Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024
Trang chủLý LuậnBàn về nghệ thuật đương đại từ góc nhìn triết học Phật...

Bàn về nghệ thuật đương đại từ góc nhìn triết học Phật giáo

19

Tác giả: PGS, TS ĐINH QUANG TRUNG 

Trong diễn trình lịch sử nghệ thuật, từng xuất hiện nhiều cuộc cách tân cũng như khuynh hướng, trào lưu nghệ thuật. Như một quy luật tất yếu của xã hội, sự ra đời các trào lưu, trường phái nghệ thuật sau chính là tiếng chuông báo hiệu cho sự kết thúc của một trào lưu trước đó, đồng thời mở ra một khuynh hướng mới đáp ứng yêu cầu của thời đại, cũng như nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng và trải nghiệm của nghệ sĩ. Thời gian gần đây, cụm từ nghệ thuật đương đại (Contemporary Art) thường được nhắc tới, dùng để chỉ khuynh hướng sáng tác đề cao những tác phẩm nghệ thuật, chú trọng tới ý niệm (nghệ thuật ý niệm và nghệ thuật trình diễn) nhiều hơn là tập trung vào phẩm chất thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật. Bài viết bàn về nghệ thuật đương đại từ góc nhìn của triết học Phật giáo.

Hiện vẫn chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra một cách cụ thể về sự xuất hiện của nghệ thuật đương đại, nhưng không ít nhà nghiên cứu cho rằng đã có một sự biến đổi lớn vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, sau khi nghệ thuật hiện đại thoái trào.

Ở Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử nên khuynh hướng nghệ thuật đương đại xuất hiện muộn hơn so với các nước phương Tây – châu Âu và Bắc Mỹ. Phải sau thời kỳ mở cửa, khoảng những năm 1986-1990, ý niệm đương đại mới dần phổ biến trong sáng tác nghệ thuật múa đương đại, sân khấu đương đại, âm nhạc đương đại, hội họa đương đại… Tuy nhiên, để hiểu rõ bản chất, hiện tượng, cũng như giải mã tác phẩm nghệ thuật đương đại thì nhiều người còn có quan điểm khác nhau. Một số đưa ra khái niệm đương đại gắn với phương diện nào đó của loại hình nghệ thuật, trong khi số khác cho rằng, chữ đương đại đơn giản là để chỉ những tác phẩm nghệ thuật đang hiện diện trong đời sống. Đến nay, vì chưa có khái niệm chính thức nên thuật ngữ nghệ thuật đương đại vẫn còn là vấn đề mở.

Trên thực tế, kiểu sáng tác nghệ thuật đương đại đã từng xuất hiện trong diễn trình lịch sử nghệ thuật nhân loại qua tác phẩm của nhiều nghệ sĩ thuộc các môn nghệ thuật như: điêu khắc, hội họa, kiến trúc, sân khấu… Tuy nhiên, từ nửa sau TK XX trở lại đây, cùng với sự phát triển vượt bậc của nền văn minh nhân loại, những sáng tác theo khuynh hướng đương đại ngày càng xuất hiện phổ biến hơn. Đối với điện ảnh là sự biến đổi về cấu trúc thể loại, ngôn ngữ, cách thức kể chuyện… Ở hội họa là sự phá vỡ tỷ lệ, quy định về màu sắc, bố cục, hình khối, chất liệu… Ở múa là những thay đổi về luật động, trang phục, địa điểm trình diễn… Với sân khấu là sự phối hợp thủ pháp, cấu trúc, biểu diễn tương tác với khán giả, tương tác thể loại… Với âm nhạc là đan xen hát – nói, phá cách về khúc thức, ngẫu hứng…

Cùng với hiện tượng trên, nghệ thuật đương đại có xu hướng kết hợp các thể loại khác nhau trong một tác phẩm. Chẳng hạn như: sự kết hợp giữa hội họa với nghệ thuật sắp đặt, âm thanh, ánh sáng…; sự kết hợp giữa kịch và sân khấu truyền thống, điện ảnh… Ngoài ra, nghệ thuật đương đại còn cho thấy khả năng mở rộng khai thác chất liệu, biện pháp nghệ thuật… Đặc điểm cơ bản của nghệ thuật đương đại là tác phẩm giàu tính ý niệm; chú trọng quá trình sáng tạo tự thân của người nghệ sĩ; đa dạng và kết nối rộng rãi với xã hội; có thể có sự tham gia, tương tác trực tiếp của khán giả để tạo ngẫu hứng sáng tạo và cảm xúc thẩm mỹ.

Khi quan sát về hiện tượng của nghệ thuật đương đại với cách nhìn phổ biến, chúng ta thấy, sáng tác nghệ thuật đương đại có những chỉ dấu biểu hiện rất rõ trong tác phẩm. Một trong những chỉ dấu nổi bật là tinh thần vượt khỏi những nguyên tắc, quy định nghệ thuật, khuôn mẫu truyền thống. Điều này dẫn đến tác phẩm nghệ thuật đương đại thường có sự khác lạ trên nhiều phương diện nghệ thuật. Tuy nhiên, nếu nhìn từ thế giới quan triết học Phật giáo, chúng ta sẽ thấy tác phẩm nghệ thuật đương đại được tạo thành thông qua quá trình cảm nhận tự thân với tinh thần hướng tới vô chấp (1) của người nghệ sĩ.

Vô thường, vô ngã, vô chấp là 3 yếu nền tảng trong triết học Phật giáo. Trong đó, vô thường để nói đến sự vận động, biến đổi không ngừng nghỉ của mọi sự vật hiện tượng – pháp. Trong tự nhiên, vạn pháp biến đổi trong từng sát na (2) bởi vậy những thứ mà chúng ta nhìn thấy trước mắt, tưởng như đang tồn tại, song, trên thực tế, nó đã không còn như khoảnh khắc trước đó. Sự biến đổi không chỉ diễn ra trước mắt ta mà còn diễn ra ngay trong bản thân mỗi sự vật, hiện tượng. Cũng chính vì vô thường nên vô ngã. Vô ngã là không có ta. Sở dĩ không có ta là bởi con người cũng như mọi sự vật, hiện tượng đều là kết quả hợp thành của vạn pháp vô thường nên không thể có một pháp nào độc lập. Nói cách khác, trong tự nhiên và xã hội, không có thứ gì đơn nhất, một mình, bởi nó không tự thân sinh ra mà luôn là sự kết hợp của vạn pháp. Sự hợp tan các pháp luôn có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn tại của một sự vật. Vô chấp là không chấp vướng, không câu nệ, sống thuận lẽ tự nhiên. Điều này, cũng được Lão Tử nhắc đến ở chương 25 sách Đạo đức kinh: “Người noi theo đất, đất noi theo trời, trời noi theo đạo, đạo noi theo tự nhiên”.

Do vậy, vô chấp vốn là thuộc tính bản chất tự nhiên của con người nhưng trong quá trình vận động xã hội, loài người đã tự đặt ra quá nhiều quy ước, luật lệ buộc mỗi người luôn phải suy nghĩ, hành động, tuân thủ vô vàn quy ước khác nhau. Không thể phủ nhận vai trò của quy ước trong xã hội hiện đại, nhưng mọi quy ước đều có tính hai mặt.

Cùng với thời gian, những chấp vướng từ quy ước xã hội và dục vọng bản thân đã khiến cho nhiều người không còn nhận ra vô chấp. Chỉ khi thức nhận được bản chất của thế giới vô thường, vô ngã, vô chấp, chúng ta mới đến gần chân lý vô thủy vô chung, mở ra cánh cửa phá chấp, cho thấy vạn vật trong vũ trụ đều bắt nguồn từ một mà một lại khởi đầu từ không (Thủy chung vô vật diệu hư không, hội đắc chân như thể tự đồng). Điều này giúp chúng ta ngộ ra rằng, bằng hình thức này hay hình thức khác, mỗi sự vật, hiện tượng tự nhiên và xã hội đều có mối liên hệ với nhau, ở đó cái tưởng như đơn lẻ đã luôn hàm chứa cái vô cùng. Với nhận thức đó, mỗi tác phẩm nghệ thuật đều có thể là kết quả của sự tổng hợp, đan xen các phương tiện, thủ pháp, là sự kết hợp của nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau. Điều đó, cũng có nghĩa là ở mỗi người đều tiềm ẩn khả năng với những sáng tác đương đại nào đó, chỉ có điều người ta có hiểu và biết cách bộc lộ được tố chất ấy qua tác phẩm nghệ thuật hay không. Nói như vậy, tưởng như một nghịch lý, nhưng về bản chất lại đúng như vậy. Theo quan niệm của đạo Phật, con người đều có tâm ban đầu như nhau, cái tâm đó hòa đồng cùng vũ trụ. Tuy nhiên, hoàn cảnh, môi trường sống và dục vọng cá nhân khởi lên bất tận đã làm cho tâm của nhiều người dần lu mờ, dẫn đến vô minh.

Vì vô minh nên chấp vướng, vì chấp vướng nên bị trói buộc. Cũng vì chấp vướng nên người ta thường dựa vào chủ quan hoặc thước đo thẩm mỹ, luân lý, đạo đức, hay lý thuyết nghệ thuật hiện hữu hay quan điểm cá nhân để phán xét một hiện tượng nghệ thuật mà không nhận ra rằng, về cơ bản mọi quy ước cũng như lý thuyết xã hội đều bất cập vì nó mang tính chủ quan, áp đặt và hữu hạn, trong khi sáng tạo nghệ thuật luôn mang tính động và mở. Vậy nên đôi khi những quy ước, định kiến xã hội trở thành sợi dây trói buộc sáng tạo của nghệ sĩ.

Minh triết phương Đông chỉ ra rằng, con người là tiểu vũ trụ. Đã là tiểu vũ trụ thì về bản chất, những biểu hiện đi cùng sự vô chấp đều có thể hiện hữu trong chiều dài lịch sử. Tư duy biện chứng này không chỉ được đặt ra trong tinh thần triết học Nho, Phật, Lão từ hàng ngàn năm trước, mà còn được khẳng định qua nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý về phát triển của triết học Mác-Lênin.

Khi xã hội loài người có sự phân chia giai cấp cũng là lúc mọi hoạt động xã hội đều ít nhiều chịu sự áp đặt bởi ý chí chủ quan của giai cấp thống trị. Tuy nhiên, nghệ thuật là hình thái ý thức xã hội đặc thù nên đôi khi sự chi phối, áp đặt không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sáng tạo của người nghệ sĩ, đặc biệt là đối với một số môn nghệ thuật có tính độc lập cao như hội họa, múa, âm nhạc… Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, những nghệ sĩ thuộc lĩnh vực này đều có thể tìm ra con đường sáng tạo riêng cho mình. Đa số nghệ sĩ này là người có cá tính mạnh mẽ, có nội tâm sâu sắc và đầy bản năng. Họ sáng tác từ sự cộng cảm, hòa đồng, hoặc thức nhận chân lý tự nhiên mà không nhằm mục đích mở ra những trường phái nghệ thuật. Họ sáng tác bởi sự thôi thúc từ tự nhiên trong bản thân trên nền hiện thực xã hội nên có xu hướng thoát khỏi ràng buộc của những quy định. Với ý tưởng sáng tạo của mình, họ dứt khỏi thị phi, ràng buộc, thậm chí vượt lên, đi trước nhận thức của thời đại. Sản phẩm nghệ thuật từ những nghệ sĩ này thường ra đời trong sự vận động, dẫn dắt của bản năng thông qua cái tự nhiên vô thường, vô ngã, vô chấp. Vì điều này mà khi mới xuất hiện, tác phẩm của họ có thể không được xã hội thừa nhận vì nó có sự khác thường so với những chuẩn mực. Chính vì vậy, không ít nghệ sĩ còn bị gán cho cái mác điên, khùng, lập dị… họ không chỉ bị kỳ thị bởi khiếm khuyết nhận thức của người tiếp nhận, mà đôi khi còn bị nhấn chìm bởi sự cực đoan, cố chấp và đố kỵ.

Về bản chất có thể thấy, nghệ thuật đương đại là khuynh hướng nghệ thuật mà ở đó, quá trình sáng tác là quá trình cảm nhận và bộc lộ thế giới tự nhiên của người nghệ sĩ trong tinh thần chối bỏ ràng buộc. Nói chính xác hơn, sáng tác nghệ thuật đương đại là sự kết hợp giữa khả năng sáng tạo và tri thức được dẫn dắt bởi tinh thần chấp hướng tới vô chấp của người nghệ sĩ, trong đó, chấp là để nói tới cái mong muốn, mục đích sáng tạo, hướng tới vô chấp là hướng tới sự không giới hạn về công cụ, phương tiện, lý thuyết… được sử dụng để phục vụ mục đích nghệ thuật. Với nhận thức này thì rõ ràng trong lịch sử nhân loại đã từng xuất hiện không ít nghệ sĩ với những tác phẩm nghệ thuật mà hôm nay gọi là nghệ thuật đương đại. Do vậy, sẽ thật sai lầm và lúng túng khi thưởng thức, cũng như nhận xét đánh giá tác phẩm nghệ thuật đương đại bằng thước đo lý tính hay quy định truyền thống. Đứng trước tác phẩm nghệ thuật đương đại, trước tiên, chúng ta nên thưởng thức, cảm nhận nó từ trực quan vô chấp.

Bước sang TK XXI, văn học nghệ thuật của nhân loại có sự chuyển biến vô cùng mạnh mẽ. Đi cùng trào lưu nghệ thuật đương đại, nhiều nghệ sĩ Việt Nam đã nắm bắt được tinh thần sáng tạo này. Phải khẳng định rằng, sự xuất hiện của trào lưu nghệ thuật đương đại là tất yếu biện chứng, phù hợp với quy luật phát triển và trình độ nhận thức xã hội. Với sự thông minh, sáng tạo vốn có của người Việt và môi trường văn hóa truyền thống từng chịu ảnh hưởng sâu sắc lối tư duy triết học Nho, Phật, Lão, các nghệ sĩ Việt Nam có đủ điều kiện để thành công đối với nghệ thuật đương đại.

Nghệ thuật đương đại không phải là sản phẩm phát minh của một người hay một dân tộc. Lịch sử nghệ thuật của nhân loại luôn có sự ra đời, phát triển, thoái trào của các trào lưu, khuynh hướng, chủ nghĩa văn học nghệ thuật. Nghệ thuật đương đại cũng chỉ là một khuynh hướng tiếp nối. Điều khác biệt so với những khuynh hướng nghệ thuật trước đó là nghệ thuật đương đại tiềm ẩn tinh thần biện chứng vô ngã, vô chấp, vô thường nên không cực đoan, không chối bỏ, không khước từ, không bài bác bất kỳ khuynh hướng nghệ thuật nào. Nó sinh ra trong tinh thần hòa đồng của tự nhiên, là khuynh hướng nghệ thuật luôn tồn tại trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Bởi vậy nghệ thuật đương đại không đồng nhất với khái niệm nghệ thuật hiện đại. Tác phẩm nghệ thuật đương đại cũng không hoàn toàn đồng nghĩa với các tác phẩm nghệ thuật hiện diện trong thời đại hiện nay.

_____________

1. Trong triết học Phật giáo, chấp và vô chấp là 2 yếu tố được thức nhận trong quá trình giác ngộ. Chấp là khi con người phải suy nghĩ, hành động không theo tự nhiên.

2. Sát na là một thuật ngữ trong Phật giáo chỉ về khoảng thời gian vô cùng ngắn, đến mức không đo đếm được.

Tài liệu tham khảo

1. Đại cương triết học Trung Quốc – Kinh dịch (Ngô Tất Tố dịch và chú giải), Nxb TP.HCM, 1991.

2. Lão Tử, Đạo đức kinh (Trần Tường biên soạn), Nxb Thanh niên, 2007.

3. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội, 2000.

4. Philipe Noisette, Talk about Contemporary dance (Bàn về múa đương đại), Nxb Flammarion, Paris, 2011.

5. Andrea Tran, Sự khác nhau của nghệ thuật đương đại và hiện đạiVăn nghệ Thái Nguyên, tháng 6-2018.

PGS, TS ĐINH QUANG TRUNG – Ths LÊ PHƯƠNG MAI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN