Chủ Nhật, Tháng Mười 20, 2024
Trang chủ Blog Trang 86

VƯỢT QUA CÁI CHẾT

0

Nghìn năm khúc hát môn đình

0

Trong mỗi dịp Lễ hội đền Hùng, nhân ngày giỗ Tổ, luôn có tiến hành nghi lễ hát thờ, tục gọi là hát xoan hay hát cửa đình. Đây là một lễ thức rất quan trọng và độc đáo. Trải bao dâu bể mấy nghìn năm, những làn điệu dân ca, diễn xướng độc đáo này đã có lúc đứng trước nguy cơ bị mai một do phải “va đập” với thị trường giải trí “vàng thau lẫn lộn”.

Hát Xoan là loại hình dân ca nghi lễ, phong tục, còn gọi là hát cửa đình hay “Khúc môn đình”  (Ảnh: IE)

“Báu vật” của cha ông để lại

Cũng giống như các môn nghệ thuật truyền thống khác, đã có những lúc hát xoan ít được mọi người quan tâm, nhất là lớp trẻ và phần lớn chỉ được thể hiện, được “sống” trong các lễ hội. Những cụ “đào, kép” am hiểu sâu và nắm kỹ lối hát, cách hát cổ, các bài hát xoan cổ cũng như các nghi thức thực hành trong tục kết giao với các phường xoan khác thì tuổi đã cao, trí nhớ hạn chế, nhiều cụ đã thành người thiên cổ. Đứng trước nguy cơ bị mai một, đã có những tiếng kêu thống thiết được cất lên. Và đó cũng là một trong những lý do để Tổ chức Văn hóa, Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã từng đưa Hát xoan Phú Thọ vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp.

Nói là vậy, nhưng trên thực tế việc giữ gìn các điệu xoan không hề đơn giản. Bởi đây là một nghệ thuật diễn xướng độc đáo, tồn tại từ lâu đời, là một vốn quý trong kho tàng văn học dân gian giàu có của Việt Nam. Thế nên, vấn đề mang tính quyết định nhất trong phục hồi hát xoan là con người, trước hết là các nghệ nhân và ký ức quý giá của họ. Thật may, cho đến thời điểm này, xoan vẫn còn những “báu vật sống”, tuy trong số đó đã có vài cụ xấp xỉ tròn trăm tuổi. May mắn hơn, các cựu đào, cựu kép này vẫn còn mê xoan đến độ mắt lòa, lưng còng, chân yếu rồi mà vẫn cố gắng hằng đêm truyền tình yêu hát xoan cho con cháu, vẫn sẵn lòng dẫn dắt lớp trẻ đến với xoan và làm cố vấn cho đám trẻ biết chơi xoan. Họ hiểu rằng quyết định cuối cùng cho sự sống còn của xoan thuộc về thế hệ trẻ.

“Các làn điệu xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ, hình thành từ thời các vua Hùng dựng nước. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, hát xoan thường được trình diễn vào mùa xuân, trong những ngày hội đám ở một số đình làng trong tỉnh, nên còn được gọi là hát cửa đình. Có những thời điểm trên địa bàn Phú Thọ có tới 18 – 20 phường hát xoan. Giờ ở TP. Việt Trì cũng còn rất nhiều phường xoan như phường xoan Thét, phường xoan Phù Đức, phường xoan Kim Đới, phường xoan An Thái… Và có một điều đáng mừng là tại những phường xoan này vẫn hoạt động thường xuyên”, bà Nguyễn Thị Lịch, Nghệ nhân dân gian của phường xoan An Thái (Phượng Lâu, Việt Trì, Phú Thọ) chia sẻ.

Chính nhờ sự hoạt động hiệu quả của các phường xoan mà các điệu xoan của cha ông ta từ mấy ngàn năm truyền lại đến hôm nay vẫn được giữ gìn. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, ngành văn hóa Phú Thọ và các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành của Trung ương đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học về hát xoan Phú Thọ.

Từ việc lưu giữ các sắc phong, thần phả đến những công trình sưu tầm, nghiên cứu về hát xoan; từ việc duy trì các phường xoan “gốc” hàng mấy trăm năm, khi các nghệ nhân cao tuổi ra đi thì lại có lớp người trẻ thay thế, đến việc hình thành một số câu lạc bộ hát xoan ở Phù Ninh, Lâm Thao, Việt Trì…, tất cả đã cho thấy sức sống tiềm tàng của loại hình nghệ thuật hát xoan Phú Thọ mà UNESCO đã vinh danh.

Quyết tâm “giữ lửa cho xoan”

Để hát xoan, không thể không nhắc tới các nghệ nhân. Họ chính là những người có công bảo tồn, phát triển và “giữ lửa” cho xoan. Tuy đều ở cái ngưỡng “thất thập cổ lai hy” nhưng họ vẫn nặng lòng với xoan, vẫn hằng ngày truyền dạy lối hát đặc sắc này cho lớp trẻ.

Trong số các nghệ nhân có khả năng trình diễn và truyền dạy lối hát xoan gốc ở Phú Thọ phải kể đến cụ Lê Xuân Ngũ (SN 1937) ở phường xoan Phù Đức. “Bố tôi xưa kia cũng là “trùm” xoan của làng. Cha con tôi cùng chung niềm đam mê và cùng chung trọn một đời say đắm với câu xoan. Hơn nửa thế kỷ trước, ông cụ đã từng mang câu xoan từ làng về trình diễn ở Thủ đô; và 50 năm sau, đến lượt tôi mang “đặc sản” đó đến với bạn bè các nước”, cụ Ngũ tâm sự.

Cũng “một đời đắm đuối” với khúc hát môn đình, bà Nguyễn Thị Lịch ở phường xoan An Thái là một trong số các nghệ nhân đã dốc lòng “giữ lửa” cho xoan. “Trong gia đình tôi thì từ ông nội cho đến bố tôi đều làm “trùm” hát xoan. Hằng ngày, mọi người trong làng thường đến nhà tôi học hát, chính vì thế mà xoan “ngấm” vào tôi từ thuở nhỏ”, bà Lịch kể. Năm 1996, được sự động viên của gia đình, bà Lịch bắt tay vào khôi phục các làn điệu hát xoan An Thái bằng cách thành lập câu lạc bộ (CLB) hát xoan gồm 20 người.

Ngọn lửa xoan vẫn cháy trong lớp trẻ (Ảnh: IE)

Đến năm 2006, CLB hát xoan An Thái được công nhận là phường xoan cấp tỉnh, do bà Lịch làm chủ nhiệm, gồm 42 thành viên. Mỗi năm phường xoan An Thái thường đi biểu diễn chừng 20 buổi ở trong và ngoài tỉnh. Năm 2007, tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ tổ chức liên hoan văn hóa, văn nghệ truyền thống các dân tộc, phường xoan An Thái đạt giải Nhất. Cá nhân bà Lịch cũng được trao giải Nhất.

Về huyện Cẩm Khê, hỏi thăm Câu lạc bộ hát xướng Đồng Lương không ai là không biết, bởi hầu hết các chương trình văn hóa văn nghệ, các hội nghị của địa phương, đều có các tiết mục đặc sắc do CLB biểu diễn. Các tiết mục được biên soạn và dàn dựng bởi một người nghệ sĩ tài hoa, đó là ông Lê Văn Chê – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin tỉnh Phú Thọ, người đã gắn bó gần như trọn cuộc đời mình với các loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian. Từ lúc “lang thang” qua các đoàn ca, múa nhạc cho đến khi đã về hưu, ngọn lửa nghệ thuật trong ông vẫn luôn cháy bỏng.

Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, rất nhiều tác phẩm của ông Chê đã để lại dấu ấn sâu đậm trong giới chuyên môn, cũng như trong lòng khán giả. Như vở: “Ngọc sáng không phai”, “Tìm lại người anh”, “Liên khúc hát Xoan”, “Giữ mãi màu xanh”… Có nhiều tác phẩm đoạt huy chương trong các hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc, cũng như của tỉnh Phú Thọ.

Tuy đã về hưu năm 2007, nhưng với tâm hồn của người nghệ sĩ, nỗi lòng của người con sinh ra trên quê hương của nghệ thuật hát xoan truyền thống, ông Chê thấy mình “cần phải làm một cái gì đó cho xoan”. Sau 3 năm thai nghén ấp ủ dự định, ông vận động bà con trong xã đến nhà văn hóa học hát Xoan. Ban đầu, tất cả mọi kinh phí đều do ông tự bỏ ra từ đồng lương hưu ít ỏi của mình. Sau đó các chị em trong hội tự vận động nhau đóng góp đỡ đần cho ông. Bà con nông thôn nên  ai cũng nghèo, số tiền đóng góp cũng chỉ đủ thuê trang phục và đạo cụ.

Từ ngày có câu lạc bộ của ông Chê, xóm làng rộn ràng hẳn lên. Qua các buổi tập và trình diễn, bà con thêm hiểu và chia sẻ với nhau hơn, tình nghĩa xóm làng thêm gắn bó khăng khít. Năm 2014, Câu lạc bộ hát xướng Đồng Lương do ông Chê làm Chủ nhiệm được công nhận là CLB hát xoan của tỉnh Phú Thọ. Ngoài phục vụ ngay chính tại địa phương, CLB còn thường xuyên được mời biểu diễn trong các hội nghị của huyện cũng như của tỉnh, đặc biệt là được mời biểu diễn trong các dịp Giỗ Tổ Hùng Vương tại đền Hùng…

Nhờ ngọn lửa nghệ thuật luôn cháy bỏng trong tâm hồn những nghệ nhân lão làng như cụ Ngũ, bà Lịch, ông Chê cùng nhiều người khác nữa mà khúc hát môn đình còn vang đến ngày nay và vinh dự được trở thành Di sản phi vật thể của thế giới. Cũng nhờ có họ, những người cả đời ấp ủ than hồng để thốc thổi, trao truyền ngọn lửa giữ xoan mà “báu vật” của cha ông để lại mới không bị phôi pha.

Tác giả: Nam Hoàng

(Nguồn: http://congly.vn/

Thông điệp sẻ chia, kết nối bằng âm nhạc

0

Nghệ sĩ pi-a-nô Trang Trịnh.

Do việc hạn chế ra ngoài vì dịch Covid-19, các sự kiện âm nhạc, văn hóa đã phải tạm hoãn. Với mong muốn được chia sẻ âm nhạc cho mọi người và xuất phát từ ý tưởng cá nhân về một buổi hòa nhạc toàn cầu, nghệ sĩ pi-a-nô Trang Trịnh đã kêu gọi nghệ sĩ trong nước và quốc tế cũng như cộng đồng yêu nhạc trên thế giới tham gia sự kiện âm nhạc “24-hour music marathon”, trong đó buổi hòa nhạc trực tuyến toàn cầu vào tối 2-4 vừa qua ở Việt Nam là điểm nhấn chính của sự kiện.

Chia sẻ về “24-hour music marathon”, Trang Trịnh cho biết: “Chúng tôi muốn phủ kín 24 giờ trên trái đất bằng âm nhạc để kết nối, chia sẻ, yêu thương cùng nhau vượt qua dịch Covid-19. Hiện tại, dự án đang trong giai đoạn truyền cảm hứng, thu hút mọi người tham gia. Trong buổi hòa nhạc trực tuyến ngày 2-4, các nghệ sĩ đã cùng chơi chương cuối Ode to Joy trong bản Giao hưởng số 9 của Bét-tô-ven. Lý giải về khung thời gian chơi nhạc cũng như giai điệu của bản giao hưởng, Trang Trịnh cho biết: 20 giờ là giờ mà khán giả, thính giả vẫn thường thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Còn bản Ode to Joy (Tụng ca niềm vui hay Khải hoàn ca) do nhạc sĩ thiên tài Bét-tô-ven sáng tác khi ông đã bị điếc hoàn toàn. Bản nhạc biểu trưng cho những nỗ lực vượt lên nghịch cảnh, trở thành thông điệp của sự hy vọng vào đoàn kết của con người, thường xuyên được biểu diễn trong các sự kiện quan trọng nhằm thể hiện khao khát của con người về tình bằng hữu, sự lạc quan.

Hơn 15 năm hoạt động nghệ thuật và trình diễn ở nhiều nơi trên thế giới, bằng các mối quan hệ trong giới nghệ sĩ, Trang Trịnh đang tích cực kêu gọi các nghệ sĩ từ nhiều nơi cùng tham gia buổi hòa nhạc này. Chỉ với thao tác đơn giản tham gia sự kiện trực tuyến trên Facebook, với khả năng livestream từ điện thoại, mọi người có thể tham gia buổi hòa nhạc với tư cách của một người biểu diễn hoặc người xem. Bằng chương trình này, không chỉ riêng Trang Trịnh mà nhiều đồng nghiệp Việt Nam cũng như nước ngoài đang chung tay kêu gọi mọi người cùng chơi, cùng xem, cùng hát… phủ kín thế giới trong suốt 24 giờ bằng âm nhạc. Chương trình đã nhận được sự tham gia đồng hành của nhiều nghệ sĩ trong nước, như nghệ sĩ kèn trumpet Phạm Thế Hoành, nghệ sĩ sáo flute Lê Thư Hương đang sống và làm việc tại Mỹ, nghệ sĩ đàn cello Phan Ðỗ Phúc… Mỗi tối, các nghệ sĩ chơi những bản nhạc phục vụ người nghe và truyền những thông điệp để động viên tinh thần mọi người cũng như kêu gọi nghệ sĩ trong nước và quốc tế tham gia và đồng hành cùng dự án.

Là chương trình biểu diễn âm nhạc trực tuyến, Trang Trịnh cũng như các nghệ sĩ mong muốn mọi người ở nhà được nghe nhạc, chơi nhạc để góp phần giảm tiếp xúc và lây nhiễm dịch bệnh, có thêm tinh thần tươi vui, khỏe khoắn để đối phó diễn biến phức tạp của dịch. Ðiều quan trọng hơn là mọi người cùng cảm nhận được sự đoàn kết và chia sẻ từ khắp mọi nơi, bởi dịch bệnh đang là câu chuyện chung chứ không phải của riêng quốc gia hay cá nhân nào. Buổi hòa nhạc toàn cầu sẽ là dịp “trái đất được ôm trọn” bằng âm nhạc, bằng sự chia sẻ và hy vọng, để một vấn đề chung của thế giới được giải quyết bằng sự hợp tác toàn cầu. Trong bối cảnh của dịch bệnh, chúng ta càng cần đoàn kết hơn nữa, không chỉ trong nước, mà giữa tất cả các quốc gia.

Có thể nói, đây chính là lúc mà âm nhạc thể hiện được khát khao sâu thẳm của mỗi con người về một thế giới an lành với tình yêu, ước mơ, hòa bình. Ðại diện cho nhóm nghệ sĩ, Trang Trịnh tin rằng âm nhạc sẽ vượt qua những rào cản về ngôn ngữ hay văn hóa, thời gian, địa lý… và mang lại niềm vui, tạo động lực cho tất cả mọi người trên toàn thế giới, cùng hợp lực để giải quyết những vấn đề chung. Khi chúng ta đoàn kết và lắng nghe trong sự tôn trọng khác biệt và cùng hợp lực, chúng ta sẽ tiến gần hơn sự sung túc không chỉ ở khía cạnh vật chất mà ở cả tâm hồn…

Tác giả: Ngọc Liên

(Nguồn: https://www.nhandan.org.vn/)

Nghĩa vụ mộng tưởng

0

Nghệ sĩ vẫn hay đùa nhau, một cách chua chát, về chuyện người ta cứ bắt họ chơi nhạc miễn phí và sống bằng đam mê. Như thể họ thực sự có thể ăn dây đàn và uống phím trắng. Nhưng sâu trong thâm tâm họ, cả khi họ ghét cay ghét đắng những yêu cầu theo kiểu “chơi cho một bài nào, tiếc gì” hay “kèm cho cháu nó mấy buổi xem thế nào”, hay “em diễn đi, buổi này có thể mở rộng quan hệ và lăng xê tên tuổi nên chỉ có phí tượng trưng thôi” – họ vẫn cứ miệt mài, thậm chí là thích thú, khi được làm nghệ thuật.

Nghĩa vụ mộng tưởng

Ảnh: Người Ý chơi nhạc từ ban công

Thế nên họ cũng cuống cuồng lên khi dịch tới. Không nói nhiều về chuyện cần được giải cứu vì chính họ cũng mất miếng ăn, họ lao đi cứu thế giới. Ôi cái sự mộng tưởng ngây thơ. Hàng loạt các thư viện âm nhạc online, ballet, digital concert hall, bảo tàng, … mở cửa miễn phí. Các nghệ sĩ lao lên mạng xã hội, từ những người gạo cội đến hội còn trẻ vẫn chưa ra trường, chơi nhạc và nói về âm nhạc cứ như thể họ hiểu – mà có lẽ họ thực sự hiểu – rằng sự sung túc mà họ có được sau rất nhiều năm đầu tư và phấn đấu – cần phải được chia sẻ.

Họ gạt phăng sự cầu toàn vẫn cấm khán giả livestream và quay lại các bài biểu diễn. Giờ họ tự livestream, lúng túng và vụng về, vò đầu bứt tai khi nghe lại những nốt sai của chính mình, và hân hoan với từng cái like, thả tim, comment tương tác của người dùng. Họ lại ăn dây đàn và uống phím trắng, sống bằng đam mê, mặc cho việc họ đã tiên đoán rằng cha mẹ sẽ cắt phăng ngay đầu tiên giờ học “ngoại khoá” cảm thụ âm nhạc sau khi dịch tan và khán giả sẽ còn lâu mới lại bỏ tiền đi xem hoà nhạc. Nền kinh tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, và nên công nghiệp “phụ trợ” của họ chắc cũng sẽ còn lâu mới được hưởng bất kỳ sự giải cứu nào.

Nhưng mà hôm nay họ vẫn cứ làm cái công việc mộng mơ và lý tưởng của mở cửa sổ (hay livestream) chơi nhạc cho hàng xóm, chọc cười đứa bé đang buồn vì bị nhốt trong nhà, chơi cả list tiền chiến cho cụ bà bên khung cửa sắt, những người hàng xóm có thể đã gọi cảnh sát báo họ phá rối sự yên tĩnh mấy tháng trước đây. Tự nhiên họ thấy mình giàu có khủng khiếp, và trèo lên mái nhà thổi sáo cho cả khu dân cư, lẫn con mèo cách đó vài xóm.

Không biết kết cục của họ sẽ ra sao, bao nhiêu người sẽ phải “tái cơ cấu ngành”, vì ngành của họ thậm chí còn ko xuất hiện trong các bản phân tích dự báo, mà có thể có, trong ngạch công nghiệp phụ trợ chăng?

Không sao, tàu titanic có chìm cũng phải chìm trong tiếng nhạc. Họ đã biết nghĩa vụ ấy của mình từ những ngày theo thầy học nghề mấy chục năm nay. Việc của hoa là nở, của chim là bay, của đàn là phải cất lên những giai điệu hay, và cần nhất là lúc này.

Xin gửi tới những bạn bè của tôi, ngày đêm biểu diễn miễn phí ở hàng loạt các bệnh viện ở Thuỵ sĩ, chơi nhạc cho hàng xóm ở London, hay livestream từ Royal Opera House cho cả thế giới, một cái ôm.

Điều tuyệt vời là chúng ta đang nhận ra mình giàu có.

– Trang Trịnh –

THÔNG BÁO TỔ CHỨC GIỚI THIỆU TPM 4/2020

0
THÔNG BÁO: Trang WEB đã được nâng cấp

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. BCH Hội Âm nhạc Hà Nội đã có kế hoạch tổ chức sinh hoạt hàng tháng cho các Hội viên thông qua hình thức TRỰC TUYẾN (ONLINE) tại nhà riêng, dự kiến vào 09h00 ngày 15/04/2020.

Chương trình báo cáo Tác phẩm mới lần này với chủ đề: “Hội Âm nhạc Hà Nội chung tay phòng chống COVID-19”, dưới sự chỉ đạo của NS Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, chuẩn bị tư liệu: NS Bá Môn, kịch bản và MC: NS Nguyễn Tiến Mạnh, phụ trách kỹ thuật: NS Mai Kiên.

Vì vậy, kính đề nghị các nhạc sĩ hội viên có tác phẩm về đề tài này và có thể tham gia chương trình xin hãy ĐĂNG KÝ vào ngay phần BÌNH LUẬN (phía dưới thông báo) của Face book Hội Âm nhạc Hà Nội. Các nhạc sĩ ghi rõ họ tên, tên tác phẩm, file bản nhạc định dạng PDF, tên ca sĩ thể hiện (nếu có). Những tác phẩm đã được thu thanh dưới dạng CD, Video đã có trên kênh Youtube thì gửi đường link kèm theo.

Các nhạc sĩ tham gia: đề nghị cài đặt phần mềm Zoom Meeting trên Điện thoại hoặc máy tính (Laptop).  
  • Các thông tin khác xin liên hệ với NS Bá Môn
  • Hỗ trợ kỹ thuật NS Mai Kiên

BCH khuyến khích các nhạc sĩ tự giới thiệu và trình bày ca khúc của mình (trong trường hợp đã có Audio và Video thì có thể giới thiệu kèm theo).

Kính mong các nhạc sĩ nhiệt tình tham gia chương trình.

Trân trọng cảm ơn

T/M BCH

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh

0

1. Tiểu sử

Ông sinh ngày 11 tháng 9 năm 1943, quê ở thành phố Nam Định. Nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội. Đã nghỉ hưu. Hiện là Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội.

2. Hoạt động âm nhạc

Sau những năm hoạt động âm nhạc trong quân đội (sáng tác và dàn dựng, chỉ đạo nghệ thuật…), Trương Ngọc Ninh về học Đại học Sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội.

Nhiều ca khúc của ông mang bản sắc riêng, rất được thính giả chú ý và yêu thích: Hạt mưa mùa xuân, Vòng tay Đam San, Lời ru chia đôi, Xuống chợ… Ngoài ra, ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc, nhạc cho sân khấu, nhạc múa: Thạch Sanh, Rừng miền Tây (giao hưởng). Đã xuất bản Tuyển tập ca khúc Trương Ngọc Ninh (Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Nxb.Âm nhạc, 1995). Album Trương Ngọc Ninh, 1995. VTV3 đã làm chương trình “Con đường Âm nhạc” của nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh với tên gọi “Biển khát” (2011). Trong chương trình “Không gian nghệ thuật” tháng 3 – 2012, VTV1 đã giới thiệu những ca khúc được giải thưởng Nhà nước của nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh.

3. Giải thưởng

Được tặng thưởng: Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2007), Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam về khí nhạc, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba, cùng nhiều huy chương, giải thưởng khác…

Nhạc sĩ Bá Môn

0

1. Tiểu sử

Nhạc sĩ Nguyễn Bá Môn sinh ngày 2 tháng 9 năm 1952, quê ở Bình Minh, Kiến Xương, Thái Bình, đã từng công tác tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Hiện nay đang là Chánh văn phòng Hội Âm nhạc Hà Nội.

Nhạc sĩ Bá Môn

2. Hoạt động âm nhạc

Năm 1970, vào bộ đội, tham gia hoạt động âm nhạc quần chúng với các chức vụ: Chủ nhiệm Câu lạc bộ trung đoàn, sư đoàn (1979-1987); Giám đốc Nhà Văn hóa quân chủng Không quân (1988-1995), từ 1995 giữ chức vụ Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.

Ông đã qua các lớp đào tạo về âm nhạc Trường Nghệ thuật Quân đội (1971-1973), Đại học Văn hóa Hà Nội (1982-1986).

Các tác phẩm tiêu biểu: Mùa lúa mùa bay, Chào những cánh bay Hàng không Việt Nam, Mùa hoa ban, Chợ tình Sa Pa, Nhịp cầu quê hương, Đà Lạt thành phố hoa, Thái Bình quê tôi, Hà Nội trẻ mãi.

3. Giải thưởng

Ông đã được tặng thương: Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Kháng chiến hạng Nhì; Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa, 8 Huy chương Vàng trong các kỳ hội diễn của Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa – Thông tin và Giải thưởng Đài Tiếng nói Việt Nam, 2004-2005.

– Giải thưởng âm nhạc Báo Lao động & Tỉnh Quảng Trị (2013)

– Giải thưởng âm nhạc Hoàng Liên Sơn (2014)

-Giải thưởng âm nhạc Quảng Ninh (2014)

– Giải thưởng âm nhạc Hội nhạc sĩ Việt Nam (2015)

– Giải thưởng âm nhạc Tỉnh Lao Cai, Hải Phòng (2016)

4. Phát hành

– Tập thơ và ca khúc ” Bá Môn – Thơ & nhạc – Cảm xúc cuộc đời ” (2012)

– Tác phẩm tiêu biểu: Nắng đêm; Chợ tình Sa Pa; Chiều thu Hà Nội; Mùa lúa mùa bay; Khát vọng sống; Bất chợt Fanxipan; Mùa tuyết tan…

Nhạc sĩ Ngọc Khuê

0

Nhạc sĩ Ngọc Khuê (Nguyễn Ngọc Khuê) sinh ngày 8 tháng 4 năm 1947, quê ở Yên Sở, Hoài Đức, Hà Tây. Hiện nghỉ hưu tại Hà Nội.

Nhạc sĩ Ngọc Khuê

Ngọc Khuê vào bộ đội từ năm 1965, đã trải qua các nhiệm vụ: pháo thủ cao xạ, giáo viên dạy văn hóa, diễn viên hát Đoàn Văn công Phòng không – Không quân, rồi sau đó ông làm Trưởng đoàn kiêm Chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Nghệ thuật Không quân Nhân dân Việt Nam, Chủ nhiệm Nhà Văn hóa Quân chủng Phòng không – Không quân cho tới lúc nghỉ hưu (2007). Tác phẩm đầu tay của ông: Tiếng hát bên dòng sông Mã, được Đài Tiếng nói Việt Nam sử dụng năm 1968, sau đó ông viết tiếp nhiều ca khúc với giai điệu khoáng đạt, trữ tình, như: Mùa xuân làng lúa làng hoa (Giải thưởng Bộ Văn hóa, 1982), Hạt nắng hạt mưa, (Giải thưởng Bộ Văn hoá – Thông tin, 1989) Ba cô gái tinh nghịch, Khoảng trời riêng em, Áo nâu thương nhớ, Gặp gỡ đồng đội, Cây đàn tính và người chiến sĩ,, Hòa trong hương sắc Hồ Tây, Nhớ hoàng hôn Hà Nội, Biên cương âm vang lời Bác… (được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam), Tìm em nơi phố nhỏ, Tả Thanh Thiên (Giải thưởng Hội Âm nhạc Hà Nội). Ông đã dàn dựng, chỉ đạo nghệ thuật cho nhiều chương trình ca múa nhạc đạt hiệu quả cao như chương trình Bầu trời, mặt đất tôi yêu, hoặc Bầu trời và trái tim người lính.

Đã xuất bản: Tuyển chọn ca khúc Ngọc Khuê (25 bài, Nxb. Âm nhạc và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1996), băng cassette Hạt nắng hạt mưa (tuyển chọn 12 ca khúc, Nxb. Âm nhạc và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1996), tập Hoa và nắng gồm 108 ca khúc (NXB Thanh niên 2002), tập thơ Cơn mưa xanh (NXB Hội nhà văn 2004), Ngọc Khuê- Tác giả & Tác phẩm gồm 186 ca khúc, nhiều bài thơ, truyện ngắn và báo chí (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2020).

Ông đã nhận: Giải thưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (1982, 1989), Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2005, 2014, 2015, 2017), Giải thưởng Bộ Quốc phòng (1984, 1989, 2004, 2009, 2019), giải thưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (2010), Giải thưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (2019). Ông đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhì. Huân chương Quân kỳ Quyết thắng, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang Hạng nhất, nhì, ba. Năm 2012, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật.