Thứ Bảy, Tháng Mười 19, 2024
Trang chủ Blog Trang 89

Nhạc sĩ Doãn Nho

0

Nhạc sĩ Doãn Nho sinh ngày 1 tháng 8 năm 1933, quê làng Cót, xã Yên Hòa, Từ Liêm, Hà Nội, hiện cư trú tại quận Đống Đa, Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học ở Nhạc viện Kiev ngành sáng tác lý luận (1962-1964) và đạt học vị Tiến sĩ nghệ thuật học tại đây (1973-1980). Đại tá Quân đội, vừa sáng tác thanh nhạc, vừa sáng tác khí nhạc, đồng thời là một nhạc sĩ nghiên cứu.

Tháng 5 năm 1945, tham gia Đội Thiếu niên cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, tuyên truyền vận động trong thiếu nhi, dạy hát các bài ca cách mạng. Năm 1946, tham gia Đội Tuyên truyền lưu động Bắc Giang.

Năm 1948, ông vào Đội Tuyên truyền xung phong Vĩnh Yên, năm 1950, nhập ngũ, học Trường Lục quân Việt Nam khóa 6.

Năm 1951, về Đội Văn công của Trường Lục quân, nhạc công đàn violon và sáng tác những ca khúc đầu tay như Bà mẹ nuôi, Tiến lên theo gương La Văn Cầu

Tháng 10-1954, về Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, viết bài hát Vui giải phóng được sử dụng làm tiết mục biểu diễn của Đoàn, thu thanh trên làn sóng. Những tác phẩm sau này như hợp xướng Sóng Cửa Tùng, Chiếc khăn rơi, Tiến bước dưới Quân kỳ, định hình phong cách sáng tạo của ông và được công chúng rộng rãi biết đến.

Năm 1965, viết ca cảnh Lá đơn tình nguyện (kịch bản Kim Tiến, Quốc Bảo) năm 1966 – Quả bom câm, Tây Nguyên mừng đón thơ Bác, Bài ca Kpakơlơn, Tây Nguyên chiến thắng; năm 1972 – Người con gái sông La: năm 1971 – Năm anh em trên một chiếc xe tăng (thơ Hữu Thỉnh), Bài ca dân quân tự vệ Thủ đô (lời Xuân Thiêm, Huy chương Vàng Hội diễn toàn quốc năm 1972), Thần tốc, Mùa xuân (Huy chương Vàng Hội diễn toàn quốc năm 1985). Doãn Nho còn viết nhạc cho kịch nói, hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng, thanh xướng kịch Trẩy hội đền Hùng (Giải Nhất Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1995), và một số tác phẩm khí nhạc, Giao hưởng số 1 Tháng Tám lịch sử (Huy chương Vàng Hội diễn toàn quốc năm 1985), Thơ giao hưởng số 2 Thánh Gióng (1984), Khúc tưởng niệm cho giọng soprano và dàn nhạc (Giải thưởng Bộ Văn hóa – Thông tin), Concertino cung la thứcho violon và dàn nhạc. Ngoài ra ông còn viết một số tiểu luận về âm nhạc.

Đã xuất bản: Tuyển tập Sóng Cửa Tùng (Nxb.Âm nhạc, 1973), tập bài hát Lời ru xanh (Nxb. Âm nhạc DIHAVINA, 1994), kèm theo băng cassette tác giả.

Với đóng góp của mình, nhạc sĩ Doãn Nho đã được tặng Giải thưởng nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2001), Huân chương Độc lập hạng Ba (1976), Huân chương Chiến thắng hạng Ba (1954), Huân chương Chiến công hạng Ba (1969), Huân chương Lao động hạng Ba (1958), 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Ba, Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam và nhiều giải thưởng khác do các tổ chức Trung ương và địa phương trao tặng.

Nhạc sĩ Hồng Đăng

0
Nhạc sĩ Hồng Đăng

Ông đã là Phó Tổng Thư kí Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá 4 và 5, Tổng Biên tập tạp chí Âm nhạc và tạp chí Thế giới âm nhạc.

Ông còn là hội viên Hội nhà báo Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Văn nghệ Hà Nội, Uỷ viên Ban chấp hành Hội giao lưu văn hóa Việt-Nhật, Uỷ viên Uỷ ban quốc gia Thập kỉ phát triển văn hoá quốc tế.

Ông sáng tác rất sớm, từ thập kỉ 50 khi còn là học sinh kháng chiến ở Liên khu 4 (ca khúc Nắng về Tây Bắc, Nhớ ơn Cụ Hồ, Đời học sinh). Sau hoà bình lập lại 1954 ông học lớp sáng tác đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam.

Ông viết một số ca khúc nổi tiếng như Đường ta đi có nắng mặt trời, Quà tháng Năm dâng Bác, Giữa mùa sa nhân, Tổ quốc tôi trên mười năm đã lớn và một số tác phẩm khí nhạc. Măm 1960 viết hợp xướng Lửa rực cháy, năm 1964 viết thanh xướng kịch Sông Hồng ngàn năm reo hát, năm 1972 viết hợp xướng 5 chương Đêm lửa Trường Sơn.

Ông còn viết nhạc cho nhiều bộ phim, nhiều ca khúc trong phim đã được quần chúng đón nhận và trở thành ca khúc độc lập như Hoa sữa, Không gian xanh. Người mẹ và thành phố biển, Lênh đênh, Biển hát chiều nay.

Ông đã được Giải thưởng nhà nước về Văn học-Nghệ thuật đợt 1 năm 2001.

Hồ Hữu Thới – Giọng nhạc Nghệ mới

0

Tôi gặp Hồ Hữu Thới lần đầu vào mùa thu 1985. Khi ấy, có cuộc Hội diễn ngành Thương nghiệp ở Vinh.

Tôi mang đến Hội diễn “gánh hát” của cửa hàng may mặc số 5 Điện Biên – Hà Nội. Thi thố xong, tôi ở lại Vinh chơi với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Trong một cuộc nhậu ở nhà Phan Hồng Khánh (ở Vinh thường gọi là Khánh Tây vì là lai Pháp), Tạo giới thiệu với tôi về Hồ Hữu Thới “nhạc sĩ quê hương”. Thới cười – nụ cười rất lành.

Thời đó, rượu Tây còn khan hiếm. Hai chai vốt-ka Ba Lan tôi kì cạch mang từ Hà Nội vào có lẽ cũng gây được cảm giác lạ cho các chàng nghệ xứ Nghệ. Hơi men nồng dần, ai đó đề nghị, vậy là Thới hát, Tạo phụ họa theo: “Ai đi xa tới nơi núi cao biển rộng / Chợt nghe câu hát quê hương / Có thêm thiết tha yêu quê mình / Núi Hồng và dòng sông Lam…”. Khánh Tây ghé tai tôi: “Ca khúc của Thới đấy. Tạo làm lời”. Hay và lạ.

Tới lúc đấy, tôi chưa thấy nhạc sĩ nào “chơi” ví dặm mà lại “dìm” âm hưởng Nghệ lùi xuống một khoảng tám đúng như Thới. Vốn đã mê ví dặm từ thời chiến tranh, gặp Tạo rồi gặp Thới, tôi càng mê đắm hơn. Ấn tượng ban đầu khiến tôi nhiều cảm tình với Thới. Sau này, đi lại Vinh nhiều lần, tôi càng hiểu “giọng nhạc Nghệ mới” của Hồ Hữu Thới và hiểu sự lặng lẽ dâng hiến cho quê hương những sáng tạo âm nhạc đậm chất “bản xứ” của anh.

Hồ Hữu Thới vào học trung cấp sáng tác âm nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam ở Hà Nội năm 1964. Tốt nghiệp trung cấp lại học tiếp đại học đến khi ra trường là năm 1971. Ai mê Hà Nội là có thể tìm cách trụ lại được. Thới thì ngược lại. Khao khát của anh là mang cái “vốn âm nhạc” có được về quê hương xứ Nghệ, đi “tìm cái nửa cho riêng tôi, tìm câu hát cuộc đời… khát khao làm mới câu ví, điệu hò xứ sở” như anh từng tự bạch.

“Câu hát quê hương” với lời của Nguyễn Trọng Tạo, đã khiến Hồ Hữu Thới tự tin khi trình làng với xứ Nghệ cái riêng của mình sau biết bao những “Tiếng hò trên đất Nghệ An” (Tân Huyền), “Tiếng hát sông Lam” (Đinh Quang Hợp), “Trông cây lại nhớ đến Người” (Đỗ Nhuận)… Thới và Tạo sau đó lại đưa ra “Xôn xao trời nước quê mình”. Lại thêm một đặc sản đặc chất Nghệ nhưng cũng rất mới mẻ “giọng nhạc Nghệ mới”. Chơi với nhau, cái chất của nhau ngấm sang nhau, cộng hưởng với nhau và làm mới lên từng người.

Từ sau khi Nguyễn Trọng Tạo nổi tiếng với “Làng quan họ quê tôi” (thơ Nguyễn Phan Hách) và nhất là cuộc định cư ở Huế 10 năm, cặp bài trùng chỉ còn thân thiết ở sự truyền lửa, truyền ý tưởng. Tất nhiên, trong sự nghiệp sáng tác ca khúc, ngoài cặp bài trùng, người nhạc sĩ vẫn phổ những bài thơ hay của các tác giả khác khi mình bắt gặp. Hồ Hữu Thới cũng không là ngoại lệ. Anh phổ thơ Hải Như, Đặng Hồng Thiệp, Mường Mán, Cát Vận … Cho đến khi Hồ Hữu Thới lại có cuộc “phải lòng” với thơ của Hồ Xuân Hùng. Nhưng cuộc “phải lòng” này có những “thực tế” phải vượt qua. Cái khó cho Hồ Hữu Thới vì lúc ấy Hồ Xuân Hùng lại đang đương nhiệm chức Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, còn Hồ Hữu Thới là giám đốc Sở văn hóa – Thông tin. “Phải lòng” gì thì “phải lòng”.

Lơ mơ là “tình ngay lý gian” ngay. Sẽ có người nhìn nhận không mấy “vị nghệ thuật” là ông nhạc sĩ này làm nhạc “nịnh xếp”. Vậy mà Hồ Hữu Thới đã vượt qua bằng bản lĩnh âm nhạc đích thực của mình. Hồ Hữu Thới phổ thơ Hồ Xuân Hùng “Vinh thành phố nghĩa tình”, “Vui tết cùng lính đảo”, “Mưa đêm thành Vinh”, “Sông Hương bến đợi”, “Kiên Giang một thời để nhớ”, “Tây Nguyên ơi hãy nổi trống lên”, “Nếu Hà Nội không có mùa đông”… Vẫn thấy ở đấy chẳng có nốt nhạc “nịnh” nào cả. Vẫn là chất cấu trúc chắc chắn. Vẫn là chất lạ hóa bất ngờ giai điệu. Vẫn là chất Nghệ luồn trong cảm xúc dù ở ngoài xứ Nghệ như xứ Huế, Kiên Giang, Tây Nguyên, Hà Nội. Nếu Hồ Hữu Thới không vượt qua những “xầm xì này nọ”, chắc chắn sẽ không có được chùm ca khúc khẳng định sự nghiệp của mình như thế. Bằng bản lĩnh của mình, với chất liệu ví dặm, Hồ Hữu Thới là một trong không nhiều nhạc sĩ có nhiều ca khúc viết về Bác Hồ. Đó là “Xôn xao bến cảng nhà Rồng”, “Giọng hò Nghệ”, “Rừng cây của Bác”, “Về Kim Liên nhớ Bác”, “Nhớ về một kỷ niệm”, “Quê hương ngày ấy Bác về”, “Ở làng Sen” (thơ Hải Như), “Chúng con hát về Người”.

Anh viết về tình Việt Lào, về một chiều bên sông Volga. Ca khúc “Chiều Volga” vừa mang đầy âm hưởng Nga, vừa mang đậm chất riêng của Hồ Hữu Thới. Những chuyển điệu bất ngờ làm lấp lánh hơn ánh hoàng hôn trên dòng sông đã có biết bao ca khúc ngợi ca. Một mảng sáng tạo quan trọng bên cạnh sáng tạo ca khúc của Hồ Hữu Thới là mảng viết nhạc cho kịch nói là kịch dân ca. Vở kịch dân ca “Mai Hắc Đế” đoạt huy chương vàng Hội diễn kịch toàn quốc là một đóng góp lớn cho quê hương khi đưa dân ca xứ Nghệ lên sân khấu. Có những Aria trong kịch hát đã đứng riêng thành một ca khúc như “Người con gái ấy” (ca kịch “Mắt Bão”), “Sao chàng sai hẹn” (ca kịch “Tiếng khèn xuân”).

Đóng góp âm nhạc của Hồ Hữu Thới với quê hương suốt hơn 40 năm qua quả là một đóng góp đáng kể. Anh trở thành linh hồn âm nhạc xứ Nghệ đương đại. Đến bây giờ khi đã về hưu, anh vẫn tham gia làm việc với Hội Di sản Việt Nam và vẫn liên tục sáng tác âm nhạc. Một cuộc “phải lòng” mới giữa Hồ Hữu Thới với nhà thơ Mai Hồng Niên đã tạo ra một loạt ca khúc phổ thơ gần 10 bài, được Nhà hát kịch Dân ca Nghệ An ủng hộ, tạo điều kiện trình diễn vào đêm 12.10.2012 tại Vinh.

Ấn tượng của chùm ca khúc này ở chỗ Hồ Hữu Thới đã “thuần phục” được những ngôn từ thơ khá táo bạo, khá gai góc của Mai Hồng Niên, làm ngời lên vẻ đẹp trữ tình, thuần khiết trong sâu thẳm những ý thơ, tứ thơ của Mai Hồng Niên bằng nhiều tiết tấu nhạc phong phú, trẻ trung và mới lạ. Lại thêm một cột mốc trong sự nghiệp sáng tạo lặng lẽ, không ít thiệt thòi của một nhạc sĩ như Hồ Hữu Thới.

NGUYỄN THỤY KHA

Nhạc sĩ Hoàng Long

0
Nhạc sĩ Hoàng Long

Tốt nghiệp Đại học Trường Âm nhạc Việt Nam. Thường dùng liên danh với người anh em song sinh là Hoàng Lân. Bắt đầu sáng tác từ năm 1957, đã có tác phẩm được phát trên sóng phát thanh và đăng báo. Tác phẩm Hoàng Long-Hoàng Lân phần lớn cho lứa tuổi thiếu nhi, trong đó có hàng trăm ca khúc được xuất bản, được đăng báo, giới thiệu trên sóng phát thanh và truyền hình, in đĩa thu băng, biểu diễn trên sân khấu, đưa vào sách giáo khoa dạy nhạc ở trường phổ thông. Âm nhạc viết cho thiếu nhi của ông trong sáng, hồn nhiên, dễ thuộc, dễ nhớ, được thiếu nhi yêu thích cho nên trong nhiều năm ông đã được UB b ảovệ và chăm sóc trẻ em VN, UB Thiếu niên nhi đồng TƯ, Bộ Giáo dục, UNICEF tặng giải thưởng. Ông viết sách dạy nhạc cho trường phổ thông, viết báo về các vấn đề âm nhạc. Từ 1961 đến 1979 tham gia giảng dạy âm nhạc tại Trường Cao đẳng Nhạc-Hoạ và Nhạc viện Hà Nội. Từ 1974 ông làm công tác nghiên cứu về sư phạm âm nhạc phục vụ nhà trường phổ thông tại Viện Khoa học giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhạc sĩ Hoàng Dương

0

Tên khai sinh của ông là Ngô Hoàng Dương, sinh ngày 12 tháng 10 năm 1933, quê ở Từ Liêm, Hà Nội. Công tác tại Nhạc viện Hà Nội, cư trú tại Hà Nội. Là Phó Giáo sư, được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Ông mất năm 2017.

Hoàng Dương là một nhà sư phạm, đồng thời là nghệ sĩ biểu diễn và người sáng tác âm nhạc có tên tuổi. Ông là người có công đầu trong việc xây dựng bộ môn đàn violoncelle và Khoa Đàn dây của Nhạc viện Hà Nội. Ông đã cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy bộ môn violoncelle hơn 40 năm, kể từ những ngày đầu thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam, góp phần đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ đàn violoncelle.

Ông đã viết nhiều tác phẩm cho đàn violoncelle, piano, accordéon, clarinette, oboe…, được biểu diễn và dùng trong giáo trình các khoa của Nhạc viện Hà Nội, như Bài ca không lời (piano), Vũ khúc mùa xuân, Tây Nguyên tươi đẹp (accordéon), sonatine Bài thơ Hạ Long, Hát ru, Giai điệu quê hương, Mơ về trái núi Thiên Thai (cello và piano), tổ khúc Tiếng hát sông Hương (cello và dàn nhạc). Nhiều tác phẩm của ông đã được sử dụng trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam, biểu diễn trên nhiều sân khấu trong và ngoài nước.

Đã được tặng Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam các năm 1993-1996-1997-1998-1999.

Đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt II năm 2007, với cụm tác phẩm: Hát ru (độc tấu violon), Giai điệu quê hương (cho violon và piano), Vũ khúc Hơ Rê, Rhapsodie cho violon Bài ca chung thủy, Poeme Tình yêu biển cả.

Nhạc sĩ Hồ Bắc

0
Nhạc sĩ Hồ Bắc

Ông sinh ngày 8 tháng 10 năm 1930 tại làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh

. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, 15 tuổi đã là cán bộ Việt Minh phụ trách Thiếu nhi tuyên truyền cách mạng.

Sau đó Bắc vào bộ đội và là cán bộ âm nhạc của Văn công sư đoàn 316, Tổng cục Hậu cần

Bài hát Làng tôi được ông viết năm 1949 tại chiến khu Việt Bắc. Gắn liền với hai cuộc chiến tranh, phần lớn các sáng tác của ông thuộc dòng nhạc đỏ như Làng tôi (1949), Bên kia sông Đuống (phỏng thơ Hoàng Cầm – 1950), Gặt tay nhanh (1952), Giữ mãi tuổi xuân (1954), Giữ biển trời Xô viết Nghệ An (1965), Trên đường Hà Nội (1966) Gửi anh chiến sĩ thông tin đảo (1966), Sài Gòn quật khởi (1968), Bên cảng quê hương tôi (1970)…

Từ năm 1956, Hồ Bắc chuyển về Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và làm việc ở đây cho đến khi nghỉ hưu năm 1990. Ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Hồ Bắc đã viết một số hợp xướng như Ca ngợi tổ quốcDáng đứng Việt NamTổ quốc yêu thương. Ông cũng viết nhạc cho các phim truyện, tài liệu và hoạt hình.

Ngoài công việc sáng tác Hồ Bắc còn viết lời giới thiệu cho những chương trình ca nhạc, bình giải các tác phẩm âm nhạc, biên dịch gần 500 ca khúc nước ngoài để phát sóng. Ông là ủy viên Hội Văn nghệ Hà Nội (từ khoá I đến khóa IV), nguyên phó tổng thư ký Hội Văn nghệ Phát thanh Truyền hình. Ông còn tham gia giảng dạy sáng tác.

Bài Làng tôi của ông trùng tên với hai ca khúc cũng rất nổi tiếng khác của Văn Cao và Chung Quân.

Ông được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (1997) và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho Làng tôi, Giữ mãi tuổi xuân, Ca ngợi Tổ quốc (hợp xướng), Sài Gòn quật khởi và Bến cảng quê hương tôi (2001).

Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích

0

Ông sinh ngày 18 tháng 11 năm 1940, quê ở Hà Nội. Từng công tác tại Vụ Giáo dục Phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1962 và làm giáo viên ở Hà Tây. Năm 1973, về Bộ Giáo dục và Đào tạo, là Uỷ viên Thư ký Hội đồng Âm nhạc của Bộ. Ông sáng tác nhiều ca khúc cho thiếu nhi, và góp phần soạn thảo nhiều sách hướng dẫn và giảng dạy môn hát nhạc cho học sinh tiểu học như Sách giáo viên hát nhạc (soạn chung với Nguyễn Minh Toàn)… Ca khúc của ông được sử dụng nhiều trên sách báo, đài phát thanh và truyền hình, băng âm thanh và băng video. Những bài hát đáng chú ý: Rửa mặt như mèo, Em đố mẹ em (cùng Văn Dung), Đưa cơm cho mẹ đi cày, Tiếng chim trong vườn Bác, Em bay trong đêm pháo hoa, Tháng ba học trò, Xinh xinh hạt nắng, Hoa bí vàng (ca cảnh). Ông đã được nhiều giải thưởng về sáng tác ca khúc cho thi (Trích “Nhạc sĩ Việt Nam hiện đại” – Hội Nhạc sĩ Việt Nam

Ngày Tết của thiếu nhi, càng thêm nhớ người nhạc sĩ tài hoa. Ông vừa từ biệt thế giới này để đến an nhiên ở một cõi khác. Một người nghệ sĩ cả đời sống thầm lặng giản dị, ít tuyên ngôn về nghệ thuật, ít xuất hiện nơi đám đông ồn ào, nhưng có đến 4 tác phẩm được nằm trong danh sách 50 bài hát hay nhất của thế kỷ 20 gồm các ca khúc: “Tiếng chim trong vườn Bác”, “Em bay trong đêm pháo hoa”, “Tre ngà bên lăng Bác”, và “Đưa cơm cho mẹ đi cày”. Những bài hát của ông đã gắn với nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam bởi giai điệu âm nhạc đẹp và tính giáo dục, tính thẩm mỹ cao.

Hàn Ngọc Bích suốt đời mình chỉ viết cho thiếu nhi. Chọn một đề tài nhỏ, một ngách nhỏ trong đời sống nghệ thuật bao la, ông chuyên tâm ân cần với công việc của mình dâng cho đời những quả thơm mật ngọt tinh túy nhất. Vào đời là một nhà giáo, Hàn Ngọc Bích rất yêu nghề của mình. Ông thích những buổi đến trường, đứng trước các học trò nơi bục giảng, nói với các em về cuộc đời, truyền dạy các em những tri thức, hiểu biết.

Cơ duyên đến với âm nhạc của ông là trong một lần tình cờ gặp người bạn nhạc sĩ Hoàng Long. Khi ấy, Hoàng Long đã có ca khúc viết cho thiếu nhi được mọi người biết đến. Hàn Ngọc Bích chia sẻ với bạn, ông thích âm nhạc và thích được viết cho các em. Nhạc sĩ Hoàng Long gửi cho Hàn Ngọc Bích những cuốn sách về âm nhạc để ông đọc và tự học nhạc.

Người thầy đầu tiên dẫn dắt nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích đến với âm nhạc chính là nhạc sĩ Mộng Lân. Nhờ có những người tâm huyết chí tình ấy, Hàn Ngọc Bích đã thực sự bước vào con đường sáng tác. Ca khúc đầu tiên của ông có tên “Cây bàng trước ngõ” với lời ca giản dị giàu tính nhân văn. Cũng với ca khúc này, ông viết thêm hai ca khúc khác là “Rửa mặt như mèo”, “Sáo sậu là cậu sáo đen” và ca cảnh “Hoa bí vàng” gửi tham dự cuộc vận động sáng tác ca khúc cho trẻ em của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Ngay từ những ca khúc đầu tiên này, ông đã đạt giải thưởng. Đó là niềm khích lệ, cổ vũ tinh thần rất lớn để ông hăng say gắn bó với đề tài thiếu nhi

Thời chiến tranh, bài hát “Đưa cơm cho mẹ đi cày” của nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích là một ca khúc được yêu thích bậc nhất. Một bài hát vô cùng đẹp về giai điệu, tiết tấu, lời ca thì chứa chan tình cảm gia đình, của người con nhỏ dành cho cha mẹ. Nó còn là câu chuyện lịch sử của một thời kỳ đất nước gian nan giặc giã, những em bé cũng phải tham gia lao động sản xuất cùng mẹ để củng cố hậu phương cho người cha ra trận yên lòng. Vì cấu trúc âm nhạc hoàn hảo, vì tình cảm xúc động chứa trong từng lời ca, mà bài hát “Đưa cơm cho mẹ đi cày” vượt qua giới hạn bài hát của một thời. Nó vẫn luôn là ca khúc được các em nhỏ biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật, chọn để biểu diễn khi tham gia các cuộc thi tuyển chọn giọng hát thiếu nhi.

Nhạc sĩ Trí Minh từng mang bài hát “Đưa cơm cho mẹ đi cày” tham gia chương trình deezay quốc tế với một bản mix mới và khán giả quốc tế rất yêu thích. Một ca khúc khác của Hàn Ngọc Bích “Em bay trong đêm pháo hoa” cũng mang một dấu ấn đặc biệt. Ca khúc viết về ngày hai miền Nam Bắc hoàn toàn thống nhất: 30/4/1975. Ông kể lại kỷ niệm sáng tác bài hát này trong một chương trình nghệ thuật: “Tối 15/5/1975, vợ chồng tôi bế con trai đầu lòng mới một tuổi nô nức đi xem bắn pháo hoa cùng nhân dân Thủ đô.

Hôm đó đông vui lắm. Đó là đêm cả dân tộc ăn mừng chiến thắng. Tôi công kênh con trai trên vai để nhìn pháo hoa đang bùng nở rạng rỡ. “Hoa lưng trời và hoa trong ánh mắt”, đó chính là hoa trong những giọt nước mừng vui hân hoan của hàng triệu người. Mỗi lần chùm pháo hoa bay lên bùng nổ trên bầu trời trong tiếng reo vang trời của mọi người, cậu con trai trên vai tôi lại nhún lên như muốn bay lên. Đêm ấy về, tôi che ngọn đèn trên bàn làm việc để ghi lại những nốt nhạc đang đầy ắp xúc động lên trang giấy chép nhạc. Và bài hát ra đời, lập tức được khán giả đón nhận, đặc biệt là các em thiếu nhi”.

Nhiều ca khúc của Hàn Ngọc Bích đã trở nên thuộc nằm lòng trong các em thiếu nhi, nuôi dưỡng tâm hồn các em khôn lớn. Những bài hát có nội dung trong sáng, ngây thơ, rất phù hợp với tâm lý của trẻ nhỏ. Viết cho thiếu nhi, nói như nhà thơ Định Hải, là phải có khả năng biến hóa, phải hiểu tâm lý trẻ em, phải viết như là mình đang là trẻ em thật.

Trẻ em rất nhạy cảm, khi mình viết theo tư duy của người lớn, các em sẽ không thấy mình trong đó, không yêu sáng tác đó. Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích có một quan sát tỉ mỉ với đời sống. Đôi mắt nhìn của ông luôn giữ được vẻ thơ ngây, trong trẻo, và thổi nó lên những khuông nhạc. Qua mỗi sáng tác của mình, ông dạy trẻ em tình yêu đối với thiên nhiên, với những con vật gần gũi xung quanh, với cha mẹ, thầy cô, mái trường.

Kinh nghiệm của ông khi viết cho trẻ nhỏ là viết càng giản dị càng hay. Trẻ nhỏ thường dễ tiếp nhận những câu ngắn, dễ hiểu, có vần điệu, gần gũi với văn hóa dân gian hay lối nói bình thường hàng ngày. Có lẽ với lợi thế là một người làm ngành giáo dục, nên nhạc sĩ luôn hiểu tâm lý của trẻ em. Cộng với tình yêu dành cho trẻ nhỏ và niềm đam mê không bờ bến với âm nhạc, nên ông đã viết những ca khúc cho trẻ em mà có thể nói là luôn có một sức sống rất lâu bền trong đời sống.

Sinh thời, khi ngồi trò chuyện cùng nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích, ông thường bày tỏ, ông không định viết để trở thành một nghệ sĩ. Ông viết đơn giản vì tình yêu của ông dành cho trẻ em. Ông cũng không muốn phát ngôn nhiều về công việc sáng tác. Nghề chính ông chọn vẫn là nghề dạy học. Viết là một góc khác của đời sống, rất quan trọng đấy nhưng âm thầm.

Một số người khuyên nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích nên mở rộng đề tài, thì ông sẽ nổi tiếng hơn, âm nhạc sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn. Ông chỉ cười đáp lễ. Ông không có tham vọng gì, chỉ muốn suốt đời chung thủy với đề tài thiếu nhi, viết những gì trong trẻo nhất cho các em hát. Ông cũng không thích người khác gọi mình là một nhạc sĩ. Tác phong của ông lúc nào cũng giống một nhà giáo hơn. Từ ăn mặc đến phát ngôn, ở ông không có sự phóng khoáng như ta thường hình dung ở một người nghệ sĩ.

Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích và cháu nội.

Từng có nhà báo hỏi ông, viết ca khúc cho thiếu nhi có dễ không, ông trả lời: “Ai bảo dễ thì rất dễ, vì ca khúc cho thiếu nhi thường ngắn, ít chữ, 16 nhịp là thành một bài hát. Thậm chí lời ca có thể bằng dăm ba câu ca dao là xong. Nhưng nó có chiều được lòng người, có văn hóa cho thiếu nhi, có gửi gắm được điều gì đó như là sự giáo dục cho các em thiếu nhi hay không mới là điều quan trọng”.

Vâng, điều quan trọng nhất của một bài hát cho thiếu nhi, là được các em hát mãi. Có bao nghệ sĩ nổi tiếng viết cho người lớn nhưng khi hạ bút viết cho trẻ em lại chào thua. Để nói rằng không có đề tài nào là dễ. Thậm chí viết cho trẻ em là rất khó, bởi người viết phải có khả năng hồn nhiên lại một lần nữa như con trẻ. Phải tư duy bằng tư duy trẻ nhỏ thì mới được các em chấp nhận.

Bây giờ có người hỏi, ca khúc “Đưa cơm cho mẹ đi cày”, phần lời ca là viết về câu chuyện của một em bé ở vùng nông thôn trong chiến tranh, giúp mẹ việc đồng áng. Giờ các em lớn lên ở thành phố, các em không biết ruộng đồng, các em có hát bài hát này không. Nhưng rõ ràng bài hát vẫn luôn được vang lên. Chứng tỏ trong giai điệu và trong tình cảm mà bài hát gửi gắm mang tính nhân văn đậm đặc, sâu sắc, để trẻ em hôm nay dù không biết chiến tranh, vẫn luôn cảm nhận và xúc động về tình yêu của em bé với cha mẹ trong bài hát.

Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích từng dùng hình ảnh “múa trên chiếc chiếu con” để nói về công việc sáng tác ca khúc cho thiếu nhi. Múa trên sân khấu mênh mông thì cũng là khó đấy, nhưng ít nhất thì anh có khoảnh đất rộng hơn mà thể hiện các kỹ năng của mình. Còn múa trên chiếc chiếu con thì anh phải tự nhận thức mình, tự bày chiêu trò như thế nào cho hợp lý, và quan trọng là để khán giả vẫn thích thú.

Cả đời mình, người nhạc sĩ hiền hậu chỉ “múa trên chiếc chiếu con” thôi, không mong trở thành một nghệ sĩ lớn. Vậy mà hàng chục ca khúc nằm lòng trẻ em nhiều thế hệ trôi qua, trong đó có những ca khúc quan trọng mà khi nói về âm nhạc cho thiếu nhi của âm nhạc Việt Nam thì không thể không nhắc đến.

Có thể nói, trong lĩnh vực viết cho thiếu nhi, Hàn Ngọc Bích là một nhạc sĩ để lại nhiều dấu ấn. Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi, xin một lần nữa được bày tỏ lòng cảm phục biết ơn ông, vì những yêu thương ông đã dành cho trẻ nhỏ.

Trần Ngọc Hà

Nhạc sĩ Giáng Son

0
Nhạc sĩ Giáng Son

Nữ nhạc sĩ Giáng Son tên khai sinh là Tạ Thị Giáng Son, sinh ngày 1 tháng 2 năm 1975 tại tỉnh Hải Hưng (cũ), hiện sống tại Hà Nội.

Chị tốt nghiệp Đại học Âm nhạc chuyên ngành Sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội. Năm 2000, chị làm biên tập âm nhạc cho Nhà xuất bản Âm nhạc. Năm 1999, là phát thanh viên và biên tập viên chương trình “Ca nhạc dành cho tuổi trẻ”của Đài Tiếng nói Việt Nam. Hiện nay là giảng viên âm nhạc Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Việt Nam, là một trong những thành viên sáng lập “Nhóm 5 dòng kẻ”.

Nữ nhạc sĩ Giáng Son đã có quá trình sáng tác, biểu diễn âm nhạc ngay từ sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội và đã đạt một số thành tích đáng chú ý: Giải thưởng Ca khúc ấn tượng nhất với bài Giấc mơ trưa trong chương trình Bài hát Việt – Đài Truyền hình Việt Nam; Giải thưởng Ca khúc nghệ thuật của Hội Nhạc sĩ Việt Nam với bài Cỏ và mưa, và nhiều tác phẩm khí nhạc khác như: giao hưởng Đồng xa; tứ tấu dây Gọi mùa…, ca khúc Cỏ và mưa, Sóng, Xuân Hà Nội, Anh, Em… Xuất bản CD Giáng Son, 2007.

Nhạc sĩ Doãn Nguyên

0

Nhạc sĩ Doãn Nguyên (tên khai sinh: Doãn Trường Nguyên) sinh ngày 11 tháng 1 năm 1969, quê quán: Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Ông tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Chỉ huy và Trung cấp chuyên ngành Piano, theo học chuyên ngành Đại học Sáng tác tại chức tại Nhạc viện Hà Nội.

Hiện nay là Nhạc trưởng Dàn nhạc Đoàn Ca Nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Phó Giám đốc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông còn tham gia sáng tác, giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc, Đại học Nghệ thuật Quân đội…

Ông đã tham gia Festival (VISA) cộng đồng các nước sử dụng tiếng Pháp – Cộng hòa Pháp tháng 7 năm 2001.

Tham gia trại sáng tác tại Đà Lạt với tác phẩmTình khúc biên thùy(sáo Mèo và dàn nhạc semi-classic),Nhớ em – chiều Đà Lạt(ca khúc).

Những tác phẩm đáng chú ý:Khúc nhạc chiều(piano và dàn nhạc semi-classique),Cảm xúc quê hương– đàn bầu và dàn nhạc,Tình khúc biên thùy(sáo Mèo và dàn nhạc) – Giải Ba của Hội Nhạc sĩ Việt Nam,Một thời và mãi mãi(kịch múa) – đồng Giải Nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam, và một số ca khúcNỗi nhớ Trường Sơn(thơ Tô Hoàn) – Giải thưởng Bộ Quốc phòng,Gà trống tập đọc(thơ Hồng Thiện) – Giải Nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam,Hoa Trạng nguyên,Nói với em…

Nhạc sĩ Đoàn Bổng: Vẫn như hoa cỏ mùa xuân

0
Chắc hẳn nhiều người khi có cơ hội được tiếp xúc với nhạc sĩ Đoàn Bổng ngoài đời đều có chung nhận xét với tôi rằng, ở ông hiện lên một người “nhà quê” thứ thiệt, dẫu ông đã sống ở giữa Thủ đô bảy thập niên, dẫu ông đã từng giữ cương vị Trưởng phòng Ca nhạc, Đài Truyền hình Việt Nam…

Sinh năm Quý Mùi, xuân Canh Tý này nhạc sĩ Đoàn Bổng đã bước vào tuổi 77, vậy nhưng mỗi lần được trò chuyện, tôi vẫn thấy sự nhiệt huyết, trẻ trung và sức sáng tạo dồi dào, bất tận trong ông. Dường như thời gian và tuổi tác – điều mà người ta rất ngại nhắc đến, không làm người nhạc sĩ đáng kính “già” đi. Ông lúc nào cũng như chàng thanh niên mới ở lứa tuổi đôi mươi tràn đầy nhựa sống, khao khát được yêu và mong muốn được cống hiến cho công chúng những tác phẩm có giá trị.

Chắc hẳn nhiều người khi có cơ hội được tiếp xúc với nhạc sĩ Đoàn Bổng ngoài đời đều có chung nhận xét với tôi rằng, ở ông hiện lên một người “nhà quê” thứ thiệt, dẫu ông đã sống ở giữa Thủ đô bảy thập niên, dẫu ông đã từng giữ cương vị Trưởng phòng Ca nhạc, Đài Truyền hình Việt Nam. Đó là lối sống chất phác, giản dị, nghĩa tình, đó là việc luôn coi trọng bạn bè, dù bất kể người đó là ai và làm công việc gì.

Vì thế trong căn nhà đơn sơ của nhạc sĩ Đoàn Bổng trong con ngõ nhỏ ở phố Hào Nam luôn đầy ắp tiếng cười của bạn bè bốn phương xa gần. Cái “chất quê” đáng yêu ấy cứ đeo đẳng mãi theo ông để rồi hình thành nên “chất nhạc” Đoàn Bổng gần gũi, da diết, dễ nghe và cũng dễ đi vào lòng người.

Bên chén trà đầu năm, khi cành đào trong căn nhà của nhạc sĩ vẫn mơn mởn sắc xuân, ông cho biết, mùa xuân đem đến cho ông thật nhiều cảm xúc. Đó là mùa mà không chỉ cỏ cây, hoa lá đâm chồi nảy lộc mà lòng người cũng phơi phới niềm tin và hy vọng. Và đôi khi chỉ là hình ảnh rất đỗi giản dị khi người người, nhà nhà hăm hở ra đường sắm cho mình cành đào, chậu quất đón Tết hay đôi trai gái tình cảm đi chơi xuân cũng để một người có trái tim đa cảm như ông rung động và viết lên những giai điệu đẹp về cuộc đời.

Ông luôn tâm niệm rằng, đã là người nhạc sĩ thì phải gánh trên vai trách nhiệm là nói hộ cảm xúc của công chúng bằng nốt nhạc. Vậy nên không khó hiểu khi nhạc sĩ xứ Đoài lại có nhiều ca khúc về mùa xuân được yêu thích đến vậy.

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi được đi chơi ở hội hoa xuân trong Công viên Thống Nhất, nhạc sĩ Đoàn Bổng đã viết lên ca khúc đầu tiên về mùa xuân, đó là “Yêu nhau trong hội hoa xuân”. Ông kể, ngày ấy mặc dù đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về nhu cầu được ngắm hoa xuân là rất lớn. Giữa bạt ngàn loài hoa với hương thơm và màu sắc rực rỡ là những cái tình tứ tay trong tay của những đôi trai thanh gái tú với gương mặt rạng ngời, hớn hở.

Khi ấy, ông đã hình dung ra người cũng như hoa mà hoa cũng như người, đều mang một không khí tươi vui, phấn khởi. Mượn hình ảnh bông hoa trà mi trắng, tròn trịa mà chàng trai trao cho cô gái trong chợ xuân như trao cho nhau lời hẹn ước, như là cái cớ để tình yêu bắt đầu nảy nở, nhạc sĩ Đoàn Bổng đã viết: “Anh đưa em đi hội hoa xuân/Nơi có nhiều kỷ niệm của chúng mình/Nhớ chăng em? Bông hoa đầu tiên anh mang tặng em/Là bông hoa trà mi, là bông hoa trà mi/Và lần thứ hai, anh mang tặng em hoa tươi Hà Nội/Tươi như mắt anh, tươi như mắt em/Rồi những lần sau chúng mình yêu nhau/Rồi những lần sau chúng mình yêu nhau“.

Một sáng tác khác về mùa xuân của nhạc sĩ Đoàn Bổng cũng rất được biết đến, đó là “Câu hát gọi xuân về”. Trong đó, ông đã khéo léo mượn tình cảm của người lính biên cương với cô bạn gái Hà thành khi họ được gặp nhau trong khoảng thời gian ít ỏi trên “con đường tình yêu” thơ mộng (đường Thanh Niên, Tây Hồ) để rồi anh vì nhiệm vụ Tổ quốc giao phó phải lên đường còn người con gái ở lại đón Tết trong cô đơn, buồn tẻ. Vì thế câu hát “Xuân này anh lên biên giới/ Cho lòng em ngẩn ngơ theo” đã ra đời.

Nhưng rồi nhạc sĩ lại gieo vào lòng công chúng về niềm tin và hy vọng về sự yên ổn, hòa bình trên dải đất biên cương để mùa xuân tới anh được cùng em đón Tết giữa Thủ đô yêu dấu cho thỏa lòng mong ước, nhớ nhung: “Trao tình hẹn ngày bên nhau/ Trao tình hẹn mùa xuân sau”.

Nối tiếp tinh thần của những ca khúc về mùa xuân, xuân Canh Tý này nhạc sĩ Đoàn Bổng đã quyết định phổ nhạc bài thơ nổi tiếng của cố thi sĩ Bàng Sĩ Nguyên (1925-2016) mang tên “Vợ chồng đi chợ xuân”. Đây là bài thơ mà thi sĩ đã viết từ năm 1953 trong lần đi công tác tại huyện biên giới Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Phổ nhạc một bài thơ đã được nhiều người biết đến của một tác giả tên tuổi chắc chắn sẽ là thử thách không hề nhỏ với các nhạc sĩ.

Đó là chưa kể việc khung cảnh chợ xuân vùng cao hôm nay đã có nhiều đổi khác so với thời điểm cách đây gần 70 năm khi nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên viết bài thơ này. Tuy vậy, với một người được mệnh danh là “phù thủy âm nhạc” như nhạc sĩ Đoàn Bổng, ông cũng không mất quá nhiều thời gian để chắp cho bài thơ “Vợ chồng đi chợ xuân” một “đôi cánh âm nhạc” đầy lãng mạn và bay bổng.

Bài thơ là câu chuyện giản dị về cảnh vợ chồng người dân tộc Mông dắt ngựa đi chợ xuân – một nét đẹp trong văn hóa của người Mông, qua đó khắc họa lối sống hồn nhiên, gần gũi với thiên nhiên và cuộc sống thanh bình của đồng bào dân tộc vùng núi phía Bắc.

Lúc xuống chợ, người chồng rất chiều vợ, cho vợ ngồi trên lưng ngựa còn phần mình thì ra sức nắm đuôi ngựa để ngựa đi thật thong thả, chậm rãi. Còn lúc về, khi người chồng đã say rượu thì người vợ lại chiều lại bằng cách ngả nón cho chồng gối, quạt cho chồng mát rồi lại nâng chồng lên lưng ngựa trong chất chồng hàng hóa.

Bài hát “Vợ chồng đi chợ xuân” mang tính chất kể chuyện, thể hiện niềm vui, hạnh phúc của vợ chồng người dân tộc Mông trong ngày hội xuân, trong phiên chợ xuân vui tươi, phấn khởi. Bài hát mở đầu với tiếng sáo Mông, cho người nghe cảm nhận về những đỉnh núi mờ sương cùng tiếng nhạc ngựa trong sương sớm, những nét nhạc mang đậm nét vùng cao trong sáng, phóng khoáng như con người và thiên nhiên nơi đây. Bài hát viết với giai điệu đẹp, uyển chuyển, dễ đi vào lòng người, trong đó sử dụng chất liệu dân ca Mông với tiết tấu hơi nhanh, vui tươi, rộn ràng đúng với không khí đi hội xuân của đồng bào các dân tộc thiểu số miền sơn cước.

“Câu chuyện thật vui, dung dị mà ai nhìn thấy cũng phải bật cười, rất phù hợp với không khí mùa xuân năm 2020 khi đất nước có những ngày kỷ niệm lớn, trọng đại, đồng thời cũng là năm mà nước ta giữ những trọng trách quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Đó là niềm vui không của riêng ai mà của toàn dân tộc. Bài hát “Vợ chồng đi chợ xuân” ra đời với mong muốn được góp phần nhỏ bé tạo ra không khí vui tươi hòa cùng niềm vui chung của đất nước, của Đảng tròn 90 mùa xuân”, nhạc sĩ Đoàn Bổng dí dỏm cho biết.

Tất nhiên, nhạc sĩ Đoàn Bổng cũng thừa nhận rằng, chuyến du ngoạn Mường Khương dịp cuối năm Kỷ Hợi vừa qua cùng thi sĩ Bàng Ái Thơ, “con gái rượu” của cố thi sĩ Bàng Sĩ Nguyên đã cho ông nhiều cảm nhận về sự đổi thay của mảnh đất biên cương địa đầu này. Đó là việc đồng bào đã sử dụng phương tiện là xe máy để đi chợ xuân, thay vì cưỡi ngựa như trước đây.

Đó là những con đường đã được đổ bê tông khang trang, sạch sẽ, thay vì những con đường đất bùn lầy, bụi bặm. Đó là những mái nhà đã được đổ mái bằng kiên cố, thay vì những mái rạ, mái cọ thô sơ như trước đây. Và còn nhiều nhiều nữa sự đổi khác mà mảnh đất biên cương này đang từng ngày vươn mình thoát khỏi cái đói nghèo, lạc hậu hòa cùng dòng chảy hội nhập và phát triển của đất nước.

Nhưng có điều không thể đổi khác, đó chính là tình cảm, sự gần gũi, thân thiện của đồng bào đối với nhau và đối với những vị khách bốn phương khi đặt chân đến mảnh đất này.

Điểm qua một vài ca khúc tiêu biểu về mùa xuân của nhạc sĩ Đoàn Bổng, chúng ta dễ dàng nhận thấy trong đó luôn hiện lên tình yêu nam nữ thật đẹp, lãng mạn. Lý giải về điều này, nhạc sĩ cho biết: “Con người sinh ra là phải có tình yêu, không thì cuộc sống thật vô vị. Một đứa trẻ đi đâu cũng quấn quýt với bố mẹ, đó là tình yêu. Một người mẹ đi đâu về là ôm chầm lấy con vào lòng, đó cũng là tình yêu. Một đôi trai gái vô tình đi qua nhau và trao cho nhau những ánh nhìn đầy lưu luyến thì không thể không có tình yêu được. Với tôi, tình yêu luôn hiện hữu ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào. Và đó cũng là cách để tôi nuôi dưỡng tâm hồn trong bộn bề những lo toan của cuộc sống mưu sinh”.

Văng vẳng trong đêm khuya, khi đang gõ những dòng cuối này, tôi lại chợt nhớ đến bài thơ “Ngẫu hứng xuân” mà nhạc sĩ Đoàn Bổng đã viết nhân dịp đón Tết Đinh Dậu 2017, trong đó ông đã khéo léo đưa vào những ca khúc đi cùng năm tháng của mình trong dấu ngoặc kép tạo thành bài thơ xuân ý nghĩa, tươi mới: “Xuân cùng ta bước vào lịch sử/ Cùng hát vang bài “Hát về Người”/ Đây “Mẹ tôi”, kia “Hà Nội của tôi”/ Nhiều, nhiều lắm những bài ca như thế/ Những bài ca đi qua nhiều thế hệ/ Nằm trong tim người yêu nhạc quê ta/ “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” mãi mãi ngân xa/ Cùng “Hà Nội, những kỷ niệm trong tôi” bất tử!/ Mai ta “Về Hà Tây đi em”. Nhớ nhé!/ Anh sẽ hát em nghe “Bản Tăng-gô thời cắp sách” tới trường/ “Có một mùa thu” anh đi “Tìm em”/ Để “Câu hát gọi xuân về” đằm thắm/ “Bài ca cuộc đời” hai ta đẹp lắm/ Nên anh không muốn “Một ngày xa em“.
Ngô Khiêm