Thứ Ba, Tháng Tư 30, 2024
Trang chủLý LuậnVài suy nghĩ về bảo tồn và phát huy âm nhạc dân...

Vài suy nghĩ về bảo tồn và phát huy âm nhạc dân gian Chăm

17
Tác giả: Phan Quốc Anh

 

Tóm tắt

Âm nhạc dân gian Chăm là di sản văn hóa độc đáo của dân tộc Chăm, một dân tộc đã từng có nền nghệ thuật thời kỳ Chăm Pa phát triển rực rỡ. Hệ thống nhạc cụ Chăm phong phú, đủ các bộ gõ, bộ hơi, bộ dây cho một dàn nhạc. Người Chăm đang lưu giữ một kho tàng dân ca với những làn điệu, cung bậc có sự ảnh hưởng đến các làn điệu nhạc dân gian Nam Trung bộ và cả Nam bộ.  Dân ca Chăm đặc sắc với nhiều thể loại như Hát ân tình, Hát giao duyên, Hát bắt chài, Hát kể chuyện. Nhiều thể loại liên quan đến tín ngưỡng như đọc hát trong các nghi lễ tôn giáo: Đọc và hát kinh trong nghi lễ, Hát kể sự tích các thần. Trong những năm qua, nhiều nhà khoa học, các nhạc sĩ đã sưu tầm, nghiên cứu, lặn lội đi ghi âm, ký âm để bảo tồn âm nhạc dân gian Chăm, nhiều nhạc sĩ đã sáng tác những tác phẩm mới dựa trên những cung bậc, âm hưởng Chăm và đã gặt hái nhiều thành công. Tuy nhiên cũng có những tác phẩm viết về người Chăm và vùng đất cư trú của đồng bào Chăm, mang tên Chăm nhưng nghe khá xa lạ với âm hưởng Chăm. Mục đích bài viết này nhắm đến việc bảo tồn và phát huy hơn nữa nghệ thuật dân gian Chăm nói chung, âm nhạc dân gian Chăm nói riêng

Từ khóa: di sản âm nhạc, âm nhạc dân gian Chăm, bảo tồn và phát huy.

 Lời mở

Dân tộc Chăm là một trong 54 dân tộc ở Việt Nam, có nền văn hóa đặc sắc và có nhiều giá trị quý báu. Trong bức tranh tổng thể của nền văn hóa Việt Nam có sự đóng góp của văn hóa Chăm, tạo nên sự đa dạng trong thống nhất của văn hóa Việt Nam. Trong quá trình phát triển của mình, văn hóa Chăm có nhiều lớp chồng xếp lên nhau, mặc dù ngay từ khi lập quốc, người Chăm đã tiếp nhận nhiều tôn giáo có nguồn gốc Ấn Độ như Bàlamôn giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo và muộn hơn là Hồi giáo, nhưng lớp văn hóa bản địa nằm trong cơ tầng văn hóa Đông Nam Á vẫn chiếm giữ một vị trí quan trọng, là những yếu tố bản địa hóa các lớp văn hóa tôn giáo. Mặt khác, quá trình hình thành và phát triển chung trong cộng đồng các dân tộc, văn hóa Chăm ảnh hưởng đến văn hóa các dân tộc cộng cư, cận cư và ngược lại cũng chịu ảnh hưởng văn hóa của các dân tộc ấy. Từ đó hình thành nên một văn hóa Chăm đa dạng, phong phú, là một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, đa sắc màu và có sức hấp dẫn lạ kỳ. Những năm qua, các ngành chức năng và các nhà khoa học, các nhạc sĩ đã có nhiều công lao trong việc sưu tầm, nghiên cứu, ghi âm, ký âm để bảo tồn di sản âm nhạc dân gian Chăm. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được là cơ bản, vẫn còn đó những hạn chế cần khắc phục để bảo tồn và phát huy hơn nữa di sản văn hóa âm nhạc dân gian quý báu này.

1. Khái lược về âm nhạc dân gian Chăm

Âm nhạc dân gian Chăm luôn gắn chặt với múa trong các nghi lễ dân gian và nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng. Với nguồn gốc văn hóa bản địa, khi người Chăm tiếp nhận tôn giáo Bàlamôn đã diễn ra quá trình tiếp biến văn hóa Ấn Độ, trong đó có nghệ thuật âm nhạc. Cùng với một số dân tộc ở Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, hệ thống nhạc cụ của người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang có nhiều nét tương đồng với một số nhạc cụ của các dân tộc ở Indonesia. Các làn điệu dân ca Chăm có những nét riêng, trong đó đã từng có nhạc cung đình, nhạc lễ và các làn điệu hát trong sinh hoạt đời thường.

1.1. Hệ thống nhạc cụ cổ truyền

Hệ thống nhạc cụ Chăm phong phú, đủ các bộ cho một dàn nhạc. Nhờ duy trì và bảo tồn được kho tàng lễ hội, cho đến nay hệ thống nhạc cụ truyền thống của người Chăm còn được bảo tồn khá phong phú bao gồm: bộ gõ – trống ginơng, trống baranưng, hagar praung (trống chầu lớn), hagar sit (trống loại trung bình), ceng (chiêng); bộ hơi – kèn Saranai, tù và (ốc biển), raklaiy (kèn bầu); bộ dây – kanhi (đàn hồ mai rùa), kaping, chămpi.

Số lượng nhạc cụ của người Chăm không nhiều, song từng loại nhạc cụ khi kết hợp lại thành dàn nhạc có thể diễn đạt được nhiều loại âm thanh cao thấp khác nhau, nhiều loại giai điệu khác nhau, phù hợp với tính chất của từng nghi lễ, từng hội hè.

Saranai

Là nhạc cụ thổi bằng hơi, cấu trúc gồm ba phần gắn liền nhau: phần chuôi (gali) làm bằng đồng, bên trong có gắn lưỡi gà bằng lá buông, dùng để thổi; phần thân (rup), làm bằng gỗ, đục rỗng bằng lỗ chính phía trên và một lỗ phụ ở phía dưới để điều khiển các nốt nhạc; phần thứ ba là loa kèn, làm bằng gỗ quý, sừng trâu hoặc ngà voi, ruột rỗng. Đây là phần phát ra âm thanh. Năm âm chính tượng trưng cho năm ngũ quan của con người, tương đương với năm nốt: đô, rê, pha, xon, la. Kèn saranai được coi như là phần đầu của cơ thể người.

Ginơng

Đây là loại trống dài hình trụ, thường biểu diễn bằng cặp đôi để nghiêng nằm chéo nhau. Thân trống thường làm bằng gỗ lim, khoét rỗng bên trong, dài khoảng 0,70m, hơi phình ở giữa. Hai mặt trống căng da, mặt nhỏ căng da dê, đường kính 0,24m, mặt này người Chăm gọi là Cang (mặt dương), vỗ bằng tay có hai âm chính: “tớ”, “tìn”. Mặt lớn còn lại căng da trâu, đường kính 0,28m, mặt này là mặt chính của trống, người Chăm gọi là Bam (mặt âm) có hai âm chính: “dìn”, “gleng” và đánh bằng dùi gỗ hơi cong hình lưỡi liềm. Trống này tượng trưng cho đôi chân của người Chăm.

Baranưng

Đây là loại trống tròn, bịt da một mặt, đường kính khoảng 0,45m. Mặt trống bịt da trâu, thân trống bằng gỗ. Xung quanh thân trống đục 12 lỗ, mỗi lỗ được giữ chặt bằng mỗi con nêm và có quấn dây mây xung quanh. Đây là bộ phận tăng giảm của âm thanh và nốt nhạc của trống. Trống có ba âm chính: “tăm”, “tắc”, “tằm”. Trống baranưng được coi là vật thiêng, là vật tổ của thầy Mưdwơn – thầy chủ trì cúng lễ như hệ thống lễ hội Rija… Trống được vỗ ở tư thế ngồi, đặt trống vào đùi, ôm sát vào ngực và dùng hai tay vỗ vào mặt trống. Trống baranưng được người Chăm xem như biểu trưng cho lồng ngực và bụng, là biểu hiện cái tâm của con người.

Ba nhạc cụ trên được coi là những nhạc cụ cơ bản, biểu tượng cho ba phần của cơ thể người gồm: đầu, bụng và chân. Những loại nhạc cụ này luôn hiện diện và gắn bó chặt chẽ trong dàn nhạc truyền thống được diễn tấu tại các lễ hội Chăm.

Kanhi

Kanhi giống như đàn nhị, hộp cộng hưởng được làm bằng mai rùa. Trong bộ nhạc cụ của tộc người Chăm, đàn kanhi là một nhạc cụ đơn chiếc vì nó không đi chung với bất cứ loại nhạc cụ nào trong các lễ, trừ người hát lễ và tiếng vỗ tay khi có múa lễ. Kanhi là loại đàn kéo có hai trục lên dây bằng gỗ, giống như cần đàn hồ, đàn gáo vậy. Đàn thường được trạm trổ và trang trí bằng các tua màu đỏ ở cần đàn. Dây đàn bằng nhợ chắc (sợi bện) hoặc bằng cước. Cung kéo đàn bằng mây, sợi dây trương cung bằng đuôi ngựa, bầu đàn bằng mai con rùa. Mai rùa lớn hay nhỏ sẽ tạo nên đàn kanhi praung (hồ) hay hoặc kanhi Sit (nhị). Kanhi chủ yếu dùng để đệm giọng cho ông Ka-Thành hát lễ. Trước khi sử dụng đàn phải được xông trầm và làm phép để “khai từ”.

Rabap

Cũng tương tự cùng họ với đàn kanhi nhưng chỉ được sử dụng đơn chiếc. Rabap vừa là vật tổ môn phái của thầy Kadhar – thầy tín ngưỡng dân gian Chăm thờ thần mặt trời – sử dụng chủ yếu là để hòa âm với các bài thánh ca, ca ngợi các vị thần trên trời ở lễ hội như: lễ cúng tế thần linh Pwis, Payak. Cả hai loại đàn này đều có hai âm chính là “kò” và “kí”. Khi diễn tấu thầy Kadhar phải ngồi xếp bằng đặt tay lên đùi, tay phải kéo cánh cung, tay trái điều khiển nốt nhạc.

Trong các loại nhạc cụ chính nêu ở trên, nhạc cụ Chăm còn một số nhạc cụ nữa như: chiêng (ceng), tù và (sơng), trống hagar (trống cái), lục lạc (grong), đàn kaping sáu dây, khèn raklaiy… nhưng các loại nhạc cụ này không quan trọng bằng trống ginơng, baranưng, kèn saranai và đàn kanhi, rabap.

Âm nhạc Chăm có tiết tấu rất phong phú. Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận đã sưu tầm, ký âm và thống kê được 75 điệu trống ginơng, có các tiết tấu nhanh, thuận phách và nghịch phách, sôi nổi bốc lửa nhưng cũng có những tiết tấu chậm, trữ tình, thậm chí rất buồn.

1.2. Dân ca

Người Chăm đang lưu giữ một kho tàng dân ca với những làn điệu, cung bậc có sự ảnh hưởng đến các làn điệu nhạc dân gian Nam Trung bộ và cả Nam bộ với những làn điệu, cung bậc có nhiều thang bậc có những nét riêng. Nhiều điệu hát trữ tình, đằm thắm như Thei mai (ai đến phía xa), Nit lo, Laik di phik, hay những làn điệu như Dauh dam dara (hát đối đáp), các loại ariya, hát ru đều mang những âm hưởng trữ tình, đặc sắc. Kho tàng âm nhạc nghi lễ gồm: nhạc lễ và hát lễ được các tu sĩ Bàlamôn lưu truyền và hát ở các nghi lễ. Mặc dù vậy, do sống tập trung, nên dân ca của người Chăm đến nay vẫn còn nhiều nét mộc mạc, mang đậm tính truyền thống của thuở ban đầu. Dân ca Chăm gồm các thể loại:

– Hát ân tình (Dauh mưyut), là loại hát phổ biến nhất, do một người hoặc nhiều người cùng tham gia. Họ hát trong lúc đi lấy nước, trong lúc giã gạo hay làm các công việc thuần túy khác. Nội dung đậm tính tự sự diễn tả chính tâm trạng của người hát, hoặc với những người cùng hát.

– Hát giao duyên (Dauh dam dara), thường thì một trai và một gái hát với nhau, nhưng cũng có khi nhiều đôi trai gái cùng hát. Nếu ở hát ân tình có nhiều cung bậc, sắc màu về giai điệu thì hát giao duyên chỉ cần một nét giai điệu là có thể thực hiện được cuộc hát, người hát phải đặt lời trên nét giai điệu đó. Hát giao duyên có nhiều bài như: Người tình ơi, Để tâm, Về với anh, Thương thật tình… thể hiện được nhiều cung bậc tình cảm khác nhau. Hát giao duyên không có nhạc cụ phụ họa. Ngày xưa lối hát này chỉ dùng cho nam nữ thanh niên thổ lộ tình cảm với nhau. Ngày nay cũng có thể hát được trong lúc sinh hoạt vui chơi.

– Hát bắt chài (Dauh mưk jal), là lối hát phổ biễn nhưng có tính ngẫu hứng cao. Người hát vừa hát vừa vỗ trống baranưng để tạo nên một không khí sôi động. Nội dung hát bắt chài vô cùng phong phú, nó lan tỏa rộng rãi trong các sinh hoạt văn hóa của người Chăm. Ở loại hát này có bài ca rất dài kể về sự tích Cá ăn thịt người.

– Hát kể chuyện (ariya), là hình thức hát trường ca theo dạng kể chuyện, hát lối bằng thơ và có một kho tàng các làn điệu hát ru. Trong đó những bài bản thuộc thể loại âm nhạc nghi lễ được các tu sĩ Balamôn lưu truyền và diễn tấu ở các nghi lễ, có nguồn gốc tôn gíáo Balamôn từ Ấn Độ xa xưa. Hát ariya giống với kiểu ngâm thơ của người Việt, và có phần nào giống với kể khan của người Êđê. Người hát ngâm ngợi trên giai điệu chậm rãi vẻ trầm tư, lời ca là một bài thơ, một sự tích để kể về người xưa có tính sử thi. Người hát người nghe cùng hòa quyện thâu đêm. Nhiều câu chuyện mang tính giáo dục hướng thiện cao. Người Chăm có những câu chuyện rất dài như chuyện kể về hoàng tử Dewa Mưno. Đây là bài thơ Chăm dài tới 900 câu. Có những câu chuyện mang chất anh hùng, chất bi kịch xen lẫn tính trữ tình như chuyện kể về người anh hùng vượt sóng to gió lớn ra đi chiến đấu để lại nơi quê nhà một người vợ trẻ đẹp. Với cách nhấn nhá trong hát kể, người nghe như được trở về quá khứ sống và hòa vào không gian, thời gian cùng với nhân vật. Ngoài giá trị nghệ thuật cao, nội dung hát kể còn mang tính lịch sử.

Người Chăm ở Ninh Thuận có kho tàng dân ca phong phú. Về hát dân ca thể loại ariya phải kể đến các ariya Bini – Cam, ariya Cam – Bini. Hai ariya trên nói về tình yêu giữa những đôi trai gái Chăm khác đạo và được hát kể bằng những giai điệu bi ai, sầu thảm:

Chăm – Bàni đâu xa

Cùng màu da, cùng dòng máu

Chăm – Bàni đâu khó

Cát lồi chung hạt, nước chung nồi

Chăm lấy Bàni được thôi

Ai rằng chẳng được, tội người ấy mang.

Trong suốt quá trình tồn tại của hai tôn giáo lớn (Bàlamôn và Bàni), cuộc tình của những người khác đạo luôn luôn xảy ra và kết thúc bằng những bi kịch21. Sau những chuyện hát thơ ariya Bini – Cam, ariya Cam – Bini, còn có những tác phẩm chuyện thơ trữ tình, những tác phẩm này ra đời muộn hơn và đã có sự vay mượn tiếng Việt như các tác phẩm: ariya Mưyut, dài 29 câu lục bát; ariya Nưsak Asaih, dài 87 câu lục bát; ariya Po Thiên dài 44 câu và ariya Kei Oy dài 93 câu lục bát. Đây là những bài ca về những chuyện tình buồn. Ariya Glơng Anak có độ dài 96 câu, là thi phẩm xuất sắc nhất trong dòng văn học cổ điển Chăm.

Trong kho tàng dân ca Chăm, phải kể đến những bài dân ca về tình yêu đôi lứa, những bài mang âm hưởng buồn nhớ da diết như: Thei mai (ai đến phía xa), Bengu adai (Boùng em), Koh bu hepah (Caét toùc theà), Anit loâ (Nhôù ai), Ai nhu lôi (Ngöôøi tình ôi), Thardok mwjoa (Coâ ñôn),…

Thei mai mưng deh thei o

Drơh phik kơu lo yaum sa urang

Caik tian mưng asit tơl praung

Bbuk pauh di raung hu ka urang

Caik tian mưng asit đih đang

Mai hu ka urang wan lo lingik

Ai về từ phía xa kia

Dáng đi như dáng người mà tôi thương

Thương từ bé tới lớn khôn

Rồi em lại đến với vòng tay ai

Thương em từ lúc còn nằm ngửa tóc xõa bờ vai

Em vào tay ai rồi? Ơi hỡi cả một trời oan khiên.

Đọc hát trong nghi lễ

– Đọc kinh: là những bài kinh, bài sớ được hát trên một giai điệu dùng trong tế lễ. Đọc kinh do ông thầy cả sư hay phó cả sư đảm nhiệm. Đọc kinh là để cho linh hồn người chết được siêu thoát. Riêng trường hợp đọc kinh trong lễ làm sạch đất (tẩy uế đất) có hơi khác. Đó là: trước hoặc sau khi đọc, hay giữa trường canh có một ông thầy thổi Tù Và một hơi dài để xua đuổi tà ma.

– Hát kể sự tích các thần, có trong nghi thức tế lễ của người Chăm như trong các lễ Rija Nưgar, Rija Praung, Rija dayơp, Rija Harei… Ông thầy vỗ vừa hát vừa vỗ trống baranưng hòa trong âm hưởng đệm của dàn nhạc truyền thống dân tộc Chăm. Ông thầy vỗ hát lúc to, lúc nhỏ tạo nên một tính chất huyền bí trong nội dung câu chuyện. Trong lễ Rija Nưgar, nội dung các bài hát thường là hát mời và kể về công lao, sự tích của các thần như Po Bin Swơr (Po Pataw), Po Dam, Po Cei Dalim, Po Cei Tathun, Po Klaung Girai, Po Bia Chwai, Po Tang, Po Riya, Po Tang Ahauk, Po Cei Sit, Po Gahluw, Po Cei Praung, Po Nai, Po Inư Nưgar, các vị thần chung và thần làng. Nội dung của các tích truyện đều được diễn tả bằng thể thơ Chăm và thể hiện trên cùng một mô-típ giai điệu.

Nhìn chung lời hát trong dân ca của người Chăm đều dựa trên cấu trúc của thơ Chăm. Như vậy nội dung biểu cảm cũng đa dạng và giàu màu sắc. Tính trữ tình man mác buồn là đặc điểm cơ bản của dân ca Chăm. Về cấu trúc các bài dân ca thường có khúc thức đơn giản, gần với của ca khúc. Tính hình tượng được khắc họa rõ nét, chính vì thế mà nó góp phần khơi dậy tâm tư thầm kín những hoài niệm về quá khứ của con người của dân tộc.

2. Một số vấn đề cần quan tâm trong việc bảo tồn và phát huy âm nhạc dân gian Chăm.

2.1. Công tác sưu tầm nghiên cứu

Ngay sau năm 1975, Viện Âm nhạc và Múa đã tiến hành về vùng đồng bào Chăm sưu tầm, nghiên cứu, thu thập tư liệu về nghệ thuật dân gian Chăm. Nhưng do những năm đó còn nhiều khó khăn về đi lại, phương tiện kỹ thuật nên số lượng và chất lượng sưu tầm âm nhạc dân gian Chăm còn nhiều hạn chế. Năm 1992, sau khi tái lập tỉnh Ninh Thuận, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm (tiền thân là Trung tâm Văn hóa Chàm được thành lập từ năm 1968) được thành lập. Các nhạc sĩ có điều kiện sưu tầm nghiên cứu hơn. Trung tâm Văn hóa Chăm đã tiến hành cho một số nhạc sĩ đi sưu tầm nghiên cứu nhưng cũng chưa được nhiều. Thành tựu chính là ký âm được 75 điệu trống Ginơng và một số bài dân ca. Nhưng cho đến nay, còn nhiều làn điệu dân ca, dân vũ chưa sưu tầm, khai thác hết, trong khi các nghệ nhân ngày càng lớn tuổi. Nhiều người đã ra đi mang theo di sản văn hóa quý báu từ ngàn xưa để lại.

2.2. Công tác phát huy nghệ thuật dân gian Chăm.

Năm 1994, Đoàn nghệ thuật bán chuyên Chăm tỉnh Ninh Thuận được thành lập trên cơ sở tuyển chọn các nghệ nhân người Chăm ở các palei Chăm. Đến năm 2000, Đoàn được đổi tên thành Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm. Việc thành lập một đoàn nghệ thuật dân gian hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hóa đã nâng cao rất nhiều giá trị nghệ thuật dân gian. Nhiều chương trình, tiết mục âm nhạc dân gian Chăm đạt giải cao trong các liên hoan, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhiều nhạc sĩ đã sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian Chăm để sáng tác những tác phẩm âm nhạc mới. Điển hình là nhạc sĩ người Chăm A Mư Nhân với những ca khúc đã được khẳng định như Làng Chăm ơn Bác, Tiếng trống hội Ka Tê, Apsara – vũ nữ Chăm, v.v…; nhạc sĩ Vi Nhật Tảo với ca khúc Hát từ biển khơi; nhạc sĩ Bá Lân với ca khúc Đất nung; nhạc sĩ Phan Quốc Anh với các ca khúc Câu chuyện lửa tình yêu, Tháp Nắng…; nhạc sĩ Hoài Sơn có ca khúc Bến sông trăng… Rất tiếc là còn thiếu vắng những tác phẩm khí nhạc. Chỉ có nhạc sĩ A Mư Nhân viết bản hòa tấu nhạc cụ Chăm Mư sum ta bang (Đoàn kết).

Bên cạnh đó, cũng có những nhạc sĩ viết nhạc múa và ca khúc về dân tộc Chăm, cho Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm Ninh Thuận và một số Đoàn Nghệ thuật chuyên nghiệp với phần lời về Chăm nhưng phần nhạc không mang âm hưởng Chăm. Đây là một hiện tượng khá phổ biến. Trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng viết về các dân tộc Tây Nguyên, về dân tộc Raglai, Êđê, Chăm.

3. Một vài suy nghĩ và đề xuất về bảo tồn và phát huy âm nhạc dân gian Chăm.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em và đều có di sản âm nhạc dân gian. Trong đó, âm nhạc dân gian Chăm chứa đựng nhiều thành tố văn hóa nội sinh và văn hóa ngoại sinh qua quá trình tiếp xúc văn hóa Đông Nam Á và văn hóa Ấn Độ. Âm nhạc dân gian Chăm có gam màu khá riêng biệt, độc đáo, chứa đựng chiều sâu tâm hồn của một dân tộc có bề dày lịch sử đã từng phát triển rực rỡ. Trong những năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã có nhiều công lao sưu tầm, nghiên cứu và phổ biến các tác phẩm nhạc dân gian Chăm. Để bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa, xin có một vài kiến nghị như sau

3.1. Tiếp tục sưu tầm nghiên cứu.

Các cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc như Học viện Âm nhạc ở Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh cần có kế hoạch sưu tầm, nghiên cứu cụ thể hơn nữa và đúc kết những giá trị âm nhạc trong kho tàng di sản âm nhạc dân gian Chăm. Từ đó xuất bản những công trình khoa học âm nhạc để lưu giữ và phát huy trong chương trình bảo lưu vốn văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam.

3.2. Đưa âm nhạc dân gian vào chương trình giảng dạy trung học cơ sở

Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận đang thực hiện đề tài Đưa âm nhạc dân gian Chăm vào giảng dạy cấp Trung học cơ sở vùng đồng bào Chăm. Đây là một dự án rất khả thi và rất có ý nghĩa trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam. Đề nghị triển khai dự án này cả ở những địa phương có đồng bào Chăm sinh sống như Bình Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, An Giang.

3.3. Tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn và sáng tác về văn hóa Chăm.

Hiện nay, Ngày Hội Văn hóa Chăm đã được Bộ VHTTDL tổ chức định kỳ bốn năm một lần. Đây là dịp để các tỉnh có đồng bào Chăm sinh sống gặp gỡ, giao lưu, thể hiện vốn văn hóa truyền thống, trong đó có âm nhạc dân gian. Ban Giáo khảo Liên hoan cần có những nhạc sĩ, biên đạo múa có hiểu biết về vốn nghệ thuật âm nhạc và múa dân gian Chăm, để nhận biết được các cung bậc, giai điệu, âm hưởng có thật sự là folklore hay là fakeklore (giả dân gian).

Lời kết

Âm nhạc dân gian là nguồn sữa quý báu của các dân tộc. Cung bậc, điệu thức, âm hưởng của âm nhạc dân gian của mỗi nét mặt riêng của dân tộc, để cho chúng ta nhận ra đó là ai. 54 dân tộc anh em là 54 gam màu khác nhau, vừa tương đồng về âm nhạc phương Đông, vừa dị biệt bởi quá trình lịch sử khác nhau hình thành nên những âm hưởng dân gian đó. Việc bảo tồn và phát huy hơn nữa bầu sữa âm nhạc dân gian là rất cần thiết. Và đó là nhiệm vụ của các nhạc sĩ chúng ta.

Ninh Thuận, 5/2022

Tài liệu tham khảo

1. Phan Quốc Anh: Đôi nét ảnh hưởng của tôn giáo Ấn Độ với văn hóa Chăm Bàlamôn Ninh Thuận. 2001, tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 9 (2007).

2. Phan Quốc Anh: Giáo trình văn hóa Chăm. Nxb Đại học Quốc gia, 2019).

3. Phan Xuân Biên (chủ biên): Người Chăm ở Thuận Hải. Sở Văn hóa – Thông tin Thuận Hải, 1989.

4. Ngô Văn Doanh: Văn hóa Chăm Pa. Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1994.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN