Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024
Trang chủLý LuậnGIAI ĐIỆU “HÀ NỘI - HUẾ - SÀI GÒN”

GIAI ĐIỆU “HÀ NỘI – HUẾ – SÀI GÒN”

18

Tác giả: Nguyễn Tiến Mạnh

Trong những ngày đầu tháng 10 – 1960, theo nguyện vọng của nhân dân và các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng như các đồng chí đại diện cho nhân dân Huế và nhân dân Sài Gòn đã quyết định thành lập Ban vận động kết nghĩa Hà Nội – Huế – Sài Gòn, do bác sĩ Trần Duy Hưng – Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội làm Trưởng ban. Vào tối 8-10-1960, tại Câu lạc bộ Ba Đình (Hà Nội), Ban vận động đã tổ chức trọng thể Lễ ký kết giữa ba thành phố: Hà Nội – Huế – Sài Gòn, “như cây một cội, như con một nhà”. Trong bối cảnh lịch sử lúc đó, cả nước luôn hướng về miền Nam, tham gia lao động sản xuất làm hậu phương vững chắc để chi viện, lên đường tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, thống nhất đất nước.

 Có điều đặc biệt, năm 1960 nhà thơ Lê Nguyên đã viết bài thơ “Hà Nội – Huế – Sài Gòn” và năm 1961 đã được nhạc sĩ Hoàng Vân phổ nhạc cho thơ và bài hát này lần đầu tiên được thu thanh tại Đài TNVN do nghệ sĩ Kim Oanh và tốp ca nữ trình bày. Tinh thần đại đoàn kết giữa các dân tộc Việt Nam, sự gắn bó keo sơn giữa ba miền Bắc, Trung, Nam, đặc biệt là tình thân ái “Huế cầm tay Sài Gòn, Hà Nội” đã được thể hiện rõ nét trong mỗi chặng đường lịch sử của đất nước, đặc biệt là đánh dấu những bước phát triển, trưởng thành của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Nền âm nhạc Việt Nam được hình thành vào những năm 1930. Trong những ngày đầu còn non trẻ, nhưng với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” đã trở thành ánh sáng soi đường cho định hướng, nhận thức và phương châm trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tập hợp đông đảo những người hoạt động văn hóa, văn nghệ yêu nước vào “Hội văn hóa cứu quốc”. Các nhạc sĩ, ca sĩ, của Hà Nội, Huế và Sài Gòn đã có nhiều đóng góp cho hoạt động âm nhạc ngày càng phong phú, phản ánh thực tiễn cuộc đấu tranh cách mạng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và ngày 02/09/1945, tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố trước quốc dân và thế giới, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thời điểm lịch sử này, những bài ca cách mạng đã được vang lên, như: “Tiến quân ca – Văn Cao”, “Mười chín tháng Tám” – Xuân Oanh, “Cùng nhau đi hồng binh” – Đinh Nhu, “Lên đàng” và “Tiếng gọi thanh niên” – Lưu Hữu Phước, “Du kích ca” – Đỗ Nhuận, “Diệt phát xít” – Nguyễn Đình Thi, “Đoàn Vệ quốc quân” – Phan Huỳnh Điểu… Sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam, trong đó có âm nhạc đã luôn đồng hành với những sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc, trong những cuộc kháng chiến cứu quốc vĩ đại và trong hòa bình dựng xây đất nước. Âm nhạc cách mạng Việt Nam được ra đời như một sự cộng hưởng và đồng vọng với tinh thần “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này đã trở thành kim chỉ nam, định hướng và mở đường cho âm nhạc cách mạng Việt Nam từng bước phát triển bền vững.

  1. Sự kế thừa âm nhạc dân tộc trong âm nhạc cách mạng Việt Nam

Hiện nay nước ta có các thể loại âm nhạc đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Hát Xoan, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Dân ca Ví, Dặm Nghệ Tĩnh, Nghệ thuật Bài Chòi.

Đã có nhiều nhạc sĩ khai thác, sử dụng âm hưởng của các thể loại âm nhạc truyền thống hoặc chất liệu dân ca, dân nhạc đưa vào sáng tác ca khúc mới, đặc biệt là các tác phẩm khí nhạc. Những tác phẩm này mang hồn cốt dân tộc, vận dụng các kỹ năng sáng tác hài hòa về khúc thức, chặt chẽ giữa giai điệu và lời ca và cấu trúc cân đối, khai thác tính năng nhạc cụ và dàn nhạc để xây dựng hình tượng âm nhạc.

Tính dân tộc trong âm nhạc cách mạng còn được thể hiện rõ qua các đặc điểm sau: Thứ nhất, đây là những tác phẩm do các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác nên nó mang tư tưởng, tâm hồn và tinh thần của người Việt Nam. Thứ hai, phần lớn các tác phẩm được khai thác những âm hưởng dân ca, dân nhạc ở các vùng miền và các thể loại âm nhạc truyền thống, được chắt lọc và chuyển hóa một cách nhuần nhuyễn mà người nghe phải rất tinh tế mới nhận ra chất liệu và phương ngữ của từng vùng văn hóa, âm nhạc bản địa. Thứ ba, nội dung của tác phẩm là hình ảnh về làng quê, thôn xóm, đất nước, con người Việt Nam với tinh thần khát vọng tự do, anh dũng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ non sông. Thứ tư, âm nhạc đã đồng hành theo từng bước đi của đất nước, trong chiến tranh và hòa bình, phản ánh tư tưởng của cả một dân tộc trong thời đại mới. Thứ năm, âm nhạc cách mạng như một kim chỉ nam, góp phần dẫn đường cho chiến sĩ đồng bào cả nước và ở nước ngoài luôn hướng về quê hương, khích lệ tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, đồng thời đóng góp vào sự phát triển chung của nền văn học nghệ thuật Việt Nam.

  1. Âm nhạc thời kỳ chống Pháp (1945 – 1954)

Sự kiện ngày 23/09/1945, quân Pháp sau nhiều ngày khiêu khích đã nổ súng tấn công miền Nam, quân và dân miền Nam đã đứng lên bảo vệ đất nước, mở ra sự kiện “Ngày Nam bộ kháng chiến”, chỉ hai ngày sau đó ca khúc “Nam bộ kháng chiến” của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn ra đời. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, đây là sự kiện “Ngày toàn quốc kháng chiến”. Đầu năm 1947 nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã viết trường ca “Người Hà Nội” tái hiện hình ảnh cuộc chiến đấu của quân và Thủ đô. Khi chính quyền cách mạng phải rút khỏi Thủ đô Hà Nội, lập chiến khu Việt Bắc làm căn cứ cách mạng, nhạc sĩ Huy Du đã viết ca khúc “Sẽ về Thủ đô” như lời hẹn ngày chiến thắng trở về. Tại chiến khu Việt Bắc, những cuộc chiến đấu anh dũng của quân đội ta đều được các nhạc sỹ ghi lại bằng âm nhạc. Chiến dịch Việt Bắc thu – đông 1947 đã có chùm ca khúc về Sông Lô: “Lô Giang” – Lương Ngọc Trác, “Chiến sỹ Sông Lô” – Nguyễn Đình Phúc, “Trường ca Sông Lô” – Văn Cao. Chiến dịch Đông – Xuân 1952 – 1953 đã được ghi lại trong bài hát “Qua Miền Tây Bắc” – Nguyễn Thành. Tiến theo bước chân của người chiến sĩ hành quân lên Tây Bắc, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã viết “Hành quân xa”, và tại Điện Biên Phủ nhạc sĩ Hoàng Vân viết “Hò kéo pháo”…

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 là sự kiện chấn động địa cầu, trong âm vang khúc ca khải hoàn “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Ngày 10/10/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam đã “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về” tiếp quản Thủ đô Hà Nội, đúng như hình ảnh trong bài hát “Tiến về Hà Nội” với những dự cảm về ngày chiến thắng của nhạc sĩ Văn Cao từ năm 1949.

  1. Âm nhạc thời kỳ chống Mỹ (1954 – 1975)

Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết vào tháng 7/1954, tuy nhiên đế quốc Mỹ đã thực hiện phá hoại công cuộc hòa bình, thống nhất nước Việt Nam, đất nước ta bị chia cắt làm hai miền. Lúc đó, miền Bắc đồng thời phải thực hiện hai nhiệm vụ chính trị lớn, đó là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, thống nhất đất nước. Âm nhạc đã trở thành vũ khí sắc bén cùng quân đội và đồng bào cả nước góp phần tham gia xây dựng đất nước và đặc biệt là giải phóng miền Nam. Có thể nhắc tới một số ca khúc nổi tiếng như: “Câu hò bên bờ Hiền Lương” – Hoàng Hiệp (lời Đằng Giao), “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” – Huy Du,“Người con gái sông La” – Doãn Nho, “Đường Trường Sơn xe anh qua” – Văn Dung, “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” – Lư Nhất Vũ; “Bài ca may áo” – Xuân Hồng…

Năm 1965, lực lượng “Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước” đã được hình thành. Nhiều ca khúc ra đời để cổ vũ cho các cuộc phát động như: Phong trào “Phụ nữ ba đảm đang” có bài “Đường cày đảm đang” – An Chung; “Trai anh hùng – gái đảm đang” – Đỗ Nhuận; “Bài ca năm tấn” – Nguyễn Văn Tý…; Phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” có bài “Vui mở đường” – Đỗ Nhuận,“Cô gái mở đường” – Xuân Giao; “Chào em cô gái Lam Hồng” – Ánh Dương…; Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” có bài “Hát cho dân tôi nghe” – Tôn Thất Lập, “Dậy mà đi” – Nguyễn Xuân Tân; Phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” đã diễn ra sôi nổi ở nhiều nơi cùng với sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ và quần chúng. Sức mạnh của âm nhạc đã được khai thác triệt để, có thể kêu gọi, hiệu triệu, tập hợp đông đảo thanh niên tham gia “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Sau khi thất bại liên tiếp tại chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã leo thang đánh phá miền Bắc bằng máy bay B52. Trong 12 ngày đêm (18 – 29/12/1972) trên bầu trời Hà Nội rực lửa, quân đội và nhân dân ta đã làm nên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Trong thời khắc khốc liệt của chiến tranh nhưng những ca khúc của các nhạc sĩ đã ra đời, lấy lòng nhân ái để đối ứng lại với sự hủy diệt của bom đạn, của B52 như: “Hà Nội những đêm không ngủ” và “Hà Nội Điện Biên Phủ” – Phạm Tuyên, “Hà Nội niềm tin và hy vọng” – Phan Nhân…

Qua từng chiến dịch, mỗi trận thắng đã được tái hiện bằng những ca khúc mang tính thời sự. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam bắt đầu từ ngày 04/03/1975 bằng chiến dịch Tây Nguyên, đến ngày 24/03/1975 giành thắng lợi, đã có bài: “Hát mừng Tây Nguyên giải phóng” – Cầm Phong, “Sông Đăkrông mùa xuân về” – Tố Hải. Ngày 26/03/1975, Huế được giải phóng, đã có bài: “Gửi Huế giải phóng” – Nguyễn Văn Thương, “Huế của ta ơi” – Thanh Phúc. Ngày 29/03/1975, Đà Nẵng được giải phóng, đã có bài: “Chào Đà Nẵng giải phóng” – Phạm Tuyên, “Đà Nẵng ơi! Chúng con lại về” – Phan Huỳnh Điểu. Từ ngày 26/04 đến ngày 30/04/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra thần tốc và ngày 30/04/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Có điều kỳ lạ là trước đó, bài hát “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” – Xuân Hồng đã được phác họa và hoàn thành đúng vào ngày toàn thắng. Ngày 26/04/1975, nhạc sĩ Hoàng Hà viết bài “Đất nước trọn niềm vui” và ngày 28/04/1975, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã  sáng tác ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Đó là những dự cảm, tiên đoán trước của những nhạc sĩ về ngày toàn thắng.

Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới ca khúc “Nối vòng tay lớn” do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1968, trong phong trào đô thị và được thu âm lần đầu bởi ca sĩ Khánh Ly trong cuốn băng “Hát cho quê hương Việt Nam” vào năm 1969. Đến ngày 24 và 25/4/1970, ca khúc này được vang lên tại trại “Nối vòng tay lớn” dành cho thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam, chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa đệm đàn, vừa thể hiện bài hát này. Từ 1970 đến 1975, bài hát “Nối vòng tay lớn” đã được phổ biến trên cả nước trong các phong trào thanh niên và đặc biệt nữa là chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát ca khúc này trên sóng Đài phát thanh Sài Gòn trong không khí của ngày toàn thắng 30/4/1975.

  1. Âm nhạc từ năm 1975 đến nay

Từ năm 1975 đến nay, âm nhạc Việt Nam đã có nhiều xu hướng mới trong sáng tác, lý luận, biểu diễn và đào tạo với sự đóng góp của các nhạc sĩ, nghệ sĩ Hà Nội – Huế – Sài Gòn. Sự phát triển của các môi trường đào tạo âm nhạc chuyện nghiệp như Nhạc Viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó là các hoạt động của Hội Âm nhạc Hà Nội, Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế, Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, cũng là sự hội tụ về Hội NSVN. Bên cạnh việc giữ gìn bản sắc dân tộc còn có sự tiếp thu tinh hoa âm nhạc của nước ngoài. Riêng trong lĩnh vực sáng tác, chúng ta vẫn tiếp tục có thêm những tác phẩm lớn như: “Giao hưởng số 9” – Nguyễn Văn Nam, Oratorio “Chiếu dời đô” – Doãn Nho, Opera “Lá Đỏ” – Đỗ Hồng Quân, Nhạc kịch “Sóng” – Minh Đạo và ekip thực hiện, Ca kịch “Khát vọng Đam San” – Nguyễn Cường, Opera “Bài ca tình yêu” – Doãn Nho… Nhiều nhạc sĩ sáng tác ca khúc được đông đảo công chúng yêu mến. Tại Sài Gòn có các nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, Trần Long Ẩn, Đức Trí, Võ Thiện Thanh…. Ngoài Hà Nội có các nhạc sĩ: Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Trần Tiến, Trọng Đài, Ngọc Khuê, Đức Trịnh… Tại Huế có các nhạc sĩ: Lê Chí Quốc Anh, Lê Quang Vũ, Đoàn Phương Hải, Trần Đại Dũng… Đề tài phong phú, mang tính chuyên nghiệp cao trong bút pháp sáng tác, phối khí và biểu diễn. Các bài hát được định hình rõ về phong cách, thể loại như: Pop, Rock, Rap, A&B, Jazz, Hip hop, Ballad, dân gian đương đại.

Sự ra đời của các đơn vị nghệ thuật là nền tảng cho âm nhạc chuyên nghiệp phát triển. Năm 1956, Trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập, (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam); Năm 1957, Hội Nhạc sĩ Việt Nam ra đời; Năm 1959 Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam được thành lập; các đoàn ca múa nhạc chuyên nghiệp ra đời như “Đoàn Ca nhạc Đài TNVN” (nay là Nhà hát Đài TNVN)…

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ được nhà nước cử đi học tập ở nước ngoài như: Nga, Trung Quốc, Triều Tiên… sau khi tốt nghiệp đã trở về nước. Đây cũng là thời kỳ Việt Nam xuất hiện những tác phẩm khí nhạc từ độc tấu, song tấu, tam tấu, tứ tấu, ngũ tấu, Biến tấu, hòa tấu dàn nhạc thính phòng đến hình thức lớn như Sonate, Giao hưởng, Hợp xướng, Opera… viết cho các nhạc cụ và dàn nhạc giao hưởng phương Tây hoặc sáng tác cho các nhạc cụ và dàn nhạc dân tộc Việt Nam. Có thể kể tới những tác phẩm tiêu biểu như: Ouverture “Đợi chờ” – Tạ Phước; Tổ khúc giao hưởng “Điện Biên” – Đỗ Nhuận; “Thành đồng Tổ quốc” – Hoàng Vân; Giao hưởng thơ “Lửa cách mạng” – Trần Ngọc Xương; giao hưởng “Quê hương” – Hoàng Việt, Giao hưởng “Tấm Cám” – Đàm Linh, Giao hưởng số 1 “Tặng đồng bào miền Nam anh dũng” – Nguyễn Văn Nam, Opera “Cô sao” – Đỗ Nhuận… và nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ như: Đỗ Dũng, Doãn Nho, Ca Lê Thuần, Nguyễn Đình Tấn, Trần Quý, Đỗ Hồng Quân, Đặng Hữu Phúc…

  1. Đề xuất tăng cường giao lưu âm nhạc Hà Nội – Huế – Sài Gòn

Cho đến thời điểm hiện nay, Hà Nội cùng Huế và Sài Gòn vẫn luôn đồng hành trên mỗi chặng đường phát triển trên những tầm cao mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh giao lưu và hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, hỗ trợ lẫn nhau trên các mặt kinh tế – xã hội, vì mục tiêu phát triển và hội nhập. Phát triển du lịch, thương mại; văn hóa, xã hội; y tế, giáo dục, môi trường và an sinh xã hội của ba thành phố, trong đó đặc biệt là các hoạt động về âm nhạc.

 Qua đó cũng xin đề xuất: hàng năm cần tăng cường các hoạt động giao lưu âm nhạc giữa Hội Âm nhạc Hà Nội, Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế và Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh. Liên thông, kết nối, phát triển kênh truyền thông như Website hoặc trang báo điện tử để cập nhật, phản ánh các hoạt động của cả ba Hội. Kết hợp với các kênh truyền thông như Đài TNVN, Đài THVN và các kênh truyền thông để có thể giới thiệu những tác phẩm, gương mặt nhạc sĩ, ca sĩ của cả ba thành phố. Cùng nhau nối vòng tay lớn và hát vang giai điệu “Hà Nội – Huế – Sài Gòn”, đóng góp chung vào sự phát triển của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN