Thứ Hai, Tháng Mười 21, 2024
Trang chủ Blog Trang 74

Trọn tấm lòng hướng về miền Trung

0
Trọn tấm lòng hướng về miền Trung

(Tác giả: Thùy Trang)

Tất cả nghệ sĩ tham gia các đêm diễn không nhận cát-sê và ra sức vận động mọi người cùng chung tay giúp người dân miền Trung.

Miền Trung không đơn độc khi cả nước cùng hướng về. Bằng cách này hay cách khác, nghệ sĩ cùng chung tay, làm nên câu chuyện tình người đẹp đẽ với truyền thống muôn đời “lá lành đùm lá rách”.

Cùng nhau vượt lũ

Liveconcert Quang Dũng với chủ đề “Lời ca dao Mẹ”, diễn ra vào tối 29-10 tại Nhà hát Thành phố, sẽ dành toàn bộ tiền bán vé và đóng góp của các nhà hảo tâm để ủng hộ cho đồng bào miền Trung. Với thông điệp “Đêm nhạc dành trọn cho miền Trung”, ca sĩ Quang Dũng chia sẻ: “Cố gắng hết sức mình để làm được những điều tốt nhất có thể cho miền Trung lúc này. Là người con của miền Trung, bằng tấm lòng, Dũng mong rằng chúng ta chung tay bằng những cách thiết thực nhất để động viên hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn”.

Đêm nhạc gây quỹ “Cùng em vượt lũ – gởi trọn tấm lòng cho trẻ em miền Trung Quảng Trị yêu thương”, cũng sẽ diễn ra vào ngày 1-11 tại Nhà hát VOH (TP HCM). Chương trình có sự tham gia của các giọng ca nổi tiếng nhiều thế hệ như: Cẩm Vân, Quang Linh, Phương Thanh, Vân Khánh, MC Đại Nghĩa, Ngọc Mai, Cao Thái Sơn, Lân Nhã, Đinh Hương, Thảo Trang, Trung Quân Idol, Nguyên Hà, nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ – Quốc Nghiệp…

Tất cả nghệ sĩ không nhận cát-sê và ra sức vận động mọi người chung tay tại thời điểm khó khăn này. Ban tổ chức cũng yêu cầu khán giả tham gia đêm nhạc không tặng hoa hay gấu bông, để dành chi phí tập trung cho việc quyên góp.

Trọn tấm lòng hướng về miền Trung

Nghệ sĩ biểu diễn trong đêm nhạc “Việt Nam tử tế…”. Ảnh: KIM THANH

Ấm áp tình người

Trước đó, đêm nhạc “Việt Nam tử tế: Cơn lũ qua đi – Tình người ở lại”, do ê-kíp Làn sóng xanh và Sát cánh cùng gia đình Việt của Đài VOH thực hiện, diễn ra tối 25-10 tại Nhà hát VOH mang về cho người dân miền Trung hơn 6 tỉ đồng. Trong đó, gần 5,2 tỉ đồng và áo ấm, chăn, nhu yếu phẩm, thuốc men (tương đương 1 tỉ đồng) – là số tiền quyên góp được từ đêm nhạc thiện nguyện này. Đây có thể nói là con số “trong mơ” bởi vì mục tiêu ban đầu đặt ra chỉ khoảng 2 tỉ đồng.

Đêm nhạc kể trên đã có nhiều khoảnh khắc xúc động, nhiều câu chuyện ý nghĩa được chia sẻ và hơn hết là tấm lòng tử tế của người Việt Nam đã được lan tỏa. Ca sĩ Hiền Thục tâm sự: “Những năm xa nhà mình mới thấm được 2 chữ “tha hương”. Dù đi đâu thì mình cũng là người Việt Nam, dù chỉ góp một chút xíu hay một điều nhỏ thì cũng phần nào làm ấm lòng đồng bào của mình. Cách nào cũng được, miễn là mình có lòng”. Đã có thính giả dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng vẫn muốn góp sức cho đồng bào. Một cặp vợ chồng công nhân ở Bình Dương đã không ngại đến tận đài mua cặp vé và gom hết số tiền dành dụm được trong 1 tháng là 3 triệu đồng để ủng hộ đêm nhạc. Hai thính giả lớn tuổi không còn đủ sức đi xem ca nhạc vẫn gọi điện thoại thông báo đóng góp 100 triệu đồng. Một bạn trẻ cùng với bạn bè thông báo với ban tổ chức quyên góp 500 triệu đồng, vài giờ sau đã báo lại 800 triệu đồng. Chưa kể rất nhiều thính giả muốn mua vé mà vé đã bán hết nhưng vẫn quyết định xin góp tiền và chỉ cần có 1 chỗ đứng trong khán phòng.

Tại đêm nhạc, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho biết sắp tới, anh cùng đồng nghiệp sẽ có hoạt động góp phần khắc phục hậu quả sau lũ, cụ thể là anh sẽ đến 5 tỉnh – thành bị thiệt hại nặng nhất, mỗi tỉnh – thành sẽ cố gắng xây lại hoặc sửa chữa khoảng 100 căn nhà, chưa kể những phần quà đặc biệt mà anh cùng bạn bè sẽ trao riêng.

Cũng trong đêm 25-10, chương trình “Vì miền Trung thương yêu” tại phòng trà Không Tên, với phần biểu diễn của các ca sĩ Phạm Quỳnh Anh, Lệ Quyên, Quang Lê, Nguyễn Hồng Nhung, Vy Oanh, nhóm hài Nam Thư, MC Vân Hugo… đã quyên góp toàn bộ doanh thu gửi đến những đồng bào đang còn oằn mình sau lũ. Lệ Quyên cũng chia sẻ: “Mong nắng ấm về với miền Trung, tất cả chi phí bán vé sẽ để ủng hộ đồng bào đang gặp khó khăn”. Đêm nhạc thiện nguyện Hạt giống tâm hồn – Vì miền Trung yêu thương tại Cà phê – Sách Hạt giống tâm hồn (TP HCM), diễn ra ngày 26-10 cũng thu hút sự chú ý của khán giả bởi màn đấu giá chiếc xe cổ Citroen (năm 1936, của Pháp). Chiếc xe được mua với giá 400 triệu đồng, cùng với số tiền quyên góp từ đêm nhạc, nhóm thiện nguyện Hạt giống tâm hồn sẽ dùng để giúp đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng lũ lụt.

Trong khi đó, đêm nhạc “Thương về miền Trung”, đã diễn ra vào ngày 18-10 tại tòa nhà Thông Tấn xã Việt Nam (TP HCM) cũng gặt hái thành công ngoài mong đợi với việc đóng góp và kêu gọi cộng đồng đóng góp, hỗ trợ người dân vùng lũ ở miền Trung. Các nghệ sĩ Hoàng Bách, Quý Bình, Hoàng Trang, Hà Vân, Thanh Thức, Tùng Anh, MC Nguyên Khang, diễn viên Ngọc Lan, Huy Khánh… không chỉ đóng góp tài lực riêng mà còn lan tỏa sức ảnh hưởng của mình cho các hoạt động quyên góp cứu trợ.

Cộng đồng fandom – những người hâm mộ nghệ sĩ nước ngoài tại Việt Nam, phần đông là giới trẻ – thay đổi định kiến của nhiều người khi tích cực đứng ra kêu gọi và quyên góp trong các hoạt động kêu gọi và tổ chức cứu trợ. Fanclub của hàng loạt ngôi sao quốc tế như: Xiao Zhan, Yang Yang, Hua Chen Yu (Trung Quốc)…; các nhóm nhạc BTS, EXO, Super Junior, Blackpink, Seventeen (Hàn Quốc)… đều kêu gọi người hâm mộ tích cực hướng về đồng bào miền Trung và nhận được hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng cùng nhiều vật dụng quần áo, lương thực, thuốc men…

(Nguồn: https://nld.com.vn/)

Đạo diễn Vân Trình đi hướng mới với Phòng trà Online

0

(Tác giả: Trâm Anh)

Giữa những ngày dịch bệnh, sân khấu ca nhạc, phòng trà hạn chế hoạt động, ca sĩ không có sân khấu biểu diễn, khán giả ít chương trình giải trí, Phòng trà Online của đạo diễn Vân Trình và ê kíp Công ty Top Group ra đời, mở màn cho hàng loạt ý tưởng về các chương trình ca nhạc dựa trên nền tảng công nghệ, thưởng thức và giao lưu trực tuyến…

Tính đến nay, Phòng trà Online đã thực hiện được những số đầu, hoàn toàn miễn phí đối với khán giả và không có tài trợ. Chương trình đầu tiên diễn ra vào tháng 5 với chủ đề Đêm nhạc sĩ, là cuộc hội tụ của các nhạc sĩ kỳ cựu của làng nhạc Sài Gòn vào cuối thập niên 1990, đầu những năm 2000, như: Tuấn Thăng, Minh Nhiên, Quốc An, Hoài An và Võ Hoài Phúc. Đầu tháng 7 đã diễn ra chương trình thứ hai là Đêm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề Những câu chuyện kể.

Dự kiến khi chương trình ổn định, ê kíp đã tìm hiểu đầy đủ thông tin về đối tượng khán giả, chương trình sẽ bắt đầu bán vé online, kêu gọi tài trợ. Đạo diễn Vân Trình, người  nghĩ ra ý tưởng Phòng trà online đã có những chia sẻ về dự án dài hơi này.

Phòng trà online, chữ “phòng trà” có vẻ hơi “đứng tuổi” trong khi “online” lại gần với giới trẻ hơn? 

Ý tưởng của chúng tôi là mang phòng trà ra một không gian mở, biến nơi không ai nghĩ có thể trình diễn được thành nơi trình diễn. Ví dụ hát trên núi, hát ở viện bảo tàng, hát trên rooftop… May mắn trong những chương trình đầu tiên, chúng tôi gặp Bến Du Thuyền, một địa điểm rất đẹp ở quận 7.

Chương trình lần hai cũng làm ở Bến Du Thuyền với điểm nhấn là những cầu thang nến. Số thứ ba, chúng tôi tìm kiếm một địa điểm khác, phù hợp với chủ đề Đêm ký ức.

Phòng trà Online là một nhánh của Live 2020, trong Live 2020, chúng tôi còn có các chương trình khác như The Show dành cho nghệ sĩ và khán giả trẻ, Live Concert, Live Showcase… Tất cả đều hướng đến khán giả cụ thể dựa trên nền tảng trực tuyến, từ mua vé, thưởng thức, giao lưu, đến bình luận. Chương trình sẽ phát trên website của công ty, facebook.

Hiện tại vì chương trình miễn phí, nên chúng tôi mở dành cho tất cả mọi người. Đến khi có bán vé thì khán giả sẽ nhập code vé để xem. Chúng tôi đang có nhiều ý tưởng và đã làm việc với các nghệ sĩ trong nước, nghệ sĩ Hàn Quốc để chuẩn bị cho các chương trình. Một phiên bản online dành cho giới trẻ rất thú vị tên là The Show, như khán giả sẽ mua đĩa của nghệ sĩ để có code vé xem chương trình. Nghệ sĩ và khán giả sẽ tương tác trực tiếp với nhau bằng hình ảnh, kiểu như chat video call khi xem chương trình, qua đó, dù online nhưng mọi thứ vẫn gần gũi.

Hiện tại, chương trình chưa bán vé thì ngân sách đến từ đâu? Khi nào chương trình dự định bán vé và dự kiến vé bao nhiêu?

Chúng tôi mở ra nhiều định dạng, ví dụ như các nhãn hàng, nhà tài trợ có thể tài trợ cho chương trình, lúc đó sẽ miễn phí. Hiện chúng tôi có ngân sách đầu tư dài hạn của Công ty để thực hiện phần sản xuất.

Các nghệ sĩ trong hai số đầu đều ủng hộ chương trình, có người hỗ trợ, có người lấy phí tượng trưng. Như Đàm Vĩnh Hưng không nhận cát sê nhưng gợi ý Công ty đóng góp vào quỹ thiện nguyện. Gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, gia đình Trần Mạnh Tuấn cũng ủng hộ hoàn toàn nhưng Công ty cũng trích một khoản phí để đóng góp Học bổng Trịnh Công Sơn.

Chúng tôi đang thăm dò khán giả nên thực hiện mọi thứ một cách chậm rãi, có tính toán, không quảng cáo và PR, để đo lường phản ứng của khán giả. Ở chương trình thứ hai, chúng tôi không quảng cáo chương trình nhưng đã có gần 50.000 lượt xem.

Đạo diễn Vân Trình đi hướng mới với Phòng trà Online

Không gian Phòng trà online Đêm nhạc Trịnh Công Sơn.

Chúng tôi dự định sẽ bán vé khi thực hiện khoảng bốn, năm chương trình. Khán giả chúng tôi hướng đến có phần quan trọng là người Việt hải ngoại, nhưng có một bất lợi là chương trình đang rơi vào khung giờ sáng, trưa của cộng đồng người Việt ở Mỹ, Anh, Úc…

Đối với người Việt Nam, để họ có thể trả tiền xem ca nhạc online là một vấn đề. Trong khi đó, ở hải ngoại bây giờ đang bị ảnh hưởng bởi COVID-19, hoạt động văn nghệ rất khó, mọi người cũng muốn nghe ca sĩ Việt Nam nên chi khoảng 10 USD để cả gia đình tụ tập ngồi coi ca nhạc online không phải là vấn đề. Nghệ sĩ và khán giả có thể tương tác với nhau qua các comment, đề xuất nghệ sĩ hát bài gì…

Với các chương trình bán vé, có thể chúng tôi sẽ bán một ít cho khán giả xem trực tiếp (100, 200 vé), còn lại bán vé online với giá chính thức sẽ công bố sau. Chúng tôi sẽ có các chương trình khuyến mãi, giảm giá, các gói thưởng thức linh động dành cho khán giả.

Nền tảng này, chúng tôi đầu tư để có thể thu hồi vốn trong năm sau chứ không hy vọng trong năm nay. Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện tốt nhất để giới thiệu format này đến khán giả, nghệ sĩ, các nhãn hàng. Nét đặc biệt là chúng tôi đầu tư rất lớn vào công nghệ âm thanh để mọi người có thể thưởng thức trọn vẹn, nghe rõ ràng từng tiếng nhạc cụ.

Đâu là khó khăn khi thực hiện chương trình online? 

Đó là nội dung. Vì ngay từ đầu chúng tôi nói rằng mình hướng đến sự khác biệt. Ví dụ như khi làm đêm nhạc Trịnh Công Sơn, chúng tôi mạo hiểm đưa một giọng hát còn non trẻ vào là Hoàng Trang.

Điều chúng tôi muốn thể hiện là sự quảng đại trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn, ai cũng có thể hát, người trẻ thì hát khác mà ca sĩ thành danh thì hát khác, tiếp cận khác… Khi Trần Mạnh Tuấn và con gái cùng trình diễn saxophone thì khán giả có thể thấy sự tươi mới bên cạnh sự trải nghiệm. Hoàng Trang quen hát với guitar, nay hát cùng band sẽ ra sao. Đức Tuấn quen diễn trên sân khấu lớn nhưng khi vào một không gian ấm cúng sẽ dịu mình lại ra sao…

Chúng tôi sẽ đem vào nét mới trong chương trình mình, dù có thể chủ đề âm nhạc không mới, các ca khúc là ký ức một thời. Cái khó thứ hai là địa điểm. Vì chúng tôi thường chọn không gian mở nên gặp những giới hạn, ví dụ ngoài trời thì gặp khó khăn thời tiết, làm trong nhà thì âm thanh bị dội… Nhưng điều đó chúng tôi đều nỗ lực thực hiện tốt vì chúng tôi hiểu rằng, trực tuyến, online chính là tương lai của việc thưởng thức nghệ thuật. Cả thế giới đã bắt đầu điều đó, gần nhất là Hàn Quốc, chúng ta cũng không thể khác được…

(Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/)

Nhạc sĩ Văn Ký ‘Bài ca hy vọng’ qua đời

0
Nhạc sĩ Văn Ký ‘Bài ca hy vọng’ qua đời

(Tác giả: NPV)

Nhạc sĩ Văn Ký – tác giả Bài ca hy vọng vừa trút hơi thở cuối cùng do tuổi cao sức yếu vào 9h20 sáng 26/10 tại bệnh viện Việt-Xô. Gia đình đã chuyển ông sang Bệnh viện 108, tang lễ dự kiến sẽ tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng.

Nhạc sĩ Văn Ký ‘Bài ca hy vọng’ qua đời

Nhạc sĩ Văn Ký (1928-2020)

Nhạc sĩ Văn Ký đã viết hơn 400 ca khúc, 2 ca cảnh, 1 tổ khúc giao hưởng vũ kịch. Ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật ngay đợt đầu tiên cho chùm năm bài hát: Trời Hà Nội xanh, Bài ca hy vọng, Tây Nguyên bất khuất, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Nha Trang mùa thu lại về.

Ông tên thật là Vũ Văn Ký, sinh ngày 1/8/1928 tại xóm Nhì, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định trong một gia đình có truyền thống nho học. Ông lớn lên trong gia đình người chú tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá. Văn Ký tham gia cách mạng từ 1943. Năm 1944, ông bị Pháp bắt, sau đó được chính quyền Nhật thả ra. Năm 1945, ông cùng dân quân huyện Nông Cống tham gia giành chính quyền. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1946. Cũng trong năm đó, ông hoàn thành ca khúc đầu tay Trăng xưa. Sau đó ông được cử đi học lớp âm nhạc Liên khu 4 tại Nghệ An.

Năm 1954, tại Đại hội văn công toàn quốc, ông giành giải thưởng lớn với 2 nhạc cảnh Dân công lên đường và Lúa thoái tô. Từ năm 1955 đến 1957, ông tham gia ban nhạc Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1957, ông trở thành hội viên sáng lập và sau đó là Ủy viên ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Ủy viên thường vụ của hội từ năm 1963 (khóa 1 và 2). Ông đã dự nhiều lớp học do chuyên gia nước ngoài hướng dẫn và được đi thực tập tại Liên Xô. Văn Ký được trao tặng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng 3, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huân chương Độc Lập hạng 3.

Nhiều ca khúc của Văn Ký đậm chất trữ tình, trong sáng được đông đảo công chúng yêu thích. Tiêu biểu là Bài ca hy vọng ra đời năm 1959, được rất nhiều ca sĩ thể hiện từ Khánh Vân, Mỹ Bình, Trung Kiên, Lê Dung, Hồng Nhung, Lan Anh, Rơ Chăm Phiang và gần đây là Tùng Dương. Ông đã xuất bản 3 đĩa nhạc Gửi về đất mẹ, Bầu trời tuổi thơ và Tiếng đàn người thiếu phụ gồm các ca khúc phổ thơ. Một trong những sáng tác cuối cùng của ông là COVID phải lùi xa viết hồi tháng 6 năm nay.

(Nguồn: https://www.tienphong.vn/)

Dàn nhạc giao hưởng nhí đầu tiên của Việt Nam gây quỹ ủng hộ miền Trung

0
Dàn nhạc giao hưởng nhí đầu tiên của Việt Nam gây quỹ ủng hộ miền Trung

(Tác giả: PV)

Toàn bộ số tiền bán vé đêm “Gala Concert – Junior Maius Orchestra” ngày 31/10 tại L’Espace 24 Tràng Tiền, Hà Nội sẽ được gây quỹ ủng hộ miền Trung ruột thịt.

Diễn ra từ 20 – 22h ngày 31/10,  “Gala Concert – Junior Maius Orchestra” được trình diễn bởi các nghệ sĩ nhí cùng các thầy cô thành viên của dàn nhạc Maius Philharmonic với sự dàn dựng của nhạc trưởng Lưu Quang Minh.

“Gala Concert – Junior Maius Orchestra” là sân khấu để các bạn nhỏ hàng năm trình diễn với một tinh thần trong sáng nhất của tuổi thanh thiếu niên.

Đó vừa là niềm vui khi được chơi nhạc cùng nhau, vừa nuôi dưỡng đam mê với âm nhạc cổ điển. Và hơn thế nữa các bạn đã dùng chính đam mê đó tạo ra giá trị bằng nghĩa cử cao đẹp cho những số phận kém may mắn trong xã hội.

Dàn nhạc giao hưởng nhí đầu tiên của Việt Nam gây quỹ ủng hộ miền Trung Toàn bộ số tiền bán vé đêm “Gala Concert – Junior Maius Orchestra” sẽ được gây quỹ ủng hộ miền Trung ruột thịt.

Nhạc trưởng Lưu Quang Minh cho biết, chứng kiến sự tàn phá của đợt lũ dài khiến khúc ruột miền Trung oằn mình chống chọi, các nghệ sĩ của “Gala Concert- Junior Maius Orchestra” năm nay sẽ gây quỹ toàn bộ số vé bán được để ủng hộ miền Trung. Giấc mơ của mỗi đứa trẻ đều quý giá và xứng đang được nâng niu, trở thành điều kỳ diệu.

Cũng theo nhạc trưởng Lưu Quang Minh, năm nay chương trình gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức chương trình học cho các bạn nhỏ vì lý do dịch bệnh toàn cầu Covid-19. Toàn thể giáo viên, phụ huynh và ban tổ chức đều quyết tâm đợi cho dịch bệnh lắng xuống để tiếp tục hành trình cho các nghệ sĩ nhí Junior Maius. Các bạn nhỏ sẽ trình diễn với một trái tim ấm và cảm xúc thăng hoa.

“Gala năm nay mong muốn mang đến hơi thở đương đại bởi nhạc mục đậm dấu ấn của thể kỷ 20 với các tác giả mới như Sergey Sergeyevich Prokofyev, Maurice Ravel, Leonard Bernstein, Ennio Moricone.

Tài năng nhí Minh Quân.

Chương trình gây ngạc nhiên khi chơi một số bản nhạc phim như Star war, The pirates of Caribe… Một số tài năng khí nhạc nhí sẽ biểu diễn trong đêm này như Anh Quân (học bổng top 1 sau 2 năm tham gia ngồi dàn nhạc với 1 năm kinh nghiệm vị trí concertmaster (bè trưởng – violin 1) của dàn nhạc nhí; Ngọc Minh (top 2) và Phúc Thịnh (top 3).

Điều thú vị mà nhạc sĩ Lưu Quang Minh biên tập cho chương trình là các chủ đề giao hưởng của một số tác giả như Antonín Leopold Dvořák, Ludwig van Beethoven, các trích đoạn nhạc phim nổi tiếng được chuyển soạn phù hợp với trình độ của các bạn nhỏ.

Ngọc Minh (top 2).

Các chương trình giao hưởng ở Việt Nam trước đây hầu hết chỉ dành cho một thị phần nhỏ khán giả yêu nhạc cổ điển và luôn quy định không dẫn theo trẻ em dưới 8 tuổi.

Phúc Thịnh (top 3).

Tuy nhiên với Gala Concert – Junior Maius Orchestra, các vị khách không chỉ là khán giả trưởng thành mà còn là những cô bé, cậu bé đang chập chững hình thành nhân cách sống, định hình cá tính thì âm nhạc có thể giúp những đứa trẻ mở thêm một thế giới quan khác mà chúng chưa từng biết tới.

(Nguồn: https://dantri.com.vn/)

Nhạc sĩ Phú Quang nhận Giải thưởng lớn – Vì tình yêu Hà Nội

0
Nhạc sĩ Phú Quang nhận Giải thưởng lớn – Vì tình yêu Hà Nội

(Tác giả: Yến Anh)

Hạng mục Giải thưởng lớn – Vì tình yêu Hà Nội đã được trao cho nhạc sĩ Phú Quang vì đã sáng tác những ca khúc bất hủ về Hà Nội, thể hiện một tình yêu đau đáu với Thủ đô.

Lễ trao giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 13-2020 đã được Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức vào 7-10 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, Hà Nội.

Năm nay, Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội được trao cho nhạc sĩ Phú Quang đúng dịp 1010 năm Thăng Long – Hà Nội. Sinh năm 1949, nhạc sĩ Phú Quang trở thành người trẻ tuổi nhất trong bảng vàng Giải thưởng Lớn.

Nhạc sĩ Phú Quang nhận Giải thưởng lớn – Vì tình yêu Hà Nội

Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội được trao cho nhạc sĩ Phú Quang

Phú Quang viết như mê và cũng làm người Hà Nội say đắm ông đến cùng cực. Những giai điệu tạo dựng nên một “nét văn hóa” Phú Quang không lẫn vào đâu. Phú Quang có thể “tả xung hữu đột” trong lãnh địa ca khúc, nhạc phim, nhạc giao hưởng để “đóng đinh” tên mình vào lịch sử âm nhạc Việt Nam. Nhưng nỗi nhớ Hà Nội vẫn là nguồn năng lượng vô tận của anh trong hành trình khẳng định vị thế của mình trở thành “công dân ưu tú” của Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý trao “Giải tưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội” cho gia đình nhạc sĩ Phú Quang.

Hội đồng giám khảo tin tưởng rằng, đây sẽ là một sự khởi đầu tươi mới, để các năm tiếp theo, Bảng vàng Giải thưởng Lớn sẽ tiếp tục mở ra với những gương mặt đầy sung sức đang nỗ lực cống hiến cho Hà Nội.

(Nguồn: https://nld.com.vn/)

‘Gót hồng’ – khúc hát giai nhân

0
‘Gót hồng’ – khúc hát giai nhân

(Tác giả: Hà Thu)

Khi sáng tác bài “Gót hồng”, nhạc sĩ Bảo Phúc nhớ hình ảnh mẹ gánh hai thùng bánh, đi xiêu vẹo trong mưa.

‘Gót hồng’ – khúc hát giai nhân

Gót hồng ra đời năm 1992 nhưng đến năm 1998 mới phổ biến khi được ca sĩ Lam Trường trình diễn trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam. Lam Trường nhớ lại năm ấy, khi anh hát “Kìa đêm nay, bao nhiêu gã si tình thành đá ngây dại vì dáng em”, pháo hoa bùng lên rực rỡ trước dàn người đẹp. Khán giả trong nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP HCM) liên tục vỗ tay, huýt sáo cổ vũ.

“Đó là giây phút tuyệt vời mà tôi không bao giờ quên. Mọi thứ lúc ấy quá đẹp, từ cảm xúc tới ca từ. Giữa một rừng giai nhân, tôi thấy bay bổng” Lam Trường nói. Từ đó, Gót hồng trở thành ca khúc gắn với sự nghiệp của anh. Suốt hơn 20 năm, khi biểu diễn ở bất cứ sân khấu nào ở trong hay ngoài nước, anh đều được yêu cầu hát bài này.

Trên nền giai điệu nhẹ nhàng, bài hát là lời của một gã si tình dành cho người con gái mình si mê. Trong mắt anh, cô gái hiện lên uyển chuyển, dịu dàng. Thế nhưng sinh thời, nhạc sĩ Bảo Phúc chia sẻ ông lấy cảm hứng sáng tác ca khúc từ mẹ.

Cố nhạc sĩ từng kể một lần, khi đạp xe đi học, ông gặp mẹ xách hai thúng bánh bột lọc, đội nón đi bộ trong mưa. Hình ảnh mẹ xiêu vẹo trên đường đi khiến chàng thiếu niên khi ấy bật khóc. Nhiều năm sau, trong một lần cảm tác nét đẹp phụ nữ, anh nhớ tới những bước chân liêu xiêu của mẹ. Anh đặt hình ảnh ấy vào khung cảnh thơ mộng, khiến mọi thứ trở nên hư ảo.

“Ngỡ ngàng
Thời gian như lắng đọng
Và khắp nhân gian
Đang chìm trong mộng
Gót hồng
Nhẹ nhàng xoay theo điệu múa
Cùng dáng em
Cùng bước chân thần tiên”

Trong tâm tưởng của kẻ “đứng xa mà ngắm gót chân”, từng chuyển động của người phụ nữ hiện lên tinh tế, yêu kiều, như một điệu múa thần tiên. Giọng ca của Lam Trường vừa có nét nam tính, vừa ẩn chứa tình cảm dịu dàng như một lời tỏ tình.

“Gót hồng
Dịu dàng xoay giữa khung trời
Để sắc hương
Xô nghiêng dòng đời
Gót hồng
Nhẹ nhàng xoay theo lời hát
Cùng bước em
Rực cháy lên rạng ngời”

Trong quan niệm dân gian, phụ nữ đẹp thường bị dòng đời xô đẩy, chịu nhiều truân chuyên. Thế nhưng Bảo Phúc đã lật ngược cách nghĩ đó khi vẽ lên hình ảnh “sắc hương xô nghiêng dòng đời”. Người phụ nữ trong ca khúc e ấp, yêu kiều nhưng vẫn toát lên nét mạnh mẽ, tự tin.

“Kìa đêm nay
Bao nhiêu gã si tình
Thành đá ngây dại vì dáng em
Và đêm nay
Một đêm sắc hương nghê thường
Cùng bước em
Rực cháy lên rạng rỡ”

Gót hồng không chỉ ngợi ca vẻ đẹp ngoại hình mà còn khắc họa tâm hồn tinh khiết, thơ ngây, sự tự tin của phụ nữ Việt. Ca khúc từng được Kasim Hoàng Vũ, Hà Anh Tuấn, Bằng Cường thể hiện. Tuy nhiên, phiên bản gốc do “anh hai” Lam Trường thể hiện đi vào lòng người nghe. Giọng ca đặc biệt cùng phong cách trình diễn lịch lãm của anh để lại ấn tượng sâu đậm.

Với Lam Trường, Gót hồng cũng là một kỷ niệm đẹp, một nhạc phẩm anh trân trọng trong sự nghiệp. Dù trình diễn bài hát hàng nghìn lần, anh không sợ cũ kỹ bởi luôn thể hiện nét mới mẻ qua bản phối khí, cách trình diễn. “Trong âm nhạc có những thứ không bao giờ lỗi thời, không sợ nó cũ đi. Gót hồng là một nhạc phẩm như thế”, anh nói.

(Nguồn: https://vnexpress.net/)

Hà Nội – JF Garage Concert 20 – Tinh thần thời đại với Glanz String Quartet & friend

0

Hà Nội – JF Garage Concert 20 – Tinh thần thời đại với Glanz String Quartet & friend

20:00 – 21:30, Thứ Sáu 30/10/2020

Sân khấu ngoài trời (Số lượng ghế: 150 ghế)

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – 27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam giới thiệu chương trình hòa nhạc sân vườn lần thứ 20 “Tinh thần thời đại” với nhóm Glanz String Quartet & friend tại Hà Nội.

Tứ tấu dây Glanz String Quartet được thành lập vào mùa xuân năm 2020, gồm bốn nghệ sĩ Hojin Kim (violin), Nguyễn Mỹ Hương (violin), Patcharaphan Khumprakob (viola) và Phan Đỗ Phúc (cello).

Các thành viên của Glanz String Quartet là nghệ sĩ độc tấu, hòa tấu và nhạc công dàn nhạc. Họ đã tham gia biểu diễn cùng nhiều dàn nhạc danh tiếng thế giới. Các thành tựu và giải thưởng âm nhạc của họ đã khẳng định sự thành công trong nghề của nhóm nghệ sĩ trẻ.

Trong buổi hòa nhạc này, Glanz String Quartet và nghệ sĩ violin Nguyễn Huyền Anh sẽ trình diễn các tác phẩm của A. Dvořák, J.M. Leclair, J. Haydn, W.A. Mozart, R. Glière, WhiteFlame, J.Hisaishi, Danish String Quartet.

Vé mời được phát (mỗi người nhiều nhất 2 vé)
Thời gian: từ 12:00 ngày thứ Ba 20/10/2020
Địa điểm: Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam
(27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Giờ mở cửa hàng ngày: 09:30 – 18:00 (Chủ nhật nghỉ)

Chuỗi hòa nhạc thính phòng ngoài trời của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản diễn ra với mong muốn góp phần vào hoạt động âm nhạc đa dạng tại Hà Nội qua giới thiệu các tác phẩm của các nhà soạn nhạc Nhật Bản, Việt Nam và quốc tế, được biểu diễn bởi các nghệ sĩ danh tiếng.

(Nguồn: https://hanoigrapevine.com/)

THÔNG BÁO: HỌP MẶT NHÂN “NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM 20/10”.

0
THÔNG BÁO: HỌP MẶT NHÂN “NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM 20/10”.

Nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Hội Âm nhạc Hà Nội sẽ tổ chức buổi gặp mặt thân mật với tất các hội viên là nữ giới để tri ân và tôn vinh những sáng tạo nghệ thuật âm nhạc của các bác, các cô, các chị và các em là hội viên của Hội Âm nhạc Hà Nội.

Ban chấp hành Hội Âm nhạc Hà Nội xin được gửi tặng những đóa hoa tươi thắm nhất và kính chúc các nhạc sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ thuộc phái đẹp sẽ có thêm những cống hiến của mình trong hoạt động âm nhạc, luôn được bình an, hạnh phúc trong mái ấm gia đình.

Kính mời tất cả các nhạc sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ thuộc phái đẹp là hội viên của Hội Âm nhạc Hà Nội đến tham dự cuộc họp mặt này vào lúc 09h00 ngày 19/10/2020 tại Hội trường Hội Âm nhạc Hà Nội, số 19 Hàng Buồm – Hà Nội.

Xin trân trọng thông báo.

Giới thiệu Tác phẩm mới tháng 10/2020

0

Tác giả: Quỳnh Anh

Ngày 15/10/2020, tại Hội Âm nhạc Hà Nội số 19 Hàng Buồm – Hà Nội đã diễn ra chương trình Giới thiệu Tác phẩm mới với chủ đề “Giai điệu tháng 10” để tôn vinh tinh thần sáng tạo nghệ thuật của các nhạc sĩ Thủ đô với tình yêu quê hương đất nước, biển đảo Việt Nam. Chỉ đạo nội dung: NS Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, Biên tập: NS Bá Môn, Kịch bản và MC: NS Nguyễn Tiến Mạnh, Kỹ thuật: Đức Hậu, Vi tính: NS Minh Đức, Livetream Nguyễn Hoàng Huy, Vũ Doãn Vỹ.

Đến tham dự chương trình gồm có: NS Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, NS Lân Cường – PCT Thường trực, NS – Bá Môn – PCT Hội, NS Cát Vận – PCT Hội đồng nghệ thuật cùng với đông đảo các nhạc sĩ là Hội viên của Hội Âm nhạc HN.

Chương trình Giới thiệu Tác phẩm mới của Hội Âm nhạc Hà Nội được diễn ra vào ngày 15 hàng tháng đã trở thành hoạt động thực tế, khích lệ sự sáng tạo của các nhạc sĩ hội viên để luôn có những sản phẩm âm nhạc mới, mang hơi thở của cuộc sống đương thời. Bên cạnh đó những ca khúc hay, có chất lượng về nội dung nghệ thuật cũng đã được thu thanh tại Đài TNVN và được vang lên trong chương trình Giới thiệu Tác phẩm mới trên Đài TNVN đồng thời lại thêm một lần nữa được giới thiệu tại Hội Âm nhạc Hà Nội – Ngôi nhà chung của các nhạc sĩ Thủ đô.

Theo nhận xét của NS Cát Vận thì chương trình lần này bao gồm những tác phẩm với nhiều đề tài khác nhau như: viết về biển, đảo Việt Nam, viết về vẻ đẹp truyền thống của những miền quê, ca ngợi người Mẹ… Đặc biệt với sự đa dạng trong các phong cách âm nhạc khác nhau và cách tiếp cận đề tài phong phú, gần gũi, mang hơi thở cuộc sống đương thời đã ghi nhận sự lao động sáng tạo nghệ thuật của các nhạc sĩ hội viên.

Sau đây là một số hình ảnh:

 

Live concert Thu và Tình yêu

0
Live concert Thu và Tình yêu

(Tác giả: Thảo Nhi)

Live concert Thu và Tình yêu

Live Concert Quang Dũng – Thu Phương với khách mời là ca sĩ Bằng Kiều hứa hẹn mang đến cho khán giả những bản tình ca ngọt ngào và lãng mạn trong những ngày thu Hà Nội đúng dịp lễ 20/10 này. Đêm nhạc diễn ra lúc 20h ngày 20/10 tại Nhà hát Âu Cơ (số 8 Huỳnh Thúc Kháng).

Chương trình sẽ mở đầu bằng ca khúc Bên nhau ngày vui (Quốc Dũng) như một lời chào cho sự hội ngộ của các nghệ sĩ và khán giả sau một thời gian dài xa cách bởi dịch Covid-19.
Phần một của chương trình sẽ là những ca khúc về mùa Thu như: Thu quyến rũ (Đoàn Chuẩn – Từ Linh), Mùa Thu cho em (Ngô Thuỵ Miên)… được thể hiện bởi Quang Dũng.

Bên cạnh đó, giọng hát ngọt ngào của Thu Phương cũng sẽ ngợi ca những cuộc tình đẹp như mùa thu qua ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội (Trần Quang Lộc). Quang Dũng và Thu Phương cũng thể hiện những ca khúc trữ tình lãng mạn khác như Thu ca (Phạm Mạnh Cương), Về đây nghe em (Trần Quang Lộc), Biển nỗi nhớ và em (Phú Quang)…

Phần thứ hai gồm những ca khúc trữ tình, lãng mạn ca ngợi tình yêu. Đây có thể coi là những món quà quý giá mà những người đàn ông ngồi dưới khán phòng gửi tặng những nguời phụ nữ của mình. Đó là những ca khúc như Vị ngọt đôi môi (Lê Hựu Hà), Vì đó là em (Diệu hương), Yêu thương mong manh (Đức Trí).

Thu Phương trở lại Hà Nội – trở lại nơi chốn cũ đầy kỷ niệm dù cô không sinh ra ở mảnh đất này. Ở đó, lưu giữ kỷ niệm cả thời thanh xuân của cô. Vì thế, mỗi lần cất tiếng hát, cô vẫn muốn hát những bài hát viết về Hà Nội: Đêm nằm mơ phố (Việt Anh), Hà Nội 12 mùa hoa (Giáng Son), Trăng dưới chân mình (Trần Lê Quỳnh).

Đặc biệt nhất trong Live Concert lần này chính là sự xuất hiện của khách mời Bằng Kiều. Bằng Kiều mang đến cho khán giả những giây phút vui vẻ bằng tiết mục hài rất dí dỏm của anh và các cộng sự.

Bên cạnh đó, anh sẽ thể hiện một số ca khúc tặng khán giả và cùng với MC của chương trình là nhà báo Ngô Bá Lục và Phan Anh sẽ tặng những món quà có giá trị tới hàng trăm triệu đồng.

(Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/ – Ảnh: NVCC)