Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Trang chủLý LuậnGiới thiệu 12 ca khúc về Bác và tình yêu quê hương

Giới thiệu 12 ca khúc về Bác và tình yêu quê hương

19
Tác giả: Yến Ly

Hướng đến ngày kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng ngày 15/5/2023, tại Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, số 19 Hàng Buồm, Hà Nội, Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức buổi giới thiệu tác phẩm âm nhạc tháng 5 với chủ đề “Bác Hồ tình yêu bao la và Tình yêu quê hương đất nước” với sự tham gia của đông đảo hội viên.

Tại sự kiện, Phó Chủ tịch hội – nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh thay mặt BCH Hội, giới thiệu 12 tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ, đó là các tác phẩm: Tiếng hò trên bến nhà Rồng của nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến, Hưng Yên nhớ Bác của Nguyễn Thanh Hải, Trở về Đá Chông của Minh Dũng, Trên đồi cây Vật Lại của Kim Chùy, Bác Hồ có một chuyến đi của Nguyễn Anh Trí, Huyền thoại một tình yêu của Trần Thanh Tùng, Em yêu anh – Yêu Hà Nội của Nguyễn Hùng Anh, Cà phê mưa của Minh Hằng phổ thơ Nguyễn Huấn, Người ươm những mầm xanh của Bùi Hoàng Uyên Minh, Con về với mẹ xứ Thanh của Lê Tiến Hoành phổ thơ Nguyên Tứ, Về đất Tổ của Vũ Thiết, Âm vang trời Điện Biên của Quách Thái Kỳ.

00.jpg
Tọa đàm giới thiệu ca khúc tháng 5

Mỗi tác phẩm đều mang một màu sắc khác nhau, đi cùng những kỷ niệm sâu sắc với từng tác giả. Như nhạc sĩ Vũ Thiết chia sẻ, ông vốn có nhiều gắn bó với dòng dân ca và âm nhạc mang âm hưởng dân gian. Đặc biệt là mỗi lần nghe tới làn điệu hát xoan và những dịp thăm vùng Phú Thọ, trong lòng ông luôn dâng lên sự kính trọng yêu thương. Những thôi thúc vô hình từ bên trong nhắc ông phải cho ra đời một tác phẩm về vùng đất tổ linh thiêng này. Đó cũng là nguồn cảm hứng để ông sáng tác ca khúc Về đất Tổ.

Hoặc như chia sẻ của nhạc sĩ Quách Thái Kỳ, tác phẩm Âm vang trời Điện Biên của ông được sáng tác sau một chuyến ghé thăm khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Trong dịp ấy, lúc ông lên nóc hầm Đờ Cát để nhìn ngắm xung quanh thì đúng lúc một cơn mưa giông ập đến cùng với một tiếng sét kinh hoàng và từ đó đem đến cảm xúc về âm vang Điện Biên. Ông khuyến khích mọi người ngoài việc tham quan phong cảnh núi rừng Tây Bắc thì nên một lần đến thăm tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ để tri ân thế hệ đã ngã xuống vì thống nhất hòa bình hôm nay.

Chia sẻ cảm nhận về những tác phẩm trong buổi giới thiệu hôm nay, các nhạc sĩ đều có chung sự tiếc nuối trước những tác phẩm chưa có sự đầu tư chỉn chu trong hòa âm phối khí. Điều này xuất phát chủ yếu từ vấn đề kinh phí dẫn tới khó khăn trong việc đem đến một tác phẩm âm nhạc hoàn thiện. Ngoài ra, các nhạc sĩ cũng bày tỏ sự ngóng đợi một tác phẩm mới được sáng tác trong vòng vài năm trở lại đây chứ không chỉ giới thiệu những ca khúc đã sáng tác từ mấy chục năm trước.

Bên cạnh đó, nhiều nhạc sĩ đánh giá cao tác phẩm Về đất Tổ và sự chuyên nghiệp, vốn sáng tạo dồi dào của nhạc sĩ Vũ Thiết. Có ý kiến cho rằng, Về đất Tổ mang đầy tính triết học và âm hưởng sử thi.

0..jpg
Các tác giả có tác phẩm được giới thiệu chụp ảnh kỷ niệm với đại diện Ban chấp hành Hội

Chia sẻ tại buổi giới thiệu tác phẩm, Phó Chủ tịch Hội – nghệ sĩ Trần Tựa nhận định: Chất lượng tác phẩm trong buổi giới thiệu này không quá nhiều chênh lệch nhưng đối với một số tác phẩm, do xử lý âm thanh phối khí chưa kỹ nên chưa toát hết được tinh thần của tác phẩm. Ông cũng khẳng định, đề tài về Bác Hồ vô cùng mênh mông và không bao giờ cạn nhưng bởi đã có quá nhiều tác phẩm thành công và ghi dấu ấn nên đây cũng là một khó khăn của người đi sau. Ông cũng đánh giá cao ca khúc Về đất Tổ của nhạc sĩ Vũ Thiết, rằng khi được đầu tư kỹ hơn về âm thanh thì đây là tác phẩm có thể đưa ra biểu diễn ở một không gian hoành tráng đậm chất sử thi hơn như lễ hội Đền Hùng hoặc tương tự./.

Mở rộng nội dung bài viết, xin được đề cập tới cách tiếp cận và khai thác chất liệu âm nhạc khi viết về Bác Hồ kính yêu. Có thể nói những ca khúc mới viết về Bác Hồ đã được nhiều nhạc sĩ khai thác ở những góc nhìn khác nhau. Các nhạc sĩ ở mỗi vùng miền lại có cách khai thác chất liệu dân ca bản địa để đưa vào sáng tác. Để hiểu rõ hơn về điều này chúng ta cùng đến với bài viết “Chất dân ca trong ca khúc về Bác Hồ” của tác giả Dương Viết Chiến in trên báo Quảng Bình online (nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/).

Bác Hồ, một đề tài trang trọng và kính yêu đối với văn nghệ sĩ. Cuộc đời và sự nghiệp của Bác đã thấm sâu vào trái tim khối óc của mọi người dân Việt Nam và nhân loại trên thế giới. Ca khúc viết về Bác Hồ trong kho tàng âm nhạc Việt Nam cũng đủ để cho thế hệ chúng ta và muôn đời sau thấy được tấm gương đạo đức và công ơn trời biển của Người, mà trong đó những ca khúc ngọt ngào chất dân ca chiếm một tỷ lệ khá lớn, đã thực sự làm rung động lòng người.

Ca khúc viết về Bác Hồ từ năm 1945 đến nay rất phong phú về số lượng và đa dạng về thể loại. Từ những ca khúc thể chính ca sáng tác trong những ngày đầu khai sinh đất nước như bài Biết ơn Cụ Hồ của Lưu Bách Thụ-1945, bài Ca ngợi Hồ Chủ tịch, nhạc Lưu Hữu Phước, lời thơ Nguyễn Đình Thi, bài Ca ngợi Hồ Chí Minh của Văn Cao-1947, đến các bài Tiếng hát giữa rừng Pác Bó của Nguyễn Tài Tuệ-1959, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người của Trần Kiết Tường-1962, Tình Bác sáng đời ta, nhạc Lưu Hữu Phước, lời Long Hưng và Minh Tuyền-1969, Bác đang cùng chúng cháu hành quân của Huy Thục-1970, Như có Bác trong ngày vui đại thắng của Phạm Tuyên-1975, Những bông hoa trong vườn Bác của Văn Dung-1977, Lời Bác dặn trước lúc đi xa của Trần Hoàn-1989,…

Những ca khúc về Bác Hồ đã ghi lại quá trình phát triển, trưởng thành của cách mạng nước ta. Mỗi bản nhạc đều mang dấu ấn sự phát triển từng bước của chính cuộc chiến đấu, của con người, của nền âm nhạc chúng ta. Ở bài viết này, tôi muốn đề cập đến chất dân ca đậm đà trong ca khúc viết về Bác Hồ.

Chúng ta đã biết, sử dụng dân ca trong sáng tác âm nhạc thường có 3 dạng chính. Dạng thứ nhất là soạn lời mới cho các làn điệu dân ca. Dạng thứ hai là dùng một làn điệu dân ca nào đó rồi cải biên, hoặc sử dụng chất liệu dân ca trong làn điệu ấy làm chủ đề âm nhạc để sáng tác. Dạng thứ ba là không sử dụng một làn điệu dân ca cụ thể nào, nhưng trong khi sáng tác, nhạc sĩ đã khéo léo sử dụng chất liệu (hay nói rộng hơn) âm hưởng dân ca một vùng miền nào đó vào tác phẩm, nên khi xướng lên, ta không phát hiện được rõ ràng ca khúc ấy đã sử dụng chất liệu của một làn điệu cụ thể nào, nhưng vẫn nghe phảng phất âm hưởng dân ca của một vùng miền cụ thể, mà không lẫn với một vùng miền nào khác. Các tác giả soạn lời cho dân ca và các nhạc sĩ sáng tác ca khúc về Bác Hồ đã sử dụng cả ba dạng nói trên nên đã có nhiều ca khúc đậm đà chất dân ca các vùng miền trên khắp đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ở dạng thứ nhất, chúng ta thường được nghe những chương trình dân ca trên sóng phát thanh truyền hình Trung ương và địa phương do các tác giả soạn lời mới cho các làn điệu dân ca để ca ngợi công ơn to lớn và đạo đức cách mạng của Bác Hồ, được hát theo các làn điệu dân ca của ba miền Bắc – Trung – Nam; chủ yếu là các làn điệu chèo và ca trù,… ở Bắc Bộ; các làn điệu hò, ví,… ở Trung Bộ và các làn điệu hò, lý, vọng cổ,… ở Nam Bộ. Chúng ta còn được thưởng thức nhiều bài hát về Bác Hồ qua các làn điệu dân ca các dân tộc thiểu số trên khắp các miền đất nước.

Nhìn chung về lời ca của các làn điệu dân ca được các tác giả dân ca và nhà thơ sáng tác theo thể thơ lục bát rất phổ biến trong ca dao dân ca Việt Nam và một số ít các thể thơ khác nữa. Tại tỉnh Quảng Bình có một số tác giả dân ca, nhà thơ, nhạc sĩ thường viết lời mới cho dân ca như Lê Quang Trí, Lê Anh Phong, Ngọc Bân, Võ Như May, Quách Mộng Lân, Lý Hoài Xuân,… được trình diễn rộng rãi và được công chúng mến mộ.

Dạng thứ hai, chủ yếu là ca khúc (còn có ca khúc nghệ thuật, hợp xướng và các thể loại âm nhạc quy mô vừa và lớn khác nữa), do các nhạc sĩ sáng tác dựa trên một làn điệu dân ca cụ thể để cải biên hoặc lấy chất liệu của một làn điệu dân ca nào đó làm chủ đề âm nhạc cho tác phẩm để sáng tác (cũng có những tác phẩm, nhạc sĩ sử dụng chất liệu âm nhạc của 2-3 làn điệu dân ca khác nhau để sáng tác).
Từ những ngày đất nước còn bị chia cắt, hình tượng Bác Hồ được viết trong nhiều ca khúc thấm đượm chất dân ca các vùng miền, mà sâu nặng hơn vẫn là những ca khúc mang chất liệu dân ca Nam Bộ, như các bài Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người của Trần Kiết Tường, bài Hoa sen Tháp Mười của Trương Quang Lục,…

Ở miền Bắc, chất liệu dân ca Bắc Bộ, mà đặc biệt là dân ca vùng núi phía Bắc, nơi chiến khu cách mạng, Bác Hồ đã từng sống và làm việc trong những ngày cách mạng còn trứng nước, như bài Tiếng hát giữa rừng Pác Bó của Nguyễn Tài Tuệ, bài Việt Bắc nhớ Bác Hồ của Phạm Tuyên,… đã nói lên được điều đó.

Đất nước chưa được thống nhất thì Bác đã đi xa! Nhiều ca khúc được sáng tác kịp thời để ngợi ca vị cha già kính mến của dân tộc mà chất liệu dân ca trong những ca khúc ấy phần lớn là dân ca Nghệ – Tĩnh, tiêu biểu là các bài Trông cây lại nhớ đến Người của Đỗ Nhuận cải biên từ điệu ví dặm, dân ca Nghệ – Tĩnh và bài Từ làng Sen của Phạm Tuyên,…

Sau này, khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, nhiều ca khúc được sáng tác với âm hưởng dân ca Nghệ – Tĩnh, nơi quê hương yêu dấu của Người, như các bài Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác của An Thuyên, bài Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, nhạc Trần Hoàn, lời Đỗ Quý Doãn và Trần Hoàn, bài Người mẹ làng Sen của Hoàng Thành,… Nhạc sĩ Trần Hoàn cũng đã thể hiện sở trường nhanh, nhạy và sử dụng khá nhuần nhuyễn chất liệu dân ca Nam Bộ trong ca khúc Thăm bến Nhà Rồng.

Đặc biệt, chất liệu của dân ca ba miền đậm đà trong ca khúc Lời Bác dặn trước lúc đi xa của nhạc sĩ Trần Hoàn. Từ ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước cho đến những giờ phút trước lúc đi xa, Bác vẫn muốn nghe một câu hò ví dặm, Bác muốn nghe một đôi làn quan họ, hay Bác muốn nghe một câu hò Huế… qua đó chúng ta thấy được sinh thời Bác đã yêu mến, ấp ủ dân ca Việt Nam đến nhường nào.
Những ca khúc ở dạng thứ ba, tuy không nhiều lắm nhưng lại được công chúng cả nước yêu thích và được phổ biến rộng rãi, bởi những ca khúc này các nhạc sĩ đã sử dụng nhuần nhuyễn và vững vàng trong bút pháp để đưa chất liệu dân ca vào ca khúc của mình.

Trong những ca khúc đó, nét giai điệu dân ca không rõ rệt của một làn điệu cụ thể nào nhưng vẫn nghe phảng phất, thoang thoảng hương sắc dân ca của một vùng miền cụ thể trên đất nước Việt Nam. Thường thường, ở những ca khúc này, trong ca từ có đề cập đến địa danh một vùng miền hoặc một số địa danh thuộc cả một vùng miền nào đó mà Bác Hồ đã từng đến thăm, để lại muôn vàn tình yêu thương và nỗi nhớ mong của bao thế hệ cháu con đối với Bác: “Đôi dép đơn sơ / Đôi dép Bác Hồ / Bác đi từ ở chiến khu Bác về”… trong bài Đôi dép Bác Hồ của Văn An. “ Ơ … hai tiếng miền Nam luôn trong tim của Người / Thương nhớ ngày đêm không phút giây nào nguôi / Miền Nam nhớ mãi (ơ…) công ơn Người”… trong bài Miền Nam nhớ mãi ơn Người, nhạc Lưu Cầu, lời thơ Trần Nhật Lam, hoặc “Chúng con sinh ra khi nước còn chia cắt / Nỗi nhớ Bác Hồ dằng dặc đêm miền Trung”… trong bài Miền Trung nhớ Bác của Thuận Yến.

Một số bài, ca từ đằm thắm, ngọt ngào chất dân ca Việt Nam, sâu lắng lòng người: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác / Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát / Ơi hàng tre xanh xanh Việt Nam / Giông tố mưa sa đứng thẳng hàng”… trong bài Viếng lăng Bác, nhạc Hoàng Hiệp, lời thơ Viễn Phương; hoặc “Bác Hồ – Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại / Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân / Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam”… trong bài Bác Hồ một tình yêu bao la của Thuận Yến,…

Việc sử dụng chất liệu dân ca vào các tác phẩm âm nhạc viết về Bác Hồ đòi hỏi tác giả phải ấp ủ, yêu mến và hiểu biết sâu sắc dân ca Việt Nam, góp phần làm đẹp thêm tâm hồn của chúng ta. Chúng ta hy vọng có thêm nhiều tác phẩm âm nhạc mới, giản dị mà ngọt ngào chất dân ca, đậm đà bản sắc dân tộc trong những sáng tác về Bác Hồ.

Qua các bài viết trên của tác giả Dương Viết Chiến cũng như những ca khúc mới đã được giới thiệu trong chương trình Giới thiệu Tác phẩm mới của Hội Ậm nhạc Hà Nội, chúng ta thấy có một điểm chung: Đó là những bài hát viết về Bác Hồ luôn là đơn đặt hàng của trái tim, với sự thành kính sâu sắc để dâng lên Bác những giai điệu, lời ca. Không chỉ các nhạc sĩ ở các miền quê khác nhau, mà ngay cả các nhạc sĩ nơi Thủ đô yêu dấu cũng đã khai thác các chất liệu dân ca ở các vùng miền khi viết về Bác Hồ. Những ca khúc đó làm phong phú thêm đề tài cũng như màu sắc âm nhạc, tạo nên một dòng chảy âm nhạc phục vụ đất nước, và góp phần trong sự phát triển chung của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

(Nguồn: https://nguoihanoi.com.vn/ & https://www.baoquangbinh.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN