  Anh đã khơi dậy cho các em thiếu nhi để thấy thật vinh dự và tự hào về Thủ đô nghìn năm văn hiến… Để rồi: ….”Yêu sao Hà Nội của em. Thành phố vì hòa bình, vang mãi khúc khải hoàn thiên sử vàng Thăng Long

  1. Các chủ đề khác

Ngoài 4 chủ đề trên còn có 2 ca khúc viết để tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống  cho “Tổ quốc nghìn đời kiêu hãnh có các anh”

Nhạc sĩ Trần Thanh Tùng – một nhạc sĩ nổi tiếng đã viết hàng chục ca khúc cho các địa phương về mọi đề tài. Anh xúc động khi đứng trước nghĩa trang liệt sĩ và đã viết trang nhật ký bằng nhạc qua ca khúc “Nhớ thương đồng đội”

Sẽ chẳng bao giờ quên được các anh

Những chiến công xưa đã đi vào huyền thoại

Đất nước muôn đời sẽ còn ghi nhớ mãi

Một thủa hào hùng trên vùng đất Khe Sanh”

Thầy giáo Tống Văn Trân ở Nam Định – năm 30 tuổi đã giữ chức Xứ ủy viên Nam Kỳ. Bị Pháp bắt tù tội hết Hỏa Lò lại ra Côn Đảo và cuối cùng bị giặc tra tấn cho đến chết tại Sài Gòn. Ban Giám hiệu Trường THPT Tống Văn Trân có yêu cầu Nhạc sĩ Lân Cường viết ca khúc “Tống Văn Trân – Sáng trang sách mở”, lời Phạm Văn Tình. Bài hát sẽ được vang lên trong tháng 12 năm nay nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường THPT Tống Văn Trân ở Nam Định.

Nhân dịp Viện Nghiên cứu cơ khí kỷ niệm 60 năm truyền thống, Nhạc sĩ Dương Trọng Thành đã viết ca khúc Hành khúc viện nghiên cứu cơ khí. Giai điệu vui tươi, hoành tráng, chắc chắn ca khúc này sẽ là món quà cho Viện trong ngày 60 năm truyền thống.

Cuối cùng, chúng tôi  muốn nhắc đến tác phẩm hòa tấu nhạc cụ Ra khơi của Nhạc sĩ Vũ Hùng. Bản hòa tấu dài 12 trang khổ A4 với 4 nhạc cụ Piano, Banjo, Vĩ cầm và sáo trúc

Nếu tôi không lầm thì bản nhạc khí này là một trong vài tác phẩm khí nhạc hiếm hoi đã được hoàn thành tại các Nhà sáng tác trong cả nước.

Hoan hô nhạc sĩ Vũ Hùng, riêng anh lần này đã dóng góp cho Nhà sáng tác tới 4 tác phẩm âm nhạc.

Thả hồn với gió biển Vũng Tầu, với thành phố nên thơ ấy, các nhạc sĩ của chúng ta đã hoàn thành hơn 24 tác phẩm âm nhạc trong thờ gian 8 ngày. Có được những thành quả trên, chúng tôi không thể không nhắc tới sự quan tâm của Lãnh đạo nhà Sáng tác Vũng Tầu: Giám đốc Đỗ Thanh Thủy và Phó GĐ Quỳnh Châu, phụ trách bộ phận hành chính Dương Nguyễn Trúc Mai. Đặc biệt phải nhắc đến các chị em trong tổ cấp dưỡng đã lo cho anh em chúng tôi những bữa cơm dẻo. canh ngọt, luôn đổi món ăn, thái độ phục vụ chu đáo, tận tâm. Đó là các chị: Nguyễn Thị Hồng, Phan Thị Thùy Lan, Vũ Thị Thu, Vũ Thị The, Nguyễn Thị Tiến, Nguyễn Thị Thu Hiền, cùng các cán bộ khác của Nhà sáng tác Vũng Tàu: kế toán Trần Thị Hồng Lý, và các anh: Nguyễn Văn Hoàng, Trần Văn Hoài, Bùi Văn Huân.

Xin thay mặt Đoàn một lần nữa cám ơn các anh các chị và đề nghị tất cả chúng ta giành 1 tràng pháo tay chi ân đến các anh chị em ở Nhà sáng tác Vũng Tàu.

Ngày 2/6 là ngày chia tay… Nhưng, những hình ảnh đẹp tại Nhà sáng tác Vũng Tàu đợt 2 của Hội Âm nhạc Hà Nội, sẽ mãi mãi để lại dấu ấn trong lòng chúng tôi – những nhạc sĩ đã đến Vũng Tàu lần đầu hay lần 2,3… Nhưng vẫn còn muốn đến nhiều lần khác nữa với thành phố biển thân thương của chúng ta, với NHÀ SÁNG TÁC VŨNG TÀU…

                                      PGS.TS.Nhạc sĩ Lân Cường

                            Trưởng Ban Kiểm tra Hội Âm Nhạc Hà Nội

                           Phụ trách Trại đợt II của Hội Âm nhạc Hà Nội

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN