Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang chủLý LuậnThực trạng và phương hướng bảo tồn dân ca Mường tỉnh Hòa...

Thực trạng và phương hướng bảo tồn dân ca Mường tỉnh Hòa Bình

19

Tác giả: BÙI VĂN HỘ

Ngày nay, dân ca của người Mường đã có nhiều biến đổi, có những biến đổi tích cực và có những biến đổi chưa tích cực. Việc giao thoa văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng với các dân tộc anh em đã bổ sung thêm cho kho tàng nghệ thuật dân gian của dân tộc Mường và dân ca Mường thêm phong phú. Mặt khác sự tiếp thu các nền văn hóa ngoại lai đã làm ảnh hưởng tiêu cực tới việc bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc cổ truyền và dân ca của người Mường ở tỉnh Hòa Bình.

Làn điệu dân ca là món ăn tinh thần đặc sắc, không thể thiếu trong hoạt động Lễ hội Khai hạ Mường Bi, Hòa Bình – Ảnh: baohoabinh.com.vn

1. Ý nghĩa của việc bảo tồn và phát huy dân ca Mường

Trong xu thế hội nhập và phát triển, những luồng văn hóa khác nhau xâm nhập vào đời sống xã hội đã tác động không nhỏ, thậm chí có nguy cơ phai mờ, biến dạng văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số nói chung và văn hóa truyền thống của người Mường nói riêng, trong đó có dân ca Mường tỉnh Hòa Bình. Bởi vậy, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số là một việc làm cần thiết và nằm trong sự phát triển toàn diện của đất nước, làm cho di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục tỏa sáng trong giao lưu, hội nhập là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Để đóng góp một phần vào việc bảo tồn, phát huy nền văn hóa nghệ thuật dân tộc cũng là để “giữ gìn và phát huy tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, đồng thời để quảng bá văn hóa nghệ thuật và dân ca Mường tỉnh Hòa Bình với các dân tộc anh em. Hy vọng, việc nghiên cứu bảo tồn, phát huy dân ca Mường sẽ góp phần làm tô thắm thêm cho nền văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc và dân ca Mường ngày càng thêm phong phú hơn.

Để các giá trị văn hóa trong dân ca Mường tỉnh Hòa Bình phát triển, trước hết cần phải có sự bảo tồn, khi đã bảo tồn được sẽ phát huy các giá trị làm thỏa mãn nhu cầu đời sống sinh hoạt văn hóa của con người. Đó chính là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. Phát huy là làm cho cái hay, cái tốt tỏa sáng và có tác dụng tốt đến đời sống của con người, từ đó, tiếp tục làm nảy nở thêm những giá trị của cái hay, cái đẹp, cái tốt trong xã hội đương đại. Phát huy nhấn mạnh những giá trị, những mặt tích cực của sự vật, hiện tượng, tạo ra động lực tinh thần cổ vũ, động viên con người thêm sức mạnh để thực hiện các mục tiêu chủ thể mà các nhà quản lý đã đặt ra. Phát huy liên quan trực tiếp đến khai thác các giá trị của sự vật, hiện tượng. Đối với di sản văn hóa, phát huy nghĩa là tiến hành các biện pháp, cách thức thích hợp để làm tỏa sáng tối ưu những giá trị hàm chứa trong di sản để đem lại những giá trị, những lợi ích thiết thực cho từng đối tượng cụ thể trong xã hội.

2. Thực trạng về dân ca Mường ở tỉnh Hòa Bình

Dân ca Mường hiện nay vẫn đang tồn tại trong cuộc sống hằng ngày của cộng đồng người Mường ở tỉnh Hòa Bình, nhưng sự tồn tại ấy chỉ mang tính hoạt động đơn lẻ, chưa thành một trào lưu, lan tỏa trong cộng đồng người Mường, so với trước đây (nửa đầu thập kỷ 60-70 của TK XX) dân ca Mường đã mai một đi rất nhiều. Về số người làm nghề có giảm rõ rệt và đặc biệt là thế hệ trẻ hầu như không mặn mà với việc theo học và hành nghề, trong khi đó các nghệ nhân hiểu biết về dân ca cũng đã quá cao tuổi và nhiều nghệ nhân đã đi về với mường Ma. Trải qua một thời gian dài, dân ca Mường không được khuyến khích, cổ vũ. Khi bước sang TK XXI, xã hội Việt Nam nói chung, xã hội của người Mường ở tỉnh Hòa Bình nói riêng đã có những biến đổi mạnh mẽ, phương thức sản xuất thay đổi chuyển sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là trong sinh hoạt cộng đồng như: Các nếp nhà sàn đã và đang bị mất dần. Việc người Mường, nhất là thế hệ trẻ, nói tiếng Kinh (phổ thông) nhiều hơn là nói tiếng Mường. Trang phục của người Mường cũng dần dần mất hẳn, thế hệ trẻ đều chuyển sang mặc phổ thông… tất cả những điều này đã phản ánh lên một thực tế là nguy cơ dân ca Mường tỉnh Hòa Bình đang bị mai một và có thể biến mất.

Trào lưu âm nhạc mới và đặc biệt là trào lưu sùng nhạc ngoại, âm nhạc nước ngoài đã ồ ạt tràn vào Việt Nam, len lỏi tới các vùng Mường điều đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến dân ca của người Mường ở tỉnh Hòa Bình.

Tại không ít đám cưới của người Mường, những người cao tuổi muốn hát giao lưu đôi khúc dân ca Mường cũng không thể được vì bị loa đài “tra tấn, lấn át” không thể hát nổi và không ai để ý đến việc hát dân ca Mường. Các làn điệu dân ca Mường phổ biến trước đây đã từng lên ngôi như: làn điệu thường đang, bộ meẹng, hát đúp, hát giao duyên giờ chỉ còn âm thầm, lặng lẽ tự tồn tại trong các khu vực người Mường sống ở vùng sâu, vùng xa.

Hiện nay, dân ca Mường tỉnh Hòa Bình bị lép vế, song, các nghệ nhân vẫn gìn giữ di sản. Tuy nhiên, các nghệ nhân ngày càng cao tuổi, rồi từng lớp người ấy dần ra đi, đồng thời họ cũng mang theo một khối lượng di sản văn hóa phi vật thể mà họ là người đang nắm giữ, những mất mát ấy không thể có gì bù đắp nổi.

Lớp trẻ ngày nay thì đang mải lo công việc làm ăn phát triển kinh tế ở các khu công nghiệp, công việc và nhịp sống luôn bị cuốn vào trong một vòng xoáy là việc làm, lịch ca, kíp… của các phân xưởng, các nhà máy, có ngày làm việc đến 11-12 tiếng đồng hồ/ ngày. Họ không có thời gian, không còn không gian môi trường để tiếp cận với dân ca Mường. Cuộc sống mưu sinh càng làm cho việc dành thời gian riêng của bản thân mỗi người thêm eo hẹp. Điều này đã có ảnh hưởng rất lớn đến việc truyền dạy dân ca Mường ở tỉnh Hòa Bình cho lớp trẻ.

3. Phương hướng bảo tồn và phát huy dân ca Mường Hòa Bình

Với những thực trạng nêu trên, dân ca Mường tỉnh Hòa Bình cần có giải pháp và đưa ra một số phương hướng để bảo tồn mang tính cấp bách và lâu dài. Trước hết phải động viên, khuyến khích các nghệ nhân, tác giả, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm về dân ca Mường để có nhiều công trình, nhiều biện pháp để bảo tồn và phát huy những giá trị của dân ca Mường, để dân ca Mường được trường tồn trong đời sống, trong sinh hoạt cộng đồng. Để đạt được những vấn đề này, cần phải có chính sách hỗ trợ kịp thời, đồng bộ. Đặc biệt là loại hình di sản văn hóa phi vật thể như dân ca Mường đang trên đà mai một và nguy cơ thất truyền. Vì vậy, rất cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ địa phương, đặc biệt là những người làm công tác quản lý về lĩnh vực văn hóa phải luôn luôn quan tâm, giúp đỡ, chỉ đạo, thực hiện nhiều biện pháp để di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là dân ca Mường được bảo tồn vững chắc. Để đạt được mục tiêu, cần có những giải pháp hữu hiệu, mang tính khoa học, đó chính là cần có một công trình nghiên cứu khoa học, sưu tầm, ký âm các làn điệu dân ca Mường và chép ra thành bản nhạc, có như vậy dân ca Mường mới được bảo tồn một cách bền vững. Đây chính là việc duy trì, bảo tồn vốn dân ca Mường một cách thực sự khoa học và đem đến hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của Đài Truyền hình tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh và Trung tâm Văn hóa, Phòng Văn hóa – Thông tin các huyện trong tỉnh Hòa Bình, phải đồng loạt tuyên truyền, quảng bá các hoạt động về dân ca Mường, hằng năm phải tổ chức các hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh hoặc cấp huyện để tìm kiếm những hạt nhân nghệ thuật, sau đó bồi dưỡng thêm để trở thành những nòng cốt, thành người giữ lửa, nghệ nhân giỏi để truyền bá lại cho cộng đồng và thế hệ sau. Trong các hội diễn đơn vị cấp xã, cấp huyện phải vận động các nghệ nhân tiêu biểu tham gia các tiết mục hát dân ca Mường. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi hát dân ca Mường ở các cấp, qua đó lưu giữ hình ảnh những bài dân ca Mường mà họ thể hiện để làm tư liệu cất giữ trong Bảo tàng Mường.

Xây dựng kế hoạch tuyên truyền hằng năm, đội thông tin lưu động bố trí các đêm diễn tại các làng, các xã để tuyên truyền nhiều nội dung với hình thức phong phú, trong đó có lồng ghép tiết mục biểu diễn các bài hát dân ca Mường là chủ yếu, đồng thời, Phòng Văn hóa – Thông tin cũng ban hành công văn hướng dẫn cán bộ làm công tác văn hóa ở xã bố trí thời gian, tìm các phương pháp để luyện tập hát dân ca Mường, đặc biệt là cho thế hệ trẻ, cho các em học sinh và những người yêu dân ca trong cộng đồng, cụ thể: phối hợp truyền dạy dân ca Mường; mở các câu lạc bộ hát dân ca Mường; tổ chức nói chuyện chuyên đề về giá trị dân ca Mường; hoạt động truyền thông, quảng bá, tuyên truyền về những nét đẹp trong dân ca Mường, tỉnh Hòa Bình.

Huy động, tập hợp các nghệ nhân tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Mường. Các cơ quan, ban ngành ở cấp huyện cần đến nhà các nghệ nhân để nói chuyện, động viên, giải thích cho họ hiểu về sự cần thiết, về giá trị của dân ca Mường, từ đó để tăng thêm sức mạnh cho họ, đồng thời để họ hiểu được sự cần thiết trong việc bảo tồn và phát huy dân ca Mường. Với những thực trạng như hiện nay, dân ca Mường cần được bảo tồn và phát huy, lan tỏa rộng khắp trong đời sống sinh hoạt cộng đồng người Mường ở tỉnh Hòa Bình.

Phải xây dựng kế hoạch kiểm kê đầy đủ và đánh giá đúng mức đối với các di sản văn hóa truyền thống nói chung và dân ca Mường Hòa Bình nói riêng; việc tiến hành nghiên cứu khoa học kết hợp với việc đi điền dã, sưu tầm ghi hình, ký âm lại các làn điệu dân ca Mường một cách toàn diện và đầy đủ.

Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, tập hợp các nguồn tài liệu nói về dân ca Mường đã được nghiên cứu và công bố từ trước đến nay, cả ở trong nước và ngoài nước liên quan đến văn hóa Mường nói chung và dân ca Mường tỉnh Hòa Bình nói riêng.

Các nguồn tài liệu này có thể đang bị tản mát, phân tán ở các kho lưu trữ, thư viện, tủ sách tư nhân trong và ngoài nước. Tổ chức nghiên cứu khoa học về dân ca Mường một cách hệ thống và toàn diện ở các vùng Mường trong tỉnh Hòa Bình và các vùng mường lân cận (Thanh Hóa, Phú Thọ…).

Từng bước xây dựng phòng lưu trữ di sản dân ca Mường tỉnh Hòa Bình được đặt tại Trung tâm dữ liệu Di sản văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và tại Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Văn hóa, Thư viện tỉnh và phòng Quản lý Văn hóa, Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình. Tại đây sẽ là nơi lưu giữ các tài liệu, hồ sơ, băng ghi âm, ghi hình, ảnh tài liệu, ảnh hiện trạng… về dân ca Mường, các loại hình văn hóa liên quan đến dân ca Mường tỉnh Hòa Bình.

Cơ quan chức năng chỉ đạo, động viên, định hướng cho các đội văn nghệ quần chúng từ xóm, xã và lấy nội dung sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn, phát huy dân ca Mường Hòa Bình làm nội dung phương hướng cho việc hoạt động.

Các ngành chức năng cần lập kế hoạch và có biện pháp điều tra tổng thể kho tàng văn hóa dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, sưu tầm giá trị của các làn điệu dân ca Mường…; khuyến khích việc nghiên cứu, giới thiệu dân ca của dân tộc Mường để lan tỏa giá trị dân ca Mường.

Để điều tra, khảo sát, nghiên cứu nhằm bảo tồn và phát huy dân ca Mường tỉnh Hòa Bình, cần tiến hành và làm tốt một số công việc cụ thể, trước mắt như sau:

Căn cứ vào tính chất từng loại hình, yêu cầu về giá trị của các loại hình dân ca đề xuất các biện pháp bảo tồn phù hợp với điều kiện thực tế. Có những loại hình cần được bảo tồn “sống” trong môi trường của cộng đồng, như một số làn điệu: Phát rác, Đu đu là điến, Dấl Chiêng… Đặc biệt là trong hệ thống dân ca nghi lễ của người Mường, không chỉ khảo sát, nghiên cứu mà cần được phân loại để bảo tồn và tổ chức hoạt động phù hợp với từng vùng Mường, theo quy mô gia đình, nhóm người và cộng đồng…

Dân ca Mường chính là nguồn sữa trong lành nuôi dưỡng tâm hồn người Mường, vì vậy, dân ca Mường được bảo tồn và phát huy là phương hướng đúng đắn, đồng thời là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và của mỗi người dân trong cộng đồng.

Trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, dân ca Mường là một phần diện mạo văn hóa của dân tộc Mường, là một tinh hoa trong nền âm nhạc dân tộc Việt Nam và là một trong những dạng thức văn hóa phi vật thể, đã tồn tại trong cộng đồng người Mường biết bao nhiêu thế kỷ qua, luôn gắn bó thủy chung với cuộc sống người Mường ở tỉnh Hòa Bình. Nếu được bảo tồn và phát huy đúng hướng, dân ca Mường sẽ góp phần làm tăng thêm sức mạnh truyền thống, đóng góp làm phong phú hơn cho nền âm nhạc dân tộc nước nhà và luôn luôn giữ gìn được bản sắc văn hóa chung cho cả cộng đồng dân tộc Mường nói chung và cho người Mường ở tỉnh Hòa Bình nói riêng.

Trong bài viết: “Bảo tồn văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” đăng trên (https://nhandan.vn/) của tác giả Trần Hảo cũng có bài viết về vấn đề này như sau:

Hiện nay, nhiều giá trị văn hóa của dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” đang bị mai một nghiêm trọng. Trước tình hình trên, tỉnh Hòa Bình đã và đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa một cách hiệu quả.
Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh TRỌNG ĐẠT)
Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh TRỌNG ĐẠT)

 

Các giá trị văn hóa dân tộc Mường là tài sản vô giá gắn kết cộng đồng dân tộc Việt Nam. Người Mường ở Hòa Bình đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa độc đáo từ phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ẩm thực, dân ca, tục ngữ, lễ hội, tri thức dân gian, Mo Mường… Còn “Văn hóa Hòa Bình” có vị trí quan trọng trong thời đại đồ đá ở Việt Nam, cũng như trên thế giới; là tài sản vô cùng quý báu của nhân loại.

Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian, cùng với nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, bản sắc dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” đang dần bị mai một, hơn bao giờ hết việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường là điều cấp bách. Hiện nay, tại nhiều vùng quê đã mất đi những giá trị quý báu của văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”.

Trước tình hình đó, tỉnh Hòa Bình đã và đang nỗ lực thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể của người Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình nhấn mạnh: “Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ 17 đã nhấn mạnh về việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa các dân tộc… Tỉnh coi đây là nhiệm vụ hết sức cấp bách, mặc dù trong điều kiện tỉnh còn khó khăn về nguồn lực, nhưng tỉnh vẫn quyết liệt triển khai.

Ngày 24/11/2023, tỉnh Hòa Bình đã ban hành Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023-2030 để tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa và truyền thống tốt đẹp của người Mường; góp phần quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người Hòa Bình, xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh trong thời gian tới”.

Từ năm 2019, Trường THPT Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn thành lập “Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường”. Từ đó đến nay, trường chú trọng triển khai mô hình Giáo dục ý thức bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường cho học sinh thông qua hình thức sinh hoạt câu lạc bộ.

Câu lạc bộ tập trung vào sáu mảng chính là: dân ca, trang phục, nhạc cụ, ẩm thực, trò chơi, văn hóa dân gian. Ngoài ra, câu lạc bộ tổ chức dạy bộ chữ Mường cho các thành viên nhóm dân ca và văn hóa dân gian. Thông qua nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích, câu lạc bộ đã giúp học sinh thêm yêu và hiểu hơn về bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

Đến nay câu lạc bộ đã thu hút hơn 300 thành viên, khôi phục các bài trình tấu chiêng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, làn điệu dân ca, trò chơi truyền thống… biểu diễn trong các dịp lễ, Tết, ngày hội văn hóa của làng, xã, nhà trường và địa phương.

Bảo tồn văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” ảnh 1
Trình diễn chiêng Mường trong Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hòa Bình năm 2023. (Ảnh TRỌNG ĐẠT)

Tại thị trấn Bo, huyện Kim Bôi, chúng tôi gặp bà Đinh Thị Kiều Dung – người 20 năm mở lớp dạy miễn phí các làn điệu dân ca Mường cho các lớp thế hệ trẻ. Bà tâm sự: “Gần cả cuộc đời công tác, tôi gắn bó với quê hương xứ Mường. Ngoài đam mê văn hóa dân tộc, tôi thấy cần phải đóng góp một phần trách nhiệm nhỏ bé của mình để giữ gìn, bảo tồn phát huy bản sắc và những giá trị của văn hóa dân tộc Mường mà ông cha để lại. Tôi đã mở lớp truyền dạy văn hóa Mường cho các cháu từ năm 2004 đến nay, để khi các cháu lớn lên sẽ tự hào là người con của đất Mường và sẽ yêu dân tộc, yêu quê hương, đất nước mình sâu sắc hơn…”.

Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”, tỉnh Hòa Bình hỗ trợ các nghệ nhân tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; khuyến khích các nhà khoa học tham gia nghiên cứu; khuyến khích con em người dân tộc Mường đang học tập trong lĩnh vực văn hóa về làm việc trong cơ quan văn hóa các cấp…

Đồng chí Nguyễn Phi Long cho biết, tỉnh sẽ huy động nguồn lực đầu tư, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị, di sản văn hóa truyền thống, di sản văn hóa khảo cổ gắn với phát triển du lịch bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất cho nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa của dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”.

Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu về giá trị di sản rộng rãi trong nước và quốc tế; tập trung tu bổ, tôn tạo cảnh quan di tích quốc gia Hang Xóm Trại, xã Tân Lập và Mái đá Làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn – di tích tiêu biểu của “Văn hóa Hòa Bình” tại tỉnh Hòa Bình để xây dựng hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, tiến tới trình UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa của nhân loại.

Các sở, ngành liên quan trong tỉnh sẽ triển khai những nhiệm vụ cụ thể để xây dựng khu Bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch tại huyện Tân Lạc, trong đó bao gồm: Bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường, khu vực sân khấu trình diễn, ẩm thực của người Mường, khu vực tổ chức lễ hội Khai Hạ, khu vực làng người Mường cổ, các điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng…

Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình cho biết, tỉnh đang lựa chọn năm điểm du lịch cộng đồng dân tộc Mường để đầu tư hỗ trợ khôi phục nhà sàn Mường truyền thống nhằm bảo tồn không gian văn hóa phục vụ khách tham quan.

Đồng thời, tỉnh hoàn thiện hồ sơ khoa học di sản văn hóa Mo Mường trình Thủ tướng Chính phủ, trình tổ chức UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Tỉnh tổ chức kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, khôi phục, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường về tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian.

Trong đó, lựa chọn lập hồ sơ năm di sản văn hóa phi vật thể của người Mường đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Công tác khôi phục các lễ hội truyền thống tiêu biểu, các trò chơi dân gian gắn với xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn được tỉnh chú trọng. Tỉnh phục dựng, phát huy các lễ hội truyền thống đặc sắc, trang phục truyền thống, nhà sàn truyền thống, hát dân ca, nghệ thuật chiêng Mường, Mo Mường và phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Mường Hòa Bình. Hiện, tỉnh đang đưa chữ viết của người Mường vào giảng dạy tại một số trường học trên địa bàn.

Những giải pháp đồng bộ trên sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trong việc khai thác giá trị di sản văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” vừa khơi dậy niềm tự hào, vừa trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới; góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, ngành nghề ở nông thôn, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc Mường ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa và tạo ra các sản phẩm văn hóa có giá trị phục vụ phát triển du lịch bền vững.

Nguồn: Tạp chí VHNT số 557, tháng 1-2024/ https://nhandan.vn/

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN