Thứ Hai, Tháng Mười 21, 2024
Trang chủ Blog Trang 76

Khai mạc “Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc – 2020”

0
Khai mạc “Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc – 2020”

(Tác giả: Thụy Du)

Ngày 30-9, “Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc – 2020” do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các địa phương tổ chức, đã khai mạc tại điểm thi thứ năm – Hà Nội.

Khai mạc “Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc – 2020”

Ban tổ chức tặng cờ cho các đơn vị tham gia tại điểm thi Hà Nội.

Đây là điểm thi cuối cùng của cuộc thi, sau Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc.

Phát biểu khai mạc tại điểm thi này, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Trần Hướng Dương nhấn mạnh, đây là hoạt động nghề nghiệp nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc dân gian Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bên cạnh đó, cuộc thi còn là dịp để các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các đơn vị nghệ thuật, các giảng viên, học sinh, sinh viên đang giảng dạy, học tập chuyên ngành nhạc cụ dân tộc tại những cơ sở đào tạo nghệ thuật thể hiện khả năng cá nhân, giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật cũng như bảo tồn, gìn giữ, phát huy những tinh hoa âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Từ đó, cơ quan, đơn vị liên quan rút ra những bài học về công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển tài năng và tìm ra phương thức hoạt động góp phần thúc đẩy các loại hình âm nhạc truyền thống phát triển trong thời kỳ mới.

Phần thi của Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Cuộc thi năm nay có 650 nghệ sĩ của 35 đơn vị nghệ thuật trên cả nước tham gia.

Tại điểm thi Hà Nội, có 8 đơn vị tranh tài, gồm: Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Nhà hát Chèo Việt Nam.

Các đơn vị sẽ dự thi trong 2 ngày 1 và 2-10, tại Nhà hát Chèo Việt Nam (số 1 Giang Văn Minh, Ba Đình, Hà Nội).

Lễ tổng kết, bế mạc và trao giải cuộc thi diễn ra tại Nhà hát Chèo Việt Nam vào tối 5-10.

Toàn bộ cuộc thi được phát trực tuyến trên kênh YouTube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện phát trực tuyến cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp toàn quốc trên kênh YouTube.

(Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/)

Âm nhạc thời kỳ Phục Hưng (1400-1600)

0
Âm nhạc thời kỳ Phục Hưng (1400-1600)

(Tác giả: Ngọc Anh dịch)

Âm nhạc thời kỳ Phục Hưng (1400-1600)

Chống lại những phức tạp của ars nova, hầu hết các nhà soạn nhạc đầu thế kỷ 15 ưa thích phong cách âm nhạc đơn giản hơn với những giai điệu chảy trôi êm ả, những hòa âm nghe êm tai hơn và ít nhấn mạnh vào đối âm hơn. Nhà soạn nhạc Anh John Dunstable là người đầu tiên đẩy mạnh việc hướng tới một phong cách đơn giản hơn. Những nét thanh nhã trong phong cách của ông sớm được các nhà soạn nhạc khác ở lục địa châu Âu tiếp thu, đặc biệt là những người phục vụ các công tước Bourgogne miền bắc nước Pháp. Những nhà soạn nhạc Bourgogne này nổi tiếng bởi những chanson trong đó một bè giọng thể hiện giai điệu chính và một hoặc hai bè khác đảm nhiệm vai trò phần đệm. Những người Bourgogne, đầu tiên là Machaut, cũng phát triển thông lệ sáng tác mass với các phần như một tổng thể hòa nhập. Kết quả là mass trở thành một thể loại bất hủ, về tầm vóc có thể sánh với các giao hưởng thế kỷ 19. Các mass sử dụng một cantus firmus (bè chính, bè cao nhất) thường được dựa trên những chanson hay những giai điệu thế tục khác. Thực tế này phản ánh ảnh hưởng gia tăng của mối quan tâm đến mảng thế tục trong thời Phục hưng.

Trong viết nhạc đối âm, những nhà soạn nhạc thời Phục hưng dựa nhiều vào việc mô phỏng, sự trình bày liên tiếp, gần gũi về khoảng cách trong một hay nhiều bè giọng có cùng ý đồ giai điệu. Kỹ thuật mô phỏng đã được sử dụng từ cuối thế kỷ 14 nhưng trong thời Phục hưng nó đã trở thành một yếu tố cấu trúc chính trong âm nhạc. Nếu một bè giọng bắt chước một bè giọng khác một cách nhất quán trong một khoảng cách thời gian dài vừa phải, hai bè giọng sẽ hình thành nên một canon (tạm dịch là “luân khúc”). Trong âm nhạc thời Phục hưng, những cặp bè giọng chuyển dịch trong một canon suốt cả tác phẩm hay một phần tác phẩm trong khi những mô phỏng ngắn hơn diễn ra trong những bè giọng khác.

Nhà soạn nhạc nhiều tài nhất đầu thời Phục hưng là Guillaume Dufay. Ông đã viết các motet có sự phức tạp gần với phong cách của ars nova cũng như các chanson theo một kiểu mới hơn và nhẹ nhàng hơn. Nhà soạn nhạc nổi bật về thể loại chanson là Gilles Binchois.

Ảnh hưởng của những nhà soạn nhạc Bourgogne đến giữa thế kỷ 15 đã suy giảm. Từ khoảng năm 1450 đến khoảng 1550 hầu hết các chức vụ về âm nhạc quan trọng ở châu Âu do những nhà soạn nhạc sinh vào thời đó ở Hà Lan, Bỉ và những vùng của nước Pháp kề cận đó nắm giữ. Những nhà soạn nhạc này thường được gọi là Người Hà Lan theo tên vùng đất quê hương họ.

Nói chung những Người Hà Lan ưa thích kiểu âm thanh đồng nhất hơn, chẳng hạn như do một hợp xướng không nhạc đệm tạo ra. Kết cấu âm nhạc chiếm ưu thế của họ là đối âm với mọi bè giọng có tầm quan trọng ngang bằng. Các đặc trưng âm nhạc này tương phản với kiểu âm thanh Bourgogne điển hình, trong đó mỗi bè giọng có mầu sắc riêng (chẳng hạn như một giọng solo được hai nhạc cụ solo khác đệm cho) và trong đó một giọng sẽ trội hơn các giọng khác.

Những Người Hà Lan tiếp tục truyền thống Bourgogne về sáng tác chanson, motet và mass. Mặc dù nhiều tác phẩm mass xuất sắc được sáng tác vào cuối thế kỷ 15 và thế kỷ 16 nhưng thể loại mass khi đó không tạo ra một sự thách thức như nó đã từng làm đối với những nhà soạn nhạc Bourgogne. Các kỹ thuật cơ bản để thống nhất một bản mass toàn vẹn đã trở thành đặc tính chung của mọi nhà soạn nhạc, lời ca của mass, vẫn luôn giữ nguyên, khơi gợi ít kiểu phổ nhạc hơn. Phần lớn vì những lý do này, thể loại motet trở thành phương tiện biểu lộ để thử nghiệm. Lời ca, rút ra từ mọi phần của Kinh Thánh cũng như từ các nguồn khác, gợi ra cho các nhà soạn nhạc nhiều ý tưởng âm nhạc mang tính minh họa. Chanson của thế kỷ 16 đã xa rời hẳn vẻ hấp dẫn đơn giản của các bài tình ca Bourgogne. Chúng có xu hướng được đối âm tỉ mỉ hoặc là được rót đầy bằng các ngụ ý âm nhạc dí dỏm ám chỉ tiếng gọi chim, tiếng rao của những người bán dạo ngoài phố và tương tự thế. Những chanson của các nhà soạn nhạc người Paris Claudin de Sermisy và Clément Janequin minh họa cho phong cách thứ hai.

Những Người Hà Lan hàng đầu là Johannes Okeghem, Jacob Obrecht, Josquin Desprez và Orlando di Lasso. Trong số những nhạc sĩ Ý nổi bật nhất cuối thời Phục hưng có Giovanni da Palestrina. Âm nhạc của ông điển hình cho dòng phức điệu hợp xướng ngang bằng, đều là tiêu chuẩn chính của phong cách âm nhạc Phục hưng. Những nhạc sĩ danh tiếng khác của thời kỳ này gồm cả nghệ sĩ organ, nhà soạn nhạc người Anh William Byrd và nhà soạn nhạc người Tây Ban Nha Tomás Luis de Victoria. Điều quan trọng đối với sự phát triển của âm nhạc là sự phát triển của các kỹ thuật in ấn tác phẩm âm nhạc. Được một thợ in Venice tên là Ottaviano dei Petrucci sáng chế ra lần đầu tiên, các kỹ thuật như vậy mau chóng được đưa vào sử dụng ở Antwerp, Nürnberg, Paris và Rome.

(Nguồn: nhaccodien.info)

Âm nhạc đầu thời kỳ Trung cổ (Trước thế kỷ thứ 15)

0
Âm nhạc đầu thời kỳ Trung cổ (Trước thế kỷ thứ 15)

(Tác giả: Ngọc Anh dịch)

Âm nhạc đầu thời kỳ Trung cổ (Trước thế kỷ thứ 15)

Âm nhạc đầu thời kỳ Trung cổ

Ở thời Trung cổ, hầu hết các nhạc sĩ chuyên nghiệp đều được nhà thờ Cơ đốc giáo tuyển dụng. Vì đối lập với ngoại giáo liên quan đến Hy Lạp và La Mã cổ đại nên nhà thờ không khuyến khích việc biểu diễn âm nhạc Hy Lạp và La Mã. Hậu quả là loại âm nhạc này bị tàn lụi.

Người ta biết rất ít về thể loại thánh ca không nhạc đệm được sử dụng trong những nghi lễ nhà thờ thời kỳ đầu. Tuy nhiên thể loại thánh ca Cơ đốc giáo xuất hiện được bắt nguồn từ âm nhạc lễ nghi của đạo Do Thái và những giai điệu thế tục thời đó. Những giai điệu thánh ca phát triển ở Roma được sáng tác và ấn định cho những trình tự cụ thể trong những nghi lễ nhà thờ trong thời kỳ từ thế kỷ thứ 5 đến thứ 7. Thánh ca La Mã được biết tới như thánh ca Gregorian theo tên của Giáo hoàng Gregory, giáo hoàng Vĩ đại, người có thể đã sáng tác một số giai điệu và là người tích cực khuyến khích các nhà thờ sử dụng âm nhạc được lễ nghi hóa theo thứ tự. Vì Gregory và các giáo hoàng về sau ưa thích thánh ca Gregorian hơn những thể loại khác đã phát triển ở châu Âu, thánh ca Gregorian cuối cùng đã thế chỗ cho hầu hết những thể loại khác. Phong cách thánh ca Gregorian và các thể loại thánh ca khác được gìn giữ trong nhiều bản thảo viết tay. Các ký hiệu âm nhạc được sử dụng trong những bản thảo viết tay này thuộc hệ thống ký hiệu neumes, cội rễ sớm nhất của hệ thống ký hiệu âm nhạc hiện đại.

Ít nhất cũng phải đến thế kỷ thứ 9 nhiều nhạc sĩ mới cảm thấy sự cần thiết phải có một thứ âm nhạc phức tạp hơn kiểu giai điệu không nhạc đệm. Họ bắt đầu thêm vào bè giọng hát được hát đồng thời với những đoạn của thánh ca. Kết quả là sự ra đời của phong cách âm nhạc gọi là organium (hình thức âm nhạc phức điệu sớm nhất). Trong phong cách organium thời kỳ đầu, bè giọng hát được thêm vào chạy song song một cách đơn giản với giai điệu thánh ca nhưng được hát trên đó một quãng tư hay quãng năm. Về sau bè thêm vào trở thành một giai điệu đối âm độc lập. Organium có vị trí quan trọng trong lịch sử âm nhạc vì đó là bước đầu tiên hướng tới sự phát triển của kết cấu âm nhạc được biết đến là phức điệu (polyphony), việc sử dụng nó ở phạm vi rộng là đặc trưng nổi bật nhất của âm nhạc phương Tây.

Vào khoảng cuối thế kỷ 12, organium được viết theo ba hoặc bốn bè giọng hát, hình thành những tác phẩm dài có thể choán đầy không gian rộng lớn của những nhà thờ Gothic bằng âm lượng lớn. Những trung tâm phát triển chính của organium là ở Pháp, tại Tu viện Saint Martial ở Limoges và tại Nhà thờ Đức Bà Paris. Kỹ thuật organium kiểu Anh, gọi là gymel, đến giai đoạn này cũng đã phát triển.

Để các nhạc sĩ có thể đọc và biểu diễn một số bè giọng hát khác nhau một cách đồng thời, một hệ thống ký hiệu âm nhạc tỉ mỉ đã được phát triển. Ký hiệu cao độ được giải quyết bằng việc sử dụng một khuông nhạc gồm 4, 5 dòng kẻ hoặc hơn thế, với mỗi dòng hay khoảng trống giữa chúng đại diện cho một cao độ cụ thể, như là ký hiệu âm nhạc ngày nay. Sự hoàn hảo của hệ thống này là nhờ ở tu sĩ Ý dòng Benedictine Guido d’Arezzo thế kỷ 11. Ký hiệu về nhịp thời gian tỏ ra khó hơn. Giải pháp được rút ra trong thế kỷ 11 và 12 là dựa vào một nhóm những mẫu hình nhịp điệu ngắn gọi là những kiểu nhịp. Mẫu hình hay kiểu nhịp tương tự được lặp đi lặp lại cho đến khi nhà soạn nhạc chỉ ra bằng một ký hiệu theo đó một kiểu nhịp khác thế chỗ nó. Nhờ việc sử dụng “ký hiệu cách thức” này trong âm nhạc, một sự đa dạng các chương nhịp đạt được bằng cách sử dụng những kiểu khác nhau một cách đồng thời trong các bè giọng khác nhau và bằng cách thay đổi các kiểu trong tiến trình một tác phẩm. Đến cuối thế kỷ 13 người ta đã bỏ kiểu ký hiệu cách thức và những ký hiệu đầu tiên của hệ thống những giá trị nốt dài và ngắn hiện đại đã được đưa vào sử dụng.

Organum là một bước phát triển âm nhạc phức tạp ban đầu được những giáo sĩ có trình độ trong nhà thờ Cơ đốc giáo khuyến khích và đánh giá cao. Một truyền thống âm nhạc thế tục, đơn giản hơn trong cấu trúc, đã tồn tại bên ngoài nhà thờ. Đây là thứ nhạc đơn âm của các nhạc sĩ lưu động, những người hát rong và con cháu họ, những người hát rong Pháp và Đức.

Cả âm nhạc tôn giáo và thế tục đều sử dụng nhiều loại nhạc cụ, gồm các đàn dây như lyre, psaltery và fiddle thời trung cổ, hoặc đàn viele. Các nhạc cụ phím gồm cả organ. Các nhạc cụ gõ gồm cả trống nhỏ và chuông nhỏ.

Âm nhạc cuối thời kỳ Trung cổ

Một sự thay đổi lớn về phong cách xảy ra trong âm nhạc suốt đầu thế kỷ 14. Phong cách mới được giáo sĩ cấp cao người Pháp Philippe de Vitry, một trong những nhà soạn nhạc hàng đầu của thời kỳ này, gọi là ars nova (tiếng Latin nghĩa là “nghệ thuật mới”). Kết quả là âm nhạc thời kỳ này phức tạp hơn mọi tác phẩm được viết trước đó, phản ánh một tinh thần mới ở châu Âu làm nổi bật sự tài tình và khéo léo của con người. De Vitry cũng tìm ra một hệ thống gồm cả những ký hiệu về thời gian. Điều này cho phép các nhạc sĩ thế kỷ 14 đạt được một sự tự do về nhịp điệu mới trong sáng tác của họ.

Những phức tạp mới mang một số hình thức. Nới rộng nguyên tắc của những thể thức nhịp ngắn, các nhà soạn nhạc ars nova đã sử dụng những mẫu hình nhịp gồm 12 nốt hoặc nhiều hơn mà chúng lặp đi lặp lại trong một hoặc nhiều bè giọng của tác phẩm. Nguyên tắc mới được gọi là nhịp tương tự (isorhythm, trong tiếng Hy Lạp iso nghĩa là “tương tự”). Các nhà soạn nhạc đã sử dụng một bè giọng được sắp xếp tương tự về nhịp như nền tảng của các tác phẩm lớn và đan kết những giai điệu lên đó để trình bày những ý đồ đa thanh phức tạp. Giọng nền thường được tiếp quản từ một phần của thánh ca Gregorian. Giai điệu vay mượn này được biết đến là cantus firmus (tiếng Latin nghĩa là “giai điệu cố định”. Thể loại âm nhạc trong đó các nhà soạn nhạc sử dụng nguyên tắc nhịp tương tự với mức độ lớn nhất là motet (tạm dịch là thánh ca ngắn). Một số motet, thêm vào sự phức tạp về cấu trúc còn có một số lời ca được hát một cách đồng thời.

Điều phức tạp thứ hai của ars nova liên quan đến cấu trúc tổng thể của âm nhạc được viết cho thể loại mass (thánh ca). Trước năm 1300, những tác phẩm phức điệu đôi khi đã được viết thành những phần riêng rẽ của mass. Vào thế kỷ 14, lần đầu tiên, cả năm phần cấu tạo nên một mass như thông lệ được xem như một tổng thể hòa nhập. Người đầu tiên làm điều này là giáo sĩ, nhà thơ và nhà soạn nhạc Pháp Guillaume de Machaut. Tuy nhiên tiền lệ của ông không được đi theo cho đến tận thế kỷ tiếp đó.

Một đặc trưng nổi bật của ars nova là sự quan tâm hơn đến âm nhạc thế tục. Lần đầu tiên những nhà soạn nhạc lớn đã viết cả nhạc thế tục và nhạc tôn giáo. Những giai điệu không được phối hòa âm mà những người hát rong thế kỷ 13 hát đã được các nhà soạn nhạc thế kỷ 14 phát triển thành những tác phẩm ba giọng gọi là chanson (tiếng Pháp nghĩa là “bài ca”). Những mẫu hình lặp lại dòng trong lời ca áp dụng cho những chanson này quyết định hình thức tổng thể của âm nhạc. Các hình thức phối hợp thường được sử dụng nhất ở Pháp là rondeau, virelai và ballade. Ở nước Ý madrigal, caccia và ballata là những kiểu được ưa thích hơn. Nhà soạn nhạc Ý nổi bật nhất thời kỳ này là Francesco Landini.

(Nguồn: nhaccodien.info)

Top 10 Giọng hát hay Hà Nội 2020 ngập tràn sức trẻ

0

(Tác giả: Tình Lê)

10 thí sinh tham gia vòng chung kết cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 2020 đều rất trẻ, đây là một luồng gió mới cho cuộc thi.

Cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội năm nay vòng chung kết sẽ chứng kiến cuộc tranh tài của 10 thí sinh tài năng, xuất sắc nhất được lựa chọn từ 81 thí sinh tham dự bán kết. Và điều đặc biệt nhất năm nay chính là các thí sinh rất trẻ – một luồng gió mới cho cuộc thi.

Trong top 10 thí sinh lọt vào vòng chung kết, trẻ nhất là Phạm Linh Phương – sinh viên trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, cô gái nhỏ bé đến từ Hải Phòng sinh năm 2004 đã làm BGK và khán giả ngạc nhiên khi chọn Lũ đêm – một sáng tác khó của nhạc sĩ Dương Cầm.

Dù mới 16 tuổi nhưng với kinh nghiệm đi hát từ nhỏ và “chinh chiến” ở một số cuộc thi nên Phạm Linh Phương rất tự tin trình bày và đã “đánh bại” hai thí sinh khác lớn tuổi hơn cô cũng chọn Lũ đêm.

Phạm Linh Phương – sinh viên Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.

Thí sinh nhỏ tuổi thứ hai là Đinh Thị Thu Thuỷ (sinh năm 2003), và thật tình cờ, cô cũng là sinh viên trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Thu Thuỷ cũng chọn một bài khá “khó nhằn” là Giấc mơ dai dẳng (Nguyễn Vĩnh Tiến) từng được “đóng đinh” bởi giọng hát Ngọc Khuê. Nhưng với sức trẻ và sự tươi mới cùng với một nền tảng tương đối tốt, Thu Thuỷ cũng đã thể hiện thành công phần dự thi của mình và được BGK chọn vào top 10 chung kết xếp hạng.

Bên cạnh hai thí sinh nhỏ tuổi nhất, “lứa 2k” còn có Bùi Tuấn Ngọc, Ân Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Minh Ngọc, cả ba thí sinh này đều sinh năm 2000. Nếu như Bùi Tuấn Ngọc là một giọng pop rất trẻ và hiện đại đang là sinh viên Đại học VHNT Quân đội, thì Ân Thị Minh Hằng cũng là một giọng thính phòng trẻ trung và có giọng hát rất hay, kỹ thuật tốt và hát rất tình – cô từng đoạt quán quân cuộc thi Giọng hát hay sinh viên ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương 2020. Riêng Minh Ngọc, cô gái đến từ Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội là thí sinh được đánh giá hát dân gian hay nhất vòng bán kết, với sự đầu tư dàn dựng công phu và một phong thái tự tin, bản lĩnh khi thể hiện xuất sắc ca khúc Về lại Lam Giang.

Năm thí sinh còn lại đều là những giọng hát thế hệ “9x” cũng đầy trẻ trung, tươi mới. Một Ngọc Hà (sinh năm 1993) hoá thân hát và diễn như “nhập đồng” ca khúc Tứ Phủ – một trong những “hit” của Hoàng Thuỳ Linh năm 2019. Hữu Trung (sinh năm 1997) là giọng “nam trung” theo phong cách thính phòng đã thể hiện rất ngọt ngào, tình cảm và cách hát dung dị nhưng tinh tế ca khúc Những ngôi sao ca đêm nổi tiếng một thời.

Top 10 Giọng hát hay Hà Nội 2020 ngập tràn sức trẻ

Nguyễn Quốc Tuấn (sinh năm 1997) dù hát mở màn vòng Bán kết nhưng đã thể hiện vô cùng xuất sắc và đầy biến hoá ca khúc Ngài (Vũ Minh Tâm). Bùi Dương Thái Hà (sinh năm 1998) – được ví như hoa khôi của cuộc thi năm nay, cô sở hữu ngoại hình xinh đẹp và giọng hát rất cá tính. Thái Hà thể hiện xuất sắc ca khúc Ngược (Hồ Hoài Anh) và đã chinh phục được BGK.

Thí sinh Trần Phúc Minh được coi như một “cơn gió lạ” của top 10 chung kết năm nay. Nếu 9 thí sinh kể trên đều đang là sinh viên học thanh nhạc thì Trần Phúc Minh là người duy nhất “tay ngang” khi anh đang là bác sĩ răng hàm mặt tại một bệnh viện tư nhân. Chàng bác sĩ trẻ này từng là sinh viên ĐH Y dược Hải Phòng.

Đêm chung kết Giọng hát hay Hà Nội 2020 sẽ diễn ra tối 8/10 tại Nhà Văn hoá Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể thao Hà Nội, mỗi thí sinh sẽ trình diễn 2 ca khúc, trong đó có một bài hát về Hà Nội. Ngoài ra, đêm thi còn có sự trình diễn chào mừng của một số ngôi sao ca nhạc và các quán quân Giọng hát hay Hà Nội các mùa gần đây. Chương trình được trực tiếp trên kênh 1 Đài PTTH Hà Nội.

(Nguồn: https://vietnamnet.vn/)

Cáo phó nhạc sĩ Phó Đức Phương

0

Cáo phó nhạc sĩ Phó Đức Phương

CÁO PHÓ

Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:

Nhạc sĩ PHÓ ĐỨC PHƯƠNG

Sinh ngày 23 tháng 7 năm 1944

Quê quán: Thôn Đa Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Đã từ trần vào hồi: 12 giờ 18 phút, ngày 19 tháng 9 năm 2020 (tức ngày 3 tháng 8 năm Canh Tý) sau một thời gian lâm bệnh nặng. Hưởng thọ 77 tuổi.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương nhiều năm liền là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III (1983 -1989); Khóa VII (2005-2010); Khóa VIII (2010 -2015); Khóa IX (2015-2020) và là Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội.

– Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

– Huân chương Lao động hạng Ba.

– Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam”.

– Kỷ niệm chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc”.

– Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.

– Nhiều Bằng khen của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cùng nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen của các Bộ, Ban, Ngành…

Trong suốt hành trình cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, ở cương vị nào ông cũng được đồng nghiệp, bàn bè nể trọng. Ông sáng tác nhiều và đa dạng ở mọi thể loại, đề tài, từ ca khúc, hợp xướng, viết nhạc cho sân khấu, điện ảnh.  Nhiều tác phẩm âm nhạc của ông đã được tặng giải thưởng cao trong nước và quốc tế.

Ban Lễ tang gồm:

1. PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam – Trưởng ban.

2. Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội – Phó ban.

3. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam – Phó ban.

4. GS, Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội – Uỷ viên.

5. Nhạc sĩ Đinh Công Thuận, Chánh Văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam – Uỷ viên.

6. Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn/Bộ VHTTDL – Uỷ viên.

7. Đại tá Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Nhà Tang lễ Bệnh viện 108 – Uỷ viên.

8. Bà Nguyễn Thị Lựu, Quyền Giám đốc khu vực phía Bắc – Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam – Uỷ viên.

9. Đại diện gia đình, ông Phó Đức Trù – Uỷ viên.

Ban Lễ tang xin thông báo:

Tang lễ nhạc sĩ PHÓ ĐỨC PHƯƠNG được cử hành vào ngày 24 tháng 9 năm 2020 (thứ Năm) (tức ngày 8 tháng 8 năm Canh Tý)

Tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ viếng: Từ 11h30 đến 12 giờ 45.

Lễ truy điệu: Vào hồi 12 giờ 50.

Hỏa táng và an nghỉ tại Công viên tưởng niệm Thiên Đức, xã Bảo Thanh – Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

(Nguồn: http://hoinhacsi.vn/)

“Cha đẻ” của mật mã Da Vinci ra mắt album nhạc thiếu nhi

0
“Cha đẻ” của mật mã Da Vinci ra mắt album nhạc thiếu nhi

(Tác giả: Linh Đan)

Dan Brown, tiểu thuyết gia lừng danh người Mỹ mới đây đã cho ra mắt album nhạc dành cho thiếu nhi. Album này được kết hợp giữa những bản thu âm cũ của tác giả hơn 36 năm trước và những sáng tác mới nhất.

Album nhạc thiếu nhi của Dan Brown với tựa đề “Wild Symphony” (tạm dịch: Bản giao hưởng hoang dã) thu hút được sự chú ý lớn và khen ngợi từ giới phê bình.

The Guardian miêu tả Wild Symphony giống như một buổi trình diễn nhạc thính phòng tinh tế, sử dụng cùng lúc nhiều loại hình nghệ thuật gồm hình ảnh, con chữ và giai điệu để kể về câu chuyện của nhạc trưởng chuột Maestro trên chặng đường tìm kiếm các thành viên cho dàn nhạc giao hưởng của mình.

“Cha đẻ” của mật mã Da Vinci ra mắt album nhạc thiếu nhi

Bìa album Wild Symphony. Ảnh: Twitter Penguin Teachers.

Nhà xuất bản Puffin của Anh thì nhận định, Wild Symphony là một ấn phẩm thông thái, để lại nhiều bài học ý nghĩa về nghị lực, sự kiên nhẫn và tình đoàn kết, thông qua từng câu chuyện nhỏ của các nhân vật như hà mã, chuột túi, cá voi xanh, ong…

Theo The Star, tác giả Dan Brown đã lấy cảm hứng từ những câu truyện cổ tích để viết nhạc. Các bản nhạc trong album đều được thu âm bởi dàn giao hưởng Zagreb. Nhà sản xuất Bob Lord khẳng định, Dan Brown có độ cảm âm nhạc rất nghệ và chuyên nghiệp chứ không phải sở thích nhất thời.

Được biết, trước khi đạt được những thành công vang dội trên toàn thế giới với loạt tiểu thuyết Pháo đài số, Thiên thần và Ác quỷ, Mật mã Da Vinci hay Hỏa ngục, Dan Brown đã từng phát hành băng nhạc cassette đầu tay Synthanimals vào năm 1986.

Dan Brown, sinh năm 1965 tại Exeter, New Hampshire. Mẹ của ông là giáo viên dạy đàn nên Dan Brown biết chơi piano từ nhỏ. Lên năm tuổi ông đã tự viết nhạc và sau đó theo học bộ môn sáng tác ở Đại học Amherst.

(Nguồn: http://cand.com.vn/)

Lỡ hẹn với em – Nhạc: Lê Thống Nhất Phỏng thơ: Phan Dương

0

Lỡ hẹn với em

Nhạc: Lê Thống Nhất
Phỏng thơ: Phan Dương.
Hoà âm: Nguyễn Thanh Hải
Thể hiện: NSƯT Vũ Tiến Lâm

Lỡ hẹn với em (bản in)

Chương trình âm nhạc gây quỹ từ thiện CON AMORE

0

Chương trình âm nhạc gây quỹ từ thiện CON AMORE

18:30 – 21:00, Chủ Nhật 27/09/2020
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
77 Hào Nam, Hà Nội

Thông tin từ ban tổ chức:

Bạn thân mến,

Thật hạnh phúc khi có thể ngồi cùng nhau trong khán phòng này, thưởng thức những giai điệu piano nhẹ nhàng trong không khí lễ hội Trung thu đang đến gần.

Đây là sự kiện hoà nhạc nằm trong chuỗi hoạt động thường niên của Khăn Ấm Cho Em – một tổ chức từ thiện đã hoạt động 8 năm hướng tới sứ mệnh “Thay đổi tương lai từ những điều nhỏ nhất”. Bao trùm toàn bộ chương trình là chủ đề về Tình Yêu, với những giai điệu piano tràn đầy cung bậc cảm xúc, qua tiếng đàn của nghệ sĩ người Hàn Quốc tài năng. “Con Amore” bằng âm nhạc kết nối trái tim, chắp cánh cho mỗi yêu thương trở thành hành động nhân văn, ý nghĩa.

Chương trình:

18:30 – 19:30 : Tiệc trà Tiên Thiên (Trà – nơi thương yêu một mùa Trăng tròn vành)
19:30 – 21:00: Con Amore – Với tình yêu

Về nghệ sĩ: Bokyung Lee

Nghệ sĩ Piano BoKyung Lee tốt nghiệp trường Trung học Nghệ thuật Seoul và Đại học Kyungwon (hiện là Đại học Gachon) tại Hàn Quốc. Cô tiếp tục học tiến sĩ tại Hoa Kỳ với tư cách là người được cấp học bổng toàn phần, cùng với Tiến sĩ Dean Kramer, người từng học với Vladimir Horowitz và John Perry. Cô tốt nghiệp với điểm số cao nhất trong lĩnh vực biểu diễn bàn phím tại Đại học Oregon.

Được thầy là Tiến sĩ Kramer miêu tả là “một nghệ sĩ dương cầm xuất sắc với kỹ thuật mạnh mẽ và giai điệu đẹp, nhưng BoKyung Lee cũng xuất sắc trong nhạc solo, nhạc thính phòng và các tiết mục hòa tấu. Với xuất thân là một ca sĩ của mình, cô ấy cũng có thể chơi piano với khả năng cảm âm tuyệt vời.” Cô là người chiến thắng trong Cuộc thi Concerto-Aria của UO và nhiều giải thưởng bao gồm học bổng Ruth Close Musical Fellow, Giải thưởng Đại học UO vinh dự và Giải thưởng Thành tựu Âm nhạc của Trường UO. BoKyung Lee đã biểu diễn trong nhiều buổi hòa nhạc solo và gala ở Mỹ, Việt Nam và Hàn Quốc với các thể loại nhạc độc tấu, thính phòng và hòa tấu. Cô là giảng viên của Đại học Quốc gia U of O, Đại học Quốc gia Kangwon và Đại học Gachon, giảng dạy Piano ứng dụng, sư phạm Piano và văn học Piano. Hiện tại cô đang hoạt động tại Hà Nội và vẫn đang tiếp tục tích cực với sự nghiệp giảng dạy, biểu diễn cũng như hoạt động làm thành viên ban giám khảo các cuộc thi quốc tế. Với cơ hội gặp gỡ những người có cùng mối quan tâm về trẻ em, cô đã nhiệt tình ủng hộ các sự kiện của Khăn Ấm Cho Em – tổ chức phi lợi nhuận xây dựng các trường học ở các vùng nghèo ở miền Bắc Việt Nam.

Mua vé online tại đây
Hoặc mua vé trực tiếp tại: toà nhà A1- Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam – 77 Hào Nam, Hà Nội
Hotline: 038 4585195 (Ms Hằng)

(Nguồn: https://hanoigrapevine.com/)

Nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời

0
Nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời

(Tác giả: Ngọc Diệp)

Nhạc sĩ Phó Đức Phương đã ra đi sáng 19/9/2020, sau một thời gian kiên cường điều trị bệnh ung thư tụy.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời

Nhạc sĩ Phó Đức Phương – Ảnh: ST

Thông tin nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời đã được con gái ông thông báo trên trang cá nhân ngày 19-9.

“Vĩnh biệt bố. Bố ra đi nhanh quá. Vậy nay bố con mình đã nghìn trùng xa cách. Con không được gặp bố nữa rồi… Bố ơi…”, những dòng cảm xúc con gái ông chia sẻ trên trang cá nhân khiến nhiều nghệ sĩ, những bạn nghề, khán giả yêu âm nhạc Phó Đức Phương vô cùng tiếc thương.

Tâm sự của Phó Đức Phương

Nhạc sĩ Phó Đức Phương ra đi vào một ngày mưa sau một thời gian chống chọi với bệnh tật. Những người bạn nghề của ông hẳn không thể nào quên hình ảnh vị nhạc sĩ tóc bạc, đôi mắt sáng quắc, dù nằm trên giường bệnh giọng nói vẫn sang sảng.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương phải vào viện điều trị đầu năm nay. Những cơn đau có lúc khiến ông cảm thấy không trụ được nữa, nhưng khát khao sống, sự lạc quan, và hiểu biết của một con người đã đến tuổi hiểu được mệnh trời khiến nhạc sĩ Phó Đức Phương những ngày cuối đời luôn tỏa ra một năng lượng lạc quan, tích cực khiến những người bên ông càng thêm phần nể trọng.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương

Những ngày cuối đời nhạc sĩ Phó Đức Phương càng khát khao được cống hiến cho âm nhạc. Ông vẫn ấp ủ dự án viết những ca khúc để tri ân non sông, đất nước và coi đó là trách nhiệm của mình với các bậc tiền nhân.

Ở ông luôn toát lên tinh thần lạc quan khiến bất kỳ ai đến thăm cũng cảm thấy yên lòng. Những ngày tháng 7 vừa qua, khi gia đình tổ chức đêm nhạc Khúc hát phiêu ly để động viên ông, ông còn thị phạm cho các ca sĩ hát trên giường bệnh.

Đêm nhạc Khúc hát phiêu ly được gia đình và đồng nghiệp tổ chức để động viên tinh thần nhạc sĩ Phó Đức Phương vào 10/7/2020 tại Nhà hát Lớn Hà Nội là một đêm nhạc vô cùng xúc động.

Ở đó, những ca sĩ đã cất cao tiếng hát đầy tự hào, gửi đến nhạc sĩ Phó Đức Phương tất cả sự tôn trọng cũng như tình cảm của họ dành cho ông, một nhạc sĩ tài hoa. Những ca khúc của ông đã chắp cánh cho rất nhiều nghệ sĩ tài năng.

Một cuộc gặp của nhạc sĩ Phó Đức Phương và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944, từng là sinh viên khoa toán Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau này ông thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam và gắn toàn bộ sự nghiệp của mình với âm nhạc. Sau khi dành toàn bộ sự nghiệp để sáng tác ca khúc, ông chuyển sang công tác bảo vệ quyền tác giả âm nhạc.

Ông là người đặt nền móng cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, giúp trung tâm phát triển vững mạnh như ngày nay.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, đạo diễn Khải Hưng và ca sĩ Đức Long – Ảnh: DiLi

Những năm sau này, dù tập trung lo cho sự nghiệp bản quyền âm nhạc nhưng khó ai có thể phủ nhận sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của Phó Đức Phương.

Những tác phẩm của ông: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Không thể và có thể, Một thoáng Tây hồ, Huyền thoại hồ núi Cốc, Về quê, Vũ khúc con cò… đã trở thành những ca khúc nằm lòng của nhiều thế hệ.

Âm nhạc của ông không chỉ chắt lọc được tinh túy của văn hóa đồng bằng Bắc bộ, mà còn đầy ắp trí tuệ, dạt dào cảm xúc, đầy ắp tình yêu con người, quê hương, đất nước

Sự ra đi của ông là một mát lớn cho nền âm nhạc Việt Nam.

Lễ tang nhạc sĩ Phó Đức Phương cử hành ngày 24/9 tức 8/8 Âm lịch tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Phát tang lúc 11h15, lễ viếng 11h30-13h45, truy điệu 13h. An táng tại Công viên Thiên Đức, Phú Thọ.

(Nguồn: https://tuoitre.vn/)