Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang chủTin TứcTin chungTuyên truyền phòng dịch Covid-19 bằng âm nhạc, tạo sức lan tỏa...

Tuyên truyền phòng dịch Covid-19 bằng âm nhạc, tạo sức lan tỏa sâu rộng

(Tác giả: Ngọc Trang)

Trong mùa dịch Covid-19 tại Việt Nam, ngoài các hành động phòng chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay sạch, hạn chế tụ tập đông người, sáng tác những bài hát cũng chính là việc làm nhằm góp sức chống dịch.

Hình ảnh trong ca khúc “Ghen cô Vy”.Hình ảnh trong ca khúc “Ghen cô Vy”.
Thời gian vừa qua, nhiều bài hát được sáng tác hoặc viết lời dựa trên bài hát hit trước đó đã khiến nhiều người thích thú khi nội dung nói về virut corona, dịch Covid-19 như: Ghen cô Vy, Để dịch nói cho mà nghe, Đánh giặc Corona,…Những bài hát này với ca từ dễ, nhớ dễ thuộc đã được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội thu hút đông đảo lượng người xem và tìm kiếm.

Đặc biệt, bài hát Ghen cô vy của Erik, ca sĩ Min còn được giới thiệu trên kênh HBO của Mỹ, kênh truyền hình của Pháp và lọt vào “top 10 bài hát làm giảm hoang mang trong mùa dịch Covid-19”.

Không chỉ là bài hát, mà còn là cách tuyên truyền phòng dịch

Ca khúc “Ghen cô Vy” của Việt Nam được coi là điển hình trong việc phổ biến thông tin phòng, chống dịch bệnh đến người dân thông qua âm nhạc. Ca khúc là dự án sáng tạo của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, hợp tác với Min và Erik. Nhạc sĩ Khắc Hưng đã viết lời bài hát dựa theo bản hit Ghen, ra mắt từ năm 2017.

“Ghen cô Vy” có phần lời hài hước, nói về nguồn gốc virus như: “Dạo gần đây, có một virus rất hot. Tên của em ấy Corona. Em từ đâu? Quê của em ở Vũ Hán. Đang bình yên bỗng chợt thoát ra…”.

Bài hát ra mắt trên kênh Youtube của Erik và ca sĩ Min đã thu hút hàng trăm nghìn lượt theo dõi. Bài hát cũng được nhắc đến trong chương trình “Last Week Tonight with John Oliver” của kênh HBO (Mỹ). Những ngày sau đó, bài hát được chia sẻ rộng rãi và được cập nhật lời dịch bằng tiếng Anh.

Bài hát không chỉ dễ nhớ mà còn nói về cách phòng chống dịch như: “Cùng rửa tay xoa xoa xoa xoa đều. Đừng cho tay lên mắt mũi miệng. Và hạn chế đi ra nơi đông người”.

Tiếp đó, ca khúc “Đánh giặc Corona” của TS Lê Thống Nhất sáng tác, thể hiện Hải Lê và Thế Anh cũng là ca khúc được lan truyền rộng rãi, đặc biệt là đối với học sinh. Ca từ bài hát mang hơi hướng cổ động khí thế, vui nhộn, khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn dân chung tay đẩy lùi Covid-19.

Đặc biệt, bài hát có đoạn điệp khúc rất dễ nhớ: “Đánh giặc Corona. Đoàn kết toàn dân ta. Đánh giặc Corona. Từ trẻ đến người già. Đánh giặc Corona. Ngành Y là xung kích. Thề quyết thắng đại dịch. Hòa chung một bài ca”.

Tương tự như Ghen cô vy, bài hát “Đánh giặc Corona” cũng nói lên cách phòng chống và đẩy lùi bệnh dịch: “Đại dịch corona đang truyền vào trong nước ta. Đánh giặc corona vì cuộc sống cho muôn nhà. Không đến nơi đông người để dịch bệnh dễ lan ra. Nghi nhiễm cần kịp thời mau đi khám, cách ly xa”.

Ngân vang ca từ lạc quan giữa mùa dịch

Từng hot hit một thời dành cho giới trẻ như “Ông bà anh” của Lê Thiện Hiếu và “Để Mị nói cho mà nghe” của Hoàng Thùy Linh mới đây cũng đã được chế lời thành những ca từ phòng chống dịch Covid-19.

Nữ du học sinh Hàn Quốc trở về Việt Nam Thùy Dung (28 tuổi) để chế lời bản hit của Hoàng Thùy Linh thành “Để dịch nói cho mà nghe”. Cuối tháng 2, khi trở về Việt Nam, Thùy Dung bị cách ly ở TP HCM. Thời gian này, cô đã thể hiện tinh thần lạc quan qua những hình ảnh, video chia sẻ trên Facebook. Thùy Dung tự quay video chế bài hát động viên mọi người cùng lạc quan, phòng chống dịch.

Lời bài hát hài hước, khuyên mọi người bảo vệ bản thân như, đồng thời còn chủ động cách ly và tránh cho mọi người xung quanh: “Để dịch nói cho mà nghe tay mình phải rửa sạch sẽ. Đi chơi lúc dịch, thôi thì chịu cực dùng khẩu trang vô. Để dịch nói cho mà nghe biết quan tâm mọi người làng xóm. Nguy cơ mắc thì ta tự động cách ly thôi…”

“Ông bà anh” của Lê Thiện Hiếu đã từng nhận được “mưa lời khen” của giới chuyên môn. Không những thế, bài hát còn làm mưa làm gió suốt một thời gian dài sau chương trình “Sing my song”. Còn trong mùa dịch, “Ông bà anh thời COVID-19” cũng khiến giới trẻ vô cùng thích thú.

Ca khúc được thầy giáo Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội) và ca sĩ Thái Thùy Linh viết lại lời. Bài hát với hi vọng tiếp thêm năng lượng tích cực, lạc quan tới mọi người trong bối cảnh toàn dân chống dịch.

Sau khi thầy Nguyễn Xuân Khang sáng tác lời 1, ca sĩ Thái Thùy Linh đã chỉnh sửa cho khớp nhạc và viết lời 2 của bài hát. Nữ ca sĩ cũng là người thể hiện ca khúc này và được lan truyền rộng rãi trên youtube và các trang mạng xã hội. Lời bát hát vui nhộn với những ca từ rất thú vị: “…Ông bà anh đưa nhau đi dạo quanh, cả hai cùng đeo khẩu trang màu xanh. Ông bà anh hẹn nhau thời corona mà đành ngồi cách xa trên chiếc ghế sofa…Ông mua tặng bà một chai nước rửa tay, và đó là món quà đầu tiên…”

Cũng trong thời gian dài học sinh nghỉ học, thầy và trò trường Tiểu học Newton Goldmark (HN) cũng đã cho ra đời sản phẩm âm nhạc chế trên nền nhạc bài hát “Bố ơi mình đi đâu thế” thành “Bé ơi đừng lo con nhé”. Bài hát không chỉ có ca từ vui nhộn mà còn động viên tinh thần của các em học sinh độ tuổi tiểu học.

Không chỉ viết lời bài hát, các thầy cô trong trường còn tự quay video, nhảy múa sôi động và dựng thành clip hoàn hỏa gửi đến cho các em học sinh. “Đừng lo con nhé bé ơi! Dịch sẽ qua nhanh thôi mà…Con hãy yên tâm ở nhà…Hãy bên mẹ cha, con nhé”, đó cũng chính là lời động viên tới toàn thể các bậc cha mẹ học sinh vào niềm tin “dịch sẽ qua nhanh”.

Những bài hát này không chỉ làm mọi người vui vẻ, lạc quan hơn mà còn khiến các em học sinh có thêm tinh thần học tập trong thời gian nghỉ dài sau tết. Còn rất nhiều bài hát, những sản phẩm nghệ thuật ở Việt Nam nói về phòng chống dịch. Đó không phải chỉ là tác phẩm của những người nổi tiếng, có kiến thức về âm nhạc mà còn cả những người không chuyên, những thầy cô ở các trường học. Điều đó cho thấy sự đồng lòng quyết tâm chống dịch Covid-19 đang lan tỏa mạnh mẽ tới toàn dân.

(Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN