Xuất phát từ châu Âu, âm nhạc cổ điển đã phát triển qua nhiều giai đoạn với những đặc điểm khác nhau, lan tỏa ra các quốc gia, châu lục trên thế giới. Nhạc cổ điển có nhiều thể loại, bao gồm: symphony, opera, sonata, concerto, fugue và nhiều loại nhạc khác (1). Tại Việt Nam, âm nhạc cổ điển được du nhập từ thời Pháp thuộc. Đến nay, âm nhạc cổ điển với nhiều dạng chuyển soạn, dạng thức biểu diễn khác nhau đã từng bước được khán giả Việt Nam đón nhận.
Vở nhạc kịch Lá đỏ, được nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát viết kịch bản và phần âm nhạc do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân soạn – Nguồn: qdnd.vn
Trong phát triển du lịch tại Việt Nam, sản phẩm du lịch văn hóa được xác định là một trong các sản phẩm chủ đạo, trong đó âm nhạc truyền thống được sử dụng để phát triển các sản phẩm du lịch, tuy nhiên, âm nhạc cổ điển vẫn chưa thực sự được quan tâm, phát huy các giá trị để phát triển du lịch.
Dựa trên đặc điểm phát triển âm nhạc cổ điển nói chung và tại Việt Nam nói riêng, bài viết đề cập tới hiện trạng phát triển các sản phẩm du lịch từ hoạt động biểu diễn âm nhạc cổ điển, đồng thời, đề xuất định hướng để đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với khán giả và phát huy các giá trị của âm nhạc cổ điển nhằm phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại Việt Nam.
1. Hiện trạng phát triển của âm nhạc cổ điển tại Việt Nam
Sự phát triển âm nhạc cổ điển trên thế giới
Có nhiều quan điểm và cách nhìn nhận khác nhau về quá trình phát triển của âm nhạc cổ điển. Thông thường, các giai đoạn phát triển được phân chia, gắn với các giai đoạn phát triển của thế giới, với tên tuổi của các nhà soạn nhạc hoặc được phân chia theo tính các dòng nhạc hoặc trào lưu… Trong phạm vi bài viết, chúng tôi lựa chọn và đề cập khái quát về cách phân chia quá trình phát triển của âm nhạc cổ điển thành 7 giai đoạn, cụ thể:
Giai đoạn trung cổ: Được coi là giai đoạn trước năm 1450, giai đoạn này đặc trưng bởi đơn âm với các ca khúc thế tục.
Giai đoạn phục hưng (1450-1600): Sử dụng nhiều sự phối dàn nhạc và kết hợp đa dạng giai điệu, các tác phẩm âm nhạc được soạn dành cho hòa tấu khí nhạc và thanh nhạc.
Giai đoạn baroque (1600-1750): Có đặc điểm với cấu trúc âm nhạc phổ biến là cấu trúc phối hợp giữa giai điệu bè cao và trầm phụ trợ. Âm giọng và cấu trúc của âm nhạc đã có những thay đổi, theo đó, những cấu trúc ít phức tạp hơn, được biểu lộ bằng những sự tương phản thường gây xúc động, chủ đề dễ hiểu và sự tác động lẫn nhau của các giọng hát và nhạc cụ. Những yếu tố này đã trở nên nổi bật trong thể loại opera, lần đầu tiên được trình diễn ở vào cuối TK XVI và phát triển rực rỡ vào TK XVII. Đây cũng là giai đoạn các dàn nhạc giao hưởng trên thế giới được hình thành và phát triển.
Giai đoạn cổ điển (1730-1820): Giai đoạn này đặt ra nhiều chuẩn soạn thảo, trình bày và phong cách biểu diễn. Opera thời kỳ này đạt tới đỉnh cao nhất trong các tác phẩm sân khấu, trong đó mọi khía cạnh của thanh nhạc lẫn khí nhạc đều góp phần vào sự phát triển của cốt truyện và sự mô tả tính cách nhân vật.
Thời kỳ lãng mạn (1815-1910): Những nhà soạn nhạc thời kỳ này thường lấy cảm hứng từ văn học, hội họa hay từ những nguồn không âm nhạc khác. Nhạc giao hưởng (symphony) đã được sáng tác và các hình thức âm nhạc thính phòng khác nhau cũng được quan tâm.
Giai đoạn TK XX: Một số xu hướng đã xuất hiện, các nhà soạn nhạc đã điều chỉnh, bổ sung những cách biểu đạt và kỹ thuật mới trong tác phẩm. Hòa tấu thính phòng rất đa dạng trong sáng tác – thường gồm các giọng hát, đàn harp, guitar và các nhạc cụ bộ hơi, bộ gõ – trở thành phương tiện chủ yếu cho âm nhạc mới (2).
Âm nhạc đương đại: Âm nhạc tính từ khi bắt đầu TK XXI, trên nền tảng âm nhạc cổ điển, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, âm nhạc đương đại có những xu hướng phát triển mới với sự kết hợp của nhiều dạng thức không có giới hạn trong phối khí, biểu diễn (3).
Nền âm nhạc cổ điển phát triển mạnh ở các quốc gia châu Âu như: Ý, Đức, Pháp, Anh, Áo, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Nga… gắn với tên tuổi của các nhà soạn nhạc nổi tiếng, đã đặt nền móng và tạo ra nhiều trào lưu phát triển của âm nhạc cổ điển thế giới nói chung. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật đã phát triển nhiều nhà hát, dàn nhạc giao hưởng, tổ chức biểu diễn để phục vụ nhu cầu công chúng. Cụ thể, các quốc gia có số lượng dàn nhạc giao hưởng nhiều hơn 20, gồm: Mỹ – 262, Đức – 58, Anh – 52, Canada – 38, Nhật – 28, Pháp – 27, Tây Ban Nha – 26, Ý – 24, Nga – 22, Úc – 22 (4).
Các cuộc thi quốc tế về âm nhạc cổ điển được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới, điển hình gồm: Neue Stimmen, BBC Cadiff Singer Of The World – có thể nói đây là cuộc thi lớn nhất thế giới, Queen Elisabeth Competiton, Seoul International Music Competition, hay ở Việt Nam có Cuộc thi Hát thính phòng – Nhạc kịch – Hợp xướng toàn quốc, Âm nhạc mùa thu… đã và đang tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ của âm nhạc cổ điển.
Sự phát triển của âm nhạc cổ điển tại Việt Nam
Âm nhạc phương Tây được du nhập vào Việt Nam từ nửa sau TK XIX. Xuất phát từ việc người Pháp cho thành lập các dàn nhạc kèn đồng phục vụ chính quyền thuộc địa – được gọi là Ban nhạc nhà binh Pháp – tại các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Huế… Cùng với đó, trong các nhà thờ Công giáo tại một số địa phương như Hải Phòng, Ninh Bình… cũng đã xuất hiện những đội kèn đồng, dàn đồng ca để phục vụ các nghi lễ tôn giáo (5).
Phát triển cơ sở vật chất, du nhập nhạc cụ và các sản phẩm dịch vụ
Chính quyền thuộc địa đã cho xây dựng các Nhà hát Lớn tại Hải Phòng (1893), Sài Gòn (1909), Hà Nội (1911) để phục vụ cho tổ chức biểu diễn các chương trình âm nhạc và nhạc kịch (opera) của Pháp và các nước châu Âu. Bên cạnh đó, nhiều phương tiện truyền thanh, trang thiết bị sử dụng các sản phẩm băng đĩa, đĩa hát, âm nhạc của Pháp và phương Tây đã được phổ biến tại các đô thị lớn trong những năm 20 TK XX. Các nhạc cụ phương Tây như violon, piano, accordeon… đã được đưa vào Việt Nam để biểu diễn phục vụ nhu cầu của công chúng (6).
Năm 1927, Nhạc viện Viễn Đông (Concervatoire de musique Française d’ Extrême Orient) được thành lập tại Hà Nội, tuy chỉ tổ chức đào tạo trong khoảng 3 năm nhưng đã góp phần phổ biến hệ thống lý thuyết âm nhạc và các môn thực hành cho người Việt (7). Từ năm 1956, các cơ sở đào tạo âm nhạc đã được thành lập và đến nay: Nhạc viện TP.HCM, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế là nơi đào tạo nguồn nhân lực âm nhạc cổ điển chủ yếu của Việt Nam. Việc tổ chức đào tạo đã được mở rộng hơn, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên đối với hoạt động đào tạo nguồn nhân lực âm nhạc thời gian qua.
Bên cạnh các tác phẩm kinh điển của nước ngoài, các nhà soạn nhạc Việt Nam cũng đã soạn những tác phẩm opera thuần Việt từ những năm 1960, với đặc điểm, nhà soạn nhạc đã lồng ghép, kết hợp các âm hưởng dân gian, truyền thống với âm hưởng hiện đại châu Âu trong các tác phẩm của mình. Cụ thể, tác giả Đỗ Nhuận là nhạc sĩ đã có 3 tác phẩm, gồm: Cô Sao (1965), Người tạc tượng (1971), Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1980). Tác phẩm Bông sen được tập thể tác giả Lưu Hữu Phước, Nguyên Vũ và Hoàng Việt sáng tác năm 1967; Bên bờ K’rong Pa được tác giả Nhật Lai sáng tác năm 1968; tác giả Ca Lê Thuần sáng tác Người giữ cồn năm 2010; Lá đỏ là tác phẩm được nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát viết kịch bản và phần âm nhạc do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân soạn, công diễn năm 2016 (8).
Đồng thời, các nhà hát, dàn nhạc như: Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam… được thành lập và đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, các dàn nhạc giao hưởng tư nhân như: Saigon Philharmonic Ochestra, Hanoi Chamber Orchestra, The Sun Symphony Orchestra Hanoi, Saigon Winds… mang tính xã hội hóa cũng đã được thành lập, tổ chức biểu diễn phục vụ công chúng.
Tại Việt Nam, có 3 nhà hát được xây dựng từ thời Pháp và một số nhà hát mới khác (Nhà hát Hồ Gươm, Nhà hát Đó) được xây dựng đủ điều kiện phục vụ cho loại hình âm nhạc cổ điển bao gồm cả giao hưởng, opera và thính phòng cổ điển. Các phòng hòa nhạc của các cơ sở đào tạo như Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TP.HCM… cũng đủ các điều kiện để tổ chức các chương trình biểu diễn âm nhạc cổ điển.
Để phục vụ cho nhu cầu của công chúng, không gian biểu diễn của thể loại âm nhạc thính phòng xuất hiện nhiều và trở nên thịnh hành, như: The Continental Concert: Hanoi Opera, Café chiều thứ 7, Phòng trà Trịnh ca… tại Hà Nội; Sài Gòn Classical, Trung tâm Văn học Nghệ thuật, Không gian văn hóa CPTB… tại TP.HCM; Không gian nghệ thuật Phố bên đồi tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng…
Đặc điểm hoạt động biểu diễn của âm nhạc cổ điển
Mỗi thể loại âm nhạc cổ điển có đặc điểm riêng trong sáng tác, dàn dựng, biểu diễn và thưởng thức. Đối với thính phòng, sự tinh tế trong lời hát, sự phối hợp nhuần nhuyễn, cân bằng giữa các giọng nhạc, nhạc cụ, chất giọng của solist, sự sâu lắng trong lời ca, phương thức biểu cảm tinh tế, chân thực và mang tính nghệ thuật cao.
Đối với nhạc giao hưởng, có thể có đến 20 loại nhạc cụ khác nhau và dàn nhạc giao hưởng lớn có thể có hàng trăm nghệ sĩ. Những dàn nhạc nhỏ hơn như dàn nhạc thính phòng có từ 5-40 nhạc công (9) với 4 nhóm nhạc cụ khác nhau, biểu diễn theo bè, đồng thời cần có nhạc trưởng để chỉ huy dàn nhạc; được chia thành những chương, hồi với các nội dung thể hiện các chủ đề cụ thể, biểu diễn với các cung bậc tiết tấu khác nhau; mỗi nhóm nhạc cụ sẽ có vai trò riêng, bổ sung hỗ trợ cho nhau để thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Nhiều tác phẩm được soạn cho một solist thanh nhạc thể hiện các bài hát được soạn với dàn nhạc giao hưởng hoặc cho các solist biểu diễn piano, violon hay cello… với dàn nhạc giao hưởng. Do vậy, để có thể tổ chức biểu diễn, việc dàn dựng, tập luyện cần phải được thực hiện rất công phu.
Đối với opera, thường được dàn dựng theo các vở diễn hoàn chỉnh theo thể loại nhạc kịch hoặc nhạc vũ kịch, cũng có thể là chuỗi các trích đoạn thể hiện một chủ đề nhất định, theo đó, các solist có thể hát đơn, đôi, nhóm, có thể có múa nền hoặc có dàn hợp xướng hỗ trợ. Đối với các vở opera hoàn chỉnh, thường được chia thành nhiều chương, hồi với các nội dung có tính logic từ đầu đến khi kết thúc. Các vở opera đều cần kết hợp với dàn nhạc giao hưởng với số lượng lớn nhạc công. Việc tổ chức dàn dựng rất phức tạp, không chỉ cần sự phối hợp của các nhạc công, nhạc trưởng mà còn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cả dàn nhạc với các solist thể hiện chủ đề trong vở diễn hoặc các trích đoạn.
Trong 3 thể loại nhạc cổ điển chủ yếu nêu trên, dòng nhạc giao hưởng và opera thường được tổ chức biểu diễn ở tại những không gian rộng lớn, có những yếu tố kiến trúc đặc biệt về ngoại quan, nội quan và yêu cầu thiết kế về âm thanh vì đặc thù không dùng micro và các thiết bị khuếch đại trong biểu diễn.
Đối với nhạc thính phòng, số lượng nhạc công biểu diễn không nhiều, gồm song tấu, tứ tấu… hoặc các solist hát những ca khúc thính phòng, hoặc trích đoạn của các vở opera được chuyển soạn cho dàn nhạc với số ít nhạc cụ; không gian ấm cúng, được bài trí phù hợp cho biểu diễn để tạo không gian nghệ thuật, có thể gắn với các dịch vụ khác như ăn uống.
Với các đặc điểm về dàn dựng, tổ chức biểu diễn, các chủ đề, ca khúc, trích đoạn hoặc vở nhạc kịch hoặc nhạc vũ kịch có những chủ đề thể hiện câu chuyện thực tế được nghệ thuật hóa, sân khấu hóa với yêu cầu về biểu diễn, tổ chức biểu diễn, không gian biểu diễn, đòi hỏi người xem phải có tâm thế phù hợp, có tâm hồn cảm thụ âm nhạc, sâu lắng, sâu sắc, tinh tế.
2. Đặc điểm phát triển sản phẩm du lịch gắn với âm nhạc cổ điển tại Việt Nam
Tiềm năng của âm nhạc cổ điển trong phát triển sản phẩm du lịch
Xem xét các khía cạnh của âm nhạc cổ điển và từ cơ sở lý luận của việc phát triển sản phẩm du lịch, có thể khẳng định âm nhạc cổ điển là một loại hình tài nguyên nhân văn (10).
Như vậy, những giá trị của âm nhạc cổ điển có thể phát huy trong phát triển các sản phẩm du lịch, gồm: giá trị văn học, nghệ thuật; giá trị thẩm mỹ và giá trị về mặt kiến trúc của địa điểm tổ chức biểu diễn. Trong đó, giá trị văn học, nghệ thuật thể hiện ở nội dung lời ca, bản nhạc, thông điệp, chủ đề của trích đoạn hoặc tổng thể vở diễn và cách thức tổ chức dàn dựng, biểu diễn. Giá trị thẩm mỹ thể hiện ở thiết kế sân khấu, trang phục của nhạc công, solist. Giá trị về mặt kiến trúc của địa điểm tổ chức biểu diễn, thể hiện ở những nét đẹp kiến trúc của các nhà hát, của không gian tổ chức biểu diễn.
Thực tiễn các sản phẩm du lịch gắn với âm nhạc cổ điển tại Việt Nam
Thời gian gần đây, việc đưa âm nhạc cổ điển đến với công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ, mở rộng tới cộng đồng như tại Hà Nội, UBND Thành phố đã chỉ đạo tổ chức biểu diễn các tác phẩm âm nhạc cổ điển trên đường phố khu vực phố cổ để phục vụ người dân và khách du lịch (11); tại TP.HCM, các solist trẻ đã lựa chọn không gian gần gũi với công chúng và những người yêu âm nhạc cổ điển để biểu diễn với góc độ mở, không bó hẹp trong không gian biểu diễn của nhạc thính phòng (12).
Chương trình du lịch tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội và thưởng thức các chương trình biểu diễn đã được tổ chức từ năm 2017, tuy nhiên, trong chương trình du lịch, ngoài nội dung được giới thiệu về lịch sử nhà hát, nét đẹp kiến trúc, khách du lịch được thưởng thức một số tiết mục âm nhạc truyền thống biểu diễn trên sân khấu. Đến cuối năm 2019, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các chương trình du lịch tại đây tạm dừng. Như vậy, âm nhạc cổ điển chưa được sử dụng trong chương trình này.
Một số đánh giá về phát triển sản phẩm du lịch gắn với âm nhạc cổ điển
Âm nhạc cổ điển có những đặc điểm riêng, nên hiện nay ở Việt Nam mới chỉ khai thác được một khía cạnh đó là giá trị kiến trúc của không gian biểu diễn âm nhạc cổ điển. Đối với khía cạnh giá trị nghệ thuật và giá trị thẩm mỹ hiện vẫn còn hạn chế. Thực tế đó cho thấy, việc khai thác, phát huy các giá trị của âm nhạc cổ điển ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự được quan tâm.
3. Định hướng và giải pháp đưa âm nhạc cổ điển đến với khán giả và phát triển sản phẩm phục vụ khách du lịch
Định hướng và giải pháp đưa âm nhạc cổ điển đến với khán giả
Thứ nhất, Nhà nước có cơ chế tăng cường bồi dưỡng, nâng cao khả năng cảm thụ âm nhạc trong đó có âm nhạc cổ điển, thông qua các hình thức đưa âm nhạc cổ điển gần hơn với giới trẻ. Trước mắt, các nhà trường chủ động tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu chương trình âm nhạc cổ điển với hình thức, thời lượng phù hợp trong các sự kiện của trường; các sinh hoạt ngoại khóa bên ngoài môn học âm nhạc được giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, giúp các em tiếp cận với các giá trị của âm nhạc cổ điển.
Thứ hai, các nhà hát, đơn vị nghệ thuật, các nhà soạn nhạc nghiên cứu, điều chỉnh các hình thức tổ chức biểu diễn, thay đổi hình thức, cơ cấu, không gian tổ chức biểu diễn phù hợp, gần gũi để khán giả nói chung, khán giả trẻ nói riêng có thể tiếp cận với các giá trị của âm nhạc cổ điển. Nghiên cứu, lồng ghép các giai điệu âm nhạc truyền thống và chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng…, tổ chức biểu diễn lồng ghép để khán giả tiếp cận dễ hơn với âm nhạc cổ điển (13). Cần gia tăng việc tổ chức các chương trình âm nhạc cổ điển đường phố tại Hà Nội, hoặc các không gian biểu diễn nhạc cổ điển được tổ chức tại TP.HCM thời gian qua. Gắn các chương trình biểu diễn với những dịch vụ kèm theo để gia tăng phạm vi, không gian tiếp cận của khán giả với âm nhạc cổ điển.
Thứ ba, cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghệ thuật tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nghệ sĩ trẻ, tổ chức nhiều cuộc thi, liên hoan âm nhạc cổ điển; có cơ chế tổ chức thành lập nhiều hơn các dàn nhạc giao hưởng trẻ, nhóm song tấu, tam và tứ tấu, hợp xướng trẻ; đồng thời có cơ chế tạo điều kiện cho các em biểu diễn để khuyến khích khán giả trẻ đến với âm nhạc cổ điển.
Thứ tư, Nhà nước cần tổ chức quy hoạch và kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các không gian nghệ thuật có kiến trúc, trang trí nội ngoại thất đặc biệt, phù hợp với các hình thức và quy mô tổ chức biểu diễn.
Thứ năm, cần tăng cường tuyên truyền về các giá trị của âm nhạc cổ điển, các giá trị nghệ thuật, nhân văn của nhạc cổ điển (14), các yêu cầu của âm nhạc cổ điển, tâm thế của người thưởng lãm âm nhạc cổ điển để loại bỏ dần tâm lý e ngại, coi âm nhạc cổ điển là âm nhạc “hàn lâm”, “bác học” khó tiếp cận trong xã hội, thông qua việc xuất bản catologe giới thiệu nội dung, chủ đề chính của tác phẩm, dẫn dắt người xem theo từng vở diễn, để người xem dễ tiếp cận, từ đó sẽ dần hình thành đội ngũ khán giả âm nhạc cổ điển trong thời gian tới.
Định hướng và giải pháp phát triển sản phẩm du lịch gắn với âm nhạc cổ điển tại Việt Nam
Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà hát, doanh nghiệp du lịch cần tổ chức rà soát, đánh giá những chương trình du lịch có sử dụng âm nhạc cổ điển, đặc biệt là chương trình du lịch đã được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội trước đây, từ đó, đánh giá để tiếp tục có định hướng điều chỉnh, bổ sung phát triển các sản phẩm phù hợp mang tính đặc thù, cần có phương hướng kết hợp nhuần nhuyễn âm nhạc truyền thống dân tộc và âm nhạc cổ điển trong phục vụ khách du lịch.
Thứ hai, các nhà hát, đơn vị nghệ thuật nghiên cứu chương trình, thời lượng, quy mô và tổ chức không gian phù hợp; có kế hoạch chuẩn bị nhân lực và kịch bản, dàn dựng phù hợp với thời lượng của chương trình du lịch; nghiên cứu lồng ghép, chuyển soạn các tác phẩm, giai điệu âm nhạc truyền thống theo phong cách cổ điển để thu hút khách du lịch.
Thứ ba, các đơn vị nghệ thuật, doanh nghiệp du lịch tăng cường tuyên truyền, quảng bá về giá trị nghệ thuật, giá trị văn học, nghệ thuật của âm nhạc cổ điển, không gian kiến trúc của các nhà hát, không gian tổ chức biểu diễn; các chương trình du lịch có ưu đãi, trải nghiệm để thu hút khách du lịch.
Thứ tư, mời các nghệ sĩ, nhà soạn nhạc, đoàn nghệ thuật với kế hoạch cụ thể, chi tiết để xây dựng chương trình, quảng bá xúc tiến thu hút khách du lịch đến thưởng ngoạn; đồng thời, các doanh nghiệp du lịch cũng chuẩn bị các sản phẩm để phục vụ các văn nghệ sĩ quốc tế kết hợp với biểu diễn và đi du lịch trong thời gian lưu diễn lại Việt Nam.
Thứ năm, tăng cường liên kết các chủ thể liên quan, đặc biệt là các nhà hát, đơn vị nghệ thuật và doanh nghiệp du lịch trong phát triển sản phẩm gắn với phát huy các giá trị của âm nhạc cổ điển, đảm bảo song hành với việc phát huy các giá trị của âm nhạc truyền thống dân tộc trong phục vụ khách du lịch.
4. Kết luận
Tại Việt Nam, âm nhạc cổ điển được du nhập, giới thiệu vào cuối TK XIX và được phát triển cho tới ngày nay. Các nhà hát phục vụ tổ chức biểu diễn, đơn vị nghệ thuật dàn dựng, biểu diễn; cơ sở đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho âm nhạc cổ điển cũng được quan tâm thành lập, phát triển; nhiều sản phẩm âm nhạc, hình thức biểu diễn đã được dàn dựng để phục vụ nhu cầu khán giả. Khán giả cũng đã gần gũi hơn với nhạc cổ điển, tuy nhiên, thực tế cho thấy cũng cần có những giải pháp phù hợp để âm nhạc cổ điển phát triển và được công chúng đón nhận hơn nữa.
Đồng thời, thời gian gần đây, bên cạnh âm nhạc truyền thống, âm nhạc cổ điển cũng đã được quan tâm khai thác để phát triển các sản phẩm du lịch, phục vụ nhu cầu của khách, tuy nhiên, vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc, chưa phát huy được hết giá trị của âm nhạc cổ điển. Trong thời gian tới, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể liên quan; tổ chức nghiên cứu, phát triển các tác phẩm, các chương trình âm nhạc cổ điển và lồng ghép để phát triển các sản phẩm nhằm đa dạng hóa các sản phẩm để thu hút khách du lịch tại Việt Nam.
______________
1. Bảo Châu, Nhạc cổ điển là gì? Nguồn gốc và đặc điểm của nhạc cổ điển, baochauelec.com.
2. Lịch sử phát triển, nhaccodien.vn; Nhạc thính phòng là gì? Nguồn gốc và sự hình thành của nhạc thính phòng, microkhongday.vn; M.Tran, Các giai đoạn phát triển của nhạc cổ điển – Tóm tắt lịch sử và đặc điểm của từng thời kỳ, seami.vn.
3. M.Tran, Các giai đoạn phát triển của nhạc cổ điển – Tóm tắt lịch sử và đặc điểm của từng thời kỳ, seami.vn.
4. Danh sách dàn nhạc giao hưởng, vi.wikipedia.org, 9-2023.
5. Đỗ Quốc Hưng, Đào tạo ca sĩ opera tại Việt Nam, Nxb Sân khấu, 2022, tr.22-81; Đỗ Hồng Quân, Quá trình tiếp thu hệ thống âm nhạc phương Tây trong lịch sử phát triển nền âm nhạc mới Việt Nam, hoinhacsi.vn, 2018.
6, 7. Đỗ Quốc Hưng, Đào tạo ca sĩ opera tại Việt Nam, Nxb Sân khấu, 2022, tr.22-81.
8. Nguyễn Tiến Mạnh, Xu hướng mới cho nhạc kịch Việt Nam, hoiamnhachanoi.org, 22-8-2023.
9. Trần Đình Phú (lược dịch), Lịch sử phát triển và cơ cấu của một dàn nhạc giao hưởng, review.siu.edu.vn.
10. Lê Anh Tuấn và nhiều cộng sự, Giáo trình Tổng quan du lịch, Nxb Lao động Xã hội, Hà Nội, 2015.
11. Trình diễn dàn nhạc giao hưởng đường phố tại Hà Nội, sovhtt.hanoi.gov.vn, 25-12-2013.
12. Thúy Bình, Lan tỏa âm nhạc cổ điển trong đời sống xã hội, sggp.org.vn, 23-9-2022.
13. Thanh Ngọc, Dân ca Việt hòa âm cùng giao hưởng, baovanhoa.vn, 14-12-2022.
14. Nguyễn Thị Minh Châu, Giá trị nghệ thuật và nhân văn của tác phẩm âm nhạc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 356, tháng 2-2014.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 554, tháng 12-2023
Tác giả: ĐỖ VŨ LAN NHUNG