Chiều 12.7, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã có buổi làm việc với Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam về việc xây dựng Đề án Dàn nhạc dân tộc Việt Nam.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì cuộc họp
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án Dàn nhạc dân tộc Việt Nam là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm thể chế hóa, hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam.
Hiện nay, nghệ thuật truyền thống ngày càng mai một, các nghệ nhân cũng dần mất đi, người học ít dần đi, có người học ra trường lại không có việc làm. Do đó nghệ thuật truyền thống tinh tế nhưng khó duy trì và mất đi thì không khôi phục được. Chúng ta chưa tổ chức dàn nhạc đủ lớn để chơi tác phẩm khó. Trong khi đó, việc quảng bá đất nước, con người và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế thông qua những gì đặc sắc nhất của âm nhạc truyền thống sẽ dễ thu hút bạn bè quốc tế. Vì thế, việc xây dựng Dàn nhạc dân tộc Việt Nam ngoài phần có thể khôi phục, phục dựng các tiết mục đã mất, sắp mất, còn giới thiệu được hình ảnh Việt Nam, tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế là rất quan trọng.
Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam Nguyễn Hải Linh cho biết, ở nước ta vào những năm cuối thế kỷ XX, do khó khăn về kinh tế, do sự thiếu vắng người xem nên hầu hết các dàn nhạc dân tộc đã giải thể, chuyển sang các hình thức biểu diễn ít người. Ðến nay, những thành tựu phát triển kinh tế đất nước đã là động lực lớn, thúc đẩy âm nhạc chuyên nghiệp phát triển. Nhu cầu về văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng ngày càng tăng. Trình độ thẩm mỹ âm nhạc của công chúng được nâng cao rõ rệt, ngoài các hình thức biểu diễn âm nhạc giao hưởng phương Tây, công chúng đòi hỏi thưởng thức âm nhạc truyền thống mới mẻ, sáng tạo phù hợp với thị hiếu của mọi tầng lớp nhân dân. Hình thức biểu diễn hòa tấu của dàn nhạc dân tộc ngày càng được hưởng ứng và đạt hiệu quả cao trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, việc xây dựng Đề án Dàn nhạc dân tộc Việt Nam là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm thể chế hóa, hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam
Chính vì vậy Nhà hát Ca múa nhạc quốc gia Việt Nam quyết định tiếp tục kiện toàn, hoàn thiện Dàn nhạc dân tộc Việt Nam phù hợp yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới với hơn 80 người, với mục tiêu biểu diễn giới thiệu và đưa âm nhạc truyền thống đến với mọi tầng lớp nhân dân, ngoài các bài bản cổ, trong các chương trình sẽ khai thác sự phong phú, đa dạng, khả năng diễn tấu của các nhạc cụ dân tộc qua các tác phẩm âm nhạc nước ngoài được thể nghiệm, chuyển biên các giai điệu âm nhạc dân gian các dân tộc. Ðây là sự phát huy truyền thống quý báu của nền âm nhạc truyền thống dân tộc trên cơ sở kết hợp với các yếu tố mang tính thời đại; là nơi để các nhạc sĩ Việt Nam có chỗ thử nghiệm và dàn dựng biểu diễn, có “đất” sáng tạo để xây dựng được những tác phẩm tầm cỡ quốc gia. Dàn nhạc dựng các chương trình đặc sắc, với nhiều thể loại từ nhạc cổ đến hiện đại, phản ánh được các nét tinh hoa của âm nhạc cổ truyền Việt Nam, biểu diễn các chương trình thu thanh, thu đĩa, các chương trình phát thanh, truyền hình.
Do đó, Thứ trưởng Tạ Quang Đông yêu cầu Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện Đề án Dàn nhạc dân tộc Việt Nam dù rằng trong giai đoạn hiện nay còn nhiều khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật, con người,… nhưng khó đến đâu giải quyết đến đấy, cái chính là đồng lòng, quyết tâm thành lập được dàn nhạc và từng bước khắc phục khó khăn. “Cái gốc là âm nhạc truyền thống của dân tộc. Thông thường các nước trên thế giới đều có chính sách bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Các nước càng phát triển thì văn hóa gốc càng được chú ý. Đó là quy luật chung bởi mất gốc là mất tất cả và chúng ta cần phải giữ gìn cho được cái gốc văn hóa ấy”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.