Thứ Hai, Tháng Mười 21, 2024
Trang chủ Blog Trang 75

Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về Công đoàn Giáo dục Việt Nam”

0

Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Công đoàn Giáo dục Việt Nam (22/7/1951 – 22/7/2021), Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc thi “Sáng tác ca khúc về Công đoàn Giáo dục Việt Nam”.

Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về Công đoàn Giáo dục Việt Nam”

Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động cuộc thi “Sáng tác ca khúc về Công đoàn Giáo dục Việt Nam”

Cuộc thi với mục đích ca ngợi những kết quả nổi bật của Công đoàn Giáo dục Việt Nam trong 70 năm xây dựng và phát triển; khích lệ, động viên, khơi dậy niềm tự hào đối với đội ngũ cán bộ công đoàn giáo dục các cấp.

Đây cũng là dịp để đoàn viên, người lao động thể hiện tình cảm đối với những đóng góp của các thế hệ cán bộ công đoàn ngành Giáo dục, đồng thời tuyển chọn những ca khúc hay để tuyên truyền trong toàn ngành và xã hội, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho cán bộ nhà giáo và người lao động trong nhà trường.

Ông Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam khẳng định, 70 năm qua là một chặng đường khá dài của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, ghi nhận cống hiến tận tụy và tâm huyết của đội ngũ cán bộ Công đoàn toàn ngành.

Tuy nhiên, trong âm nhạc lại chưa có tác phẩm nào, cuộc thi nào viết về hoạt động công đoàn, cán bộ công đoàn và phong trào thi đua của Công đoàn Giáo dục.

Do đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam mong muốn cuộc thi này sẽ cung cấp chất liệu, làm phong phú thêm cho hoạt động văn hóa, văn nghệ và đời sống tinh thần trong nhà trường. Những bài hát về công đoàn ngành, được cán bộ công đoàn sáng tác, thể hiện, cũng chính là sự động viên và tôn vinh đối với công đoàn ngành nói chung.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo cho biết, trong những năm qua, Công đoàn Giáo dục Việt Nam vừa chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần, đồng thời tạo điều kiện nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo đề nghị Công đoàn Giáo dục Việt Nam tuyên truyền rộng rãi tới các đối tượng tham gia cuộc thi, đồng thời, kỳ vọng các thầy cô giáo, cùng đội ngũ nhạc sĩ và cán bộ tại các trường dạy nhạc,… sẽ hăng hái tham gia cuộc thi, tích cực truyền tải thông tin hoạt động của đội ngũ nhà giáo và công đoàn qua những ca khúc ý nghĩa.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, nhận định: Công việc của người làm công đoàn có lẽ nhiều người chưa hiểu. Chính vì vậy, cuộc thi “Sáng tác ca khúc về Công đoàn Giáo dục Việt Nam” là điều cần thiết.

Theo nhạc sĩ, để có được ca khúc hay về công đoàn ngành, mỗi người, đặc biệt là đối tượng dự thi phải hiểu về công đoàn, đặc biệt là người làm công đoàn trong ngành Giáo dục.

Bên cạnh ca khúc nhạc nhẹ, cuộc thi có thể khuyến khích thêm ca khúc nhạc thính phòng, hành khúc,… để làm tăng sự phong phú và đa dạng. Góp ý này của nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh được Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp thu và sẽ điều chỉnh mở rộng thể loại trong thể lệ cuộc thi.

Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, cho rằng cuộc thi tạo sân chơi bổ ích cho nhà giáo, đoàn viên. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy năng lực sáng tác của mình để tham gia cuộc thi, coi như đây là nhiệm vụ chuyên môn của đội ngũ đoàn viên nhà trường”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Nhạc sĩ Đặng Hoàng Long chia sẻ, nhạc sĩ cần tìm hiểu kỹ về công đoàn giáo dục, từ hoạt động đến con người, bám sát chủ đề, nội dung và chú trọng chất lượng sáng tác. Đồng thời, phong cách âm nhạc cần kết hợp, giao thoa giữa hiện đại, truyền thống, văn hóa vùng miền,…

Đối tượng tham gia của cuộc thi là tất cả công dân Việt Nam, ngoại trừ thành viên Ban Tổ chức và Ban Giám khảo. Mỗi tác giả hoặc nhóm tác giả được gửi tối đa 2 tác phẩm tham gia cuộc thi.

Tác phẩm dự thi là các ca khúc có ca từ trong sáng, dễ hiểu, nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật tốt, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, dễ phổ biến, dễ hát, dễ dàn dựng đơn ca, tốp ca hoặc hợp ca. Tác phẩm dự thi do chính tác giả hoặc ca sĩ thể hiện.

Thể loại ca khúc dự thi bao gồm ca khúc nhạc nhẹ hoặc theo phong cách thính phòng, dân ca.

Hồ sơ tác phẩm dự thi gồm: 1 bản ký âm nhạc đầy đủ phần nhạc và lời trên giấy A4 (bản scan); 1 bản thu âm ca khúc định dạng file Mp3; 1 phiếu đăng ký dự thi (theo mẫu đính kèm thể lệ cuộc thi, bản scan).

Ứng viên có thể gửi qua mail: baithicakhuc@congdoangdvn.org.vn. Hoặc gửi trực tiếp qua đường bưu điện: Công đoàn Giáo dục Việt Nam, số 2 Trịnh Hoài Đức, Đống Đa, Hà Nội.

Thời gian nhận tác phẩm dự thi từ 25/11/2020 – 5/12/2020. Dự kiến tổng kết trao giải cuộc thi vào dịp sơ kết học kì I năm học 2020-2021.

Giải thưởng đối với các tác phẩm đạt giải như sau:

01 Giải đặc biệt: trị giá 25.000.000 đồng

01 Giải Nhất: trị giá 20.000.000 đồng

02 Giải Nhì: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng

03 Giải Ba: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng

05 Giải Khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng

Nội dung chi tiết về thể lệ cuộc thi:

Trung tâm Truyền thông Giáo dục

(Nguồn: https://moet.gov.vn/)

Âm nhạc thời kỳ hiện đại (1890-1975)

0
Âm nhạc thời kỳ hiện đại (1890-1975)

(Tác giả: Nguyễn Võ Lâm dịch)

Âm nhạc thời kỳ hiện đại (1890-1975)

Âm nhạc thời kỳ hiện đại – chỉ riêng những từ này có thể cũng đủ làm bạn chạy xa cả dặm. Đúng, để nghe được âm nhạc thời kỳ hiện đại có thể cần nhiều nỗ lực hơn một chút so với âm nhạc ở những thời kỳ trước đó. Có nhiều chất liệu thú vị để khám phá. Đầu thế kỷ 20 là mốc thời gian đánh dấu sự thay đổi nhanh chóng. Công nghệ đang thay đổi thế giới. Những nghệ sĩ, những nhà văn, những nhạc sĩ và những người biểu diễn bắt đầu phản ánh những thay đổi thông qua tác phẩm họ đưa ra. Và ngay lúc xã hội đang loại bỏ những quy tắc lâu đời đã thống trị trong nhiều thế kỷ, những nhà soạn nhạc đã đảo lộn những quy tắc âm nhạc và tìm ra những đề tài mới, táo bạo và những cách thức mới để thể hiện chúng.

Ở Vienna, có một nhóm trong đó đứng đầu là Arnold Schoenberg cho rằng điệu tính đang trên đường được khai thác hết và quyết định từ bỏ nó. Điệu tính là một thứ tự logic trong đó những hợp âm và hòa âm trong âm nhạc ăn khớp với nhau. Từ bỏ nó có nghĩa là từ bỏ quan niệm rằng âm nhạc cần phải đẹp. Nhiều nhà soạn nhạc theo lối cũ nghi ngờ chủ nghĩa hiện đại nếu nó hàm ý những quan niệm cấp tiến như thế. Rachmaninov tiếp tục soạn nhạc theo phong cách lãng mạn, giàu đặc trưng của riêng mình cho tới tận những năm 1940. Những người khác, Sibelius chẳng hạn, cảm thấy bị bỏ lại phía sau và đơn giản là ngừng sáng tác.

Những nhà soạn nhạc thành công nhất là những người tìm được một nền tảng ở giữa – đi theo sự thay đổi trong khi vẫn phù hợp với cái nhìn của chính mình và giữ được tình cảm với thính giả. Richard Strauss bước vào những năm 1890 với một phong cách lãng mạn. Ông đã trở thành một trong những nhà soạn nhạc lớn nhưng vẫn chuyển sang chủ nghĩa hiện đại. Ông thu nhận một phiên bản mờ nhạt những ý tưởng của Schoenberg và tạo ra một sự dàn xếp có thể là thử thách để nghe nhưng cũng dễ dàng để có thể hiểu được.

Igor Stravinsky đã gây sốc và làm cho những thính giả vui thích trong suốt 70 năm sự nghiệp của ông. Những tác phẩm nối tiếng đầu tiên của ông là một loạt 3 vở ballet viết tại Paris cho đoàn Ballets Russes – The Firebird (Chim lửa), Petrushka và Rite of Spring (Lễ bái Xuân). Những âm thanh này hiện đại bởi việc sử dụng sự truyền động, nhịp điệu “máy móc” của chúng, phần nhiều trong số chúng chịu ảnh hưởng bởi âm nhạc dân gian Nga. Stravinsky cũng sử dụng một phong cách hòa âm mới mẻ, đặt những hợp âm khác lên trên một hợp âm khác nữa. Âm thanh tươi mới nhưng chưa bao giờ xa lánh người nghe. Stravinsky tiếp tục là một trong những nhà soạn nhạc thành công nhất của thế kỷ 20.

Âm nhạc dân gian cũng là một nguồn cảm hứng lớn cho nhiều nhà soạn nhạc khác. Tại nước Anh, Vaughan Williams trộn lẫn những âm thanh của những bài hát truyền thống và âm nhạc nhà thờ với những tàn dư của thời kỳ lãng mạn. Nhà soạn nhạc người Hungary Béla Bartók, giống như Stravinsky, đã viết thứ âm nhạc độc đáo dựa trên những nhịp điệu dân ca tiết tấu nhanh của đất nước quê hương. Cả Vaughan Williams và Bartók đều tích cực tập hợp những bài ca dân gian, viết chúng ra hoặc ghi âm chúng lại. Một nhà soạn nhạc khác là Messiaen lại sưu tầm những tiếng chim hót mà sau này ông sử dụng trong âm nhạc của mình.

Chắc chắn là âm nhạc chịu ảnh hưởng lớn bởi những sự kiện chính trị quan trọng làm rung chuyển châu Âu vào giữa thế ký 20. Nhiều nhà soạn nhạc và nghệ sĩ biểu diễn bị chuyển tới những trại tập trung Quốc xã vì những lý do lòng tin, tôn giáo hay chủng tộc. Và ở Liên bang Soviet, gọng kìm thép của Stalin lên xã hội có nghĩa rằng những nhà soạn nhạc như Prokofiev, Shostakovich và Khachaturian bị nhiều hạn chế trong những gì họ có thể làm.

Shostakovich nói riêng, đã từng bị chế độ Soviet ngược đãi khi âm nhạc của ông bị cho là quá “hiện đại” hay “élitist” (tin vào thuyết giáo dục phát triển tinh hoa). Kết quả là ông phải gượng gạo viết theo hai lối – những tác phẩm giao hưởng lớn và nhạc phim của ông có lẽ để làm hài lòng cơ quan thẩm quyền, trong khi đó những tác phẩm quy mô nhỏ hơn như những tứ tấu đàn dây xuất sắc của ông có lẽ phản ánh đúng hơn tiếng nói của riêng mình. Chúng ta chỉ có thể suy đoán điều này bởi vì Shostakovich qua đời trước khi thời đại Soviet kết thúc, mà có thể sau đó ông sẽ tự do để giải thích âm nhạc của mình một cách đầy đủ.

Đời sống chính trị và chiến tranh ở châu Âu đã khiến nhiều nhà soạn nhạc như Stravinsky, Bartók, Schoenberg và Rachmaninov chuyển đến Mỹ. Điều này tạo ra một nơi tụ họp lạ thường những đầu óc tài năng, và những nhà soạn nhạc lớn người Mỹ đầu tiên như Aaron Copland và Samuel Barber xuất hiện, sáng tác với một phong cách mới, kết hợp những yếu tố văn hóa từ châu Âu và châu Mỹ. Theo cách giống như các đồng nghiệp châu Âu sử dụng âm nhạc dân gian, những nhà soạn nhạc Mỹ bắt đầu sử dụng chất liệu nhạc jazz bản xứ của mình. George Gershwin và sau đó là Duke Ellington bắt đầu viết ra thứ âm nhạc “nghiêm túc” để biểu diễn trong phòng hòa nhạc. Những người châu Âu như Stravinsky và Ravel đáp lại bằng thứ âm nhạc cũng bao hàm cả những phong cách jazz như Ebony Concerto của Stravinsky và Piano Concerto của Ravel.

Sự khủng khiếp của nạn tàn sát người Do Thái, Hiroshima và chiến tranh thế giới thứ II đã thuyết phục nhiều nhà soạn nhạc thời hậu chiến rằng hơn bao giờ hết, họ cần đặt quá khứ đằng sau và tìm những phương pháp tiên tiến hơn. Chẳng hạn, Structures (1951) của Pierre Boulez có mọi yếu tố của âm nhạc – giai điệu, nhịp điệu, thậm chí cả yếu tố êm ả-inh ỏi (loud-and-soft) theo điều khiển của toán học. Một nhà soạn nhạc khác là John Cage lại đòi hỏi thính giả của mình cân nhắc lại những quan niệm của họ về vẻ đẹp của những âm thanh tự nhiên. Ông đã viết tác phẩm nổi tiếng mang tên 4’33’’ (4 phút 33 giây) với thời lượng chính xác như vậy nhưng chỉ là sự yên lặng hay là những âm thanh bao quanh một phòng hòa nhạc, nếu bạn muốn nhìn nhận theo cách đó.

Một số tác phẩm tiêu biểu thời kỳ hiện đại:

Stravinsky: The Rite of Spring, The Firebird
Bartók: Concerto for Orchestra
Strauss: Four Last Songs
Gershwin: Piano Concerto, Porgy and Bess
Bernstein: Candide
Copland: Appalachian Spring, Fanfare for the Common Man
Shostakovich: Symphony No. 5; Piano Concerto No. 2
Prokofiev: Romeo and Juliet

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

NSND Trần Quốc Chiêm: Văn nghệ sĩ Thủ đô bắt nhịp thời đại, sáng tạo không ngừng

0
NSND Trần Quốc Chiêm: Văn nghệ sĩ Thủ đô bắt nhịp thời đại, sáng tạo không ngừng

(Tác giả: Đặng Thủy)

NSND Trần Quốc Chiêm: Văn nghệ sĩ Thủ đô bắt nhịp thời đại, sáng tạo không ngừng

Như một nhu cầu tự thân, lại được vùng đất văn hiến nuôi dưỡng, tiếp sức, văn nghệ sĩ Thủ đô luôn khát khao cống hiến, sáng tạo, chạm tới những giá trị đỉnh cao. Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đã có cuộc trò chuyện về những đóng góp mà văn nghệ sĩ Thủ đô có thể mang đến cho Thủ đô, đất nước.

– Sau Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, văn học nghệ thuật Thủ đô đã ghi nhận những bước chuyển nhiều hy vọng. Tuy nhiên, để thực sự tạo dấu ấn sáng tạo mới, chúng ta phải nhìn thẳng vào hạn chế của hoạt động này?

– Các sáng tác của văn nghệ sĩ Hà Nội trong giai đoạn vừa qua đã bắt nhịp được với những động thái đổi mới và hội nhập mạnh mẽ của Thủ đô và đất nước, hòa mình vào dòng chảy lớn lao của lịch sử với ý thức chủ động, tích cực. Trong đó, dễ nhận thấy dấu hiệu mới của đời sống văn học nghệ thuật là khuynh hướng hiện đại hóa các phương thức biểu hiện, tích cực tìm tòi, thể nghiệm hình thức diễn đạt mới. Tuy nhiên, gắn liền với khuynh hướng đó là sự phát triển khá mạnh, có phần xô bồ của các thể loại, các sản phẩm nghệ thuật mang tính thể nghiệm, biểu hiện rõ nhất trong văn học, âm nhạc trẻ, trong hội họa, nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, trong múa hiện đại và sân khấu… Đó là đặc điểm mà những năm qua, chúng ta chưa lường hết và chưa dự báo đúng, có lúc, có nơi rơi vào thế bị động, chưa kịp thời có những chính sách, giải pháp phù hợp với thực tiễn đời sống văn nghệ.

Mặc dù số lượng tác phẩm văn học nghệ thuật của các văn nghệ sĩ Thủ đô ngày càng tăng, nhưng phải thừa nhận là chưa có nhiều tác phẩm dám đi thẳng vào hiện thực, có sức lan tỏa trong xã hội, tác động mạnh tới suy nghĩ, nhận thức của công chúng; chưa có nhiều tác phẩm vượt qua lối mòn và thể hiện khuynh hướng sáng tác mới với tư duy đột phá mới. Hàm lượng chất xám trong các tác phẩm điện ảnh còn hạn chế, văn học thiếu vắng tác phẩm đỉnh cao, âm nhạc chưa đủ sức vươn ra ngoài biên giới… Mảng nghiên cứu, phê bình, lý luận văn học, nghệ thuật chưa làm tốt nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ, định hướng thị hiếu công chúng; chưa đủ sức cổ vũ các sáng tạo có giá trị, né tránh phê phán các biểu hiện sai trái, lệch lạc, việc thẩm định tác phẩm còn thiếu chính xác.

Cũng phải nói thêm, nhiều năm qua Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cũng đã tổ chức một số cuộc vận động sáng tác về đề tài con người và cuộc sống hiện đại của Thủ đô và các đề tài kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, tuy nhiên, vẫn chưa thu về những tác phẩm có chất lượng cao như mong đợi. Việc ký hợp đồng theo chế độ “đặt hàng, ký hợp đồng thỏa thuận mua thành phẩm” chưa thành nền nếp và chưa ăn sâu vào ý thức của anh em văn nghệ sĩ, do vậy chưa phát huy được nhiều nội lực của hội viên trong sáng tạo…

– Là người đã gắn bó nhiều năm với hoạt động văn học nghệ thuật, đặc biệt là trên cương vị của người quản lý, ông nhận định gì về vai trò của văn học nghệ thuật đối với sự phát triển của Thành phố?

– Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) xác định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội”. Và đến Nghị quyết 33-NQ/TƯ ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, quan điểm đầu tiên được Đảng ta xác định vừa có tính kế thừa vừa khái quát cao hơn: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.

Như vậy, để thấy, văn học nghệ thuật với tư cách là một bộ phận quan trọng của văn hóa có vai trò to lớn trong việc đóng góp cho sự phát triển bền vững của Thủ đô và cả nước. Thực tế cho thấy Hà Nội luôn đánh giá cao vai trò của văn hóa, văn học nghệ thuật trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô, đồng thời không ngừng quan tâm, tạo điều kiện để giới trí thức, văn nghệ sĩ Thủ đô phát huy vị trí, vai trò của mình trong sáng tạo.

Về phía Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, hiện nay hội có gần 4.000 hội viên trực thuộc 9 hội chuyên ngành, trong đó có những tên tuổi hàng đầu giới trí thức, văn nghệ sĩ cả nước. Với một lực lượng hoạt động văn học nghệ thuật hùng hậu, bền bỉ và giàu nhiệt huyết cống hiến, các văn nghệ sĩ Thủ đô thực sự luôn khát khao sáng tạo ra nhiều tác phẩm và công trình có uy tín, có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực văn hóa tinh thần của Thủ đô.

– Thủ đô Hà Nội vừa trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và bắt đầu triển khai các chương trình hoạt động như cam kết. Điều này, theo ông, sẽ tạo ra sự cộng hưởng thế nào đối với nỗ lực sáng tạo của văn nghệ sĩ Thủ đô?

– Trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là một niềm tự hào rất lớn của Hà Nội, tạo nên những động lực mới cho sự phát triển Thủ đô trong tương lai. Thành phố Hà Nội chọn lĩnh vực thiết kế sáng tạo trong số 7 nhóm lĩnh vực để lập hồ sơ trình UNESCO. Đây là lĩnh vực bao trùm, tạo động lực để nhiều lĩnh vực còn lại như: Thủ công, nghệ thuật dân gian, điện ảnh, âm nhạc, ẩm thực, văn học… phát triển. Vậy nên, văn nghệ sĩ Thủ đô càng không thể đứng ngoài cuộc. Những mạch nguồn truyền thống sẽ được kế thừa, phát huy ra sao, những sáng tạo văn hóa sẽ được đắp bồi như thế nào để tạo nên hình ảnh mới hấp dẫn cho Thủ đô…, tất cả sẽ vừa là thử thách vừa khuyến khích sự dấn thân và bản lĩnh sáng tạo của mỗi cá nhân văn nghệ sĩ. Nhìn vào những không gian sáng tạo, hoạt động trình diễn, thực hành nghệ thuật hay những ý tưởng trong kiến trúc đô thị, ẩm thực, âm nhạc, nghề thủ công truyền thống…, có thể thấy tiềm năng sáng tạo và cả những thách thức đặt ra cho các văn nghệ sĩ, nhất là lớp trẻ.

– Nhiệm kỳ XII (2016 – 2021) của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội không lâu nữa sẽ khép lại. Để trong nhiệm kỳ mới hoạt động của hội ngày một hiệu quả, tiếp tục cổ vũ, thúc đẩy sáng tạo văn học nghệ thuật ở Thủ đô, theo ông cần chú trọng giải pháp nào?

– Cải tiến mạnh mẽ phương thức hoạt động hội luôn là mục tiêu mà hội đặt ra trong mỗi nhiệm kỳ. Ngoài ra, cũng cần tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho sáng tác qua các chuyến đi thực tế, các trại sáng tác; nâng cao công tác lý luận, phê bình; bảo đảm chất lượng chuyên môn cao của giải thưởng văn học nghệ thuật Thủ đô cũng như giải thưởng của các hội chuyên ngành. Chúng ta phải cùng nhau tiếp tục quan tâm đặc biệt đến đời sống và điều kiện hoạt động sáng tạo của các văn nghệ sĩ có tài, văn nghệ sĩ lão thành, đồng thời tăng cường bồi dưỡng đội ngũ kế cận.

Nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành hội đã đưa ra giải pháp phấn đấu để các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của hội tiếp cận dần và đáp ứng yêu cầu của nền “công nghiệp văn hóa” nằm trong hệ thống các ngành “công nghiệp sáng tạo” đang được đẩy mạnh và phát triển rộng khắp trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế, hoạt động sáng tạo này chưa đủ sức phát huy đầy đủ tiềm năng của các văn nghệ sĩ Thủ đô. Đây là một thách thức lớn và tôi kỳ vọng các văn nghệ sĩ sẽ xem chính những khó khăn này là động lực và dư địa sáng tạo để bắt nhịp nhanh với thời đại, không ngừng cống hiến với tinh thần hướng tới tương lai.

– Chân thành cảm ơn ông!

(Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/)

Âm nhạc về Hà Nội – nguồn cảm hứng vô tận

0

Bàn tròn “Âm nhạc về Hà Nội – nguồn cảm hứng vô tận

Kịch bản, MC, BT: Nguyễn Tiến Mạnh

Khách mời: NS Doãn Nho, Thụy Kha, Ngọc Khuê, Giáng Son.

PV các NS: Phạm Tuyên, Văn Dung, Trương Ngọc Ninh, Nguyễn Cường.

KTV: Đỗ Minh

Âm nhạc thời kỳ lãng mạn (1820-1910)

0
Âm nhạc thời kỳ lãng mạn (1820-1910)

(Tác giả: Cobeo dịch)

Âm nhạc thời kỳ lãng mạn (1820-1910)

Đầu thế kỉ 19, các tác phẩm âm nhạc của trường phái cổ điển Vienna với những tên tuổi như Haydn, Mozart, Beethoven chiếm lĩnh toàn bộ châu Âu. Các nhà soạn nhạc đã thường viết các bản biến tấu theo phong cách này, một phong cách có thể mang lại nhiều ấn tượng. Phong cách này có khuynh hướng trở thành công thức ở trong bàn tay của những nhà soạn nhạc kém tài năng. Một phần vì lí do này mà các cuộc thí nghiệm của những nhà soạn nhạc thời kì 1810 – 1820 dần dần bắt đầu tìm đến những phong cách mới.

Cuộc phiêu lưu của những nhạc sĩ cũng không kéo dài lâu, có cảm giác rằng việc thiết yếu là kết hợp tất cả các yếu tố trong âm nhạc của họ cũng là việc bảo vệ sự trọn vẹn của những nguyên tắc chung. Họ bắt đầu đề cao những giá trị âm nhạc khác hơn là những giá trị truyền thống. Thay vì kiểm soát chúng, họ lại bắt đầu đề cao những phẩm chất như sự bốc đồng và khác lạ. Sức mạnh của họ, lấy ví dụ, họ phát triển những hợp âm ít thông dụng thậm chí những hợp âm này không nằm trong cấu trúc hòa âm tổng thể của tác phẩm. Cũng như vậy, nếu âm thanh của những nhạc cụ đặc thù dường như thu hút một cách đặc biệt theo suốt quá trình diễn biến của bản giao hưởng, họ đã viết những đoạn độc tấu hoa mĩ dài cho nhạc cụ này, cho dù những đoạn solo này làm hình thù tác phẩm thêm căng cứng. Bằng cách này hay cách khác, những nhạc sĩ thế kỉ 19 bắt đầu phô ra sự lãng mạn, đối nghịch lại phong cách cổ điển, đó là quan điểm nghệ thuật của họ. Thẩm mĩ về trường phái Lãng mạn đặc biệt lên cao ở Đức và Trung Âu. Các tác phẩm khí nhạc của nhạc sĩ người Áo, Franz Schubert và các tác phẩm piano và opera của nhạc sĩ người Đức Carl Maria von Weber là những biểu hiện sớm sủa của sự phát triển âm nhạc.

Những nhà soạn nhạc thời kì Lãng mạn thường lấy cảm hứng từ văn học, hội họa hay từ những nguồn không âm nhạc khác. Vì vậy, âm nhạc chương trình được phát triển rất mạnh mẽ và dẫn đến sự ra đời của thể loại thơ giao hưởng. Nhạc sĩ người Pháp Hector Berlioz và nhạc sĩ người Hungary Franz Liszt trở nên đặc biệt nổi bật trong thể loại này. Các bài thơ trong thế kỉ 18 và 19 là cơ sở để hình thành nên các bài hát nghệ thuật mà trong đó các nhà soạn nhạc dùng âm nhạc để khắc họa hình ảnh và tâm trạng của lời ca. Những bài hát nghệ thuật của Đức thường được biết đến dưới cái tên Đức là lied (số nhiều là lieder). Hàng trăm lieder được viết trong thế kỉ 19, những nhà soạn nhạc đặc biệt thành công trong thể loại này là Franz Schubert, Robert Schumann, Johannes Brahms, Hugo Wolf và cuối thế kỉ là Richard Strauss.

Một trong những thể loại lí tưởng của thế kỉ 19 là opera. Tại đây, tất cả những loại hình nghệ thuật hòa cùng nhau mở ra những quang cảnh hùng vĩ, những cao trào của xúc cảm và là cơ hội tốt cho những giọng ca tuyệt vời khoe giọng. Tại Pháp, Gasparo Spontini và Giacomo Mayerbeer sáng tạo ra thể loại grand opera. Jacques Offenbach – một người Pháp khác đã phát triến thể loại comic-opera (gọi theo tiếng Pháp là opéra bouffe). Những tác giả viết opera quan trọng nhất của Pháp còn phải kể đến Charles Gounod và Georges Bizet. Ở Ý, Gioacchino Rossini, Gaetano Donizetti và Vincenzo Bellini tiếp tục phong cách opera truyền thống của Ý từ thế kỉ 18 bel canto (tiếng Ý có nghĩa là hát đẹp). Tại Ý vào nửa cuối thế kỉ 19, Giuseppe Verdi đã làm giảm đi sự ảnh hưởng của lối hát bel canto bằng cách nhấn mạnh đến sự kịch tính trong những mối quan hệ giữa con người với con người. Giacomo Puccini thì quan tâm đến những mối tình ủy mị và những cảm xúc mãnh liệt. Tại Đức, Richard Wagner sáng tạo ra một phong cách opera mới mà chính ông tự gọi là nhạc kịch (drama music). Tại đây tất cả những khía cạnh của tác phẩm đều hướng đến trung tâm kịch tính hoặc ý đồ triết học. Không như Verdi luôn hướng đến đề tài con người, Wagner luôn quan tâm hơn đến những yếu tố mang tính truyền thuyết, thần thoại và coi đó là khái niệm của sự chuộc lỗi trước Chúa. Wagner thường phát triển những đoạn nhạc ngắn của giai điệu và hòa thanh, gọi là leitmotifs (tiếng Đức motif chủ đạo) nhằm đại diện cho con người, đồ vật, khái niệm và những thứ khác nữa. Những đoạn nhạc này được lặp lại bằng giọng hát hoặc dàn nhạc bất kì lúc nào khi những chúng xuất hiện trong suy nghĩ hoặc hành động của nhân vật.

Âm nhạc xuyên suốt thế kỉ 19 vẫn mang truyền thống trừu tượng, âm nhạc tuyệt đối vẫn được duy trì thông qua các bản giao hưởng và âm nhạc thính phòng. Schubert, Schumann, Brahms, nhạc sĩ người Đức Felix Mendelssohn, nhạc sĩ người Áo Anton Bruckner để lại những dấu ấn đặc biệt quan trọng. Nhạc sĩ người Nga Peter Ilyich Tchaikovsky sáng tác giao hưởng và các tác phẩm thính phòng cũng tuyệt vời như các vở opera hay âm nhạc có tiêu đề. Nhạc sĩ Ba Lan Frederic Chopin thì sáng tác ra những thể loại âm nhạc không tiêu đề, mang phong cách rất tự do, phóng khoáng.

Trong tất cả những thể loại âm nhạc, giá trị cao nhất vẫn được đánh giá thông qua sự khác thường độc đáo của những biểu hiện nghệ thuật. Điều này càng được tăng thêm không chỉ do sự mở rộng của những phong cách sáng tác khác người mà còn do sự sùng bái những nhạc trưởng và những nghệ sĩ biểu diễn bậc thầy. Hai người tiêu biểu nhất là Franz Liszt và nghệ sĩ violin người Ý Nicolo Paganini. Nhạc trưởng và nhạc sĩ người Áo Gustav Mahler viết những bản giao hưởng đều liên quan đến cuộc sống riêng tư của mình.

Phong cách âm nhạc của thời kì Lãng mạn đã thay đổi chút ít theo những cách khác nhau vào cuối thế kỉ 19. Sự phát triển của những hợp âm ít được sử dụng đã phá vỡ cơ cấu giọng. Nhiều nhạc sĩ, đặc biệt là Wagner thường xuyên sử dụng những hợp âm nửa cung (Chromatic). Cách diễn đạt âm nhạc dân gian ngày càng được mở rộng, trở thành một phần quan trọng trong những sáng tác của những nhạc sĩ Nga, Tiệp Khắc, Na Uy, Tây Ban Nha. Ta có thể kể đến nhạc sĩ người Nga Mikhail Glinka, Modest Mussorgsky và Nicolai Rimsky-Korsakov; nhạc sĩ Tiệp Khắc Antonin Dvorak và Bedrich Smetana; nhạc sĩ người Na Uy Edvard Grieg. Sau này còn nhiều nhạc sĩ sử dụng những yếu tố dân gian vào trong những tác phẩm của mình như nhạc sĩ người Mĩ Louis Moreau Gottaschalk,  nhạc sĩ người Đan Mạch Carl Nielsen; nhạc sĩ Phần Lan Jean Sibelius và nhạc sĩ người Tây Ban Nha Manuel de Falla.

Theo mạch dân gian này tiến lên phía trước cùng với những yếu tố khác đã hình thành nên âm nhạc cổ điển thế kỉ 20, giới thiệu lại với nghệ thuật âm nhạc những khái niệm cũ về hòa thanh và nhịp điệu. Sự nghiên cứu lịch sử âm nhạc có hệ thống đã đem đến những kết quả giống nhau, trở lại thời kì đầu thế kỉ 19. Với sự tan rã của giọng, sự liên kết yếu kém giữa các bộ phận trong âm nhạc, sự phụ thuộc vào sự chuyển động của những hòa âm, cũng như sự lên xuống của cường độ và mật độ của âm thanh. Cách sử dụng âm thanh như là một yếu tố trong âm nhạc là một đặc điểm rất riêng của thời kì cuối lãng mạn theo phong cách Pháp, được gọi là Ấn tượng, do nhạc sĩ Claude Debussy và Maurice Ravel khởi xướng và phát triển. Những nhạc sĩ Pháp thậm chí còn viết theo phong cách châm biếm hơn như Francis Poulenc và Erik Satie.

(Nguồn: https://nhaccodien.vn/)

Phát động thi sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường

0

(Tác giả: Thanh Xuân)

Phát động thi sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường

Lễ phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường, sáng 5-10

Sáng 5-10, cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” được chính thức phát động, nhằm khích lệ, động viên, và khơi dậy niềm tự hào đối với đội ngũ cán bộ giáo viên ngành giáo dục.

Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường” do Bộ GD-ĐT phối hợp Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Báo Giáo dục và Thời đại là cơ quan thường trực tổ chức Cuộc thi.

Thứ trưởng GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Lễ phát động Cuộc thi

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, thầy cô và mái trường đã là những ca từ, là nguồn cảm hứng khơi dậy sáng tác của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ… mang lại cho chúng ta những tác phẩm để đời”. Thứ trưởng tin tưởng, cuộc thi sẽ được tổ chức thành công, tiếp tục có những nhạc phẩm tri ân thầy, cô giáo và tri ân mái trường.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại công bố thể lệ Cuộc thi, với đối tượng dự thi là công dân Việt Nam, bao gồm các nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài, là tác giả của các tác phẩm âm nhạc phù hợp với thể lệ của Cuộc thi đều có quyền gửi tác phẩm tham dự.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại công bố thể lệ Cuộc thi

Theo Ban tổ chức, cuộc thi đề ra yêu cầu tuyển chọn những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật để tuyên truyền, ca ngợi về thầy cô và mái trường, khắc họa những hình ảnh đẹp, những tấm gương đạo đức nhà giáo trong sự nghiệp trồng người nhân kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 – 20-11-2020).

Ban Tổ chức kỳ vọng sẽ lựa chọn được những tác phẩm có nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, sáng tạo trong lời ca, ngôn ngữ âm nhạc, mang được hơi thở của thời đại, gần gũi với tuổi thơ, có sức lan toản mạnh mẽ trong nhà trường, xã hội…

Chủ đề của tác phẩm tập trung phản ánh truyền thống và những nét đẹp của nghề nhà giáo, những cống hiến thầm lặng của người làm công tác giáo dục trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Nội dung tác phẩm ca ngợi về nghề giáo và hình ảnh người giáo viên nhân dân luôn tận tụy, tâm huyết, đổi mới, sáng tạo, vượt mọi khó khăn để dạy học và cống hiến cho ngành giáo dục, hình ảnh thầy – trò dưới mái trường thân yêu, ca ngợi các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động lớn của ngành giáo dục. Các tác phẩm thể hiện niềm tin, định hướng tương lai của ngành giáo dục trong giai đoạn đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế…

Tác phẩm dự thi được trình bày dưới các hình thức: Đơn ca, tốp ca, hợp xướng có hoặc không có nhạc đệm. Tác giả, nhóm tác giả gửi tác phẩm dự thi là bản ký âm nhạc và lời bằng tiếng Việt, được trình bày trên khổ giấy A4; ghi rõ tác giả phần lời và phần nhạc (Kèm theo đĩa CD hoặc USB phần demo Audio của tác phẩm). Mỗi tác giả, nhóm tác giả được đăng ký dự thi tối đa 3 tác phẩm.

Cuộc thi nhận tác phẩm dự thi từ ngày hôm nay đến hết ngày 15-12, dự kiến trao giải vào cuối tháng 12. Giải thưởng bao gồm: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích. Tiền thưởng bằng tiền mặt là 30 triệu đồng với giải nhất; 15 triệu đồng với mỗi giải nhì; 10 triệu đồng với mỗi giải ba và 5 triệu đồng với mỗi giải khuyến khích.

(Nguồn: https://nhandan.com.vn/)

Xem chi tiết Thể lệ cuộc thi tại đây.

Phiếu đăng ký tham gia cuộc thi:

Âm nhạc thời kỳ tiền cổ điển và cổ điển (1730-1820)

0
Âm nhạc thời kỳ tiền cổ điển và cổ điển (1730-1820)

(Tác giả: Lê Thanh Huyền dịch)

Âm nhạc thời kỳ tiền cổ điển và cổ điển (1730-1820)

Từ khoảng năm 1720 những tiến triển mới một lần nữa lại bắt đầu làm suy yếu phong cách âm nhạc đang thịnh hành. Các nhạc sĩ trẻ thấy rằng sự đối âm thời kỳ Baroque quá cứng nhắc và lí trí, họ ưa thích một sự biểu lộ âm nhạc tự nhiên, ít gò bó hơn. Thêm vào đó, tư tưởng cuối thời Baroque về việc hình thành một đặc tính cảm xúc độc đáo và duy trì nó trong suốt một tác phẩm dường như đang thui chột đi đối với các nhạc sĩ trẻ này.

Sự phản ứng lại phong cách Baroque này có những hình thức khác nhau ở Pháp, Đức và Ý. Ở Pháp một trào lưu mới thường được gọi là rococo hay style galant (tiếng Pháp có nghĩa là “phong cách nhã nhặn”), có đại diện là nhà soạn nhạc người Pháp François Couperin. Phong cách này nhấn mạnh kết cấu cùng một chủ điệu, nghĩa là giai điệu cùng với phần đệm có sự hài hoà âm thanh. Giai điệu được điểm tô bằng những nét hoa mĩ chẳng hạn như những tiếng rung (trill) ngắn. Thay cho một dòng nhạc không đứt quãng như ở thể loại Fugue thời Baroque, những nhà soạn nhạc người Pháp đã viết ra những bản nhạc kết hợp những đoản khúc riêng biệt, giống như trong nhạc khiêu vũ. Sáng tác đặc trưng ở đây ngắn và mang tính chương trình, có nghĩa là nó miêu tả sinh động những hình ảnh phi tính nhạc chẳng hạn như những con chim hay những chiếc cối xay gió. Đàn Harpsichord(clavico) là loại nhạc cụ phổ biến nhất giai đoạn này và rất nhiều suite (tổ khúc) được viết cho cây đàn này.

Ở miền Bắc nước Đức, phong cách tiền cổ điển được gọi là “Empfindsamer Stil” (tiếng Đức-nghĩa là “phong cách nhạy cảm”). Nó chứa đựng một phạm vi những cảm xúc trái ngược rộng hơn hơn phong cách Galant-thường có xu hướng tao nhã và vui vẻ một cách đơn thuần. Các nhà soạn người Đức luôn viết các tác phẩm dài hơn so với các tác phẩm của người Pháp và sử dụng nhiều kỹ thuật âm nhạc thuần túy để thống nhất các tác phẩm của mình. Họ không dựa vào các hình tượng phi âm nhạc như người Pháp đã làm. Người Đức, do vậy, đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của các hình thức trừu tượng, như hình thức sonata, và trong sự phát triển của thể loại lớn như concerto, sonata và symphony.

Ở Italy, phong cách tiền cổ điển không có một cái tên dành riêng cho nó, có lẽ bởi vì nó không cắt đứt một cách đột ngột với âm nhạc thời ngay trước đó. Tuy nhiên các nhà soạn nhạc Italy cũng đã góp phần rất lớn cho sự phát triển của các thể loại mới, đặc biệt là symphony. Opera overture của người Ý thường được gọi là sinfonia, thường không có sự kết nối về âm nhạc hay tính kịch với chính vở opera mà nó giới thiệu. Thỉnh thoảng các nhạc công Italy chơi các Opera overture trong các buổi hoà nhạc và các nhà soạn nhạc rốt cuộc đã bắt đầu viết các bản khí nhạc độc lập theo quy mô Overture. Quy mô này gồm 3 chương, chương đầu và cuối với tốc độ nhanh và chương giữa với tốc độ chậm. Trong mỗi chương sự phát triển của các ý tưởng âm nhạc thường theo một khuôn mẫu mà cuối cùng phát triển thành hình thức sonata.

Các nhà soạn nhạc người Ý đã từng hình thành ý tưởng viết một sinfonia khí nhạc độc lập, thế rồi Người Đức đã tiếp tục ý tưởng và áp dụng tính khéo léo nhiều trí tuệ vào đó. Các trung tâm hoạt động chính của người Đức là ở Berlin, Mannheim và Vienna. Như là kết quả của các hoạt động trên quy mô lớn, các hình thức, thể loại và cách thức truyền đạt âm nhạc khác nhau đã được sinh ra. Sự khác biệt phát sinh giữa phương tiện truyền đạt của âm nhạc thính phòng (chamber music), trong đó mỗi nhạc cụ sẽ chơi phần của mình, và phương tiện truyền đạt của âm nhạc giao hưởng (symphonic music), trong đó nhiều nhạc cụ cùng chơi một phần. Trong phạm trù âm nhạc thính phòng các nhà soạn nhạc bắt đầu phân biệt một số phương tiện truyền đạt như string quartet (tứ tấu đàn dây), string trio (tam tấu đàn dây) và keyboard sonata (sonata đàn phím)với phần đệm của violin. Với các thể loại cho dàn nhạc, các nhà soạn nhạc không chỉ viết các symphony mà còn cả các concerto cho nhạc cụ solo cùng dàn nhạc.

Symphony, sonata, concerto và string quartet đều theo những đề cương có hình thức tương tự. Chúng đều có ba hoặc bốn chương, một hoặc nhiều hơn trong số các chương đó ở hình thức sonata. Được việc sử dụng khóa nhạc phức tạp, đã phát triển đến cuối thời Baroque, tạo cho khả năng, hình thức sonata đã hồi sinh vào giữa quãng thế kỷ 18 và khai thác được mạng lưới phức tạp các quan hệ hoà âm giữa các âm và hợp âm riêng biệt trong cùng một điệu hay giữa các điệu khác nhau. Hình thức sonata được dựa trên một chương rời bỏ rồi lại quay lại điệu chính. Thêm vào đó là sự trình bày những chủ đề đối lập tại đầu mỗi chương và phát triển một hay tất cả các chủ đề một cách công phu hay riêng rẽ về sau.
Giai đoạn phát triển đỉnh điểm của âm nhạc thế kỷ 18 là vào cuối thế kỷ này khi một nhóm các nhà soạn nhạc được biết đến như “Trường phái cổ điển Vienna”, mà nổi bật nhất có Joseph Haydn, Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven.

Opera thế kỷ 18 cũng đã trải qua rất nhiều thay đổi. Ngay tại quê hương của opera là Italy, nó cũng đã mất đi rất nhiều đặc tính nguyên thuỷ như là một vở kịch với âm nhạc. Thay vào đó nó đã trở thành một loạt các aria được viết cho các giọng ca tài năng thể hiện. Một số nhà soạn nhạc châu Âu lại đưa vào các bản interlude và accompaniment khí nhạc như một yếu tố quan trọng. Họ tiến hành sử dụng các hợp xướng lớn hơn và đưa ra nhiều phong cách và hình thức aria hơn trước. Họ cũng cố gắng để phối hợp các nhóm recitative, aria, duet, chorus và các phần khí nhạc vào các lớp lang thống nhất. Cải cách quan trọng nhất là nhà soạn nhạc sinh ra ở Bavarian, Christoph Willibald Gluck, người mà các opera có ảnh hưởng nhất được viết ở Vienna và Paris từ năm 1764 đến 1779. Opera thời kì Cổ điển đạt tới đỉnh cao nhất trong các tác phẩm sân khấu của Mozart, trong đó đó mọi khía cạnh của thanh nhạc lẫn khí nhạc đều góp phần vào sự phát triển của cốt truyện và sự mô tả tính cách nhân vật.

(Nguồn: nhaccodien.info)

“Những người khốn khổ” lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu nhạc kịch Việt Nam

0
“Những người khốn khổ” lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu nhạc kịch Việt Nam

(Tác giả: Hương Thủy)

Thông tin từ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho biết, nhà hát đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn lần đầu tiên vào đêm 21-22/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Để làm được việc này, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã cố gắng xây dựng hoàn chỉnh ekip sáng tạo và sản xuất, trong đó có đạo diễn sân khấu Nguyễn Triều Dương. Đạo diễn vừa trở về từ Vương quốc Anh, trải qua 14 ngày cách ly, nay đã có thể cùng tập thể diễn viên, nhạc công của nhà hát tập luyện tích cực để nhanh chóng gửi tới công chúng một tác phẩm nhạc kịch hoành tráng trong năm 2020.

Điều đặc biệt của vở nhạc kịch Những người khốn khổ do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thực hiện là việc quốc tế hóa ekip diễn viên. Vì vậy, dàn diễn viên của Những người khốn khổ sẽ có cả các diễn viên nước ngoài tại Việt Nam, trụ cột chính vẫn là các giọng ca opera nổi tiếng của Việt Nam hiện nay như Đào Tố Loan, Huy Đức, Trần Trang Sao Mai, Bùi Trang…

“Những người khốn khổ” lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu nhạc kịch Việt Nam

Quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam NSƯT Trần Ly Ly cho biết, năm 2020 có thể nói là một năm vô cùng đặc biệt. Với sự lan rộng đầy nguy hiểm của đại dịch Covid-19, rất nhiều chương trình nghệ thuật của Việt Nam, trong đó có Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, đã phải hủy bỏ hoặc hoãn lại một số tác phẩm tới công chúng, như chương trình lưu diễn vở ballet Hồ Thiên Nga mà Nhà hát định thực hiện vào tháng 8 vừa qua.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch, bên cạnh đó là việc mua bản quyền, nhưng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã nỗ lực hết sức để có thể đưa vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” lên sân khấu trong thời gian tới. Đơn vị này sẽ nỗ lực không mệt mỏi với sự phát triển của nền nghệ thuật hàn lâm Việt Nam nói chung và nhà hát nói riêng.

(Nguồn: https://anninhthudo.vn/)

HĐNT Thẩm định TPM tháng 10/2020

0

Tác giả: Quỳnh Anh

Hội đồng Nghệ thuật Hội Âm nhạc Hà Nội đã tổ chức cuộc họp vào sáng ngày 2/10/2020 để thẩm định những tác phẩm mới của các hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội, chuẩn bị cho chương trình Giới thiệu Tác phẩm mới sẽ được diễn ra vào ngày 15/10/2020 tại Ngôi nhà chung của các nhạc sĩ Thủ đô, số 19 Hàng Buồm.

Đến tham dự gồm có: NS Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, NS Lân Cường – PCT Thường trực, NS – Bá Môn – PCT Hội, NS Cát Vận – PCT Hội đồng NT, Vũ Thiết, Tiến Mạnh – Tổng BT website: hoiamnhachanoi.org và bà Tố Hoa – thư ký hội đồng nghệ thuật.

Với không khí làm việc nghiêm túc, sôi nổi, Hội đồng Nghệ thuật đã lựa chọn ra 12 bài hát để giới thiệu vào ngày 15/10/2020 tại Hội trường Hội Âm nhạc Hà Nội, số 19 Hàng Buồm, Hà Nội.

Hẹn gặp lại các nhạc sĩ hội viên vào 9h00 ngày 15/10/2020.

DANH SÁCH TÁC PHẨM MỚI THÁNG 10/2020

STT  TÁC PHẨM TÁC GIẢ BIỂU DIỄN GHI CHÚ
1 Trường ca: Biển trời đất Việt Đinh Quang Hợp Đào Tố Loan CD
2 Nhớ anh Tr. Thanh Tùng

Thơ Hòa An

Quách Mai Thi CD
3 Mường Khương đây quê em Duy Thịnh CD
4 Bến xưa quan họ Bùi Quang Tuấn* Ngọc Ký – Ngọc Liên CD
5 Tuổi trẻ Thủ đô tự hào tiến bước dưới cờ Đảng Hoàng Giai CD
6 Nhớ về Lam Hạ Trương Anh Tuấn CD
7 Bài ca giữ biển Xuân Vinh Tốp nam WB
8 Tượng đài Hồ Chí Minh Phi Cẩm Thúy WB
9 Tiếng lòng Mẹ ru Phi Thường WB
10 Đêm trăng rơi Đỗ Hồng Quân WB
11  Xao xuyến một miền quê Huyền Ngọc Wb
12 Dáng đứng đảo xa Trần Hùng WB

 

Sau đây là một số hình ảnh:

Âm nhạc thời kỳ Baroque (1600-1700)

0
Âm nhạc thời kỳ Baroque (1600-1700)

(Tác giả: Lê Thanh Huyền dịch)

Âm nhạc thời kỳ Baroque (1600-1700)

Vào cuối thế kỷ 16, khi tính phức điệu thời Phục hưng vẫn còn đang thịnh hành, những tiến triển mới ở Ý đã bắt đầu làm thay đổi âm giọng và cấu trúc của âm nhạc. Rất nhiều nhạc sĩ Ý không thích phong cách đối âm của những Người Hà Lan. Mong ước được tranh đua với nền âm nhạc cổ điển điển hình của người Hy Lạp, họ thích những cấu trúc ít phức tạp hơn, được biểu lộ bằng những sự tương phản thường gây xúc động, chủ đề dễ hiểu và sự tác động lẫn nhau của các giọng hát và nhạc cụ. Những yếu tố như thế trở nên đặc biệt nổi bật trong thể loại opera, một thể loại lần đầu tiên được trình diễn ở Florence vào cuối thế kỷ 16 và phát triển rực rỡ vào thế kỷ 17 bởi nhà soạn nhạc người Ý Claudio Monteverdi. Những thể loại mới khác của thanh nhạc (vocal music) gồm có cantata và oratorio.

Khí nhạc cũng ngày càng trở nên nổi bật trong suốt thế kỷ 17 này, thường ở hình thức một tác phẩm đối âm liên tục với sự phân chia không rõ ràng giữa các đoạn hoặc các chương, nó đã sinh ra những cái tên như ricercare, fantasia và fancy. Một phong cách sáng tác thứ hai được tạo bởi những bộ phận tương phản, thường ở những kết cấu cũng một chủ điệu và đối âm, hình thức này được biết đến là canzona hoặc sonata. Rất nhiều bản khí nhạc được dựa trên những giai điệu hoặc bè trầm đã có sẵn; chúng  gồm có chủ đề và các biến tấu, passacaglia, chaconne và chorale prelude. Các tác phẩm theo nhịp vũ khúc thường được gộp chung thành các suite (tổ khúc). Cuối cùng các nhà soạn nhạc đã phát triển các bản nhạc theo các phong cách ứng tác (ngẫu hứng) cho các nhạc cụ đàn phím, những bản nhạc loại này được gọi là prelude, toccata và fantasia. Với sự gia tăng của các thể loại mới ở thế kỷ 17, một vài khái niệm cơ bản về cấu trúc âm nhạc đã bị biến đổi, đặc biệt là ở Ý. Thay vì viết những bản nhạc mà trong đó tất cả các giọng từ soprano tới bass tham gia một cách bình đẳng vào hoạt động âm nhạc, các nhà soạn nhạc chỉ tập trung vào các phần của soprano hay bass và đơn thuần lấp đầy những khoảng trống còn lại bằng những hợp âm. Sự cách quãng chính xác của những hợp âm không quan trọng và các nhà soạn nhạc thường cho phép người chơi đàn phím ứng biến chúng. Các thuật ngữ như basso continuo và figured bass liên quan đến bè trầm và việc lấp đầy âm, cái làm thành một bố cục được sử dụng tất cả các thể loại âm nhạc, đặc biệt là các bài hát solo.

Một sự cách tân quan trọng khác của thế kỷ 17 đã biến phong cách hay thay đổi của âm nhạc gần cuối thời phục hưng sang một phong cách đặc trưng bởi các yếu tố nhiều tương phản, người ta biết đến nhiều cái tên khác nhau như concertato, concertate và concerto, từ concertare (tiếng Latin nghĩa là “sát cánh chiến đấu”). Những tương phản xuất hiện ở nhiều cấp độ âm nhạc, chẳng hạn như các nhạc cụ tương phản hoặc mật độ tương phản của âm thanh, ví dụ như với một nhạc cụ solo đối đáp cùng một nhóm nhạc cụ, những tỉ lệ tương phản của tốc độ và những mức độ tương phản của âm lượng. Những đặc trưng tương phản này được tạo nên để ganh đua hay luân phiên bằng một nhạc cụ khác nhằm tạo ra một phong cách âm nhạc năng nổ và kích động, được áp dụng vào âm nhạc viết cho mọi loại nhạc cụ cũng như cho giọng hát và được dùng cho mọi hình thức và thể loại.

Các nhà soạn nhạc nổi tiếng của thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18 này bao gồm: các nhạc sỹ người Ý Arcangelo Corelli, Alessandro Scarlatti, Domenico Scarlatti và Antonio Vivaldi, các nhạc sỹ người Đức Dietrich Buxtehude và Heinrich Schutz , nhạc sỹ người Anh Henry Purcell , nhạc sỹ người Pháp gốc Ý Jean Baptiste Lully, và nhạc sỹ người Pháp Jean Philippe Rameau.

Về cuối thế kỷ 17, một hệ thống những mối liên hệ hoà âm gọi là “khoá nhạc” bắt đầu thống trị âm nhạc. Sự phát triển này tạo cho nền âm nhạc một trào lưu ngầm những mối liên hệ tầm xa giúp gọt giũa đi một vài chỗ còn thô của những đối âm trong phong cách thời đầu Baroque. Đến đầu thế kỷ 18 các nhạc sĩ đã đạt tới một sự kiểm soát chắn chắn đối với những bắt buộc phức tạp của khóa nhạc. Cũng đến thời kỳ này, họ đã từ bỏ trên quy mô lớn quan niệm về sự thay đổi thường xuyên trong “Điệu” (mood) và đã bắt đầu ưa thích một phương pháp có mức độ hơn và đồng nhất hơn. Thường một bản nhạc hay chương nhạc hoàn chỉnh là một soạn thảo công phu của một năng lực cảm xúc được gọi là “làm xúc động”. Sự kiểm soát đối với khóa nhạc và sự nhấn mạnh vào các điệu đơn trên quy mô lớn đã dẫn đến cảm xúc bảo đảm và chắc chắn trong âm nhạc thời kỳ này, kể cả âm nhạc của hai nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức cuối thời Baroque là Johann Sebastian Bach và George Frideric Handel.

(Nguồn: nhaccodien.info)