Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang chủLý LuậnNhạc sĩ Đinh Trung Cẩn: Tổ quốc – tiếng gọi thẳm sâu...

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn: Tổ quốc – tiếng gọi thẳm sâu trong trái tim tôi!

14

Năm 2023 qua đi là một năm khó quên bởi những thành tựu đạt được trong cả sự nghiệp âm nhạc lẫn trong công tác quản lý của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn. Tin vui nối tiếp tin vui là hạnh phúc vô bờ bến không mấy ai có được, bởi đó là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân dành cho những nỗ lực không ngơi nghỉ.

Sau giải thưởng cao quý – Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn tiếp tục nhận được danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vì những đóng góp của ông với vai trò là Tổng Đạo diễn của hàng trăm chương trình biểu diễn nghệ thuật, trong đó có nhiều chương trình cấp quốc gia. Với ông, hạnh phúc không phải là những phần thưởng, danh hiệu, mà là sự lan tỏa từ các tác phẩm, từ những chương trình nghệ thuật mà ông cùng các cộng sự thực hiện đã đi vào đời sống xã hội, không chỉ ở trong nước mà  gây tiếng vang tới bạn bè quốc tế.

Bí thư Trung ương Đảng – Nguuễn Trọng Nghĩa, Trưởng  Ban Tuyên giáo Trung ương trao danh hiệu NSƯT cho nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn sáng 06/03

Âm nhạc mang lại nguồn cảm hứng bất tận

Là người làm công tác quản lý văn hóa giàu kinh nghiệm của Văn phòng đại diện phía Nam (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn còn là người có những đóng góp tích cực trong hoạt động âm nhạc trên nhiều lĩnh vực: Sáng tác ca khúc, khí nhạc; Biên tập, xuất bản; Dàn dựng, hòa âm phối khí. Đặc biệt, ông được biết đến với vai trò là Tổng Đạo diễn chương trình nghệ thuật: 40 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; 50 năm Mậu Thân; 75 năm Nam kỳ khởi nghĩa; Khánh thành đền thờ Hùng Vương tại Thành phố Hồ Chí Minh; Xuân quê hương; Chương trình nghệ thuật Unesco vinh danh Đờn ca tài tử là Di sản  văn hóa thế giới; Lễ hội Chăm; Lễ hội Khơ-me Nam bộ; Festival biển Nha Trang, Lễ hội Văn hóa Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu; Côn Đảo bản hùng thiêng sông núi; Những ngày Văn hóa các Dân tộc Việt Nam; Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc; Festival Đờn ca tài tử; Kỷ niệm 130 năm Tôn Đức Thắng; Nhịp cầu Xuyên Á; Hương Sắc Tây Đô và hàng trăm chương trình lễ hội của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Nhiều người thắc mắc và cũng đã từng đặt câu hỏi với nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn rằng công tác quản lý chiếm quá nhiều thời gian, vậy thời gian nào để ông có thể làm được nhiều việc và luôn đem lại những thành tựu?. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chia sẻ: “Âm nhạc luôn mang đến cho tôi nguồn cảm hứng bất tận. Mỗi chương trình nghệ thuật, mỗi lễ hội, tôi đều mong muốn truyền tài một thông điệp rõ ràng, mang đậm chất nghệ thuật, mang dấu ấn văn hóa, lịch sử và nhân văn. Phần âm nhạc là linh hồn của chương trình nên chúng tôi chú trọng, đầu tư kỹ lưỡng từ lựa chọn tác phẩm, hòa âm, phối khí và nghệ sĩ thể hiện. Phần biên đạo và dàn dựng luôn phải tạo ra được những màu sắc mới, sáng tạo mang dấu ấn nghệ sĩ, kết hợp việc sử dụng công nghệ hiện đại để chuyển tải một cách trọn vẹn ý đồ nội dung chương trình. Điều quan trọng là phải tính toán kỹ càng trong việc kết nối đường dây tổng thể của chương trình để đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất”.

NSƯT Đinh Trung Cẩn vinh dự có trong Cuộc đối thoại của Chủ tịch nước với văn nghệ sĩ trí thức tiêu biểu 2024

Quả thực, có ở gần nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn thì mới cảm nhận được anh là một người luôn tràn đầy nhiệt huyết trong bất kỳ công việc ở lĩnh vực nào. Có lẽ hoạt động đa dạng trong lĩnh vực nghệ thuật, có điều kiện đi khắp các vùng miền của Tổ quốc và nhiều nước trên thế giới là cơ hội để anh tiệm cận với các nền văn hóa, âm nhạc của nhiều quốc gia, nhiều dân tộc; qua đó tích lũy thêm vốn sống, kiến thức, màu sắc, thanh âm, điệu thức của các vùng miền để nuôi dưỡng tâm hồn và cũng là chất xúc tác để ông viết nên những giai điệu, ca từ thấm đẫm hồn dân tộc.
NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ nhiệm Khoa Sáng tác – Chỉ Huy – Âm nhạc học – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam khẳng định: “ Ở cương vị nào, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cũng thể hiện được tầm vóc của mình và những danh hiệu mà Đinh Trung Cẩn được Đảng, Nhà nước trao tặng là ghi nhận và minh chứng sống động, bởi những sáng tác cũng như những chương trình nghệ thuật mà Đinh Trung Cẩn làm Tổng đạo diễn luôn thể hiện được tầm văn hóa, tư tưởng, góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, hội nhập cùng quốc tế”.

Những thanh âm mang linh hồn sông núi

Lần đầu tiên tôi nghe “Tổ quốc gọi tên mình” là khi tôi cùng đoàn công tác do Phó Đô đốc Trần Thanh Huyền – Chính ủy Quân chủng Hải Quân đi đặt đá chủ quyền Trường Sa vào cuối năm 2011. Cảm xúc thiêng liêng và đặc biệt trong giây phút ấy, chỉ có thể cảm nhận, chứ không lời nào tả xiết … khiến trái tim tôi tan chảy. Và Duyên đến tự nhiên, tôi được làm việc dưới quyền của chính tác giả ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” – một người mà tôi ngưỡng mộ. Làm việc dưới quyền của anh tôi càng cảm nhận sâu sắc con người anh – một người luôn cẩn trọng trong công việc, coi trọng tình người và Tổ quốc luôn, thường trực trong trái tim đong đầy cảm xúc, chỉ trực trào dâng mỗi khi ai đó chạm vào.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn bộc bạch: “Cha mẹ tôi đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Mẹ của tôi nhiều lần bị địch bắt, bị tra tấn dã man và ra đi khi tôi mới 9 tuổi. Cha tôi đã bị giam cầm gần 7 năm ở chuồng cọp – Nhà tù Côn Đảo. Gia đình, dòng họ tôi có nhiều người đã hy sinh cho Tổ quốc, có người đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt… tất cả những điều đó luôn thôi thúc tôi phải sống thật tốt và cố gắng làm thật nhiều điều có ích cho đất nước”.
“Tổ quốc” tiếng gọi thiêng liêng như máu thịt luôn thường trực trong trái tim vốn nhạy cảm của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn từ khi còn rất nhỏ, chứ không phải chỉ là tiếng gọi khi biển đông dậy sóng…
Tác phẩm “Tổ quốc gọi tên mình” được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn sáng tác dựa trên bài thơ của nữ sĩ Nguyễn Phan Quế Mai vào tháng 8/2011, khi tình hình biển Đông có nhiều phức tạp. Ngay từ khi ra đời, bài hát đã đi vào lòng công chúng cả nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Mỗi khi giai điệu của bài hát vang lên thì ai nghe cũng đều có những rung động thật sự từ thẳm sâu trái tim mình về tự tình dân tộc.
Tôi không biết mình đã nghe ca khúc này bao nhiêu lần nữa và mỗi lần như thế tôi đều thấy yêu hơn tổ quốc mình, trân trọng những gì mà thế hệ cha ông chúng ta đã hy sinh cho dân tộc Việt Nam. Và phải nói thật ca sĩ nào hát bài hát này tôi đều thích cả vì mỗi người từ rung cảm của mình sẽ có những biểu đạt khác nhau để kể một câu chuyện bằng âm thanh về biển đảo và tổ quốc mẹ hiện thật đẹp và hùng tráng. Song tôi đã có một đêm không thể ngủ được khi được đắm chìm trong không gian âm nhạc của chương trình nghệ thuật mang tên “Giai điệu bạn bè” do hơn 80 nghệ sĩ của Dàn nhạc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Liên Bang Nga biểu diễn tại Phòng hòa nhạc lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vào năm 2019. Buổi hòa nhạc đã khiến trái tim tôi thổn thức nhiều giờ liền. Nghe Tổ quốc gọi tên mình, càng nghe càng thấm  và càng cảm nhận rõ sự mẫn cảm của tác giả vượt qua nỗi đau riêng mình, để thực hiện tiếp sứ mệnh cao cả mà Cha Mẹ đã dấn thân.
Nhiều lần, tôi đã chứng kiến những đôi mắt long lanh, ngấn lệ vì xúc động của các chiến sĩ Hải quân khi nghe các nghệ sĩ hát Tổ quốc gọi tên mình tại các đảo, điểm đảo và vùng biên cương của tổ quốc. Và ngay cả khi ở đất liền, trong những cuộc hội ngộ, nghe chính tác giả ôm đàn guitar cất giọng đong đầy cảm xúc như trút hết tâm can của mình… lần nào cũng vậy, vui với bạn bè, đồng nghiệp là anh hát và chả có tiệc vui nào mà bạn bè lại bỏ qua “Tổ quốc gọi tên mình”… và mỗi lần như thế, đôi mắt buồn xa xăm như kìm nén, như níu giữ, đôi khi anh cố nhắm mắt để giấu đi nỗi buồn thẳm sâu tận đáy lòng…
Có nhiều câu chuyện khác xung quanh tác phẩm này, với rất nhiều giải thưởng của các bộ, ngành Trung ương và của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và đã có khoảng 65.200.000 đường link tác phẩm được lan truyền trên Internet. Tuy nhiên, chuyện tác giả không bán tác phẩm với một số tiền lớn mà đem hiến tặng cũng là trường hợp hy hữu. Chuyện là có một doanh nhân ( xin được giấu tên) đã đặt vấn đề muốn “mua đứt” tác phẩm này với giá 50.000 đô la, nhưng nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn đã thẳng thắn từ chối và trả lời: “Bài hát giờ không còn là của riêng tôi nữa, mà nó đã thuộc về Tổ quốc rồi”.

NSƯT Đinh Trung Cẩn và NSND Phạm Ngọc Khôi tại Lễ trao tặng Danh hiệu NSND – NSƯT lần thứ 10

Là người được đào tạo chuyên nghiệp ở cả lĩnh vực sáng tác và lý luận nên nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn có lối tư duy của người viết khí nhạc khi viết các tác phẩm thanh nhạc. Do đó, các ca khúc của ông khi được hòa âm phối khí cho dàn nhạc giao hưởng, nó đã phát huy được sự vạm vỡ, thể hiện rõ ngôn ngữ khí nhạc, cao trào rõ ràng của một tác phẩm thanh nhạc kinh điển. Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam – người đồng nghiệp thân thiết của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn nhận xét: “Tác phẩm Tổ quốc gọi tên mình chắt lọc mọi yếu tố, từ tính nghệ thuật đến tầm tư tưởng và tính đại chúng. Tác phẩm có giá trị vượt không gian, thời gian, có tầm văn hóa, thể hiện khát vọng của cả dân tộc. Tác phẩm là thành công của cá nhân nhạc sĩ, nhưng giờ nó trở thành là tài sản của nền âm nhạc Việt Nam, của đất nước Việt Nam”

Hãy chọn khi ta còn có thể

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn sáng tác không nhiều, nhưng tác phẩm của anh hầu hết đều có chủ đề về tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi con người Việt Nam như: Tổ khúc Múa ba chương Lễ hội mùa xuân tỉnh Bình Phước; Tổ khúc Múa Đất nước thanh bình, các ca khúc: Biển hát ơn Người, Bà Rịa đất níu chân người, Hoa vẫn nở trên chiến trường xưa, Chiều trên Cù lao Dung, Bên em thành phố biển,  Tổ quốc gọi tên mình, “Mẹ và Tổ quốc, Biển nghiêng, Tôi muốn kéo sông Hàn dài mãi…
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết, đề tài về Tổ quốc, đất nước, quê hương là đề tài rộng, vấn đề là ta chọn góc nhìn, cách cảm thế nào để biểu đạt được điều chúng ta muốn nói và muốn chia sẻ với bạn bè quốc tế về đất nước chúng ta thông qua âm nhạc. Thời gian là thước đo và có tính đào thải rất lớn, có những tác phẩm có thể ra đời và nổi tiếng trong một hoàn cảnh nhất định nào đó, cũng có những tác phẩm ra đời và ngay lập tức trường tồn cùng thời gian. Chắc chắn tác phẩm đó đã đi vào tâm thế, ở lại trong trái tim của những người yêu nhạc và nó không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn là tính nhân văn và giá trị lịch sử, bởi “ nghệ thuật luôn vị nghệ thuật và vị nhân sinh” chỉ khi đạt được 2 điều đó thì tác phẩm mới có sức trường tồn mãi mãi.


Vốn là người thẳng thắn, bộc trực, hào sảng “kiểu anh hai Nam bộ”, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn luôn có suy nghĩ cấp tiến. Anh biết nắm bắt cơ hội, biết buông bỏ đúng thời điểm, quyết đoán trong công việc, nhưng lại là người luôn lắng nghe những ý kiến trái chiều và luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người đối diện để đánh giá và xử lý mọi vấn đề thấu tình, đạt lý. Mỗi khi có cơ hội, thông qua âm nhạc, nghệ thuật, qua các cuộc trò chuyện, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn luôn là mong muốn lan tỏa thông điệp về tình yêu quê hương, đất nước bằng sự chân thành, bằng sự gợi mở, mang chiều sâu của tư tưởng của một trí thức yêu nước.

NSƯT Đinh Trung Cẩn cùng các doanh nghiệp VCPMC làm việc với Google tại Ấn Độ

Với đồng nghiệp, anh là người cầu toàn và luôn chu toàn với mọi người; với công việc, anh chi tiết, tỉ mỉ. Là lãnh đạo, anh không xét nét, so đo mà luôn nhìn thấy điểm nổi trội của cấp dưới để khích lệ, động viên, quan tâm đều tâm tư, tình cảm, gia cảnh của mọi người để chia sẻ. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn luôn thực hành theo triết lý nhà Phật – sống là cho đi và luôn làm việc với tinh thần tận hiến để không phải hối tiếc bất cứ điều gì, bởi cuộc sống này là vô thường.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn sinh ngày 14/ 8/1965 tại Bình Thuận. Ông tốt nghiệp Đại học Âm nhạc chuyên ngành Sáng tác và Cao học Âm nhạc chuyên ngành Lý luận Phê bình tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Ông từng là Trưởng đài Đài Truyền thanh Phan Rí (Bình Thuận); Giám đốc Nhà Văn hóa Phan Rí (Bình Thuận). Hiện nay, ông công tác tại Văn phòng Đại diện phía Nam của Bộ Văn hóa  Thể thao và Du lịch; kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh.

(Nguồn: https://www.vcpmc.org/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN