Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024
Trang chủLý LuậnHóa trang trong nghệ thuật sân khấu dân tộc hát bội

Hóa trang trong nghệ thuật sân khấu dân tộc hát bội

19

Tác giả: Ths NGUYỄN HỒNG KHIÊM

Trải qua các triều đại trong lịch sử và dọc theo chiều dài địa lý của đất nước, những trò diễn xướng dân gian mang âm hưởng đặc trưng của từng vùng miền được hình thành và phát triển theo tiến trình của dòng chảy lịch sử, đó không chỉ là những trò diễn xướng dân gian đơn thuần với mục đích giải trí mà còn phản ánh đời sống tinh thần, vật chất, quan điểm chân, thiện, mỹ của dân tộc Việt. Người ta có thể ngâm nga một câu chèo trong lúc tằm tang, canh cửi, vọng một câu hò lúc gặp người trong dạ để ý nhớ thương hay ca thán thời cuộc với những điều bất ý, đời sống tinh thần ấy cứ vậy mà phong phú theo từng thời kỳ và góp phần vào sự đa dạng của bản sắc văn hóa Việt. Trong số đó, nghệ thuật hát tuồng – hát bội mang đậm bản sắc dân tộc Việt nhất.

1. Nguồn gốc

Về nguồn gốc của hát tuồng – hát bội tại Việt Nam đã có nhiều quan điểm của các học giả xoay quanh vấn đề về thời điểm xuất hiện cũng như những điểm tương đồng giữa hát tuồng – hát bội Việt Nam và hý kịch Trung Quốc.

Theo sử sách ghi lại 800 năm, thời nhà Tiền Lê, Liêu Thủ Tâm – một kép hát thời nhà Tống đã trình bày lối hát xướng tại cố đô Hoa Lư và được Vua Lê Long Đĩnh giữ lại để phổ biến lối hát này trong cung đình, bước đầu ghi dấu sự xuất hiện của diễn xướng mang âm hưởng hý kịch Trung Hoa tại nước ta.

Đến thời kỳ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, trong một lần giao tranh cùng quân xâm lược nhà Nguyên đã bắt được Lý Nguyên Cát, vốn là một kép hát có tài nên đã giữ lại dạy cho binh lính các lối hát xướng và biễu diễn cho triều thần cùng xem. Hệ thống các vai diễn như: đào, kép, tướng, hề cũng được hình thành và lưu lại trong các ghi chép. Lúc này, có giả thuyết cho rằng đây là thời điểm ra đời của một hệ thống sân khấu hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều, điển hình là khá đông các nhà nghiên cứu đã đồng thuận quan điểm: Vào khoảng năm 1627, Đào Duy Từ trong một lần đi sứ Trung Quốc đã mang về nghệ thuật tuồng và khẳng định nguồn gốc cho nghệ thuật hát tuồng – hát bội tại Việt Nam lúc bấy giờ. Trò diễn xướng này được lưu truyền qua các vùng miền của đất nước và đến mỗi vùng thì phát triển, hình thành tên gọi mới. Miền Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ có tên gọi: “hát luông tuồng” hay “hát tuồng”, trong khi đó, miền Nam Trung Bộ cho đến hết Nam Bộ thì có tên gọi: “hát bộ” hay “hát bội”.

Trải qua TK XVIII, XIX, cho đến khi triều Nguyễn hình thành và đạt đến cực thịnh, cùng với sự phát triển của các hình thức diễn xướng dân gian khác, nghệ thuật tuồng hay hát bội cũng đã không ngừng làm mới mình và nhanh chóng đạt đến đỉnh cao rực rỡ, những sân khấu không ngừng sáng đèn, những vở diễn kinh điển lần lượt ra đời và nghệ thuật tuồng trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người Việt. Không thể không nhắc đến cái tên Đào Tấn, người soạn giả đã dựng lên những lớp tuồng khuynh đảo sân khấu, cũng không thể quên mảnh đất Bình Định, nơi đã nuôi dưỡng nghệ thuật hát tuồng, hát bội một thời rực rỡ. Đời sống tinh thần của con người cũng như một bữa ăn, ở đó đòi hỏi sự mới mẻ sau những gì quen thuộc.

Những thay đổi của thời cuộc vào cuối TK XIX, đầu TK XX, với sự xuất hiện của thực dân Pháp, nền văn hóa bản địa giao động hỗn loạn trước sự xâm nhập của nền văn minh phương Tây khiến tuồng dần bị lấn lướt bởi các hình thức biểu diễn khác như: cải lương, kịch nói. Một lần nữa, tuồng đổi tên thành: tuồng xuân nữ và mang tính xã hội hóa cao hơn để đi vào lòng quần chúng nhưng cũng không thể tránh được suy tàn khi đã qua thời vang bóng.

Giai đoạn những năm 70, 80 của TK XX là thời kỳ vô cùng khó khăn của hát tuồng, hát bội khi bị coi là tàn dư phong kiến. Dù có bị cưỡng bức hay rẻ rúng thì hát tuồng, hát bội vẫn sống trong lòng người dân đất Việt. Đến khi đất nước đã dần thanh bình, hát tuồng, hát bội đã được minh oan, được công nhận sự đặc sắc vốn có của mình.

2. Những đặc trưng trong hóa trang hát tuồng – hát bội

Hệ thống nhân vật

Trong chiều dài hình thành và đạt đến mức cực thịnh, hát tuồng – hát bội đã tự hoàn thiện mình thông qua hệ thống đồ sộ các lớp lang tuồng hát cũng như sự phân vai của các nhân vật thường xuất hiện trong một vở diễn. Các tuyến nhân vật được phân theo kịch bản, đều có sự phản ánh tính cách thông qua tạo hình khi biểu diễn.

Các nhân vật nam thường được gọi là kép. Tùy theo tính cách của từng vai diễn mà được hóa trang theo lối ước lệ sao cho thể hiện được hết các đặc điểm của nhân vật. Đây là tuyến nhân vật đòi hỏi sự khéo léo trong kỹ thuật hóa trang thông qua cách thể hiện trên gương mặt. Mỗi nhân vật đều được nghiên cứu kỹ lưỡng khi trang điểm để lột tả hết thần thái của nhân vật dù đó là trung thần hay gian thần. Kép diễn những vai trung thần, tính tình cương trực thường được hóa trang với những gương mặt có nhiều màu đỏ nên được gọi là kép đỏ. Lối hóa trang rằn ri, đường nét trên gương mặt đại diện cho những vai tướng trung nên được gọi là kép rằn, kép xéo. Kép trắng, kép mốc là những gương mặt được hóa trang nhiều màu trắng đại diện cho những vai nịnh thần và gian thần.

Song song với hệ thống các vai diễn kép, hệ thống các vai diễn đào cũng góp phần làm cho lớp diễn trở nên sinh động và lôi cuốn. Đào trong hát tuồng – hát bội được phân chia cụ thể thành: đào thương, đào lẳng, đào độc, đào điên, tùy theo tính chất của vai diễn mà được hóa trang cho phù hợp.

Màu sắc trong hát tuồng – hát bội

Giống như những yếu tố tạo hình khác trong nghệ thuật tạo hình, màu sắc giữ vai trò quan trọng, mang đậm nét đặc trưng văn hóa phương Đông. Các sắc màu trong hóa trang hát bội thường là các màu nguyên chất, ít pha trộn, thường chỉ có từ năm đến sáu màu (đen, đỏ, trắng, xanh, vàng, lục). Cách vẽ hóa trang hát bội cũng giống như cách làm ở tranh Đông Hồ hay tranh Hàng Trống, đó là vẽ những mảng màu lớn trước, sau đó vẽ những nét lên sau. Thực tế các loại màu sắc da như: da trắng, da đen, da đỏ, da vàng… thông qua nghệ thuật sân khấu hát bội đã cách điệu và đưa vào cách kẻ mặt cho các nhân vật của mình. Hóa trang hát bội Việt dùng ít màu, đa phần là màu nguyên chất, kết hợp với lối vẽ mềm mại vừa đủ.

Màu sắc chủ đạo của hóa trang hát bội truyền thống

Gồm ba màu: đen – trắng – đỏ, cùng một số màu phụ như: xanh, xám, vàng, lục. Hóa trang nghệ thuật sân khấu hát bội dùng ba màu gốc: đỏ – vàng – lam. Từ ba màu này, các nghệ sĩ đã pha thêm màu đen hoặc trắng để tạo thành màu chết đi một độ. Có thể thấy màu đỏ bầm trên gương mặt Trụ Vương chính là màu đỏ được pha thêm màu đen tạo thành màu đỏ bầm. Màu sắc được sử dụng khá linh hoạt, người nghệ sĩ đã pha màu theo phép xen kẽ, không trộn màu nhưng đặt hai dải màu cạnh nhau, nhìn từ xa tự chúng đã tạo nên một màu thứ ba rất đẹp. Tương quan cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công trong việc sử dụng màu sắc cho các gương mặt hát bội.

Tương quan sắc độ

Trong nghệ thuật hóa trang hát bội, các nghệ sĩ đã sử dụng màu khéo léo, có tính toán khoa học, tạo nên một tác phẩm hóa trang hát bội rất nghệ thuật. Các màu đặt cạnh nhau hài hòa, ăn ý, những cặp màu bổ túc và tương phản càng tạo nên một sức sống mãnh liệt cho các nhân vật trên sân khấu. Cặp màu tương phản thường đi với nhau như: đen – trắng, trắng – đỏ, đen – đỏ hay các cặp màu bổ túc như: đỏ – lục, vàng – lam, cánh sen – lục… hoặc các màu điểm xuyết cũng có khả năng hỗ trợ cho các mảng màu chủ đạo.

Các cặp màu tương phản nhiều năng lượng bởi trong chúng đối chọi nhau, có một sức căng tự nhiên của loại màu này. Các màu bổ túc khi đứng cạnh nhau thường tôn nhau lên ở mức độ vừa phải, không gây nhức mắt như các cặp màu tương phản khác. Màu bổ túc là hai màu gần nhau có khả năng hỗ trợ và tôn nhau lên. Ví dụ: màu xanh gần màu đỏ thì xanh càng xanh và đỏ càng mạnh hơn. Tuy bản chất vẫn là các cặp màu tương phản nhưng khi giảm sắc độ và nằm trong một tổng thể chung lại hoàn toàn hợp lý mà vẫn gây được ấn tượng cho người xem. Màu bổ túc thường gây ấn tượng nhẹ dịu nhưng không kém phần ấn tượng, hơn nữa chúng gây cho thị giác cảm giác dễ chịu, thoải mái…

Như vậy, với những gương mặt hóa trang hát bội có độ đậm nhạt rõ ràng, màu sắc có xu thế tương phản mạnh, đối chọi nhau về sắc độ thường được vẽ cho các gương mặt của võ tướng, những nhân vật có cá tính, võ biền, quyết liệt hay những nhân vật đặc biệt. Những gương mặt được vẽ với sắc độ trung tính, nhẹ nhàng, hòa sắc dịu thì thường dùng cho gương mặt của lão văn, lão tiều, phụ nữ và trẻ em…

Tương quan về lượng

Mỗi màu khi vẽ ra đều tính toán thật kỹ, có sự nhất quán và tuân theo ý đồ của bố cục, nhiều quá không được mà ít quá cũng không được, chỉ cần thêm một vài đường nét hay màu sắc sẽ khiến cho tuổi đời của vai diễn già đi.

Màu sắc thể hiện theo âm dương

Âm là sắc tối yên tĩnh, hấp thụ màu, càng nhiều màu tối thì càng nhiều năng lượng âm; dương là sắc sáng chuyển động, càng nhiều màu sáng thì càng nhiều năng lượng. Do đó, những người mang mặt màu đỏ (dương) là người có thể tin cậy, đại diện cho chính nhân quân tử (như: Quan Công, Đổng Kim Lân…), còn mặt màu tối, sắc âm, đại diện cho các thế lực hắc ám thù địch (như: Tạ Ôn Đình mặt rằn màu đen). Nếu xét màu sắc theo ngũ hành thì những gương mặt mang màu đỏ (hỏa) khắc với nhân vật màu đen (thủy) nên hai màu đen và đỏ là hai màu đối lập, đối chọi nhau, không chung sống hòa bình. Việc sử dụng màu sắc theo ngũ hành của các nghệ sĩ cuối TK XIX, đầu TK XX vô cùng hiệu quả với hai màu tương phản đối nghịch nhau, vừa tạo nên tính cách, vừa dễ dàng nhận biết mà lại theo quy luật vận động của vũ trụ.

Màu sắc thể hiện tính khí, tính chất xã hội, sắc thái tâm lý của nhân vật

Màu đỏ son hay đỏ ngân tượng trưng cho người anh hùng, trung trinh tiết liệt, gan góc, nóng nảy, trung thực (như: Quan Công…). Tất cả các nhân vật mang mặt đỏ tươi đều thuộc về loại nhân vật chính diện.

Màu đỏ bầm lại hầu như thuộc về nhân vật phản diện Trụ Vương, loại nhân vật có sức mạnh hơn người, ưa rượu chè, hoang dâm, vô độ…)

Màu trắng chủ yếu dành cho nhân vật nữ, nam thư sinh, các nhân vật thuộc vai kép trắng.

Màu đen dành cho người chất phác, bộc trực, nóng nảy, nhưng ngay thẳng và chân thực (Trương Phi, Trịnh Ân…).

Màu xám dợt dành cho người tuổi tác, kẻ bần dân (lão chài, lão tiều..).

Màu xanh dành cho người mưu mô xảo quyệt, lũ yêu ma (Ngô Tôn Quyền, Cáp Tô Văn…).

Màu xanh chàm dành cho tướng núi, người miền biển (Vương Bá Đường, Đơn Hùng Tín…).

Mặt mốc dành cho các vai gian thần, thể hiện tính cách bạc bẽo, vong ân bội nghĩa.

Màu trắng như lão Tiều thể hiện tính cách cần cù, giản dị.

Nói chung, mặt màu xám, màu đen để chỉ các nhân vật thuộc về võ, tính tình nóng nảy, bộc trực, trung can nghĩa khí. Mặt màu đen còn để chỉ nhân vật thuộc tính cách là tướng nói chung… nhưng nếu là loại tướng phản thần thì phải có những đặc điểm riêng như: kẻ lông mày cá rô, lông mày chim én hoặc trên lông mày kẻ thêm hai đường đỏ…

Màu sắc mang tính chất vùng miền, nơi xuất thân nhân vật

Màu trắng: các nhân vật mang màu da trắng phần nhiều xuất thân từ thành thị, như các vai công tử bột, tiểu thư, các quan văn…

Màu đỏ: các nhân vật mang màu da đỏ phần nhiều xuất thân từ vùng biển.

Màu đen, màu da xanh, xám hoặc màu da đen: các nhân vật xuất thân từ vùng núi rừng.

Màu xanh cây hoặc xanh thẫm: các vai yêu đạo (Châu Xương – nhân vật theo hầu Quan Công).

Nhưng màu da trên nhân vật có những lúc cũng thay đổi theo tuổi tác và hoàn cảnh sống của nhân vật.

Màu da cũng nói lên huyết thống nhân vật

Trong nghệ thuật sân khấu hát bội quy định: nếu người cha mặt mang màu gì thì người con phải mang mặt màu da đó.

Đường nét trong hóa trang hát tuồng – hát bội

Đa số sử dụng các nét cong, là loại nét mang lại cảm giác mềm mại, linh hoạt, uốn lượn tự do, dễ tạo ra mỹ cảm đối với mọi người. Nét trong nghệ thuật sân khấu hát bội thường lấy từ các hình tượng dân gian như: long, lân, quy, phụng tượng trưng cho vua, quan, sự vĩnh cửu và vẻ đẹp sang quý. Khi vẽ các họa tiết trên khuôn mặt hóa trang cũng có sự căn cứ vào tướng số của con người. Tính cách của nhân vật liên quan đến loài vật cũng thể hiện rõ trên từng khuôn mặt hóa trang.

Luật âm – dương, ngũ hành trong nét vẽ hóa trang hát bội

Các màu đen – trắng, đen – đỏ, trắng – đỏ luôn được phối hợp nhịp nhàng để thể hiện âm – dương.

Kim: khuyên (nét tròn, oval, elip, đường kẻ thẳng…); Mộc: mác…; Thủy: lượn song…; Hỏa: uốn hình lửa hoặc tam giác…; Thổ: chấmhình vuông có bo góc, hình chữ nhật có bo góc…

Nét vẽ theo đặc trưng của loài vật

Các nhân vật nguyên là động vật thành người, nét mặt vẽ theo nét loài động vật đó: mặt khỉ (Tôn Ngộ Không, Hầu Ân), mặt rùa (các Tả đạo bàng môn), mặt chim (Lý Nguyên Bá, Tiết Quỳ…).

Bên cạnh đó, bộ phận quan trọng để thể hiện xuất sắc vai diễn là đôi mắt, do đó hóa trang hát bội sẽ vẽ tập trung vào đôi mắt bởi đây là nơi thể hiện tính cách nhân vật rõ nét nhất.

Về tròng mắt, vẽ tròng mắt cũng có nhiều loại: tròng xéo, tròng trứng, tròng táo, tròng lõa, tròng mỏ. Mắt tròng xéo (có một cái vòng xéo trên con mắt): các viên tướng, kép võ còn trẻ (con nhà tướng).

Trong nghệ thuật hóa trang, vùng mắt rất được chú ý. Nhiều nhân vật kép võ chính diện vùng này sẽ được vẽ hình con chim bay, đầu chim ở khóe mắt, giáp sống mũi, cánh chim lấp cả chân mày, xếch lên thái dương và cánh kia bên dưới mắt, xếch lên bên trên tai, tạo thành những tròng xéo. Tròng xéo đen: về tuổi tác: tròng xéo non chỉ các nhân vật từ mười lăm trở xuống, tròng xéo là chỉ các nhân vật tuổi thanh niên. Tròng xéo già chỉ các nhân vật tuổi 30 trở lên. Tròng xéo lỡ từ 40-50 tuổi. Tròng xéo đen chỉ nhân vật tính tình cộc cằn, nóng nảy nhưng ngay thẳng, tốt bụng. Tròng xéo đỏ có tính cách thuộc loại trí tướng, mưu lược. Tròng xéo xám (gọi tắt là kéo xanh) chỉ các nhân vật có tính tình nóng nảy, thẳng thắng, bộc trực. Tròng xéo mỏ két (tròng xéo mỏ) thì nhân vật phải chết nơi chiến trường.

Nói chung, nhân vật mang mặt tròng xéo đều là nhân vật chính diện. Đặc biệt có nhân vật thuộc phản diện mang mặt tròng xéo như Bạt Hổ thì phải kẻ thêm hai vệt đỏ trên lông mày.

 Bên cạnh đó, tròng trứng là võ tướng, tròng táo chỉ tướng đứng tuổi. Còn tròng lõa (đeo cặp mắt đồng có 2 lỗ nhỏ vừa đủ để nhìn) là lão tướng già, gồm có tròng lõa lỡ từ 60-70 tuổi và tròng lõa trên 70 tuổi. Tính cách có tròng lõa xám, tròng lõa đen và tròng lõa đỏ. Tròng lõa xám và đen chỉ những nhân vật tính tình nóng nảy nhưng thẳng thắn, thật thà như nhân vật Quách An Công… Thọ lão ông thuộc tầng lớp quyền quý, cao sang, lão bình dân như: tiều phu, lão chài, lão nông. Tròng mỏ chỉ tướng trung thành, bậc trung.

Các loại trán gồm: trán thái cực, trán bắc đẩu, trái quải tượng, trán não vàng, trán núi lửa, trán chữ hổ, trán chữ thọ, trán trái bầu, trán trái thùy, trán mặt trăng, trán trái đào, trán hình vật, trán thường… Trên trán có vẽ thêm 1 con mắt là người có huệ nhãn, nhìn xa biết rộng, thông thiên đạt địa (Thái sư Vân Trọng). Trên trán vẽ vòng tròn trắng, đỏ chia đôi là âm dương (nhật nguyệt – trắng và đỏ) là người sáng suốt, thông giao trời đất, soi rọi những oan ức của mọi người (Bao Công).

Miệng có miệng nén bạc, miệng cọp, miệng lôi công, miệng lửa, miệng củ ấu, miệng quai xách…

Về lông mày, lông mày màu trắng dùng cho vai lão. Nét vẽ hiền từ là nhân vật hiền lành. Vẽ mày thô, lớn là nhân vật ác. Lông mày như bay, như múa là kẻ đắc ý. Lông mày dựng ngược là người nóng tính, hay giận dữ. Lông màu cau lại: nhân vật hay sầu muộn. Mày tằm, lưỡi mác: Khách trượng phu, người anh hùng. Mày đoản (ngắn, gãy khúc): kẻ gian xảo, trí trá. Mày rô, lông mày chổi xể: kẻ nịnh thần. Mày lửa (có viền đỏ): người nóng tính.

Khuôn mặt các nhân vật trong hát bội cũng dựa vào các khuôn mặt ngoài đời như: mặt chữ điền, mặt trái xoan, mặt tròn, mặt dài, mặt lưỡi cày… để tạo nên nhiều mẫu mặt của từng nhân vật. Những mảng trắng trên khuôn mặt nhân vật là để chỉ cơ mặt trên khuôn mặt đó.

3. Bàn luận

Đến nay, sự thay đổi trong đời sống tinh thần của người Việt hiện đại là rất lớn, kèm theo đó là sự giao lưu du nhập văn hóa từ các quốc gia phát triển đã làm mai một đi phần nào lòng yêu mến và mộ điệu của một bộ phận người Việt nhất là ở giới trẻ đối với các môn diễn xướng dân gian của Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không còn người yêu thích các giá trị văn hóa của dân tộc. Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan đã không ngừng nỗ lực gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đưa ra các phương án, giải pháp để từng bước làm sống lại các bộ môn nghệ thuật của dân tộc, trong đó có hát tuồng – hát bội. Các sân khấu được xã hội hóa với các đề tài thiết thực và gần gũi với cuộc sống, các nghệ sĩ cũng trải mình rộng hơn với quần chúng nhân dân để đi sâu vào đời sống thay vì chỉ quẩn quanh với những lớp diễn, những vai diễn mang màu sắc cung đình, ước lệ. Các lớp học về bộ môn nghệ thuật này được mở ra với mục đích lưu truyền và gìn giữ cho các thế hệ sau.

Hát tuồng – hát bội cũng dần trở thành những ý tưởng trong các lĩnh vực sáng tác nghệ thuật, những họa sĩ, những nhà thiết kế… đã thể hiện sự yêu mến của mình đối với bộ môn nghệ thuật này bằng những sản phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng tạo hình của những chiếc mặt nạ, những nhân vật tuồng. Đây là tín hiệu đáng mừng cho sự sống lại trong một diện mạo mới mang tính thời sự và đương đại.

______________

Tài liệu tham khảo

1. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Bốn phương, Sài Gòn, 1951.

2. Lê Văn Chiêu, Nghệ thuật sân khấu hát bội, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2007.

3. Trần Văn Khải, Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, Institut De L’Asie du sub-est, Paris, 1987.

4. M. Landes, Phong tục và dị đoan của người An Nam (Les macurs et superstitions populaires des Annamites), Tạp chí Excursions et Reconnaissances, Sài Gòn, số 4, 1880.

5. Đoàn Nồng, Sự tích và Nghệ thuật hát bội, Nxb Mai lĩnh, Hà Nội, 1943.

6. Nhiều tác giả, Lược sử mỹ thuật và mỹ thuật học, Nxb Giáo dục, 1998.

Ths NGUYỄN HỒNG KHIÊM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 542, tháng 8-2023

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN