Thứ Bảy, Tháng Mười 12, 2024
Trang chủTin TứcTin chungNSND Trần Quốc Chiêm: Văn nghệ sĩ Thủ đô bắt nhịp thời...

NSND Trần Quốc Chiêm: Văn nghệ sĩ Thủ đô bắt nhịp thời đại, sáng tạo không ngừng

6

(Tác giả: Đặng Thủy)

Như một nhu cầu tự thân, lại được vùng đất văn hiến nuôi dưỡng, tiếp sức, văn nghệ sĩ Thủ đô luôn khát khao cống hiến, sáng tạo, chạm tới những giá trị đỉnh cao. Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đã có cuộc trò chuyện về những đóng góp mà văn nghệ sĩ Thủ đô có thể mang đến cho Thủ đô, đất nước.

– Sau Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, văn học nghệ thuật Thủ đô đã ghi nhận những bước chuyển nhiều hy vọng. Tuy nhiên, để thực sự tạo dấu ấn sáng tạo mới, chúng ta phải nhìn thẳng vào hạn chế của hoạt động này?

– Các sáng tác của văn nghệ sĩ Hà Nội trong giai đoạn vừa qua đã bắt nhịp được với những động thái đổi mới và hội nhập mạnh mẽ của Thủ đô và đất nước, hòa mình vào dòng chảy lớn lao của lịch sử với ý thức chủ động, tích cực. Trong đó, dễ nhận thấy dấu hiệu mới của đời sống văn học nghệ thuật là khuynh hướng hiện đại hóa các phương thức biểu hiện, tích cực tìm tòi, thể nghiệm hình thức diễn đạt mới. Tuy nhiên, gắn liền với khuynh hướng đó là sự phát triển khá mạnh, có phần xô bồ của các thể loại, các sản phẩm nghệ thuật mang tính thể nghiệm, biểu hiện rõ nhất trong văn học, âm nhạc trẻ, trong hội họa, nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, trong múa hiện đại và sân khấu… Đó là đặc điểm mà những năm qua, chúng ta chưa lường hết và chưa dự báo đúng, có lúc, có nơi rơi vào thế bị động, chưa kịp thời có những chính sách, giải pháp phù hợp với thực tiễn đời sống văn nghệ.

Mặc dù số lượng tác phẩm văn học nghệ thuật của các văn nghệ sĩ Thủ đô ngày càng tăng, nhưng phải thừa nhận là chưa có nhiều tác phẩm dám đi thẳng vào hiện thực, có sức lan tỏa trong xã hội, tác động mạnh tới suy nghĩ, nhận thức của công chúng; chưa có nhiều tác phẩm vượt qua lối mòn và thể hiện khuynh hướng sáng tác mới với tư duy đột phá mới. Hàm lượng chất xám trong các tác phẩm điện ảnh còn hạn chế, văn học thiếu vắng tác phẩm đỉnh cao, âm nhạc chưa đủ sức vươn ra ngoài biên giới… Mảng nghiên cứu, phê bình, lý luận văn học, nghệ thuật chưa làm tốt nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ, định hướng thị hiếu công chúng; chưa đủ sức cổ vũ các sáng tạo có giá trị, né tránh phê phán các biểu hiện sai trái, lệch lạc, việc thẩm định tác phẩm còn thiếu chính xác.

Cũng phải nói thêm, nhiều năm qua Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cũng đã tổ chức một số cuộc vận động sáng tác về đề tài con người và cuộc sống hiện đại của Thủ đô và các đề tài kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, tuy nhiên, vẫn chưa thu về những tác phẩm có chất lượng cao như mong đợi. Việc ký hợp đồng theo chế độ “đặt hàng, ký hợp đồng thỏa thuận mua thành phẩm” chưa thành nền nếp và chưa ăn sâu vào ý thức của anh em văn nghệ sĩ, do vậy chưa phát huy được nhiều nội lực của hội viên trong sáng tạo…

– Là người đã gắn bó nhiều năm với hoạt động văn học nghệ thuật, đặc biệt là trên cương vị của người quản lý, ông nhận định gì về vai trò của văn học nghệ thuật đối với sự phát triển của Thành phố?

– Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) xác định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội”. Và đến Nghị quyết 33-NQ/TƯ ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, quan điểm đầu tiên được Đảng ta xác định vừa có tính kế thừa vừa khái quát cao hơn: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.

Như vậy, để thấy, văn học nghệ thuật với tư cách là một bộ phận quan trọng của văn hóa có vai trò to lớn trong việc đóng góp cho sự phát triển bền vững của Thủ đô và cả nước. Thực tế cho thấy Hà Nội luôn đánh giá cao vai trò của văn hóa, văn học nghệ thuật trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, đồng thời không ngừng quan tâm, tạo điều kiện để giới trí thức, văn nghệ sĩ Thủ đô phát huy vị trí, vai trò của mình trong sáng tạo.

Về phía Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, hiện nay hội có gần 4.000 hội viên trực thuộc 9 hội chuyên ngành, trong đó có những tên tuổi hàng đầu giới trí thức, văn nghệ sĩ cả nước. Với một lực lượng hoạt động văn học nghệ thuật hùng hậu, bền bỉ và giàu nhiệt huyết cống hiến, các văn nghệ sĩ Thủ đô thực sự luôn khát khao sáng tạo ra nhiều tác phẩm và công trình có uy tín, có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực văn hóa tinh thần của Thủ đô.

– Thủ đô Hà Nội vừa trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và bắt đầu triển khai các chương trình hoạt động như cam kết. Điều này, theo ông, sẽ tạo ra sự cộng hưởng thế nào đối với nỗ lực sáng tạo của văn nghệ sĩ Thủ đô?

– Trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là một niềm tự hào rất lớn của Hà Nội, tạo nên những động lực mới cho sự phát triển Thủ đô trong tương lai. Thành phố Hà Nội chọn lĩnh vực thiết kế sáng tạo trong số 7 nhóm lĩnh vực để lập hồ sơ trình UNESCO. Đây là lĩnh vực bao trùm, tạo động lực để nhiều lĩnh vực còn lại như: Thủ công, nghệ thuật dân gian, điện ảnh, âm nhạc, ẩm thực, văn học… phát triển. Vậy nên, văn nghệ sĩ Thủ đô càng không thể đứng ngoài cuộc. Những mạch nguồn truyền thống sẽ được kế thừa, phát huy ra sao, những sáng tạo văn hóa sẽ được đắp bồi như thế nào để tạo nên hình ảnh mới hấp dẫn cho Thủ đô…, tất cả sẽ vừa là thử thách vừa khuyến khích sự dấn thân và bản lĩnh sáng tạo của mỗi cá nhân văn nghệ sĩ. Nhìn vào những không gian sáng tạo, hoạt động trình diễn, thực hành nghệ thuật hay những ý tưởng trong kiến trúc đô thị, ẩm thực, âm nhạc, nghề thủ công truyền thống…, có thể thấy tiềm năng sáng tạo và cả những thách thức đặt ra cho các văn nghệ sĩ, nhất là lớp trẻ.

– Nhiệm kỳ XII (2016 – 2021) của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội không lâu nữa sẽ khép lại. Để trong nhiệm kỳ mới hoạt động của hội ngày một hiệu quả, tiếp tục cổ vũ, thúc đẩy sáng tạo văn học nghệ thuật ở Thủ đô, theo ông cần chú trọng giải pháp nào?

– Cải tiến mạnh mẽ phương thức hoạt động hội luôn là mục tiêu mà hội đặt ra trong mỗi nhiệm kỳ. Ngoài ra, cũng cần tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho sáng tác qua các chuyến đi thực tế, các trại sáng tác; nâng cao công tác lý luận, phê bình; bảo đảm chất lượng chuyên môn cao của giải thưởng văn học nghệ thuật Thủ đô cũng như giải thưởng của các hội chuyên ngành. Chúng ta phải cùng nhau tiếp tục quan tâm đặc biệt đến đời sống và điều kiện hoạt động sáng tạo của các văn nghệ sĩ có tài, văn nghệ sĩ lão thành, đồng thời tăng cường bồi dưỡng đội ngũ kế cận.

Nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành hội đã đưa ra giải pháp phấn đấu để các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của hội tiếp cận dần và đáp ứng yêu cầu của nền “công nghiệp văn hóa” nằm trong hệ thống các ngành “công nghiệp sáng tạo” đang được đẩy mạnh và phát triển rộng khắp trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế, hoạt động sáng tạo này chưa đủ sức phát huy đầy đủ tiềm năng của các văn nghệ sĩ Thủ đô. Đây là một thách thức lớn và tôi kỳ vọng các văn nghệ sĩ sẽ xem chính những khó khăn này là động lực và dư địa sáng tạo để bắt nhịp nhanh với thời đại, không ngừng cống hiến với tinh thần hướng tới tương lai.

– Chân thành cảm ơn ông!

(Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/)

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN