Thứ Bảy, Tháng Mười 19, 2024
Trang chủ Blog Trang 90

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

0
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sinh ngày 1 tháng 8 năm 1956 tại Hà Nội. Quê nội ở Thái Học, Bình Giang, Hải Dương. Nguyên là Quyền Trưởng phòng Nghệ thuật Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, Phó Chủ nhiệm Khoa Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy Nhạc viện Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa V, Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VI, Trưởng ban Biên tập Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XI. Ông còn là hội viên Hội Điện ảnh, Hội Nhà báo, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia. Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VII. Hiện nay là uỷ viên Đảng Đoàn, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương.

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thồng âm nhạc, từ nhỏ đã được học nhạc do thân phụ là nhạc sĩ Đỗ Nhuận truyền dạy. Từ năm 8 tuổi, dưới sự hướng dẫn của nhà sư phạm âm nhạc Thái Thị Liên, ông học piano. Tốt nghiệp Trung cấp Piano và Sáng tác, ông lại tiếp tục học hệ Đại học tại Nhạc viện Tchaikovsky (Matxcơva, Liên Xô cũ) dưới sự hướng dẫn của Giáo sư A. Leman từ năm 1976 đến năm 1981. Ông tốt nghiệp bằng đỏ với bản Concerto cho violon và dàn nhạc giao hưởng. Là một trong không nhiều nhạc sĩ Việt Nam được đề nghị chuyển thẳng lên hệ nghiên cứu sinh (1982-1985). Trong thời gian này, ông đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh là bậc học cao nhất về chuyên ngành Sáng tác, đồng thời theo học lớp Chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng với Giáo sư L. Nikolaev.

Về nước năm 1986, ông tham gia giảng dạy môn Sáng tác, Phối khí tại Nhạc viện Hà Nội, liên tục hơn 25 năm cho đến nay, vừa sáng tác và dàn dựng chỉ huy nhiều chương trình hòa nhạc lớn. Ông đã từng tu nghiệp về Sáng tác và Chỉ huy tại Nhạc viện Paris (1990-1991). Trong nhiều năm qua, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã viết các tác phẩm khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu… Có thể kể tới: Rhapsodie Việt Nam, ballet Hồng hoang, nocturne Tiếng vọng, fantasy-symphonie Mở đất, Trio cho ba flỷteToccata cho pianoConcerto cho violon và dàn nhạcVariations cho pianoBốn bức tranh cho oboe, bộ gõ và pianoTứ tấu đàn dâyNgũ hành cho bộ gõ, và gần đây là Sắc xuân cho đàn bầu và dàn nhạc Giao hưởng dân tộc, Trổ Một cho Dàn nhạc Giao hưởng (2007), Dáng rồng lên (2010), Lời của Đá, Chiếc lá đầu tiên, Hoa Gạo, Gửi về sông Lục núi Huyền. Tác phẩm khí nhạc của ông đã được biểu diễn tại nhiều nước như: Pháp, Nga, Đức, Nhật, Thái Lan, Singapore, Uzơbeckistan, Latvia, được xuất bản tại Nga và Mỹ (2002).

Trong lĩnh vực thanh nhạc, ông là tác giả âm nhạc hai kịch hát mới: Câu chuyện tình (dựa theo tiểu thuyết Love Story, 1989) và Nàng Silami (1991) được dàn dựng tại Nhà hát Tuổi trẻ…, là tác giả của hàng chục ca khúc. Đã xuất bản  Album-Audio tác giả Chiếc lá đầu tiên (1996). Ông là tác giả của ASEAN ca Việt Nam, Công đoàn ca, Tạm biệt SEAGAMES, Mái nhà trung màu xanh…

Giải thưởng: Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam: 1993, 1994, 1995; 2008; nhiều lần đượcGiải thưởng Âm nhạc Liên hoan Phim toàn quốc; Giải Nhất cuộc thi sáng tác về Môi trường do Tổ chức UNEF (UNESCO) phát động (2001) với ca khúc Mái nhà chung màu xanh.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam tháng 7 năm 2010, ông được tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VIII.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật năm 2012.

Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Đức Liên

0

Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Đức Liên (Đức Liên) sinh ngày 20 tháng 3 năm 1956, quê ở Vĩnh Lộc, Chiêm Hóa, Tuyên Quang, hiện công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam.

Từ năm 1973 đến 1990, Đức Liên công tác tại Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2, làm Đội trưởng Đội Nhạc, nghệ sĩ độc tấu nhạc cụ dân tộc của Đoàn, đến năm 1990 chuyển về công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Trong thời gian này, ông tiếp tục học và tốt nghiệp Đại học Sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội năm 1999.

Ông là nghệ sĩ biểu diễn sáo dân tộc, luôn luôn tìm tòi, sáng tạo, không ngừng nâng cao về trình độ biểu diễn, đạt tới trình độ điêu luyện, tinh tế, có sức truyền cảm, lôi cuốn, hấp dẫn người nghe. Không những vậy, ông còn có nhiều đóng góp vào việc cải tiến nhạc cụ, làm cho tính năng và sức biểu hiện ngày càng phong phú, đa dạng. Cùng với biểu diễn đạt được những kết quả đáng trân trọng trong và ngoài nước, ông còn viết ca khúc, và có trên 20 tác phẩm khí nhạc độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, đồng thời còn dàn dựng nhiều tiết mục biểu diễn cho nhà hát và các đoàn nghệ thuật các tỉnh, thành phố.

Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2001, hai Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng Giải Nhì năm 2000 với tác phẩm Hòa tấu dàn sáo dân tộc, Hội xuân Tây Bắc, một Huy chương Vàng Liên hoan quốc tế Bình Nhưỡng (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên) năm 1989, 4 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc trong các kỳ hội diễn trong nước.

Nhạc sĩ Đinh Quang Hợp

0

Ông sinh ngày 6 tháng 6 năm 1935, quê ở thôn La Mai, Ninh Giang, Hoa Lư, Ninh Bình. Ông là nhạc sĩ sáng tác, đã tốt nghiệp khoa Sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam và tu nghiệp tại Nhạc viện Sofia – Bulgarie.

Năm 1961, ông ở Văn công Khu ủy Tây Bắc. Sau khi học xong ở nước ngoài, năm 1972 ông về nước, công tác tại Nhạc viện Hà Nội. Năm 1978, ông là Giám đốc Công ty Biểu diễn nghệ thuật Việt Nam, sau đó đến năm 1996 lại trở về công tác tại Nhạc viện Hà Nội. Hiện ông đã nghỉ hưu.

Ngoài việc giảng dạy, đào tạo và sau này làm công tác quản lý, ông còn sáng tác ca khúc, biên soạn giáo trình giảng dạy và viết một số tác phẩm khí nhạc. Về thanh nhạc, ông có: Tiếng hát sông LamCâu hò trên những dòng kênhVinh quang Tổ quốc ta…, thanh xướng kịch Lửa và hoa. Năm 2000, ông viết giao hưởng Chiếu dời đô.

Ông đã được tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huy chương “Vì sự nghiệp Văn hóa”.

Năm 2012, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật.

Nhạc sĩ Đặng Nhất Mai

0

Ông sinh ngày 5 tháng 8 năm 1942, quê ở Tứ Kỳ, Hải Dương, nguyên là Phó Giám đốc Trung tâm Hướng dẫn Nghiệp vụ Nhà Văn hóa Trung ương (nay là Cục Văn hóa Thông tin cơ sở), trú quán tại quận Đống Đa, Hà Nội. Đã nghỉ hưu.

Đặng Nhất Mai học lớp chuyên nhạc Trường Đại học Văn hóa từ 1962-1965, đã nhiều năm tham gia Câu lạc bộ Sáng tác Âm nhạc Hà Nội. Từ 1967 đến 1976, là cán bộ văn nghệ Trường Đại học Mỏ – Địa chất. Từ năm 1978, về Nhà Văn hóa Trung ương cho đến khi nghỉ hưu. Ông đã tốt nghiệp Đại học Sáng tác (tại chức) Nhạc viện Hà Nội năm 1989.

Ông là tác giả của nhiều ca khúc, tiêu biểu như: Hát với người thợ xây, Điệp khúc hòa bình, Biển chiều giăng tơ, Em đi giữa màu xanh…

Được tặng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam 1999 (Anh là hoa quý của rừng), 2000(Chiều Mỹ Sơn) và nhiều giải thưởng khác của các tổ chức ở Trung ương và địa phương.

Tình yêu Hà Nội – TPM Số 2

0

Tình yêu

Giới thiệu tác phẩm mới số 2.

Dịch COVID-19 làm bùng nổ các buổi hòa nhạc phát miễn phí

0
Dịch COVID-19 làm bùng nổ các buổi hòa nhạc phát miễn phí

(Tác giả: Hoài Chi)

Lệnh cấm tập trung đông người ở nhiều quốc gia trên thế giới nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19 đã gây nhiều xáo trộn lên đời sống nghệ thuật từ điện ảnh đến âm nhạc.

Dịch COVID-19 làm bùng nổ các buổi hòa nhạc phát miễn phíQuang cảnh trống vắng tại Nhà hát opera quốc gia Berlin trong buổi diễn vở Carmen – Ảnh: New York Times

Các nhà chức trách ở châu Âu và thế giới đang ban hành lệnh đóng cửa các trường học, bảo tàng, quán bar và phòng hòa nhạc. Vậy nhưng trong cái khó đã xuất hiện một giải pháp tuyệt vời: giới nhạc sĩ diễn miễn phí qua mạng.

Ngày 12-3, nghệ sĩ dương cầm Igor Levit đã dùng nền tảng Twitter để phát trình diễn đầy ngẫu hứng bản Waldstein Sonata Op. 53 của Beethoven từ ngay chính căn hộ của anh tại Berlin.

Mục đích của anh là nhằm giúp giải khuây cho những người đang bị cách ly tại nhà bởi mối lo sợ virus corona chủng mới.

“Đây là một thời điểm không hay, một thời điểm nhiều đau thương nhưng chúng ta cần hành động thay vì chỉ ngồi không” – Levit phát biểu đôi lời gửi đến những khán giả theo dõi anh qua Twitter. “Chúng ta hãy tổ chức hòa nhạc ngay tại nhà trong thế kỷ 21 này!”.

Buổi diễn của anh kéo dài trong 25 phút, được chia sẻ lại 1.500 lần và thu được gần 6.000 lượt thích.

Trong khi đó, trên toàn nước Đức, nhiều nhà hát opera và giao hưởng cũng hành động tương tự. Thay vì hoãn buổi diễn vở Carmen của George Bizet, Nhà hát opera quốc gia Berlin đã chọn phát trực tuyến miễn phí toàn bộ chương trình cho khán giả trên toàn thế giới.

Dàn nhạc giao hưởng Berlin cũng có những món quà âm nhạc phát miễn phí tại digitalconcerthall.com/en/live. Trung tâm Lincoln (Mỹ) phát miễn phí chương trình hòa nhạc Chamber Music Society tại chambermusicsociety.org/watch-and-listen/.

(Nguồn: https://tuoitre.vn/)

 

 

 

Tình yêu Hà Nội – TPM Số 1

0

Tình yêu Hà Nội – Số 1

Giới thiệu các tác phẩm mới

Tuyên truyền phòng dịch Covid-19 bằng âm nhạc, tạo sức lan tỏa sâu rộng

0
Tuyên truyền phòng dịch Covid-19 bằng âm nhạc, tạo sức lan tỏa sâu rộng

(Tác giả: Ngọc Trang)

Trong mùa dịch Covid-19 tại Việt Nam, ngoài các hành động phòng chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay sạch, hạn chế tụ tập đông người, sáng tác những bài hát cũng chính là việc làm nhằm góp sức chống dịch.

Hình ảnh trong ca khúc “Ghen cô Vy”.Hình ảnh trong ca khúc “Ghen cô Vy”.
Thời gian vừa qua, nhiều bài hát được sáng tác hoặc viết lời dựa trên bài hát hit trước đó đã khiến nhiều người thích thú khi nội dung nói về virut corona, dịch Covid-19 như: Ghen cô Vy, Để dịch nói cho mà nghe, Đánh giặc Corona,…Những bài hát này với ca từ dễ, nhớ dễ thuộc đã được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội thu hút đông đảo lượng người xem và tìm kiếm.

Đặc biệt, bài hát Ghen cô vy của Erik, ca sĩ Min còn được giới thiệu trên kênh HBO của Mỹ, kênh truyền hình của Pháp và lọt vào “top 10 bài hát làm giảm hoang mang trong mùa dịch Covid-19”.

Không chỉ là bài hát, mà còn là cách tuyên truyền phòng dịch

Ca khúc “Ghen cô Vy” của Việt Nam được coi là điển hình trong việc phổ biến thông tin phòng, chống dịch bệnh đến người dân thông qua âm nhạc. Ca khúc là dự án sáng tạo của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, hợp tác với Min và Erik. Nhạc sĩ Khắc Hưng đã viết lời bài hát dựa theo bản hit Ghen, ra mắt từ năm 2017.

“Ghen cô Vy” có phần lời hài hước, nói về nguồn gốc virus như: “Dạo gần đây, có một virus rất hot. Tên của em ấy Corona. Em từ đâu? Quê của em ở Vũ Hán. Đang bình yên bỗng chợt thoát ra…”.

Bài hát ra mắt trên kênh Youtube của Erik và ca sĩ Min đã thu hút hàng trăm nghìn lượt theo dõi. Bài hát cũng được nhắc đến trong chương trình “Last Week Tonight with John Oliver” của kênh HBO (Mỹ). Những ngày sau đó, bài hát được chia sẻ rộng rãi và được cập nhật lời dịch bằng tiếng Anh.

Bài hát không chỉ dễ nhớ mà còn nói về cách phòng chống dịch như: “Cùng rửa tay xoa xoa xoa xoa đều. Đừng cho tay lên mắt mũi miệng. Và hạn chế đi ra nơi đông người”.

Tiếp đó, ca khúc “Đánh giặc Corona” của TS Lê Thống Nhất sáng tác, thể hiện Hải Lê và Thế Anh cũng là ca khúc được lan truyền rộng rãi, đặc biệt là đối với học sinh. Ca từ bài hát mang hơi hướng cổ động khí thế, vui nhộn, khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn dân chung tay đẩy lùi Covid-19.

Đặc biệt, bài hát có đoạn điệp khúc rất dễ nhớ: “Đánh giặc Corona. Đoàn kết toàn dân ta. Đánh giặc Corona. Từ trẻ đến người già. Đánh giặc Corona. Ngành Y là xung kích. Thề quyết thắng đại dịch. Hòa chung một bài ca”.

Tương tự như Ghen cô vy, bài hát “Đánh giặc Corona” cũng nói lên cách phòng chống và đẩy lùi bệnh dịch: “Đại dịch corona đang truyền vào trong nước ta. Đánh giặc corona vì cuộc sống cho muôn nhà. Không đến nơi đông người để dịch bệnh dễ lan ra. Nghi nhiễm cần kịp thời mau đi khám, cách ly xa”.

Ngân vang ca từ lạc quan giữa mùa dịch

Từng hot hit một thời dành cho giới trẻ như “Ông bà anh” của Lê Thiện Hiếu và “Để Mị nói cho mà nghe” của Hoàng Thùy Linh mới đây cũng đã được chế lời thành những ca từ phòng chống dịch Covid-19.

Nữ du học sinh Hàn Quốc trở về Việt Nam Thùy Dung (28 tuổi) để chế lời bản hit của Hoàng Thùy Linh thành “Để dịch nói cho mà nghe”. Cuối tháng 2, khi trở về Việt Nam, Thùy Dung bị cách ly ở TP HCM. Thời gian này, cô đã thể hiện tinh thần lạc quan qua những hình ảnh, video chia sẻ trên Facebook. Thùy Dung tự quay video chế bài hát động viên mọi người cùng lạc quan, phòng chống dịch.

Lời bài hát hài hước, khuyên mọi người bảo vệ bản thân như, đồng thời còn chủ động cách ly và tránh cho mọi người xung quanh: “Để dịch nói cho mà nghe tay mình phải rửa sạch sẽ. Đi chơi lúc dịch, thôi thì chịu cực dùng khẩu trang vô. Để dịch nói cho mà nghe biết quan tâm mọi người làng xóm. Nguy cơ mắc thì ta tự động cách ly thôi…”

“Ông bà anh” của Lê Thiện Hiếu đã từng nhận được “mưa lời khen” của giới chuyên môn. Không những thế, bài hát còn làm mưa làm gió suốt một thời gian dài sau chương trình “Sing my song”. Còn trong mùa dịch, “Ông bà anh thời COVID-19” cũng khiến giới trẻ vô cùng thích thú.

Ca khúc được thầy giáo Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội) và ca sĩ Thái Thùy Linh viết lại lời. Bài hát với hi vọng tiếp thêm năng lượng tích cực, lạc quan tới mọi người trong bối cảnh toàn dân chống dịch.

Sau khi thầy Nguyễn Xuân Khang sáng tác lời 1, ca sĩ Thái Thùy Linh đã chỉnh sửa cho khớp nhạc và viết lời 2 của bài hát. Nữ ca sĩ cũng là người thể hiện ca khúc này và được lan truyền rộng rãi trên youtube và các trang mạng xã hội. Lời bát hát vui nhộn với những ca từ rất thú vị: “…Ông bà anh đưa nhau đi dạo quanh, cả hai cùng đeo khẩu trang màu xanh. Ông bà anh hẹn nhau thời corona mà đành ngồi cách xa trên chiếc ghế sofa…Ông mua tặng bà một chai nước rửa tay, và đó là món quà đầu tiên…”

Cũng trong thời gian dài học sinh nghỉ học, thầy và trò trường Tiểu học Newton Goldmark (HN) cũng đã cho ra đời sản phẩm âm nhạc chế trên nền nhạc bài hát “Bố ơi mình đi đâu thế” thành “Bé ơi đừng lo con nhé”. Bài hát không chỉ có ca từ vui nhộn mà còn động viên tinh thần của các em học sinh độ tuổi tiểu học.

Không chỉ viết lời bài hát, các thầy cô trong trường còn tự quay video, nhảy múa sôi động và dựng thành clip hoàn hỏa gửi đến cho các em học sinh. “Đừng lo con nhé bé ơi! Dịch sẽ qua nhanh thôi mà…Con hãy yên tâm ở nhà…Hãy bên mẹ cha, con nhé”, đó cũng chính là lời động viên tới toàn thể các bậc cha mẹ học sinh vào niềm tin “dịch sẽ qua nhanh”.

Những bài hát này không chỉ làm mọi người vui vẻ, lạc quan hơn mà còn khiến các em học sinh có thêm tinh thần học tập trong thời gian nghỉ dài sau tết. Còn rất nhiều bài hát, những sản phẩm nghệ thuật ở Việt Nam nói về phòng chống dịch. Đó không phải chỉ là tác phẩm của những người nổi tiếng, có kiến thức về âm nhạc mà còn cả những người không chuyên, những thầy cô ở các trường học. Điều đó cho thấy sự đồng lòng quyết tâm chống dịch Covid-19 đang lan tỏa mạnh mẽ tới toàn dân.

(Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/)